Trí Tuệ Đại Tống

Quyển 7 - Chương 6: Thương cổ đầu tư




Vẫn biết Vân Tranh rất trẻ, tới khi giáp mặt Văn Ngạn Bác mới thấy một vị quốc hầu hai mươi mốt tuổi trẻ tới mức nào, còn nói về ấn tượng của ông ta với Vân Tranh có phần hỗn loạn, lúc thì nhã nhặn ôn hòa, khi thì chân thành đầy chính khí, lo dân lo nước, lát tỏ ra giảo hoạt đa đoan, thậm chí có chút lưu manh. Sự thiếu nhất quán của Vân Tranh được Văn Ngạn Bác quy vào do không cam tâm giao trả binh quyền, điều này ông ta thấy ở nhiều người rồi, đồng thời củng cố thêm phán đoán trước kia của bọn họ, Vân Tranh chưa thành thục, khó thuần, khó đoán.

Chắc chắn nhất, y không phải người dễ đối phó.

Nếu như không có xung đột lợi ích trực tiếp, không người nào đầu óc tỉnh táo lại muốn đắc tội với một người dùng đại công tiến vào tầng lớp huân quý như Vân Tranh, nay y đã là quốc hầu, có nghĩa là vận mệnh của y và Đại Tống đã gắn liền làm một.

Con người thì luôn phải chọn phe cho mình, Vân Tranh tỏ ý muốn tự giải binh quyền, tức là y đứng về phe hoàng đế rồi, ai đắc tội với y là đắc tội với hoàng đế.

Từ sau cuộc nói chuyện ngày hôm đó, Vân Tranh dùng hành động thực tế của mình chứng minh cho Văn Ngạn Bác thấy mình vui vẻ bỏ binh quyền, y nói với Dư Tĩnh, nếu như muốn lập lại quân đội Quảng Nam, tốt nhất lôi kéo một số quân tốt Vũ Thắng quân, mặc dù những người đó còn kém rất xa so với yêu cầu của Vân Tranh, nhưng với Quảng Nam mà nói thì bọn họ là tinh nhuệ rồi.

Những người đã có gia đình tất nhiên không muốn rời xa Thục, hoặc Hoàn Châu, nhưng những binh sĩ độc thân thì rất động lòng với điều kiện Dư Tĩnh đưa ra, quan quân Quảng Nam bị Địch Thanh chặt đầu cả mớ, lần này bỏ chạy Dư Tĩnh không nương tay, tên nào trong quyền hạn là đuổi sạch, muốn quan chức đi mà xin binh bộ, võ chức để trống đó tất nhiên hứa cả cho Vũ Thắng quân.

Lần này Dư Tĩnh không nể mặt ai hết, thậm chí là cả hoàng đế, trong số đám người kia còn có họ xa của hoàng tộc, con cháu thế gia, bất kể là ai bị chính thuộc hạ của mình vứt bỏ trên chiến trường đều không tha thứ cho kẻ vứt bỏ mình, không ai dám mặt dày cầu xin Dư Tĩnh cả.

Dư Tĩnh còn mở một cuộc thi ở thành Ô Sào, trước kia ông ta từng là chủ khảo đại thí, tất nhiên đủ tiêu chuẩn rồi, đối tượng đi thi là mười hai tên quân hầu, khi chấm bài Dư Tĩnh còn mời Văn Ngạn Bác tham gia, có hai người bọn họ, tầng cấp cuộc thi này không thua kém đại khảo Đông Kinh nữa.

Còn hơn, vì chính Vân Tranh cầm gióng mía đi qua đi lại coi thi, không cho tên nào gian lận, có kỳ thi nào lại do đích thân một vị hầu gia làm giám thị không?

Kết quả chấm thi có ba người bị đánh giá là không hợp cách, có nghĩa là dù bọn họ tham gia đại khảo thì cũng trượt, khi ba người kia thương tâm, mất hết mục tiêu sống thì sự quan tâm chu đáo từng li từng tí của Dư Tĩnh cũng liên tiếp đổ xuống.

Nào là trạch viện ở Ung Châu, nào là võ quan lục phẩm, những lời hứa hẹn bày ra trước mặt, nếu chẳng phải Dư Tĩnh mang ngạo cốt của quan văn thì loại lễ vật làm người ta nhiệt huyết sục sôi như mỹ nữ cũng xuất hiện.

Vân Tranh tiếp tục gặm mía, y sẽ còn đi rất xa, những người này không theo kịp bước chân của y, nay được đường lui tốt còn gì bằng, ít nhất ở Quảng Nam, địa vị bọn họ không thể thay thế.

Văn Ngạn Bác luôn bàng quan nhìn hành vi đào tường khoét vách Vũ Thắng quân của Dư Tĩnh, ông ta chẳng quan tâm Dư Tĩnh moi đi bao nhiêu người, chỉ muốn xem phản ứng của Vân Tranh, xem xem y có phải thực sự muốn bỏ Vũ Thắng quân hay không?

Vân Tranh thực sự không quan tâm, còn nhiệt tình giúp Dư Tĩnh làm văn thư, hướng đi của sương quân đại bộ phận do một lời của tướng chủ định đoạt, khác hẳn với cấm quân, hệ thống quản lý không có nhiều hạn chế, chỉ cần là từ sương quân này sang sương quân khác, thủ tục đơn giản tới khiếp người.

Vì thế khi Vân Tranh gõ trống tụ tướng toàn quân doanh phân chia chiến lợi phẩm liền thiếu mất ba vị quân hầu, bất ngờ nhất là vẫn có mặt Bành Cửu, tên này là đối tượng mà Dư Tĩnh ra sức lôi kéo, không ngờ hắn dứt khoát từ chối, không cả kịp cho ông già ra điều kiện.

Vũ Thắng quân phát tiền có quy định đâu vào đó rồi, Văn Ngạn Bác nhíu mày nhìn con số khiếp người ghi trên tấm bảng đỏ đặt trước lều soái, mấy lần không kìm được muốn chất vấn Vân Tranh, một quân tốt làm sao được thưởng tới bốn mươi quan năm trăm sáu mươi đồng?

Cứ tưởng bảng đỏ công bố, toàn quân sẽ hò reo ăn mừng, ai ngờ những người kia chỉ nhìn con số trên bảng, sau đó là giải tán, ai việc gì thì làm việc nấy, vô bi vô hỉ.

Khoản tiền thưởng lên tới hai mươi tư vạn sáu nghìn quan làm tim Văn Ngạn Bác nhỏ máu, nếu số tiền đó chất lên nó là cả một ngọn núi đồng cao hơn Tử Thần điện, nơi quan gia ngày ngày lên triều, nên biết, mỗi năm Đại Tống chỉ đúc 30 vạn quan tiền mới thôi.

- Phía bỏ tiền là thương cổ? Văn Ngạn Bác nghe phó dịch báo tin tức nghe ngóng được, thất kinh không thôi, Vân Tranh làm sao khiến đám người tham lam đó cam tâm tình nguyện trả tiền cho binh tốt?

Vội vàng rời khỏi lều tới nơi phát tiền, nhìn thấy thương cổ cười híp mắt, không ngừng chắp tay nói với quân tốt "chúc mừng phát tài", cười còn hiền hòa hơn phật Di Lặc.

Tô Tuân nhìn thấy Văn Ngạn Bác cứ loanh quanh lẩn quẩn bên chỗ phát thưởng, sao chẳng hiểu ý ông ta, vội vàng rời chỗ, đi tới chắp tay nói: - Tam ti sứ có gì nghi vấn cứ hỏi, hạ quan biết sao nói vậy.

- Làm sao thương cổ lại bỏ ra những 24 vạn quan tiền thưởng cho sĩ tốt, theo lão phu biết số tiền này bằng tài phú nửa năm toàn bộ đất Thục rồi. Văn Ngạc Bác không dấu được nghi ngờ nữa:

- Mời tam ti sứ vào lều nói chuyện. Tô Tuân đưa tay ra mời:

Phó nhân mang lên một ấm trà, rồi khom người lui ra, Tô Tuân đích thân rót đầy chén trà, nói: - Thương cổ đất Thục không dưới sáu nghìn nhà, hai mươi bốn vạn quan phân chia tới sáu nghìn nha này, mỗi nhà chỉ bỏ ra chưa tới bốn mươi quan, hình dung như thế hẳn tam ti sứ đã thấy số tiền đó thực ra không phải là lớn lắm.

- Trước khi xuất binh tướng chủ đã cùng những thương gia đó ký hiệp ước, chiến lợi phẩm thu được, ngoại trừ lương thực, tiền đồng trả lại địa phương, còn các loại hàng hóa khác giao cho họ tiêu thụ, ngài cũng nhìn thấy rồi, những đội lừa ra vào trong quân doanh không ngớt, mười ngày mới chỉ đưa đi được một phần ba thôi.

Tay cầm chén trà của Văn Ngạn Bác run một cái, nhanh chóng khôi phục bình tĩnh, uống ngụm trà, khen không ngớt miệng: - Bản quan nghe nói Quảng Nam nay khắp nơi trồng hoa nhài, có liên quan tới chén trà này không?

- Đúng là như thế, những thương cổ theo quân trong lúc chờ đợi quân sĩ xuất chinh, đi khắp nơi tìm hiểu đặc sản đương địa, phát hiện nơi này rất thích hợp trồng hoa nhài, nên đưa ra đề nghị này, an phủ sứ Dư đại nhân thấy đây là chuyện mang phúc lợi bách tính, giúp Quảng Nam nhanh chóng ổn định lại, nên ra sức thúc đẩy, thương cổ đã ký hiệp ước với bách tính, còn trả trước một phần tiền công.

- Thương cổ từ lúc Vũ Thắng quân xuất quân đã ứng trước rất nhiều tiền lương, thế nên Vũ Thắng quân mới có trang bị lương thảo hoàn thiện như thế? Nếu không Vũ Thắng quân lấy đâu ra, nếu không có họ, Vũ Thắng quân giờ có lẽ vẫn ở Thục, quân lương triều đình cấp sương quân ra sao, hẳn không cần hạ quan nói nữa.

- Vũ Thắng quân cũng không phải dùng miễn phí tiền lương của họ, tất nhiên giúp họ khai thác thương đạo, ưu tiên bọn họ tiêu thụ chiến lợi phẩm thu được từ Nông quân, điểm này hạ quan là tham quân, quyết không dấu diếm bất kỳ ai. Vì thế thương cổ được lợi, số tiền bọn họ ứng trước thực ra là tiền đầu tư vào Vũ Thắng quân.

- Việc này vì sao không sớm báo hộ bộ, nếu như... Văn Ngạn Bác vốn định nói nếu như hộ bộ đầu tư thì lúc này quốc khố đã thu được một khoản lớn chứ không phải rơi vào tay thương cổ, nhưng nói được một nửa liền ngừng, hộ bộ sẽ không bao giờ bỏ tiền đầu tư vào một đám sương quân, hơn nữa nghĩ tới thủ tục rườm rà, cùng qua tầng tầng ăn chặn, rốt cuộc lại rơi vào tay quyền quý, hoàng tộc, quốc gia chẳng được bao nhiêu.