Trở Về Đời Thanh

Chương 67: Biết đi đường nào (8)




Dịch: Vivian Nhinhi

Sự an bài này quả là bất ngờ, Dận Chân không hề chuẩn bị tinh thần trước. Từ khi Dận Tường ra đời tới nay, hai huynh đệ chỉ gặp mặt nhau vào lễ mừng sinh nhật Khang Hi hoặc Đông hoàng hậu chứ căn bản không có cơ hội nào khác để bồi dưỡng tình huynh đệ. Dận Chân còn tưởng rằng kiếp này, lão thập tam với hắn sẽ thành người dưng cơ đấy. Bây giờ vừa khéo thỏa mãn mong ước thu tiểu đệ của Dận Chân. Nghĩ đến đây, Dận Chân không khỏi cười trộm.

Khang Hi để ý đến biểu cảm kì lạ trên mặt Dận Chân bèn cười hỏi: “Con lại có ý đồ gì hả? Nếu con dạy lão thập tam không tốt thì cứ chờ xem trẫm phạt con thế nào đi.”

Ở khoảnh khắc này, trên mặt Dận Chân thêm một phần tinh nghịch, hắn đáp: “Chỉ là nhi thần nhớ tới hai năm trước, lúc thập tam đệ nhịn không được mà đái dầm ra quần trong tiệc chúc thọ của hoàng ngạch nương, hoàng a mã lúc ấy cười bảo sau này phải phong cho đệ ấy tước vị Bối lặc đái dầm ạ.”

Khang Hi nghe thấy vậy bèn vui vẻ cười ha ha, ông đáp: “Trẫm thấy Thập tam a ca là một đứa bé phúc hậu, tính nết khá là giống với con. Con để ý chăm sóc nó chút đi. Mà chỗ ngạch nương con cũng phải qua lại nhiều hơn nữa. Nghe nói Thập tứ a ca Dận Trinh mấy ngay nay bị cảm đấy, ngạch nương của con đang vất vả chăm sóc nó, mấy hôm nữa trẫm cũng sẽ đi thăm.

Dận Chân nghĩ đến vị thập tứ đệ này thì lòng lại thấy khó chíu, sao Khang Hi cứ phải lấy cho hai huynh đệ hắn cái tên tương tự nhau thế không biết. Nếu không phải vì vụ này thì về sau sao lại có lời đồn Ung Chính đổi di chiếu truyền ngôi mới đăng cơ được chứ? Nhất định hắn phải nghĩ cách đổi tên của lão thập tứ đi mới được. Với cả ý tưởng của Khang Hi rất rõ ràng, ông hi vọng Dận Chân có thể thân thiết hơn nữa với mẹ ruột và đệ đệ cùng cha cùng mẹ của mình này. Nhưng mà Dận Chân hơi bị hoài nghi liệu Khang Hi có phải bị lẫn không, ông quên mình vừa phạt người ta đóng cửa ăn năn à?

Bất đắc dĩ, Dận Chân đành phải trả lời rằng: “Nhi thần biết ạ. Nhi thần chắc chắn sẽ chú ý giám sát việc học của Thập tam đệ. Đợi nhi thần đóng cửa hối lỗi được ba ngày xong sẽ đi thỉnh an ngạch nương tiện thể thăm cả Thập tứ đệ nữa.”

Khang Hi gật đầu đầy khen ngợi, ông đáp: “Như thế cũng tốt, hôm nay trẫm nói với con nhiều như vậy cũng chính là để con hiểu thêm về cách hiểu người và đạo dùng người. Muốn tham dự vào chính vụ, trước tiên phải biết dùng người tài!”

Dận Chân khấu tạ Khang Hi, đi thẳng về phía Quách Tú. Lúc đến bên cạnh Quách Tú, Dận Chân mới nói khẽ: “Quách đại nhân, ông đứng dậy đi.”

Quách Tú đang bị ánh mặt trời chiếu cho mồ hôi mồ kê nhễ nhại, từng giọt mồ hôi chảy dọc theo cánh mũi nhỏ xuống mặt đất. Nghe thấy tiếng của Dận Chân, hắn ngẩng đầu nhìn lên. Hắn biết mặt Dận Chân nên chỉ nói: “Thần lĩnh ý chỉ của hoàng thượng hối lỗi ở đây.” Giọng thì cũng lễ phép đấy nhưng không giấu được vẻ lạnh lẽo.

Dận Chân lơ đễnh, chỉ nói: “Phụng khẩu dụ của hoàng a mã, mời Quách đại nhân đứng dậy!”

Quách Tú lúc này mới cung kính dập đầu một cái về phía Thượng thư phòng, hô lên: “Quách Tú cảm tạ thánh ân của hoàng thượng.” Đang định đứng dậy thì thấy đầu gối mềm nhũn, chân tê rần. Dận Chân vội vàng bước lại đỡ lấy hắn, hỏi bằng giọng lo lắng: “Ông không sao chứ?”

Quách Tú hơi giãy dụa một cái, không ngờ Dận Chân giữ rất chặt, không giãy ra được. Ông ta nói: “Quách Tú không sao, không dám phiền tứ gia phí tâm.”

Dận Chân nửa đùa nửa thật nhìn hắn và bảo: “Ta biết Quách đại nhân dâng tấu vạch tội ta. Việc này là Dận Chân không phải, hoàng a mã cũng đã vì thế mà xử phạt ta rồi. Dận Chân không có ý trách tội Quách đại nhân, Quách đại nhân không cần phải e ngại gì đâu. Lần này là Dận Chân phụng mệnh đến truyền ý chỉ của hoàng thượng cho ông thôi.”

Quách Tú vốn nghĩ Khang Hi dù sao cũng niệm tình quân thần mấy lâu, cho dù lần này mình chắc chắn xúc phạm long nhan nhưng vẫn lấy dũng khí của văn thần ra liều chết can gián. Bây giờ trong lòng hắn lại hơi buồn bực, nhìn vẻ mặt điềm nhiên của vị tứ a ca này không giống như định tính sổ với hắn. Hiện tại lại nghe Dận Chân đến truyền khẩu dụ của hoàng thượng thì vội sửa sang lại quan phục của mình, nhưng mũ thì không vội đội lên. Dù sao trong lòng hắn vẫn nghĩ hoàng đế ý nhất cũng phải xử mình cỡ tước quan đoạt chức, mũ quan đằng nào cũng phải nộp lại, giờ mất công đội lên làm gì đâu?

Thật không ngờ Khang Hi chỉ giáng hắn năm cấp. Chức quan thăng hay giáng vốn cũng chỉ là một ý niệm của hoàng đế mà thôi, chuyện mấy ngày lại phục chức cũng không phải là hiếm, đây rõ ràng là kiểu xử lý nhẹ tênh, không đau không ngứa. Đương lúc hắn còn không biết phải làm sao thì thấy Dận Chân chắp tay với mình rồi rảo bước đi luôn.

Quách Tú quỳ gối tại chỗ, trong lòng đúng là trăm mối ngổn ngang, hắn đang định đứng dậy rời đi thì thấy Lý Đức Toàn vội bước tới nói khẽ: “Hoàng thượng tuyên Quách đại nhân vào tiếp kiến!” Lý Đức Toàn vốn có ý nói cho Quách Tú rằng lần này hắn có thể bị xử lý nhẹ như vậy là vì tứ a ca đã cầu xin cho, để hắn nhớ lòng tốt của tứ a ca. Nhưng nghĩ một lát, Lý Đức Toàn lại nuốt suy nghĩ ấy vào trong bụng. Trước kia Lý Đức Toàn từng ăn không ít thiệt thòi trong tay Quách Tú, thật sự sợ Quách Tú mượn đề tài này mà dâng tấu tố cáo tên hoạn quan là mình dám tham gia vào chính sự. Đấy là chuyện mất đầu đó. Thế nên Lý Đức Toàn im lặng đi trước dẫn đường, không nhiều lời nữa.

Quách Tú thầm giật mình, không biết có phải Khang Hi đột nhiên đổi ý không, đành phải đi theo Lý Đức Toàn vào thư phòng. Vừa vào phòng hắn đã quỳ xuống hô: “Tội thần Quách Tú thỉnh an hoàng thượng!”

Đã nghe Khang Hi nói: “Vừa rồi đã nhận được khẩu dụ của trẫm do tứ a ca truyền rồi phỏng?”

Quách Tú đáp: “Dạ!”

Khang Hi hỏi tiếp: “Tứ a ca đã nói gì?”

Quách Tú bèn kể lại hết tình cảnh vừa nãy.

Khang Hi cười khẽ một tiếng rồi bảo: “Đứng lên đi, cái tên Quách Tú nhà ngươi, nhìn bộ dạng cứng đầu gan bướng của nhà ngươi kìa, chẳng lẽ muốn làm Tỷ Can (1) thật đấy à? Trẫm lại không phải Thương Trụ Vương!”

Quách Tú hơi xấu hổ nhưng vẫn bày ra bộ mặt nghiêm túc và đáp: “Thần thân là Tả đô ngự sử, đương nhiên phải tận trách nhiệm của một bầy tôi.”

Khang Hi thu ý cười lại, thở dài và bảo: “Quách Tú, trẫm xem bản tấu của nhà ngươi, cũng phạt Tứ a ca, nhưng đồng thời cũng xử phạt nhà ngươi. Nhà ngươi thử nói xem, vì sao trẫm lại làm thế?”

Quách Tú đáp rất là dứt khoát: “Thần không biết ạ!” Lý Đức Toàn đứng một bên nghe thấy vậy thì thầm nhủ trong lòng rằng, cái tên Quách Tú này đúng là to gan lớn mật, dám đối đáp với hoàng thượng như thế, cả triều này chắc có một mình hắn.

Khang Hi hơi ngẩn ra, lại tiếp tục cười nói: “Sao thế, có oán hận về cách xử lý của trẫm à?”

Quách Tú dập đầu sát đất, đáp rằng: “Thần không dám, quân vương dạy bảo, thần cam nguyện lĩnh chỉ.”

Khang Hi cười khổ một cái, ông nói: “Quách Tú, nhà ngươi là kẻ ngay thẳng, dám nói thẳng nói thật với trẫm. Điều này trẫm rất thưởng thức. Nhưng nhà ngươi không biết đạo làm thần tử, trẫm đành phải khuyên bảo nhà ngươi. Nước quá trong ắt không có cá. Người xét nét quá ắt chẳng ai chơi. Nhà ngươi từng đọc qua, hẳn cũng hiểu rõ đạo lý này. Theo cách nói của nhà ngươi, chẳng phải ở trong triều đình này toàn là những kẻ gian thần, nịnh thần. Nếu trẫm cũng làm theo bản tấu của nhà ngươi mà xử tội hết những hoàng tử a ca, trọng thần của triều đình thì buổi triều sớm ngày mai sẽ còn lại được mấy người? Nếu thật sự có nhiều gian thần, nịnh thần đến vậy thì trẫm cũng chẳng phải minh quân như vua Nghiêu vua Thuấn rồi! Trên bản tấu của nhà ngươi, ngôn từ đã phóng đại rất nhiều, trong đó cũng có ý đồ riêng của nhà ngươi nữa.”

Khang Hi thấy Quách Tú vẫn còn định cãi lại thì tiếp lời: “Đầu đuôi câu chuyện của Tiễn Giác trẫm đã biết cả, nhà ngươi có dám thề với trẫm chuyện này nhà ngươi hoàn toàn làm theo lẽ công bằng hay không?"

Quách Tú nghe thấy những lời xuyên tim này thì không khỏi chảy mồ hôi lạnh ròng ròng, không dám nhiều lời lấy một chữ.

Khang Hi nhìn sắc mặt căng thẳng đến trắng bệch ra của Quách Tú thì dịu giọng xuống: “Trẫm cũng không dùng cách của Hải Thụy (2), chỉ diệt trừ mà không dạy bảo, đấy là làm trái lời dạy của thánh nhân. Luận về cách làm thì tứ a ca là có sai lầm, thế nhưng nó cũng là vì nhìn ra trong vụ án của Đới Tử có hiềm nghi mà ra tay tương trợ. Trẫm luận theo luật pháp thì không thể không phạt nó. Nhưng mà luận tình lý thì trẫm lại càng coi trọng nó hơn. Trẫm gọi nhà ngươi vào đây là để nói cho nhà ngươi biết, trẫm vốn định xử phạt nhà ngươi nặng hơn để cho nhà ngươi nhớ, nhưng tứ a ca lại cầu xin cho nhà ngươi! Trẫm không hi vọng giữa nhà ngươi và tứ a ca có điều gì khúc mắc, nhà ngươi đã hiểu chưa?”

Quách Tú vội vàng nói: “Nỗi khổ tâm của hoàng thượng, thần xin khắc ghi trong lòng. Thần thấy hổ thẹn!”

Khang Hi phất phất tay, bèn cho Quách Tú lui xuống.

- -----------

Chú thích

(1) Trong Phong thần diễn nghĩa có viết: Tỷ Can là một trung thần thời nhà Thương, phò tá Trụ Vương. Tỷ Can từng thẳng thắn can gián mà đắc tội với Trụ vương và Đát Kỷ. Tỷ Can liên tiếp ba ngày ba đêm không rời Trích Tinh lâu, trách mắng Đát Kỷ dâm loạn, ông mong muốn Trụ vương hối cải để làm người mới, chấn hưng triều cương, hơn nữa đã từng đốt động hồ ly tinh của Đát Kỷ nên bị Đát Kỷ ghi hận cực sâu. Ông nói Trụ: “Không tu hoc Tiên vương điển pháp, mà dùng lời của con đàn bà, đại họa không xa rồi!.” Sau đó, Tỷ Can bị Trụ Vương dùng hình xẻo tim mà chết.

(2) Hải Thụy: Một vị quan thanh liêm nổi tiếng thời Minh, lúc chết đến quần áo cũng không đủ lành lặn để liệm. Dân chúng còn ca tụng ông là Hải Thanh Thiên. Còn vì sao Khang Hi lại nói “không học theo cách của Hải Thụy, chỉ diệt mà không dạy” thì theo ý kiến của mình, có lẽ là xuất phát từ một lời đồn. Đó là về chuyện Hải Thụy giết con gái. Theo tài liệu mình đọc được thì con gái 5 tuổi của Hải Thụy có lấy một cái bánh bao của người tôi tớ. Hải Thụy biết được, tức giận bỏ đói con gái đến chết. Cũng có tài liệu viết con gái Hải Thụy bị treo cổ mà chết.