Trọng Sinh Chi Nghiệt Nô Ngược Bạo Quân

Chương 359: Hoàn toàn không vừa ý




Long Huyền nghe La Duy nói, động tác trên tay chợt ngừng, rồi mới giúp La Duy cài lại vạt áo một lần nữa.

La Duy dứt khoát không nhìn Long Huyền, nghiêng mặt sang một bên, ngẩn người nhìn bức tường trắng bóc.

Long Huyền cài vạt áo xong, mới vươn tay chạm vào khuôn mặt La Duy: “Ngươi nói không sai, Vệ Lam sạch sẽ hơn ta nhiều.”

Ánh mắt La Duy khẽ xao động.

“La Duy, ngươi nghĩ ta có lựa chọn sao?”

“Long Huyền, ngươi đã có được giang sơn rồi.”

“Trừ giang sơn, ta muốn có cả ngươi.”

“Ngươi muốn cái gì của ta chứ?” La Duy nặng nề nhìn Long Huyền, buồn rầu rồi phẫn hận,“Tìm ta báo thù? Ngươi đã báo thù rồi, ngươi cũng không muốn ta chết, vậy mà không thể buông tha cho ta sao?”

“Cùng ta gây dựng giang sơn không được sao?” Long Huyền nhìn La Duy, có chút ngây ngốc, hắn để lọn tóc La Duy quấn quanh ngón tay mình,“Cái gì ta cũng có thể cho ngươi.”

“Vậy ngươi hãy thả ta ra!” La Duy nói, y chẳng cần thứ gì của Long Huyền hết, y chỉ muốn sống quãng đời còn lại với Vệ Lam trong thung lũng Thanh Sơn thôi.

“Trừ việc này.” Long Huyền nói.

La Duy vô lực, y có thể nói gì với Long Huyền nữa đây?

Long Huyền cũng cảm thấy vô lực, đối mặt với La Duy, hắn mãi chẳng thể nói rằng vì sao lại muốn giam cầm y bên cạnh mình,“La Duy, ta đã mất ngươi một lần, cho nên ta sẽ không buông tay nữa.” Nếu không thể vứt bỏ y, vậy thì hắn sẽ không bỏ qua nữa.

“Ta mệt rồi, ngươi đi đi.” La Duy không buồn đáp lại.

Long Huyền đứng dậy rời đi, hắn đã quân lâm thiên hạ, hắn có thể cho y vinh hoa phú quý cả đời, thế nhưng, hắn không thể cho y thứ y mong muốn nhất.

Sáng sớm hôm sau, La Duy bị Long Huyền đưa ra khỏi thành Tuyên Châu.

Thỉnh thoảng bên ngoài xe truyền đến tiếng người, La Duy biết hẳn là người Tuyên Châu lúc này đang ở dọc hai bên phố, y giữ thật chặt rèm xe, sợ gió sẽ thổi bay tấm rèm che ấy, y không muốn người Tuyên Châu nhìn thấy dáng vẻ lúc này của y, nếu có thể, cả đời bọn họ hãy nhớ từng có Nam ca nhi và Phó ca nhi là được rồi.

“Đi rồi.” Vệ lão hán đứng ở cửa thành, nhìn chiếc xe ngựa dần khuất xa.

“Chúng ta không gặp được Phó ca nhi nhỉ.” Mấy ông lão khác kiễng chân, rướn mình nghển cổ nhìn theo, cho đến tận lúc cả người đều mỏi, bọn họ cũng không nhìn thấy bóng dáng Phó ca nhi.

Vệ lão hán cúi đầu: “Có lẽ ở trong xe, ai biết được?”

“Rốt cuộc là sao đây?” Mấy lão già vẫn không hiểu mô tê gì.

Vệ lão hán nói với mấy ông bạn già: “Về thôi, nếu hai đứa nó có thể trở về, thì chắc chắn sẽ về thôi.”

Cảm thấy có lẽ đã cách xa thành Tuyên Châu, La Duy mới ló đầu ra khỏi cửa xe, nhìn về phía cổng thành ngày càng nhỏ. Trong mắt y, cổng thành ấy chỉ còn là một chấm đen, La Duy tự hỏi, ta còn có thể trở về không?

“Gió lớn lắm, đừng để bị cảm lạnh.” Long Huyền cưỡi ngựa đi cạnh xe La Duy, cảm thấy sa mạc nổi gió lớn, vội vã nói với La Duy đang bận ngoái nhìn thành Tuyên Châu.

La Duy hung hăng đóng cửa xe, chỉ cần có kẻ này, thì cả đời y cũng không thể trở về được nữa.

Long Huyền biết La Duy giận, nhưng nổi giận vẫn tốt hơn là không nói lời nào.

La Duy ngồi ở trong xe, có Long Huyền ở đây, y chẳng có lòng dạ nào ngắm phong cảnh. Ngồi trong chiếc xe xóc nảy này, y chỉ thấy buồn ngủ mà thôi. Ngay lúc La Duy mơ màng ngủ thì xe ngựa đột nhiên ngừng lại.

“Bệ hạ, con ngựa này đột nhiên vọt vào!” Tướng lĩnh quân đội ở phía sau phi ngựa lên bẩm với Long Huyền.

La Duy chấn động, vội vã mở cửa xe.

“La Duy?” Long Huyền thấy La Duy định ra khỏi xe, liền chạy tới.

La Duy mở cửa xe, mới biết bên ngoài gió thổi vô cùng mạnh, từng cơn gió cuốn theo vô số bụi cát vàng, khiến người ta không mở nổi mắt.

Long Huyền dùng áo choàng che kín La Duy từ đầu đến chân, ôm La Duy vào lòng: “Ngươi ra đây làm gì? Thân thể không tốt, thì cứ ở trong xe mà nghỉ ngơi.”

La Duy ho khan vài tiếng, nói với tướng lĩnh kia: “Con ngựa trông thế nào? Để ta xem xem.”

Tướng lĩnh nhìn Long Huyền.

“Dắt con ngựa kia đến.” Long Huyền ra lệnh.

Một con ngựa đỏ thẫm được binh sĩ cầm dây cương dắt đến.

La Duy vừa thấy con ngựa này liền kêu lên: “Hồng Tảo, là ngươi sao!”

Con ngựa tên Hồng Tảo nghe thấy giọng La Duy, vội vã chạy về hướng này.

La Duy đẩy Long Huyền ra, không cần các nội thị đỡ, liền nhảy xuống xe ngựa, thì ra loài ngựa có thần giao cách cảm, Hồng Tảo có thể tìm thấy y.

Hồng Tảo được La Duy vuốt ve, phát ra tiếng phì phì trong mũi, tựa hồ là trách La Duy đã bỏ nó lại trong thung lũng.

“Không phải ta đã bảo ngươi cứ chờ ở trong rừng sao?” La Duy rất vui, nhưng lại mắng Hồng Tảo, “Sao lại chạy đến đây? Bao nhiêu con ngựa muốn làm ngựa hoang chả được, đằng này ngươi lại không vui?

Hồng Tảo đá đá cát dưới chân, không thèm nghe La Duy mắng.

Long Huyền thấy chân trời đã hóa sắc vàng, vội nói với La Duy: “Nếu nó đã tìm đến đây, thì mang nó theo cùng là được.”

La Duy không thể đuổi Hồng Tảo đi nữa, hung hăng gõ vài cái vào đầu nó, nói: “Ngươi đừng hối hận đấy!”

“Lên xe đi.” Long Huyền kéo La Duy lên xe.

“Vậy Hồng Tảo thì sao?” La Duy đứng bất động, chỉ vào Hồng Tảo hỏi Long Huyền.

“Ngươi.” Long Huyền chỉ vào một tiểu thái giám: “Dắt ngựa thi theo bên cạnh xe.”

Tiểu thái giám vội chạy lên giữ dây cương Hồng Tảo.

“Vừa lòng chứ?” Long Huyền hỏi La Duy.

La Duy nhìn quanh hoang mạc, tính toán một chút, nếu y nhảy lên Hồng Tảo chạy trốn liệu có được không.

“Đừng hy vọng xa vời.” Long Huyền kéo La Duy về phía xe ngựa: “Ngươi cưỡi ngựa một mình, không có thức ăn nước uống, cũng không có ai dẫn đường, ngươi định ra khỏi sa mạc thế nào? Hay là ngươi định quay về Tuyên Châu tìm người hỗ trợ?”

“Ngươi đang nói cái gì?” La Duy không thừa nhận, y chỉ vừa mới nhen nhóm ý định: “Ta không hiểu.”

“Lên xe nào.” Long Huyền không rảnh cãi nhau với La Duy giữa bão cát, nhanh chóng đẩy y vào xe.

Hồng Tảo không nhìn thấy La Duy, lại bắt đầu không an phận, tiểu thái giám cầm dây cương cơ hồ không gữ nổi nó.

“Hồng Tảo đừng làm loạn!” La Duy vươn đầu ra khỏi cửa xe:“Ta ở đây rồi.”

Hồng Tảo nghe thấy tiếng La Duy mới ngoan ngoãn để tiểu thái giám dắt đi.

“Ngươi phải ngoan đấy!” Trước khi đóng cửa xe, La Duy còn cố dặn dò Hồng Tảo.

Mọi người đều nghĩ, không thể hiểu Cẩm vương là người có tính cách như thế nào, dường như trong thân thể kia có linh hồn của cả người lớn và trẻ nhỏ, tùy lúc tùy chỗ mà hai linh hồn ấy hoán đổi cho nhau.