Thiên Mệnh Khả Biến

Chương 265: Thiên Mệnh (2)




- Em nói sao?

Bị xen vào như vậy, Hà Chí Thương vẫn bình thản đáp lời.

- Văn học, không chỉ là khai phá những tầng vô thức. Không phải chỉ là cảm xúc, không phải chỉ là sự đồng cảm. Văn học là để đưa người ta lên những tầng cao hơn, để người ta phải vượt qua những vô thức bản năng và suy ngẫm về những điều phức tạp.

Hà Chí Thương có hơi sững người vì lời nói phát ra từ đứa nhóc này. Giây lát sau, hắn mới hỏi lại.

- Câu nói này, nghe khá quen. Thầy giáo của em là ai?

- Thầy em tên Lưu Vĩnh Khang. Nhưng quan điểm vừa rồi, lại là thầy của thầy ấy, cũng là người viết ra quyển sách mà em đã đọc. Thầy Nguyễn Mạnh.

Hà Chí Thương nở một nụ cười.

- Ra vậy. Là thầy giáo Nguyễn Mạnh của Đại Nam sao? Ta nghe danh đã lâu, nhưng lúc sinh thời của thầy ấy ta lại không có cơ hội bái kiến. Văn học lý trí phải không? Nghe nói thành tựu này không ai kế thừa, cũng đáng tiếc thay! Nhưng nếu em muốn trở thành truyền nhân của dòng Văn học liều lĩnh ấy, vậy thì hãy chứng minh là em đủ sức.

- Chứng minh?

- Đúng vậy. Hãy thử trả lời câu hỏi của thầy xem.

- Vâng? Thầy cứ hỏi đi, nếu trả lời được em sẽ cố gắng trả lời.

Quỳnh Anh ngồi đối diện, bỗng nhiên cũng trở nên vô cùng hứng thú. Câu hỏi của thầy Châu, sẽ thế nào đây?

Chỉ thấy Hà Chí Thương cầm lên cốc nước chè, nhìn nước sóng sánh, những lá trà đen sậm lắc lư theo sóng nước. Hắn đặt ra câu hỏi.

- Thiên Mệnh là gì?

- Aa...?!

Câu hỏi này, khiến Phan Quỳnh Anh giật mình. Cuốn sách của Đinh Kiến Châu, và nhiều tác giả Bắc Hà khác, cũng nhiều lần nhắc tới Thiên Mệnh. Cô bé dè dặt lên tiếng.

- Thưa thầy. Em có đọc sách của thầy và một số tác giả khác. Thiên Mệnh, liệu có phải là dòng chảy của thế giới, phải không ạ?

Hà Chí Thương nhìn cô bé này, mắt lộ vẻ tươi cười khích lệ. Quỳnh Anh như được tiếp thêm động lực để tiếp tục.

- Dòng chảy của thế giới, cũng chính là dòng chảy tiềm thức của tất cả mỗi người. Thứ dòng chảy ấy vô hình mà lại hữu hình, chi phối toàn bộ dòng lịch sử. Chiến tranh hay hoà bình, an ổn hay bạo loạn, tươi sáng hay đen tối, đều do dòng chảy ấy quy định. Nếu tiềm thức của mọi người chỉ chứa toàn căm ghét, hận thù và đau khổ, thì vận mệnh của thế giới cũng không thể nào tốt đẹp. Nhưng nếu tiềm thức con người tràn đầy sự vui vẻ, hoà ái, và kính trọng lẫn nhau, thì thế giới trở nên tốt đẹp và thái bình.

- Đúng vậy. Thiên Mệnh là thứ mà con người có thể cảm nhận thấy, nhưng không thể điều khiển nó. Không ai có thể ra lệnh cho Thiên Mệnh, không ai có thể làm chủ nó. Người ta chỉ có thể thuận theo nó để làm việc, để trị vì, để thời loạn lạc không quá bi thương, mà thời thái bình càng thêm no ấm. Triết lý của tất cả các đời cai trị Bắc Hà, đều là như vậy. Bắc Hà lãnh thổ chú trọng văn chương, cũng vì văn chương là công cụ giáo hoá con người, hướng tiềm thức con người về cái thiện, cái đẹp.

- Ừm. - Vương Thành Văn chỉ trầm ngâm một tiếng.

- Có gì không đồng ý sao? - Hà Chí Thương hỏi lại nó.

- Có người đã nói với em, Thiên Mệnh là thứ nằm rất cao trên bầu trời, nhưng cũng đồng thời nằm trong chính chúng ta. Mỗi lần ta nhìn lên bầu trời sao, cũng là lúc ta soi vào chính tâm hồn mình. Thiên Mệnh không phải là thứ quá to tát mà cần tới toàn bộ thế giới mới có thể hình dung, Thiên Mệnh nằm trong chính mỗi người.

- Vậy sao? Nhưng một cá nhân đơn lẻ, liệu có thể thay đổi được dòng chảy của thế giới? Dù có là Chí Tôn Cường giả, 1 trong 5 kẻ mạnh nhất thế giới, cũng không dám vỗ ngực nói rằng mình có thể làm chủ Thiên Mệnh. Em có biết tới, Đại Nam Tứ Đại Thần Khí, và Bắc Hà Tứ Đại Thần Khí chứ?

Văn lắc đầu.

- Em chưa từng nghe tới.

- Khà khà khà, không sao. Để thầy kể cho. Đại Nam Tứ Đại Thần Khí, là Quy Văn Lịch, Tỳ Bà Cầm, Thổ Thạch Niêu, và Thiên Đoạn Trúc. Quy Văn Lịch là để ghi chép lại lịch của trời đất, phục vụ nông nghiệp. Tỳ Bà Cầm là để tấu lên âm nhạc, phục vụ đời sống tinh thần. Thổ Thạch Niêu, là một niêu cơm ăn hết lại đầy, chính là khát vọng một cuộc sống ấm no. Thiên Đoạn Trúc, tượng trưng cho một loại khí giới phòng vệ, tượng trưng cho tinh thần độc lập tự cường. Chỉ nhìn vào Tứ Đại Thần Khí ấy, người ta nhìn ra được toàn bộ câu chuyện về mảnh đất Đại Nam, và con người Đại Nam. Nhưng cũng nhìn vào Tứ Đại Thần Khí ấy, người ta lại thấy rằng Đại Nam ngày nay đang đi ngược lại với chính những nền tảng của mình.

- Em nghĩ thầy nên phân tích rõ ràng cho em hơn một chút. - Quỳnh Anh tuy cảm thấy vô cùng hứng thú, nhưng cũng thấy nhức đầu.

- Ngắm lịch của trời đất, trồng trọt để có một niêu cơm đầy, trồng tre để mà đánh giặc, cuối cùng yên vui để cùng hát ca, chẳng phải đều là thuận theo trời đất? Trời đất không cho phép, liệu có vụ mùa để mà thu hoạch, liệu có khí giới để mà phòng bị, liệu có những ngày yên vui để hát ca? Bởi vậy mới nói, người Đại Nam cổ đại, vô cùng tin và thuận theo Thiên Mệnh. Mà nói đúng hơn, ngày đó, không có Đại Nam, cũng không có Bắc Hà, chỉ có một đại lục thống nhất với những quần thể người sống hoà ái và thuận theo Thiên Mệnh.

Hà Chí Thương nhấp một ngụm nước chè, lại ung dung nói tiếp.

- Bắc Hà Tứ Đại Thần Khí, là Tế Thần Điện, Thánh Nhân Thư, Tỉnh Nhân Chung, và Trụ Thiên Bổng. Nói về 8 món Thần Khí của 2 nước, kì thật cũng có nhiều giai thoại. Như thầy đã nói, trước thời điểm Đại Nam Đế quốc ra đời 3000 năm trước, không có Đại Nam, cũng không có Bắc Hà. Tỳ Bà Cầm, vốn là Thần Khí của Bắc Hà, rốt cuộc lại vào tay người Đại Nam, mà Trụ Thiên Bổng, vốn là của Đại Nam, lại về tay Bắc Hà. Rồi bao lần vay vay mượn mượn, nói món nào thuộc về ai, đều nói không rõ nữa. Chỉ biết 8 món Thần Khí này, đều thể hiện rất rõ tinh thần của Viễn Đông đại lục, đó là sự hoà hợp với thiên nhiên, và đề cao Thiên Mệnh. Tế Thần Điện, Thánh Nhân Thư, và Tỉnh Nhân Chung, đều là nói về việc giáo hoá con người. Có sợ hãi thánh thần, mới biết làm việc lễ độ. Có tiếng chuông cảnh tỉnh, mới biết tu chỉnh bản thân. Có sách của bậc thánh hiền, mới có thể học tập nên người. Văn hoá Viễn Đông đề cao tính tập thể tới vậy, vì sao lại có thể “Thiên Mệnh nằm ngay trong mỗi người” được chứ?

- Ừm, chuyện này...

- Mà thôi, trời cũng đã tối rồi. Đem câu hỏi này ra hỏi em, đúng là thầy hơi quá đáng. Em cứ về suy ngẫm thử xem. Nếu tìm ra được câu trả lời, có thể tới nói với thầy.

- Em sẽ suy nghĩ.

- Được rồi, thầy về đây. Cho thầy gửi tiền ăn cho cả em nữ này luôn. Em nữ này là Phan Quỳnh Anh phải không? Thầy đã đọc bài thi của em, rất tốt. Còn em, em tên là gì ấy nhỉ?

- Em là Vương Thành Văn.

“Vương Thành Văn?”.

- Khà khà khà. Vậy là, Thiên Mệnh lại trêu đùa tất cả chúng ta. Khà khà khà.

- Thầy nói vậy tức là sao?

- Không có gì. Thầy chỉ nói nhảm mà thôi.

Hà Chí Thương vừa cười khành khạch, vừa bước ra ngoài. Trong đầu hắn, chỉ còn một loại ý nghĩ. Thiên Mệnh rất biết trêu đùa con người.

====================

Trước đây, từng có 1 chương tên là Thiên Mệnh. Đây chính là chương số 2, sau này sẽ còn nhiều chương nữa. Hãy chú ý tới từng chương.