Trí Tuệ Đại Tống

Quyển 14 - Chương 62: Chưa đi chưa tin




Xong xuôi mọi việc rồi Trần Lâm mới phát hiện, kiếm người đưa thư của Vân Tranh tới Liêu là chuyện gian nan.

Đi khắp doanh trại mà không tìm thấy một ai có thể đem thư đi mà còn sống trở về được, trải qua huyết chiến vô số, Trần Lâm giờ không đành lòng để thuộc hạ đi nạp mạng vô nghĩa, ai chẳng biết đem lá thư chân tình thắm thiết của đại soái tới tay Liêu hoang, chút xíu khả năng trở về một phần cũng không có.

Nay Liêu hoàng như trâu đực động dục, chút kích thích nhỏ cũng khiến hắn nổi điên.

Đầu của Hề Cốc Tán nay trong lều của Vương An Thạch, cái ông già cố chấp đó dẫn hơn ba nghìn phụ nữ trẻ nhỏ còn chưa về tới Trung Kinh đạo đã bị Da Luật Hồng Cơ hạ lệnh chặt đầu, chuyên môn tặng cho Vân Tranh, nói là gian tế nước Tống chết còn chưa hết tội.

Vân Tranh không dám tưởng tượng kết cục của những người bị biếm thành doanh kỹ sẽ ra sao, lòng tốt của Hề Cốc Tán đã đẩy họ tới mười tám tầng địa ngục, ông già ấy chết cũng không nhắm mắt, bây giờ cái khuôn mặt đó còn chứa đầy phẫn nộ và tuyệt vọng.

Mới đầu Vương An Thạch còn hỏi Vân Tranh có muốn cái đầu này không, y nhất quyết từ chối, lần này không có Lý Thường, ông ta đi Đường huyện rồi, trong quân chắc không còn tên biến thái nào nữa.

Ai ngờ rằng nửa tuần trà sau Vương An Thạch kiếm được bốn cao thủ chuyên môn, làm Vân Tranh không nói ra lời, từ ánh mắt khinh bỉ của Vương An Thạch, biết rằng đời này đừng hòng xóa được cái tiếng thích chế người nến.

Hề Cốc Tàn mang lòng tốt làm chuyện xấu, ông ta cho rằng người mình thì nhất định lương thiện và khoan dung hơn kẻ địch, ông ta cho rằng về tới bên cạnh người mình sẽ có vòng tay ấm áp chào đón.

Vân Tranh không muốn tưởng tượng tâm trạng trước khi chết của ông ta như thế nào, y và đám Trần Lâm đều quá rõ kết cục nếu ông ta trở về, ông già đó mang theo tấm lòng son sắt, nghĩ rằng mình chết có thể làm nguôi lửa giận của hoàng đế.

Trong lòng không vui, Vân Tranh liền nấu lẩu ăn, mùi thơm của nồi lẩu lại dụ kẻ đáng ghét tới.

Văn Ngạn Bác mặt dày tới quân trướng của Vân Tranh, cùng đám Trần Lâm, Tô Tuân, Vương An Thạch ngồi ăn cứ như chưa từng có chuyện gì, Trường Thành cũng không thể dày bằng mặt quan văn Đại Tống.

- Đây là món ăn do Vân phu nhân làm ra, gọi là miến. Tô Tuân gắp thứ dài dài trong trong cho vào bát Văn Ngạn Bác, cố gắng hòa hoãn bầu không khí:

Văn Ngạn Bác ăn một bát miếng, chùi mép nói: - Có câu cơm càng trắng tinh thích, thịt thái càng nhỏ càng ngon, tôn phu nhân có tài nghệ như vậy thật hiếm có.

Trần Lâm gần đây mắc cái bệnh thích khoe khoang, cười hăng hắc nói: - Thực ra chuyện này có điển cố, Vân gia tiểu thư thiếu gia háu ăn, vì thế Đại tướng quân cũng suốt ngày ở trong bếp. Vân phu nhân lo truyền ra ngoài không hay, thiên hạ làm sao tin tưởng giao mấy chục vạn quân vào tay Đại tướng quân suốt ngày bếp núc, vì thế từ đó Đại tướng quân làm ra cái gì cũng nói do Vân phu nhân làm.

Văn Ngạn Bác bật cười: - Tôn phu nhân cũng là một bậc kỳ nữ, ở kinh chửi một câu làm đám người bọn ta bỏ giáp ném vũ khí chạy mất.

Vương An Thạch nhíu mày: - Vân phu nhân nổi giận cũng là chuyện trong tình lý, đại quân tiệp báo là đại sự nhương nào, cả nước ăn mừng, điển lễ này bệ hạ không cử hành được phải do thái tử, Bàng tướng làm, Văn Khoan Phu ông làm cũng được, vì sao phái nội thị chủ trì, đây là sỉ nhục với đại quân.

Trần Lâm nheo mắt nhìn Vương An Thạch: - Chuyện này đúng là trái tổ huấn, Lục Đại Xuân thân là đầu lĩnh nội thị giám đầu óc không tỉnh táo, lão phu trở về sẽ xử lý.

Vân Tranh lúc này mới lạnh nhạt nói với Văn Ngạn Bác: - Ta thì không quan tâm tới chuyện này, bao năm qua trừ lần diệt Nông Trí Cao, lần nào trở về chẳng lặng lẽ, ngoài vương tước ta lấy là cái chắc thì những cái khác có hay không những chẳng sao, nhưng Khoan Phu ông ngàn vạn lần đừng bạc đãi tướng sĩ, một quốc gia làm lòng tướng sĩ nguội lạnh là vấn đề lớn.

Văn Ngạn Bác thẳng thắn nói: - Chỉ cần Vân hầu ngài tương lai phong vương lập tức tách rời đại quân, Văn mỗ đảm bảo sẽ có nghi lễ long trọng nhất đón chào đại quân trở về.

Vân Tranh gật đầu: - Quyết định như thế, ta sẽ không làm ảnh hưởng tới vinh quang họ đáng nhận.

Văn Ngạn Bác nghe ra ý khác trong lời Vân Tranh: - Ngài không định trở về? Ngài đi đâu.

- Tất nhiên là giương buồm ra biển, về tới kinh loại chó như Văn Ngạn Bác ngươi cũng dám đái trước mặt ta, Vân mỗ là lão hổ kiêu hãnh cả đời, sao chịu cúi đầu trước đám chó má các ngươi.

Văn Ngạn Bác bị chửi mà không giận, vì ông ta nghe thấy điều không thể hài lòng hơn: - Đại sự hoàn thành phất tay áo bỏ đi, thế mới là cách làm việc của Vân Trường Sinh.

Vân Tranh khinh bỉ: - Mừng lắm chứ gì, không cần che dấu, cắn đứt lưỡi đấy.

Văn Ngạn Bác cười lớn: - Nếu ngài làm được điều đó, lão phu không ngại đi xa ngàn dặm đích thân dẫn ngựa đưa ngài ra biển.

Mặc dù Vân Tranh rất nhiều lần nói rằng sẽ ra biển, nhưng Văn Ngạn Bác cho rằng Vân Tranh chỉ đang cổ vũ bản thân thôi, hoặc có thể nói là cảnh cáo bản thân đừng đi quá giới hạn, nhưng con người đâu phải thánh nhân, vì thế quyết tâm của y không đáng tin.

Làm quan bao năm Văn Ngạn Bác chứng kiến vô số kẻ tự nhận thanh cao, nhưng tất cả đều ngã gục trước các loại dụ hoặc.

Cho dù là quân tử đạo đức như Âu Dương Tu chẳng phải vẫn truyền ra chuyện xấu à?

Nhiều người nói Âu Dương Tu bị oan, nhưng trong mắt Văn Ngạn Bác thì chưa chắc, Âu Dương Tu là bậc lão nho, cứ rảnh rỗi lại quấn quít bên ngoại sinh nữ và nhi tức phụ làm cái gì? Lại còn làm ra khúc từ ướt át như ( Vọng Giang Nam).

Giang Nam liễu Lá nhỏ bóng chưa râm Mảnh khảnh mầm xanh ai nỡ bẻ Cành non oanh cũng né ca ngâm Chờ đến tiết xuân thâm

Tuổi mười bốn Ôm lòng tỳ bà, đàn Nhà trên nghịch tiền, nhà dưới trốn Gặp nhau ngày ấy đã lưu tâm Huống nữa đến hôm nay Từ Tống, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1992

Bài thơ như thế viết tặng cho ngoại sinh nữ của mình có thích hợp không? Cho dù bản thân Âu Dương Tu không làm chuyện thất đức, nhưng đã chứng tỏ ông ta người già mà tâm chẳng già.

Vân Tranh là kẻ xưa nay làm việc bất chấp lễ pháp, chỉ cần bản thân thống khoái là đủ. Hi vọng một người như thế có thể chiến thắng tâm ma thì chẳng bằng dùng áp lực lên y còn đáng tin hơn, Văn Ngạn Bác trừ bản thân ra thì không tin tưởng ai hết, ông ta cho rằng mình lăn lộn quan trướng tới bây giờ chính là nhờ thế.

Vì vậy ngày nào Vân Tranh chưa giong thuyền ra biển, ông ta còn gây áp lực.



Cho dù gió bắc vẫn thét gào thì cũng không thể ngăn cản được mùa xuân tới, Lý Đông Sở nhổ một bụi cỏ khô, bới rễ tìm kiếm, không lâu sau tìm được hai cái rễ trắng, cho vào miệng ngậm, ngòn ngọt.

Đó là vị mùa xuân.

Quay trở về ngựa, đưa mắt nhìn quanh, toàn là một màu trắng, tuyết ở chỗ khuất nắng vẫn chưa tan, còn phía mặt trời thì cỏ đã nhú chồi xanh, mười ngày nữa thôi sẽ có mảng cỏ sanh trải dài trước mắt.

Hải đông thanh vỗ canh giữa bầu trời trong xanh, có vẻ nó cũng cảm thụ được hơi thở của mùa xuân, vỗ cánh vài cái sau đó đứng im, để mặc cho không khí tự nhiên nâng mình lên cao.

Con hạn thát từ trong hang thò ra, ngơ ngác nhìn phương xa, bóng hải đông thanh lướt qua đầu, nó kinh hoàng chui vào, rất lâu sau lại thập thò ngó nghiêng.

Nếu không phải thi thoảng có cái xác giữa cỏ khô, chẳng ai nghĩ chiến hỏa từng quét qua nơi này.

Lý Đông Sở đang dẫn Bạch Mã Quân xử lý thi thể ở phía tây thành Tây Kinh, chỉ cần nhìn thấy thi thể là phải chôn, nếu để mặc chúng ở ngoài trời, khi xuân ấm rất có khả năng xảy ra ôn dịch.

Công việc tuy bẩn thỉu, nhưng Lý Đông Sở không oán trách, ôn dịch không phải trò đùa, huống hồ đại soái và giám quân ở xa giám sát, không ai dám qua loa.

Trên lưng chiến mã chở hai cái sọt, bên trong toàn là vôi, cho thi thể vào hố sau đó rải vôi lên mới hoàn thành quy trình.