Trọng Sinh Chi Đích Trưởng Ung Chủ

Quyển 1 - Chương 8: Chọn đồ vật đoán tương lai (2)




Quy định phẩm cấp đối với ngoại mệnh phụ của Nguyên Trưng triều, là vợ quý nhờ chồng, mẹ quý nhờ con. Xin phong cho vợ và xin cáo mệnh cho mẹ, cấp bậc cao nhất có thể xin phong chỉ có thể tương đương với tước vị của bản thân người xin phong, quan chức bậc thấp chỉ có thể xin phong ở bậc thấp. Trừ phi có công lao đăc biệt to lớn hoặc là được hoàng thất vô cùng yêu quý, nếu không sẽ không có ngoại lệ.

An Quốc công là nhất phẩm công tước đương triều, phu nhân An Quốc công có thể được xin phong ở cấp bậc cao nhất chỉ có thể là nhị phẩm ngoại mệnh phụ. Chỉ có ngoại mệnh phụ ở phẩm cấp cáo mệnh mới có tư cách vào cung tấn kiến hậu cung quý nhân.

Trong phủ An Quốc công hiện nay, chỉ có phu nhân lão An Quốc công Nghiêm thị là nhị phẩm cáo mệnh. Nguyên phối phu nhân đã qua đời của An Quốc công, Nguyệt Hoa Thất chủ Tề Trừng, là văn tử hoàng thất có phong hào nhị phẩm, lúc nào cũng có thể vào cung. Sau khi gả cho An Quốc công Đằng Hải, Hưng đế vung bút lên, phong cho hắn là nhất phẩm cáo mệnh, còn cao hơn phu nhân lão An Quốc công một bậc. Đây vốn là vinh quang đặc biệt mà chỉ có chính thất của Thân Vương mới có. Bởi vậy, mặc dù Tề Trừng không cố ý lên mặt kiêu ngạo, Nghiêm thị cũng vô cùng căm ghét trong lòng. Cho đến khi Tề Trân gả đến phủ An Quốc công, Đằng Hải không xin phong cho nàng, Nghiêm thị cũng nhắm một mắt mở một mắt, không có ý nói giúp Tề Trân.

Tề Trân đường đường là phu nhân của An Quốc công, nhưng vì không có phẩm cấp nên không thể vào cung thân thiết với các quý nhân trong cung. Vào những thời khắc thế này, nàng cực kỳ khó chịu. Vốn dĩ nàng đã có cơ hội để thay đổi hiện trạng này. Sau khi Tề Trừng mất, Nghiêm thị nắm giữ quyền hành cai quản phủ An Quốc công, Tề Trân không được Đằng Hải yêu thương và chống đỡ, lại cũng không có phẩm cấp trong người, không thể không dựa vào Nghiêm thị để sống, dùng hết bản lĩnh của mình để có được sự yêu thích từ Nghiêm thị, khiến cho Nghiêm thị dần dần thiên vị những đứa con nàng sinh ra. Tuổi tác Nghiêm thị đã lớn, tinh lực không nhiều như trước, trên danh nghĩa chuyện cai quản nằm trong tay nàng, nhưng thực quyền thì đã giao hơn một nửa vào tay Tề Trân, Nghiêm thị bắt đầu có chút rộng rãi đối với việc xin phong cho Tề Trân. Dựa vào công sức cố gắng của Tề Trân, ước chừng qua mấy năm nữa, nàng sẽ lấy hôn sự của Đằng Kỳ Nhạc làm lý do, để đả động Nghiêm thị lo liệu việc xin phong cho nàng.

Nhưng mà bỗng dưng Đằng Kỳ Sơn lại cưới được Công chúa. Nguyên Trưng triều không có quy định sau khi thần tử cưới Công chúa sẽ không được tham chính, cưới được một Công chúa quý tộc, chẳng những sau này bản thân có quan hệ với hoàng thất, địa vị trong gia tộc cũng là lớn thuyền lớn sóng.

Dựa vào thân phận tôn quý của Phúc Khang Trưởng Công chúa Tề Mẫn, chỉ cần Đằng Kỳ Sơn có ý muốn lên làm chủ, vị trí Thế tử của hắn sẽ được xác định vô cùng thuận lợi. Tề Mẫn gả vào Đằng gia, làm đích trưởng tôn tức, chỉ cần nàng muốn, không ai có thể ngăn cản nàng có được quyền hành cai quản phủ An Quốc công. Hơn nữa có Tề Mẫn ở đây, phủ An Quốc công có thể không cần lo lắng cho quan hệ của nhà mình với trong cung. Tề Trân có tiến cung được hay không cũng chỉ là chuyện râu ria. Mà để con mình có được tiền đồ tốt đẹp, Tề Trân không thể không trông cậy vào Tề Mẫn, tất nhiên là hiểu mình phải né tránh, không dám coi Đằng Kỳ Sơn như cái đinh trong mắt, thường xuyên ngáng chân như trước nữa.

An Quốc công rất hài lòng với tình thế này, lại càng không phí công xin phong cho Tề Trân nữa, tránh thêm nhiều rắc rối.

Tề Trân mưu tính rất lâu cho việc xin phong cứ như thế mà thất bại. Nếu kiếp này nàng muốn có phong hào, chỉ có thể trông chờ vào các nhi tử của mình.

Nhìn Nghiêm thị, An Quốc công và cả nhà Đằng Kỳ Sơn lên xe ngựa, từ từ đi về phía hoàng cung, Tề Trân vốn đang có vẻ mặt kính cẩn nhu hòa ôm Đằng Kỳ Dật, trong ánh mắt rũ xuống là sự căm phẫn ghen ghét cực độ.



Lễ chọn đồ vật đoán tương lai được tổ chức ở Tường Hòa điện. Tường Hòa điện được xây dựng chỉ để tổ chức gia yến cho hoàng thất. Ý nghĩa này tức là những người tham gia lễ chọn đồ vật đoán tương lai của Đằng Huy Nguyệt đều được hoàng thất công nhận là họ hàng gần.

Nhân vật chính của ngày hôm nay, Đằng Huy Nguyệt, đang ôm cửu liên hoàn mà An Quốc công tặng nằm trong lòng tằng ngoại tổ phụ của bé, Nhữ Nam Vương Tề Lương.

Nhữ Nam Vương Tề Lương là đệ đệ của Hoàng đế khai quốc – Cao đế Tề Thắng – tiểu thúc thúc của Hưng đế. Bởi vì sinh mẫu là người Hồ, nên diện mạo hắn trông cục mịch như thổ phỉ, tính cách ngoan cố thẳng thắn, nhưng hơn người ở chỗ tự mình biết mình, một lòng trung thành, tương đối được Tề Thắng yêu quý. Hưng đế Tề Uy vốn là thứ thứ tử của Cao đế, trên có trưởng huynh là đích tử của nguyên phối, dưới có đệ đệ là đích tử của kế thất, hắn kẹp ở giữa, cảnh ngộ xấu hổ. Tề Lương và hắn có tuổi tác xấp xỉ, bởi vì thân phận sinh mẫu thấp kém nên có tình cảm đồng bệnh tương liên với hắn, dần dần có quan hệ tốt với hắn. Sau này Tề Uy càng lúc càng thể hiện rõ thiên phú trên phương diện quân sự và tầm nhìn xa trác tuyệt trên vấn đề chính trị, Tề Lương tâm phục khẩu phục, tự nguyện bán mạng cho hắn. Trong quá trình Tề gia nam chinh bắc chiến, đích trưởng tử của Tề Thắng chết trận trong cuộc chiến then chốt tạo nên thắng lợi của Tề gia, Tề Thắng đăng cơ, lần lượt truy phong cho thê tử nguyên phối và vong mẫu của Tề Uy là Hoàng hậu, do đó Tề Uy trở thành đích tử danh chính ngôn thuận, được lập làm Thái tử. Tề Uy vô cùng cảm kích khi Tề Lương luôn phù trợ cho mình, sau khi đăng cơ làm Hưng đế đã phong Tề Lương là Nhữ Nam Vương, dù đến chết vẫn trọng đãi hắn.

Trong cuộc tranh đấu quyền lực của những người con của Hưng đế, Tề Lương căn bản là đứng ngoài cuộc, không nhúng tay vào. Đến khi Minh đế đăng cơ, làm trưởng bối có bối phận cao nhất trong hoàng thất Tề thị, hắn tiếp tục hưởng thụ tôn vinh, ngay cả Trịnh Thái hậu cũng phải nhún nhường ba phần với hắn.

Vương phi của Nhữ Nam Vương Tề Lương là ấu nữ Tiết thị của tiền Thị lang bộ Lễ. Tiết thị có dung mạo thanh lệ, tính tình cao thượng, ban đầu hơi coi thường vị hôn phu thô lỗ của mình, chỉ là ngại với thế lực của Tề gia mới ủy khuất gả đi, sau khi thành hôn cũng chỉ là tình cảm bình thường với Tề Lương, nếu không phải sinh hạ được hai nhi tử vô cùng xuất sắc, chỉ e đã bị Tề Lương bản tính phong lưu ném ra sau đầu từ lâu. Sự ra đời của Tề Trừng có thể xem như đã cải biến mối quan hệ lãnh đạm giữa hai vợ chồng. Dung mạo và tình cách của Tề Trừng hoàn toàn được kế thừa những ưu điểm của Tề Lương và Tiết thị, thậm chí còn tốt hơn, là viên minh châu của Nhữ Nam vương phủ, nhận được sự sủng ái của cha mẹ và hoàng thất. Tuy hắn là văn tử, thế nhưng địa vị trong vương phủ còn cao hơn mấy phần so với đích trưởng tử Tề Triệt được sinh ra sau này. Năm xưa Tề Trừng xuất giá, Tề Lương đã túm lấy An Quốc công Đằng Hải đánh đấm một trận, còn đe dọa dụ dỗ muốn ông ta đối đãi thật tốt với Tề Trừng, sau đó mới không thèm để ý đến hình tượng mà nước mắt nước mũi đầm đìa nhìn Tề Trừng rời khỏi Nhữ Nam vương phủ. Về sau Tề Trừng mất sớm vì khó sinh, sau khi Tề Lương điên cuồng đánh Đằng Hải, khoảng đến năm năm không chịu gặp bất cứ người nào của Đằng gia. Cho đến khi Đằng Kỳ Sơn gặp khó khăn ở phủ An Quốc công, không thể không xin giúp đỡ từ cữu cữu của hắn, Nhữ Nam Vương Thế tử Tề Triệt, cuối cùng Tề Lương mới lộ diện.

Tề Lương và vợ cả Tiết thị chỉ có tình cảm bình thường, tuy rằng không có chuyện sủng thiếp diệt thê, hơn nữa vẫn cho Tiết thị chút thể diện vì Tề Trừng và Tề Triệt, nhưng trong vương phủ cũng có không ít trắc phi thứ phi cơ thiếp, được sủng ái nhất là Triệu trắc phi. Triệu trắc phi này nhỏ hơn Tề Lương mười tuổi, kiều mị dịu hiền, sinh hạ được thứ trưởng nữ Tề Trân và thứ thứ tử Tề Viễn cho Tề Lương, đã qua nhiều năm mà vẫn được yêu chiều nhất. Tề Lương yêu ai yêu cả đường đi, rất yêu mến Tề Trân và Tề Viễn.

Nhưng yêu mến đến đâu cũng không thể vượt qua được Tề Trừng và Tề Triệt. Sau khi Tề Trừng mất, phu nhân lão Quốc công Nghiêm thị xin cưới Tề Trân cho Đằng Hải, Triệu trắc phi cũng nhân cơ hội này để nói tốt, Tề Lương tức giận Đằng Hải không chăm sóc tốt cho Tề Trừng, nhưng chung quy cũng lo lắng nếu Đằng Hải cưới người khác sẽ bạc đãi người con duy nhất của Tề Trừng, vì thế mới gật đầu đồng ý cuộc hôn nhân này. Nhưng một đằng thì đồng ý, một đằng lại thấy Đằng Hải di tình biệt luyến nhanh như vậy, càng tức giận hơn, quả quyết không qua lại với phủ An Quốc công nữa.

Thật không ngờ nữ nhi Tề Trân mà hắn gửi gắm kỳ vọng rất lớn sẽ chăm sóc tốt cho huyết mạch của Tề Trừng, lại không có quan hệ tốt với kế tử.

Bởi vì Tề Trân đã trở thành người của Đằng gia nên khoảng chừng năm năm không được gặp phụ thân, lúc được về Nhữ Nam vương phủ đã khóc lóc một trận, chỉ một mặt nhận lỗi, nhưng trong từng câu chữ lại ám chỉ nàng rất bất đắc dĩ. Vì phu nhân lão Quốc công Nghiêm thị không thích gặp Đằng Kỳ Sơn, nàng không được vị hôn phu yêu thương cũng không có thân phận địa vị, chỉ có thể dựa vào Nghiêm thị. Triệu trắc phi nhân cơ hội ba phải, ôm nữ nhi khóc lóc, xin Tề Lương làm chủ cho các nàng.

Tề Lương là một thô nhân, bực mình nhất chính là loại chuyện tranh chấp trong nhà thế này, dứt khoát quay người rời đi, không truy cứu cũng không tỏ thái độ gì đối với những lời tố khổ của Tề Trân.

Đằng Kỳ Sơn thân thiết với Nhữ Nam vương phủ, luôn tôn kính ngoại tổ phụ Tề Lương và cữu cữu Tề Triệt, không nhắc đến một chữ về những khắt khe ở phủ Quốc công. Tất nhiên Tề Lương sẽ không can thiệp vào cách làm của hắn. Đối đãi khác biệt đối với ngoại tôn ruột thịt của Nhữ Nam vương phủ, đã đủ để rất nhiều người phải thu liễm lại.

Đương nhiên Tề Lương cũng yêu thương Tề Trân và con của nàng, nhưng đúng là hắn thiên vị, nói cho cùng thì cũng không thể yêu thương bằng huyết mạch của nhi tử Tề Trừng.

Đằng Kỳ Sơn và Phúc Khang Trưởng Công chúa có thể thành hôn thuận lợi, Tề Lương cũng phải bỏ chút sức lực ở phía sau. Có thể nhìn thấy chất tôn nữ xuất sắc nhất và ngoại tôn xuất sắc nhất thành hôn, trong lòng Tề Lương vô cùng khuây khỏa, cảm thấy rốt cuộc cũng không phải xấu hổ với Tề Trừng ở dưới suối vàng.

Sau khi Đằng Huy Nguyệt ra đời, lần đầu tiên nhìn thấy Tề Lương đã có được sự yêu thích của Tề Lương. Tề Lương vừa nhìn Đằng Huy Nguyệt, chỉ cảm thấy đúng là phấn điêu ngọc mài, quả thực như được đúc ra từ một khuôn mẫu với Tề Trừng lúc nhỏ, lại cũng là văn tử. Đằng Huy Nguyệt được “chuyển” đến trong lòng Tề Lương cũng không hề khóc lóc, tràn đầy tinh lực kêu lên bi ba bi bô, còn nghịch ngợm nhổ râu của Tề Lương, hoàn toàn không bị dọa bởi dáng vẻ cao lớn thô kệch của hắn, làm cho Tề Lương cười ha ha, tung bé lên thật cao! Càng kỳ diệu chính là, trong toàn bộ Nhữ Nam vương phủ, Đằng Huy Nguyệt chỉ đồng ý để Tề Lương bế mình! Ngay cả Nhữ Nam Vương phi Tiết thị và Tề Triệt cũng chỉ có thể bế một chút, những người khác có muốn chạm vào cũng đừng hòng! Tề Lương biết Đằng Huy Nguyệt phân biệt được mọi người, khỏi phải nói đã đắc ý thế nào, coi Đằng Huy Nguyệt như châu như bảo, bao nhiêu thứ tốt cũng chuyển đến phủ Công chúa, khiến Đằng Kỳ Sơn và Tề Mẫn dở khóc dở cười.

Lần này Đằng Huy Nguyệt chọn đồ vật đoán tương lai, Nhữ Nam Vương Tề Lương dẫn theo Vương phi Tiết thị, cùng với Thế tử Tề Triệt và Quý thị Lâm Phàm của nhi tử tiến cung từ sớm. Vừa nhìn thấy Đằng Huy Nguyệt đáng yêu dễ thương, hắn ỷ vào bối phận cao của mình, cướp được bé ôm vào lòng.

Đằng Huy Nguyệt chào hỏi Tề Lương bằng cách kêu mấy tiếng “A a”, sau đó tự động tự giác xoay chuyển, tìm một tư thế thoải mái rúc trong lòng tằng ngoại tổ phụ.

Tề Lương liếc thấy trên mặt An Quốc công Đằng Hải có vẻ ước ao và đố kỵ, cực kỳ đắc ý khen ngợi Đằng Huy Nguyệt.

“Tiểu A Việt nhà ta chính là búp bê đáng yêu nhất thiên hạ!”

Lời này vừa nói ra, mọi người trong điện đều có phản ứng khác nhau, có người bật cười, có người không cho là đúng, có mỉm cười gật đầu, còn rất nhiều phản ứng khác nữa.

Lúc này, giữa đại sảnh đã có chiếc thảm trải sàn đỏ sẫm rất dày, trên thảm có đủ loại đồ vật được bày ra, bút mực chỉ nghiên, cầm kỳ thư họa, đao thương kiếm kích, vân vân, đầy đủ mọi thứ.

Đằng Huy Nguyệt có chút ngạc nhiên nhìn vào, vươn tay muốn bò trên mặt đất. Nhưng bé đang được Tề Lương bế, không bò được, nói bi ba bi bô với Tề Lương.

“A Việt đừng vội, tất cả đều là của con.” Tề Lương cười nói.

Đột nhiên ti lễ ngoài điện hô to: “Hoàng thượng giá lâm! Thái hậu nương nương giá lâm! Trịnh phi nương nương giá lâm! Đại Hoàng tử giá lâm!”