Trọng Sinh Tên Ta Là Lâm Đại Ngọc

Chương 24




Một ngày, phong nguyệt bảo giám lại bắt ta ngồi chép một bài thơ. A! Là “Đào hoa hành”…

“Hoa đào nọ ngoài rèm sóng liệng,

Người trong rèm sớm biếng điểm trang.

Trong ngoài chừng độ tấc gang,

Người đây hoa đấy lại càng gần thêm.

Gió muốn thổi cho rèm lại mở,

Hoa muốn nhòm, rèm cứ đứng yên.

Ngoài rèm hoa vẫn nở đầy,

Mà trong rèm lại người gầy hơn hoa.

Hoa cũng biết xót xa ai đó

Đứng ngoài rèm nhờ gió hỏi han.

Gió luồn hoa đã đầy sân,

Ngoài sân hoa những tần ngần nhớ ai?

Sân rêu bán phía ngoài khép cửa,

Bóng chiều về người tựa lan can.

Tựa lan nhìn gió lệ tràn,

Quần hồng rón rén dạo vườn hoa chơi.

Kìa hoa lá tơi bời trên dưới,

Hoa ửng hồng, lá rọi màu xanh.

Khói tuôn phủ kín muôn cành,

Bóng lờ mờ thắm, in quanh vách lầu.

Mặt trời chói nát nhàu chăn gấm,

Gối san hồ giấc ấm vừa tan.

Gái hầu dâng chậu kim bồn,

Chè hương ấm giọng phấn son lạnh mùi.

Này người đẹp hoa tươi là thế,

Sao hoa tươi mà lệ vẫn rơi?

Đem hoa ví với lệ người,

Lệ tuôn lã chã hoa cười lả lơi.

Xem hoa mau lệ vơi vơi cạn,

Lệ cạn rồi, xuân chán hoa buồn.

Hoa buồn người cũng héo hon,

Hoa bay, người lả, chiều hôm còn gì?

Tiếng quyên bỗng gọi xuân đi,

Rèm này lặng lẽ, trăng kia lờ mờ!”

Cũng vì bài thơ này mà phường thơ trong Đại Quan Viên đổi tên thành “Đào hoa xã” đây.

Vốn cũng vì nhớ đến thai nhi chỉ mới kịp thành hình trong bụng Vưu Nhị Thư, trong lòng tự nhiên lại không thoải mái, tự nhiên thành ra lười xuất môn, chỉ lánh trong quán Tiêu Tương, ai gọi cũng không đi, đọc sách tìm thanh tĩnh.

Thấy phong nguyệt bảo giám giao nhiệm vụ, bèn chép thơ ra một chiếc khăn tay, hẹn Bảo Thoa, Tương Vân, Bảo Cầm, Thám Xuân ở đình Thấm Phương, nhờ xem giúp.

Mọi người đọc xong đều tán thưởng, chỉ có Bảo Thoa là ngạc nhiên hỏi lại: “Lâm muội muội thường ngày tâm tình sảng khoái, là sao lại viết ra những câu đau buồn thế này?”

Ta thản nhiên cười: “Đêm qua nằm mơ thấy mẫu thân, người mất đã nhiều năm, trong lòng nhung nhớ vô cùng, đến khi tỉnh lại thấy hoá ra ảo mộng, nhất thời sầu não, liền viết bài thơ này. Quá nặng nề sao? Bất quá, muội thấy thi xã cũng yên ắng một thời gian, đám chị em thường xuyên có việc. Hôm nay, nhân bài thơ này, mở họp đi, nếu không không biết còn bị trì hoãn đến khi nào.”

Mọi người đều gật đầu, liền kéo nhau đến Đạo Hương thôn.

Mang bài thơ ra cho Lý Hoàn xem, nêu ý định mở hội, định rằng ngày mai, mùng hai tháng ba, ta đứng ra làm xã chủ, sau khi dùng cơm, sẽ tụ họp tại quán Tiêu Tương. Lại nói, thời gian thay đổi, cảnh vật cũng thay đổi, liền đổi từ “Hải đường xã” thành “Đào hoa xã”.

Sau, nhớ đến sinh nhật Thám Xuân, đổi lại thành ngày mùng năm.

Hôm đó, có bà vợ Vương Tử Đằng đến thăm Phượng tỷ, rồi ngỏ ý muốn đón cháu trai, cháu gái sang chơi một hôm. Giả Mẫu và Vương phu nhân cho Bảo Ngọc, Thám Xuân, Bảo Thoa và ta bốn người đi cùng Phượng tỷ. Mọi người không dám từ chối, đi chơi một ngày, đến lúc lên đèn mới trở về.

Qua mấy hôm, trong nhà nhận được thư Giả Chính gửi về, nói độ tháng sáu, tháng bảy sẽ về kinh. Bảo Ngọc liền không vui, bởi vì từ lúc Giả Chính đi hắn không chịu đọc sách viết chữ gì cả, đến lúc Giả Chính trở về, đương nhiên sẽ tra ra. Trong vườn thấy vậy, liền lùi thời gian họp thi xã, mỗi người đều viết giúp Bảo Ngọc vài trang chữ, số lượng cũng có thể lấp liếm cho qua. Bảo Ngọc yên tâm, lại đem những sách cần học ra đọc vài lần.

Hắn dụng công, nào ngờ một vùng ven biển gặp nước dâng, mấy huyện bị ngập lụt. Quan địa phương dâng tấu, Hoàng thượng phái Giả Chính tiện đường đến xem xét cẩn thận. Như vậy, liền kéo dài đến cuối đông mới về được nhà. Bảo Ngọc nghe nói, lập tức bỏ hẳn đọc sách viết chữ, lại chơi tràn như cũ.

Một ngày cuối xuân, Tương Vân và Bảo Thoa đến tìm ta, đưa ra một bài thơ cho ta xem, là của Tương Vân vừa viết, miêu tả hoa liễu, là “Như mộng lệnh”.

“Nào phải nhung thêu mới rắc,

Rèm cuốn nửa chừng thơm sặc.

Tay tiên nhặt đem về,

Quyên khóc yến hờn cũng mặc.

Giữ chặt! Giữ chặt!

Đừng để xuân đi nơi khác.”



Thấy lời thơ nàng mới mẻ thú vị, ta liền sắm sửa vài món ăn, gọi mọi người đến, cho xem qua bài từ của Tương Vân, rồi quyết định thi xã lần này họp sẽ làm từ.

Đám tỷ muội đều đồng ý, lấy đầu đề là “liễu nhứ” (bông hoa liễu), hạn phải theo mấy tiểu điệu đã định trước. Bắt đầu rút thăm, Bảo Thoa gắp được điệu “Lâm giang tiên”, Bảo Cầm gắp được điệu “Tây giang nguyệt”, Thám Xuân là điệu “Nam kha từ”, ta được “Đường đa lệnh”, Bảo Ngọc gắp được “Điệp luyến hoa”. Một hồi hương tàn, mọi người ai làm được đều viết ra giấy, xung quanh xem xét bàn định một hồi, cuối cùng chọn bài của Bảo Thoa là hơn cả.

“Bạch ngọc trước thềm xuân biết múa,

Gió đông khéo cuốn đều đều!

Trước thềm xuân biết múa may,

Gió đông cuốn rải hoa này khắp nơi.

Ong bướm hàng đàn lượn dập dìu,

Nỡ để bụi thơm vùi dập.

Bao phen dòng nước trôi theo,

Muôn sợi tơ mành nào khác trước.

Hợp tan mặc bước gieo neo,

Xuân chớ cười ta giống treo leo.

Nhờ gió đưa lên mãi,

Trên mây ngất ngưởng trèo.

Bướm ong nhao nhác bay hoài,

Đâu theo dòng nước? Đâu vùi bụi thơm?

Muôn dây nghìn sợi vẹn toàn,

Cũng đành khi hợp khi tan tha hồ!

Đừng cười là giống chơ vơ,

Mây xanh lên vút ta nhờ gió đông.”

Mọi người đều khen ngời một hồi, rồi mới tan.



Sau khi Giả Chính về nhà, Bảo Ngọc không được tự do như trước. Bởi vì lo lắng Giả Chính kiểm tra chuyện học hành, mà đổ bệnh một lần, chỉ nói là bị doạ. Bởi vậy, lại liên luỵ đến đám bà tử trông coi trong vườn, lão thái thái giận dữ, phạt tất cả những người liên can, trong đó có vú nuôi của Nghênh Xuân. Trong phủ trước giờ vốn coi trọng những người đã từng làm vú nuôi của các cậu, các cô, như Lý ma ma là vú nuôi của Bảo Ngọc, nhiều lần sinh sự, nhưng mọi người đều nhẫn nhịn bỏ qua.

Nhưng lần này lão thái thái thực sự nổi giận, không nể mặt Nghênh Xuân, phạt nhũ mẫu của nàng. Nghênh Xuân vốn yếu đuối, ngày thường lại bị ma ma kia khi dễ lừa gạt, cho nên mặc kệ, phạt thì phạt đi. Chúng ta thấy nàng bình thường không vui, muốn đến an ủi, nào ngờ vừa vào sân, liền thấy con dâu của nhũ mẫu kia đang cầu tình, xin Nghênh Xuân đi nói hộ, lại bị vạch ra một lỗi khác, hoá ra bà vú nuôi kia của Nghênh Xuân đều mang trang sức của nàng đi cầm cố đánh bạc.

Thám Xuân liền nổi giận, lập tức tra hỏi cặn kẽ, rồi gọi Bình Nhi đến xử lí.

Chỉ là Nghênh Xuân vẫn là yếu đuối thoái nhượng, chỉ muốn an bình, ngại sinh chuyện, muốn lấp liếm cho qua. Nàng đã như thế, chúng ta dù có ba đầu sáu tay cũng không giúp nổi. Thật không biết Giả gia sao lại sinh ra người nhu nhược đến như thế!

Một buổi tối, ta đang muốn đi nghỉ, thấy Phượng tỷ dẫn theo rất nhiều người đến, ta đang muốn dậy, nàng vội đè lại, nói: “Lâm muội muội cứ ngủ, chúng tôi sẽ đi ngay.”

Có lẽ là khám xét tài sản nha hoàn, ta liền ngồi lên. Đại Ngọc có thể làm ngơ, nhưng ta thì sao có thể để bọn họ làm càn, khi dễ nha đầu trong phòng ta được.

Đi ra gian ngoài, thấy đám bà già đã muốn lục soát, ta nói: “Các ngươi dừng lại đã!”

Lại quay đầu nhìn Phượng tỷ: “Mọi người đây là muốn làm gì?”

Phượng tỷ cười lấy lòng: “Vì mất một đồ dùng, mấy ngày tra xét không ra, sợ người ngoài lại đổ cho bọn chị em a hoàn, nên mới đi khám một lượt để người ta khỏi ngờ, đó cũng là để họ không mang tiếng.”

Ta cười nhạt: “Họ đã ăn trộm, chẳng hoá ra tôi cũng là chủ chứa hay sao? Mọi người không cần lục, sáng mai tôi sang nói với lão thái thái, để tôi về nhà đi thôi. Nhưng giờ muốn lục soát đồ đạc nha hoàn trong phòng tôi, là không thể được.”

Phượng tỷ còn chưa nói, vợ Vương Thiện Bảo đã đến trước mặt ta nói: “Cô nương nói vậy là làm khó chúng tôi rồi, chúng tôi cũng là nghe lệnh lão thái thái mà làm thôi.”

Ta tát bà ta một cái, nói: “Chủ tử đang nói, lý nào đến phiên bà xem mồm.”

Bà ta xưa nay là người thiển cận, thấy ta ngày thường ôn hoà, cho là có thể khi dễ. Nay ăn một cái tát, cúi đầu đứng sang một bên. Đám người phía sau không ai hó hé gì nữa.

Ta nói tiếp: “Đây mà là bà tử có thể diện trong phủ hay sao? Đều muốn trèo lên đầu các cô cả rồi. Ta bình thường coi trọng bà là người có tuổi, hôm nay lại làm ra chuyện hồ đồ như vậy. Gia có gia quy, xảy ra chuyện, phải điều tra rõ ràng, chỉ biết làm càn lục lọi khắp nơi, sao lão thái thái có thể? Chỉ có nô tài xúi bẩy mà nên chuyện!”

Phượng tỷ đuổi đám bà già ra ngoài, mới nói: “Cô nói đều đúng cả, tỷ sao lại không biết. Chỉ là lão thái thái đang giận, tất nhiên phải nghe, tỷ cũng không còn cách nào khác.”

Ta im lặng một lúc, mới nói: “Tra xét thì tra xét, tỷ lẳng lặng dẫn người thân cận bên người đi là được, cũng không cần kinh động khắp trong ngoài như thế. Làm gì mà dẫn theo một đám người, hùng hùng hổ hổ, xem người trong vườn đều là giặc cướp hay sao?”

Phượng tỷ gật đầu, lát sau lại thở dài: “Bọn họ đều là người bên cạnh các bà, tỷ cũng không thể không nể mặt, khiến cô chịu uỷ khuất rồi.”

Ta cười cười: “Muội không uỷ khuất, uỷ khuất là tỷ thôi. Ai không biết tỷ đứng giữa là khó xử nhất. Tỷ đi đi thôi, chỗ của muội không để chị tra xét được. Tỷ cứ về nói với lão thái thái, muội đa tâm hơn người khác, lục lọi trong phòng muội là tát vào mặt muội một cái, ngày mai muội sẽ đến thỉnh tội.”

Phượng tỷ thấy ta kiên quyết như thế, cũng chỉ cười rồi đi.

Đợi bọn họ đi rồi, hai nha hoàn trong phòng đều vỗ tay vui mừng, đám bà tử ngày thường cậy là người bên cạnh các bà lớn, ngang ngược khiến người ta oán hận, hôm nay bị ta mắng, khiến các nàng vui sướng không thôi.

Mà không để người ta lục lọi đồ của các nàng, là ta che chở cho, lại khiến các nàng thấy chủ tử rất đáng để hầu hạ.

Sau, sợ ta đắc tội với Vương phu nhân, họ lại bắt đầu lo lắng.

Ta khoát tay, thản nhiên nói: “Đóng cửa viện, đi ngủ đi. Việc này ta sẽ lo.”

Mọi người đều giải tán, Tử Quyên hầu hạ ta đi nằm rồi mới rời phòng.

Ta vào Giả phủ cũng được vài năm, cũng có thể thả lỏng một chút. Đắc tội thì đắc tội, cứu được ai thì cứu, muốn làm thì làm thôi. Ngày ta ở đây không còn nhiều nữa, kết cục đã định là sẽ cô độc mà “chết”, trước khi “chết”, làm thêm vài chuyện cho thoải mái cũng chẳng hại gì.

Bọn họ đi khám xét trong viện người khác, ta không can thiệp, ai cũng có số phận riêng, người không thể tự cứu mình, thì ai giúp cũng không nổi.

Ngày hôm sau, lúc ngồi nói chuyện với Thám Xuân và Bảo Thoa có nhắc đến chuyện này, hoá ra, vợ Vương Thiện Bảo ở chỗ ta ăn một bạt tai, sang chỗ Thám Xuân, lại liều lĩnh khoe khoang uy phong, đương nhiên là bị Thám Xuân đánh.

Chúng ta nói một hồi, thán một hồi, lại cười một hồi.

Lão thái thái đang buồn bực chuyện nhà họ Chân ở Giang Nam bị tịch biên tài sản, giải về kinh chịu tội, bọn ta đương nhiên không đem những chuyện này nói ra cho người biết. Huống hồ, Phượng tỷ đã cho người đến nói, chuyện tra xét hôm nọ có liên quan đến vợ Vương Thiện Bảo, bà ta bị đánh rồi đuổi ra ngoài, mong ta và Thám Xuân bớt giận. Đã như vậy, liền cho qua đi thôi.

Rằm Trung thu, Bảo Thoa, Bảo Cầm đều về nhà dự tết đoàn viên, không ở trong phủ. Thám Xuân vì trong nhà xảy ra chuyện này, chuyện kia, không có tâm trạng đùa bỡn. Bảo Ngọc lại buồn bã vì Tình Văn ốm nặng, không bát nháo như ngày thường. Nghênh Xuân, Tích Xuân càng không cần phải nói. May còn Tương Vân vẫn thích náo nhiệt, nói với ta: “Chị em cô Bảo thật đáng giận, lúc cùng nhau vui đùa còn nói, rằm Trung thu sẽ cùng ngắm trăng, mở thi xã, nối vần làm thơ. Thế mà giờ lại bỏ rơi chúng ta, thưởng trăng một mình, thi xã không mở, thơ cũng không làm, tha hồ cho cha con, chú cháu thoả thích tung hoành (trước đó, họ Giả ăn tiệc Trung thu, có chơi tửu lệnh, Bảo Ngọc và Giả Hoàn có làm thơ cho Giả Chính xem – chương 75), tỷ cũng biết đấy, Tống Thái Tổ nói một câu rất hay: ‘Lẽ nào lại để người khác ngủ say bên cạnh giường nằm của mình.’ Bọn họ không đến, hai chúng ta làm thơ nối vần với nhau, để sau này bọn họ phải xấu hổ một phen!”

Tương Vân a! Quả nhiên không phụ kì vọng của ta! Lúc nào nàng cũng có trò vui.