~ NHÀ THƠ PHÁI SƠN THỦY ĐIỀN VIÊN ~
Bên phía phong cảnh biên cương không còn đường đi nữa, nhưng vì khung cảnh bao la, cũng cần đi một quãng khá xa.
Việt Tinh Văn khởi động "Nhanh như chớp điện" tăng tốc gấp 5 lần cho cả nhóm, chỉ riêng đi đường thôi họ đã đi hết nửa tiếng, hiệu quả kỹ năng "Nhanh như chớp điện" kết thúc, Tần Lộ trực tiếp di chuyển mảng kiến tạo về, chỉ mất mấy giây đã về đến lối rẽ khi trước.
Đây là lối rẽ xuất hiện sau chuỗi "Tam biệt" của Đỗ Phủ, bên phải là "Phong cảnh biên ải", bên trái là "Phong tình nông thôn". Nếu họ đã gặp những nhà thơ biên tái nổi danh thời Đường ở lối rẽ bên phải, vậy khi đi bên trái, chắc chắn họ sẽ gặp những nhân vật đại diện cho phái thơ sơn thủy điền viên.
Kha Thiếu Bân nói: "Nếu là trường phái thơ sơn thủy điền viên, có khi nào sẽ có Đào Uyên Minh không?"
Trước đó khi rẽ vào biên cương, Cao Thích, Sầm Tham mà họ gặp đầu tiên cũng là bạn thân của Đỗ Phủ, hai người phía sau là Vương Xương Linh và Vương Chi Hoán lại không thân thiết với ông. Nếu đường bên trái cũng vậy thì rất có thể họ sẽ gặp Vương Duy trước.
Mọi người cùng rẽ sang lối đi bên trái. Tần Miểu vừa đi vừa nói: "Đào Uyên Minh là người khai sáng phái thơ điền viên, ông ấy là nhà thơ thuộc thời Đồng Tấn, cho đến giờ những nhà thơ chúng ta gặp đều sinh ra vào thời Đường, nếu môn này đã là 'Mê cung thi từ' thì hẳn không chỉ có thơ Đường đâu nhỉ? Rất có thể sẽ bao hàm cả thơ ca các triều đại khác, và cả Tống từ[122]."
Tần Lộ tán thành, nói: "Có lý. Mặc dù thơ Đường nổi danh nhất, nhưng thơ của các triều đại khác cũng có sức hút khác biệt. Chắc chắn đề thi của khoa Nhân văn sẽ rất toàn diện, thật ra môn này muốn kiểm tra kiến thức của chúng ta."
Lam Á Dung đăm chiêu nói: "Nhà thơ đại biểu phái thơ điền viên, chị biết có Đào Uyên Minh, với Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Tạ Linh Vận, Tạ Diễu... Không biết sẽ có mấy người xuất hiện."
Nghe tới đây, Kha Thiếu Bân bỗng nói: "Đúng rồi, không phải ở ngã rẽ chỗ Lý Bạch có lầu Hoàng Hạc sao? Nói không chừng đi bên đó sẽ gặp Mạnh Hạo Nhiên, mà Mạnh Hạo Nhiên lại là nhà thơ điền viên, liệu phía cuối hai con đường này có thông nhau không?
Dứt lời, cảnh tượng trước mắt mọi người chợt thay đổi.
Nơi này là một chốn sơn lâm, cây cối trồng kín hai bên lối mòn quanh co khúc khuỷu, tiếng nước chảy róc rách cùng tiếng chim hót thánh thót vọng lại từ cách đó không xa. So với nơi biên ải gió cát đầy trời, hoang vu rộng lớn, cảnh sắc nơi này khiến người vui vẻ, không khí trong lành, đi trên con đường nhỏ giữa núi khiến người khác lòng vui thanh thản.
Lưu Chiếu Thanh cười nói: "Cảnh sắc này hẳn là 'Đêm thu ở núi' của Vương Duy nhỉ?"
Hứa Diệc Thâm nhìn anh, hỏi: "Anh vẫn nhớ hả?"
Lưu Chiếu Thanh khẽ hắng giọng, nói: "Sau cơn mưa núi vắng, hơi thu đượm khắp trời. Hàng thông trăng chiếu sáng, lèn đá nước êm trôi. Tiếng ai sau bụi trúc, thuyền câu động lá sen. Ý xuân thơm dẫu hết, vương tôn dễ nào quên." Anh nhìn sang Việt Tinh Văn, "Anh nhớ đúng chứ?"
— Đêm thu ở núi, Vương Duy; Dịch thơ: Cao Nguyên.
Việt Tinh Văn mỉm cười: "Đúng rồi."
Lưu Chiếu Thanh nhướn mày nhìn Hứa Diệc Thâm: "Mặc dù sau khi lên đại học ngày nào cũng đọc sách chẩn đoán điều trị các loại bệnh, văn vở đã trả thầy trả cô hết rồi, nhưng bài này rất dễ nhớ, anh có thuộc cũng không có gì lạ chứ?"
Hứa Diệc Thâm cười tít mắt, nói: "Ừ, thơ Vương Duy đúng là rất dễ nhớ, em cũng thuộc một bài, 'Xa xa sắc núi non, gần kề nước tĩnh lặng. Xuân qua hoa vẫn còn, người đến chim chẳng kinh."
— Họa, Vương Duy; Dịch thơ: Ý Dĩ.
Hai người vừa nói xong, họ bỗng thấy một nhà thơ đang tản bộ phía trước, nhìn ông vô cùng nhàn nhã, khi ông xuất hiện, thông báo quen thuộc trên khung nổi cũng hiện lên...
Mở khóa nhân vật mới: Vương Duy.
Tự Ma Cật, hiệu Ma Cật Cư Sĩ. Nhà thơ phái sơn thủy nổi tiếng thời Đường.
Vui lòng đi theo Vương Duy, tiếp tục khám phá mê cung.
Tiến độ khám phá: 35%.
Vương Duy khoan thai đi tiếp, sắc trời cũng tối dần, trăng sáng lơ lửng bên trời, một khung nổi chợt xuất hiện bên cạnh ông, chính là bài "Đêm thu ở núi", lần này thư viện chỉ cho đề bài, mọi người phải đọc thuộc toàn bộ.
Mọi người nhìn nhau, nhanh nhẹn mở từ điển tìm chữ.
Sau khi điền bài thơ đầu tiên, mọi người tiếp tục đi theo Vương Duy, bài thơ thứ hai hiện lên cũng chỉ có mỗi tựa đề – "Họa", yêu cầu thí sinh điền cả bài thơ.
Hứa Diệc Thâm cười híp mắt, búng tay, "Trùng hợp quá, đúng là bài anh vừa đọc này."
Kha Thiếu Bân trêu hai người: "Đàn anh Hứa và đàn anh Lưu đi đoán đề được đấy, đoán hai bài trúng cả hai!"
Lưu Chiếu Thanh nói: "Đây đã là bài dễ nhất môn thi rồi nên hai đứa anh mới đọc được vài câu, đổi sang bài nào chưa thấy bao giờ thì vẫn cần Tinh Văn cân team."
Sau Vương Duy, mọi người lại gặp Tạ Linh Vận.
Mở khóa nhân vật mới: Tạ Linh Vận.
Danh Công Nghĩa, tự Linh Vận, nhà thơ nổi tiếng thời Nam Bắc Triều. Ông tổ trường phái thơ sơn thủy.
Vui lòng đi theo Tạ Linh Vận, tiếp tục khám phá mê cung.
Tiến độ khám phá: 40%.
Lưu Chiếu Thanh nhún vai, "Thấy chưa, Tạ Linh Vận thì anh không quen thật, không biết bài nào của ông ấy hết."
Tần Miểu bình tĩnh nói: "Đàn anh không biết cũng bình thường, trong chương trình ngữ văn chúng ta học vốn không có tác phẩm của Tạ Linh Vận. Có thể là vì ông ấy không chỉ là nhà thơ, còn là nhà Phật học, nhà lữ hành, tác phẩm thơ của ông kết hợp với nhiều yếu tố Phật học, Huyền học, đọc rất khó hiểu, giáo viên cũng khó giải thích."
Kha Thiếu Bân nhìn sang Việt Tinh Văn, mong chờ nói: "Mấy người bọn tớ chưa đọc thơ của Tạ Linh Vận bao giờ, nhưng Tinh Văn là sinh viên tiếng Trung, chắc phải biết chứ?"
Việt Tinh Văn gật đầu, "Đương nhiên, thơ điền viên và thơ biên tái đều là những trường phái thơ có phong cách vô cùng rõ rệt, cũng có sức ảnh trưởng trên diễn đàn thơ văn, khoa Nhân văn bọn tớ có mấy giáo sư chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này, tớ cũng từng học không ít."
Tạ Linh Vận tiếp tục bước đi, tựa đề một bài thơ xuất hiện trong khung nổi "Thạch bích tinh xá hoàn hồ trung tác".
Các bạn học đều dại mặt, Kha Thiếu Bân nhỏ giọng kêu, "Đúng là khó hiểu thật, đọc tên bài thôi tớ đã không hiểu lắm rồi!"
Việt Tinh Văn cười nói, "Trùng hợp quá, năm đó khi thi cuối kỳ môn Lịch sử văn học cổ đại, tớ từng thi bài này." Tám dòng thơ xuất hiện trên khung nổi, trong đó, hàng 1, 3, 5, 7 đã được điền chữ...
Chiều tà trời trở sắc, non nước chứa hào quang.
__________.
Xuất cốc trời còn sáng, lên thuyền trời đã đen.
__________.
Lăng, sen khẽ nối liền; bồ, lúa cùng sinh trưởng.
__________.
Bớt sầu lòng tự nhẹ, thích ý tự không lo.
__________.
Phần bị lược bớt ở giữa, thí sinh cần tự điền nốt.
Hứa Diệc Thâm bất lực nhìn Lưu Chiếu Thanh, "Anh có cảm thấy sau khi vào khoa Nhân văn, mình cứ như mù chữ không?" Lưu Chiếu Thanh đồng ý hai tay, "Ừ, đọc bài này thôi đã có vài chữ anh không hiểu rồi!"
Kha Thiếu Bân đã cấp tốc mở từ điển tra tìm bính âm rồi. Cậu biết vì sao học sinh trung học không cần học thuộc thơ Tạ Linh Vận rồi, thật sự không phải khó nhằn bình thường đâu!
Việt Tinh Văn bước lên một bước, nhanh nhẹn điền nốt mấy dòng trống: Non nước đẹp vui lòng, vui chơi quên chốn về. Chạng vạng đỏ cánh rừng, ráng chiều trôi lơ lửng...
Khi cậu điền xong bài thơ, khung nổi tỏa ra ánh sáng dịu nhẹ. Tạ Linh Vận biến mất, người tiếp theo xuất hiện là Tiểu Tạ trong "Đại Tiểu Tạ", Tạ Diễu.
Mở khóa nhân vật mới: Tạ Diễu.
Tự Huyền Huy, hiệu Cao Trai, nhà thơ tiêu biểu phái sơn thủy. Cùng tộc với Tạ Linh Vận, xưng "Tiểu Tạ".
Vui lòng đi theo Tạ Diễu, tiếp tục khám phá mê cung.
Tiến độ khám phá: 40%.
Giang Bình Sách chau mày, nói: "Vừa rồi khi gặp Tạ Linh Vận tiến độ đã là 40% rồi, tại sao gặp Tạ Diễu lại không tăng thêm?"
Việt Tinh Văn nói: "Có lẽ Đại Tiểu Tạ cộng lại mới tính 5%? Vừa rồi Tạ Linh Vận cũng chỉ ra một đề."
Giang Bình Sách gật đầu tán thành: "Ừ, vậy hẳn Tạ Diễu cũng chỉ ra đề một lần, như vậy cũng hợp lý."
Bài thơ họ của Tạ Diễu trong đề thi là "Chiều lên núi Tam Sơn nhìn về Kinh Đô", với Việt Tinh Văn từng chuyên môn nghiên cứu trường phái thơ sơn thủy điền viên, bài thơ này không hề khó.
"Trường An, bến Bá trông, Kinh huyện, Hà Dương ngó. Nắng rực mái lầu cong, thấp cao đều thấy rõ. Ráng tàn rải như the, sông trong phẳng ngỡ lụa..."
— Chiều lên núi Tam Sơn nhìn về Kinh Đô, Tạ Diễu; Dịch thơ: Hoàng Tạo.
Việt Tinh Văn luôn tay điền vào chỗ trống, khung nổi lại tản ra ánh sáng dịu mắt, quả nhiên, tiến độ khám phá tăng lên 45%, nói cách khác, Đại Tiểu Tạ cùng cộng 5% vào tiến độ.
Đến lúc này, đã có ba nhà thơ điền viên xuất hiện.
Tiếp tục tiến lên, quả nhiên, mọi người đã gặp Đào Uyên Minh, nhà thơ điền viên nổi tiếng nhất. Đề thi lần này khá đơn giản, là bài thơ điền viên "Dưới giậu đông hái cúc, xa thấy núi Nam Sơn" nổi tiếng nhất của Đào Uyên Minh, ai ai cũng thuộc! 12 người chia nhau hợp tác, nhanh chóng điền các chữ tương ứng trong từ điển lên.
Đào Uyên Minh còn có một bài "Chuyện suối hoa đào" rất nổi tiếng, nhưng vì không tính là thơ ca, nên không xuất hiện trong mê cung lần này.
Giống như Đại Tiểu Tạ lần trước, sau khi trả lời câu hỏi của Đào Uyên Minh, tiến độ khám phá vẫn không có gì thay đổi, chứng tỏ vẫn còn một nhà thơ phía sau nữa, hai người cộng lại mới tính 5% tiến độ.
Lam Á Dung nói: "Xem ra tiến độ này có liên quan đến danh tiếng của nhà thơ? Không biết tính kiểu gì nữa."
Kha Thiếu Bân cười nói: "Câu này em biết nè! Em phát hiện, tiến độ mê cung hoàn toàn không liên quan đến danh tiếng của nhà thơ hay độ khó đề bài, mà liên quan đến độ lớn của khu vực mê cung chúng ta mở khóa! Bên nhà thơ biên tái kia, mở khóa một người được 5% là vì khu biên cương rộng quá, chúng ta phải đi rất xa mới gặp được một nhà thơ, mở khóa khu vực sương mù lớn. Nhưng bên nông thôn này thì phải đi ít hơn, vậy nên phải tìm thấy hai người mới được mở khóa 5% tiến độ."
Tân Ngôn quay sang nhìn cậu, bình tĩnh nói: "Chơi game nhiều quá, cậu cũng hiểu biết về mê cung quá nhỉ."
Kha Thiếu Bân tự hào ra mặt, "Chuyện! Tớ dám nói, ngoài Bình Sách ra, tớ là người thứ hai sành về mê cung ở đây."
"Suy đoán của Kha Thiếu Bân rất đúng." Giang Bình Sách cầm bản đồ lên, nói: "Không phải mỗi một nhà thơ sẽ mở khóa 5% tiến độ, những nhà thơ trước tương ứng với 5% tiến độ chỉ là trùng hợp, tiến độ tăng lên được tính theo khoảng cách, khu vực. Tôi vừa tính thử khoảng cách sẽ Đại Tiểu Tạ, đúng là bằng một nửa những người khác."
Việt Tinh Văn đăm chiêu, "Vậy tức là gần Đào Uyên Minh vẫn còn nhà thơ khác nữa?"
Vừa dứt lời, mọi người đã thấy khung thông báo quen thuộc xuất hiện...
Mở khóa nhân vật mới: Mạnh Hạo Nhiên.
Tự Hạo Nhiên, hiệu Mạnh Sơn Nhân, nhà thơ sơn thủy điền viên nổi tiếng thời Đường.
Vui lòng đi theo Mạnh Hạo Nhiên, tiếp tục khám phá mê cung.
Tiến độ khám phá: 50%.
~ QUAN HỆ BẠN BÈ CỦA CÁC "ĐẠI THẦN" ~
Là nhà thơ nổi tiếng thời Đường, có rất nhiều tác phẩm của Mạnh Hạo Nhiên được đưa vào sách ngữ văn, trong đó nổi tiếng nhất là bài "Xuân hiểu", học sinh tiểu học nào cũng thuộc làu làu. Đương nhiên thư viện sẽ không ra đề bài "cho điểm" đơn giản như vậy. Mọi người đi theo Mạnh Hạo Nhiên một quãng, đề thi nhanh chóng xuất hiện, là "Tiễn biệt quan thị ngự Vương Duy".
Hầu hết các thành viên không nhớ bài thơ này, Việt Tinh Văn nhanh nhẹn điền đáp án...
Tịch mịch chờ chi nữa, đi suông ngày lại ngày. Cỏ thơm mong đến chốn, bạn cũ tiếc chia tay. Đương lộ bao người giúp, tri âm ít kẻ hay. Quạnh hiu lòng vốn thích, vườn cũ khoá then mây.
— Tiễn biệt quan thị ngự Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên; Trích Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hoá, 1997.
Lam Á Dung nhìn bài thơ trên khung nổi, nói: "Đây là thơ Mạnh Hạo Nhiên viết cho Vương Duy đúng không?"
Việt Tinh Văn gật đầu, "Vâng, năm 40 tuổi Mạnh Hạo Nhiên đến Trường An thi cử, cuối cùng không đỗ được công danh, khi đó Vương Duy đã là khách quý của quý tộc kinh thành rồi, Mạnh Hạo Nhiên nản lòng không muốn ở lại kinh thành, lại không nỡ tạm biệt người bạn Vương Duy, nên đã viết bài thơ này cho ông ấy."
Kha Thiếu Bân cảm thán, "Đây là 'mạng lưới quan hệ của đại thần' sao? Thật ra rất nhiều nhà thơ có quan hệ phức tạp với nhau! Nếu nghiên cứu cụ thể cũng rất thú vị."
Lưu Chiếu Thanh khó hiểu nhìn Việt Tinh Văn, "Khi rẽ bên phong cảnh nông thôn, chúng ta đã gặp Vương Duy đầu tiên, sau đó gặp Tạ Linh Vận, Tạ Diễu, Đào Uyên Minh, cuối cùng mới gặp Mạnh Hạo Nhiên. Vậy mà đến chỗ Mạnh Hạo Nhiên lại thi một bài có liên quan đến Vương Duy, cảm giác cứ như là... đi một vòng, cuối cùng đầu cuối như nhau?"
Giang Bình Sách bình tĩnh nói: "Đàn anh nói đúng rồi, đúng là chúng ta đã đi một vòng." Hắn mở bản đồ mình đã vẽ ra trước mặt mọi người, Việt Tinh Văn lập tức ngó qua xem.
Dọc con đường này, họ đã đi qua rừng cây, sông suối, đường núi, nông thôn, tận thưởng phong cảnh trong lành tươi đẹp, lộ trình còn xa hơn bên biên tái, họ đi hết hơn nửa tiếng, sau khi gặp Mạnh Hạo Nhiên, tiến độ khám phá cũng lên tới 50%.
Trên đường đi, họ chỉ thấy đường núi này quanh co khúc khuỷu, vô cùng yên tĩnh. Việt Tinh Văn phụ trách làm bài, Giang Bình Sách vẫn tính góc độ và khoảng cách liên tục, cộng thêm máy định tầm của Chương Tiểu Niên, bản đồ hắn vẽ ra vô cùng chính xác. Lúc này nhìn lại, mọi người mới ngạc nhiên nhận ra... Con đường phong cảnh nông thôn này lại là hình tròn.
Kết quả này khiến mọi người ngơ ngác ra mặt.
Lam Á Dung không nhịn được, nói: "Chẳng lẽ đi thêm chút nữa lại gặp Vương Duy sao?"
Việt Tinh Văn nhíu mày, "Đi thử xem sao."
Mọi người tiếp tục đi theo Mạnh Hạo Nhiên.
Dọc đường, lại có thêm hai bài thơ xuất hiện, một là tác phẩm tiểu biểu "Qua nhà bạn cũ" của Mạnh Hạo Nhiên, bài còn lại là "Rét sớm nhớ trên sông", Việt Tinh Văn đều thuộc nằm lòng, điền vào chỗ trống.
Tiếp tục tiến lên, quả nhiên, họ lại gặp Vương Duy!
Phong cảnh xung quanh quen thuộc, còn có dấu vết xuất hiện sau khi Việt Tinh Văn điền đáp án, tất cả đều đang nói với họ rằng: "Vừa rồi các bạn đã đi qua đây."
Giang Bình Sách nhìn sang Việt Tinh Văn, nói: "Xem ra lối đi phong cảnh nông thôn này là vòng tròn khép kín. Từ Vương Duy đến Tạ Linh Vận, Tạ Diễu, Đào Uyên Minh, cuối cùng lại đến Mạnh Hạo Nhiên, năm NPC đứng thành một vòng tròn."
Kha Thiếu Bân nói: Nếu lối ra mê cung không ở đây, vậy chúng ta chỉ còn một con đường chưa đi nữa thôi! Xem ra phải quay lại chỗ Lý Bạch, đi đường lầu Hoàng Hạc rồi."
Việt Tinh Văn gật đầu, nhìn sang Tần Lộ, "Tiếp tục di chuyển mảng kiến tạo, đi đúng đường cũ, quay về từ lối giao nhau giữa phong tình nông thôn và phong cảnh biên ải đi."
Vương Duy ở ngay gần lối rẽ, mọi người quay lại theo bản đồ, có "Di chuyển mảng kiến tạo" của Tần Lộ giúp đỡ, không bao lâu sau, họ đã quay lại trước vách tường nơi Lý Bạch vung bút viết "Hiệp khách hành".
Trước vách tường là hai con đường, bên phải là "Thành Sa Khâu" gặp Đỗ Phủ, đi theo Đỗ Phủ sẽ xuất hiện hai con đường là biên cương, nông thôn, giờ họ đã xác định được, toàn bộ đường bên phải đều là đường cụt.
Việt Tinh Văn và Giang Bình Sách nhìn nhau, ăn ý rẽ sang trái.
Rẽ trái được vài phút, một tòa tháp quen thuộc xuất hiện trước mắt mọi người... Bên cạnh Trường Giang dài vạn dặm, một tòa tháp xinh đẹp đứng sừng sững, tòa tháp cao năm tầng, hình dáng tòa tháp như một con hoàng hạc tung cánh sắp bay, dưới mái hiên có treo một tấm biển, trên đó viết ba chữ "Hoàng Hạc lâu" đang tỏa ánh vàng.
Thấy lầu Hoàng Hạc xuất hiện ở đây, mọi người không hề ngạc nhiên, dù sao ngay lối rẽ cũng đã ghi "←Lầu Hoàng Hạc", đương nhiên, câu hỏi tiếp theo cũng nằm trong dự đoán của mọi người.
"Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng", Lý Bạch.
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu, yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận, duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Mọi người đều thuộc bài thơ này, mỗi người tìm một chữ, nhanh nhẹn điền đáp án.
Vốn tưởng rằng sau khi Mạnh Hạo Nhiên xuất hiện, ông sẽ cưỡi ngựa đưa mọi người đi tiếp, mở khóa thêm nhiều khu vực trong mê cung, làm quen với nhiều nhà thơ hơn nữa. Song, sau khi họ điền xong đán án, khung cảnh trước mắt bỗng nhiên lóe sáng, mọi người lại xuất hiện tại nơi vừa gặp Mạnh Hạo Nhiên.
Có điều, tiến độ khám phá mê cung trên khung nổi đã tăng lên 55%, bởi vì họ đã mở được khu vực lầu Hoàng Hạc, tăng thêm 5% tiến độ.
Lưu Chiếu Thanh khó hiểu nói: "Chuyện gì thế này? Lại quay lại chỗ Mạnh Hạo Nhiên, đây không phải đường chúng ta vừa đi sao? Nếu đi tiếp sẽ gặp Vương Duy! Sau đó là lối rẽ tới nông thôn và biên ải?"
Tần Lộ cũng khó hiểu ra mặt, "Không phải là ảo giác chứ? Em cảm thấy vừa nãy khi chúng ta gặp Mạnh Hạo Nhiên, sau lưng ông ấy đúng là mấy cái cây này luôn, hay là đi tiếp thử xem?'
Để xác thực con đường này có quay lại điểm xuất phát không, mọi người đi tiếp, cảnh vật xung quanh ngày càng quen thuộc, mà sau khi qua một khúc cua, quả nhiên có một người quen đang cười híp mắt nhìn họ – là Vương Duy.
Giang Bình Sách chau mày, nói: "Nếu đi tiếp sẽ đến lối rẽ sang nông thôn và biên ải, sau đó gặp Đỗ Phủ, rồi lại gặp Lý Bạch, đến lầu Hoàng Hạc sẽ lại bị đưa đến chỗ Mạnh Hạo Nhiên."
Kha Thiếu Bân đẩy kính, quan sát bản đồ, đoạn nói: "Vậy tức là khu vực mê cung tương đương 55% mà chúng ta đã khám phá được là một vòng tròn khép kín. Lý Bạch là điểm xuất phát, Lý Bạch viết 'Hiệp khách hành' tạo ra hai con đường, biên cương, nông thôn bên phải đều là đường cụt, lầu Hoàng Hạc bên trái là trạm truyền tống đưa chúng ta đến chỗ Mạnh Hạo Nhiên, cuối cùng, Mạnh Hạo Nhiên lại ở bên đường nông thôn, là đường cụt!"
Lưu Chiếu Thanh không nhịn được, nói: "Vậy thì không phải hết đường rồi sao? Dù chúng ta có đi thế nào vẫn sẽ xoay vòng tới lui trên đường tròn khép kín này?"
Mọi người nghĩ tới nghĩ lui, không sao nghĩ nổi nối ra mê cung ở đâu.
Việt Tinh Văn đành phải cầu cứu nhìn Giang Bình Sách, "Bình Sách, cậu có ý kiến gì không?"
Lúc này, Giang Bình Sách đang cau mày nhìn bản đồ, nghe Việt Tinh Văn nói, hắn im lặng vài giây mới trả lời: "Chưa chắc lối đi hình tròn đã không có lối ra. Mê cung thi từ này không phải mê cung trên mặt phẳng, mà là mê cung lập thể."
Mắt Việt Tinh Văn sáng rỡ, "Giống như mê cung số nguyên tố chúng ta gặp ở khoa Toán, nhìn trong một tầng thì không có lối ra, nhưng có thể đến các tầng khác bằng thang máy?"
Giang Bình Sách gật đầu, nói: "Sở dĩ tôi xác định đây là mê cung lập thể là nhờ điểm truyền tống ở lầu Hoàng Hạc, nó không thuộc cùng một không gian với con đường phong cảnh nông thôn này."
Trên bản đồ của hắn, dù có dùng phép toán số học nào cũng không thể nối liền lầu Hoàng Hạc với con đường phong cảnh nông thôn này, chỉ có thể truyền tống thẳng qua không gian. Nếu đã xuất hiện một điểm truyền tống như vậy, chứng tỏ trong mê cung vẫn còn điểm truyền tống khác nữa, họ vẫn chưa mở khóa được không gian tương ứng.
Kha Thiếu Bân đăm chiêu, nói: "Điểm truyền tống ở đâu đây?"
Tần Lộ bỗng nói: "Tớ nhớ khi đi hết bên phong cảnh biên ải, chúng ta gặp Vương Chi Hoán, sau đó ông ta đi vào màn sương, dường như ở đó có một bức tường không khí trong suốt cản chúng ta lại."
Kha Thiếu Bân nói: "Tường không khí trong suốt có thể hiểu là ranh giới của hai không gian khác nhau. Khi đó chúng ta đã thử rồi, không thể vào trong màn sương, chắc đây không phải đán án rồi nhỉ?" Cậu nhìn sang Giang Bình Sách, hỏi: "Bình Sách thấy sao?"
Giang Binh Sách nói: "Cá nhân tôi nghiêng về điểm truyền tống nằm ngay trên con đường nông thôn này hơn."
Kha Thiếu Bân nhớ lại những gì mình đã đi qua trên đường...
Đầu tiên là gặp Vương Duy, thi hai bài "Đêm thu trên núi" và "Họa", tăng 5% tiến độ.
Sau đó độ khó lại tăng lên, "Thạch bích tinh xá hoàn hồ trung tác" của Tạ Linh Vận và "Đêm lên Tam Sơn nhìn về Kinh thành" cộng lại mới được 5%.
Tiếp đến là "Dưới giậu đông hái cúc, xa thấy núi Nam Sơn" của Đào Uyên Minh, tiến độ không tăng thêm; sau đó họ gặp Mạnh Hạo Nhiên, sau khi trả lời câu hỏi thì được cộng 5% tiến độ.
Nhiều nhà thơ như vậy cộng lại mới được 15%, không hợp lý.
Kha Thiếu Bân gãi đầu, hỏi: "Chúng ta bỏ sót chỗ nào rồi?"
Đúng lúc này, Việt Tinh Văn bỗng nói: "Là Đào Uyên Minh!"
Mọi người đồng loạt quay lại nhìn Tinh Văn, Việt Tinh Văn lại nhìn Giang Bình Sách, nghiêm túc nói: "Đào Uyên Minh là người sáng lập phái thơ sơn thủy điền viên lại cho thi bài 'Dưới giậu đông hái cúc, xa thấy núi Nam Sơn' mà học sinh trung học nào cũng thuộc lòng, quá đơn giản, hơn nữa chỉ thi đúng một bài, nói không chừng là có vấn đề."
Giang Bình Sách cẩn thận suy ngẫm lại ý cảnh của bài thơ, sau đó liên hệ với cảnh tượng khi đó, một ý nghĩ chợt lóe lên, "Khi đó chúng ta chỉ thấy hoa cúc ven đường, hoàn toàn không thấy 'Nam Sơn' mà ông ấy miêu tả đâu!"
Mọi người nghĩ kỹ lại, đúng là khi đó chỉ thấy rất nhiều hoa cúc, phù hợp với câu thơ "Dưới giậu đông hái cúc", lại thêm phía trước vẫn còn đường, họ bèn vô thức đi theo.
Nhưng "Xa thấy núi Nam Sơn" đâu?"
Việt Tinh Văn nói: "Chắc chắn xung quanh Đào Uyên Minh có khu vực sương mù chưa mở khóa."
Mọi người cấp tốc quay lại, đến chỗ Đào Uyên Minh.
Đào Uyên Minh đang thong thả hái hoa cúc ở đó, thỉnh thoảng sẽ dừng lại nghỉ ngơi, lau mồ hôi, vui vẻ híp mắt nhìn sang một hướng. Việt Tinh Văn nhìn theo hướng nhìn của ông, cậu thấy một màn sương bồng bềnh xuất hiện phía xa, sương trắng che khuất một ngọn núi, như ẩn như hiện.
Giang Bình Sách và Việt Tinh Văn nhìn nhau, ăn ý đi về phía ngọn núi.
Bất ngờ thay, nơi này vốn không có đường, nhưng khi họ tiến lên, một con đường nhỏ quanh co tự động xuất hiện dưới chân họ. Kha Thiếu Bân hưng phấn nói: "Chỗ này có giấu một con đường!"
Con đường này rất dài, Giang Bình Sách vừa đi vừa tính khoảng cách, khi đi tới cuối đường, một rặng núi xinh đẹp xuất hiện trước mặt mọi người, Giang Bình Sách nói: "Quãng đường chúng ta vừa đi đúng bằng bán kính đường tròn. Nói cách khác, ngọn núi này nằm chính giữa khu vực phong cảnh nông thôn hình tròn."
Câu nói này khiến mọi người đều kích động. Chắc chắn họ đã tìm ra đáp án đúng rồi!
Song, đi thêm một đoạn nữa lại là ngõ cụt.
Họ không thể lên núi, màn sương dày cản bước họ bên dưới, ngay khi họ chạm vào màn sương, một khung nổi xuất hiện trước mắt, tựa như "Khóa mật mã", cần mở khóa bằng một câu thơ.
_______,
_______.
Khung đáp án gồm mười bốn chữ, không có gợi ý.
Hứa Diệc Thâm bất lực nhún vai, "Không cho đề bài mà bắt chúng ta điền đáp án luôn sao?"
Mọi người khó hiểu nhìn nhau.
Đề thi từ trước đến giờ luôn có gợi ý, hoặc là phong cảnh ứng với thơ, hoặc sẽ cho câu trên yêu cầu thí sinh điền câu dưới. Nhưng lần này, cảnh đã khớp với "Xa thấy núi Nam Sơn" của Đào Uyên Minh rồi, nhưng đáp án lại không phải bảy chữ! Cũng không có gợi ý câu trên, rốt cuộc phải điền kiểu gì?
Kha Thiếu Bân nói: "Không phải lúc trước chúng ta đã rút được bút lông sao? Hay là dùng luôn cái đó đi?"
Việt Tinh Văn mỉm cười, nói: "Không cần, tớ biết phải điền gì rồi, để tớ thử xem."
Dứt lời, cậu bước lên một bước, cầm cây bút bên cạnh khung đáp án rồi nhanh chóng viết một dòng thơ.
Núi trùm khe bọc ngờ không lối, liễu rậm hoa thưa lại có làng.
— Chơi thôn Sơn Tây, Lục Du; Trích Thơ Lục Du, NXB Văn học, 1971.