Mỗi sáng sớm đầu tuần, các Tạp Vụ Sinh phải thức dậy trong khi phần lớn môn phái vẫn đang say giấc nồng.
Có rất nhiều việc phải được thực hiện trước khi mặt trời mọc.
Quét dọn, chuẩn bị học thất cho giờ giảng buổi sáng, xuống chân núi nhận thực phẩm… Cứ theo bảng phân công ai làm việc nấy.
Cho tới khi mặt trời lên quá ngọn cây, các Tạp Vụ Sinh lại tập hợp về để cùng tham dự Triều Khóa, tức là lớp giảng Đạo buổi sáng.
Được tham dự Triều Khóa giống tất cả các môn sinh khác được coi là 1 quyền lợi vô cùng quan trọng với các Tạp Vụ Sinh.
Điều này cho thấy họ vẫn là đệ tử của môn phái, vẫn được học tập và khai sáng, vẫn là những Tu Tiên Giả trên con đường tầm Đạo.
Triều Khóa, 1 hoạt động truyền thống diễn ra hàng ngàn năm nay trên Trúc Sơn, mỗi tuần 1 lần, luôn được cử hành tại 1 khoảng sân rộng lớn mênh mông nằm ở lưng chừng núi.
Nơi đó được gọi là Đại Giáo Trường.
Khoảng sân này rộng lớn bằng vài sân vân động cấp quốc gia của Đại Nam.
Rìa của nó nhô hẳn ra khỏi núi, nhìn xuống là vực thẳm cheo leo.
Đầu kia của Đại Giáo Trường được bao bọc bởi các vòm đá khổng lồ, có tác dụng giống như các mái vòm nhà hát.
Chỉ cần đứng trên bục thuyết giảng nói khẽ 1 câu, âm thanh sẽ được khuếch đại tới khắp sân.
Đại Giáo Trường vào mỗi buổi sáng đều sẽ tập hợp tất cả sư sinh của Trúc Sơn Phái.
Toàn bộ 24 Đường, bao gồm Đạo sư, môn sinh, cho tới nhân sự lao công đều được phép có mặt để nghe thuyết giáo.
Cũng có 1 vài trường hợp vắng mặt, nhưng nhìn chung đa số đều sẽ tập hợp đầy đủ.
Vì Triều Khóa luôn là cơ hội cho các môn sinh tìm kiếm cảm ngộ cũng như cơ duyên đột phá.
Đường tu luye ẹ lắm trắc trở và bế tắc, ít ai dám bỏ lỡ dù chỉ là 1 cơ hội nhỏ nhất để tiến bước.
Chủ trì mỗi buổi Triều Khóa phải là 1 trong 10 vị trí đầu, Thập Đại Tiên Nhân của Trúc Sơn Phái.
Ngoại trừ Chưởng môn Trúc Chân Nhân Tưởng Đại Minh thường xuyên ra ngoài phiêu bạt, 9 vị còn lại vẫn vô cùng mẫn cán thay phiên nhau đứng lớp.
Mỗi buổi Triều Khóa, tùy vào sở thích hay tâm trạng của người chủ trì, nội dung có thể thiên biến vạn hóa rất khó lường.
Có khi sẽ là 1 buổi giảng đạo đơn thuần.
Có hôm lại thành 1 buổi thiền định tập thể.
Có lúc lại là giải đáp thắc mắc.
Vì Đạo của mỗi người mỗi khác, cảm ngộ đều tùy cơ duyên, chẳng ai nói trước được cách nào hay cách nào dở.
Chỉ biết rằng mỗi vị Trưởng lão đứng trên bục giảng đều lấy hết cái Tâm của mình ra để truyền dạy đám sư đồ.
Hôm nay tới lượt Đường Thái Nguyên cầm đầu buổi Triều Khóa.
Vốn không có sức ảnh hưởng rộng rãi tới toàn môn phái như Vũ Đăng Phiên của Luyện Dược Đường, không được quyền cao chức trọng như Chưởng môn đại nhân, cũng chẳng phải là người được biết tới hay yêu quý rộng rãi gì, những buổi Triều Khóa của vị Đệ Nhị Trưởng lão này lại rất được tôn trọng và đón chờ.
Bởi Định Chế Hệ là 1 trường phái vô cùng khó.
Bởi để có thể am hiểu Định Chế Hệ, đòi hỏi lượng kiến thức vô cùng uyên thâm và vững vàng.
Đại năng trong các trường phái khác còn có thể là ăn may, cũng có thể là thiên phú khó lý giải.
Đại năng Định Chế Hệ thì chắc chắn không có chuyện ăn may, càng không thể mù mờ lý thuyết.
Dù rằng đa số những kẻ ngồi đây không có hứng thú hay năng lực gì với hệ Định Chế, nhưng những nguyên lý của Định Chế cũng đồng thời là nguyên lý của Tiên Thuật.
Được nghe 1 Định Chế Sư tiếng tăm như Đường Thái Nguyên đích thân thuyết giảng, giá trị thu về lớn tới không thể đo đếm, mới khiến người ta cảm thấy bõ công trèo đèo lội suối lên Trúc Sơn tầm Đạo.
Đường Thái Nguyên xưa nay vô cùng ưa thích những buổi Triều Khóa này.
Sự chăm chú và hào hứng của môn sinh cũng chính là động lực và nhiên liệu đốt lên ngọn lửa đam mê với nghề giảng dạy.
Có người tu Tiên chỉ vì Đạo của bản thân, cũng có người mong muốn đem Đạo của mình phổ độ cho người khác.
Nhưng hôm nay lão bỗng cảm thấy khó chịu trong người.
Vì lão biết rằng trong đám đông môn đồ kia, ẩn lẫn trong vô vàn những ánh mắt háo hức với tri thức và cảm ngộ, sẽ có 3 đứa nhóc thờ ơ với những lời vàng ý ngọc của lão.
Thứ nhất là Thanh Phong.
Thằng này vừa bị lão bắt ra khỏi phòng hôm qua, cho tái hòa nhập với loài người.
Thằng nhãi ngay lập tức lật mặt nhanh như bánh tráng, bàn chân vừa bước khỏi ngưỡng cửa, thì đột ngột biến hình từ 1 đứa tự kỉ ghét ánh mặt trời, trở thành mỹ nam hòa nhã lịch thiệp, quảng giao với mọi người.
Màn lật mặt này trắng trợn tới nỗi Đường Thái Nguyên suýt ngã ngửa xuống đất.
Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.
Nguyễn Thanh Phong những tưởng là 1 đứa hiền lành tử tế, kì thực vẫn giống y như đúc thằng bố nó ở khoản lật mặt và sống giả tạo.
Giờ thằng nhãi đã đeo lên cái mặt nạ hòa đồng, cũng tới dự Triều Khóa y như ai, nhưng dám chắc những đạo lý cao siêu của Đường Thái Nguyên, nó sẽ không bỏ vào đầu được 1 câu.
Thứ 2 là Hồng Vân.
Những tưởng con nhỏ này sẽ là mầm mống gây ra nhiều rắc rối, hoặc ít nhất cũng sẽ gây chuyện rùm beng, nhưng lên Trúc Sơn rồi, Đường Thái Nguyên cũng không nghe ngóng thấy chuyện gì bất thường.
Không thấy Phan Ngọc Liễu có gì phàn nàn.
Có thể vì còn lạ nước lạ cái nên chưa dám manh động, hay vì quá nhập tâm với cuốn Trúc Sơn Tâm Pháp? Lão cũng chỉ mong sao là trường hợp thứ 2 xảy ra.
Con nhỏ này nhìn nhân dạng rõ ràng không phả loại chịu an yên bình lặng, mà nó gây chuyện thì lại tốn công Đường Thái Nguyên đứng ra giải quyết.
Mà những lý thuyết của lão cũng chỉ có ích lợi cho kẻ tu Tiên.
Ý tứ trong đó cũng đều học từ Trúc Sơn Tâm Pháp.
Giờ con nhỏ cầm luôn bản gốc, tự mò mẫm ra hướng đi riêng, chẳng lẽ còn cần nghe lão thuyết giảng.
Với tính cách ngang tàng của đứa trẻ này, Đường Thái Nguyên dám chắc là không.
2 đứa con bất trị của Nguyễn Bạch, biết rõ ràng là sẽ phớt lờ lời mình nói, nhưng vẫn ngồi dưới kia ra vẻ nghe giảng, khiến lão thấy hơi bực trong lòng.
Cha nào con nấy, cảm giác này có khác gì xuất hiện 1 tên Nguyễn Bạch ngồi ngay hàng đầu, giả bộ chăm chú nghe giảng, giả bộ gật gù, giả bộ vỗ tay nhiệt liệt không? Cảnh tượng như vậy chẳng phải rất khiến người ta cay cú hay sao?
Còn lại đứa nhọc họ Vương kia.
Cho nó vào Tạp Vụ Đường, cũng là để tránh đi ánh mắt soi mói của người ngoài.
Mới tiến nhập tông môn, Tạp Vụ Đường chẳng phải là nơi tất nhiên phải vào hay sao? Tỏ sự quan tâm đặc biệt với nó, người ngoài chú ý, lại bằng cách nào đó phát hiện ra nó là người Đại Nam, mà kinh hoàng hơn nữa còn mang dòng máu Vương tộc, ấy thì quá trời phiền phức.
Cho nó làm 1 đứa Tạp vụ, ít người chủ ý, chỉ cần không gây chuyện lung tung, vậy là đủ.
Nếu có thể nghiêm túc tu luyện theo Công pháp của Trúc Sơn, qua trung gian là Bạch Long Hạch, vậy thì tiến trình tu luyện chẳng có gì khó khăn.
Thằng nhóc đó có thể không ương bướng như 2 đứa kia, nhưng ngồi nghe giảng thế này, vốn từ vựng Bắc Hà còn hạn chế.
Điều lão muốn nói lại đều là lý thuyết cao thâm phức tạp, đảm bảo nó nghe chẳng hiểu chút nào.
Cơ duyên mà bao người hằng ao ước, có kẻ dễ dàng đạt được lại chẳng mảy may quý trọng.
Đường Thái Nguyên cảm thán.
Bước đi trên Tiên Đạo, thứ được gọi là cơ duyên này những tưởng nhảm nhí, kì thực lại vô cùng quan trọng.
Triều Khóa diễn ra trong 2 canh giờ.
Khi người chủ trì kết thúc, Đại Giáo Đường cũng náo nhiệt hẳn lên.
Kẻ trở về môn nội, người ở lại thảo luận, cũng có 1 bộ phận tản mát đi khắp môn phái làm việc riêng.
Đối với họ 1 tuần mới chỉ vừa bắt đầu.
Tạp Vụ Sinh của Tạp Vụ Đường lại không nhàn hạ được như vậy.
Tất cả lại trở về Tạp Vụ Đường, tiếp tục thực hiện công việc thường ngày.
Cho tới khi trời xẩm tối, Văn mới có thể trở về phòng.
Gian phòng nhỏ được ngăn vách đôi, phía bên kia là Tiểu Xí hẳn đã lăn ra ngủ.
Ngày đầu tuần đối với Tạp Vụ Sinh là mệt mỏi nhất, vì họ vừa phải làm công vụ của môn phái vừa phải tham dự Triều Khóa.
Màn đêm buông xuống, tịch mịch và lặng lẽ.
Tiếng xào xạc của rừng trúc, tiếng ve kêu, tiếng ếch ộp, tiếng chim chóc trở về tổ… kèm tiếng ngáy của Tiểu Xí bên kia vách là những âm thanh duy nhất lọt tới tai Văn.
Tạp Vụ Sinh ít nhất cũng có được 1 nơi tạm gọi là không gian riêng, và hoàn toàn được phép tu luyện những khi rảnh rỗi.
Nhưng vì nay là đầu tuần, khắp các dãy nhà xung quanh có lẽ chỉ mình Văn còn thức.
Hắn lôi trong túi đồ ra 1 cuốn sách, thứ hắn mượn được trong 1 buổi trực Kinh Thư Viện.
Cũng tương tự như thư viện trong trường Kình Ngư, Kinh Thư Viện cho phép bất kì ai trong môn phái tới mượn sách.
Tạp Vụ Sinh chỉ được mượn sách ở gian đầu tiên, và Văn cũng không có nhu cầu cao hơn.
Kinh sách tiếng Bắc Hà đối với hắn vẫn quá khó đọc.
Hắn chỉ muốn tìm cuốn nào có nội dung đơn giản dễ hiểu, vừa để duy trì thói quen đọc sách, vừa để trau dồi thêm tiếng Bắc Hà.
Sách cho trẻ vỡ lòng đương nhiên không có.
Hắn chợt nghĩ tới việc tìm các tác phẩm văn học Bắc Hà mà hắn từng được học trong trường Kình Ngư.
Đều là tác phẩm đã đọc qua, giờ đọc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của tác giả, hẳn sẽ giúp hắn làm quen với ngôn ngữ này nhanh hơn.
Nghĩ vậy, Văn ngay lập tức lượn lờ vài vòng quanh Kinh Thư Viện, sau khi để đầu óc bớt choáng váng giữa mênh mông biển cả thứ ngôn ngữ lạ, cuối cùng cũng lần mò ra được khu vực sách Văn học.
Hắn không đọc nổi tên riêng của từng tác giả, vì tên người được viết bằng những kí tự quá khó.
Hắn đành dựa theo tên tác phẩm rồi lần mò đoán xem cái tên ấy trong tiếng Đại Nam là gì.
Dần dà hắn cũng đã tìm ra 1 vài cái tên quen thuộc.
Nhưng những cái tên ấy đột ngột gợi nhắc hắn nhớ về những buổi học bổ túc với cô bạn thời thơ ấu, trong lớp học nhỏ của trường Kình Ngư, trong cái nóng oi ả của 1 mùa hè đầy biến động.
“Nếu Linh có mặt ở đây, hẳn cậu ấy sẽ thích thú lắm”.
Hắn vẫn nhớ khao khát của cô bạn là được tới Bắc Hà, tới miền đất của Linh lực và Văn hóa.
Hắn nhớ rõ ánh mắt long lanh tràn đầy đam mê nhiệt huyết của cô khi giảng giải về các tác phẩm thi ca nơi này.
Giờ đây, hắn lại là kẻ đứng trên mảnh đất Bắc Hà, còn cô chắc vẫn ở Long Thành, nơi mà hắn từng khao khát muốn tới.
Những kí ức xưa cũ bằng 1 cách nào đó ồ ập ùa về không cách nào ngăn cản, kéo theo đó là 1 cảm giác trống vắng vô định mà Văn không thể nào giải thích.
1 mình hắn giữa Thư viện mênh mông này, giữa hàng vạn hàng triệu cuốn sách, nhưng nỗi cô đơn lại đến từ chính bên trong, lại còn cồn cào và nhức nhối hơn sự tịch mịch quạnh hiu bên ngoài.
3 năm trước, hắn không hiểu thứ cảm giác này là gì.
3 năm sau, hắn vẫn chưa thể lý giải.
“Nếu mình hỏi Linh, có lẽ cô ấy sẽ có thể giải thích cho mình.
Cô nàng rất nhanh nhạy đối với mấy chuyện tâm lý này mà”.
Văn nghĩ.
Hắn thôi không thắc mắc về những thứ hắn chưa thể hiểu nữa.
Khoảng thời gian ấy nên dành cho những việc hắn có thể làm thì tối ưu hơn.
Ấy cũng là lúc, ánh mắt hắn lướt qua 1 dòng chữ Đại Nam.
Đúng thế! Hắn cứ nghĩ mình nhầm, nhưng rốt cuộc hắn lại tìm thấy đúng dòng chữ ấy, trên 1 quyển sách.
Đúng hơn là 1 quyển bản thảo viết tay bằng tiếng Bắc Hà, nhưng trên bìa sách, ở vị trí tên tác giả, có ghi chú bằng 1 cái tên Đại Nam không lẫn vào đâu được.
Nguyễn Mạnh.