Tiêu Dương và Kiều Nhân đã kết hôn và có hai con.
Khi cô con gái Tiêu Nghệ Hi chào đời, cậu con trai đầu Tiêu Minh vừa lên bốn. Tiêu Minh không thích bé gái nhăn nhăn nhúm nhúm này nên khi Kiều Nhân kéo cậu chàng chụp ảnh cùng em, Tiêu Minh tỏ thái độ rất không bằng lòng. Cuối cùng họ có một tấm hình mà trong đó Kiều Nhân đang bế cô con gái còn quấn tả cười tươi rói, Tiêu Minh đứng bên cạnh, hai tay đút túi quần, mắt nhìn sang đứa trẻ trước ngực mẹ tỏ vẻ hết sức khinh thường.
Kiều Nhân vừa thấy bức ảnh liền quay sang nạt cậu con trai: “Tiêu Minh!”
Tiêu Minh vừa nghe tiếng mẹ quát, mặt mày nhăn nhó, vớ khẩu súng đồ chơi rồi chạy biến. Còn chú Tiêu Minh, người chụp ảnh cho họ, đang ngồi ở phòng khách lại ngẩng đầu lên nhìn.
Kiều Nhân vội cười trừ: “Chú à, không phải cháu gọi chú đâu…”
Cô thật muốn biết mỗi lần Tiêu Dương gọi tên Tiêu Minh, có phải trong lòng cảm thấy rất sảng khoái hay không.
Để mượn tay đồng chí chủ nhà dạy dỗ cậu con trai, Kiều Nhân cố tính phóng to bức hình, lồng khung kính đặt ở đầu giường.
Hôm sau Tiêu Dương về nhà, quả nhiên anh ngay lập tức chú ý đến bức hình này.
Anh cầm tấm ảnh lên ngắm rất lâu rồi rất bình tĩnh qua phòng ngủ của cậu con trai gọi cửa: “Tiêu Minh, ra đây.”
Tiêu Minh đang ngồi nghịch mô hình lắp ráp lập tức sợ cứng cả người quay đầu nhìn thấy ba mà như thấy quái thú thời hồng hoang sau đấy mới cười hì hì lấy lòng: “Ba ba… Ba về rồi ạ! Ba vất vả rồi!”
Chiêu này không ăn thua, Tiêu Dương vẫn nhìn thẳng vào cậu chàng, giọng nói rất nghiêm nghị: “Ra đây. Đừng để ba nói lần thứ ba!”
Tiêu Minh bị nhìn dựng cả tóc gáy, cười mà như mếu.
“Con… Chân con mềm nhũn… không đứng dậy được…”
Nửa giờ sau, Kiều Nhân rửa bát xong, khoái chí đi ra khỏi phòng bếp đúng lúc Tiêu Dương đang cầm máy chụp ảnh cho Tiêu Minh. Cậu chàng mới hôm bữa còn tỏ vẻ khinh thường cô em gái, nay đứng đó ôm em rất vững vàng, hai đầu gối khuỵu vào nhau như sắp vãi ra quần đến nơi.
Chiếc máy ảnh trong tay Tiêu Dương đã ghi lại khoảnh khắc chân thực như vậy đấy.
Khi Tiêu Minh lên năm, Kiều Nhân bắt đầu nhận ra tính cách tự mãn của cậu chàng.
Tiêu Minh được di truyền rất nhiều nét đẹp của ba, chiếc mũi nhỏ cao thẳng, đuôi mắt xếch lên, may là đôi môi không mỏng giống ba nó. Tính cách hoàn toàn khác Tiêu Dương, ít ra bây giờ là vậy.
Chơi chán những món đồ chơi không có sinh mạng, Tiêu Minh dần chuyển sự chú ý sang các loài động vật. Cậu bé thích chạy ra hồ nước bắt nòng nọc về khoe với Tiêu Nghệ Hi và hỏi: “Ca ca bắt nòng nọc về có đẹp trai không?”
Tiêu Nghệ Hi mới một tuổi, chưa biết nói chuyện, chỉ bò theo chân anh, ôm lọ đựng nòng nọc cười ngô nghê, lắc qua lắc lại, rớt cả nước miếng vào trong.
Tiêu Minh tự cho là cô bé khen đẹp bèn đắc ý: “Đấy là đương nhiên! Ca ca em đẹp trai như vậy, nòng nọc anh bắt về nhất định là đẹp trai nhất!”
Những chuyện tương tự còn rất nhiều.
Ví như lúc tắm xong ngồi nghịch nước, cậu chàng thích vuốt ve đôi bàn chân, Kiều Nhân bảo mãi không nghe, đến khi Tiêu Dương về lườm một cái cậu chàng mới chịu thôi.
Tiêu Mình lại nảy ra một trò mới. Cu cậu giơ bàn chân phủ phấn rôm ra trước mặt em gái, rồi cười đầy tự luyến, hếch cằm hỏi Nghệ Hy: “Hy Hy, chân ca ca thơm không?”
Tiêu Nghệ Hy vẫn cười ngô nghê, rớt cả dãi xuống chân ông anh.
Tiêu Minh tự đắc cho rằng cô em bị mùi thơm của chân mình làm cho choáng váng nên vênh váo được ngay: “Đấy là đương nhiên! Ca ca em đẹp trai như vậy, đến chân còn thơm!”
Kiều Nhân nạt: “Đi rửa chân mau!”
Thực tế cho thấy, không chỉ tự mãn, cậu chàng này còn là người theo chủ nghĩa trọng sắc.
Thể hiện rõ nhất là ở thái độ của cu cậu với Nghệ Hy.
Lúc Tiêu Nghệ Hy mới sinh, làn da còn nhăn nhúm, Tiêu Minh tỏ rõ rằng mình rất không thích cô em này.
Khi được một tuổi, Tiêu Nghệ Hy lúc này đã lớn hơn, khuôn mặt nhỏ nhắn bụ bẫm, mắt to tròn giống Kiều Nhân, lông mi lại thật dầy, Tiêu Minh từ chỗ tỏ vẻ khinh thường chuyển sang “yêu thích không rời tay”.
Tiêu Minh thường bám đuôi mẹ năn nỉ thế này: “Cho con bế một chút đi mà! Mẹ đừng bủn xỉn vậy chứ!”
Khi được bế em, Tiêu Minh lại nói: “Hy Hy ngoan, cho anh thơm một cái!”
Hoặc là: “Hy Hy thơm ca ca một chút nào nào!”
Kiều Nhân nghe mà dở khóc dở cười.
Có lần Kiều Nhân bảo con: “Minh Minh, con giờ rất thương yêu em con, mẹ rất vui… nhưng rồi sẽ có một ngày em lớn lên…”
“Gì cơ?” Tiêu Minh mở tròn mắt, tỏ vẻ không thể tin nổi, “Em sẽ lớn lên ạ?!”
Kiều Nhân ngẩn người, chưa biết nói tiếp thế nào thì cậu chàng đã bật khóc. Tiêu Minh rất ít khóc thế mà bỗng dưng không đâu lại ầm ĩ lên thế này. Kiều Nhân choáng. Cậu chàng vừa vơ hết đồ chơi xung quanh vứt đi vừa nức nở: “Sao em lại lớn! Con muốn em mãi mãi nhỏ thế này! Thế này đáng yêu nhất! Lớn lên xấu lắm!”
“…” Nghe ba câu đầu, Kiều Nhân mới hơi hơi xúc động thì đến câu cuối nó biến thành dở khóc dở cười.
Tiêu Nghệ Hi vẫn cười khanh khách, nước miếng lại chảy ướt chiếc khăn yếm đeo trước ngực. Tiêu Minh quay đầu nhìn em, trong lòng ngập nỗi bi thương, vươn tay bế em vào lòng: “Ôi.. Hy Hy ơi…”
Hy Hy tưởng anh muốn chơi với mình nên vui vẻ khuơ tay, chùi hết cả nước miếng lên mặt anh.
Sau này Kiều Nhân có dịp kể lại chuyện này cho Tiêu Dương nghe.
“Lúc nhỏ em đâu có thế này đâu!” Kiều Nhân trêu, “Khai mau, Minh Minh có phải giống anh không?”
“Lớn lên giống anh.” Tiêu Dương trả lời rất đúng trọng tâm, “Còn lại thì giống em.”
Tiêu Nghệ Hy cũng không bớt khiến Kiều Nhân đau đầu hơn.
Cô bé khá ngốc, không biết có phải nhiễm sắc thể hỏng hóc ở đâu không, bất kể học gì cũng đều chậm chạp. Lúc nhỏ dạy Hy Hy gọi “ba ba”, đến hai tuổi cô bé vẫn nói ngọng thành “pa pa”, còn tưởng là mình làm rất tốt, mỗi lần kêu xong lại ngốc nghếch cười khanh khách, giơ tay đòi Tiêu Dương ôm: “Pa pa!”
Mặc dù “ba ba” và “ôm ôm” đều bị con gái nói thành “pa pa” nhưng Tiêu Dương vẫn rất chiều con, mỗi lần con bé gọi “pa pa” đều sẽ bế bé lên.
Đến khi Nghệ Hy gọi “đi ị” thành “đi ịnh” thì Tiêu Dương không thể phớt lờ được nữa.
Trẻ con có dễ thương cũng không thể chiều mãi. Tiêu Dương tổng kết như vậy.
Tiếp theo, Tiêu Nghệ Hy bắt đầu học đếm. Kiều Nhân mất cả buổi dạy cho con số 1, cô bé vẫn chỉ biết nhìn số 1 cười khanh khách. Phải đợi Tiêu Dương ra tay, dạy lại con cách phát âm từ “ba”, rồi học đếm được từ 1 đến 8. Kiều Nhân cho rằng vạn sự khởi đầu nan, con mới bắt đầu học nên khó, không ngờ tất cả khó khăn chỉ là mới bắt đầu.
Lúc con nhà người ta biết đếm từ 1 đến 10. Tiêu Nghệ Hy biết đếm từ 1 đến 8.
Lúc con nhà người ta biết đếm từ 1 đến 20. Tiêu Nghệ Hy biết đếm từ 1 đến 8.
Lúc con nhà người ta biết đếm từ 1 đến 50. Tiêu Nghệ Hy biết đếm từ 1 đến 8.
Lúc con nhà người ta biết đếm từ 1 đến 100, cuối cùng Tiêu Nghệ Hy đã biết đếm từ 1 đến 10.
…
Kiều Nhân cực kỳ lo lắng.
Sau này học viết chữ, ghép vần,… bất kể là học gì, Nghệ Hy đều chậm hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi.
Kiều Nhân rất lo lắng cho tương lai của con. Điều đáng thương nhất là những thứ này không thể cần cù bù khả năng, tố chất của con bé quá kém.
Nghĩ đi nghĩ lại thì cũng không quá tệ. Con gái ngốc một chút cũng không sao, vẻ ngoài xinh đẹp, sau này kiếm được một người chồng tốt là ổn.
Đáng tiếc con bé lại có một ông anh không biết điều.
Hôm sinh nhật Tiêu Minh chín tuổi, cu cậu không biết nịnh nọt thế nào, được ông bà tặng cho một bộ trống điện tử dành cho trẻ em. Từ đó suốt ngày khua chiêng gõ trống trong phòng, bật loa hết cỡ.
Kiều Nhân không ngăn cản con theo đuổi sở thích cá nhân, sửa sang lại cách âm trong phòng, cho cu cậu một mình trong đó thích nghịch thế nào thì nghịch. Ai dè Tiêu Minh còn rủ rê em gái nghịch bậy theo.
Một hôm Hoàng Linh tới chơi, vừa mở cửa chào cậu nhóc liền thấy Tiêu Minh đang điên cuồng gõ trống còn Tiêu Nghệ Hy thì cầm míc say mê gào lên: “Nào chúng ta cùng lắc! Cùng nhau lắc!”
Anh em hai đứa bật nhạc to hết cỡ. Ông anh thì làm như một nghệ sĩ rock còn cô em thì hét nhăn cả mặt lại như bị táo bón, cứ thế hát: “Cùng nhau lắc! Cùng nhau lắc! Cùng nhau lắc!”
Chết nữa là ông anh Tiêu Minh còn lợi dụng tiếng nhạc quá lớn mà cười ha hả thành tiếng.
Kiều Nhân và Hoàng Linh đứng ngoài cửa chỉ có thể nói là sợ ngây người.
Lời tác giả:
Sinh hai con là không được. Cho dù Tiêu Dương là con một nhưng Kiều Nhân còn một người em cùng cha khác mẹ nữa. Đây là BUG lớn nhất toàn văn, mong mọi người bỏ qua…
Chú thích:
Về đoạn nói ngọng của bé Hy Hy, đó là các từ 爸爸( Bà ba) 抱抱 (bào bào – ôm ôm) 帕帕 (pà pà). Bé bị ngọng b, p. Tiếp đó, đoạn “đi ị” và “đi ịnh” nguyên văn là 拉粑粑 (lā bābā) và 拉帕帕 (lā pà pà), đoạn này bé vẫn ngọng b, p như trên. Từ 拉粑粑 (lā bābā) có nghĩa rất đặc biệt, theo Baidu thì nó vừa có nghĩa là (trẻ em) đi ị, ở Hồ Nam nó có thêm một nghĩa là một thứ ăn được, bé nói ngọng thành 拉帕帕 (lā pà pà) từ này nghĩa là gì thì mình không rõ lắm nhưng chiết tự thì 拉 là kéo còn 帕 là khăn, không biết lúc ghép lại thì thế nào. Ai hiểu rõ hơn chỉ mình với