Trò Chơi Đang Download

Chương 95: 95: Chàng Tiên Ốc





Nghe y nói vậy, Tạ Tịch lộ vẻ sống không còn gì luyến tiếc nữa.
Cậu vừa gào vừa khóc với đối tượng mới quen biết một ngày, đã thế người này còn là giảng viên dạy môn chuyên ngành khoa cậu nữa chứ…
Sao cậu lại ngu ngốc như vậy!
Không phải chỉ cảm cúm xíu thôi à, sao đến cả đầu óc cũng bị hun cho ngáo luôn?
Tạ Tịch ảo não muốn chết, vô cùng hy vọng mình chỉ đang nằm mơ.
Kỳ thực chuyện tối qua không hề khoa trương như Giang Tà kể, Tạ Tịch khóc thật đấy nhưng cậu chỉ lặng lẽ rơi nước mắt mà thôi, khóc không ra tiếng, mắt nhắm chặt, người sốt đến mê man mà nước mắt cứ lẳng lặng ứa ra.
Dáng vẻ kia khiến người ta vô cùng đau lòng, Giang Tà thực sự không muốn nhìn thấy cảnh này thêm lần nào nữa.
Hoàn cảnh sống rốt cuộc tồi tệ ra sao mới có thể giày vò một cậu nhóc choai choai thành ra dáng vẻ hiện tại?
Mỗi giọt nước mắt lăn xuống gò má kia đều như dung nham nóng hổi, in hằn dấu vết khó phai mờ trong lòng Giang Tà.
Y không muốn cậu rơi nước mắt, càng không muốn cậu nhớ lại những ký ức tồi tệ, cho nên sau khi Tạ Tịch tỉnh lại Giang Tà mới nói mấy lời bông đùa kia, hy vọng cậu gỡ xuống dáng vẻ kiên cường gắng gượng, cũng muốn tới gần cậu hơn chút.
“Bạn nhỏ lại đây nào, ăn ít cháo cho hồi sức đi!” – Giang Tà bưng bát cháo lên, dùng thìa khuấy nhẹ, chờ nguội bớt mới ghé đến bên miệng Tạ Tịch.
Tạ Tịch còn đang chìm đắm trong cảm xúc hoài nghi cuộc đời nên chưa nghe ra y nói gì.
“A…” – Giang Tà vô cùng hăng hái, còn thực sự coi Tạ Tịch là trẻ con, há miệng nói “a” để dỗ dành cậu ăn.
Tạ Tịch hoàn hồn lại, câm nín nhìn về phía Giang Tà đang há to miệng.
Giang Tà chớp chớp mắt, mặt dày mày dạn nói: “Xem ra giờ tỉnh thật rồi.”
Tạ Tịch sao có thể để y đút mình ăn được chứ? Cậu nhìn bát cháo được ninh nhừ mà lòng mềm nhũn cả ra, vươn tay nhận lấy rồi nói: “Để em tự ăn.”
Giang Tà không tiếp tục chòng ghẹo nữa, đưa bát cho cậu rồi bảo: “Ăn đi, cháo bớt nóng rồi, để lâu thêm nữa là nguội mất.”
Tạ Tịch cúi đầu nhìn chằm chằm bát cháo: “Em cảm ơn thầy!”
“Khách sáo làm gì!” – Xem chừng đứng đắn được một giây đã là cực hạn của Giang Tà, y lại quay về bản tính cũ: “Một ngày làm thầy cả đời làm cha, cha già chăm sóc trẻ nhỏ không phải là điều hiển nhiên sao?”
Tạ Tịch: “…”
Thầy quả nhiên không phải người thường.
“Ăn nhanh đi!” – Vị cha già nào đó nói với giọng sâu xa: “Tôi ninh mất hai giờ đấy, đừng lãng phí!”
Trong lòng Tạ Tịch ấm áp, tối qua cậu sốt mê man, chắc đã làm phiền Giang Tà rất nhiều… Người này tuy xấu miệng nhưng chung quy vẫn tốt tính.
Tạ Tịch gật đầu đồng ý, múc một thìa cháo lên cho vào miệng…
Cậu suýt chút nữa thì phun đồ ăn ra ngoài.
Giang Tà vô cùng tự tin hỏi: “Ăn được đúng không? Tôi cho cả hải sâm, bào ngư với tôm hùm vào nấu kèm, dinh dưỡng đầy đủ, mùi vị chắc không đến nỗi nào đâu nhỉ?”
Tạ Tịch nhìn chòng chọc bát cháo hải sản đắt đỏ đến cực điểm này, cố nhẫn nhịn mà không được: “Thầy đã nếm thử cháo chưa?”
Giang Tà đáp: “Tôi đong ít gạo nên nấu chẳng được bao nhiêu, sợ thiếu nên không nỡ ăn.” – Lượng cơm bạn nhỏ ăn rất lớn, y sợ cậu ăn không đủ no.
Khóe miệng Tạ Tịch giật giật: “Thầy cho mấy thìa muối vậy?”
“Một thìa, sách dạy nấu ăn ghi… Khụ… Thì em bị cảm mà, ăn thanh đạm chút sẽ tốt hơn.”
Y chuyển chủ đề rất nhanh song Tạ Tịch vẫn bắt được cụm từ “sách dạy nấu ăn”.


Nấu một nồi cháo thôi cũng cần tra công thức hả? Cơ mà đã tra công thức rồi vẫn thả nửa cân muối vào là sao?
Giang Tà phát hiện ra có điều không ổn, y khẽ hỏi: “Cháo mặn lắm à?”
Y đón lấy chiếc thìa Tạ Tịch đã dùng qua múc một muỗng cháo lên nếm thử, sau đó thình lình đứng bật dậy, xông vào nhà vệ sinh ói lên bồn rửa mặt.
Này đâu phải mặn không mà là mặn chết người!
Lúc trở lại, vẻ phong độ nhẹ nhàng y vẫn duy trì đã tan vỡ: “Đừng ăn nữa, để tôi gọi đồ ăn ngoài.”
Lần đầu nấu cháo mà chẳng khác nào đụng trận Wateloo, thầy Giang cảm thấy vô cùng mất mặt.
Tạ Tịch nhịn không được giật giật khóe miệng, cậu hỏi: “Thầy à, một thìa của thầy to chừng nào?”
Giang Tà chỉ chiếc thìa trong bát Tạ Tịch ăn: “Bằng này.”
Chiếc thìa trong tay Tạ Tịch to chừng quả trứng gà bự, từng này muối, ừm…
Cậu bật cười: “Tại sách dạy nấu ăn cả, trong đó không nói rõ dùng thìa bằng chừng nào.”
Giang Tà: “…”
Mặc dù rất mất mặt nhưng thấy bạn nhỏ cười tươi thoải mái như vậy cũng đáng.
Hình như đây là lần đầu tiên Giang Tà thấy Tạ Tịch cười, kỳ thực thời gian bọn họ quen nhau không lâu nhưng y cảm thấy cậu chắc chắn rất hiếm khi cười.
Tạ Tịch cảm thấy đỡ hơn nhiều rồi, mấy trò cúm vặt này, lúc phát sốt thì khổ không thể tả, mà hết sốt cái là thoải mái hẳn lên.
Cậu bước xuống giường, bảo: “Thầy không cần gọi đồ ăn ngoài đâu, cháo ngon như vậy mà đổ đi thì lãng phí lắm.” – Trong bát nào là hải sâm, bào ngư lẫn tôm hùm, giờ bỏ không ăn Tạ Tịch cảm thấy rất xót.
Giang Tà khuyên nhủ: “Nhưng mặn quá thì sao ăn được?” – Y vất vả nấu một nồi cháo kết quả lại thành thế này, rõ là thêm được không được lại thành mất điểm trong mắt người ta.
Tạ Tịch nói: “Em nấu lại là có thể ăn rồi.”
Giang Tà giật mình: “Em vẫn còn đang ốm mà.”
Tạ Tịch đáp: “Chỉ cảm chút thôi ạ, nào có nghiêm trọng vậy.”
Tạ Tịch bước chân trần xuống đất, Giang Tà vội nói: “Đứng đây đợi, tôi đi lấy cho em đôi dép.”
Tạ Tịch giật mình, từ chối theo bản năng: “Không cần…”
Nhưng Giang Tà đã quay người đi mất rồi, chẳng mấy chốc y đã xách một đôi dép bông trở về: “Phòng ngủ có hệ thống sưởi sàn nhưng dưới bếp thì không, em vừa mới hết sốt, cẩn thận không thừa.”
Nói rồi y tự nhiên cúi người xuống, đặt dép lê bên chân Tạ Tịch.
Tạ Tịch nhìn tấm lưng rộng lớn của y, cõi lòng ấm áp vô cùng, câu cảm ơn đã đến cửa miệng rồi mà không sao thốt lên nổi.
Chỉ nói cảm ơn suông thì hời hợt quá.
Tạ Tịch hỏi: “Thầy đã ăn cơm chưa ạ?”
Giang Tà căn bản không có thói quen ăn sáng, song y sợ dạy hư trẻ con nên bảo: “Tối qua tôi ăn rồi.”
Tạ Tịch nói: “Vậy chờ lát nữa hai thầy trò mình cùng ăn.”
Nói rồi cậu rời khỏi phòng ngủ, vừa đẩy cửa ra đã ăn ngay một cú sốc điếng người.
Cậu sốc không phải vì chung cư này quá rộng rãi, không phải vì lối trang trí vô cùng lịch sự và trang nhã, cũng không phải vì những bức tranh treo tường vừa liếc mắt cái đã biết ngay là vô cùng giá trị, mà bởi…

Quá bừa bộn!
Ghế sô pha bằng da chất đống quần áo, tạp chí vất tứ tung trên thảm lông, bàn trà ngổn ngang lon nước rỗng, ngay cả trên nóc máy chiếu cũng để một cái gạt tàn.
Giang Tà hắng giọng bảo: “Tôi ở một mình nên không để ý…”
Đây nào phải vấn đề có để ý hay không!
Tạ Tịch cũng ở một mình, còn ở trong căn nhà cũ giá rẻ nhất thế nhưng không hề bừa bộn thế này.
Từ bát cháo ban nãy có thể nhìn ra vị giảng viên thuộc tầng lớp tinh anh này chẳng có bao nhiêu kinh nghiệm sinh hoạt, nhưng Tạ Tịch không ngờ tình huống lại nghiêm trọng đến thế.
Cậu không nói gì, chỉ đi thẳng xuống bếp.
Giang Tà không đi theo mà ở lại lặng lẽ thu dọn phòng khách, tốt xấu gì cũng phải… ừm… giấu mấy đồ của mình đi…
Vừa bước vào nhà bếp Tạ Tịch liếc mắt cái đã hiểu ngay.
Nhà bếp trang trí rất đẹp, làm phòng mẫu đăng trên quảng cáo cũng được luôn, đáng tiếc chẳng có chút dấu vết nào chứng tỏ được chủ nhân mang ra sử dụng.
Tạ Tịch có thể tưởng tượng, nhà bếp này từ khi xây lên đến giờ đại khái chỉ để Giang Tà sản xuất ra bát cháo hải sản mặn đến độ người khác phải hoài nghi cuộc đời kia.
Phỏng chừng sáng sớm Giang Tà đã chạy ra siêu thị, đồ đều mua theo sách dạy nấu ăn, đến cả lọ muối cũng mới mở.
Còn chiếc thìa “đầu sỏ” thì to đến độ sắp chặn kín cả miệng lọ.
Cảnh tượng rõ ràng buồn cười này lại khiến cõi lòng Tạ Tịch ấm áp đến lạ.
Đêm qua Giang Tà gần như thức trắng chăm sóc cho cậu đang phát sốt mà sáng sớm còn chạy đi mua nhiều đồ như thế.
Bát cháo hải sản mặc dù không nuốt nổi nhưng lại chứa đựng nhiều thành ý.
Y muốn Tạ Tịch ăn chút cháo lót dạ, khổ nỗi giờ đó căn bản không mua được cháo nên dứt khoát mua đồ về tự nấu.
Đừng bảo đây là lần đầu tiên trong đời Giang Tà nấu cơm đấy nhé?
Tạ Tịch cảm giác quá nửa là vậy, thế là cảnh tượng lung tung beng này trở nên vừa vụng về vừa đáng yêu.
Giang Tà là một thầy giáo tốt, cực kỳ tốt!
Tạ Tịch xắn ống tay áo lên, chuẩn bị xử lý lại món cháo hải sản.
Mặn không sao cả, cùng lắm là nấu thêm ít cháo, trộn lẫn vào sẽ vừa miệng ngay.
Có cách nấu cháo kỹ cũng có cách nấu cháo nhanh, mặc dù nấu nhanh sẽ khiến hương vị kém đi chút ít nhưng lại tiết kiệm thời gian.
Chẳng mấy chốc, nồi cháo hải sản mới đã ra lò.
Giang Tà ngạc nhiên bật thốt một câu khen ngợi: “Bạn nhỏ lợi hại nha!”
Tạ Tịch lười chỉnh lại xưng hô của y, cậu bảo: “Thầy chịu khó ăn ạ, nguyên liệu nấu toàn là đồ ngon, đổ đi thì phí lắm.”
Giang Tà nếm thử một thìa: “Này sao gọi là chịu khó ăn được? Ngon lắm!”
Tạ Tịch nháy mắt chòng ghẹo: “Ăn ngon thì em không dám nhận nhưng chắc chắn là ăn được.”
Bát cháo mà đồng chí Giang nấu, chỉ cần là người có vị giác bình thường đều khó lòng nuốt trôi.

Giang Tà bình tĩnh bảo: “Tôi nào phải vạn năng, bảy mươi còn học bảy mươi mốt(1).”
(1)Thành ngữ ý khuyên người ta phải luôn khiêm tốn, không ngừng học hỏi điều hay từ những người hơn mình.
Nói lý đến độ không cãi vào đâu được.
Tạ Tịch cười đáp: “Thầy nói rất đúng!”
Dứt lời cậu im lặng tập trung húp cháo.
Tối qua Tạ Tịch chưa ăn cơm, lại ốm một trận, sáng sớm được húp một bát cháo nóng phải nói là dễ chịu vô cùng.
Sau khi hai người ăn uống no đủ, Giang Tà bảo: “Bát cứ để đó là được, lát tôi bảo dì giúp việc xử lý.”
Tạ Tịch nói: “Có mỗi hai chiếc bát thì để đó làm gì?” – Cậu bê bát đi rửa, còn thuận tiện dọn dẹp qua nhà bếp.
Giang Tà thấy mà xót hết cả lòng.

Một cậu trai mười tám tuổi bình thường sẽ làm việc nhà thành thạo đến vậy sao?
Đứa trẻ này đúng là khiến người khác đau lòng.
Buổi sáng Giang Tà có lớp, trước khi ra cửa y dặn dò: “Ở lại nghỉ ngơi cho khỏe, tôi đã xin nghỉ cho em rồi.”
Tạ Tịch quýnh lên: “Em không sao mà!”
Không thể chậm trễ việc học được, chương trình học năm nhất rất nhiều, nghỉ một buổi…
Giang Tà nói: “Yên tâm đi, tôi sẽ trích thời gian dạy bù cho em, đảm bảo làm ít công to.”
Tạ Tịch do dự.
Giang Tà lại nói: “Tôi xin nghỉ xong xuôi rồi, còn bảo với giảng viên các bộ môn khác là em ốm không xuống nổi giường, giờ em mà đi há chẳng phải thành tôi nói láo?”
Lời y nói khiến Tạ Tịch đang sốt sắng muốn đến trường phải suy nghĩ lại: “Vậy để em về nhà nghỉ ngơi.”
Giang Tà lại khuyên: “Đừng tự làm khổ bản thân nữa, nhà tôi không còn ai khác, em cứ yên tâm đánh một giấc đi.”
Tạ Tịch còn muốn nói nữa nhưng lại bị Giang Tà ngắt lời: “Em coi còn nửa con tôm hùm trong tủ kìa, nếu giữa trưa em không nấu ăn hết, đợi đến lúc tôi về chỉ có nước vứt đi.”
Thức ăn tận mấy trăm tệ một cân cứ thế nói vứt là vứt luôn hả?
Ruột gan Tạ Tịch đau như cắt.
“Vậy thầy…” – Cậu hỏi Giang Tà: “Trưa thầy có về ăn cơm không?”
Giang Tà cũng muốn về lắm, nhưng trưa y có hẹn với người ta rồi: “Vì trưa không về được nên tôi mới hy vọng em ăn hết chỗ thức ăn còn dư lại đó.”
Tạ Tịch dao động rồi.
Với tác phong của Giang Tà, cậu không chút nghi ngờ về kết cục của nửa con tôm hùm còn lại, chắc chắn nó sẽ phải chui vào thùng rác không sai.
Giang Tà đi rồi, Tạ Tịch lại uống thêm lượt thuốc nữa.
Thuốc cũng là Giang Tà mua, mặc dù không biết bao nhiêu tiền nhưng nhìn bao bì đã biết đắt đỏ.
Giờ cậu không có cách nào trả y tiền, vấn đề ở đây không phải có hay không mà là không đủ thành ý.
Giang Tà sẽ không để ít chút tiền này, cậu trả lại chỉ sợ sẽ khiến người ta thất vọng.
Ơn nghĩa này sao có thể trả hết chỉ bằng việc thanh toán tiền thuốc men?
Tạ Tịch nhìn căn phòng lộn xộn bèn xắn tay áo lên, bắt tay vào việc dọn dẹp.

Việc cậu có thể làm được không nhiều, giúp được Giang Tà bao nhiêu hay bấy nhiêu vậy.
Buổi tối Giang Tà đi làm về còn tưởng là mình vào nhầm nhà.

Đây là nhà y hả?
Trong nhà y giấu một nàng tiên ốc sao?
Hôm sau lúc lên lớp, Giang Tà không hề bất ngờ tìm được bóng dáng người bạn nhỏ luôn khiến bản thân trở nên mờ nhạt kia.
Cậu ngồi trong một góc rất khuất nhưng nghe giảng cực kỳ chăm chú.
Chờ sau khi tan học Giang Tà mới đến tìm cậu: “Đi theo thầy!”
Rất có phong thái của giảng viên.
Tạ Tịch theo sau đến phòng làm việc của y.
Vừa vào phòng đóng cửa lại, biểu hiện giả dối của thầy Giang lập tức tan vỡ.
Y cong môi cười nói: “Tối qua lúc tôi về nhà còn tưởng trong nhà có nàng tiên ốc nào chứ… À… Hẳn phải gọi là chàng tiên ốc nhỉ?”
Tạ Tịch dọn dẹp nhà y vô cùng sạch sẽ ngăn nắp.
Giang Tà ngoài miệng thì nói có dì giúp việc, kỳ thực trước giờ y không muốn người ngoài bước vào nhà mình nên vẫn cố chịu đựng sinh hoạt cẩu thả của bản thân.
Tạ Tịch đã quen với vẻ không đứng đắn của y, cậu nói: “Hôm qua làm phiền thầy đã chăm sóc em.”
“Không có gì!” – Giang Tà nghiêm túc hỏi: “Em vẫn định tiếp tục làm việc ở Khinh Yên sao?”
Tạ Tịch không đáp lời.
Giang Tà nhíu chặt mày, lại hỏi: “Tìm công việc khác không được sao? Như dạy thêm chẳng hạn.”
Tạ Tịch đáp: “Em nhận hai suất dạy thêm cuối tuần rồi.”
Giang Tà giật mình: “Vậy còn chưa đủ hả?”
Tạ Tịch chưa từng kể với ai chuyện này: “Chỉ dạy thêm thôi không đủ.

Em còn phải tích tiền học phí cho kỳ sau nữa, sang năm hai sẽ có rất nhiều tiết thực hành, em phải… mua máy tính.

Chương trình học năm nhất rất kín, cả ngày đều ở trên lớp, chỉ có ban đêm mới đi làm thêm được, làm ở Khinh Yên là thích hợp nhất.”
Tạ Tịch phải ôm dũng khí cực lớn mới dám nói ra những lời này.
Cậu quen sống một mình, quen với việc im lặng chịu đựng tất cả gian khó, cũng không quen dựa dẫm vào ai, cho nên không cần phải chia sẻ với bất kỳ người nào.
Nói ra cũng vô dụng, thứ cậu nhận lại chỉ là sự đồng tình và tình cảnh càng lúng túng hơn thôi.
Tạ Tịch rất biết ơn Giang Tà, cậu nói ra những điều này không phải đang đòi hỏi sự giúp đỡ từ y mà chỉ đơn thuần là không muốn lừa dối, cũng không muốn y hiểu lầm.
Giang Tà rất sốc.
Tạ Tịch cảm thấy mất tự nhiên, cậu miễn cưỡng cười bảo: “Chờ… Chờ qua khoảng thời gian này mọi thứ sẽ ổn hơn thôi.

Em quen một đàn anh đang chạy một hạng mục, em sẽ bớt thời gian giúp anh ấy, nếu công việc thuận lợi hẳn có thể nghỉ việc ở Khinh Yên.”
Giang Tà tỉnh hồn lại, trái tim y đau âm ỉ, lại không thể biểu hiện ra ngoài.
Lòng tự trọng của bạn nhỏ quá lớn, sự đau lòng mình thể hiện ngược lại chỉ tạo thành tổn thương sâu sắc với cậu ấy.
Giang Tà lặng đi mấy giây, điều chỉnh giọng điệu sao cho tự nhiên nhất có thể: “Em đến làm việc giúp tôi đi!”
Tạ Tịch ngẩn ra.
Giang Tà cong môi nở nụ cười thiếu đòn: “Tới làm chàng tiên ốc của tôi thì sao?”.