Trở Về Đời Thanh

Chương 19: Săn bắn (3)




Khang Hi thấy những dã thú bị bắn chết đã la liệt ngổn ngang trên mặt đất thì truyền xuống cho mở một mặt lưới. Mục Tử Húc cùng Sách Ngạch Đồ cho binh lính hai bên trái phải mở vòng vây ra, vô số thú hoang kinh hoảng nhao nhao chạy theo lỗ hổng này mà tháo chạy như ong vỡ tổ.

"Hành cung" của Khang Hi thực là là một doanh trại được tạo thành bằng cách dùng vải bạt và cọc gỗ, dựng trên nền đất trung tâm của bãi săn. Ở giữa có mấy chục trướng lớn nhỏ, trướng lớn và cao nhất chính là nơi Khang Hi ngự dụng. Ở cửa ra vào của doanh trại có treo hai cái đèn lồng cực lớn, ngọn đèn chói mắt chiếu sáng khắp con đường nhỏ dẫn vào trung tâm. Trong ngự trướng, ánh nến sáng ngời, từng tiếng cười nói không ngừng vọng ra.

Khang Hi đổi thường phục, đầu đội một cái mũ bình thường, chỉ là trên cái mũ có gắn một khối ngọc phỉ thúy xanh biếc như nước hồ đã nói lên địa vị chí cao vô thượng của chủ nhân. Khang Hi ngồi xếp bằng trên nệm, mấy vị Hoàng Tử cũng lần lượt ngồi ở bên trái, còn Sách Ngạch Đồ, Minh Châu, Cao Sĩ Kỳ, Mạc Lặc thì ngồi xếp bằng ở phía đối diện. Do chiến lợi phẩm của lần săn bắn này rất phong phú nên Khang Hi rất vui vẻ, truyền dụ xuống cho phép các cận thần khác tham gia cuộc săn bắn này cũng được vào trong ngự trướng dùng bữa.

Lúc này, ngự trù tùy hành cũng đã báo lại thịt hươu đã được nướng xong, Khang Hi ban cho mọi người cùng thưởng thức, tất cả đều trầm trồ không dứt, ai cũng biết thịt hươu rừng nướng ngoài trời vừa tươi vừa non, hương thơm mê người, mang một loại phong vị rất khác biệt, so với ngự thiện do ngự trù trong nội cung chế biến còn ngon miệng hơn, mấy vị hoàng tử cơ bản cũng đã đói bụng cả ngày, chỉ là có Hoàng đế ở bên cạnh nên không dám làm càn, chỉ có thể xé từng miếng nhỏ, đám đại thần cũng phải chú ý lễ nghi trước mặt quân vương, hơn nữa lại chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, cái gọi là: "Thực bất ngôn, tẩm bất ngữ" (ăn uống ngủ nghỉ không nói năng chi. ) nên đều im lặng cả. Chỉ có những thị vệ kia là không chú ý nhiều như vậy, vừa liên tục ăn vừa tấm tắc khen ngon.

Khang Hi cười cười nói: "Hôm nay không quản lễ nghi quân thần, chư vị ái khanh đừng ngại buông lỏng một chút, cười cười nói nói cũng không cấm, các ngươi lần lượt kể vài điển cố vui vẻ cho ngon miệng đi. Trước cứ bắt đầu từ các hoàng tử đi, kể hay thì được phần thưởng, kể không hay thì phạt các con không được ăn thịt hươu nướng!"

Chúng thần đồng ý, sau đó đều cúi đầu tự tính toán, nghĩ ngợi sao cho có thể chọc cho Hoàng đế cười, giành lấy phần thưởng hậu hĩ. Thái tử nói: "Nếu Hoàng A Mã đã có lệnh, nhi thần xin thả con tép bắt con tôm vậy, xin Hoàng A Mã cho phép con được nói đầu tiên. Năm xưa khi Tùy Văn Đế khai quốc, Việt Quốc Công Dương Tố đảm nhiệm chức Thượng Thư Tỉnh. Dương thời có một vị họ Xuất tên Lục Cân muốn bái kiến Dương Tố, liền mang danh thiếp đến Thượng Thư Tỉnh, ở cửa ra vào gặp Nho Lâm Lang - Hầu Bạch, thỉnh cầu Hầu Bạch giúp hắn viết tên họ lên trên. Hầu Bạch rất vui vẻ ghi thành: "Lục Cân Bán" Tờ danh thiếp rất nhanh đến tay Dương Tố. Dương Tố cảm thấy tò mò với tên họ kì lạ này liền gọi Lục Cân đến hỏi: "Tên của ngươi là Lục Cân Bán à?" Xuất Lục Cân đáp lời: "Ngài nhầm rồi! Là Xuất Lục Cân!" Dương Tố lấy giấy ra đưa cho hắn nhìn cho rõ: "Vậy sao trên này lại ghi thành Lục Cân Bán?" Xuất Lục Cân giải thích: "Vừa rồi, ở cửa ra vào đã nhờ Hầu tú tài viết giùm, chắc là hắn ghi sai rồi."

Nói đến chỗ này, tất cả mọi người đã mỉm cười. Thái tử nói tiếp: "Dương Tố lập tức triệu Hầu Bạch đến, chỉ chỉ vào Xuất Lục Cân hỏi: "Ngươi vì sao lại ghi sai tên người ta hả?" Hầu Bạch phân bua: "Không ghi sai mà!" Dương Tố liền lấy ra tờ danh thiếp, chỉ vào ba chữ "Lục Cân Bán" to đùng do chính Hầu Bạch viết, đắc ý hỏi: "Nhất định là ngươi viết sai rồi. Nếu không phải ngươi sai thì vì sao người ta họ Xuất tên Lục Cân, nhờ ngươi viết thay ngươi lại ghi thành "Lục Cân Bán"?" Hầu Bạch như bừng tỉnh đại ngộ, đáp: "Là thế này ạ, vừa rồi tôi ở cửa Thượng Thư Tỉnh gặp hắn, hắn nhờ tôi viết chữ, hắn nói là "hơn sáu cân" (1), tôi đoán đi đoán lại không biết hơn sáu cân là sáu cân mấy liền ghi bừa là "sáu cân rưỡi". Thật không ngờ đã tính sai mất rồi!" Nghe đến đây tất cả mọi người đều cười bò lăn bò toài. Khang Hi vừa cười vừa nói: "Hầu tú tài khá lắm, đúng là có tố chất thương nhân, sáu cân rưỡi, cũng không tính là lỗ vốn..."

(1) @vivi: Trong tiếng Trung, Xuất Lục Cân là tên người, cũng có nghĩa là "hơn sáu cân". Anh Xuất Lục Cân này nhờ người viết hộ tên mình vào danh thiếp đi bái phỏng, nào ngờ lại gặp phải tên tú tài Hầu Bạch nổi tiếng khôi hài cơ trí. Thành ra, khi hắn nói mình tên là "hơn sáu cân" thì anh Hầu nhà ta choảng luôn là "Lục Cân Bán" có nghĩa là "sáu cân rưỡi" vào tờ danh thiếp... kết quả thành truyện cười thiên cổ.

Thái tử cười nói: "Hoàng A Mã vui vẻ, nhi thần cũng coi như sơ bước vào hiếu đạo.

Khang Hi nói: "Chuyện cười này thú vị, Thái Tử kể rất hay, thưởng cho thái tử một đầu dê vàng."

Thái Tử vội vã đứng lên tạ ơn.

Đại Hoàng tử trông thấy Thái Tử đã giành mất một con rồi thì không khỏi có chút sốt ruột, vội vàng nói: "Hoàng A Mã, nhi thần cũng có một truyện cười."

Khang Hi nhìn hắn một cái, trong lòng quả thực có phần ghét bỏ. Từ lần trước biết hắn chính là kẻ chọc cho Thái Tử làm vỡ Ngọc Linh Chi do An Nam tiến cống, sau đó lại đẩy Tứ Hoàng tử Dận Chân ra làm người chịu tột thay, còn để Tứ Hoàng tử chịu phạt nặng một mình, điều này đã khiến Khang Hi vô cùng bất mãn về hắn, kẻ này dụng tâm thậm chí còn hiểm ác với cả huynh đệ. Lần này thấy hắn lại định tranh công, liền tức giận nói: "Cũng được, Dận Thì, ngươi kể xem nào!"

Đại Hoàng tử không chú ý tới sắc mặt Khang Hi đã bắt đầu không tốt, lẩm bẩm nói: "Nhi thần muốn kể về một tên Hải Tặc tên là Trịnh Nghiễm, về sau quy hàng triều đình, triều đình cho hắn một chức quan. Có một lần Trịnh Nghiễm cùng các đồng liêu tụ tập một chỗ uống rượu ngâm thơ, tất cả mọi người đều khích lễ Trịnh Nghiễm làm một bài thơ. Trịnh Nghiễm bị buộc bất đắc dĩ, chỉ có thể lung tung ngâm một câu:

"Bất vấn quan văn dữ vũ quan

Văn quan vũ quan tổng nhất bàn

Liệt vị tổ quan tái tố tặc

Trịnh Nghiễm tố tắc tái tố quan." "

Vivi tạm dịch:

Sá gì quan võ với quan văn

Quan văn quan võ khác mấy phần

Tổ tiên làm quan ra làm giặc

Trịnh Nghiễm làm giặc lại làm quan

Mọi người nghe xong đều cười to, chỉ Cao Sĩ Kỳ vẫn để ý sắc mặt Khang Hi, thấy sắc mặt ông không tốt, mặt vẫn nghiêm túc, chẳng nói chẳng rằng.

Đại Hoàng tử cũng cười theo mọi người, sau khi nhìn thấy sắc mặt của Khang Hi thì sợ dúm dó lại.

Khang Hi lạnh lùng nói: "Dận Thì, chuyện cười này trẫm lại nghe ra vài ý khuyên can, theo như ý của ngươi thì quan viên của Thanh Triều này trước là làm quan rồi đi làm giặc, hay là trước làm giặc giờ đổi làm quan đây?"

Tất cả mọi người ở đây đều là hàng thông minh tuyệt đỉnh, nghe xong liền hiểu rõ Khang Hi đang mượn chuyện này để trừng phạt Đại hoàng tử, lập tức yên tĩnh trở lại, tất cả đều trầm mặc không nói.

Đại Hoàng tử luống cuống, vội vàng nói: "Hoàng A Mã, nhi thần, nhi thần không có ý này!"

Khang Hi giận dữ nhìn hắn một cái, nói: "Hôm nay trẫm để ý ngươi suốt một ngày, ngươi cũng thật có năng lực quá, sao mà ngay cả một con dê cũng không bắn trúng được? Bình thường lúc đi tập bắn ngơi luôn giáo huấn các đệ đệ của ngươi, cái này không đúng cái kia không đúng, làm như chỉ có ngươi là xuất chúng nhất, hôm nay ngay cả Tứ hoàng tử cũng bắn được một con dê, trong khi ngươi chỉ săn được mấy con gà rừng, ngươi thật là uy phong!"

Đại Hoàng tử cúi đầu không phản bác nổi, chỉ có thể cắn chặt môi.

"Khang Hi lại nói: "Ngươi lại đây!"

Đại Hoàng tử nhanh chóng đứng lên, rón rén bước tới trước mặt Khang Hi.

"Đưa tay ra!"

Đại Hoàng tử lo sợ, nghi hoặc mà đưa tay ra.

"Nhìn bàn tay mịn màng này của ngươi xem, có thể so với cọng hành đấy!"

Thái Tử nghe vậy, phì cười một tiếng. Khang Hi quay đầu liếc qua, Thái tư vội vàng ngậm miệng, sắc mặt nghiệm nghị trở lại.

Khang Hi lại đưa tay mình ra, nói: "Ngươi nhìn tay trẫm đi!"

Một bàn tay đeo một cái nhẫn bạch ngọc cực lớn xuất hiện trước mặt Đại hoàng tử, hắn nhìn thấy trên bàn tay kia phủ kín những vết chai.

Đại Hoàng tử xấu hổ cúi đầu.

Khang Hi nói tiếp: "Mấy Hoàng tử các ngươi sớm muộn gì cũng sẽ trở thành phụ tá đắc lực của trẫm và thái tử. Mặc dù không hi vọng các ngươi như Triệu Quát(1), hay học theo những vương hầu nhà Minh ngày xưa – chỉ là một lũ giá áo túi cơm. Trẫm muốn các ngươi lớn lên, đội trời đạp đất, dày công khổ luyện được bản lĩnh thực sự. Cũng như vậy, hôm nay trẫm không muốn mất hứng, cũng không thèm chê trách ngươi, chỉ là chuyện cười này của ngươi không hay, không hợp thời, trẫm phạt ngươi hôm nay phải đứng đây hầu hạ những người khác, hôm nay không cho ngươi ăn thịt."

Đại Hoàng tử hậm hực đứng qua một bên. Cố gắng hết sức không nhìn miệng mọi người đang nhai nhồm nhoàm nhưng khó có thể ngăn cản mùi hương trong ngự trứng, nhịn không nổi nuốt nước bọt ừng ực.

========================

DG: (1) Ý của Khang Hi là không hi vọng các hoàng tử của mình chỉ giỏi lý thuyết, nhưng lại tự cho mình là thiên hạ vô địch, kết qua lại rước họa vào thân, thậm chí gây họa lớn như Triệu Quát. Về Triệu Quát xin tham khảo ở đây:

Triệu Quát



Triệu Quát con trai của danh tướng Triệu Xa, từ nhỏ say mê binh pháp, thông thuộc binh thư chiến sách, cứ nói đến việc bày binh bố trận là thao thao bất tuyệt, nên vẫn tự cho mình là thiên hạ vô địch. Danh tướng Triệu Xa rất hiểu rõ con mình chẳng qua là chỉ học thuộc mấy quyển binh thư, chứ không có kinh nghiệm thực chiến, nếu để cầm quân thì tất nhỡ việc quân cơ và thí mạng quân lính, nên trước lúc qua đời đã dặn lại vợ rằng: "Đừng có cho con ra làm quan, để khỏi làm nhỡ việc lớn nhà nước, trở thành tội nhân làm mất nước Triệu".

Tướng quốc Lạn Tương Như khi được biết vua Triệu chuẩn bị phong Triệu Quát làm tướng, liền vội vàng vào cung khuyên rằng: "Triệu Quát chỉ học thuộc binh thư, chỉ giỏi bàn việc quân trên giấy tờ, chứ đâu có biết khi lâm trận phải tùy cơ ứng biến, thì làm sao lại có thể thống lĩnh đại quân?". Nhưng vua Triệu đâu chịu nghe theo. Bấy giờ, người mẹ của Triệu Quát cũng dâng lên một bản tấu chương viết rằng: "Thỉnh cầu đại vương chớ bổ nhiệm con tôi làm soái". Nhà vua liền mời bà vào cung để hỏi rõ nguyên nhân, bà đã nói lại lời trăng trối của chồng trước khi qua đời, nhưng vua Triệu chỉ một mực nói là ý trẫm đã quyết, không thể nào sửa đổi được. Bà mẹ nghe vậy than rằng: "Nếu đại vương quyết ý dùng Triệu Quát, thì một khi nó làm sai việc gì, chỉ mong đại vương đừng trách, mà liên lụy đến cả nhà tôi", vua Triệu gật đầu nhận lời.

Năm 260 trước công nguyên, Triệu Quát dẫn 200 nghìn đại quân kéo đến Trường Bình, lão tướng Liêm Pha thấy binh phù liền giao lại binh quyền, Triệu Quát trong chốc lát đã thống lĩnh 400 nghìn đại quân nước Triệu. Triệu Quát vừa nhậm chức bèn thay đổi chiến thuật phòng thủ của Liêm Pha, mà chủ động xuất kích tấn công quân Tần.

Bên kia, Phạm Tuy được tin Triệu Quát đến thay thế Liêm Pha, biết kế ly gián của mình đã thành công, liền cử tướng quân Bạch Khởi dẫn quân ra đón đánh quân Triệu, Bạch Khởi cố ý đánh thua mấy trận, khiến Triệu Quát càng thêm hí hửng cứ hô quân đuổi riết, ngờ đâu toàn bộ quân Triệu đều sa vào vòng mai phục, đã mấy lần phá vây đều không ra được, 400 nghìn quân Triệu bị vây chặt trong 40 ngày, đã không được tiếp tế lương thảo, lại chẳng có viện binh đến cứu, quân sĩ chẳng còn lòng dạ nào tác chiến. Triệu Quát chỉ một mực muốn phá vây, nhưng đi đến đâu cũng bị quân Tần bắn tên ra như mưa, rồi bị trúng tên chết trong đám loạn quân, quân Triệu như rắn không đầu, đều tới tấp vứt bỏ vũ khí xin đầu hàng.

400 nghìn quân Triệu trở thành tù binh cũng là một gánh nặng đối với quân Tần, vì nếu giam giữ thì không thể nào cung ứng lương thảo, mà thả họ về thì trận đánh này hóa ra công công cốc, hoặc giả thừa thế tấn công nước Triệu thì lại sợ chúng làm phản thì cũng nguy to, nên Bạch Khởi đành phải quyết định, ngoài thả 240 tên lính còn rất trẻ ra, số còn lại đều bị chôn sống ở Trường Bình, trở thành một vụ thảm sát lớn trong lịch sử.