Chuyến đi của Minh Hân và Nguyên Hạo bắt đầu lúc 7h. Minh Hân đã chờ sẵn, Nguyên Hạo xuống sau, trên tay anh còn cầm theo di động, mắt dán vào nó. Có vẻ tìm đường tới đó không hề dễ.
- Sao rồi? - Huy Khang thấy Nguyên Hạo bận rộn nên hỏi.
Nguyên Hạo gật đầu:
- Thấy rồi.
Dứt lời, Nguyên Hạo ra xe. Nhật Thiên và Huy Khang tiễn họ. Huy Khang dặn dò:
- Mọi chuyện phải hết sức cẩn thận. Đi nhanh rồi về sớm.
Nguyên Hạo gật đầu. Huy Khang lại nhìn Minh Hân nói:
- Chú ý vào!
Nhật Thiên bá vai Huy Khang rồi bảo:
- Chú ý gió lùa vào cổ. Chú ý những người thuộc vùng khác. Chú ý những đối tượng xấu có thể gặp. Tóm lại, đi như thế nào thì về nguyên vẹn như thế! - Anh nhìn Huy Khang nhướn mày hỏi: - Đúng không hả?
Huy Khang chán nản với kiểu đùa cợt có dụng ý của Nhật Thiên, cậu hỏi:
- Hôm nay rảnh rỗi đúng không?
Nhật Thiên không hiểu nhưng gật đầu. Huy Khang bảo Nguyên Hạo:
- Hai người cho anh ấy đi luôn đi! Phiền chết mất!
Nhật Thiên vội xua tay:
- Thôi. Chính vì hai người đi tôi mới phải ở nhà coi chừng Huy Khang. Lỡ cô gái xinh đẹp nào tới bắt mất thì biết làm sao!?
Cả ba người đều xì một tiếng. Nguyên Hạo nhắc nhở Minh Hân lên xe khởi hành cho sớm. Chiếc xe đánh lái thật nhanh ra khỏi khu vực biệt thự, rất nhanh hòa vào làn đường rộng lớn đông đúc người và xe. Nguyên Hạo tăng tốc khi chiếc xe vòng sang đường cao tốc.
Vừa quay người vào nhà, chuông điện thoại của Huy Khang chợt reo.
- Thưa cậu, trưa nay chủ tịch sẽ bay chuyến sớm nhất qua Hồng Kông, ông kêu tôi thông báo với cậu một tiếng. - Tiếng trợ lý bên cạnh chủ tịch đều đều báo cáo.
Huy Khang không khỏi bất ngờ:
- Hồng Kông? Có chuyện gì vậy?
Trợ lý đáp:
- Chủ tịch đi dự đám tang một người bạn già. Cũng chính vì chuyện đột xuất như vậy nên ông mới đi gấp.
- Tôi hiểu rồi. Tôi sẽ qua ngay.
Huy Khang lái xe đi ngay khi cậu chỉ trở vào lấy chiếc áo khoác. Nhật Thiên nhìn theo chiếc xe chạy đi rồi mới thở dài bảo:
- Lại đi sao? Biết vậy mình đi cùng Nguyên Hạo cho rồi!
Huy Khang tới gặp ba, ông đang cho người chuẩn bị một số hành lý cần thiết. Cậu hỏi:
- Không phải đi chuyến sớm nhất buổi trưa sao ba?
Ông chủ tịch trả lời:
- Ba cũng tính vậy nhưng thôi. Ba sẽ bay chuyến gần nhất, là hơn một tiếng nữa. Ba sẽ ở khách sạn gần đó rồi đi. Ba đi sớm để sáng mai có thể về.
Huy Khang hiểu ý. Chuyện ông tới tham dự đám tang một người bạn quả thực cậu không có lý do gì ngăn cản, tuy nhiên, trong lòng vẫn không yên tâm. Cậu nói:
- Để con đi cùng ba!
Ông cười vỗ vai cậu:
- Ở lại đi! Chỗ đó không quá xa, ba đi rồi sẽ về sớm, con yên tâm đi!
- Thôi được rồi ạ. Nhưng ba tuổi cao rồi, đừng quá xúc động. Ba cũng không cần bay về trong đêm đâu ạ. Ba yên tâm nghỉ ngơi rồi về, con sẽ lo tốt mọi chuyện.
Ông chủ tịch gật đầu hài lòng:
- Tốt lắm con trai! Chuyện ba muốn dặn dò con chỉ có là, lúc ba không ở đây, con qua cho Tuyết Minh đỡ buồn. Nếu có thể...kêu cả Minh Hân qua.
Huy Khang không muốn nói với ông chuyện Minh Hân cùng Nguyên Hạo về quê ngoại giải quyết rắc rối, cậu chỉ gật đầu cho qua.
Trợ lý chủ tịch cùng với một toán vệ sĩ áo đen chuyển vài đồ đạc lên xe. Hai chiếc xe vệ sĩ hộ tống ông. Trợ lý là người lên xe sau cùng, Huy Khang níu lại định dặn dò. Người trợ lý gật đầu nói với cậu:
- Cậu hai không cần nói, tôi hiểu rồi. Tôi sẽ lo cho chủ tịch thật tốt. Chúng ta có rất nhiều người đi theo mà! Cậu cứ yên tâm và tin vào tôi.
- Tất nhiên tin rồi. Cám ơn anh.
Nguyên Hạo có vẻ khá khó khăn để nhận diện chính xác đường đi. Nhất là khi gần tới khu đó, anh nhận ra rằng đây là một làng nhỏ nằm phía sau một ngọn núi. Trước đây khi còn nhỏ, Nguyên Hạo chỉ được tới một hoặc hai lần. Ký ức của anh về quê mẹ lúc này hoàn toàn trống rỗng. Đậu xe ở một nhà xe gần nhà ga, Nguyên Hạo cùng Minh Hân quyết định đi bộ qua đoạn đồng hoang sau ngọn núi, con đường dẫn tới ngôi làng kia.
Hai người thiết nghĩ, nếu họ đi bằng tàu có lẽ dễ dàng hơn. Nhưng điều đó cũng có nhược điểm đó là phụ thuộc, mà cả hai đều không thích như vậy. Hơn nữa, tới một lần để biết, nếu có lần sau sẽ trở nên rất dễ dàng.
Một vùng quê thanh bình. Đó là cảm nhận chung của cả hai người khi mới đặt chân tới. Minh Hân mở chai nước uống một hơi. Đi đường dài tới mấy tiếng đồng hồ, cổ họng khô khốc cho nên mặc cho cái lạnh buốt họng, Minh Hân nghĩ giải khát bằng nước lạnh dễ chịu hơn.
Nguyên Hạo nhìn đồng hồ trên tay, 11h35, anh quay sang nói với Minh Hân:
- Trưa rồi, em đói chưa?
Minh Hân nhìn một lượt quanh mấy nhà dân ở đó, thấy một quán hàng ăn nhỏ, cô chỉ vào và bảo Nguyên Hạo:
- Chúng ta vào kia ăn chút gì đó rồi hỏi thăm luôn.
Nguyên Hạo tán thành. Hai người vào bên trong quán.
- Em ăn mì. - Minh Hân nói.
- Ăn mì sao no được. Em ăn cơm đi!
Minh Hân không đồng ý:
- Em uống nước nãy giờ no rồi. Ăn mì cho ấm bụng chút thôi.
Nguyên Hạo không ngăn cản nữa, anh gọi chủ quán ra và bảo:
- Làm giúp tôi hai phần mì gói.
Thấy hai người lạ mặt, bà chủ đoán ngay đó không phải là người bản xứ. Từ nơi xa tới lại chỉ ăn mì, tuy nhiên, bà cũng không soi xét gì.
Nguyên Hạo nhìn xung quanh chỗ mình ngồi, có vài đứa nhỏ cũng đang ăn trưa. Anh đoán chúng là học sinh vừa tan học. Anh hỏi một cậu thanh niên ngồi ngay bàn kế bên, rất khách sáo:
- Xin lỗi, anh có thể cho tôi hỏi thăm một chút.
Cậu thanh niên ngẩng đầu nhìn Nguyên Hạo. Anh hỏi:
- Tôi muốn tìm nhà bà Đồng Lan, ở trong làng này, anh biết chứ!
Cậu thanh niên lạnh nhạt lắc đầu:
- Đồng Lan? Không biết.
Nguyên Hạo dù vậy vẫn lịch sự cám ơn. Anh nghĩ cũng phải. Mẹ anh đã kết hôn với ba và lên thành phố sống lâu năm như vậy, những chàng trai trẻ mới lớn sao có thể nghe nói tới bà được. Anh thấy mình thật khờ rồi nghĩ nên hỏi người lớn tuổi nào đó.
Ăn xong, Nguyên Hạo ra tính tiền với chủ quán, Minh Hân còn đứng đợi ở bàn hai người vừa ngồi. Ngay lập tức có hai người đàn ông ngồi vào bàn đó. Họ gọi một phần nhậu. Minh Hân nghĩ rồi hỏi:
- Dạ xin lỗi hai bác, cháu muốn hỏi một chút ạ!
Hai người nhìn cô, Minh Hân bảo:
- Cháu tới tìm nhà của bà Đồng Lan. Bà ấy kết hôn và xa nhà theo chồng, nhưng giờ cháu có việc cần tới gặp gia đình của bà ấy ạ. Hai bác có biết thì cho cháu biết nhà họ với!
Đồng Lan? Hai người đàn ông nghĩ ngợi hồi lâu rồi như chợt nhớ ra nói:
- Có, có người này. Nhưng mà cô ấy xa xứ lâu lắm rồi! Từ đây tới nhà mẹ cô ấy đường đi hơi ngoằn nghoèo. - Người đó chỉ tay ra phía xa bảo: - Tới ngôi nhà gỗ nhỏ kia kìa, người đàn ông trong đó có chút liên quan gia đình đó nên có lẽ rõ hơn. Tới đó, có gì hỏi anh ta, rồi hỏi đường luôn ấy.
Nguyên Hạo bước ra, vừa vặn nghe hết. Anh cùng Minh Hân lập tức đi theo chỉ dẫn của người đàn ông.
Cánh cửa gỗ tuy đơn sơ nhưng tạo cảm giác gẫn gũi và mộc mạc. Minh Hân ngờ ngợ tưởng tượng ra một căn nhà trong thời cổ đại. Lúc đó, ngôi nhà như thế này rất phổ biến, bây giờ xã hội tiến bộ, nhà cửa bê tông cốt thép thì những ngôi nhà gỗ cách tân như thế này thật hiếm. Cô đoán đây cũng là một gia đình khá giả.
- Có ai ở nhà không ạ? - Nguyên Hạo gọi lớn vào bên trong.
Không có tiếng trả lời, anh bất giác đưa mắt nhìn Minh Hân rồi tiếp tục gọi.
Có tiếng chó sủa, rồi một con chó bông trắng đen chạy ra gầm gừ. Con chó tuy nhỏ nhưng bộ lông xù lên, có lẽ nó đang cố tỏ ra nguy hiểm trước người lạ tới nhà.
Ngay sau đó, một bé gái chừng 10 tuổi chạy ra, quát con chó:
- Bông, Bông, im lặng nào!
Cô bé chạy ra, thấy hai người lạ nên không vội mở cửa. Đúng lúc đó, một người đàn ông khác bước ra và hỏi:
- Ai vậy con?
Cô bé quay đầu nhìn ba mình lắc đầu:
- Con không biết.
Người đó ra cổng, nhìn Minh Hân và Nguyên Hạo hỏi:
- Hai người tìm ai?
Hai người họ cúi đầu lễ phép, Nguyên Hạo nói:
- Cháu tới hỏi thăm để tìm một gia đình ở đây ạ!
Người đàn ông mở cửa cho họ, sau đó dặn con gái đóng cửa lại. Sau đó, ông quay sang cười xòa giải thích với hai người:
- Bông là chó cưng trong nhà, tính nó ham chơi, sợ nó sẽ chạy đi mất.
Hai người gật đầu hiểu ý. Người đàn ông chìa tay mời họ qua chiếc bàn gỗ đặt giữa sân. Trong khoảng vườn nhỏ trước mặt, họ thấy một ông lão đang xới một luống đất.
Người đàn ông rót trà mời hai người rồi hỏi:
- Hai cháu tìm ai?
Nguyên Hạo chậm rãi trả lời:
- Là một gia đình họ Hồ, có một người tên Đồng Lan. Người đó kết hôn rồi xa quê cùng với chồng. Do tai nạn nên gia đình ly tán. Gần đây cháu có nghe nói họ hàng của họ ở đây có tìm hai đứa con của bà Đồng Lan.
Người đàn ông hơi nheo mắt nhìn hai người:
- Không lẽ hai cháu đây chính là...
- Dạ không ạ. - Biết ý ông, Minh Hân vội ngắt lời. - Thực ra chúng cháu là nhân viên của công ty bảo hiểm. Chúng cháu tới tận đây để làm việc với họ về bảo hiểm của đứa trẻ đó. Chúng cháu nhận được kiến nghị từ gia đình, sau khi được sự chỉ đạo của cấp trên, chúng cháu tới tận đây để giải quyết.
Người đàn ông tin những gì cô trình bày. Còn cô, sau khi lưu loát một câu chuyện mạo nhận, cô bất giác nhìn Nguyên Hạo. Cô biết anh đang cố giấu ý cười.
- Nói vậy là chuyện đó được giải quyết rồi sao?
- Xem ra là một câu chuyện rất thương tâm phải không bác? - Nguyên Hạo hỏi.
Người đàn ông nhìn hia người rồi nói:
- Chuyện của gia đình họ ở nơi khác thì bác không biết, chỉ có chuyện ở đây mới rõ thôi. Đúng là rất thương tâm!
- Chuyện là thế nào vậy ạ? - Minh Hân không giấu nổi sự tò mò.
- Bác và gia đình họ có một chút quan hệ họ hàng. Đồng Lan trước kia từng học cùng với bác. Cô ấy kết hôn với một người đàn ông tốt, chính xác là vậy, anh ta rất tốt. Cứ nghĩ cô ấy sẽ có cuộc sống ổn định nhưng không ngờ, chỉ khoảng ba tháng sau khi nghe tin Đồng Lan sinh thêm một bé gái, thì lại có tin gia đình bị tai nạn. Chồng cô ấy chết, Đồng Lan không rõ sống chết. Còn hai đứa con thì không biết đi đâu. Người ta đồn rằng, cô bé gái cũng chết cùng với ba, còn cậu con trai lớn thì cũng lang thang vì không có người để nương tựa bởi ba bọn chúng là con một, ông bà trên đó đã qua đời, không có họ hàng gì.
- Vậy còn gia đình dưới này, không lẽ nghe tin họ gặp nạn mà thờ ơ với hai đứa trẻ sao? - Nguyên Hạo hỏi, giọng điệu cố kìm nén sự giận dữ và căng thẳng.
Người kia lại nói tiếp:
- Ông bà bên đây cũng đã qua đời từ lâu. Đồng Lan có hai anh trai và một em gái. Hai người anh không hề hỏi tới hai đứa nhỏ, họ nói tới cuộc sống của mình còn lo chưa đủ làm sao đi tìm người được, biết được chúng còn sống hay chết. Ba năm sau thì người anh hai qua đời vì bệnh.
- Còn dì út thì sao? - Minh Hân hỏi.
- Cô út rất tốt, nhưng chính vì tốt nên mới là câu chuyện thương tâm. Cô ấy bị bệnh xơ gan, sau khi nghe tin xấu từ nhà chị gái, cô ấy đã dùng khoản tiền mình có được chuẩn bị để chữa bệnh đi lên đó tìm hai đứa cháu. Thú thực lúc ấy cô út có tới tìm bác vay mượn, bác khi ấy cũng chưa khấm khá gì nên cũng chỉ giúp được chút ít. Sau mấy tháng, cô ấy trở về và không có kết quả. Không lâu sau qua đời vì bệnh.
Minh Hân mím môi rồi nuốt khan, giấu đi nỗi xúc động sắp trào lên. Tiếng người đàn ông đều đều:
- Con gái người anh cả cách đây mấy năm bị gãy tay. Trục trặc gì đó về xương nên phải đi chữa bằng cách vít lại, tiếc là bác sĩ sơ suất để sót một đinh vít bên trong tay, bây giờ phải tới bệnh viện trung ương mổ lại. Họ vì thế cần tiền nên muốn lấy bảo hiểm của hai đứa con của Đồng Lan.
- Xấu xa tới vậy sao? Nhưng ai cho họ biết chuyện hai đứa nhỏ đó có bảo hiểm? - Minh Hân lại hỏi.
- Nghe đâu người ta nói rằng vì ba mẹ chúng không còn, mà tiền bảo hiểm đã đóng trước, cho nên công ty bảo hiểm mỗi năm đều gửi một giấy chứng nhận đã nộp tiền về, người ta theo hồ sơ gửi tới nhà Đồng Lan - những người còn sống.
Người đàn ông chuyển chủ đề, hỏi hai người:
- Hai cháu cho bác hỏi, hai đứa nhỏ khi ấy đã chết rồi sao?
Minh Hân tiếp tục diễn vai nhân viên bảo hiểm:
- Thực ra chúng cháu không nhận được, cũng không tìm hiểu được về giấy chứng tử, cháu nghĩ chúng vẫn còn sống. Tuy vậy, đã gần hai mươi năm rồi, họ nghĩ vậy cũng không có gì là sai. Tới giờ, chúng cháu chỉ theo chỉ thị làm việc thôi ạ.
Người đàn ông gật đầu. Đã quá trưa, ông chỉ đường tới nhà họ cho hai người Nguyên Hạo và Minh Hân. Họ nhanh chóng rời đi để về sớm. Bé gái ban nãy chạy tới với một hộp nhỏ đựng gì đó, nhận được cái gật đầu từ ba, cô bé chạy tới trước mặt chìa cho Nguyên Hạo và Minh Hân:
- Anh ơi, anh nhận cái này đi ạ!
Nguyên Hạo quay đầu nhìn ba cô bé, ông cười hiền nói:
- Từ xa tới chơi, đây là ít bánh đặc sản. Các cháu nhận đi, sau này nhớ tới hương vị của nơi này.
Nguyên Hạo gật đầu nhận lấy. Anh xoa xoa đầu cô bé gái. Cún Bông từ đâu lao tới thật nhanh, cô bé vội giữ cún lại:
- Bông, không được cắn!
Minh Hân ngồi xuống vuốt lông con chó. Nó không có biểu hiện dữ dằn nữa, cô bé kia nói:
- Bông chưa cắn ai đâu, nhưng em lo là chị sợ.
Minh Hân mỉm cười:
- Không. Bông của em rất dễ thương!
Hai người rời khỏi căn nhà đó, lập tức tìm tới nhà bà Đồng Lan theo hướng dẫn chi tiết vừa rồi.
Huy Khang gõ cửa phòng Tuyết Minh, cô nói vọng ra:
- Vào đi!
Huy Khang bước vào, thấy Tuyết Minh đang đứng khoanh tay nhìn tấm hình của cô và Hiểu Khánh, Huy Khang bước tới nói:
- Bác sĩ nói chân chị còn chưa có lực nhiều, đi lại ít thôi, qua giường nghỉ ngơi đi!
- Chị không sao. Ăn no phải đi lại vận động chứ! Ba đi rồi sao?
Huy Khang gật đầu nói:
- Đi rồi. Tối nay em sẽ ở lại đây.
- Chắc ba lo chị buồn hả? Ba và em đều như vậy, tưởng chị còn nhỏ lắm sao? Chị đã sắp 40 tuổi rồi đó.
Huy Khang chợt cười. Rồi cậu nói:
- Em về một lát, em lấy máy tính của em rồi sẽ trở lại.
Tuyết Minh gật đầu:
- Em cứ về đi!
Huy Khang trở về nhà lấy máy tính. Nếu như chu đáo lường trước vấn đề thì cậu sẽ không phải quay về như thế này. Không phải ở đó không có máy tính cho cậu sử dụng, mà làm việc với máy tính cá nhân vẫn luôn tiện lợi hơn.
Tuyết Minh kéo ngăn bàn, thấy cuốn album ảnh cưới của cô và Hiểu Khánh. Cứ nghĩ mọi thứ còn ở nhà của Huy Khang, không ngờ đều nằm hết ở đây không thiếu thứ gì. Có lẽ sau khi đưa cô về, chủ tịch đã cho người dọn dẹp hết về đây!
Không đủ can đảm mở xem những tấm hình cũ, Tuyết Minh sợ lý ức kinh hoàng đó lại hiện lên, rõ mồn một. Cô sợ nước mắt sẽ lại rơi, thật nhiều! Sợ nước mắt đó rớt xuống làm đau trái tim Hiểu Khánh. Run run đưa tay chạm vào tấm bìa cứng, Tuyết Minh hoảng sợ rụt tay về.
Từ ngoài cửa vọng vào tiếng vỗ tay giòn tan. Tuyết Minh ngoái đầu nhìn lại, Hải Kiều từng bước tiến vào với nụ cười xảo trá.
- Thật cảm động tới rơi nước mắt! 18 năm trôi qua, cô vẫn còn nặng tình với anh ấy tới vậy sao? Là tình yêu thật đấy hả?
Giọng điệu mỉa mai của Hải Kiều khiến Tuyết Minh không mấy dễ chịu. Cô không đáp.
Hải Kiều bước tới, lật cuốn album ra, bức hình chụp rất đẹp vợi nụ cười hạnh phúc trên môi hai người, ánh mắt trao nhau chan chứa tình cảm. Hải Kiều lật một lượt cuốn album rồi đóng lại. Cô quay sang nói với Tuyết Minh:
- Cô dâu mất chồng khi còn chưa xong đám cưới. Tội nghiệp cô quá! Nhưng không sao, tôi thấy Hoàng Hiểu Khánh và Hoàng Huy Khang giống nhau như đúc. Hiểu Khánh chết rồi nhưng còn Huy Khang bằng xương bằng thịt trước mắt, cô có thể xem nó là Hiểu Khánh cho bớt cô đơn cũng được mà!
Tuyết Minh liếc nhìn Hải Kiều, mở lời:
- Đó là lời nói của con người sao Hải Kiều?
Hải Kiều nhếch môi bỏ qua lời Tuyết Minh và nói tiếp:
- Không làm chị dâu tôi được thì làm em dâu tôi cũng không sao mà!
- Đê - tiện! - Tuyết Minh gằn giọng.
Hải Kiều giận dữ trừng mắt lên:
- Cô nói gì hả?
Tuyết Minh không tỏ ra e dè, cô nói:
- Suy nghĩ của cô, những lời nói của cô: vô liêm sỉ. Những việc cô đã làm: bỉ ổi và đê hèn.
Hải Kiều vung tay tát mạnh vào mặt Tuyết Minh. Tuyết Minh ngã chúi xuống giường. Hải Kiều xông tới túm tóc Tuyết Minh quát:
- Mắng tôi sao? Cô đủ tư cách hả? Cô giỏi võ lắm không phải sao? Vệ sĩ bảo vệ cho chủ tịch Khánh Huy kia mà! Giờ không đánh được nữa hả? Vô dụng! Chết đi!
Hải Kiều hung hăng ra tay với Tuyết Minh, Tuyết Minh hoàn toàn bị động không thể kháng cự. Sau cùng, Hải Kiều lôi Tuyết Minh mạnh tay đẩy cô xuống đất, hất mạnh ra xa.
Nếu như không có người đỡ kịp, Tuyết Minh có lẽ đã đập đầu vào cây đèn bàn trên bàn gần cửa ra vào. Giữ Tuyết Minh đứng vững, Huy Khang trừng mắt quát Hải Kiều:
- Chị đang làm gì với chị tôi vậy hả?!
Hải Kiều nhíu mày:
- Cái gì? Chị tôi?
Huy Khang quả quyết gật đầu:
- Đúng. Là chị tôi. Hoàng Huy Khang chỉ có một chị gái duy nhất là Dương Tuyết Minh đây. Đừng bao giờ lặp lại chuyện hôm nay nữa!
Hải Kiều nín thinh. Lát sau, cô mím môi gật gật đầu:
- Được rồi. Khá lắm Huy Khang! Chị gái Dương Tuyết Minh? Thật cảm động cho tình cảm chị em của hai người! Huy Khang, đừng bao giờ quên những lời nói ngày hôm nay của cậu!
- Chút tình cảm cuối cùng, chút tình thân, tình người cuối cùng chị đã không dành cho anh em chúng tôi, tôi sẽ không để mình yếu mềm và khờ khạo như anh Hiểu Khánh đâu! Cho dù chị có hành động như thế nào, tôi cũng sẽ chiến đấu. Để được sống!
Giọng Huy Khang trầm trầm nghe như khản đặc. Rõ ràng cậu không thể dứt bỏ tình thân với Hải Kiều, nếu không Huy Khang sẽ không thể biểu cảm như vậy. Rõ ràng trong lời nói kia, dù đang rất vô tình, nhưng vẫn có một chút van nài Hải Kiều về với lương thiện, về với sự hối lỗi sau những sai lầm của cô.
Nhưng, niềm hy vọng của cậu dù nhỏ nhoi vẫn sẽ trở nên vô vọng, khi mà mọi thứ đã vượt quá xa bên ngoài ranh giới. Trở lại là một người chị gái tốt, quả thực rất xa vời với Hải Kiều.
Hải Kiều chỉ tay vào Tuyết Minh gằn từng tiếng:
- Cô! Còn sống để làm gì chứ hả?
Hải Kiều gần như phát điên. Cô lao nhanh ra ngoài sau khi liếc nhìn Huy Khang một cái căm phẫn. Hai người trông theo bóng cô khuất dần, Tuyết Minh thở hắt ra một cái, Huy Khang nhắm mắt lại rồi cũng thở dài.
Ngôi nhà hai tầng xây dựng heo mô hình nhà ống do diện tích hơi hẹp, Minh Hân và Nguyên Hạo đứng từ xa quan sát. Cảm nhận về quê ngoại, cảm nhận về nơi đã sinh ra người mẹ của mình trong lòng hai người quá nhạt nhòa, chính xác hơn là một khoảng trắng. Sống trong ngôi nhà đó lúc này là người anh cả của mẹ. Gia đình bác hai ở nơi khác. Nghe những gì người đàn ông kia kể, cả hai thoáng giật mình. Hai người bác trai, không hề bận tâm dù chỉ một chút tới sự sống chết của hai anh em. Còn dì út, dì đã vì hai người mà chết. Nếu không phải đi tìm hai người, dì đã có thể chữa bệnh và sống bình thường như bao người khác. Nhưng nếu như thảm kịch năm đó không xảy ra, hai anh em họ vì sao lại lạc nhau, lạc khỏi gia đình họ hàng, nếu không như vậy, dì út vô tội cũng không qua đời sớm như vậy.
Nếu như...
Minh Hân nhìn Nguyên Hạo nói:
- Anh, Hoàng Hải Kiều và Vương Đức Long, bọn họ lại nợ chúng ta một mạng nữa rồi!
Vẻ mặt Nguyên Hạo trầm mặc. Anh đang nghĩ tới chuyện khác, vài giây sau anh quay sang nhìn Minh Hân, rồi hỏi:
- Có vào bên trong không?
Minh Hân không trả lời. Nguyên Hạo biết ngay cô đang do dự. Anh bèn bảo:
- Em hoàn toàn tin những lời người đàn ông vừa rồi nói sao?
Minh Hân giật mình nhìn anh. Rồi cô cụp mắt xuống và trả lời:
- Thực ra em cũng không chắc, nhưng phần tin có lẽ nhiều hơn. Em lại không muốn vào gặp họ. Vì chưa biết nên cư xử ra sao?
Nguyên Hạo khẽ cười bảo cô:
- Nếu vậy...anh có cách này.
Minh Hân ngạc nhiên nhìn anh. Không đoán được ý tưởng của anh, cho tới khi Nguyên Hạo lấy di động gọi. Khi bên đầu dây có tiếng trả lời, Nguyên Hạo nói:
- Cậu vẫn còn ở nhà chứ!
Có vẻ người kia nói có, Nguyên Hạo vui mừng nói:
- Vậy tốt rồi! Giúp tôi tới công ty bảo hiểm làm một việc!
- Tôi là chân chạy việc của cậu chắc! - Nhật Thiên chán nản, cau có đáp.
Nguyên Hạo không bận tâm lời than vãn của anh, nói tiếp:
- Tới đó làm thủ tục chứng thực tôi còn sống, bảo họ gửi thông báo như vậy tới gia đình bác trai tôi, trong vòng chiều nay.
- Sao cậu không cùng Minh Hân nói rõ với họ đi!?
- Cứ làm vậy đi! Cám ơn!
Không cho Nhật Thiên kịp phát biểu thêm lời nào, Nguyên Hạo liền tắt máy. Minh Hân không hiểu anh định làm gì, đang định hỏi thì Nguyên Hạo nói:
- Chúng ta đi loanh đâu đó, chiều trở lại.
- Anh tính làm gì?
Nguyên Hạo không giải thích, anh chỉ nói:
- Tin anh đi, chúng ta đi thôi!
- Đi đâu?
- Đi rút tiền.
Nguyên hạo chỉ đáp ngắn gọn có vậy rồi bước trước, Minh Hân liền theo sau.
Hơn 3h chiều. Nguyên Hạo nhận được tin nhắn của Nhật Thiên. Anh thông báo tình hình về chuyện đó. Nhật Thiên đặc biệt bảo họ gửi chuyển phát nhanh nên dù khá xa nhưng hồ sơ vẫn tới không quá trễ. Nguyên Hạo và Minh Hân trở lại nhà của người bác trai.
Nguyên Hạo gọi cửa, người ra mở là một cậu thanh niên, họ đoán đó là con trai bác cả. Cậu đó mời hai người vào nhà và nói có ba mẹ cậu bên trong.
Minh Hân và Nguyên Hạo tới gần nhà chính, nghe bên trong có tiếng to nhỏ.
- Giấy tờ đã gửi tới rồi, anh em Nguyên Hạo còn sống, làm sao mà lấy bảo hiểm của chúng được chứ!
Là tiếng than vãn của người phụ nữ, hai người biết đó là bác gái.
- Bà nghĩ không có tiền của chúng thì con gái mình không thể mổ sao? Bán đỡ miếng đất ngoài vườn sau đi!
- Cũng tại lúc đó không nghe lời cô út. Nếu cùng cô ấy tìm bọn trẻ về, chúng ta sẽ cắt luôn khoản bảo hiểm đó, cũng được một món gọi là chút ít.
Lại là tiếng bác gái, rồi tới bác trai to tiếng:
- Tìm về à? Tìm về mà nuôi báo chúng nó. Thêm hai miệng ăn, bà nuôi nổi không? Còn con bé mới sinh nữa, ngoài mẹ nó ra ai chăm sóc được, có chuyện gì lại mang tội vào thân. Rồi khi lớn lên, không biết chúng nó có còn coi mình ra gì không kìa. Cũng chỉ là cháu thôi, đâu phải con cái mình sinh ra!
Minh Hân và Nguyên Hạo nhìn nhau. Trong lòng hai người đang có chung một suy nghĩ: Lời người đàn ông kia kể hoàn toàn đúng. Hai người cố chậm bước chân rồi dừng hẳn bên ngoài nghe, cậu thanh niên có lẽ chạy đi đâu đó rồi nên không ai chú ý tới họ.
Tiếng bác trai nói tiếp:
- Nếu hai đứa nó sống đàng hoàng, vậy sao không về đây một lần? Thấy chưa? Ba mẹ nó không còn, không ai dạy chúng nó nhớ tới quê, thăm quê, thăm nguồn cội gốc rễ của chúng nó. Giờ nghe nói chúng ta lấy tiền bảo hiểm, liền lập tức kê khai còn sống và ngăn chúng ta, chúng nó biết chuyện đó, dĩ nhiên biết chị họ nó cần mổ, vậy mà vẫn làm như thế! Hai đứa hư hỏng, hai đứa nhẫn tâm! Tôi không có, không cần hai đứa cháu như thế!
- Nói như ông cũng đúng. Mà ngay từ đầu chúng ta đã không có chúng nó rồi!
Bác gái vừa nói vừa gật gật đầu tán thành với chồng. Đúng lúc này, ngoài cửa vọng vào tiếng Nguyên Hạo:
- Xin chào ạ!
Cả hai vợ chồng giật mình nhìn ra, Nguyên Hạo và Minh Hân đứng bên ngoài cửa chứ chưa bước vào. Người đàn ông liền đứng dậy. Nguyên Hạo vẻ mặt bình thản nói:
- Chúng cháu tới từ tổ chức xã hội cộng đồng Thiện Tâm ạ.
Hai vợ chồng họ chìa tay mời hai người vào. Khi ổn định, Minh Hân là người trình bày:
- Tổ chức của chúng cháu mở một chương trình từ thiện mở rộng tới các bệnh viện lớn do được một tập đoàn lớn hỗ trợ kinh phí. Từ bệnh viện trung ương, chúng cháu có nghe về hoàn cảnh của bé gái nhà bác nên tổ chức phân công hai cháu tìm tới đây để nắm bắt kỹ hơn tình hình ạ!
Nhìn vẻ mặt hai người họ nửa vui mừng nửa còn nghi hoặc, Nguyên Hạo khẽ ra hiệu cho Minh Hân. Cô liền lấy trong cặp ra một túi hồ sơ, rút một tờ giấy bên trong, cô nói:
- Đây là phiếu quảng cáo của chúng cháu!
Người đàn ông xem xong, lập tức tin lời hai người. Minh Hân tiếp tục vai diễn một thư ký chuyên nghiệp, lấy trong túi ra một cuốn sổ tay và một cây bút bảo:
- Giờ bác cho cháu chút thông tin được không ạ?
Hai vợ chồng luân phiên kể lể. Câu chuyện không khác gì những lời người đàn ông hồi trưa nói với hai người. Hai người làm bộ chú ý lắng nghe nhưng thi thoảng đưa mắt nhìn nhau.
Sau cùng, Minh Hân lấy ra một cuốn sách mỏng - là một trong những cuốn sách cô phải học ở trung tâm đào tạo chuyên viên ngành khách sạn, làm bộ nghiêm túc không sơ hở, xem xét qua rồi nói:
- Đối chiếu với quy định trong hướng dẫn thực hiện, chúng cháu có thể giúp đỡ gia đình bác một khoản nho nhỏ, hy vọng giúp được phần nào cho bé gái. - Minh Hân lấy ra một tờ giấy khác, đưa về phía người đàn ông và cả cây bút và nói tiếp:
- Bác điền thông tin giúp cháu ạ!
Nhìn người đàn ông điền chậm rãi, Minh Hân và Nguyên Hạo lại đưa mắt nhìn nhau. Sau khi xong, người đàn ông nhìn xuống con số phía dưới, không khỏi ngỡ ngàng, tròn mắt nhìn hai người. Nguyên Hạo nói:
- Tờ giấy này không có giá trị trước pháp luật, chúng cháu làm chỉ để lưu hồ sơ và lấy tiền thôi ạ!
Người đó gật gật đầu, ông cho rằng trong tổ chức đó còn có ràng buộc giữa các thành phần nên việc có giấy tờ chứng minh là rất quan trọng, nhất là khi liên quan tới kinh tế.
Nguyên Hạo bảo Minh Hân:
- Đóng dấu đi!
Minh Hân ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Phần này không có trong kế hoạch. Bởi Nguyên Hạo chợt nghĩ, có con dấu ở đó sẽ đáng tin hơn. Thấy Minh Hân hơi lúng túng, anh liền bảo:
- Chắc tổ trưởng cầm theo tới chỗ em bé thay giác mạc rồi, để sau đi!
Hai vợ chồng kia nghe nói vậy thì lại càng thêm tin tưởng. Nguyên Hạo lấy tiền ra, đưa về phía người chồng rồi nói:
- Với khoản chi phí nhỏ này, chúng cháu mong giúp đỡ phần nào ca mổ của con gái bác. Cám ơn bác đã hợp tác với chúng cháu. Hồ sơ chúng cháu lưu giữ có cả bản sao những giấy tờ bệnh án, những thứ này cháu sẽ làm việc với bệnh viện ạ.
Hai vợ chồng cảm ơn không ngớt. Nguyên Hạo chợt hỏi:
- Lúc hỏi thăm tới đây, cháu còn nghe nói gia đình bác có hai đứa cháu một trai một gái mất tích, không biết chúng cháu có thể giúp gì thêm không ạ!?
Thấy rõ sự bối rối của hai người kia khi nghe nói tới, Nguyên Hạo lại thầm nhìn sang Minh Hân. Người chồng làm bộ đau lòng nói:
- Đúng là vậy. Hai đứa cháu đó rất tội nghiệp! Không biết giờ còn sống hay đã chết. Vợ chồng bác tìm chúng rất lâu nhưng không có tin tức. Dù sao thì, bác vẫn mong hai đứa nó sống thật tốt! Dù là ở nhân gian hay thiên đường.
Minh Hân giấu ánh mắt căm phẫn, thầm nghĩ: "Ông mong chúng tôi chết lắm hay sao ấy!"
Nguyên Hạo gật gật đầu, nói với dụng ý mỉa mai nhưng nghe qua là một lời khen ngợi:
- Lòng tốt của hai bác cháu tin hai anh em họ sẽ cảm nhận được.
Rời khỏi nhà đó, Minh Hân nhìn Nguyên Hạo tủm tỉm cười. Cả hai diễn rất đạt. Cô nhớ lại lúc anh ngồi đánh những văn bản đó trong phòng Internet ở làng kế bên, cô thì ngồi bên cạnh chê trách rồi cãi nhau vì chỉnh sửa. Chuyện cũng đã xong, hai người nhìn nhau thở phào. Họ đã giúp cho chị họ có được tiền để mổ cánh tay, nhưng không thể nào quên được những lời nói cay độc và sự giả dối tới chán ngắt của hai vợ chồng họ. Sự khinh khi của một thế hệ sau dành cho thế hệ trước đáng ra phải bị coi là vô lễ nhưng hai người họ cảm thấy điều đó là đúng. Những kẻ như thế, sẽ không thể nhận được sự tôn trọng chân thành từ người khác.
Trời sẩm tối. Nguyên Hạo nhắc Minh Hân nhanh chân để tới chỗ đậu xe mới có thể về sớm. Đường ra tuy quanh co nhưng quy mô làng nhỏ, hai người ghi nhớ rất nhanh.
Ngang qua con đường vào người đàn ông chỉ đường cho họ, Minh Hân chợt thấy con chó Bông đang đánh hơi gì đó ngoài đường. Đoán rằng nó lại không nghe lời, lựa lúc sơ suất chạy ra bên ngoài chơi, Minh Hân lại gần, xoa đầu cún Bông. Bông chẳng những không tỏ ra hung dữ như lần đầu mà còn chúi chúi đầu vào chân cô, ngoan ngoãn như một con mèo nhỏ.
- Anh, nó thân với em này!
Minh Hân hồ hởi nói với Nguyên Hạo. Anh cười.
Minh Hân bế nó lên tay, mang tới nhà trả cho cô bé chủ nhân của nó. Quả nhiên cánh cổng để mở, Minh Hân quay sang nhìn Nguyên Hạo, anh lại vào vai chiếc loa gọi.
Lại là cha con cô bé chạy ra, Minh Hân đưa cún Bông cho cô bé. Cô bé nói:
- Cún còn hư nữa là đánh đòn nghe chưa?
Nghe cách dạy bảo của cô bé với chó Bông, cả hai bật cười. Người ba cô bé hỏi:
- Xong việc rồi sao?
- Dạ. Chúng cháu thấy Bông bên ngoài nên mang vào, giờ chúng cháu phải về đây ạ!
Nguyên Hạo và Minh Hân cúi đầu lễ phép rồi quay người đi, bất chợt người đàn ông gọi lại:
- Cháu này!
Hai người quay lại. Ông ngập ngừng rồi nói:
- Ngày cuối tháng...là ngày giỗ của dì út.
Hai người bất chợt nuốt khan, Nguyên Hạo lắp bắp:
-...Chuyện đó thì...
- Bác biết. - Người đàn ông ngắt lời: - Khoảng thời gian trước khi cưới, chồng của Đồng Lan cũng tới đây khá nhiều. - Ông nhìn Nguyên Hạo hỏi: - Cháu không thấy mình giống ba sao?
Cả Nguyên Hạo và Minh Hân đều sựng lại. Nguyên Hạo quay mặt đi rồi quay lại cúi đầu với ông và đi khỏi. Minh Hân cũng chào lễ phép rồi theo anh.
Trên đường trở về, Minh Hân không dám nói với Nguyên Hạo câu nào, cô chỉ khe khẽ liếc mắt nhìn anh. Dù một chút thôi, nhưng cô vẫn lo rằng lời nói của người đàn ông đó, những câu sỉ vả trách móc sau lưng của vợ chồng bác cả, đang khiến anh nặng lòng. Chuyến đi này, đối với cả hai người, là một điều ý nghĩa, với một người đã khuất.