Trở Về Đời Thanh

Chương 63: Biết đi đường nào (4)




Dịch: Tiểu Băng

Biên: Vivian Nhinhi

Đông Quốc Duy vội nói: “Cao tướng nói quá lời. Đông mỗ chỉ là hậu bối của Cao tướng, làm gì có chuyện lãnh giáo chứ!”

Cao Sĩ Kỳ như không nghe thấy mấy lời khách khí của Đông Quốc Duy, lẩm bẩm: “Đông công có biết Sách tướng nói gì với Sĩ Kỳ không?”

Đông Quốc Duy cười gượng gạo: “Hai vị đại nhân đều là cánh tay đắc lực của hoàng thượng, là rường cột của nước nhà, gặp nhau đương nhiên là nói chuyện về công việc.”

Cao Sĩ Kỳ có vẻ giận: “Nếu không phải việc khẩn cấp, Sĩ Kỳ vốn kính trọng Đông công trung nghĩa, làm sao lại chạy tới đây để tự làm mình mất mặt? Nếu Đông công chỉ có thể nói những lời xã giao thế này, Sĩ Kỳ xin phép cáo từ.” Nói xong, Hắn phẩy tay áo đứng dậy toan bỏ đi.

Đông Quốc Duy vội cản lại: “Cao tướng hiểu lầm Đông mỗ. Hiện giờ đang lúc tang kỳ của Hiếu Ý Nhân hoàng hậu, lại được hoàng thượng ưu ái thưởng cho tước vị quốc công. Tuy nói về việc công, Đông mỗ chịu trách nhiệm mọi việc của Thượng thư phòng, nhưng Đông mỗ vẫn có chướng ngại về thân phận, nên những lúc nhạy cảm như thế này, Đông mỗ luôn có ý bất động để tránh hiềm nghi. Nay Cao tướng đã tới mà hỏi ý kiến, làm sao Đông mỗ lại không thẳng thắn trả lời!”

Cao Sĩ Kỳ lại ngồi xuống, cười khổ: “Đông công, tại vì chuyện này chỉ có thể tìm ngài mà thôi. Sách tướng nói chuyện với ta một canh giờ, đều là nói về thái tử.”

“Thái tử?” Đông Quốc Duy kinh hãi, đã hiểu vì sao Cao Sĩ Kỳ lại tới tìm mình. Cao Sĩ Kỳ vốn có hai ý, một là muốn hắn gián tiếp nói lại câu chuyện hôm nay cho Khang Hi, hai là muốn dò xét ý tứ của vị quốc trượng là lão đây.”.

Tuy nhiên, ngoài mặt Đông Quốc Duy không hề thay đổi, lão chỉ nói: “Sách tướng mới từ Ni Bố Sở về, hỏi thăm tình hình thái tử, cũng là chuyện bình thường. Thái tử là rường cột của đất nước trong tương lai, làm thần tử đương nhiên là phải luôn quan tâm đến.”

Cao Sĩ Kỳ nói: “Sách tướng luôn miệng khen thái tử thông minh, đã lờ mờ có khí độ quân vương, muốn Sĩ Kỳ ra mặt khuyên hoàng thượng cho thái tử thêm cơ hội đi rèn luyện, ví dụ như thay hoàng thượng xuất quân chinh phạt Cát Nhĩ Đan.”

Trong lòng Đông Quốc Duy càng thêm kinh hãi, Sách Ngạch Đồ rõ là muốn kéo Cao Sĩ Kỳ cùng leo lên con thuyền của thái tử, còn Cao Sĩ Kỳ làm thế này chẳng phải muốn thăm dò, kéo mình cùng xuống nước hay sao?! Hiện giờ thái tử mới có mười sáu tuổi, tuy nói được ở bên cạnh Khang Hi tham dự chính sự, nhưng chưa bao giờ được tự mình quyết một chuyện gì. Đề nghị này của Sách Ngạch Đồ, là muốn tạo cơ hội rèn luyện tiện thể tranh quân công cho thái tử, hay là muốn đi gầy dựng thế lực trong quân đội cho thái tử đây? Hai năm nay, Sách Ngạch Đồ luôn bị Khang Hi phái đi biên cương hòa đàm với nước Nga, rõ ràng là Khang Hi muốn tách lão ra xa khỏi thái tử. Hòa đàm tuy bảo là chuyện đại sự quốc gia, nhưng triều đình luôn coi mình là đại quốc thiên triều, nước Nga chỉ là nước man hoang, lúc nào cũng coi thường họ, vốn dĩ chẳng cần phải phái tới đại thần như Sách Ngạch Đồ đích thân ra trận. Sách Ngạch Đồ đương nhiên cũng biết chuyện ấy, ra ý kiến này, rõ là có ý muốn chuẩn bị sẵn, phòng ngừa cho thái tử.

Hắn còn đang đau đầu suy nghĩ, Cao Sĩ Kỳ đã nói tiếp: “Sĩ Kỳ vốn đã ý muốn trí sĩ quy ẩn, dạo gần đây lúc hầu hạ hoàng thượng, thường cảm thấy tinh thần mình không ổn, đến thỉnh giáo Đông công, chỉ muốn xin một lời khuyên xem nên xử lý việc này thế nào mới tốt.”

Nghe thấy những lời này, Đông Quốc Duy nhẹ hẳn cả người. Khang Hi muốn thay máu Thượng thư phòng, hai năm trước lúc xử lý vụ tranh giành giữa hai phe Minh Châu và Sách Ngạch Đồ là đã thấy lờ mờ. Lúc đó, cả hai người đều bị giáng chức mấy cấp, tuy bảo sau này đều được phục chức lại như ban đầu, nhưng hoàng thượng lại tạo cơ hội cho mình trà trộn vào, cũng cất nhắc mình cùng vào Thượng thư phòng. Hai năm nay, đã phê chuẩn tấu chương xin trí sĩ (về hưu) của Hùng Tứ Lý, lại cho Trương Anh (phụ thân của Trương Đình Ngọc, đại thần Thượng thư phòng) về quê nghỉ dưỡng, lại còn mượn miệng Quách Tú để đá Minh Châu ra xa, một lần thanh tẩy ba vị trọng thần. Ngay cả người được ân sủng như Cao Sĩ Kỳ, cũng mượn chuyện lần đó của Minh Châu, mà mắng Cao Sĩ Kỳ là vô sỉ, biết mà không hành động gì, hổ thẹn với cái danh bầy tôi trung nghĩa. Chính vì vậy, Cao Sĩ Kỳ mới thấy mình ngày càng khó dò thánh ý, nảy sinh ý định thoái lui cũng không có gì là lạ. Xem ra, Sách Ngạch Đồ đã hiểu sai thánh ý, tưởng hoàng thượng đuổi Minh Châu là ý nghiêng về phe mình, nên càng ra sức lôi kéo triều thần, hòng gia tăng thế lực của phe mình?

Nghĩ tới đây, Đông Quốc Duy nói: “Cao tướng đừng quá lo lắng. Hoàng thượng luôn ân sủng ngài. Ngài đã ở bên cạnh hoàng thượng lâu rồi, là người thân cận với hoàng thượng, càng là người không thể thiếu được. Chuyện của Minh Châu, tuy hoàng thượng mắng Cao tướng, nhưng …xin phép cho Đông mỗ nói một câu đại bất kinh, nếu hoàng thượng thật sự có ý trách cứ Cao tướng thì chỉ bằng hai chữ “Vô sỉ” này cũng đủ để hoàng thượng lấy mạng cả nhà ngài rồi. Hoàng thượng chung quy vẫn đang bảo vệ ngài đó.

“Ài.” Cao Sĩ Kỳ thở dài: “Cũng chính vì vậy, Sĩ Kỳ mới càng thêm cảm động ân đức của hoàng thượng. Đông công ngài cũng biết, Sĩ Kỳ chẳng qua chỉ là có chút khôn vặt mà thôi, quan lên như diều, thật hổ thẹn khi đứng trong hàng ngũ đại thần. Sĩ Kỳ không có thân phận hoàng thân quốc thích như Sách tướng, Minh Châu, không phân biệt rõ ràng bằng Kính Tu (tên tự của Hùng Tứ Lý), không ngay thẳng cương trực bằng Đôn Phục (tên tự của Trương Anh), càng không thể sánh được với bậc năng thần trung với xã tắc như Đông công. Sĩ Kỳ biết rõ sức nặng của bản thân, chỉ là kẻ ở bên cạnh hoàng thượng, giúp hoàng thượng vui vẻ mà thôi. Sĩ Kỳ không phải kẻ không biết tiến thoái. Thế cục ngày hôm nay, Sĩ Kỳ thực không dám bước chân vào vũng nước đục này, càng không có khả năng làm chuyện vượt qua lôi trì một bước.”

Nói như thế là quá rõ ràng, Cao Sĩ Kỳ không có ý định đầu quân lên con thuyền của Sách Ngạch Đồ và thái tử. Cao Sĩ Kỳ là người cực thông minh, hẳn đã nhìn ra tất cả ngay từ đầu, một vị thánh quân như Khang Hi, mấy trò vặt của Sách Ngạch Đồ làm sao qua mắt được Khang Hi. Nhưng hắn không dám đắc tội đám người phe thái tử, dù sao, thái tử cũng là thái tử, là hoàng đế tương lai. Sau này thái tử đăng cơ, bắt đầu tính sổ thì Cao Sĩ Kỳ làm sao thoát được, nên hắn định tính bài chuồn.

Đông Quốc Duy nghe được lời đánh giá của Cao Sĩ Kỳ dành cho mình, thì rất vui lòng. Vì mấy chữ “năng thần trung với xã tắc” này lão đã phải vất vả biết bao nhiêu, dù nếu chỉ tính về hoàng thân quốc thích, Sách Ngạch Đồ với Minh Châu không thể nào sánh bằng lão. Tuy Cao Sĩ Kỳ khen tặng chỉ vì có việc muốn nhờ, nhưng được nghe mấy lời bình này từ miệng Cao Sĩ Kỳ, cũng thật thỏa lòng. Chưa kể, cách suy nghĩ của Cao Sĩ Kỳ đã gợi ra cho lão một ý tưởng có thể giúp Tứ a ca thoát khốn.

Đông Quốc Duy nghĩ một lúc, nói: “Cao tướng đã nói đến thế, Đông mỗ sao dám không hết lòng hỗ trợ. Đông mỗ đã hiểu sự khó xử hiện giờ của Cao tướng. nếu để Đông mỗ chuyển cáo cho hoàng thượng biết nỗi lo của Cao tướng, chưa chắc đã là cách hay. Nếu đã dính đến Sách Ngạch Đồ thì tất sẽ có liên quan tới thái tử, nếu lỡ xảy ra biến cố, kết cục sẽ ngược hẳn với ý muốn của Cao tướng. Rút chân bỏ chạy, cũng là một cách. Đông mỗ có một biện pháp, có lẽ giúp được Cao tướng. Không biết Cao tướng có nguyện ý làm thử hay không?”

Cao Sĩ Kỳ vui mừng, vội hỏi: “Đông công có đề nghị gì?”

Đông Quốc Duy đáp: “Tự bôi nhọ mình.”

“Tự bôi nhọ mình?” Cao Sĩ Kỳ sửng sốt, rồi cười to: “Ý kiến hay. Sĩ Kỳ xin lắng tai nghe.”