Chương 103: Gió thổi báo giông bão sắp đến
Trăng sáng nhô cao, Biên Trọng Hoa theo Lý quốc sư vào một gian phòng thì phát hiện Tần Dịch Thương và Lâm Bạch Cốc cũng ở đó.
Từ lần trước gặp nạn đến giờ Biên Trọng Hoa vẫn chưa gặp lại Lâm Bạch Cốc, bây giờ gặp tất nhiên phải cảm tạ y đàng hoàng, thế là tiến lên hỏi: "Vết thương trên vai đỡ hơn chưa? Đa tạ chuyện lần trước nhé."
Lâm Bạch Cốc đang định trả lời thì Tần Dịch Thương đột nhiên chen vào giữa hai người, xòe quạt thuỷ mặc ra vừa quạt phành phạch vừa cười đáp: "Đỡ nhiều rồi, ngài không cần lo."
Lâm Bạch Cốc: "......"
Biên Trọng Hoa nhíu mày: "Chẳng lẽ........"
Tần Dịch Thương đắc ý gật đầu.
Biên Trọng Hoa ôm quyền với Tần Dịch Thương.
Lâm Bạch Cốc: "......"
Lý quốc sư nhìn không nổi nữa: "Việc này không nên chậm trễ, chúng ta mau thiết trận đi."
"Vâng." Mấy người đồng thanh trả lời.
Trên sàn nhà có một trận phù khổng lồ vẽ bằng chu sa, trên đó đầy những ký tự và hình vẽ khó hiểu, mỗi góc trong căn phòng hình lục giác đều dán một lá bùa vàng, Lâm Bạch Cốc, Tần Dịch Thương và Lý quốc sư đứng ở hướng Tây Nam, Đông Nam và phía Bắc của trận phù tạo thành hình tam giác.
Biên Trọng Hoa đứng giữa trận đối mặt với Lý quốc sư.
Lý quốc sư đưa cho hắn một sợi dây đỏ bảo hắn cột vào cổ tay: "Lần này chúng ta liều lĩnh đánh cược một lần vì chưa biết khi hồn ngươi về lại cơ thể có khôi phục được pháp lực và ký ức hay không, nhớ là tuyệt đối không được qua cầu Nại Hà, nếu thấy có gì không ổn thì phải kéo sợi dây đỏ trên cổ tay, chúng ta sẽ đưa ngươi về."
Biên Trọng Hoa gật đầu.
Lý quốc sư hít sâu một hơi rồi nói với Lâm Bạch Cốc và Tần Dịch Thương: "Bắt đầu đi."
Ba người đồng loạt bấm quyết niệm chú, trận pháp dưới chân Biên Trọng Hoa lóe sáng, điều kinh ngạc là quanh người Lý quốc sư dần tỏa ra sương đen tạo thành hình rắn quấn rùa trên không trung.
Biên Trọng Hoa sửng sốt nhìn quanh thấy trên người Lâm Bạch Cốc và Tần Dịch Thương cũng tỏa ra ánh sáng chói mắt.
Lâm Bạch Cốc là chim tước phát ra ánh sáng trắng còn Tần Dịch Thương là mãnh hổ phát ra ánh sáng đỏ.
Biên Trọng Hoa còn chưa kịp suy nghĩ thì pháp trận dưới chân bỗng nhiên lóe lên ánh sáng chói mắt, nhất thời không thể nhìn rõ mọi vật trong phòng.
Đợi ánh sáng tan đi, Biên Trọng Hoa đã không còn trong trận pháp mà chỉ còn lại một đoạn dây đỏ kéo căng.
Lý quốc sư lau mồ hôi trên trán rồi cùng Lâm Bạch Cốc và Tần Dịch Thương ngồi xếp bằng, ba người tiếp tục bấm quyết duy trì ánh sáng của trận pháp.
Ngoài phòng gió táp mưa sa, mây đen ùn ùn, giông tố kéo đến.
Gió bắt đầu thổi mạnh báo hiệu sắp có mưa to, người trên đường thưa dần, các gánh hàng rong cũng bắt đầu thu dọn, đường phố trở nên vắng vẻ quạnh quẽ.
Kỳ Từ hấp tấp trở về phủ Vương gia, đi được nửa đường thì trời mưa lắc rắc, y vội vàng giơ tay che đầu chạy.
Kết quả chưa chạy mấy bước đã thấy phía trước có một bà lão bước đi khập khễnh có vẻ khó nhọc.
Kỳ Từ lập tức chạy tới hỏi: "Bà bà đi đâu vậy?"
Bà lão bị Kỳ Từ làm giật nảy mình, há miệng run rẩy đáp: "Ngoại ô thành Tây."
"Trời mưa rồi, cháu cõng bà về." Kỳ Từ nói xong liền ngồi xổm xuống cõng bà lão chạy tới vùng ngoại ô thành Tây.
Kỳ Từ cõng bà lão về một đạo quán tồi tàn, giờ mới biết thì ra bà lão là người trông coi nơi này, không có con cái gì, bình thường quét dọn đạo quán thu ít tiền hương hỏa mua thức ăn lấp bụng, nếu còn dư thì đem tiếp tế cho người khác.
Sau khi Kỳ Từ cõng bà lão vào đạo quán thì bên ngoài đổ mưa tầm tã, muốn về cũng khó.
Bà lão cảm kích Kỳ Từ nên luôn miệng tạ ơn, lấy trà gừng nóng và khăn sạch cho Kỳ Từ: "Hài tử, bên ngoài mưa lớn quá, đợi mưa tạnh rồi hãy đi."
Giờ mà ra ngoài nhất định sẽ bị ướt sũng, Kỳ Từ gật đầu: "Vâng ạ."
Đạo quán đổ nát bị mưa dột nên bà lão đưa Kỳ Từ vào phòng trong, y theo vào mới phát hiện ở đó còn có một người.
Hơn nữa bộ dạng người kia hơi đáng sợ, tóc tai rối bù che khuất nửa bên mặt, cụt mất nửa tay trái, trên cánh tay chi chít vết đao chém, quần áo rách tả tơi.
Kỳ Từ khựng lại.
"Hài tử, đừng sợ." Bà lão thở dài, "Mấy ngày trước ta nhặt được cô nương này trong hẻm nhỏ, thấy đáng thương quá nên đem về đây."
Bà lão vừa nói vừa lấy ra thảo dược từ trong ngực: "Cô nương mạng lớn thật, dưỡng hơn mười ngày vết thương kết vảy rồi, lúc nãy ta vào thành để mua thuốc, tiếc là chẳng có bao nhiêu nên không mua được thuốc tốt, ôi, chẳng biết cô nương gặp chuyện gì mà khổ sở đến vậy."
Kỳ Từ vừa nghe vừa gật đầu, chợt cảm thấy cô nương trên giường khá quen nên nhìn kỹ lại, sau đó thảng thốt gọi: "A Liên?"
Đây không phải thị nữ của Bắc An quận chúa Ngọc Mộ Dao ư?
Sao lại ra nông nỗi này?
Bà lão sững sờ: "Hài tử, ngươi biết nàng à?"
Kỳ Từ gật đầu rồi nói ngắn gọn về thân phận A Liên, ai ngờ bà lão nghe xong thì sắc mặt trắng bệch, ngữ khí bối rối: "Ôi, thì ra là người trong phủ Bắc An quận vương à."
"Bà bà sao thế?" Kỳ Từ không hiểu.
Bà lão nói: "Hài tử, ngươi chưa biết gì à? Bắc An quận vương tạo phản thất bại nên cả phủ đều bị liên luỵ, là tội nhân triều đình đấy! Ôi, vậy phải làm sao bây giờ, nếu ai biết ta chứa chấp phạm nhân thì ta, ta ta......."
Chuyện liên quan tới phủ Bắc An quận vương trước đó Kỳ Từ đã nghe qua nhưng không để tâm lắm, giờ thấy tình hình này chỉ biết xót xa thay.
Nhớ lại lúc trước y đến thăm phủ, khung cảnh xa hoa đến giờ vẫn khắc sâu trong đầu y.
Lầu vàng sụp đổ, hoàng hôn chân trời, tất cả chỉ là một giấc mộng dài.
"Bà bà đừng lo, đợi mưa tạnh cháu sẽ đưa cô nương này đi, nếu bà sợ thì giờ cháu đi ngay cũng được, chỉ phiền bà cho cháu mượn một chiếc áo tơi để cô nương này khoác tạm thôi." Kỳ Từ nói.
Bà lão ngẩn người nhìn Kỳ Từ, lúng túng nửa ngày mới nói: "Hài tử, ngươi quả là người thiện tâm, chờ lát nữa hãy đưa cô nương này đi, còn giờ thì ngươi tới đây."
Nói rồi bà lão giật nhẹ tay áo Kỳ Từ kéo y đến một điện thờ.
Điện này tuy hơi cũ kỹ nhưng rất sạch sẽ, có thể thấy bình thường bà lão thường xuyên quét dọn.
Trên điện có một pho tượng đất khá giống Chung Quỳ phục ma, mặt mày sinh động như thật, râu quai nón có vẻ cứng cỏi, tướng mạo kỳ dị.
Bà lão thắp ba nén nhang rồi cắm vào lư hương, sau đó cầm một lá bùa vàng và cây bút lông đưa cho Kỳ Từ nói: "Hài tử, đây là Tứ Phúc Trấn Trạch Thánh Quân, nghe đồn cầu gì được nấy, ngươi cần gì thì cứ viết lên bùa vàng này đi."
Kỳ Từ cảm thấy mình chẳng thiếu thứ gì nên cầm bút lông do dự nửa ngày.
Bà lão lại nói: "Cầu bình an cũng được."
Kỳ Từ lập tức viết ra một hàng chữ rồi xếp lại đưa cho bà lão.
Bà lão dẫn Kỳ Từ đến vái lạy tượng đất một cái, miệng lẩm bẩm gì đó rồi cột lá bùa Kỳ Từ viết vào tay tượng đất.
Bên ngoài thổi qua một trận gió mạnh, sau đó tiếng mưa ngớt dần.
Kỳ Từ thấy mưa sắp tạnh nên tạm biệt bà lão rồi cõng A Liên về phủ Vương gia.
Bà lão đưa mắt nhìn hai người rời đi, sau đó về điện thờ thành tâm vái lạy tượng đất.
Kết quả bà vừa ngẩng đầu lên thì phát hiện lá bùa vàng cột trên tay pho tượng đã biến mất không thấy đâu nữa.