Trời sinh một đôi – Sunness

Chương 67: Ngoại truyện 4




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Cả nhà thống nhất chọn đi nghỉ mát ở thành phố B.

Tiêu Nghệ Hi thích đồ hải sản. B là thành phố ven biển mà Tiêu Dương và Kiều Nhân đã hết sức quen thuộc, đến đây là chiều theo ý con gái, lại không cần đi du lịch theo đoàn, có thể độc lập về phương tiện, tự do về thời gian.

Lúc Tiêu Dương lái xe ngang qua một tòa nhà, Kiều Nhân chỉ ra ngoài cửa sổ: “Hi Hi à, đây là,” Kiều Nhân cười khúc khích, “nơi cha mẹ từng sống chung với nhau, cha đã mua Teddy cho mẹ hồi ở đây.”

Tiêu Nghệ Hi ngồi ở ghế sau, ngoan ngoãn đeo dây an toàn, ngoái đầu nhìn theo hướng tay mẹ chỉ. Xe lao đi vun vút, chỉ chớp mắt nơi ấy đã khuất hẳn khỏi tầm nhìn. Bé gái cũng không mấy quan tâm nơi cha mẹ từng ở ra sao mà quan tâm đến Teddy hơn: “Sao mẹ lại đem Teddy cho bà ạ?”

“Bởi vì hồi mẹ mang thai anh trai con, phụ nữ có thai không tiện chăm chó. Sau khi sinh anh xong thì Teddy lại rất quấn bà nên mẹ để nó lại luôn.” Kiều Nhân giải thích. Nhớ đến Teddy, cô vẫn còn một chút luyến tiếc, con cún ấy vừa dễ thương lại còn thông minh nữa.

May là, ngay cả khi trong nhà không nuôi thú cưng thì Tiêu Minh vẫn có một cô em gái, đủ để xây dựng ý thức trách nhiệm cho chàng trai.

“Ơ? Gì vậy ạ?” Có lẽ là loáng thoáng nghe thấy mấy tiếng “anh trai” mà Tiêu Minh đang chập chờn ngủ bị giật mình, cậu chàng lơ ngơ nhìn mẹ rồi nhìn em.

Biết trước hôm nay cả nhà sẽ đi B chơi nên đêm qua cu cậu thức cày game đến tận ba rưỡi sáng. Lúc mười hai giờ, Kiều Nhân đã bắt thằng bé tắt máy tính đi ngủ nhưng sau khi cô và Tiêu Dương lên giường, cậu chàng lại lén lút mò dậy chơi tiếp, cố gắng không đánh thức người lớn dậy.

Rất tiếc là trong nhà này có một người lớn rất tỉnh ngủ. Cuộc chơi của cậu chàng cuối cùng vẫn phải ngừng lại. Tiêu Dương lặng lẽ vào phòng Tiêu Minh, đặt tay lên vai cậu chàng, tắt đèn và tháo tai nghe đúng lúc đang chơi DotA rất hăng. Tiêu Minh nằm ngay đơ ra sợ quá không ngủ được cho đến tận bốn giờ ba mươi sáng mới thiếp đi.

Thế nên giờ cu cậu ngủ bù ngon lành.

Tiêu Dương nghiêm khắc nhìn con trai qua gương chiếu hậu còn Kiều Nhân mặc dù không hay biết vụ cày game nhưng đoán là thằng bé lại chốn trong chăn nghịch điện thoại nên đùa: “Cứ ngủ tiếp và mơ về vợ bé nhỏ của con đi.”

Tiêu Minh ngoan ngoãn ngủ luôn.

Tầm trưa, sau khi cất hành lý vào khách sạn, cả nhà kéo nhau đi ăn cơm ở một nhà hàng hải sản gần đấy.

Cả nhà biết Tiêu Nghệ Hi rất thích ăn tôm tít nên cố ý gọi món đó là chính. Dù bé gái đã lên tám, nhưng hệ thần kinh vẫn còn hơi kém phát triển một chút, tay chân không được khéo léo, mọi người nhìn bé lột vỏ tôm mà sốt cả ruột. May là mẹ cô bé là một tay sành ăn bóc tôm rất lành nghề, hai bàn tay cứ thoăn thoắt bóc vỏ rồi đặt vào bát Hi Hi.

Cái bát nhỏ loáng cái đã đầy rồi tiến hóa thành một ngọn núi ú ụ.

Tiêu Minh cũng rất cưng chiều cô em gái nhỏ nhưng thằng bé không thể chỉ ngồi bóc cho em được nên chọn cách bóc cho mình một con rồi bóc cho em hai con.

Kiều Nhân chăm chỉ bóc tôm, không ăn cho mình được miếng nào. Tiêu Dương thì đút tôm cho con ăn. Tiêu Dương thương cả hai đứa như nhau, có điều vì cô út hơi chậm nên anh không thể quá khắt khe. Tất nhiên Tiêu Dương nhất định không muốn chiều hư con. Vì vậy mà anh không bóc tôm cho bé như mẹ nó. Giữa cha mẹ, luôn có một người đóng vai thiện, một người vai ác, ở nhà này, dĩ nhiên anh là người đóng vai ác, một người cha hết sức nghiêm khắc.

Tuy nhiên điều này không ngăn cản anh làm một người chồng tốt. Những lúc Kiều Nhân bỏ thời gian ra chăm con, Tiêu Dương sẽ tiện tay đút thức ăn tận miệng cho vợ để cô không bị đói. Mặc dù ngoài mặt anh vẫn lạnh tanh như thường nhưng có lẽ không ai nhìn vào cảnh ấy mà lại không thấy ấm áp.

Tụi trẻ nhìn thấy tất cả những điều này.

Đó có lẽ chính là lý do chúng sợ Kiều Nhân hơn Tiêu Dương.

Tiêu Dương bận rộn với công việc, đi suốt tối ngày, ngày nghỉ hoặc ngủ hoặc ở bên Kiều Nhân. Lúc bận nhất, thời gian Tiêu Minh và Tiêu Nghệ Hi gặp mặt ông bà còn nhiều hơn gặp anh. Tiêu Dương sẵn sàng hy sinh thời gian để chơi với lũ trẻ chứ không muốn hy sinh để ở một mình, dành không gian riêng cho Kiều Nhân ở với các con.

Từ rất lâu trước đây, Tiêu Minh đã biết thế. Thằng bé cảm thấy trong trái tim cha, gia đình là một thể gắn kết. Lúc đầu Tiêu Minh không hoàn toàn hiểu nhưng theo thời gian, cậu bé lớn dần và cũng dần hiểu được lý do cha làm như vậy. Tiêu Minh suy nghĩ đơn giản thế này: nếu cha phải chia thời gian dành riêng cho mẹ, cậu và Hi Hi thì mỗi người sẽ chỉ được một phần quá ít ỏi.

Dù ít khi được ở bên nhưng nó không làm lung lay vị trí người cha của anh trong trái tim bọn nhỏ.

Trong mắt Tiêu Minh và Tiêu Nghệ Hi, Tiêu Dương đầu tiên là cảnh sát, tiếp đó mới là cha của chúng. Kết quả là trong khi một mực ngoan ngoãn vâng lời “cha cảnh sát”, hai anh em không khỏi trở nên nâng tầm vai trò của mẹ cao hơn cha. Thậm chí có đôi khi ngay cả ông bà còn quan trọng hơn cha nữa.

Giả như Tiêu Dương có thể không đi làm và dành hết thời gian cho con cái trong vài năm, vấn đề này có lẽ sẽ được giải quyết.

Tất nhiên điều giả như này là không thể.

Thế nên thay vì bỏ công bỏ sức san sẻ thời gian để “ở bên các con nhiều hơn” một cách vô ích, anh quyết định dùng quỹ thời gian ít ỏi mình có để vun vén cho cuộc hôn nhân của hai người. Đây có lẽ là một lựa chọn dạn dĩ tối ưu để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Sau khi ngộ ra điều này, Tiêu Minh có phần cảm thông với Tiêu Dương: Nếu quan hệ với người vợ không êm thấm, cuối cùng sẽ không chỉ mất vợ mà còn mất luôn cả con. Chỉ có duy trì mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp, mới dẫn tới mối quan hệ gắn kết mật thiết giữa cha và các con, giữ gìn được mái ấm gia đình mình.

Tiêu Mình nhìn núi tôm bóc sẵn vỏ trên bàn cười thầm. Cậu bé rất vui vẻ chấp nhận “ông bố không hoàn hảo” của mình. Nếu đó là một người cha hoàn hảo hẳn mười hai năm qua cu cậu đã chẳng được sống phóng khoáng tự tại như thế bởi người cha ấy nhất định sẽ bị cậu nghịch phá cho điên tiết. Việc biết được điểm yếu của cha là một điều khiến Tiêu Minh thấy đáng để tự hào. Có điều cậu bé chẳng dám lấy điểm yếu ấy ra để vênh váo trước mặt cha… thật là có lỗi với bản thân.

Bởi cách nghĩ này mà hình tượng Tiêu Dương ở trong mắt Tiêu Minh thực sự phức tạp.

Tiêu Nghệ Hi cuối cùng cũng loay hoay hoàn thành màn bóc vỏ một con tôm. Cô bé chìa thành quả ra cho Kiều Nhân xem, cười rất hạnh phúc: “Mẹ ăn đi ạ!”

“Cảm ơn Hi Hi nhé!” Kiều Nhân in lên khuôn mặt hồng hào của con gái một nụ hôn thật kêu, mỉm cười và nhận quà.

Hi Hi được khích lệ, cúi đầu tiếp tục chiến đấu với những con tôm khác.

Tiêu Minh len lén lắc đầu. Nghệ Hi năm nay tám tuổi. Trong suốt một thời gian dài, cậu bé đã chứng kiến sự thay đổi tích cực của em gái. Lúc đầu Tiêu Minh muốn em mình cứ nhỏ mãi nhưng giờ cậu muốn em gái mình có thể trưởng thành bình thường. Hùa theo Kiều Nhân cậu bé cũng khen ngợi cô bé bằng những lời lẽ ngây ngô để khích lệ.

Ví dụ khi Nghệ Hi bóc được con thứ hai và tặng cho Tiêu Minh, Tiêu Minh cũng bắt chước Kiều Nhân thơm má em rồi đánh chén con tôm ấy đồng thời không quên khen ngợi “Hi Hi thật tuyệt vời”.

Người thứ ba được mời tôm là Tiêu Dương. Nó phản ánh chân thực vị trí của các thành viên gia đình trong lòng Nghệ Hi.

Tiêu Dương không để bụng chuyện này. Anh cũng vui vẻ ăn tôm  và nghiêm túc nhận xét: “Có tiến bộ, cần tiếp tục phát huy. Giờ tiếp theo con bóc tôm cho con ăn đi.”

Đây là lời nhận xét tích cực nhất từ Tiêu Dương. Tiêu Nghệ Hi cực kì phấn khích, tinh thần hăng hái bóc tôm mạnh mẽ gấp đôi.

Buổi chiều cả nhà đưa nhau ra biển chơi. Đây chỉ là một bãi biển nhỏ nhưng vào ngày nghỉ như hôm nay thì vẫn có đông khách du lịch. Kiều Nhân vì chân có sẹo nên không mặc đồ bơi. Cô mặc áo yếm, phối với chân váy chiffon và đi dép quai hậu in hoa.

Tiêu Dương, Tiêu Minh và Tiêu Nghệ Hi xuống nước nghịch. Kiều Nhân ngồi lại trên bãi cát vừa uống nước cốt dừa vừa quan sát ba người nô đùa.

Tiêu Minh và Tiêu Nghệ Hi học bơi từ năm lên sáu. Lúc đầu cả hai đứa trẻ đều có vẻ sợ nước nên hơi khó học. Tuần đầu tiên, Tiêu Minh bơi ở khu dành cho trẻ em nhưng do người cao từ nhỏ nên nước chỉ đến tầm đầu gối. Kiều Nhân trộm nghĩ thà để thằng bé chơi trong bồn tắm ở nhà còn tốt hơn.

Sau đó Tiêu Dương phải chuyển thẳng cu cậu sang khu người lớn sâu một mét sáu.

Kiều Nhân bế Nghệ Hi đứng trên bờ choáng toàn tập.

Tiêu Minh bắt đầu học bơi từ đó.

Tất nhiên phương pháp đơn giản và thô bạo này không áp dụng được cho Tiêu Nghệ Hi. Có thể là từ hồi hai tuổi đã chứng kiến anh trai bị cha lôi đi tập ở vùng nước sâu, cho nên khi lên sáu, Nghệ Hi nhất quyết chỉ học bơi với Kiều Nhân. Ngay cả khi rất sợ hãi, cô bé vẫn ôm cổ mẹ ra vùng nước sâu để học. Cô bé biết mình không thể học từ từ, nếu không cha sẽ tiếm quyền “đào tạo”.

Thực lòng, Kiều Nhân thấy may mắn khi Tiêu Minh không bị chút bóng ma tâm lý nào với cái kiểu huấn luyện ấy.

Đây là lần đầu tiên tụi trẻ ra biển chơi. Tiêu Minh cực phấn khích, hăng hái xách phao chạy phăm phăm lao vào mặt biển phía trước. Tiêu Nghệ Hi còn nhỏ nên để an toàn phải đi cùng với cha. Tiêu Dương để con bé chơi ở vùng nước nông, sóng đánh vào bờ rồi lại rút ngược trở ra biển, đi một bước như lùi một bước.

Tiêu Nghệ Hi nghịch sóng cười khúc khích. Con bé thích những đợt sóng nhè nhẹ dềnh lên nâng cả người và phao trồi lên rồi hụp xuống. Tiêu Dương níu cánh tay con để bé không bị sóng cuốn ra xa nhưng cô bé không thích lắm, đôi chân dưới nước quẫy đạp cố xua anh đi.

Có lúc thích chí quá cô bé hét lên: “Cha ơi, sóng đang cuốn kìa!”

Hoặc là bật thốt: “Cha ơi, sóng đang đến, đến nữa kìa!”

Rồi bật cười khúc khích. Nghe tiếng cười lanh lảnh ấy của con, Tiêu Dương thấy lòng ngập tràn hạnh phúc.

Nuôi con gái phải tốn nhiều công sức, đặc biệt là nếu bé gái ấy lại không được thông minh cho lắm nữa. Tiêu Dương biết Kiều Nhân rất bao bọc Nghệ Hi, cái gì có thể làm cho con đều làm không tiếc công tiếc sức. Là một người cha, Tiêu Dương thấy mình có trách nhiệm phải lo lắng cho tương lai của con gái để mai này khi cha mẹ không còn nữa thì con gái anh vẫn biết cách tự bảo vệ mình, có điều phải nghĩ cách dạy cho khéo, không thể quá nghiêm khắc với con gái.

Tiêu Dương cảm thấy rất khó nghĩ. Anh đã đọc nhiều sách nuôi dạy trẻ, lý thuyết thuộc làu làu nhưng không có thời gian để thực hành. Điều anh có thể làm là tận dụng từng chút thời gian ngắn ngủi để luyện tập những gì đã học được. Kết quả chẳng đi đến đâu là đương nhiên.

Vậy nên được chơi với con thoải mái như lúc này đây thực sự rất hiếm hoi.

Nhìn cảnh tượng cha và con ở đằng xa, Kiều Nhân thấy khá nhẹ nhõm. Quan hệ giữa anh và các con không được thân thiết lắm. Với những nguyên tắc dạy con bảo thủ của anh, anh và các con hiếm khi có cơ hội thoải mái với nhau như vậy.

Chơi hơn một tiếng, ba cha con đã thấm mệt nên quay về bờ. Tiêu Minh uống nước xong lại chạy đi chơi bóng chuyền với những người bạn mới; Kiều Nhân bế Hi Hi đã bắt đầu ngáp ngủ. Tiêu Dương lấy cho hai mẹ con một bát chè xoài bưởi bột báng. Hi Hi lập tức hăng hái trở lại.

Con bé vừa ăn vừa đưa tay xoa xoa vết sẹo ở đầu gối của mẹ, không nói gì cả, chỉ lẳng lặng quan sát giống như đang nghĩ sao thế nhỉ.

Kiều Nhân lược kể lại vụ án Declan Garcia, tất nhiên, có bỏ bớt những đoạn rùng rợn. Có lẽ vì chưa bao giờ được nghe một câu chuyện như vậy mà lại là chuyện có thật của cha mẹ, cô bé nghe rất chăm chú. Đến đoạn Kiều Nhân bị bắt ở chung cư của dì Hoàng Linh, Nghệ Hi quay qua hỏi Tiêu Dương với vẻ đầy lo lắng: “Cha có cứu được mẹ không?”

Trong mắt cô bé, cha mình là cảnh sát, vậy nên người đến cứu mẹ chắc chắn là cha rồi.

Tiêu Dương xoa tóc con, anh bảo: “Có.”

Anh kể lại việc sử dụng chó nghiệp vụ thế nào và anh đã đi theo chúng tìm thấy Kiều Nhân rồi tái bắt giữ Declan Garcia ra sao cho con gái nghe. Tiêu Dương là người đàn ông kiệm lời, nhưng hôm nay kể lại câu chuyện giản đơn ấy, anh cũng cố ý nói thật diễn cảm, tạo cao trào truyện kể rất sinh động.

Tiếc là, đến khi kể xong, Tiêu Nghệ Hi vẫn tỏ ra khá thất vọng: “Và chỉ vậy là bắt được hắn ạ?”

Cô bé nhớ trong những truyện tranh và phim ảnh xem cùng anh trai, boss lớn lúc nào cũng khó tóm. Mẹ mình bị một tên khủng bố rất nham hiểm khống chế mà bắt hắn chỉ đơn giản vậy thôi á?

“Ờ, đây là Trung Quốc mà!” Tiêu Minh chơi toát mồ hôi, chạy về kiếm nước uống, tình cờ nghe được câu chuyện nên nói xen vào. Cậu chàng xoa đầu em, lấy nước dưa hấu ép tu một hơi cạn đáy, trả cốc lại rồi mới giải thích: “DG thì có tài cán gì? Một không phải băng đảng tội phạm xuyên quốc gia, hai không là triệu phú. Vượt ngục một năm cũng chỉ đủ tiền làm một cái phẫu thuật thẩm mỹ xoàng xoàng, sang Trung Quốc đại lục của chúng ta loay hoay mất một năm mới tìm ra mẹ.”

Cậu bé khom người thấp bằng em rồi mới nói tiếp: “Ở đây, hắn không biết tiếng Trung, không có tiền, chỉ có thể làm mấy việc tay chân nặng nhọc, ngủ trong nhà kho. Cơ hội duy nhất để hắn nhìn thấy mẹ là trên bản tin. Em nghĩ mà xem, hôm mẹ sang nhà dì Hoàng Linh sau đó bất chợt ra về, hắn ta vốn chỉ bám đuôi mẹ, bắt cóc mẹ là chuyện đột xuất, lại ra tay ở một nơi hắn không thông thuộc địa hình, sao có thể không sa lưới của cảnh sát chứ!”

Tất cả những thứ cậu chàng vừa nói đều là nói lại lời của Tiêu Dương. Thuở nhỏ, cu cậu cũng đã từng thắc mắc về vết sẹo của mẹ, cũng đã được nghe về vụ Declan Garcia như cô bé. Có điều cu cậu thông minh hơn, điều này là bẩm sinh. Cậu nghĩ DG là một kẻ tự phụ, ỷ vào thỏa thuận dẫn độ, cho rằng nếu hắn đe dọa Kiều Nhân, miễn là không giết thì không đời nào bị phía công an Trung Quốc xử lý.

Hay cái là cuối cùng hắn lại chết trong tù. Tên điên này không chết sao được.

Tiêu Nghệ Hi cau mày đầy bối rối, có vẻ vẫn không hiểu. Tiêu Minh đành phải nói tiếp cho rõ: “Giống như giờ nếu anh phải sang Mỹ để giết một người. Trước khi giết được người anh phải kiếm tiền để trang trải cuộc sống, nhưng anh chỉ là một người nước ngoài, anh nói gì họ không hiểu, họ nói anh cũng không hiểu. Cuối cùng anh cũng may mắn tìm được việc rồi. Công cụ giúp anh tìm kiếm nạn nhân bị mất và cuối cùng rơi vào tay cảnh sát. Em hiểu rồi chứ?”

Tiêu Nghệ Hi ngẫm nghĩ rồi cuối cùng cũng gật đầu.

Tiêu Minh không biết em ấy có hiểu thật hay không nhưng cũng chẳng sao. Họ bỏ qua chủ đề này và kéo nhau ra bãi biển chơi. Kiều Nhân quát hai anh em không được một mình xuống biển. Hai đứa vâng dạ rồi chỉ đứng ở mép nước nghịch sóng. Hai anh em chạy đuổi bắt với những con sóng đang vội vàng rút ngược trở về biển cả, vừa chạy vừa hò hét cực vui vẻ. Để an toàn, Tiêu Nghệ Hi đeo một chiếc phao nhỏ, vậy nên cô bé vốn đã không giỏi giữ thăng bằng nay càng trở nên vụng về hơn.

Cứ mỗi lần em gái vấp ngã, Tiêu Minh lại chạy ngược về nâng em dậy rồi hai đứa cùng vui vẻ chạy tiếp.

Tiêu Minh quả là một người anh có trách nhiệm.

“Tiêu Minh thực ra khá thông minh.” Kiều Nhân nghiêng người nhìn tụi trẻ, bắt đầu nghĩ chuyện tương lai, “Có điều sử dụng thông minh không đúng chỗ.”

Tiêu Dương nửa nằm nửa ngồi ở ghế bên cạnh, anh đeo kính râm lên rồi bảo: “Giáo viên lúc nào cũng bảo học trò chưa đủ giỏi.”

“…” Anh thì không thế à!

Tiêu Dương thấy cô không nói gì nên quay qua an ủi: “Đừng lo, thằng bé này nghịch như quỷ nhưng nó biết chừng mực.”

Cái này thì đúng. Cô tiếp: “Vậy Nghệ Hi thì sao?”

“Con bé có ngộ tính cao.” Anh đáp ngay rồi nhấp một hớp nước hoa quả.

Kiều Nhân tròn mắt: “Anh đùa à?”

Tiêu Dương nhìn sang vợ, khuôn mặt vẫn lạnh lùng như thường, phía sau kính râm vẫn là đôi mắt xếch đuôi đầy bản lĩnh: “Sao, nghi ngờ phán đoán của anh à?”

Kiều Nhân lập tức cười làm lành, đưa tay qua vuốt ve, dỗ dành. Hai đứa trẻ nhìn thấy cảnh này hoàn toàn khô lời.

“Thực ra, có giỏi giang đến đâu, hay tương lai vẻ vang thế nào… đều không quan trọng.” Kiều Nhân nghiêng đầu trầm tư, “Miễn là cuộc đời bọn trẻ luôn hạnh phúc như hôm nay. Tai qua nạn khỏi. Em chẳng dám mong chúng làm nên trò trống gì, chỉ trông sao bọn trẻ sống thật tốt.”

Tiêu Dương ít khi ở nhà nên trọng tâm thế giới của Kiều Nhân dần chuyển sang quay quanh công việc và con cái, đặc biệt là con cái. Sống đến tầm tuổi trung niên này, Kiều Nhân hiểu giá trị của một người với cuộc đời được đo lường bằng những đóng góp của họ, trong khi chính họ thì lại luôn quanh quẩn với kế sinh nhai. Với một điều kiện kinh tế nhất định, thì hạnh phúc thường là thứ quan trọng nhất nhưng niềm hạnh phúc này không được phép xây dựng trên nỗi đau của người khác.

Cô chỉ là một người mẹ bình thường. Niềm mong mỏi to tất nhất là mong sao con cái mình được hạnh phúc hơn, kỳ vọng bé nhỏ nhất cũng vẫn là mong cho con cái mình được hạnh phúc hơn.

Tiêu Dương trầm ngâm không nói gì, tay anh nắm bàn tay cô đặt trên eo mình.

Trong một chuyến đi công tác xa, anh đã trông thấy cảnh một người phụ nữ bế một đứa trẻ ngồi trên băng ghế trước đồn cảnh sát trọn một ngày mới bỏ đi. Một số đồng chí cảnh sát đi qua chào người phụ nữ ấy là “chị dâu” và dừng lại chơi với đứa trẻ trong chốc lát. Sau này Tiêu Dương nghe nói người phụ nữ ấy là vợ một cảnh sát. Chồng chị đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ từ sáu tháng trước nhưng chị không nhẫn tâm nói cho đứa trẻ biết cha nó đã không còn trên đời này nữa. Vậy nên ngày ngày đứa trẻ vẫn đòi mẹ đưa tới đồn cảnh sát chờ bố trở về.

Mẹ con họ không bao giờ chờ được.

Tiêu Dương lúc ấy bỗng rất nhớ vợ và các con anh.

Ấy là thứ cảm giác rất khó tả. Chính vào lúc đó, Tiêu Dương đã quyết định mỗi năm đến kỳ nghỉ phép đều sẽ đưa cả nhà đi du lịch. Anh cũng tận dụng những ngày nghỉ của mình để cho ba tên háu ăn nhà mình được ăn nhiều món ngon hơn.

Tuy nhiên sau tất cả, những đứa trẻ, chính chúng lại khiến các bậc phụ mẫu phải lao tâm nhiều. Chúng nhìn thấy tất cả những gì cha mẹ làm, hiểu vì sao cha mẹ làm vậy nhưng không hề san sẻ mối lo. Ví dụ như Tiêu Minh và Tiêu Nghệ Hi, anh trai và em gái, hai đứa vẫn đang ở đằng kia chơi cực kỳ hăng say.

Lúc từ biển trở về, Tiêu Nghệ Hi phát hiện ra điều thú vị trên cát:

“Anh ơi, lỗ gì đây?”

Cô bé cúi xuống, ngón tay bé tẹo chọc vào lỗ cát nhưng ngắn quá, không thấy gì cả. Tiêu Minh ngồi xổm xuống quan sát cẩn thận rồi kết luận: “Lỗ cua đấy! Đào nó đi, bên dưới có cua.” Cậu bé đề nghị ngay.

Cô bé rất vui, gật đầu ngay: “Ừm ừm!”

Họ bới cát ra và thấy trong đấy có rất nhiều cua con, bé bằng ngón tay của Nghệ Hi.

“Hay nhỉ!” Cô bé bắt một con lên ngắm nghía rồi lại hỏi: “Sao không phải màu đỏ ạ?”

“Nấu lên thì nó mới đỏ.” Tiêu Minh nhoẻn cười. “Có điều bé quá, không ăn được.”

Tiêu Nghệ Hi gật đầu. Nó không phải cua ngon.

Vì không ăn được nên hai đứa thả lũ cua ra.

Tiêu Minh định nhét chúng vào lại hang nhưng lại nghĩ không biết thế thì chúng có bị cát vùi cho chết ngạt không. Cậu bé ngẩng đầu lên thấy Hi Hi đang ném lũ cua về phía biển.

“Hi Hi! Em đang làm gì thế?”

“Chúng nhỏ thế này, nếu để trên bãi cát sẽ bị người ta dẫm chết mất.” Cô bé nghiêm túc giải thích. “Vậy nên em cho chúng xuống biển”.

Đúng là cách nghĩ của con nít tám tuổi. Tiêu Minh không nỡ nói cho em biết là tụi cua đã phải rất vất vả đào hang cua trên cát, ném chúng xuống biển thật không hay.

Thế là Tiêu Minh cũng chạy lại phụ em gái ném cua xuống biển rồi hai anh em cùng bật cười khúc khích.

Hai anh em lượm nhặt được rất nhiều vỏ sò đẹp ở bãi biển đem về khách sạn rửa sạch. Tiêu Minh xuống mượn đồ đục lỗ ở quầy lễ tân xâu chúng thành chuỗi tặng cho em gái. Tiêu Nghệ Hi rất sung sướng, cô bé bá lấy cổ anh, hai anh em dắt nhau qua chỗ nhà hàng cha và mẹ đang đợi. Tiêu Nghệ Hi nở nụ cười ngây ngô rất hạnh phúc của em ấy.

“Mẹ cũng sẽ có một cái nhưng con hết dây rồi.” Tiêu Minh tranh thủ lấy lòng Kiều Nhân,  nụ cười vừa phải, không làm lố, có thể lừa được tất cả mọi người, “lát về con sẽ làm ạ.”

Kiều Nhân vui vẻ thưởng cho cậu chàng một ít tiền lẻ để hai anh em dẫn nhau đi ăn kem.

Tiêu Dương quyết định trong kỳ nghỉ này sẽ mắt nhắm mắt mở không khắt khe với thằng bé.

Cả nhà ăn tối trên sân thượng trông ra biển của một nhà hàng hải sản nướng. Khi đi ăn đồ nướng, dù là ở đâu sẽ luôn chia thành hai cánh nam cánh nữ. Cánh đàn ông ở đây có Tiêu Dương và Tiêu Minh phụ trách việc nướng đồ ăn, cánh phụ nữ Kiều Nhân và Tiêu Nghệ Hi chị chịu trách nhiệm ăn, cùng lắm là phụ giúp rắc gia vị.

Sợ số hải sản đã lấy không đủ nên Kiều Nhân và Hi Hi rủ nhau đi lấy thêm, trong khi Tiêu Dương và Tiêu Minh vẫn tiếp tục việc nướng hải sản của họ.

“Cha à,” Tiêu Minh tranh thủ nhón một ít mực nướng nhai chóp chép, “Cái chết của DG thực sự là một tai nạn ư?”

Đây là điều cậu bé luôn lấy làm lạ. Theo Tiêu Dương nói thì sau khi Declan Garcia bị dẫn độ về Mỹ sẽ bị giam cầm suốt đời cho đến khi chết già tự nhiên. Cậu bé cũng hiểu là dù hắn sống ở một vùng trời khác nhưng hễ hắn còn trên đời thì Kiều Nhân vẫn chưa thể tự giải thoát. Một tên biến thái như hắn chắc là sẽ không gia nhập được bang hội nào ở trong tù hay các vụ lùm xùm tranh chấp đại loại vậy.

“Darkness restores what light cannot repair.” (3) Tiêu Dương đáp. “Đây là một câu thơ của đại thi hào Joseph Brodsky. Cha nghĩ nó rất đúng với tình huống này.”

Tiêu Minh vừa gật đầu tư lự vừa cắn thêm một miếng mực nữa.

Mặc dù Tiêu Minh không thân thiết với Tiêu Dương bằng Kiều Nhân nhưng cu cậu thích nói chuyện với cha.

Có phải ý nhà thơ Joseph Brodsky là ánh sáng và bóng tối luôn luôn bổ sung cho nhau không nhỉ?

Tuy nhiên tốt nhất là cậu chàng đừng để Tiêu Dương biết cu cậu đã so sánh anh với “darkness”.

Chú giải:

(*) Tôm tít:

20140701120524_71848

(*) Chè xoài bưởi bột báng: Xem lại chú thích chương 54.

(3) “Darkness restores what light cannot repair”: là câu thơ trích trong bài “On Love” của Joseph Brodsky. Đây là một câu thơ và bài thơ nổi tiếng, rất hay được trích dẫn của ông. Joseph Brodsky là nhà thơ Nga vĩ đại của thế kỷ XX, là tiến sỹ văn học danh dự của Đại học Yale và chủ nhân giải Nobel văn học năm 1987. Brodsky đã sáng tạo nên một thế giới thơ ca độc đáo được thể hiện bằng những quan niệm của nghệ thuật hậu hiện đại. Các nhà phê bình coi ông “là người tổng kết thơ ca thế kỷ 20”.

Đọc thêm về ông tại Wikipedia. Đọc đầy đủ bài “On Love” bằng tiếng Anh tại đây. Đọc bản tiếng Nga và dịch thơ tiếng Việt tại đây.

Trong văn bản gốc, Tiêu Dương đọc câu thơ này bằng tiếng Hán.