Thời điểm chú ý được đến chứng tự kỷ của Phương Phương là vào lúc thằng bé lên hai. Vào khoảng thời gian đó, công ty của bố Phương Phương đang ở trong giai đoạn phất lên, công việc cực kỳ bận rộn, tôi cũng không thể không tới công ty để giúp anh ấy được. Chúng tôi kết hôn muộn, người già trong nhà đều đã qua đời hết cả rồi, chỉ có thể mời bảo mẫu tới để trông nom thằng bé.
Đợi đến khi mọi chuyện đi vào quỹ đạo thì Phương Phương cũng đã gần được một tuổi rưỡi, chỉ có điều thằng bé vẫn không chịu mở miệng nói chuyện như trước. Tôi cảm thấy có chút sốt ruột, bởi vì theo lý mà nói thì một tuổi rưỡi là độ tuổi biết nói muộn nhất của trẻ con. Tôi nghĩ hay là đưa Phương Phương đi khám bác sĩ xem sao. Bảo mẫu nói với tôi là không cần, bởi vì đúng là có những đứa trẻ phải đến rất muộn biết nói, đợi thêm mấy tháng nữa có lẽ Phương Phương sẽ gọi được tiếng “mẹ” thôi. Cô ấy là một người rất giàu kinh nghiệm, mà khoảng thời gian ấy tôi cũng đang bận rộn với một vụ án tử, cần phải đi công tác, cho nên cũng không đem chuyện này đặt vào trong lòng.
Thế nhưng đến khi Phương Phương được hai tuổi rồi mà vẫn không thấy thằng bé mở miệng ra nói chuyện, thậm chí thằng bé còn không cả khóc nháo, im lặng đến mức không giống như những đứa trẻ khác một chút nào. Đến lúc đó tôi mới ý thức được điểm bất thường, không dám trì hoãn thêm nữa, tôi ngay lập tức đưa thằng bé đến bệnh viện để kiểm tra. Sau khi nhận được kết quả kiếm tra tôi ngây ngẩn cả người.
Bác sĩ nói có thể là Phương Phương đã bị mắc chứng tự kỷ.
Tôi không thể tin được, bèn hỏi bác sĩ tại sao lại như thế.
Bác sĩ nói: “Cô Khương, bệnh này không có nguyên nhân gì cả, trước mắt y học còn chưa thể xác định được nguyên nhân của căn bệnh, thậm chí còn không thể chữa khỏi hẳn loại bệnh này. Điều duy nhất mà trước mắt chúng tôi có thể làm đó chính là giúp đỡ cô thích ứng được với con trai của cô, và giúp cho con trai của cô thích ứng được với cuộc sống này.”
Tôi không nhịn được mà khóc òa lên, bố của Phương Phương sau khi biết được tin cũng khóc, còn tự nói rằng mình không phải là một người bố tốt, cảm thấy thật sự có lỗi với con trai và tôi.
Tôi nói: “Đây không phải là lỗi của ai cả, bệnh của Phương Phương là bệnh bẩm sinh, không liên quan gì đến môi trường xung quanh hết.” Nói xong không nhịn được nước mắt lại rơi xuống. Cũng từ lúc ấy, tôi nghỉ việc, toàn tâm toàn ý ở nhà chăm sóc cho con trai của tôi.
Thời gian đầu khi ở nhà cùng với Phương Phương, tôi vẫn luôn không nhịn được buồn bã mà khóc. Những người mẹ khác thì chỉ hận không thể làm cho con cái của mình im lặng một chút đừng có ầm ĩ nữa, mà Phương Phương nhà chúng tôi thì im lặng tựa như một con búp bê vải đặt ở trên bàn, nếu không phải là vì thỉnh thoảng thằng bé cũng có thể bước một-hai bước, hoạt động một chút, chớp chớp đôi mắt, thì có lẽ là tôi thật sự sẽ bị suy sụp mất.
Bác sĩ nói rằng cảm nhận của Phương Phương đối với thế giới bên ngoài là vô cùng chậm chạp, cần phải không ngừng khích lệ thằng bé, phải để cho thằng bé cảm thụ những lực tác động từ thế giới bên ngoài. Sức lực của tôi yếu hơn, chỉ có thể ôm Phương Phương, vỗ nhẹ vuốt nhẹ lên lưng của thằng bé, nắm tay rồi xoa bóp chân cho thằng bé. Sức lực của bố Phương Phương lớn hơn, chỉ cần có thời gian là sẽ ôm Phương Phương như một cái túi nhỏ, ném lên không trung rồi tiếp lấy, hoặc không thì sẽ đặt Phương Phương nằm trong một chiếc khăn lớn, sau đó túm lấy hai đầu khăn rồi đung đưa.
Lúc làm xong những chuyện ấy tôi cùng bố Phương Phương luôn không nhịn được mà cảm thấy buồn cười, cười xong rồi thì lại cảm thấy muốn khóc.