Dịch: Vivian Nhinhi
Khang Hi nhìn Dận Chân, chậm rãi nói: “Hoàng ngạch nương của con có phẩm hạnh hiền lương thục đức, tận tâm tận sức phụ giúp trẫm hai mươi năm nay, vậy mà trẫm chỉ có thể cho nàng danh phận mà nàng nên được ngay trước lúc nàng lâm chung, đây là điều trẫm có lỗi với nàng nhất. Như vậy đi, hiện giờ trẫm sai con một việc, con đến phủ của Đông Quốc Duy một chuyến, lấy danh nghĩa là phụng ý chỉ của hoàng thái hậu thưởng cho Đông Quốc Duy lông công ba mắt (1), thưởng tước nhất đẳng công, thế tập võng thế (2), Long Khoa Đa làm bá tước tam đẳng.”
Dận Chận hơi sửng sốt, hỏi lại: “Nhi thần còn đang đại tang, huống chi để nhi thần đi tuyên chỉ liệu có thỏa đáng không ạ?” Dận Chân lo là lo chuyện mình tình ngay lý gian, xong việc còn không biết sẽ bị đám a ca với triều thần nghĩ ngợi suy đoán thế nào đâu.
Khang Hi lại không nghĩ ngợi nhiều, ông bảo: “Con biết lo lắng trước sau, đây cố nhiên là điểm mạnh của con. Nhưng con cũng phải nhớ: dũng cảm mặc kệ mọi sự, không thèm tránh hiềm nghi, ấy mới gọi là “có khả năng”. Còn nữa, ân là do trẫm ban, không có gì phải ngần ngại cả.”
Dận Chân không nói thêm gì nữa, dứt khoát giũ ống tay áo hình móng ngựa xuống hành lễ: “Nhi thần tuân chỉ, nhi thần đi luôn đây ạ!”
Thực ra, Khang Hi mặc dù cũng có ý ban ân cho nhà họ Đông, nhưng chủ yếu là hi vọng Dận Chân được phái ra ngoài làm việc sẽ giúp đứa con này xốc lại tinh thần sau những ngày bi thương. Dù sao, ông cũng gửi gắm hi vọng cực kì sâu sắc vào đứa con này, càng không muốn phụ sự nhờ cậy của Đông hoàng hậu.
Dận Chân từ biệt Khang Hi, chỉ đổi một bộ triều phục màu đen, quan trắng vẫn không gỡ xuống, dẫn theo Ba Đặc Nhĩ cùng mấy tên thị vệ cưỡi ngựa chạy vội về phía Đông phủ. Không bao lâu đã tới phủ công gia ở ngõ Hương Nhị. Ngoài cửa phủ công gia trắng xóa một mảnh, trước cổng đúng là ngựa xe như nước, rất nhiều kiệu quan rèm xanh lục, thậm chí kiệu đỉnh bạc rèm đỏ cũng không phải ít (đây là kiệu chuyện dụng cho vương thất). Những hàng kiệu, xe dài dằng dặc này làm cho con ngõ vốn rộng rãi giờ chật như nêm cối, những chiếc kiệu rèm xanh lam kia căn bản còn chưa vào được qua đầu ngõ. Đám kẻ dưới theo chủ nhân của mình đến phúng viếng đang túm năm tụm ba lại nói chuyện phiếm với nhau, làm cho cổng phủ công gia huyên náo như chợ bán rau vậy.
Dận Chân vừa thấy cảnh này, sắc mặt trầm xuống
. Đến cổng, Ba Đặc Nhĩ gọi quản sự của Đông phủ ra, thông báo khâm sai truyền chỉ là hoàng tứ tử Ung Bối Tử Dận Chân đã đến, yêu cầu Đông phủ mở cửa chính nghênh đón. Lúc này Dận Chân thực sự nhịn không được nữa rồi, mặt hắn xụ xuống, xoay người quát đám kẻ dưới còn đang ồn ào nhốn nháo kia: “Đám cẩu nô tài các ngươi nếu còn dám nói thêm một tiếng nữa thì hôm nay gia sẽ cắt lưỡi các ngươi! Thứ chó má không có mắt!” Những người này dù sao cũng đi theo quan lại quyền quý lâu ngày, gặp không ít việc đời, thấy Dận Chân mặc áo khoác tứ đoàn long (3) thì biết vị chủ nhân này không dễ chọc, vội vã ngậm miệng.
Quản sự Đông phủ cũng đã bị những kẻ này làm cho sốt hết cả ruột, rất là phiền lòng, nhưng đánh chó còn ngó mặt chủ, ngại với thân phận của chủ nhân bọn họ mà không tiện nói cái gì. Lúc này thấy Dận Chân lên tiếng thì cũng vội lớn tiếng nói: “Còn mời chư vị thông cảm, nhỏ giọng một chút, chớ tổn thương hòa khí.” Quay đầu, vị quản sự này lại nói với Dận Chân rằng: “Tứ gia, ngài chớ so đo với đám người kia, không dáng. Nô tài đi thông bẩm ngay đây.”
Chỉ chốc lát sau, cửa chính giữa đã rộng mở. Đã thấy Đông Quốc Duy, Long Khoa Đa, sau lưng còn có một đám đại quan triều đình đang cung kính quỳ gối trong nội viện. Dận Chân quét một vòng, hắn quen mặt không ít nhân vật ở đây đâu. Hoàng thân quốc thích như An quận vương Mã Nhĩ Hồn (con trai của An thân vương Nhạc Lạc), Dụ bối lặc Bảo Thái (con trai của Phúc Toàn) và đám tôn thất ở chi gần phải đến sáu bảy phần mười đều trình diện, thượng thư, thị lang các bộ cũng có mặt gần hết, thậm chí Cao Sĩ Kỳ giờ đã là đại thần của Thượng Thư Phòng cũng xuất hiện trong này. Thực ra, tất cả mọi người đều hiểu rõ trong lòng rằng nhiều người đến đây phúng viếng như vậy, cố nhiên là vì Đông hoàng hậu bất hạnh qua đời, nhưng trọng điểm vẫn là nhà họ Đông hiển hách, được thánh quyến như mặt trời ban trưa, huống chi trong cung hãy còn một vị quý phi Đông thị là em gái ruột thịt của Hiếu Ý Nhân hoàng hậu đã qua đời nữa. Ai biết được hoàng thượng có yêu ai yêu cả đường đi rồi lại lập tiếp một vị hoàng hậu Đông thị nữa đâu?
Thấy Dận Chân, tất cả mọi người cùng cúi đầu: “Nô tài (thần) cung kính nghe thánh dụ!” Dận Chân đứng ở mặt Nam, dõng dạc tuyên chỉ, tuyên xong, tất cả mọi người ở đây đều thổn thức không thôi. Quả nhiên đối với hoàng hậu cùng nhà họ Đông, hoàng thượng dùng ân sâu như biển, thậm chí Đông Quốc Duy đã nước mắt giàn dụa hô lên: “Một nhà nô tài chịu thiên ân sâu nặng, dù làm trâu làm ngựa cũng không thể báo đáp hết được.” Với kiểu năm ngày phong thưởng hai lần thế này, xét ở góc độ nào cũng là hi hữu, không ít người ngoài miệng thì nói thánh ân mênh mông cuồn cuộn gì đó, nhưng trong lòng thì đang chua lòm vì ghen ghét không thôi.
Dận Chân đi về phía trước đỡ Đông Quốc Duy dậy với vẻ mặt cực kì chân thành, hắn nói: “Đông đại nhân, hoàng a mã trọng thưởng như vậy mặc dù cũng có ý thương tiếc hoàng ngạch nương, nhưng nhà họ Đông kể từ khi theo đế vương vào quan nội, vẫn luôn cùng vui cùng buồn với Ai Tân Giác La ta, Đông đại nhân đương nhiên không cần phải nói, đã là đại thần vào Thượng Thư Phòng, công ở xã tắc, Long đại nhân cũng có quân công trong người. Hoàng a mã ban thưởng tước vị cũng là thưởng công mà! Lời này của Dận Chân mặc dù hơi xuề xòa nhưng vẫn là sự thật!”
Lời giải thích của Dận Chân thực ra là để cho quần thần nghe là chủ yếu. Mặc dù việc ban thưởng này vẫn đa phần xuất phát từ quan hệ cạp váy, dựa hơi, nhưng thể diện thì vẫn phải giữ mà! Vả lại, Dận Chân cũng cảm thấy Khang Hi không phải một người chỉ xử sự đơn thuần bằng cảm tính, ông hẳn sẽ không chỉ vì Đông hoàng hậu mới thưởng cho nhà họ Đông hậu như vậy, chắc chắn có ý định khác, chẳng qua nhất thời hắn còn chưa rõ ràng thôi.
Đông Quốc Duy thấy Dận Chân bước đến tự tay đỡ mình thì vội xưng không dám: “Vất vả tứ gia tự mình ban chỉ, nô tài thật sự sợ hãi. Xin tứ a ca vào uống chén trà ạ!”
Dận Chân chắp tay nói: “Nếu thế thì xin được quấy rầy Đông đại nhân!”
Đám người ở đây thấy Đông Quốc Duy muốn nói chuyện với Dận Chân thì vội vàng cáo từ. Đầu tiên, Đông Quốc Duy chào hỏi mấy vị hoàng đới tử (con cháu của vua chúa) xong, lại sai bọn Long Khoa Đa đưa tiễn ra khỏi phủ, sau đó vái chào bốn phương với các đại thần còn lại rồi nói: “Giờ huynh đệ muốn chào hỏi khâm sai, hôm nay không dám lưu chư vị nữa. Tấm lòng của chư vị, huynh đệ xin được ghi tạc trong lòng, ngày khác chắc chắn sẽ đến nhà thăm hỏi đáp lễ.” Thế là các đại thần vội thức thời rời đi. Chỉ có Cao Sĩ Kỳ nhìn Dận Chân, dường như muốn nói cái gì, nhưng ngập ngừng một lát hắn vẫn không lên tiếng, đi theo đoàn người rời đi luôn.
Đông Quốc Duy nghênh đón Dận Chân vào trong phòng, lão mời Dận Chân ngồi ở ghế chủ vị. Dận Chân lại không chịu ngồi xuống, đầu tiên là gỡ quan mang trên đầu xuống, sau đó sửa sang lại áo bào rồi cúi đầu vái chào Đông Quốc Duy một cái. Hành động này làm Đông Quốc Duy kinh hãi thất sắc, vội vàng nói: “Tứ a ca cớ gì lại làm vậy? Thật sự là chiết sát nô tài!”
Dận Chân lại nói: “Vừa rồi Dận Chân là khâm sai, giờ đã gỡ quan, bỏ thân phận, không còn là việc công nữa mà là việc nhà rồi. Nếu như là gia đình dân chúng tầm thường, Dận Chân vốn nên gọi ngài một tiếng ông ngoại!”
Khỏi phải nói trong lòng Đông Quốc Duy hưng phấn đến mức nào. Dận Chân, đương kim hoàng tứ tử, từng quỳ với ai? Chỉ có thiên địa, tổ tông, phụ mẫu, bây giờ lại cúi đầu trịnh trọng với lão như thế, đây là vinh hạnh cỡ nào chứ? Nhưng ngoài miệng lão lại nói: “Nô tài thật không biết phải làm sao, tứ gia ngài là thiên hoàng quý tộc!”
Dận Chân nghiêm mặt đáp: “Nhưng hoàng ngạch nương có ơn dưỡng dục mười hai năm với Dận Chân, lễ này ông ngoại ngài nhận được. Hoàng a mã có ý chỉ, không cho hoàng tử kết giao với ngoại thần. Hôm nay Dận Chân cũng mạo hiểm lớn, đây là âm thầm làm trái với lệnh cấm, cũng để thỏa lòng cảm kích trước ân tình này của Dận Chân."
Đông Quốc Duy nghe thì cảm động cực kì, lão đáp: “Tứ a ca nói quá lời, Hiếu Ý Nhân hoàng hậu trên trời có linh thiêng, ắt cũng sẽ cảm động vì đức thuần hiếu của tứ a ca như thế!”
Dận Chân lại chắp tay hỏi: “Vừa rồi ông ngoại có lời mời, hẳn là có việc muốn đề điểm Dận Chân phải không?”
Sắc mặt Đông Quốc Duy đột nhiên hiện lên một chút thần bí, lão hỏi: “Tứ gia, ngài muốn bảo toàn một người tên là Đới Tử à?”
Chú thích:
(1) Lông công là một phần trong phục sức của quý tộc, quan lại triều Thanh. Quan võ từ Ngũ phẩm trở lên, quan văn chức Tuần phủ, hàm đô đốc cùng quan viên phái đi miền Tây và miền Bắc trở lên được dùng lông khổng tước làm phục sức, gắn ở sau quan (mũ), xưng là lông công. Trừ những người được ban thưởng nhờ quân công, còn lại không giữ chức nữa sẽ bị thu về. Lông công có loại một mắt, hai mắt và ba mắt (mắt là chỉ phần hoa văn hình tròn trên lông công), ngoại trừ quý tộc như Bối Tử, Cố Luân ngạch phụ (Chỉ phò mã của công chúa do hoàng hậu sinh) dùng lông công ba mắt, Trấn quốc công, Phụ quốc công, Hòa Thạc ngạch phụ (chỉ phò mã của công chú do phi tần sinh) dùng lông công hai mắt, thì tất cả các phẩm cấp quan lại khác chỉ có được thưởng mới được dùng, tất cả là lông công một mắt.
(2) Thế tập võng thế: Nghĩa là thế tập (kế tục tước vị) với số lần vô hạn. Khác với thế tập bình thường, số lần hữu hạn, tước vị của người đời sau phải thấp hơn người đời trước một cấp. Thậm chí còn có một loại là "tước chung thân" chỉ ban cho bản thân người đó, chết là hết, con cháu không được thế tập.
(3) Áo khoác đoàn long: Hay còn gọi là Đoàn long bổ phục, đoàn long bổ quái. Đoàn long là chỉ hoa văn thêu rồng hình tròn trên áo. Số lượng đoàn long và loại rồng thêu tượng trưng cho thân phận người mặc. Trong đó hoàng tử mặc áo khoác thêu bốn (tứ) đoàn long (kim long ngũ trảo) ở mặt trước, mặt sau và hai vai, long thêu ở trên trang phục của hoàng tử tất cả là chính long (rồng mặt chính diện), khác với hành long (rồng mặt bên) thêu trên hai vai của thân vương.
Chi tiết hơn vui lòng xem ở phần thảo luận ↓