Trường An Thái Bình

Chương 169: Hàn lâm




Tin này còn là nghe được từ người xưng là “Chuyện vặt kinh thành không gì không biết” – Trịnh Dương.

Trịnh Dương nhậm chức ở Hàn Lâm Viện, người bị đánh kia vừa khéo là quan ngay trên y, một quan Hàn lâm già đời thực thụ luôn ở Hàn Lâm Viện suốt từ những năm Vĩnh Long đến giờ.

Hàn lâm Học sĩ, nói ra thì chức này không có phẩm cấp lại là chức có thực quyền nắm quyền soạn chỉ, tham gia vào những việc cơ yếu, sau này còn cùng Lễ bộ tổ chức việc khoa cử, ở chức vụ tôn quý thuộc hàng thanh yếu trong mắt sĩ tử văn nhân khắp thiên hạ.

Mà sở dĩ sĩ tử đăng khoa chen nhau sứt đầu mẻ trán vào Hàn Lâm Viện cũng vì đây cũng có thể coi là một nhịp cầu.

Thi khoa cử, vào Hàn lâm, phong quan làm tướng, một chuỗi này chính là cách thức thăng tiến chính thống nhất. Hễ là nhà nào có chút điều kiện đều lấy việc đưa con mình vào Hàn Lâm Viện làm tự hào. Phần nhiều những Thượng thư, Thị lang trong triều bây giờ, thậm chí cả Tả tướng Ôn Tu cũng có xuất thân Hàn lâm. Mà những học trò nghèo như Liễu Trình, Thôi Hạo chỉ có thể tìm đường ngang lối tắt khác. Liễu Trình từng đi qua thời cục hỗn loạn, được Sở Thái hậu dìu dắt mới có thành tích ngày hôm nay, những người khác không có may mắn ấy, muốn lên hàng tướng e là càng thêm khó. Vậy nên Anh Quốc công hao phí tâm sức đưa Trịnh Dương vào Hàn Lâm Viện cũng không phải vô lý, ai chẳng muốn con mình thăng tiến thuận buồm xuôi gió, có thể không đi thì chẳng ai đi đường gập ghềnh trắc trở cả.

Mà vị Tôn Hàn lâm bị đánh này vẫn luôn ở Hàn Lâm Viện từ sau khi được ban tiến sĩ xuất thân năm Vĩnh Long mười hai. Xét về lý lịch, không ai trong Hàn Lâm Viện qua được lão, nhưng đã qua bao nhiêu năm rồi mà lão vẫn chỉ là một Hàn lâm.

Bao năm qua, tận mắt nhìn các đồng liêu nối đuôi nhau ra khỏi Hàn Lâm Viện, phong quan làm tướng, rạng rỡ vô cùng, mà mãi lão vẫn không có dấu hiệu thăng tiến. Việc này chẳng khác nào chiếm nhà xí mà không thải, chiếm ổ gà mà không đẻ trứng, chiếm điều kiện tốt như vậy mấy chục năm vẫn không tiến lên chút nào. Xét đến nguồn cơn, chỉ vì một điều là miệng người này quá bốc mùi.

Theo lời Trịnh Dương, từ hoàng thân quốc thích đến người hầu vẩy nước quét nhà trong Hàn Lâm Viện, không ai chưa bị lão ta chửi. Vậy nên vừa có chút dấu hiệu thăng tiến là lại bị cái miệng của lão chặn lại, người này không ở Ngự Sử Đài mà ở Hàn Lâm Viện, đúng là phí tài.

Hơn nữa có lẽ vì mỗi lần lão ta đều không có tên trong danh sách thăng chức, bao nhiêu hoài bão không thể thực hiện nên người này còn thêm tật nghiện rượu. Người khác uống chút rượu ngâm được áng văn chương thiên cổ, lão này uống rượu thì có thể chửi suốt ba ngày đêm.

Mà lần này bị đánh cũng chẳng trượt đâu ngoài cái tật này.

Lão ta mắng Liễu Trình ngay trên lễ tế nguyệt.

Tế nhật trên núi, tế nguyệt dưới hố, lễ tế nguyệt hằng năm đều chiêng trống tấu nhạc, tế nguyệt nghênh hàn, còn phải viết thanh từ, đọc lớn tiếng rồi đốt để tế trời, mong cho lời cầu khẩn dưới nhân gian được trời nghe thấy. Người viết thanh từ tốt nhất đương triều phải kể đến Hữu tướng Liễu Trình.

Tôn Hàn lâm này chửi Liễu Trình hai câu lúc hắn đọc thanh từ, thế nhưng lại bị người trung thành với Liễu Trình là Thôi Hạo nghe được. Thôi Hạo không nói không rằng bước lên vung đấm, Tôn Hàn lâm bị đánh gãy răng.

Tô Sầm hỏi: “Rốt cuộc lão ta chửi cái gì?”

“Ai mà biết được?” Trịnh Dương bĩu môi: “Lão cũng đâu thể trắng trợn chửi đổng lên trong lễ tế, cũng chỉ lẩm bẩm mà chửi thôi, khéo cái là Thôi Hạo ở ngay bên cạnh. Mà e là chính Liễu Trình cũng chẳng phản ứng lớn vậy ấy chứ.”

Tô Sầm nhíu mày suy nghĩ, lại hỏi: “Rồi sao nữa?” Vụ việc giải quyết thế nào?”

“Còn giải quyết sao nữa?” Trịnh Dương nhún vai: “Cậu tống cả hai vào ngục luôn. Lễ tế nguyệt đang yên lành lại bị làm loạn lên, tế nguyệt không giống tế trăng, hôm nay không được thì làm hôm khác. Dù gì trăng treo trên trời cả tháng chỉ được một ngày tròn thế thôi, vất vả đến nửa đêm lại đổ bể, bảo sao cậu tức giận.”

Tô Sầm gật đầu, chẳng trách cả đêm qua người nọ không về. Cậu đợi suốt đêm, đến gần sáng lại tự chạy về, dặn người ở cung Hưng Khánh nói là cậu chưa từng đến. Lý Thích không ngủ cả đêm chắc chắn tinh thần và thể xác đều mệt mỏi, cậu không muốn hắn bị phân tâm vì chút chuyện nhỏ của mình. Nhưng không làm rõ chuyện cậu lại vướng bận trong lòng, thế nên trời vừa sáng cậu đã chạy sang chặn Trịnh Dương, muốn hỏi chuyện y.

Giờ nghe tin không có việc gì lớn cậu mới yên lòng, tán gẫu thêm vài câu, nhớ ra hai người đều chưa ăn gì cậu mới lấy bánh nếp chuẩn bị cho Lý Thích ra chia nhau ăn.

“Thôi Hạo có Liễu Tướng bảo kê cho chắc là không sao đâu, chỉ thương cho Tôn Hàn lâm của chúng ta, e là không ở lại kinh thành được rồi.” Trịnh Dương vừa ăn bánh vừa tán gẫu với Tô Sầm, không lâu sau đã chuyển chủ đề: “Ấy, bánh nếp nhà huynh ngon thật đó, hôm khác ta bảo đầu bếp trong nhà sang phủ huynh học nghề.”



Từ biệt Trịnh Dương, Tô Sầm đến Đại Lý Tự điểm mão. Trương Quân biết Tô Sầm gặp thầy của mình ở Lục Gia Trang xa xôi, mà người lại vĩnh viễn ở lại đó không về được nữa. Bỗng chốc hắn vừa đau buồn, vừa xúc động, kéo Tô Sầm vào nói chuyện cả sáng.

“Ta nên nghĩ đến từ lâu mới phải, chắc chắn thầy muốn quay lại đó.” Trương Quân buồn bã xoa cái bụng tròn vo: “Nhớ năm đó chúng ta vào thôn lần đầu tiên, chỉ có ta với thầy. Vốn chúng ta muốn mượn lý do điều tra nguyên nhân cái chết của Lục Tiểu Lục để điều tra Ám Môn, không ngờ chúng lại ngang nhiên giết người trước mặt chúng ta. Từng mạng người mất đi trước mắt chúng ta như thế. Khi đó ta rất sợ, có lẽ thầy cũng không thể làm gì, thầy giỏi biến luật thành kiếm trừ gian diệt ác, nhưng ở một nơi hoàn toàn nằm ngoài vòng pháp luật thì những gì thầy học được suốt đời đều có vẻ chẳng còn tác dụng.”

“Sau đó, thôn trưởng Lục Gia Trang hồi ấy tên Lục Tốn đã tìm mấy thanh niên trang tráng trong thôn đưa chúng ta ra ngoài nhân lúc trời tối, có thể nói là họ dùng thân mình làm khiên, dùng từng đôi tay đỏ máu đưa chúng ta ra ngoài.”

Trương Quân thở dài: “Đó là nơi ta không bao giờ muốn quay lại, nhưng với thầy thì đó là một mảng sương mù, thầy là hóa thân của luật pháp Đại Chu, sẽ không cho phép một nơi mà ánh sáng không chiếu tới như vậy tồn tại trên đất Đại Chu, vậy nên thầy phải xua tan màn sương đó.”

Tô Sầm cũng đau buồn. Sống trên đời ai cũng biết đường rộng thênh thang dễ đi, nhưng luôn có một nhóm người khai hoang trên những vùng đất hoang dại, lập tâm vì thiên địa, lập mệnh vì nhân dân[1], lấy thân thể máu thịt phá tan gông cùm xiềng xích, đổi cho người sau được bước đi suôn sẻ.

[1] 为天地立心,为生民立命. Xây dựng giá trị tinh thần tốt đẹp cho xã hội, lựa chọn hướng đi đúng đắn cho nhân dân.

“Cậu rất giống thầy.” Trương Quân bỗng ngẩng đầu nhìn Tô Sầm, nói: “Ta có từng nói cậu rất giống thầy chưa? Nhất là khi cậu cố chấp với vụ án, giống như đúc từ cùng một khuôn ra vậy.”

Tô Sầm vừa định khiêm tốn mấy câu đã thấy Trương Quân sáng mắt nhìn cậu, hai mắt rưng rưng: “Ta có thể gọi cậu một tiếng thầy không?”

Tô Sầm: “…”



Chiều tối khi Tô Sầm ra về, chuyện Thôi Hạo và Tôn Hàn lâm đã lan truyền khắp thành. Đồng thời phán quyết cho hai người đều đã có.

Cuối cùng Tôn Hàn lâm đã không còn ở Hàn Lâm Viện nữa, lão bị điều khỏi kinh, đến địa phương làm huyện lệnh.

Mà Thôi Hạo chỉ bị phạt hai tháng bổng lộc, không dính líu gì thêm.

Quả đúng như Trịnh Dương dự đoán, làm quan ở nơi đầm rồng hang hổ như kinh thành, có chỗ dựa hay không vô cùng khác biệt.

Ngày Tôn Hàn lâm đi, chỉ có hai người ra tiễn ngoài cổng thành. Một người là Trịnh Dương, có lẽ vì niệm tình cộng sự, cũng có thể vì thời gian làm việc cùng chưa lâu, chưa bị mắng chửi quá mức mới có dũng khí đến tiễn.

Mà người còn lại… Tôn Hàn lâm híp mắt nhìn, cao ráo thon thả, khuôn mặt sáng trong, người như tiên giáng trần này… hình như lão không quen thì phải?

Mà người này cũng không có vẻ là đến tiễn lão, chỉ đi theo Trịnh Dương không nói không rằng, nếu không phải vóc dáng khí phách xuất chúng, lão còn tưởng là tùy tùng của Trịnh Dương.

Thấy sắp phải lên đường, Tôn Hàn lâm không nhịn được nữa, nhíu mày nhìn thanh niên: “Vị đây là?”

Trịnh Dương chưa kịp lên tiếng, Tô Sầm đã chắp tay: “Tại hạ Tô Sầm.”

Tôn Hàn lâm hơi ngạc nhiên: “Anh là tân khoa Trạng nguyên, mới phá mấy vụ án lớn kia?”

Nói ra thì lúc đầu lão cũng từng mắng người này mua danh chuộc lợi, nghĩ mình thanh cao rồi, không ngờ người nọ lại có diện mạo thế này.

Tô Sầm khiêm tốn cười: “Chính là kẻ bất tài này.”

Tôn Hàn lâm khó hiểu vô cùng. Nay Tô Sầm là thân tín trong mắt bệ hạ và Ninh Vương, không có quan hệ gì với lão, dù có biết lão từng mắng mình cũng không tới nỗi phải hạ mình đến đây bỏ đá xuống giếng chứ?

Tô Sầm như hiểu được thắc mắc trong lòng Tôn Hàn lâm, cười bảo: “Tại hạ nghe nói Tôn đại nhân không sợ cường quyền, giận trách Liễu tướng trong lễ tế nguyệt, đâm ra vô cùng ngưỡng mộ Tôn đại nhân, cố ý đến đây diện kiến.”

Tôn Hàn lâm hiểu ra. Ninh Vương và Liễu Trình là đối thủ, lão chửi Liễu Trình lại có vẻ như đang giúp Ninh Vương, vậy nên Ninh Vương mới phái người này đến đây an ủi lão, bây giờ bị điều đi chỉ là để lấy lệ, biết đâu sau này vẫn còn cơ hội về kinh, trái lại lão gặp họa lại được phúc.

Tôn Hàn lâm vừa định khiêm tốn mấy câu, chỉ nghe Tô Sầm nói tiếp: “Tôn đại nhân mắng Liễu tướng không có tài học thực sự, văn chương giả tạo, chắc hẳn là biết được chuyện gì?”

Tôn Hàn lâm tái mặt: “Sao… sao anh biết?”

Nói ra thì chuyện lão mắng Liễu Trình cũng chỉ là lẩm bẩm mấy câu thôi, không khéo người đứng cạnh lão là Thôi Hạo lại nghe thấy. Nhưng Thôi Hạo bảo vệ Liễu Trình như vậy, chắc chắn sẽ không rêu rao chuyện lão chửi Liễu Trình ra ngoài, sao người này biết được?

Tô Sầm nghiêm mặt, hỏi tiếp: “Thi Hội năm Vĩnh Long thứ hai mươi hai, rốt cuộc bài sách luận của Liễu tướng đã viết gì?”

Tôn Hàn lâm chao đảo, lão loạng choạng lùi lại hai bước, sau khi hồi hồn thì lập tức chắp tay từ biệt: “Không còn sớm nữa, ta phải lên đường rồi, ngày sau gặp lại… Không, không, không, không gặp thì hơn, đừng tiễn, đừng tiễn nữa. Cáo từ, xin cáo từ…”

Trịnh Dương nhìn Tôn Hàn lâm chạy vụt đi như trối chết, không khỏi khó hiểu nhìn Tô Sầm: “Sao huynh biết lão mắng cái gì?”

Tô Sầm lắc đầu, cậu đã thấy được dáng vẻ hoảng hồn của Tôn Hàn lâm lúc nãy, có vài thứ cũng theo đó mà nổi lên mặt nước, chực chờ hiện lên.

Lúc trước khi điều tra vụ án giết người trong cống viện, cậu từng đến Lễ bộ lấy hồ sơ năm xưa, nhưng xem hết bài thi của mọi người lại chỉ thiếu đúng một bài thi của Liễu Trình – Trạng nguyên đầu bảng năm đó. Khéo không cơ chứ, vị Tôn Hàn lâm này lại chính là quan chép lại kỳ khoa cử ấy, phụ trách chép lại bài thi của các sĩ tử rồi dán tên đưa cho Lễ bộ xét duyệt, vậy có nghĩa là chỉ cần Liễu Trình từng vào trường thi, chắc chắn bài thi sẽ qua tay Tôn Hàn lâm này.

Tô Sầm nhíu mày suy nghĩ, rốt cuộc Liễu Trình đã làm gì mới khiến vị Tôn Hàn lâm này phải kết luận “không có tài học thực sự, văn vẻ dối trá”?

Vậy thì cái danh Trạng nguyên kia đến với Liễu Trình bằng cách nào?



Cùng lúc đó, đại lao Hình bộ.

Một người bước ra từ nhà lao ẩm ướt lạnh lẽo, đứng dưới ánh nắng sáng người, gã rùng mình. Nhìn thấy người đứng phía cuối cầu thang, mắt gã sáng lên, bước tới cười: “Sao ngài lại tới đây?”

Liễu Trình thờ ơ “hừ” một tiếng: “Ta không đến kéo cậu ra lại để cậu thối rữa trong lao luôn hay sao?”

Liễu Trình quay đầu đi về, Thôi Hạo đuổi sát phía sau, chỉ nghe Liễu Trình vừa đi vừa quở: “Cậu bao nhiêu tuổi rồi, đừng có hành động theo cảm tính nữa được không? Đây là Trường An, không phải cái thôn làng xập xệ của cậu, cất bớt khí chất nhà quê ấy đi.”

Thôi Hạo bất bình: “Lão nói ngài như thế, sao tôi nhịn được?”

Liễu Trình bất lực mỉm cười: “Sao cậu biết lời lão không phải thật?”

“Ngài là Trạng nguyên Tiên đế khâm điểm, ai được phép nghi ngờ ngài hay sao?” Thôi Hạo tức giận, thấy Liễu Trình đã đi xa bèn đuổi theo: “Ngài đừng đi nhanh thế, đợi tôi.”

Liễu Trình chê bai phất tay áo: “Tránh xa ra, hôi như cú.”

Thôi Hạo giơ tay áo lên ngửi, nhíu mày: “Thế ạ?”

Rồi lại cười: “Thế ngài tắm cho tôi không?”

Liễu Trình: “Cút.”