Trọng Sinh Chi Nghiệt Nô Ngược Bạo Quân

Chương 330: Bên dòng suối phong cảnh như họa




Vệ Lam vẫn đứng ở một bên, nghe đám người này thảo luận.

Thường Lăng bị gọi về kinh đô, La Khải quay về nhậm chức đại soái Vân Quan, La Tắc giữ binh quyền phía Đông Nam, mấy tin tức này, hắn và La Duy cũng nghe được trên đường rồi. Long Huyền làm vậy, Vệ Lam có thể hiểu. Như La Duy dã nói, Long Huyền lên ngôi vua, dựa vào danh tiếng của Hưng Võ đế để nắm thế lực quân đội trong tay, trừ Long Tường, Thường Lăng, thì không tin ai khác. Thường Lăng về kinh để giúp Long Huyền ổn định tình hình kinh đô và các vùng lân cận, La thị huynh đệ và Long Huyền không phải một lòng, nhưng La gia tuyệt đối không làm chuyện phản quốc, cho nên Long Huyền dùng La thị huynh đệ cũng là lựa chọn tất nhiên. Trọng dụng La Khải và La Tắc, thì Triệu thị huynh đệ cũng có thể an tâm theo Long Huyền.

Nghĩ đến chuyện Long Huyền nói muốn đón hài cốt La Duy, Vệ Lam bật cười, người này… lời dối trá nào cũng có thể nói ra.

“Thế khi nào thì đánh? Có phải đánh rồi hay không?” Bà chủ hỏi, lúc này bà mới tin họ không nói bậy.

“Khi chúng ta đến đây thì vẫn chưa.” Lão thương nhân nói:“Chỉ nghe nói Đại Chu đang điều binh về Vân Quan, có lẽ lần này sẽ là một hồi đại chiến, ta còn nghe nói bệ hạ muốn thân chinh ra trận.”

“Bệ hạ đối với Cẩm vương gia đúng là huynh đệ tình thâm…” Bà chủ nói:“Huynh đệ hoàng gia cảm tình thật tốt.”

“Ngươi ấy, đàn bà mà đòi bàn chính sự!” Vệ lão hán lườm bà chủ hàng nước,“Về mặt này thì các cụ có câu, hoàng gia……”

“Không bàn quốc sự!” Bốn ông lão bên cạnh đều đẩy đẩy Vệ lão hán.

Thân chinh? Vệ Lam nhíu mày, Long Huyền lại định chơi trò gì đây? Nhân trận đánh này để thu hết binh quyền?

Một câu không bàn quốc sự khiến cuộc trò chuyện đang khí thế ngút trời trở nên lạnh nhạt.

Năm ông lão đã đi về phía Vệ Lam, Vệ lão hán còn đang ngây người hoảng sợ.

“Lão già này, chết tại cái miệng mà!” Bốn ông già đều mắng Vệ lão hán:“Cái gì nên nói, cái gì không nên nói, ngươi sống lâu như vậy mà vẫn không biết hay sao? Chuyện chiến tranh, ngươi ít lời đi một tí, chuyện của triều đình ngươi cũng dám bàn sao?”

“Ta nói ở đây, bệ hạ ở thượng đô sao có thể nghe thấy được?” Vệ lão hán bị mấy ông lão mắng không ngẩng đầu lên được, đành cãi chày cãi cối:“Chẳng lẽ lại có Thuận Phong Nhĩ(*) chắc?”

(*)Một vị thần có đôi tai nghe xa ngàn dặm

“Lão già không sợ chết!” Năm ông lão đứng trước mặt Vệ Lam, thì bốn người mắng Vệ lão hán,“Đám người kia chứ ai, trừ quỷ môn quan thì họ đi khắp mọi nơi, lại không biết giữ miệng, sao ngươi dám chắc họ không kể chuyện về ngươi? Tân hoàng của chúng ta tính tình như thế nào ngươi còn chưa biết sao? Chẳng may ngài nghe được, thì sẽ không buông tha cho ngươi đâu!”

Vệ lão hán càng không dám ngẩng đầu lên.

“Nam ca nhi!” Một lão già hỏi Vệ Lam:“Ngươi cũng lang bạt bên ngoài, ngươi nói xem, chuyện hoàng gia có thể nói lung tung không?”

“Chúng ta là dân chúng.” Vệ Lam cười nói:“Chớ hỏi quốc sự, chớ hỏi chuyện triều đình, tự lo cho mình thì hơn.”

“Có nghe thấy không? Nam ca nhi còn hiểu chuyện hơn ngươi!”

Vệ Lam không biết vì sao mấy ông lão này lại mẫn cảm với chuyện quốc gia, triều đình như vậy, nhưng hắn cũng không muốn hỏi, chỉ nói:“Các đại gia, không còn sớm nữa, con xin phép về trước, ngày mai con lại vào thành mua vài thứ ạ.”

Vệ lão hán lúc này mới lên tiếng:“Ngày mai nếu Phó ca nhi muốn đến, thì ngươi dẫn nó theo, chúng ta sẽ ở đây chờ các ngươi.”

“Vâng ạ.” Vệ Lam gật đầu, rồi vội vàng thúc ngựa về phía đông.

Vệ Lam đi rồi, năm lão già vẫn quây lại một chỗ, tiếp tục mắng Vệ lão hán.

“Tổ tông vì cái gì mà phải chạy từ chỗ tốt như Giang Nam tới đây cơ chứ? Không phải là vì năm đó lỡ lời một câu hay sao?“

“Tổ tiên Vệ thị cũng là khai quốc công thần, nhưng vì đắc tội tân hoàng mới phải trốn vào sâu trong sa mạc, chỉ tại lỡ miệng thôi đấy!”

“Được rồi, ta sai, được chưa? Nếu lần sau ta lại nói lung tung, thì ta sẽ bị câm luôn!” Vệ lão hán kiên quyết.

“Kỳ thật tổ tiên Vệ thị vốn không hề thua kém U Yến La gia!”

Mấy ông lão ngồi xổm dưới chân tường, cùng nhau hoài niệm về những ký ức mà bọn họ chưa từng trải qua.

Khi Vệ Lam về đến nhà gỗ trong rừng, thì đã là hoàng hôn. Tất cả cửa đều mở, sân trước còn phơi đệm chăn.

“Công tử?” Vệ Lam nhảy xuống xe, gọi tên La Duy.

Không ai lên tiếng trả lời.

Vệ Lam nóng ruột, vội chạy vào nhà xem, La Duy không có trong phòng, nhưng khi nhìn vào bếp lò, hai cái nồi lớn biến mất, Vệ Lam đã biết nên đi đâu tìm La Duy.

La Duy lúc này đã rửa xong hết bát đũa xoong nồi, đang giặt quần áo bẩn của hai người. Nước suối lạnh, nhưng ngâm một lúc sẽ không còn thấy lạnh nữa.

Khi Vệ Lam tới bờ suối, đã thấy mặt nước nhiễm đỏ ánh hoàng hôn, La Duy ngồi trên một tảng đá lớn bên bờ suối, quanh thân cũng có một vòng sáng đỏ ửng mơ hồ. Bên dòng suối ngàn hoa nở rộ, vẻ mặt La Duy chăm chú nhưng lại vô cùng nhàn nhã, Vệ Lam nhìn đến nỗi trầm mê, tựa như một bức họa, trong phút chốc, hắn không đành lòng phá vỡ bức tranh phong cảnh ngập chìm trong sắc đỏ của ráng chiều.

Không biết nhìn đã bao lâu, Vệ Lam mới lặng lẽ đi qua, ngồi xuống bên cạnh La Duy.

Bên cạnh đột nhiên có thêm một người, khiến La Duy hoảng sợ, đến khi thấy người đó làVệ Lam, La Duy liền nở nụ cười:“Sao bây giờ ngươi mới về? Trên đường gặp chuyện gì sao? Đã đưa các đại gia về nhà chưa?”

“Chưa gì đã hỏi nhiều như vậy.” Vệ Lam nhìn La Duy cười nói:“Công tử, ngươi muốn ta trả lời câu nào trước?”

“Trả lời hết đi.” La Duy nói:“Không phải là…” La Duy ngẫm lại lời mình vừa nói, rồi mới lên tiếng:“Không phải là có ba câu thôi sao?”

“Đưa về hết rồi.” Vệ Lam nói:“Lúc ở trong thành, các đại còn dạy ta làm ruộng.”

La Duy nói:“Nghe thôi là làm được à?”

Vệ Lam lắc đầu,“Ta thấy loạn quá, chắc phải thử làm mới biết được, có gì không hiểu ta lại tới hỏi họ.”

“Ngươi định làm phiền người ta nữa hay sao?” La Duy bật cười:“Làm ruộng thì có gì khó? Ta từng xem người ta làm ruộng rồi, hình như là đào một cái hố, thả hạt mầm vào, sau đó lấp đất lại, chỉ vậy thôi.”

“Thế à?” Vệ Lam nói:“Nhưng ta nghe Vệ đại gia nói… là phải rắc hạt.”

“Rắc?” La Duy nói:“Là sao? Không cần đào hố à?”

Vệ Lam cảm thấy bàn chuyện với La Duy quả là một quyết định sai lầm, hắn nhìn thấy quần áo La Duy cầm trong tay, thế này mới phát hiện tay La Duy đã ngâm nước đến đỏ lựng. Vệ Lam vội giật lấy quần áo trong tay La Duy, thấy đã giặt xong một nửa:“Ngươi định giặt rửa hết các thứ trong hôm nay? Để ta xem tay ngươi nào.”

La Duy giấu hai tay sau lưng:“Ta nào có yếu ớt như vậy? Có một tẹo thôi mà, ta làm sắp xong rồi.”

Vệ Lam kéo tay La Duy lại, vừa sờ vào đã đau lòng:“Sao lại lạnh như thế chứ?”

“Thì vì ngâm trong nước lạnh mà.” La Duy nói:“Một lát nữa là ổn thôi.”

Vệ Lam không thèm nghe La Duy nói nữa, đặt hai tay La Duy trong tay mình, chà xát hồi lâu, đến tận khi tay y ấm áp lên một chút mới buông ra:“Không còn sớm nữa, chúng ta về nhà thôi.”