Trúc Mã Thanh Mai

Chương 16




Dù đã trải qua bao nhiêu năm nhưng cứ nghĩ đến cảnh nhà Vệ Quốc chuyển đi là Sầm Kim lại có thể cảm nhận được nỗi đau nghẹn trong tim.

Cô không biết năm xưa khi nhà Lewis chuyển đi thì cô con gái Tiểu Kim của cô có phải trải qua nỗi đau như cô hồi đó hay không. Có vẻ như Tiểu Kim không khóc vì chuyện này, tâm tính cũng không có gì thay đổi rõ ràng, nhưng cũng có thể là do cô chưa chú ý.

Giờ nghĩ lại, cô cảm thấy rất áy náy, lúc đó cô hoàn toàn không chú ý đến cảm xúc của con gái, cũng không giành thời gian tìm hiểu suy nghĩ của nó; một là do hồi ấy cô đang bận học tiến sĩ, hai là cô rất ghét bà mẹ nhà họ Lư, tự đáy lòng cô luôn mong ông bố nhà họ Lư mau chóng tốt nghiệp, tìm được công việc ở bang khác, đưa cả nhà chuyển đi, cho nên lúc nhà họ Lư chuyển đi thật, cô như trút được gánh nặng, tưởng như giấc mơ đã thành hiện thực, chỉ còn thiếu mỗi khoản mở tiệc ăn mừng.

©STENT

Có lẽ khi cô hoan hỉ vì nhà họ Lư chuyển đi thì con gái cô đang phải chịu nỗi đau như cô đã từng nếm trải lúc Vệ Quốc chuyển đi, trong khi một người mẹ như cô lại không có chút cảm giác gì thì thật đáng trách.

Cô tự an ủi mình, giữa Tiểu Kim và Lewis chắc chưa có tình cảm sâu đậm như cô với Vệ Qụốc, bởi chắc con gái và Lewis chắc chưa có nhiều thời gian tiếp xúc với nhau.

Tình cảm mà không tiếp xúc thì sao có thể nảy sinh được?

Tình cảm của cô với Vệ Quốc hoàn toàn là kết quả của sự tiếp xúc thường xuyên, lúc đó đúng vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa, cô còn chưa đi học, Vệ Quốc mặc dù đã đi học nhưng cũng thường xuyên “bỏ học làm cách mạng”, hơn nữa vào kì nghỉ hè dài, cô và Vệ Quốc có một khoảng thời gian dài để cùng chơi với nhau, mà chơi nhiều tự nhiên sẽ nảy sinh tình cảm, ít nhất cũng là thói quen chơi cùng, và một khi tách ra thì rất khó thích ứng.

Nhưng Tiểu Kim và Lewis đâu có nhiểu thời gian chơi cùng nhau?

Nhà cô và nhà họ Lư vốn không ở cùng một nơi, Tiểu Kim và Lewis đi học bằng các tuyến xe khác nhau, nhiều nhất chỉ gặp nhau một chút ở trường. Nhưng các trường học ở Mỹ không có thời gian nghỉ trưa, luôn học từ sáng cho đến tận chiều mới tan học, thời gian nghỉ giữa các tiết rất ngắn, nhiều nhất là năm sáu phút, học sinh lại không phải học ở một lớp học cố định, thời gian giải lao giữa các môn đó có thể chạy từ lớp học này đến lớp học khác vốn đã chẳng đủ, lấy đâu ra thời gian chạy ra ngoài chơi.

Trường học ở Mỹ cũng không thích mấy cái trò thể dục giữa giờ hay luyện mắt gì đó, không có thể dục sáng hay thể dục buổi tối gì, càng không có “hoạt động ngoại khóa”, học sinh ở trường cơ bản chỉ có bận lên lớp, không có thời gian qua lại với nhau.

Tiểu Kim và Lewis mặc dù đều cùng trong đội orchestra (đội nhạc) của trường, hàng ngày có một tiếng cùng học đàn violon, nhưng với một lớp đông cùng học đàn như vậy, lại có giáo viên kèm thì chắc là hai đứa cùng chẳng có thời gian gặp riêng nhau.

Sau khi tan học, học sinh Mỹ cũng ít có khả năng ở lại trường chơi mà không về nhà, vì thời gian xe buýt đón là cố định, nếu lỡ chuyến thì không có xe, cho nên đám học sinh như Tiểu Kim đến tan học một cái là lên xe ngay, đứa nào về nhà đứa đó. Nếu nhỡ chuyến xe hoặc sau khi tan học có hoạt động của club (câu lạc bộ) thì lại phải để phụ huynh đến đón.

Cô nhớ lại thì thấy, những club mà Tiểu Kim tham gia hầu như không giống với Lewis, cho nên sau khi tan học thì chúng ở lại ngay trường để tham gia hoạt động của các câu lạc bộ, cũng không có cơ hội để gặp gỡ.

Buổi tối, Tiểu Kim thường ở nhà làm bài tập, xem ti vi, cùng lắm thì chơi với mấy đứa trẻ ở cùng tòa nhà phía bên ngoài. Nếu Tiểu Kim muốn đến chơi với Lewis thì phải bảo cô lái xe đưa đi, mà trong ấn tượng của cô thì chưa bao giờ có chuyện đánh xe đi như vậy.

Hai đứa liệu còn có cơ hội gì để gặp gỡ riêng được không? Khả năng duy nhất là qua internet và điện thoại, gửi email, hay mở blog này nọ.

Nghĩ tới đây, cô lại bất giác không nén nổi tiếng thở dài, nếu trước kia đã có cái kiểu điện thoại mạng mẽo này thì cô sẽ không phải sợ bị lũ trẻ cô lập đến như vậy, cùng lắm nếu mình không chơi với chúng thì mình lên mạng!

Nói đến việc lên mạng thì có vẻ như cô đã nhận định được Tiểu Kim và Lewis yêu nhau qua mạng, bởi vì cô đã mua cho con gái máy tính xách tay từ lâu, cũng không cài đặt khóa mạng, để nó dùng tự do, cô chưa bao giờ kiểm tra xem con gái vào mạng nào, trang web nào.

Địa chỉ email đầu tiên của con gái chính là do cô tạo giúp, bởi vì trang web yêu cầu người dùng phải trên mười ba tuổi, còn con gái cô lúc đó vẫn chưa đủ mười ba tuổi.

Cô nhớ khi đó nghe Tiểu Kim phàn nàn không thể tạo được một tài khoản liền giúp nó làm, đồng thời cũng rất ngạc nhiẻn khi thấy nước Mỹ bồi dưỡng tính trung thực của con cái như thế nào, bởi vì trong mạng cũng chỉ hỏi một câu “Bạn có đủ mười ba tuổi không?”, mà không yêu cầu bất cứ chứng nhận gì, nếu cô là con gái có thể sẽ trả lời luôn là “có”, sau đó ù xọc là qua được, tự mở một tài khoản riêng.

Nhưng con gái cô lại không làm như vậy, chưa đủ mười ba tuổi là chưa đủ mười ba tuổi, mạng nói không thể tạo tài khoản thì con gái sẽ không tạo, giống như mấy người Mỹ ở phòng thí nghiệm vậy, mỗi người một CD (phần mềm văn phòng) của Microsoft Office, cô hỏi mượn họ đĩa để cài đặt cho máy mình ở nhà, nhưng kết quả là không ai dám cho mượn, đều nói đó là Copyright (bản quyền), không thể tùy ý cho người khác mượn cài đặt.

Sau đó cô mượn của một người Trung Quốc để cài đặt, đĩa CD của anh ta cũng không phải là bản gốc, mà là bản sao. Anh bạn người Trung Qụốc đó còn dặn cô cài đặt xong đừng lên mạng register (đăng ký), để tránh người ta phát hiện họ ăn trộm bản quyền.

Việc này khiến cô phải thầm than rằng sức mạnh của văn hóa thật lớn lao, con gái là do cô sinh ra, trong huyết quản nó là dòng máu của cô, ngoại hình cũng kế thừa những nét riêng của cô, nhưng đối với những chuyện này con gái lại giống như mấy người Mỹ làm việc ở phòng thí nghiệm, không giống như cô và mấy người bạn Trung Quốc.

Khi tạo email cho Tiểu Kim, cô còn không dám nói là giúp con gái làm, sợ nó cho rằng cô làm giả, mà chỉ nói:

- Đây là tài khoản của mẹ, cho con mượn.

Như vậy con gái mới dùng. Và khi con gái dùng tài khoản của mẹ, không thay đổi mật khẩu, nó còn rất ngạc nhiên là tại sao chưa bao giờ thấy có ai gửi email cho mẹ.

Cô không biết giờ Tiểu Kim đã đổi password hay chưa, nhưng cho dù chưa đổi thì cô cũng ngại lén vào xem trộm email của con gái. Vì vậy cô rất khâm phục xã hội và văn hóa Mỹ, dường như có một luồng sức mạnh vô hình đang giám sát những người có ý định làm việc xấu, khiến họ thấy chột dạ, thiếu tự tin, cảm thấy xấu hổ, vì thế mà không dám làm chuyện xấu.

Cô cảm thấy sau khi sang Mỹ, mình đã trở nên trong sạch hơn, không ai làm công tác tư tưởng cho cô, cũng không có ai giáo dục đạo đức đối với cô, cô cũng không đi nhà thờ, không tham gia bất cứ đảng phái nào, nhưng con gái cô lại giống như một tấm gương, chiếu rọi vào rất nhiều chỗ không vẻ vang gì của cô, khiến cô cảm thấy xấu hổ mà phải bí mật tự sửa đổi.

Cô còn nhớ lúc mới sang Mỹ, cô thường mang một ít giấy lau tay của phòng thí nghiệm về nhà dùng, bởi vì cô rất thích loại giấy đó, mà ở cửa hàng thì không thấy bán. Loại giấy đó khá dày dặn, khá dai, dùng để lau tay rất thích, thấm nước hơn so với mấy loại giấy ăn mềm mềm, hơn nữa không bị dính vào tay.

Ở phòng thí nghiệm loại giấy này nhiều lắm, mọi người dùng rất lãng phí, lúc lau tay thì cứ rút một lần là mấy tờ, làm bắn nước ra đất cũng lấy cả tập giấy để lau khô, cho nên cô nghĩ mang mấy tờ về dùng cũng chẳng có gì.

Ban đầu con gái cô không biết, tưởng là mẹ mua, cho nên cũng dùng theo, nhưng có một lần nó đến phòng thí nghiệm cùng cô, thấy lúc cô ra về lại cầm theo một xấp nhỏ giấy lau tay đó cho vào túi mình, liền kinh ngạc hỏi:

- Mẹ, giấy là mẹ lấy ở đây về ạ?

Cô xấu hổ quá liền lấy ngay chỗ giấy đó ra khỏi túi, để vào chỗ cũ, từ đó không còn có ý định đó nữa.

Hay chẳng hạn như mấy việc tiết kiệm tiền, khi mua vé vào cửa thường có kiểu nói chiều cao của con cái thấp hơn và tuổi nhỏ đi thì cô biết rất nhiều người Trung Quốc đều làm như vậy, nhưng cô kiên quyết không làm, cô muốn làm người trong sạch, để xứng với con gái cô.

Vì vậy cô chưa bao giờ hối tiếc là đã sang Mỹ, cho dù như vậy đồng nghĩa với việc phải ly hôn, làm bà mẹ đơn thân, nhưng cô vẫn cảm thấy thế là hơn bởi con gái cô sẽ bớt đi rất nhiều cơ hội bị ô nhiễm, không chỉ là về vấn đề ô nhiễm không khí, mà còn cả sự ô nhiễm về tinh thần.

Cô còn định kiểm tra sổ điện thoại của nhà, xem có tìm ra được ai là bạn “trúc mai thanh mai” của Tiểu Kim không, giờ thì cô cũng đã từ bỏ ý định đó. Muốn biết thì cứ quang minh chính đại hỏi con gái, đừng giở trò lén lén lút lút tìm hiểu chuyện riêng tư của con gái.

Lúc ăn cơm cô hỏi:

- Tiểu Kim, con có còn nhớ Lewis không?

- Lewis who (Lewis nào ạ)?

- Là con trai của chú Lư ấy, cái cậu Lư Minh, đợt trước học cùng trường với con đó.

- Học cùng trường với con? Vậy thì nhiều người lắm.

- Không chỉ học cùng trường, mà còn cùng grade (lớp), còn cùng chơi đàn trong đội orchestra (đội nhạc).

- Thế cũng rất nhiều.

- Trước nhà mình thường xuyên chơi với nhà họ, còn nhớ cái lần nhà họ chuyển đi không? Mẹ đã mua cho con đôi giầy trượt patin, các con trượt băng trước cửa nhà họ.

- Ồ! That guy (Cái cậu đó)? Chẳng phải họ đã chuyển đến bang C rồi sao?

- Ừ! Đúng là đến bang C rồi, nhưng bao nhiêu năm rồi chưa biết chừng họ lại chuyển lại về bang F chỗ chúng ta.

Tiểu Kim nhún vai chẳng nói chẳng rằng.

Xem cái thái độ đó thì con gái chẳng có mấy hứng thú gì với nhà họ Lư, Nhưng ai mà biết được? Đôi khi một đứa trẻ rất trung thực, rất đơn giản nhưng một khi đã rơi vào lưới tình thì cũng có thể nghĩ ra rất nhiều chiêu để lừa các bậc phụ huynh. Lúc còn nhỏ chẳng phải cô cũng như vậy sao? Vốn có tình ý nhưng lại cố thể hiện là không quan tâm, nguyên nhân rất đơn giản, là vì biết mẹ không thích người đó.

Cô cười và hỏi:

- Con thấy cái cậu Lewis đó trông đẹp trai không?

- Đẹp trai là What’s? (Đẹp trai là gì?)

- Hơ hơ! Đẹp trai chính là handsome, good-looking.

Con gái uể oải đáp:

- Not really (Chẳng đẹp trai lắm).

Cô càng cảm thấy bạn trúc mã thanh mai của Tiểu Kim chính là Lewis, con bé với cái cậu Lewis đó đã cách xa nhau được sáu bảy năm rồi, nếu nó thật sự không để ý thì phải không nhớ được vóc dáng của Lewis, nếu còn nhớ thì chứng tỏ gần đây đã gặp nhau.

Cô hỏi vòng vo:

- Brad Pitt[1] đẹp trai không?

- Già quá rồi.

- What about Orlando Bloom[2]

(Vậy còn Orlando Bloom thế nào?)

- He’s OK. (Anh ta cũng được.)

- Jude Law[3]?

- Disgusting! (Phát buồn nôn.)

- Vậy con thấy star (ngôi sao) nào đẹp trai?

- I don’t know. (Con không biết.)

[1], [2], [3] Những nam diễn viên điện ảnh nối tiếng ở Hollywood.

Xem ra con mắt của con gái khá kén chọn, đến máy ngôi sao điện ảnh còn không ưng thì chắc chắn cũng chẳng ưa gì Lewis.

Con gái kén chọn một chút thì cô càng mừng, như vậy nó sẽ không dễ dính phải thằng tiểu tử xấu nào đó, nhưng cô lại lo lắng nếu con gái yêu cầu quá cao thì lại dễ thành viển vông.

Lúc còn trẻ cô cũng đã phải chịu thiệt thòi vì sự viển vông, không phải là bản thân cô tự viển vông mà là người nhà và những người xung quanh đã khiến cô viển vông.

©STENT

Lúc trẻ, mọi người đều nói cô xinh đẹp, lại thông minh, thành tích cũng rất tốt, trong lớp không ai bằng cô. Lúc đó cho dù có ai theo đuổi cô thì mẹ cô cũng đều thấy con gái mình sẽ chịu thiệt thòi lớn nếu đến với kẻ đó, mọi người xung quanh cũng nghĩ vậy, cho nên trong suốt những năm đại học, cô đều không tìm nổi một người bạn trai, mà lớp cô lúc đó ít nhất cũng có đến sáu đôi.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cô đi làm hai năm, khi đó mọi người xung quanh không còn cho cô leo cây cao nữa, có người cũng đã bắt đầu giới thiệu đối tượng cho cô, cứ như cho rằng chỉ dựa vào bản thân thì cô không tìm nổi bạn trai. Nhưng mẹ cô vẫn nghĩ con gái mình không phải lo chuyện chồng con, vẫn cho cô ngồi cao ngất ngưởng, những kẻ theo đuổi tầm tầm hoàn toàn không thể lọt vào tầm ngắm, bà luôn nói:

- Không phải vội, đến khi con đi học nghiên cứu sinh thì sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Vậy là cô lại sống lãng phí thêm hai năm nữa.

Sau khi đỗ nghiên cứu sinh, cô phát hiện ra phần lớn các bạn trai cùng học đều đã có đối tượng, có người thậm chí đã kết hôn, những người chưa kết hôn hoặc chưa có đối tượng thì đều là mấy anh chàng không ngửi nổi. Các bạn nữ cùng học phẩn lớn cũng đã có người yêu, còn người “lẻ bóng” như cô thì rất ít.

Cô đã vẽ cho mẹ thấy viễn cảnh tương lai rất ảm đạm, nhưng mẹ cô vẫn không tin, nói chắc chắn sẽ có một vài con cá với điều kiện tới lọt lưới, tầm thạc sĩ không có thì còn có tầm tiến sĩ, bảo cô đừng vội, không cần phải cố đấm ăn xôi.

Cho đến khi tốt nghiệp thạc sĩ cô cũng chưa quăng lưới bát được con cá nào.

Sau khi đi làm cô mới kết hôn, lúc đó cô đã gần ba mươi, mọi người xung quanh đều đôn đáo, sốt ruột thay cho cô, thậm chí đến cả những mối ly hôn góa bụa cũng đều tìm đến hẹn hò với cô. Mẹ cô thì lại chẳng tỏ vẻ vội vã gì, nhưng bắt đầu thay đổi cách phát ngôn:

- Hợp nhau thì lấy, không hợp nhau thì thôi, hôn nhân không hòa hợp thì còn lâu mới hạnh phúc.

Không biết bố của Tiểu Kim có thật sự hợp với ý của mẹ cô không, hay lúc đó mẹ cô bất đắc dĩ phải cúi đầu trước hiện thực, hạ thấp tiêu chuẩn, tóm lại lần đó mẹ không kén chọn như trước, mà tích cực ủng hộ, cuối cùng cô đã lấy chồng.

Những người xung quanh đều thở phào thay cho cô:

- Tốt rồi, tốt rồi, còn ổn hơn nhiều so với chúng ta tính trước đây.

Mẹ cũng nói:

- Tôi đã nói là không phải vội mà? Hoa nở đến độ mới đẹp, rượu uống đến độ mới ngon!

Nhưng cô biết mình lấy được chồng là một điều may mắn biết nhường nào cho nên quyết định rút kinh nghiệm, không để Tiểu Kim làm cao, nếu con bé đã gặp được người mà nó thích thì cô cũng không quá kén chọn, để con gái khỏi đi vào vết xe đổ của mình.

Cô nhẹ nhàng hỏi con:

- Tiểu Kim, Lewis có liên lạc với con không?

- Like what? (Liên lạc kiểu gì ạ?)

Cô cảm thấy câu hỏi của mình chưa được hay, hơi quá, rõ ràng là đang muốn hỏi dò, nhưng đã nói đến nước này mà bỗng dừng lại thì cũng không hay, đành phải giả vờ nói với vẻ bâng quơ:

- Thì viết email này, gọi điện gì gì đấy.

- Nope. Why would I do that? I don’t even know he has an email account. (Không, sao con lại liên hệ với cậu ta? Con cũng không biết email của cậu ta.)

Cô thấy Tiểu Kim hình như cũng đã nhìn thấu suy nghĩ của cô, đang chọn biện pháp phòng vệ, đóng tất cả các cánh cửa đi vào tâm hồn lại, bất giác cô cảm thấy rất khó xử, thôi đã sai thì cho sai luôn vậy. Cô hỏi thẳng:

- Mẹ tưởng con thích nó.

Con gái liền hứ một tiếng:

- Me? Like him? No way! He’s a nerd. Boring… (Con á? Thích nó? Không đời nào! Cậu ta là con mọt sách, chán bỏ xừ).

Trông cái miệng Tiểu Kim chu lên không giống như nói dối, mà xuất phát từ sự khinh thường, sự đánh giá của con bé đối với con trai nhà họ Lư không bàn mà lại hợp với ý cô, cô cảm thấy con mắt nhìn người của con gái vẫn rất sắc sảo, chắc sẽ không ưa cái cậu Lewis vô danh tiểu tốt dó.

Vậy là cô có thể gạch cái tên tiểu tử nhà họ Lư đó ra khỏi danh sách nghi phạm của mình.