Trọng Sinh Chi Ôn Uyển

Quyển 5 - Chương 133: Ôn Uyển là đại họa sĩ




Edit: Tiểu Yến tráng sĩ Beta: Tiểu Tuyền Đêm hôm đó Ôn Uyển không ngủ được. Nàng nghĩ đến chuyện tương lai mà thấy phiền lòng. Thật sự không thể cứ ngẩn người ở trên giường nữa, nàng khoác áo bước ra ngoài.

Cảnh đêm đen đậm đặc như mực, một hồi lâu sau ánh trăng mới từ những đám mây ló ra. Thân trúc xanh tươi thẳng tắp, được phủ thêm sa y xanh nhạt nhu hòa bên ngoài tạo nên sự thanh lịch mà xinh đẹp tuyệt trần, tựa như một thiếu nữ đang mặc quần áo màu lục lại được khoác lên mình ánh sáng lung linh tinh khiết, áo ngoài mỏng như cánh ve, thật sự thanh tú vô cùng.

Ôn Uyển nhìn mà động lòng. Dường như nàng còn chưa vẽ qua cảnh ban đêm. Lại nói, từ sau khi tiếp nhận việc buôn bán, đã thật lâu rồi nàng không dụng tâm để vẽ tranh, vì luôn chỉ coi nó là một thú vui bên ngoài. Giờ nàng nghĩ đến, sợ là kỹ nghệ đều phai nhạt đi rồi: “Lấy khung vẽ tới đây, ta muốn vẽ tranh.”

Hạ Dao nhẹ giọng đi qua, phân phó xong thì quay trở lại bên cạnh nàng. Nàng bày xong khung vẽ, Hạ Dao quan sát xung quanh còn Hạ Ảnh thì mang bàn nhỏ đến, bên trên đặt bộ trà cụ, hoa quả, quả khô và ít điểm tâm.

Nàng cảm thấy có hai người làm rối loạn suy nghĩ của mình, cũng làm nhiễu loạn ban đêm yên tĩnh này: “Các ngươi đi xuống đi. Có việc ta sẽ gọi. Ta không gọi thì các ngươi cũng không cần đi ra.”

Nàng không tìm thấy cảm giác nên chỉ lẳng lặng đứng nhìn cảnh đẹp trước mắt, tìm kiếm cảm giác. Mặt trăng như một cái đĩa bạc khẽ nhảy múa xuyên qua muôn vàn đám mây, múa ra ánh sáng nhu hòa tỏa xuống trần gian. Tầng tầng thúy trúc và gió nhẹ cùng nhau tranh thưởng ánh trăng ôn nhu tĩnh mịch và đẹp đẽ này.

Một làn gió thổi tới phát ra âm thanh xào xạc. Dường như gió đang vì chúng mà đệm nhạc, tay khảy dây đàn tạo nên những nhạc điệu tươi mát trôi chảy để cho khóm trúc giương cao giọng hát, nhẹ nhàng ngâm xướng. Tiếng ca thật dễ nghe động lòng người khiến cho mặt trăng cũng phải say mê, ở trong mây nhẹ chuyển bước liên tục; khóm trúc cũng như đắm chìm trong vũ khúc tuyệt đẹp của trăng, chậm rãi vung bàn tay trắng như ngọc theo.

Ôn Uyển nhìn mãi đến khi sáp nhập vào bên trong cảnh đẹp. Khi có linh cảm rồi, nàng cầm lấy bút bắt đầu vẽ. Có cảm giác rồi, vẽ tất nhiên cũng thuận buồm xuôi gió.

Hạ Dao và Hạ Ảnh ở bên cạnh nhìn xem, thấy Ôn Uyển vừa ngồi xuống đã một thời thần (2 tiếng đồng hồ). Sợ nàng cảm mạo, dù sao cũng đang ở ngoài trời, nhưng thấy nàng vẽ tập trung tinh thần như vậy, lại sợ đi qua sẽ quấy rầy đến nhã hứng của nàng. Nàng một mực vẽ đến trời tờ mờ sáng mới hoàn thành.

Vừa vẽ xong, Hạ Dao đã nhanh chóng mang một bát canh gừng tới: “Quận chúa, người nhiễm sương sớm cả đêm rất dễ bị cảm lạnh. Uống đi ạ.” Lúc trước Hạ Dao muốn ngăn không cho Ôn Uyển vẽ nữa nhưng nhìn lấy Ôn Uyển tập trung tinh thần như vậy thì nàng lại không nỡ cắt ngang.

Ôn Uyển ngoan ngoãn uống vào, sau khi uống xong thấy mệt thì lên giường đi ngủ. Lúc nàng mở mắt ra cảm giác đầu rất nặng, nhìn trước mắt có không ít người cứ lắc lư. Đặc biệt rõ ràng chính là một người mặc gấm phục hoàng sắc ở bên giường. Ôn Uyển theo cảm giác mà thốt lên: “Cậu Hoàng đế, sao cậu lại tới đây?”

Hoàng đế nhìn nàng bệnh đến hồ đồ, tức giận nói: “Có phải hài tử hai tuổi đâu? Hả? Vậy mà lại bị nhiễm sương sớm, ở bên ngoài trời một đêm. Con nghĩ thân thể mình tốt lắm hay sao?”

Ôn Uyển mơ mơ màng màng thấy hoàng đế đang tức giận nhưng cũng không biết nên nói cái gì. Hạ Nhàn bưng dược tới, hoàng đế chuẩn bị đút thì Ôn Uyển ngậm chặt miệng, thì thào kêu: “Con không uống, đắng chết đi. Không uống, không uống.”

Hoàng đế nhìn Ôn Uyển sinh bệnh mà còn làm ầm ĩ thì rất buồn bực. Nhưng mà hiện tại cũng không phải lúc có thể so đo cùng người bệnh.

Ôn Uyển sốt cả buổi. Uống thuốc xong thì tỉnh lại vào lúc ban đêm. Khi tỉnh lại, nàng ho khan không ngừng, hô hấp khó khăn, nước mũi thì chảy ròng. Muốn khó chịu bao nhiêu thì có khó chịu bấy nhiêu. Nhìn cháo loãng được bưng tới, một chút muốn ăn nàng cũng không có. Cả người vô cùng mệt mỏi.

Nàng hiếm khi cảm mạo, nhưng mùi vị của cảm mạo thật sự là vô cùng khổ sở! Nàng nằm rên rỉ ở trên giường, cam đoan với hoàng đế sau này nàng sẽ không tùy tiện nổi điên nửa đêm đi vẽ tranh nữa, cũng sẽ không tùy ý làm bậy những chuyện khác.

Hoàng đế hỏi thái y, thái y nói sau khi đổ mồ hôi, cơn sốt đã giảm thì không có gì đáng ngại. Hoàng đế vừa giận vừa tức a! Đã sắp hai mươi tuổi rồi mà còn cứ như con nít vậy.

Sáng sớm ngày hôm sau, Ôn Uyển đã cảm thấy tốt hơn nhiều, nhưng cái mũi vẫn còn ngạt. Nàng không muốn lại phải đau khổ uống thuốc Đông y, vì vậy ra ngoài chạy một vòng quanh hoa viên, chạy đến đầu đổ đầy mồ hôi, quần áo toàn thân đều ướt đẫm.

Lại nghỉ ngơi thêm một ngày, nàng mới cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái hơn không ít.

Hoàng đế thấy Ôn Uyển khỏe rồi thì hung hăng khiển trách Ôn Uyển một trận, nói nàng không biết yêu quý chính mình. Ôn Uyển trung thực tiếp nhận lời răn dạy, cam đoan sẽ không có lần sau nữa.

Hoàng đế sâu kín nói: “Xem ra phải tìm người để quản con rồi. Tránh cho con không biết yêu quý bản thân mình, người phía dưới lại không dám xen vào.”

Ôn Uyển bật cười: “Cậu Hoàng đế, cậu xác định không phải tìm người để cho con quản chứ? Mà là hắn quản lại con sao?”

Hoàng đế thấy Ôn Uyển không để trong lòng thì phiền muộn: “Con đã mười tám, thực sự nên tìm người rồi. Nếu không tìm thì thành gái lỡ thì mất. Làm sao cậu có thể yên tâm được đây!”

Ôn Uyển sầu mi khổ kiểm nói: “Cậu Hoàng đế, không phải con không muốn tìm. Con vẫn luôn phối hợp mà. Nhưng tiếc rằng thật vất vả mới tìm được một người thì đã bị người ta phá đám rồi.”

Hoàng đế nghe xong cười nói: “Nam nhi tốt trong thiên hạ cũng không phải chỉ có mỗi Hải Sĩ Lâm. Qua mấy tháng sau chính là thi Hương. Nhất định có thể chọn cho Ôn Uyển nhà ta một quận mã xứng đáng.”

Bởi vì khoa cử ở cổ đại rất khó, bình thường những người đậu Tiến sĩ đều là hơn hai mươi, thậm chí là năm mươi sáu mươi cũng có. Thiếu niên tài tử chân chính phần lớn đều tụ tập ở Giang Nam và kinh thành. Kinh thành đã không có, hoàng đế đành ôm hi vọng vào Giang Nam! Tiếc rằng, Ôn Uyển lại không ôm hi vọng gì.

Trên đường nàng hồi phủ, vén rèm lên, nhìn thấy một nam tử băng qua đường mua kẹo hồ lô cho đứa nhỏ ở bên cạnh. Nàng nhớ tới ngày tết đoan ngọ năm đó, lại nghĩ đến quan hệ với Tống Lạc Dương gần đây thì trong lòng có chút khổ sở. Nhớ lại lão sư vẫn luôn bảo vệ cho nàng, nhớ đến lão sư thiên tân vạn khổ tìm thần y đến cứu nàng, mà nàng lại chỉ vì quan niệm khác biệt mà giận dỗi với người. Khiến cho lão sư phải khổ sở, nàng cảm giác mình quá mức tùy hứng rồi. Liền để cho xe vòng lại, đi tới phủ đệ của Tống Lạc Dương.

Tống Lạc Dương nghe nói Ôn Uyển tới thì có chút giật mình. Từ sau lần không vui trước thì nó không chủ động đến tìm ông nữa. Chính ông cũng không thể hạ mặt đi gặp nó.

Sau khi biết được quả thực Ôn Uyển đã tới thì hắn vô cùng kinh hỉ, đi ra ngoài nghênh đón nàng.

Sắc mặt nàng chồng chất áy náy mà nói với Tống Lạc Dương: “Lão sư, thời gian trước Ôn Uyển thật tùy hứng, cảm xúc rối loạn đã để người phải khó xử, xin lão sư tha thứ.”

Tống Lạc Dương đương nhiên là không trách tội nàng. Đối với ông thì Ôn Uyển cũng như nữ nhi của mình vậy. Ông làm sao nỡ trách tội: “Chuyện này là ta không sớm nói cho con biết, khiến con trong một lúc không tiếp thu được là lão sư sai. Con cũng chớ để ở trong lòng, đã là quá khứ thì cứ để nó qua đi!”

Quả thực Ôn Uyển thấy rất áy náy, hiện nay cuộc sống trôi qua hài lòng thuận ý, tính tình nàng cũng càng phát lớn hơn. Việc này lại không có ai khuyên bảo. Ôn Uyển càng nghĩ càng cảm thấy mình đã quá phận: “Là Ôn Uyển sai rồi, bất kể là đánh hay là phạt, con đều chịu.”

Tống Lạc Dương thấy Ôn Uyển xin lỗi thì xoa đầu, giọng nói vô cùng nhu hòa: “Nha đầu ngốc. Quả thực việc này lão sư đã làm chưa thỏa đáng. Nhưng lão sư làm vậy. . . Thôi, con không cùng ta cãi nhau là tốt rồi. Chút việc nhỏ này, sao ta có thể để ở trong lòng.” Không có người nào nỡ lòng trách mắng con của mình. Ông cũng như vậy.

Ôn Uyển thấy Tống Lạc Dương không để bụng thì nhẹ lòng không ít. Âm thầm tự nhủ về sau không được tùy hứng nữa.

Thầy trò hai người hàn huyên một lát. Tống Lạc Dương nhìn sắc trời, phân phó người đi chuẩn bị trung thiện, giữ Ôn Uyển ở lại dùng bữa.

Hạ Dao ở bên cạnh nói: “Tiên sinh, nửa đêm hai ngày trước Quận chúa nổi hứng vẽ tranh, bị nhiễm gió một đêm mà cảm lạnh. Tuy bây giờ nhìn thì thấy vô sự nhưng thái y nói còn phải tiếp tục uống thuốc.”

Cũng thật đúng dịp, Hạ Dao vừa dứt lời thì Ôn Uyển đã hắt xì liên tiếp, như thể phối hợp với lời nói của Hạ Dao vậy.

Tống Lạc Dương nhìn Ôn Uyển gầy đi không ít (Ôn Uyển: *đổ mồ hôi*, chỉ là cảm lạnh hai ngày, làm sao mà gầy đi được, không béo lên đã là may rồi) trên mặt tràn đầy đau lòng: “Lớn như thế rồi mà còn như một đứa bé, chẳng biết yêu quý thân thể mình gì cả. Nên tìm người trông coi con rồi đó.”

Ôn Uyển ngượng ngùng. Ý này chẳng phải bảo mình phải tranh thủ thời gian gả đi, nếu không thì không ai thèm nữa rồi sao? Ôn Uyển đột nhiên cảm thấy áp lực rất lớn (Ôn Uyển hoàn toàn là não được bổ quá độ, Tống Lạc Dương cũng không cần phải lo nàng không gả đi được. Thiên gia nữ (nữ nhi Hoàng gia) mà không gả đi được thì còn ai gả được).

Lúc tiễn Ôn Uyển về, Tống Lạc Dương chợt nhớ tới bức họa Ôn Uyển vẽ lúc nửa đêm. Hắn đối với việc Ôn Uyển vẽ tranh rất có hứng thú: “Trở về thì con mang bức tranh qua cho ta phẩm (bình phẩm) một chút. Lâu rồi không thấy con vẽ tranh, mong rằng tài nghệ đừng bị mai một.” Hiện nay sản nghiệp trên danh nghĩa của Ôn Uyển quá nhiều quá lớn, Tống Lạc Dương cũng không nhắc đến chuyện kiểm tra việc học tập nữa. Làm trễ nải quốc sự, hoàng đế có thể nhiễu chết ông đó.

Ôn Uyển gật đầu. Sau khi trở về sai Hạ Dao lấy bức họa “Trúc lâm dạ sắc” (ban đêm trong rừng trúc) ra mang qua cho Tống Lạc Dương. Hạ Ảnh tự mình đưa qua: “Tiên sinh, đây là bức họa quận chúa đã vẽ ngày hôm đó. Quận chúa nói mời tiên sinh bình luận một chút.”

Tống Lạc Dương nhìn thấy rất là vui mừng: “Tranh này của Ôn Uyển vẽ sinh động vô cùng. Dung nhập toàn bộ cảnh đêm mông lung cùng với chuyển động thần kì của gió, linh khí của cây trúc vào. Chính là một tác phẩm xuất sắc khó gặp. Tốt, tốt.”

Tống Lạc Dương thật tâm ưa thích bức họa này của Ôn Uyển, không ngờ rằng cái nha đầu này, mỗi ngày bận rộn như vậy mà họa nghệ còn tiến triển thần tốc như thế: “Giữ tranh này lại. Khoảng hai ngày nữa, ta sẽ cho người mang trở về.” Hạ Ảnh cung kính lui ra.

Tống Lạc Dương thấy trên mặt của bức họa đã được ký đại danh và lưu lại con dấu của Ôn Uyển. Nhìn bức họa ấy, hắn nói với Tô Khanh: “Cái nha đầu này, nếu không bị hoàng đế mang đi làm buôn bán thì nhất định sẽ là một hiện tượng mới lạ trong văn đàn. Tương lai có thể lưu danh thiên cổ.”

Tô Khanh lại không đồng ý lắm cười nói: “Việc buôn bán của Quận chúa giúp làm đầy quốc khố. Góp phần để Đại Tề càng ngày càng phồn thịnh, trăm họ an cư lạc nghiệp, cũng được danh dương thiên cổ giống nhau thôi. Hơn nữa những cái này đối với quận chúa thì cũng chỉ là một thú vui.” Nàng cảm thấy Ôn Uyển mới thật sự là thông minh. Muốn những hư danh này để làm gì, thanh danh quá lớn, đến lúc chân chính gặp chuyện, thì nó không hề hữu dụng mà ngược lại còn thành sự phiền phức. Giống như Ôn Uyển, có quyền có thế, có tài có người, cho nên mới có thể sống thư thái tự tại. Còn nếu giống như nàng, một mực đi theo đuổi thanh danh tài nữ thì kết quả chính là hại ngược bản thân mình. Nữ nhi Tô gia, bởi vì thanh danh quá thịnh mà làm hại hai đời đích nữ. Cho nên mới nói người thông minh nhất vẫn là Ôn Uyển. Chỉ trong tay có quyền thế, mới có thể chính thức bảo vệ tốt bản thân mình. Xem cuộc sống thư thái của Ôn Uyển hôm nay thì biết. Nếu đổi thành những người khác, cho dù có là công chúa, nhưng hoàng đế chỉ cần thấy không sai biệt lắm là sẽ tứ hôn, ai dám kháng chỉ. Nhưng Ôn Uyển lại có thể tự do chọn lựa vị hôn phu cho mình. Còn ngang nhiên tuyên bố, trượng phu của mình chỉ có thể lấy một mình nàng. Tại sao nàng có thể làm thế, còn không phải bởi vì nàng có quyền có thế hay sao? Hoàng đế muốn dùng nàng, đương nhiên là phải thuận theo nàng.

Tống Lạc Dương nghe xong lời này cũng hết lời để nói. Mỗi việc của Ôn Uyển làm đều là việc hữu ích cho dân chúng thiên hạ. Hôm nay những giống khoai lang, khoai tây, bắp ngô… đã được gieo trồng rộng rãi. Dân chúng không nói là cuộc sống trôi qua thật tốt, nhưng cũng không nghe thấy có chỗ nào đói nghèo nữa. So với những thứ này, để cho Ôn Uyển trở thành thi nhân hoặc là họa sĩ thì có vẻ kém hơn nhiều.

Ôn Uyển nghe xong lời Hạ Ảnh báo lại thì rất là nghi ngờ, bức họa đó thật sự tốt như vậy sao? Làm sao lại được lão sư đánh giá như vậy? Đương nhiên, so với lúc trước thì đúng là tốt hơn, nhưng cũng không đáng để lão sư phải khoa trương thế.

Ôn Uyển nhớ đến lần trước từng uống trà Đại hồng bào với Hải Sĩ Lâm: “Chỗ ta có Đại hồng bào không?”

Hạ Dao lắc đầu: “Quận chúa, trà ngon trong phủ đều đưa hết cho Tống tiên sinh rồi ạ.” Bởi vì Tống Lạc Dương thích uống trà, Ôn Uyển lại vì thân thể mà chỉ có thể ngẫu nhiên uống một hai chén. Cho nên trà ngon Ôn Uyển lấy được từ chỗ hoàng đế đều tặng cho Tống Lạc Dương cả.

Ôn Uyển gọi Hạ Thiêm tới, nói: “Đi tìm đi. Ta muốn vài lạng Đại hồng bào.” Hạ Thiêm lập tức đi tìm, nhưng tiếc rằng đại hồng bào trên thị trường lại ít đến thương cảm. Bởi vì sản lượng hàng năm ít vô cùng, người có được cũng chỉ giữ lại tự mình uống nên có tiền cũng không có mà mua.

Nàng cũng không thật buồn bực, nghĩ đến dùng những loại trà khác thay thế là được. Nhưng Hoàng đế biết được nàng đang tìm đại hồng bào thì thưởng xuống tới bốn lạng. Nàng nhìn đống trà ấy, liền tặng hai lạng cho Hải lão, hai lạng còn lại thì tặng cho Tống Lạc Dương.

Hải lão nhìn mấy lạng trà Ôn Uyển tặng đến thì cả buổi không nói chuyện, chỉ thật sâu thở dài một tiếng.

Tống Lạc Dương nhận được hai lạng trà này của Ôn Uyển, trái lại mừng rỡ vô cùng. Lập tức mời mấy người bằng hữu đến để phẩm trà. Đồng thời còn đem cả bức họa “Trúc lâm dạ sắc” của nàng ra cho mọi người bình luận thưởng thức.

Mọi người biết được là của Ôn Uyển thì không thấy kỳ quái chút nào. Chỉ bàn luận tinh túy của bức tranh này, tất nhiên, cũng chỉ ra cả những điểm còn chưa được nữa. Thư đồng ở bên cạnh ghi nhớ từng lời.

Kim lão hắng giọng nói: “Lão Tống, vẫn là lão tinh mắt a. Đệ tử tốt như vậy mà lão cũng tìm được.” Trước đây, bọn họ còn nhiều lần khuyên nhủ Tống Lạc Dương. Nói nhận Ôn Uyển làm nữ đệ tử sẽ làm tổn hại danh dự của hắn. Nhưng thiên phú và tài học của nàng, nếu như không phải vì những cái khác ảnh hưởng thì tất cả đệ tử của bọn họ cộng lại cũng không thể bằng được với thanh danh vang dội của Ôn Uyển.

Tống Lạc Dương dương dương đắc ý nói: “Uống trà, uống trà đi. Đây chính là đại hồng bào, đại hồng bào một năm cũng không có được bao nhiêu đấy.” Cái bộ dáng đắc ý và càn rỡ (lão hữu nói trong lúc vui đùa) kia làm cho mấy vị Đại nho hận đến ngứa răng. Những năm này, Tống Lạc Dương hướng bọn họ khoe khoang không biết bao nhiêu lần, bọn họ cũng đã không nhớ rõ nữa rồi. Nhưng mỗi lần Tống Lạc Dương làm chủ mời bọn họ đến chơi, bọn họ lại nhịn không được mà đi qua. Bởi vì những thứ tốt ở chỗ Tống Lạc Dương thật sự là quá nhiều (đều là Ôn Uyển tặng cho, có thể không tốt sao). Những thứ khác thì không nói, nhưng trà xanh thì quả thật khiến cho người ta không nhịn được mà chạy tới a! Trà ở đây, tuy rằng trong tay bọn họ cũng có nhưng không nhiều lắm. Không có nhiều để khoe khoang như Tống Lạc Dương a!

Lần này Tống Lạc Dương mời họ chính là vì muốn mượn danh của bọn họ. Sau khi được bình luận liền mang bức tranh “Trúc lâm dạ sắc” này đến nhà sách nổi tiếng nhất trong kinh thành cho mọi người cùng thưởng thức. Đương nhiên, nói là như vậy, chứ nếu không phải là người có thân phận địa vị thì cũng không được nhìn tới.

Thanh danh “Trúc lâm dạ sắc” của Ôn Uyển cứ như vậy mà lan truyền ra ngoài, những người xem qua, mỗi người đều nói “Trúc lâm dạ sắc” quả là một tác phẩm xuất sắc khó gặp. Mọi người nhận định như vậy nên có thể chứng minh, kỹ năng vẽ của Ôn Uyển xác thực là bất phàm, Ôn Uyển quận chúa là đại họa sĩ.

Đại họa sĩ, cộng thêm với thi tịch trước kia, hai kỹ nghệ như vậy, đâu còn ai dám so sánh Ôn Uyển là ngập trong đống tiền, người đầy hơi tiền nữa.

Sau khi nàng nghe được tin tức này thì kinh ngạc hỏi Hạ Dao: “Ta vẽ bức họa kia thực sự tốt đến vậy sao. Có thể làm cho những đại nho kia đánh giá cao như vậy?” Năm đó vị lão sư dạy thi họa cho nàng đã nói là nàng họa không có linh khí. Tuy rằng nàng cũng cảm giác được mình họa không kém như thế.

Hạ Dao cười nói: “Những cái này thuộc hạ không hiểu. Nhưng thuộc hạ biết rõ, thanh danh này nếu được lan truyền ra ngoài thì không có ai dám nói quận chúa là người chỉ có tiền trong mắt nữa. Đây là Tống tiên sinh mời các vị Đại nho cho lời bình. Tống tiên sinh nói, chính người tự nghĩ đi, đối với người sẽ có trợ giúp đó.”

Ôn Uyển ừm một tiếng. Hiện tại nàng đã biết rõ cái gì là hiệu ứng danh nhân rồi.

Đương nhiên, cũng có một họa sĩ nghi ngờ. Không phải hắn nghi vấn điểm tốt của bức họa này, mà là nghi ngờ bức họa này rất có thể là bút tích của Tống Lạc Dương. Từ trước tới giờ bọn họ chưa từng nghe qua Ôn Uyển quận chúa là hoạ sĩ. Vẽ tranh nếu không tích lũy quanh năm suốt tháng thì không thể vẽ ra được một bức họa có linh khí như thế. Chính hắn học họa được hai mươi năm, cũng không dám nói có thể vẽ ra được một tác phẩm xuất sắc thế này.

Câu hỏi nghi vấn này vừa ra thì được rất nhiều người ủng hộ. Muốn bọn họ tin tưởng bức họa này là do Ôn Uyển quận chúa vẽ, có thể thôi, chính là biểu diễn công khai cho bọn họ xem. Chuyện này tạo nên huyên náo xôn xao không nhỏ.

Ôn Uyển nghe được tin đồn này thì có chút buồn cười. Biểu diễn cho bọn họ xem, coi nàng là cái gì chứ, thực biểu diễn thì đúng tự hạ thấp bản thân mình. Ban đầu vốn chỉ là tùy ý vẽ một bức họa. Những hư danh này đối với nàng không hề có tác dụng, nàng căn bản là không thèm để ý. Nhưng bây giờ thì đã không còn giống với lúc trước: “Đi tra xem, phải chăng có mấy người ở sau lưng làm chuyện xấu.”

Kết quả tra được lại là không hề có người quấy rối ở sau lưng. Chỉ là vị họa sĩ này không tin Ôn Uyển có thể vẽ ra được bức họa tốt như vậy, một mực tin tưởng là Ôn Uyển giả mạo. Nếu thật sự Ôn Uyển vẽ, lại hơn hẳn bọn họ chăm chỉ nhiều năm như vậy thì làm sao mà chịu nổi.

Ôn Uyển nghĩ, có lẽ người này muốn mượn nàng để dương danh.

Nàng không thèm để ý, không có nghĩa là Tống Lạc Dương không thèm để ý. Tống Lạc Dương nổi giận, trực tiếp đi tìm vị họa sĩ này, ở giới họa sĩ hắn ta cũng có chút danh tiếng. Vả lại nếu vì dương danh mà làm vậy thì Tống Lạc Dương càng phải nghiêm trị kẻ dụng tâm kín đáo này. Chửi bới đệ tử của hắn vô sỉ bại hoại, ông sẽ không để yên cho ông ta.

Ngay lúc này, năm vị Đại nho cũng chính miệng chứng minh, bức họa này xác thực do Ôn Uyển quận chúa vẽ. Có năm vị Đại nho làm căn cứ xác minh mới áp chế được việc này xuống dưới.

Kim lão nhìn Tống Lạc Dương: “Ngươi bảo Ôn Uyển nói cho thế nhân biết. Nàng chính là Phất Khê công tử không phải là được rồi sao?” Năm đó một bộ “Lâm trung mạn bộ” của nàng, bởi vì họa pháp mới lạ đã khiến cho Phất Khê công tử có một chỗ đứng trong giới hội hoạ. Chỉ cần Ôn Uyển tiết lộ ra cái thân phận này. Cam đoan đến nửa tiếng nghi vấn cũng sẽ đều không có.

Tống Lạc Dương cười nói: “Lần này đa tạ các ngươi rồi. Về phần chuyện các ngươi nói, công bố nhất định là phải làm. Chỉ là hiện tại còn chưa phải lúc. Nhưng ta tin tưởng, cũng không bao lâu nữa đâu.” Kỳ thật Tống Lạc Dương cũng rất hi vọng Ôn Uyển công bố đó! Lại nói, hắn đeo danh vẽ tranh hộ đệ tử lừa người cũng khó chịu lắm chứ. Nhưng Ôn Uyển đã nói, phải chờ thêm ít năm nữa rồi mới công bố.

Mấy vị Đại nho thì có thể lí giải.

Thế nhưng Tào Tụng, còn có Yến Kỳ Hiên thì lại không thể lí giải được.

Hai người nhìn “Trúc lâm dạ sắc”, sắc mặt đều đại biến. Hiện tại Yến Kỳ Hiên đã nhập môn, không còn là người như trước chỉ biết nhận tranh bằng con mắt nữa. Nhìn thấy họa pháp quen thuộc mà hắn không thể bình tĩnh nổi!

Tào Tụng thì chỉ giật mình. Tại sao họa pháp của Ôn Uyển quận chúa lại giống của Phất Khê đến vậy. Tất nhiên, cũng không phải thập phần giống, nhưng cũng phải đến sáu phần. Nhưng Tào Tụng suy ngẫm một lát thì đã bình thường trở lại. Còn không phải có Tống tiên sinh sao, Ôn Uyển quận chúa vốn là đệ tử duy nhất của tiên sinh, vẽ được như vậy cũng không phải là chuyện lạ gì.

Yến Kỳ Hiên cảm thấy phát run. Hắn nhớ Ôn Uyển đã từng nói, nàng chính là Phất Khê, muốn hắn tin tưởng nàng. Yến Kỳ Hiên thì thào nói: “Sẽ không đâu, sẽ không đâu. Không thể là như vậy?”

Nếu như Ôn Uyển chính là Phất Khê, vậy hắn nên làm thế nào? Hắn phải làm thế nào? Yến Kỳ Hiên trở lại vương phủ, ở trong Bạch Ngọc viên, ngắm nhìn linh bài của Phất Khê nói: “Phất Khê, ngươi không phải là Ôn Uyển đúng không. Phất Khê, ngươi không phải. Không phải là như vậy.”

Yến Kỳ Hiên suy nghĩ nửa ngày, cuối cùng đến hỏi Thuần Vương. Thuần Vương đương nhiên là thề thốt phủ nhận. Đến bây giờ, không có bằng chứng, Yến Kỳ Hiên hoài nghi cũng vô dụng.

Tuy vậy nhưng trong lòng Yến Kỳ Hiên vẫn không thể thả lỏng. Không được xác nhận chính xác, hắn không thể an tâm. Vì vậy, hắn cùng Tào Tụng thương lượng một chút (tất nhiên là cũng không nói ra hoài nghi trong lòng của mình), hạ thiếp mời cho Ôn Uyển. Mặt ngoài nói là muốn cùng Ôn Uyển nghiên cứu thảo luận họa nghệ một chút.

Hạ Ngữ tiến vào nói: “Quận chúa, Thuần vương phủ, còn có Đại phò mã đưa thiếp mời tới. Muốn tới bái phỏng quận chúa.”

Ôn Uyển sững sờ, nghĩ đến một người là thiếu chút nữa đính hôn cùng mình, một người thì hủy hôn. Hiện tại chạy tới, hẳn là đến để xác minh rõ, muốn nhìn xem nàng có thực học thật hay không đây. Nghĩ tới chỗ này, Ôn Uyển tràn đầy không kiên nhẫn. Trực tiếp ngạo mạn nói “Nói ta không rảnh. Về sau thấy những thiếp mời như vậy thì trực tiếp đuổi đi. Không cần đến hồi bẩm ta.”

Hạ Ngữ thấy được sự chán ghét trong mắt Ôn Uyển nên lập tức truyền lời xuống dưới.

Ôn Uyển đối với tin đồn mình là đại họa sĩ, một chút cảm giác cũng không có. Thanh danh trong giới sĩ lâm, đối với Ôn Uyển mà nói cũng chỉ là cảnh thượng thêm hoa (như kiểu vẽ rắn thêm chân bên mình, ngụ ý là không cần thiết). Những vị Đại nho kia là nể mặt nàng nên mới cho đánh giá cao như vậy. Ôn Uyển rất tự mình hiểu mình. Vẽ tranh, chỉ là nghiệp dư tiêu khiển của nàng, hiện tại trình độ mới chỉ miễn cưỡng nhập được vào hàng nhất lưu. Có thể được danh xưng này, chủ yếu vẫn là do thủ pháp vẽ tranh của nàng mới lạ.

Đồ Ôn Uyển không thèm để ý nhưng đối với người khác mà nói lại là tha thiết mơ ước có được.

Huyên Quận Vương rất là buồn bực: “Ngươi nói xem, nữ nhân này rốt cuộc có phải là người hay không a? Mỗi ngày bận rộn xử lý sản nghiệp lớn như vậy. Kết quả, tùy tiện viết hai bài thơ, có thể ra thi tập, còn được những cái kẻ văn nhân sĩ tử truy tụng (tìm kiếm + tán tụng). Vẽ một bức họa thì lại được những vị Đại nho tán thưởng, lớn tiếng trầm trồ khen ngợi, trở thành đại họa sĩ. Cho dù nàng có làm buôn bán, nhưng đã có những điều này, có ai lại dám chê nàng là đồng tiền thối nữa.” Thanh danh quay đi quay lại, vẫn là tôn quý quận chúa tài hoa hơn người.

Người so với người, quả thực tức chết người. Ôn Uyển mỗi ngày kiếm tiền, làm ăn trên danh nghĩa lại lớn như vậy. Lại có thanh danh ở trong giới thanh lưu tốt đến làm cho người ta phải xấu hổ. Quan hệ với nhóm thanh lưu được ngưỡng mộ đến mức làm cho người ta đố kỵ.

Từ Trọng Nhiên nở nụ cười: “Ôn Uyển quận chúa, vận tốt, mệnh tốt, những điều này, người khác muốn cầu cũng cầu không được.” Ai bảo người ta có lão sư là danh sĩ đệ nhất thiên hạ. Tống Lạc Dương nguyện ý tạo thế cho Ôn Uyển, còn mượn sức của các Đại nho nâng danh cho nàng, những điều này dù có quyền thế và tiền tài cũng mua không được.

Huyên Quận Vương chỉ có thể cười khổ: “Đúng vậy a, vận thật tốt mà, lần trước sự kiện sao chép bị đưa ra, Tống Lạc Dương đính chính giúp nàng, có thi tịch xuất thế, danh chấn thiên hạ. Hôm nay, ngay cả vẽ cũng được bình luận cao đến như vậy. Ôn Uyển, rốt cuộc đã làm được những gì?” Vận tốt là một phần, bản thân mình cũng phải có tài học thật sự. Những vị Đại nho kia nhất định là có cho Tống Lạc Dương mặt mũi. Nhưng mà muốn bọn họ nói láo, bản thân Ôn Uyển không có tài năng thực sự thì cũng không có khả năng. Bởi vì Đại Nho trân trọng nhất chính là danh dự của mình. Nhưng hắn rất buồn bực, vì sao họ lại xem trọng Ôn Uyển đến thế. Những người này đều xem công danh là thứ cặn bã. Hơn nữa từ trước tới nay, họ chán ghét nhất là dính dáng đến người quyền quý, giống như chỉ cần dính một chút thì sẽ làm ô danh bọn họ vậy. Ôn Uyển hôm nay, tân quý tiếng tăm lừng lẫy. Rốt cuộc bởi vì sao mà khiến bọn họ xem trọng không hề băn khoăn như thế.

Nguyên nhân thực sự mà mấy vị Đại nho tôn sùng Ôn Uyển là vì bọn họ biết Ôn Uyển chính là Phất Khê. Nếu như Ôn Uyển chỉ với tư cách là tôn quý quận chúa, thì dù có viết thơ hay thêm nữa, thêm nhiều bức họa đẹp nữa, càng xuất sắc hơn nữa thì chỉ khiến bọn họ hiềm nghi. Ví như lần trước, mọi người làm khó dễ đưa ra các loại hạn chế để Ôn Uyển làm thi từ, nhưng ngược lại cuối cùng, cũng chỉ tỏ vẻ là miễn cưỡng thoả mãn chứ không có tôn sùng. Bởi vì người cầm quyền vì danh lợi, có rất nhiều người sẵn sàng bán mạng vì họ. Nhưng Phất Khê công tử thì không giống như vậy. Năm đó Phất Khê công tử là bằng vào thực học của chính mình mà oanh động kinh thành, danh dương thiên hạ. Những điều này bọn họ đều thấy rõ như ban ngày. Mà Ôn Uyển lại có thể che dấu chân tướng mình chính là Phất Khê công tử. Đối với chuyện này, mấy vị Đại nho rất khâm phục, cũng thấy đáng tiếc cho nàng vì giúp hoàng đế làm đầy quốc khố mà đi làm thương nhân (đối với người mình yêu thích mà nói thì làm cái gì cũng có thể tán dương, yêu ai yêu cả đường đi). Nếu nàng dấn thân vào văn đàn, nhất định là một đời đại văn hào, danh dương thiên cổ.

Từ Trọng Nhiên im lặng không nói gì.

Ôn Uyển nghĩ chuyện này đến đây là kết thúc nhưng lại nghe nói Thuần Vương thế tử đưa bái thiếp tới. Đã đưa mấy lần trở về rồi, Ôn Uyển có chút không kiên nhẫn được nữa.

Hạ Dao ở bên cạnh nghĩ đến gì đó, nói: “Quận chúa, trước người ở trong vương phủ lưu lại nhiều bức họa như vậy, hôm nay Thế tử Thuần vương đã học vẽ tranh. Rất có thể, từ trên bức tranh của người mà tìm ra dấu vết.”

Ôn Uyển nghe xong có chút buồn cười. Thời gian qua đi cảnh đã thay đổi, lúc trước nàng chính miệng nói mình là Phất Khê, thậm chí còn thổi khúc nhạc năm đó hai người ở cùng một chỗ. Nếu như lúc trước Yến Kỳ Hiên chứng thực hoặc là chất vấn nàng, sau đó giận dữ rời đi, nàng có thể tiếp nhận. Dù sao cũng là nàng lừa gạt hắn trước, nàng sẽ giải thích. Nhưng Yến Kỳ Hiên căn bản không tin. Lúc trước không tin, hôm nay lại đến hoài nghi thì còn ý nghĩa gì?

Ôn Uyển nghĩ đến ba lần bốn lượt như vậy, cũng không phải chuyện hay: “Hạ Dao, ngươi đi đuổi hắn cho ta. Khiến cho hắn không dám đến cửa nữa. Dù sao cũng phải chú ý ảnh hưởng một chút.”

Lúc sau Yến Kỳ Hiên sắc mặt trắng bệch mà rời khỏi phủ quận chúa.

Hạ Dao trở về, Ôn Uyển không chủ động hỏi gì. Nhưng Hạ Dao lại chủ động báo lại: “Quận chúa, ta không nói người là Phất Khê công tử. Ta chỉ chửi hắn một trận. Cho dù người không phải Phất Khê công tử, nhưng quận chúa đã cứu hắn hai lần. Biểu hiện của người cũng chỉ là ái mộ hắn, không gây ra bất cứ tổn thương gì cho hắn. Hắn lại có thể làm ra chuyện tình không bằng heo chó như vậy. Hiện tại đến thăm làm cái gì? Hắn thiếu nợ quận chúa, cả đời cũng không trả hết được.”

Ôn Uyển cười nói: “Ngươi không đe dọa, nhưng lại nói những câu đả thương lòng người nhất. Có điều vậy cũng tốt, hôm nay Yến Kỳ Hiên đã tiến bộ hơn rồi, chắc có lẽ không vì bị ngươi mắng hai câu mà căm hận đâu.”

Hạ Dao thấy Ôn Uyển nói chuyện thật nhàn nhạt, không hề tức giận, cũng không hề bi thương. Thật giống như đang nói tới người không có một chút liên hệ vậy.