Trò Chơi Chết Chóc

Chương 86




Dịch: Hạnh / Ảnh: Jas

Dư Tô thấy có một ông cụ bị móc hai mắt mò mẫm bước xuống xe, sau đó quay người, hướng mặt vào cửa xe rồi giang hai tay ra.

Tiếp theo đó, có cô bé trông có vẻ như mới chừng năm, sáu tuổi đưa tay ôm lấy ông cụ.

Ông cụ ôm cô bé bằng một tay, quay người lại, tay trái giữ một thanh gỗ dài hẹp dò đường, ông cẩn thận bước qua ngưỡng cửa rồi tiến vào phòng.

Lúc này Dư Tô mới để ý thấy đôi chân cô bé này bị cong vẹo rất mất tự nhiên, có vẻ như là... đã bị người ta bẻ gãy.

Người cuối cùng bước khỏi xe trông lại hệt như một loài động vật thân mềm, cứ thế trườn bò xuống mặt đất.

Anh ta không có chân, nửa thân dưới tính từ mông trở xuống trống không, chỉ có thể mượn sức hai tay mà chầm chậm bò dưới mặt đất.

Ngoài đời thật Dư Tô cũng từng nhìn thấy những người hao hao anh ta nhiều lần, nhưng giờ bắt gặp lòng cô lại vẫn chùng xuống.

Lý Nhị hỏi người đàn ông bước vào đầu tiên: "Lão Tứ, hôm nay kiếm được bao nhiêu?"

Mã Tứ mỉm cười, vỗ chiếc túi đeo chéo người: "Cũng tạm, làm được hơn bốn nghìn."

"Ồ, cũng được phết đấy." Lưu Ngũ cười nói: "Vậy tối nay phải ăn món gì ngon ngon chút chứ?"

Mã Tứ nói: "Đương nhiên rồi, tôi mua cho mấy người rồi đấy. Đồ tôi để trên xe, cậu tự đi lấy đi."

Giờ sự chú ý của đám người chơi đều đổ dồn về một phía. Bọn họ đếm thấy trừ tên côn đồ chăn dắt ra, có tổng cộng sáu người vừa bước từ xe xuống.

Sáu người này im lặng không nói một lời, sau khi vào nhà thì lần lượt tiến thẳng vào căn phòng bên trái.

Trông dáng vẻ bọn họ dường như đã chết lặng với cuộc sống này từ rất lâu rồi.

Lúc này, cuối cùng giờ "luyện tập" cũng đã chấm dứt, đám quản lý lôi xấp tiền từ túi ra đếm lại một lượt, ghi vào cuốn sổ nhỏ. Rồi Lưu Ngũ và Lý Nhị ở lại để ba người kia rời đi.

Mấy nghìn tệ kiếm được hôm nay phải đưa phân nửa cho một người được họ gọi là "anh Long", rồi đám côn đồ mới cùng chia chác phần còn lại.

Nghe lời trò chuyện của đám người này, có vẻ bọn họ đều đã có gia đình riêng, mua được nhà trong trung tâm thành phố. Bọn họ thay phiên nhau tới đây trông coi những kẻ ăn mày, hôm nay tới lượt Lưu Ngũ và Lý Nhị, ba người còn lại thì có thể trở về nhà.

Còn nơi này đây là một căn làng nhỏ hẻo lánh cách thành phố hai tiếng lái xe.

Dư Tô để ý thấy đám côn đồ bỏ đi mà không đóng cổng, Lý Nhị và Lưu Ngũ cũng không để tâm đến cánh cổng đang mở toang, dường như hoàn toàn không quan tâm tới việc có thể đám ăn xin sẽ bỏ trốn.

Đám người chơi đưa mắt ra hiệu với nhau, nhưng không ai dám hành động thiếu suy nghĩ, chỉ e cửa có mở cũng chẳng dám chạy.

Sắc trời cũng đã ngả xám, Lưu Ngũ tiến vào gian nhà chính, xách theo một túi bánh bao chay và dưa cải muối, hắn đứng chính giữa sân, hô lớn: "Ăn cơm."

Đường Sam là người đầu tiên tiến lại, thật sự cô ta đang vừa mệt vừa đói, đã muốn tìm thứ gì bỏ bụng từ nãy rồi.

Dư Tô và Ngô Nhĩ cũng bước tới, đám người chơi đi theo sau bọn họ, người cuối cùng tiến ra ngoài là Lý Vân.

Đám ăn xin vừa vào khi nãy cũng lục tục rời phòng. Không thấy đứa bé đi lại khó khăn và người đàn ông không có chân đâu, mấy người ăn xin khác bèn giúp họ lấy hai miếng bánh bao mang về.

Dư Tô im lặng suy nghĩ, cô cầm bánh bao vừa ăn vừa chầm chậm bước lại căn phòng nằm phía bên phải cổng chính.

Lưu Ngũ và Lý Nhị đều nhìn thấy rõ nhưng cũng chỉ khẽ liếc cô mà không hề động đậy.

Nếu bọn họ không ngăn những người ăn xin giao tiếp với nhau, vậy nguyên nhân Ngô Nhĩ bị đánh đập vì dám đỡ Anh Què ắt không phải do Lưu Ngũ sợ đám ăn mày liên kết chống lại bọn họ.

Thấy Dư Tô tiến vào căn phòng một cách bình yên vô sự, những người chơi khác cũng định theo vào, nhưng cũng biết nếu tất cả hành động cùng lúc, đám côn đồ ắt hẳn sẽ nghi ngờ, vậy nên cũng chẳng ai dám ngo ngoe.

Một mình Dư Tô tiến vào phòng, rồi lại ngửi thấy thứ mùi chua loét khiến người ta chỉ muốn ói mửa.

Căn phòng này cũng không khác phòng đám người chơi là bao, cực kỳ thiếu sáng, bí bách chẳng có chỗ thông gió.

Lúc này chàng trai cụt chân đang ngồi trên chiếc đệm mềm, lưng dựa vào tường, nói chuyện cùng ông cụ bị khoét mắt.

Cô bé bị bẻ quặt chân đang im lặng ngồi cạnh ông cụ, vẻ mặt cô bé ngây thơ, cứ nhấm nháp cắn từng miếng bánh bao một.

Dường như đối với cô bé mà nói, vị cay cay tê tê của món dưa cải muối như hương vị của một món đồ ăn vặt ngon miệng. Khi nhấm nháp bánh bao, cô bé còn chẳng nỡ ăn một miếng. Phải ăn hết chiếc bánh bao rồi em mới dám chầm chậm thưởng thức món dưa cải muối quý giá.

Cô bé con này vô cùng đáng yêu, dù mặt bị cố tình bôi nhọ bẩn, đôi mắt vừa to vừa sáng của cô bé vẫn cứ lấp lánh như sao, khiến người ta thấy mà thương.

Nếu được ở bên cha mẹ, hẳn cô bé phải là một cô công chúa nhỏ mặc váy áo xinh đẹp mới đúng.

Bé cầm một miếng cải muối, liếm mấy cái như thể báu vật, tới khi miếng dưa cải đã gần như chẳng còn vị gì nữa, cô bé mới dùng răng cửa cắn từng xíu một mà nhai chầm chậm, trông như thể một chú thỏ nhỏ vậy.

Dư Tô dời mắt, chẳng dám nhìn đứa trẻ nữa, nếu không tim cô sẽ lại như bị ai dùng dao cứa lấy.

Thấy Dư Tô bước vào, những người trong phòng chẳng phản ứng lại nhiều. Dù rằng giờ Dư Tô không biết họ, nhưng họ lại đã biết rõ cô từ trước.

Chàng trai cụt chân vẫy tay với Dư Tô, khàn giọng hỏi cô: "Hôm nay lại bị đánh rồi à?"

Dư Tô cúi đầu nhìn bàn tay loang lổ máu của mình, gật đầu, bước tới gần người đàn ông rồi ngồi thẳng xuống cạnh anh ta.

Ông cụ mù nghiêng đầu về phía Dư Tô, khi cười lên, những nếp nhăn ngang dọc trên gương mặt ông trông lại có vẻ tang thương tột cùng.

Ông nói: "Linh Tử à, cháu lại bị đánh rồi sao? Chữ viết chưa được đẹp hả? Cháu phải học anh Cảnh cháu, nó viết chữ đẹp lắm."

Giờ Dư Tô mới biết tên mình có một chữ "Linh". Cô gật đầu, cười đáp lời ông rồi hỏi: "Hôm nay ông ra ngoài thế nào? Có gặp được chuyện gì thú vị không?"

Dù rằng đã gặp rất nhiều người ăn xin ngoài đường nhưng Dư Tô không biết nên nói gì với họ mới phải, chỉ đành thuận miệng hỏi một câu.

Hai người nọ còn chưa đáp, cô bé con đã nói với vẻ hưng phấn: "Chị Linh Tử, sáng nay có một cô cho em một cái kẹo mút to lắm lắm!"

Cô bé khoa tay múa chân vẽ ra trên không trung một hình tròn lớn chừng miệng bát, cười tít mắt: "Chú Cảnh bảo đó là hình gấu trúc. Em chưa thấy gấu trúc bao giờ, nhưng mà cái kẹo kia ngọt lắm! Nhưng... em mới ăn được một miếng chú Mã đã lấy mất rồi."

Dư Tô khịt mũi, đưa chiếc bánh bao và bọc dưa muối nhỏ mình vẫn chưa động vào cho cô bé: "Chị không có kẹo mút, nhưng chị cho em bánh bao và dưa cải muối, em có muốn không?"

Cô bé con ngẩn ra, đưa mắt nhìn bọc dưa cải muối, dường như cũng rất muốn nhưng không dám đưa tay nhận, cô bé quay sang nhìn ông cụ.

Dù cặp mắt không nhìn thấy nhưng dường như ông cụ vẫn biết cô bé đang làm gì, ông bèn cười bảo: "Ninh Ninh, không được lấy đâu. Con mà lấy thì chị Linh Tử ăn gì?"

Ninh Ninh mím môi, "Vâng" một tiếng, nói: "Chị Linh Tử, chị ăn đi, em ăn no rồi! Nếu không no thì em vẫn có thể đi lấy thêm bánh bao mà."

Dù rằng đám ăn xin bọn họ sống trong khổ sở đày đọa, nhưng dù sao lũ côn đồ vẫn phải dựa vào họ để kiếm tiền, đảm bảo sẽ cho họ ăn no, nhưng món dưa cải muối một đồng một túi thế này, mỗi bữa đám côn đồ cũng sẽ chỉ cho họ vỏn vẹn một túi mà thôi.

Anh chàng cụt chân ăn nốt miếng bánh bao cuối cùng rồi nói với Dư Tô: "Em lấy phấn ra đây, để anh xem chữ em, nhân lúc trời còn chưa tối anh dạy em viết."

Dư Tô vội ra ngoài mang hộp phấn vào, anh ta bèn thổi đám bụi trên đất, để Dư Tô viết cho mình xem mấy chữ.

Sau hai tiếng đồng hồ bị đánh đòn liên tục, giờ Dư Tô cũng đã hơi hiểu cách viết, chỉ là chữ cô vẫn chỉ được coi như tạm được, hoàn toàn không sánh được với chữ viết của những người ăn xin bên lề đường cô từng thấy.

Nhưng Dư Tô nghe lời chàng trai, cầm phấn tới đương nhiên không phải vì muốn lưu lại đây trường kỳ để luyện chữ đẹp ăn xin, mà do muốn nhân cơ hội tạo lập quan hệ tốt với anh ta, vậy mới có thể dễ dàng moi móc thêm thông tin hữu ích.

Vừa luyện chữ, Dư Tô vừa gặng hỏi thêm được thông tin về tình hình hiện tại.

Đầu tiên, ngôi làng nhỏ hoang vu này đã bị bỏ hoang từ lâu rồi, chỉ vài hộ ngoài đầu làng là còn người già và trẻ em lưu lại, những người trẻ tuổi đều đã chuyển vào thành phố làm công.

Vì nơi đây cách thành phố rất xa, xung quanh cũng chẳng còn thôn xóm nào khác nên lũ côn đồ cũng chẳng lo đám người tàn tật này có cơ hội bỏ chạy.

Vả lại, trong ngôi làng này cũng chẳng phải chỉ có một mình đội ăn xin như bọn họ, ngôi nhà bên cạnh đã bị bán đi, có vài người chuyển về ở rồi.

Dù lũ côn đồ này không nằm cùng trong một đường dây, nhưng cũng thường phối hợp với nhau. Nếu nơi này có người chạy trốn mà đám bảo kê bên kia phát hiện, bọn chúng cũng sẽ ra tay bắt giúp.

Còn có chuyện này nữa, dù cùng là đám ăn xin bị người ta hành hạ với nhau, cũng sẽ có kẻ sẵn sàng quay lưng tố giác người cùng cảnh.

Bởi vì đám côn đồ đã hứa ai tố giác với chúng kẻ định chạy trốn, chúng sẽ cho người này được ở phòng riêng, mỗi bữa đều có thịt mà ăn, thậm chí còn miễn luôn đòn roi.

Cũng từng có người nhân lúc đang ăn xin mà cầu xin người qua đường cứu giúp, kết quả là người qua đường bị tên côn đồ nấp ở gần đó dọa chạy mất dạng, đừng nói là báo cảnh sát mà tới thốt một chữ thôi cũng chẳng dám.

Đương nhiên cũng có người đồng ý giúp họ báo cảnh sát, nhưng sau khi báo cảnh sát xong thì cũng chẳng ai ngó ngàng, mà trái lại ngay đêm đó, người ăn xin đã dám liều mạng xin cứu giúp đã bị đánh chết tươi ngay trước mặt mọi người. Việc này dường như đã đập tan đi ý định bỏ trốn của tất cả những người khác.

Việc từ bỏ ý định trốn chạy cũng có một vài nguyên nhân khác. Ví dụ như có vài người đã thích nghi với cuộc sống hiện tại, không còn bị đánh đòn do luyện tập chưa được tốt, "công việc" của họ cũng chỉ là ngồi bên đường, chẳng cần làm gì cũng đã kiếm được tiền.

Cũng có vài người vốn đã cui cút một mình, giờ lại bị đám côn đồ hại thành què tay cụt chân, họ thấy dù có trốn được khỏi đây thì một người tàn tật vô dụng như mình cũng chỉ có thể sống bằng cách đi xin ăn, còn bị lũ ăn mày khác cướp tiền, bắt nạt, cũng chẳng khác gì với cuộc sống hiện tại, thậm chí xem chừng còn thảm thương hơn.

Có muôn ngàn những lý do này, đám côn đồ cũng chẳng buồn lo lũ ăn xin trong tay mình chạy trốn nữa.

Vậy nên cứ mỗi tối đám ăn xin "làm việc" xong, trở về làng, phòng bọn họ đều được mở hẳn khóa, thậm chí mấy người ăn xin còn có thể ra ngoài đi qua đi lại trước khi trời tối.

Tác giả: Có người nói với chúng tôi anh ta bị người ta ép đi ăn xin, nhưng lại không muốn chúng tôi báo cảnh sát, còn bảo chúng tôi không được nói chuyện này ra, sợ bị phát hiện, cho ăn đòn.

Lúc đó chúng tôi cũng không hỏi kỹ tại sao anh ta không muốn chúng tôi báo cảnh sát, về sau cũng không gặp lại nữa, mấy nguyên nhân trong truyện đều là tôi bịa ra cả.