Trang Tử Tam Kiếm

Chương 16: Kinh đô tầm dược phù Minh đế - Tây địa hòa duyên tứ mỹ nhân




Nhưng bệnh tình của Tây Môn Thù lại không diễn biến thuận lợi như Văn Tắc Sĩ đã nói.

Trong suốt mười lăm ngày lênh đênh trên sông Trường Giang để về Nghi Xương, bệnh nhân không hề hồi tỉnh, dù đã uống máu của Sĩ Mệnh.

Tây Môn Thù rơi vào trạng thái hôn trầm rất đáng ngại. Gã chỉ sống nhờ sâm và nước cháo.

Đến Nghi Xương, Sĩ Mệnh mừng rỡ khi thấy cả Hắc Đạo Hoa Đà cũng có mặt ở đây. Trang lão lập tức chuẩn bệnh cho Tây Môn Thù. Lão còn trích huyết để nếm thử.

Sau ba ngày điều trị mà không có kết quả. Trang Vỹ buồn rầu nói :

- Chất kỳ độc trong chưởng kình đã phong tỏa não bộ của nhị thiếu gia. Chỉ có Linh Chi Tuyết Sâm hoàn mới cứu được.

Hỏa Quy lão tổ phấn khởi bảo :

- Trong Hoàng cung còn bảy viên linh đan ấy. Chúng ta hãy đi ngay Bắc Kinh để lấy thuốc. Lão phu cũng cần ba viên.

Trang lão gật gù :

- May quá! Nhị thiếu gia thì phải dùng bốn hoàn, xem ra đủ số.

Bỗng lão nghiêm giọng :

- Đường đến Bắc Kinh xa đến hơn ba ngàn dặm, đi về phải mất ba tháng. Trong khi, nhị thiếu gia chỉ còn cầm cự được hai tháng là cùng. Xin thiếu chủ đưa cả bệnh nhân đi theo mới được.

Trang Vỹ nói xong mới là cả Quách nương cũng có mặt, lão nhìn bà với vẻ áy náy.

Nhưng Quách Vu Vu là người đàn bà dũng cảm phi thường, bà bình thản nói :

- Sinh tử do thiên. Mệnh nhi và chư vị đã tận lực rồi. Dẫu Thù nhi có mệnh hệ gì ta cũng chấp nhận.

Bà không khóc nhưng ánh mắt buồn vời vợi. Sĩ Mệnh an ủi :

- Nhị nương yên tâm! Dù có phải náo loạn kinh sư, hài nhi cũng quyết tìm cho được linh đan để cứu Thù đệ.

Quách nương lẩm bẩm :

- Ta chỉ sợ lão vua già kia cùng đám phi, hậu đã dùng hết số linh đan ấy rồi.

Mọi người giật mình, nhìn nhau. Sĩ Mệnh quay sang hỏi Hắc Đạo Hoa Đà :

- Trang lão nói thật đi! Ngoài Linh Chi Tuyết Sâm hoàn, còn cách nào khác để cứu gia đệ nữa hay không?

Trang Vỹ ấp úng :

- Thực ra vẫn còn một phương thức nữa nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đại cục sau này...

Sĩ Mệnh ngắt lời lão :

- Thần y cứ nói thẳng ra đi.

Hoa Đà thở dài :

- Bẩm thiếu chủ! Lão phu phát hiện nhị thiếu gia luyện công theo tâm pháp Đạo gia, tương hợp với Hỗn Nguyên khí công của thiếu chủ. Nếu muốn cứu người, thiếu chủ phải truyền hết năm mươi năm công lực của mình cho nhị thiếu gia. Lão phu sẽ dùng kim châm dẫn đường cho luồng chân khí ấy lên não bộ để trục độc ra. Nhưng lúc ấy, thiếu chủ sẽ hoàn toàn mất hẳn võ công, sao có thể chống lại bọn cường địch?

Sĩ Mệnh hân hoan nói :

- Thù đệ là truyền nhân đắc ý của Nam Long Ma Kiếm tiền bối, bản lãnh chỉ kém ta chút đỉnh. Nay có thêm năm mươi năm công lực thì lại càng bội phần lợi hại, càng dễ giết được Lưu Hồng Lượng, liễu kết gia cừu. Phần ta sẽ đưa nhị nương về Sơn Tây mà phụng dưỡng.

Cả bọn rầu rĩ nhưng không dám nói gì. Thứ nhất, họ cho rằng Tây Môn Thù chẳng thể sánh với Sĩ Mệnh. Thứ hai, họ đau lòng khi nghĩ đến chàng trong cảnh anh hùng mạt lộ. Một người có võ công tuyệt thế, đột nhiên trở thành yếu đuối thì còn gì thống khổ bằng?

Quách nương bùi ngùi bảo :

- Mệnh nhi vì tình cốt nhục mà hy sinh cả đời hiệp khách, ta thật chẳng nhẫn tâm.

Sĩ Mệnh mỉm cười :

- Nhị nương yên tâm, hài nhi học Đạo từ nhỏ nên thích cảnh an nhàn, chán ghét thị phi. Nay có nhị đệ gánh vác gia cừu, hài nhi yên tâm lo việc phụng dưỡng nhị nương và nối dõi tông đường.

Quách nương phân vân :

- Nếu quả đúng vậy thì ta không dám có ý khác. Nhưng phải đến Bắc Kinh tìm thuốc trước đã. Nếu không có linh đan hãy tính đến hạ sách kia.

Trang Vỹ hỏi bà :

- Dám hỏi phu nhân! Nhị thiếu gia luyện tâm pháp của phái nào vậy?

Quách nương cười đáp :

- Tư Mã tiền bối là cao thủ của phái Côn Luân nên Thù nhi mới học được tâm pháp Đạo gia.

Hán Thủy tiên sinh vỗ đùi :

- Té ra là vậy! Thế mà bao năm nay, ai cũng tưởng Nam Long Ma Kiếm xuất thân từ tà phái.

Quách nương kể lể :

- Nghe nói bảy mươi năm trước vùng núi Côn Luân xảy ra một vụ động đất. Tuyết và đất đá chôn vùi toàn bộ võ phái. Tư Mã tiền bối thoát chết là do lâm bệnh giữa đường, không về kịp đại hội hôm ấy. Ông cho rằng khí số bổn phái đã tuyệt nên bỏ đi, không cố công gầy dựng lại nữa làm gì.

Bất chợt bà nói sang chuyện khác :

- Sĩ Mệnh! Lúc nãy ngươi có nhắc đến tông tự, vậy thì sau khi rời Bắc Kinh, chúng ta sẽ đến thẳng Chung gia trang ở Sơn Tây. Nhị nương sẽ đứng ra cưới vợ cho ngươi. Chẳng lẽ để ba nữ nhân kia không có được chén rượu mừng?

Mọi người hân hoan tán thành. Bích Thượng Hồ bàn rằng :

- Thiên Độc mỹ nhân bị thiếu chủ đả thương bại tẩu khiến quần ma khiếp vía, chưa dám ngọ ngoạy. Chúng ta chia làm hai cánh, một đi Bắc Kinh, một đến Tinh Châu chuẩn bị hôn lễ.

Bọn Hồi Phong Kiếm, Cuồng Sư, Sát Thần đã được Trang lão khôi phục thính lực nên nghe thấy hết. Sát Thần gãi đầu ấp úng :

- Thiếu chủ! Thuộc hạ đã gần bốn mươi mà chưa có vợ, mong người bảo Chung thiếu phu nhân gả cho một, hai nữ tỳ cũng được.

Cả nhà ôm bụng cười. Sĩ Mệnh tủm tỉm bảo :

- Được! Về đến Tinh Châu ta sẽ lo việc ấy!

Sát Thần vui mừng khôn xiết, sụp xuống lạy tạ.

* * * * *

Sáng hôm sau, đoàn người của Sĩ Mệnh, gồm Bích Thượng Hồ, Hắc Đạo Hoa Đà. Ma Ảnh Tử, ông cháu Hỏa Quy Lão Tổ, hộ tống xe chở Tây Môn Thù, khởi hành đi Bắc Kinh.

Số còn lại sẽ đi trễ hơn vì còn phải chờ Động Đình Nhất Bá Trình Thiên Cường, cha của Bội Linh và Tỳ Vân đạo trưởng.

Lần đăng Trình này, Doãn Khả Khanh không dám nhỏng nhẻo với Sĩ Mệnh nữa. Nàng đã biết việc Hỏa Quy lão tổ thố lộ bí mật của mình cho Sĩ Mệnh. Tuy Khả Khanh rất sung sướng vì được chàng nhận làm thê thiếp nhưng lại lo không lấy được linh đan. Với thân hình nhỏ bé này, nàng đâu thể làm vợ được?

Sĩ Mệnh hiểu điều ấy, vui vẻ thì thầm :

- Khanh muội! Loại dị quả kia chỉ khiến nàng chậm phát triển cơ thể chứ đâu khống chế mãi? Chỉ vài năm nữa, nàng sẽ là một cô gái bình thường.

Khả Khanh yên tâm được một chút, liếc chàng say đắm :

- Nhưng tiểu muội lại muốn sớm được sống với đại ca.

Mặt nàng xấu xí nhưng đôi mắt nàng lại đẹp mê hồn.

Hơn nửa tháng sau, đoàn người ngựa đến Bắc Kinh. Dương Tiểu Hào quen thuộc vùng này nên đưa họ vào một khách điếm tốt nhất.

Tắm gội ăn uống xong, bọn Sĩ Mệnh đi dạo một vòng thành, chỉ có ông cháu Hỏa Quy lão tổ ở lại chăm sóc Tây Môn Thù.

Tiếng là ngắm cảnh nhưng thực chất là nắm vững địa hình, địa vật để chuẩn bị đường rút lui.

Đế đô Bắc Kinh bao gồm nội thành phía Bắc, ngoại thành ở phía nam. Các vị Thiên tử đều ngồi quay mặt về hướng nam mà xưng cô, quả nên hoàng thành phải xây theo trục bắc nam.

Tử cấm thành là trung tâm của khu nội thành. Các đường đi lại trong nội thành đều phải vòng qua Tử cấm thành, đó chính là đặc điểm lớn của Đế đô.

Từ cửa hoàng thành, một con đường trục chính, theo hướng bắc nam, dài đến mấy dặm. Lòng đường rộng hơn ba trượng, hai bên là dinh thự hoàng thân quốc thích và đại thần. Sau đó mới đến khu trà lâu, tửu quán. Song song hay cắt ngang đường trục này là những con đường nhỏ hơn nhưng vô cùng sầm uất, nhộn nhịp.

Dương Tiểu Hào mang danh là Hà Bắc Lãng Tử, nên từng ở Bắc Kinh khá lâu, thông thuộc mọi đường ngang, ngõ tắt trong thành.

Gã đang thao thao bất tuyệt, giới thiệu từng cảnh vật thì Dạ Điểu ngắt lời :

- Tổng quan như vậy là đủ rồi, nhưng ngươi có biết rõ đường đi nước bước trong Tử cấm thành hay không?

Tiểu Hào biến sắc, gượng cười :

- Tiểu đệ chưa vào đấy lần nào, nên chẳng dám nói là biết được.

Bích Thượng Hồ cười nhạt :

- Hoàng thành rộng lớn, cung điện hàng trăm gian, nếu không biết rõ lộ trình cần đi thì vào chỉ uổng công thôi.

Thấy Sĩ Mệnh lộ vẻ lo lắng, Dạ Điểu trấn an :

- Thiếu chủ bình tâm, năm xưa thuộc hạ từng do thám Tử cấm thành nên rất thông thuộc. Khi về đến khách điếm, thuộc hạ sẽ vẽ lại họa đồ để mọi người cùng tham khảo.

Dương Tiểu Hào thẹn đỏ mặt, không ngờ mình lại múa rìu qua mắt thợ. Gã rủa thầm lão Lý Kỳ Hân này quả là thâm hiểm.

Dạ Điểu quay sang bảo gã :

- Dương hiền đệ đừng mặc cảm, ta chỉ biết đường trong nội thành chứ không thông thạo đường phố bên ngoài bằng ngươi đâu.

Tiểu Hào mát dạ, phổng mũi đáp :

- Lý ca ca quá lời, tiểu đệ sao dám sánh với ca ca.

Bích Thượng Hồ phì cười :

- Thôi đừng tung hứng nữa, chúng ta về thôi.

* * * * *

Canh hai đêm ấy, Sĩ Mệnh và Dạ Điểu đột nhập Hoàng cung qua lối phía Bắc.

Bức tường thành cao ba trượng không làm khó được Sĩ Mệnh. Chàng tung mình đã lên đến nửa độ cao, thân hình dán sát vào tường, bò lên thoăn thoắt. Dạ Điểu bám theo, miệng cắn chặt sợi dây mà một đầu cột vào lưng Sĩ Mệnh.

Lần trước, lão lợi dụng đêm mưa to gió lớn, dùng dây có móc sắt mà vượt tường, chứ chẳng phải bằng Bích Hồ Công. Nhưng đêm nay trời quang mây tạnh, tiếng móc sắt chạm tường không thể qua mắt được bọn cấm quân.

Sĩ Mệnh đã quyết định dùng dây để giúp đỡ Dạ Điểu lên theo.

Đến đầu tường, hai người bám chặt vào gờ đá chờ đợi cơ hội. Toán tuần tra vừa đi qua khỏi, Sĩ Mệnh lập tức tung mình lên, rơi thẳng xuống đất.

Dạ Điểu thầm đếm đến mười rồi cũng lao theo. Sĩ Mệnh đã thủ sẵn, giương song thủ vỗ liên tục, phát ra màn kình lực âm nhu, đỡ lấy Lý Kỳ Hân. Dạ Điểu không thể tự hạ thân êm ái từ độ cao ba trượng được. Chỉ một tiếng động cũng đủ phá hoại kế hoạch đột nhập.

Trong lúc này, bọn Ma Ảnh Tử, Trích Tinh Thử, Bích Thượng Hồ đang gài hỏa dược ở đoạn tường thành phía tây. Nếu chẳng may Sĩ Mệnh bị phát hiện quá sớm, họ sẽ cho nổ để đánh lạc hướng bọn thị vệ.

Khu vực phía Bắc này là vị trí của lãnh cung và chỗ nghỉ ngơi của đám cấm quân. Kế đó là ngự hoa viên rồi đến hậu cung.

Hai người nương theo những bụi hoa hay giả sơn mà tiến về phía sau điện cần chính. Ngự thư phòng vốn ở nơi này và có cửa sổ nhìn ra vườn thượng uyển.

Mấy chục toán thị vệ tuần tra suốt đêm trong sự im lặng tuyệt đối. Chúng không dám lơ là vì sợ đầu rơi khỏi cổ. Nhưng đêm nay, chúng chẳng thể phát hiện được hai bóng đen kia.

Cuối cùng, Dạ Điểu đưa Sĩ Mệnh đến ẩn trong bụi cây cách vách sau ngự thư phòng một trượng.

Qua khung cửa sổ tròn có thể thấy được long nhan của Minh Thế Tôn hoàng đế. Ông ta chỉ độ tứ tuần, dung mạo hiền lành, nhân hậu, nhưng có phần nhu nhược.

Giờ đã đầu canh ba mà ngài vẫn chăm chú xem xét các tấu biểu của các địa phương, thỉnh thoảng lại cau mày hay thở dài thườn thượt. Xem ra làm vua cũng chẳng sung sướng gì.

Thực lòng thì Sĩ Mệnh vẫn thầm biết ơn Minh Thế Tôn. Ba năm trước, khi vừa mới lên ngôi, ông ta đã cho xét lại vụ án Đại Vận Hà giải oan cho cha chàng. Nhưng nay gặp cảnh bức bách, chàng đành cắn răng mạo phạm để cứu lấy bào đệ.

Trong Hoàng cung Trung Hoa, hầu như tất cả những khung cửa sau đều có hình tròn. Cửa sổ trước mặt Sĩ Mệnh cũng vậy. Hiện giờ, hai cánh gõ hình bán nguyệt được mở toang ra để Thiên tử đỡ ngột ngạt.

Chàng định lao qua khung cửa để vào ngự thư phòng thì nghe tiếng lão thái giám vọng đến :

- Khải tấu Thánh thượng! Có Thái sư và Thiên Anh tiên trưởng đến xin triều kiến.

Sĩ Mệnh từng nghe ân sư nhắc đến vị sư thúc này. Thiên Anh chân nhân đã hơn trăm tuổi, hiện chấp chưởng một đạo quán ở ngoại thành Bắc Kinh. Minh Thế Tôn phán :

- Được! Hãy triệu họ vào.

Lát sau, một lão già to béo, mắt hí và một đạo sĩ to lớn vào đến. Họ chỉ nghiêng mình vái chào chứ không thi đại lễ.

Minh Thế Tôn vui vẻ hỏi :

- Vì cớ gì mà Quốc trượng và Tiên trưởng lại tìm đến đây vào giờ này?

Dạ Điểu thì thầm với Sĩ Mệnh :

- Thiếu chủ! Lão béo mặc quan phục kia là Quản Vệ Kiện, Thái sư đương triều. Lão ta có ái nữ tiến cung, sinh được hoàng nam và Quản phi đã trở thành thứ hậu.

Trong kia. Quản thái sư cười gian hiểm :

- Lão thần lo lắng cho xã tắc Đại Minh nên đến bàn với Thánh thượng việc lập di chiếu.

Thiên tử cau mày :

- Trẫm đã chọn trưởng hoàng tử Chu Kỳ làm Đông cung thái tử, sau này kế vị, vậy còn lập di chiếu làm gì nữa?

Quản thái sư cười nhạt :

- Chu Kỳ háo sắc, hoang dâm, chưa làm vua đã có đến sáu, bảy phi tần, đâu xứng để lên ngôi?

Long nhan phẫn nộ hỏi lại :

- Vậy theo ý khanh thì ai mới là xứng đáng?

Quản Vệ Kiện thản nhiên đáp :

- Ngoài thất hoàng tử, không còn ai khác!

Minh Thế Tôn căm hận nói :

- Té ra ngươi muốn soán đoạt cơ nghiệp Đại Minh nên mới đòi đưa ngoại tôn của mình lên làm Thiên tử? Y chỉ mới mười tuổi tất sẽ ngoan ngoãn nhường ngôi cho họ Quản. Trẫm tuy nhu nhược để ngươi nắm hết binh quyền, nhưng thà chết chứ không bán rẻ cơ nghiệp.

Nói xong, ngài gọi vang :

- Thị vệ đâu?

Nhưng chung quanh vắng lặng như tờ, không một người đáp lại. Long nhan tái mặt thở dài :

- Thì ra lão phản tặc đã chuẩn bị chu đáo cả rồi! Nhưng nếu ngươi giết ta, sẽ nói sao với bá quan?

Thiên Anh chân nhân chậm rãi nói :

- Đâu cần phải làm chuyện vô ích ấy? Bần đạo sẽ đem Thánh thượng và Đông cung thái tử đi khỏi Hoàng cung. Lúc ấy, còn ai biết đâu mà hỏi?

Minh Thế Tôn run rẩy mắng :

- Không ngờ kẻ tu hành như lão mà cũng tiếp tay với phường phản nghịch. Thật uổng công trẫm sùng bái phái Toàn Chân.

Sĩ Mệnh nghe lòng chua xót, sát khí phủ mờ đôi mắt. Chàng bảo Dạ Điểu :

- Các hạ dùng ám khí giết lão cẩu quan. Sau đó, ta sẽ vào tiêu diệt lão ác đạo kia.

Lý Kỳ Hân gật đầu, lấy ra một cái mũi phi tiêu tẩm độc xanh lè. Chỉ một cái phất tay, ám khí như tia chớp cắm vào cổ họng Quản thái sư. Lão rú lên ằng ặc, ngã ngửa ra phía sau.

Thiên Anh chân nhân chưa kịp có phản ứng thì một bóng hắc y đã xuyên qua cửa sổ, hạ thân trước ngự án. Người này chỉ vào mặt lão đạo sĩ mà mắng :

- Thiên Anh! Ta sẽ giết lão để cửa ngõ phái Toàn Chân được sạch sẽ.

Lão ác đạo cười khẩy :

- Bản lãnh được bao nhiêu mà dám múa môi?

Dứt lời, lão rút thanh đoản kiếm trong áo ra tấn công ngay. Chiêu “Mạc Chi Năng Thủ” là sát chiêu lợi hại nhất trong Toàn Chân kiếm pháp. Nhưng lão đâu biết rằng chàng đã thuộc lòng và còn biết cả những sơ hở của kiếm chiêu.

Sĩ Mệnh xuất chiêu “Vô Hữu Tương Sinh”, kiếm ảnh chập chờn như có như không nhưng lại nhắm vào đúng bảy nhược điểm trên màn kiếm quang của Thiên Anh.

Lão kinh hoàng lùi lại nhưng đã quá muộn. Mũi kiếm của Sĩ Mệnh khoét ba lỗ trên ngực Thiên Anh. Lão gục xuống, miệng lảm nhảm :

- Thiên... Hạc!

Minh Thế Tôn thoát chết, hoan hỉ phán :

- Trẫm vô cùng biết ơn tráng sĩ!

Sĩ Mệnh quay lại vòng tay nói :

- Thảo dân vào đây vốn chẳng có thiện ý. Chẳng qua gai mắt trước bọn gian thần tặc tử nên giết chúng đi. Vì vậy, việc cứu giá Thánh thượng cứ xem như không có.

Long nhan xua tay :

- Bất kể hiền khanh vào đây với mục đích gì, trẫm cũng không hỏi đến, nay khanh tiêu diệt Quản lão tặc là đã có ân với Minh triều. Khanh cần gì cứ nói, trẫm sẽ chuẩn tấu ngay.

Sĩ Mệnh điềm đạm tâu rằng :

- Khải tấu Thánh thượng! Thảo dân muốn xin bảy viên Linh Chi Tuyết Sâm hoàn để trị bệnh cho người thân.

Minh đế tươi cười :

- Chỉ có thế thôi sao? Trẫm sẽ ban cho khanh.

Ông mở ngăn bàn lếy một lọ ngọc xanh biếc, trút ra bàn tay, nhưng lại chỉ còn có đúng ba viên.

Long nhan nhăn mặt :

- Chết thật! Tháng trước Thái hậu lâm bệnh, trẫm đã dâng lên người bốn viên. Khanh cứ cầm đỡ ba viên này, trẫm sẽ sai người sang Liêu Đông xin Vương tử đất Liêu thêm một ít nữa.

Sĩ Mệnh choáng váng vì số linh đan không đủ để cứu Tây Môn Thù. Chàng cố trấn tĩnh nhận lấy rồi vái tạ :

- Thảo dân đội ơn Thánh thượng đã ân ban.

Chàng định rời ngự thư phòng thì bị Minh Thế Tôn gọi lại :

- Khoan đã! Hiền khanh không thể cho trẫm biết tính danh và diện kiến chân diện mục hay sao? Trẫm rất mong có được một bầy tôi thần dũng như khanh. Bè đảng của Thái sư còn đầy dấy trong triều, trẫm cảm thấy mình cô thế. Ngày xưa, tiên hoàng còn có được bậc trung lương như Tây Môn thượng thư nên dù Lưu Cẩn nắm binh quyền mà chẳng dám soán nghịch. Nay bá quan đều là những kẻ chỉ biết cúi đầu vâng dạ để giữ lấy bổng lộc, trẫm biết nương tựa vào ai bây giờ?

Lời than thở chí tình của bậc quân vương khiến Sĩ Mệnh xốn xang. Chàng nghiêm giọng đáp :

- Thảo dân là kẻ áo vải chốn giang hồ, xem danh lợi, phú quý như phù vân. Nhưng đối với việc thịnh suy của xã tắc chẳng dám khoanh tay đứng nhìn. Thánh thượng chỉ cần đưa ra danh sách bọn phản thần, thảo dân sẽ tiêu diệt không sót một tên. Chỉ mong khi Thánh thượng thu hồi được vương quyền, hãy nghĩ đến bách tính Trung Hoa.

Minh Thế Tôn mừng rỡ viết ngay tên sáu lão gian thần từng theo phe Thái sư và ức hiếp Thiên tử. Sĩ Mệnh cầm lấy và bảo :

- Thảo dân sẽ hủy hai cái xác này. Và cúi xin Thánh thượng cứ giả vờ như không có chuyện gì xảy ra. Trong ba ngày, sáu lão gian tặc này sẽ không còn là bầy tôi của người nữa.

Sĩ Mệnh vẫy Dạ Điểu, lão nhảy tới vòng tay thi lễ với Minh Thế Tôn rồi rút lọ Hủ Cốt tán rắc vào hai tử thi. Nửa khắc sau, chỉ còn lại hai vũng nước vàng hôi hám.

Minh đế sợ đến tròn mắt và thêm kính phục thủ đoạn của khách võ lâm. Ngài gỡ thanh kiếm trên tường trao cho Sĩ Mệnh :

- Hiền khanh! Thanh bảo kiếm này là tặng vật của Thổ Ty Tây Tạng. Nó nhẹ và ngắn nhưng lại sắc bén vô song. Trẫm không biết võ nghệ nên giữ lại cũng vô ích. Khanh hãy dùng mà tiêu diệt bọn gian thần.

Sĩ Mệnh nhận kiếm rồi cùng Dạ Điểu cáo từ.

* * * * *

Ra khỏi hoàng thành, hai người chạy vòng sang phía Tây để gọi bọn Ma Ảnh Tử cùng về.

Ở tầng hai Tường Hưng đại khách điếm, ba người kia vẫn thắp đèn chờ đợi. Thấy bọn Sĩ Mệnh về đến, Hỏa Quy lão tổ hỏi ngay :

- Có lấy được thuốc không?

Sĩ Mệnh lột khăn che mặt, đặt lọ ngọc trên bàn rồi nói :

- Tiếc là chỉ còn đúng ba viên!

Cả bọn sững sờ, không biết tính sao. Sĩ Mệnh nhấp hớp trà, hỏi Hắc Bạch Hoa Đà :

- Trang lão! Nay chỉ có ba viên, liệu có ích gì cho gia đệ hay không? Xin Trang lão cân nhắc cho kỹ!

Trang Vỹ buồn rầu đáp :

- Với ba viên linh đan này, nhị thiếu gia sẽ thoát chết nhưng trí lực chưa chắc đã hồi phục. Có thể sẽ trở thành người si ngốc.

Sĩ Mệnh thản nhiên nói :

- Không sao! Vậy thì ba hoàn linh đan này dành cho Khả Khanh, còn việc cứu Tây Môn Thù sẽ theo phương án thứ hai. Nhưng phải sau ba ngày nữa vì ta đã hứa với Thiên tử là sẽ giết sạch bọn gian thần.

Biết ý chàng đã quyết, chẳng ai dám có ý kiến. Hơn nữa, cũng chẳng có cách nào tốt hơn. Trang lão thắc mắc :

- Dám hỏi Lão tổ, vì sao Khanh nhi lại cần ba viên Linh Chi Tuyết Sâm hoàn?

Doãn lão đành phải thố lộ việc Khả Khanh ăn nhầm quả độc. Và cả việc ông đã gả nàng cho Sĩ Mệnh. Trang Vỹ gật gù :

- Đúng rồi! Người Đông Hải có một loại quả có tên gọi Mạn lão quả. Người cao tuổi ăn được thì lâu già nhưng thiếu niên thì lại không lớn nổi. Thực ra chỉ cần hai viên là đủ. Viên thứ ba lão phu sẽ dùng để phục hồi dung mạo cho thiếu chủ.

Sĩ Mệnh lắc đầu :

- Trang lão nên chữa cho Khả Khanh thì tốt hơn. Nếu không, sau này thành vợ ta, nàng sẽ mặc cảm với ba người kia.

Lão tổ bật cười :

- Chưa chắc đâu!

Lão thò tay vuốt mặt cháu gái. Tấm mặt nạ tinh xảo rơi xuống, để lộ một dung nhan xinh đẹp phi phàm, dù rất non nớt. Sĩ Mệnh vỗ trán :

- Ta chưa già sao mắt lại kém đến nỗi không nhìn ra Khanh muội mang mặt nạ?

Khả Khanh thẹn thùng lườm chàng :

- Chứ không phải đại ca biết mà giả vờ hay sao?

* * * * *

Trong ba đêm bảy, tám, chín tháng năm năm Gia Tĩnh thứ ba, cả sáu vị đại thần quyền thế nhất triều đình đột nhiên lần lượt mất tích một cách bí ẩn. Cả Quản thái sư và Thiên Anh chân nhân cũng vậy.

Quan Cửu môn Đề đốc vào triều cấp báo, mặt xanh như tàu lá chỉ sợ mất đầu. Nhưng Minh Thế Tôn lại phán rằng :

- Bao năm nay, bảy vị lão thần ấy đã hết lòng theo Thiên Anh tiên trưởng học đạo. Không chừng đến nay đã đắc đạo nên được tiên trưởng đưa về Bồng Lai tiên cảnh. Chúng ta nên mừng cho họ chứ sao lại bi quan? Trẫm mong rằng chư khanh cũng sớm được đưa về cõi tiên như họ.

Trời mùa hạ oi bức mà bá quan nghe rét run cầm cập, vội quỳ xuống tung hô vạn tuế. Tào thừa tướng có máu khôi hài nên vui vẻ tâu :

- Khải tấu Hoàng thượng. Chúng thần đều chưa tròn bổn phận bầy tôi nên không dám mong rời bỏ cõi trần. Chúng thần xin tận tụy phục vụ vài chục năm nữa rồi lên tiên cũng không muộn.

Minh Thế Tôn mỉm cười :

- Tốt lắm! Các khanh không muốn theo Thái sư lên cõi tiên thì cứ ở lại với trẫm vậy. Khanh hãy thay mặt trẫm đến giảng giải cho gia quyến của bảy vị tiên kia để họ bớt bi thương.

Câu chuyện lên tiên này được truyền tụng khắp Đế đô, bách tính hoan hỉ bàn tán :

- Mong sao bọn gian thần đều đắc đạo cả!

Bá quan thì ngấm ngầm hiểu rằng Thiên tử được một bậc kỳ nhân ám trợ. Người này có tài xuất quỷ nhập thần, ra vào các dinh thự thâm nghiêm dễ dàng như đi dạo. Sức mạnh càng thần bí thì càng đáng sợ. Nhờ vậy, triều cương được chấn chỉnh, bách quan đều cúc cung tận tụy, không dám sơ thất.

Trong suốt ba mươi sáu năm sau đó, Minh Thế Tôn giữ vững được vuông quyền, dần dần xây dựng Trung Hoa thành một nước cường thịnh và sung túc, có thể sánh với đời vua Minh Thành Tổ.

* * * * *

Sáng ngày mười bốn, có một đoàn người ngựa rời Bắc Kinh đi về hướng Sơn Tây.

Trong cỗ xe song mã, bệnh nhân không phải là Tây Môn Thù mà là Tây Môn Sĩ Mệnh. Cạnh chàng có một nữ lang tuyệt sắc, cao gầy, tuổi độ đôi mươi. Nàng ta chính là Đông Hải Thần Nữ Doãn Khả Khanh, một trong võ lâm Tứ đại mỹ nhân.

Năm mười lăm tuổi, nhan sắc kiều diễm của nàng đã lẫy lừng khắp biển Đông và các tỉnh duyên hải. Nhưng đột nhiên nàng bặt tăm, người ta đoán rằng nàng đã xuất giá. Ai ngờ nàng lại trở thành một cô bé xấu xí và tai quái.

Tây Môn Thù giờ đây hiên ngang cưỡi ngựa, đi cạnh xe song mã. Mặt gã phương phi, hồng hào, nhưng ánh mắt thoáng buồn. Gã buồn vì Sĩ Mệnh đã trở thành phế nhân để cứu mạng gã.

Sĩ Mệnh luôn mỉm cười nhưng Tây Môn Thù lại nghe lòng đau xót. Người có võ công tuyệt thế, từng đánh bại biết bao đại ma đầu, giờ đây, yếu ớt như chưa hề học võ.

Mười một ngày sau, đoàn người về đến Chung gia trang ở Tinh Châu.

Sĩ Mệnh đã khỏe hẳn, đi lại nhanh nhẹn, đôi môi điểm nụ cười.

Đầu tháng sáu, đám cưới của Sĩ Mệnh và võ lâm Tứ mỹ nhân được cử hành. Chỉ toàn là người thân, khách mời duy nhất là Hắc Kỳ bang chủ Mã Hoa Thiên.. Lão cười ha hả nói :

- Thật là tấu xảo khi Tứ đại mỹ nhân đều thờ chung một chồng.

Sĩ Mệnh vui vẻ cao giọng :

- Tại hạ không dám sánh với nhị đệ Tây Môn Thù, gã có đến sáu nàng tiên trong nhà.

Hán Thủy tiên sinh giật mình nhắc nhở :

- Nếu vậy, chúng ta phải mau đưa họ đến đâu. Sau này, nhị thiếu gia thay thiếu chủ đối phó với Tam Hoàn bang, chỉ e chúng sẽ bắt các vị thiếu phu nhân để làm áp lực.

Ma Ảnh Tử khen phải :

- Đúng vậy! Sau đám cưới này chúng ta phải lo ngay việc ấy.

Sĩ Mệnh nâng chén mời rồi bảo :

- Ngay sáng mai, chư vị có thể khởi hành được rồi.

Đã có Doãn lão gia ở đây, chẳng cần ai ở lại nữa. Trang lão lắc đầu :

- Không được! Lão phu phải ở lại phục hồi dung mạo cho thiếu chủ rồi mới yên tâm trở về An Khánh.

Vô Tỏa Đạo Chích cũng ứng tiếng :

- Lão phu đã già, muốn ở lại đây trồng hoa, tô điểm cho cảnh sắc Chung gia trang.

Đại Lực Sát Thần ấp úng :

- Thuộc hạ cũng ở lại để xem có ả nữ tỳ nào hợp ý hay không?

Sĩ Mệnh cả cười :

- Ta không quên lời hứa đâu, ngươi đừng lo. Cứ theo phò nhị thiếu gia, lúc trở về sẽ có vợ đẹp.

Bích Thượng Hồ nghiêm giọng :

- Võ lâm đều biết Thiết Diện Cuồng Sư là người của Chung gia trang. Không chừng phe đối phương sẽ lần đến đây. Chúng ta phải có lực lượng để bảo vệ mới được.

Sĩ Mệnh gật đầu :

- Ta sẽ cho sửa sang khu rừng quanh trang, bày một trận kỳ môn để cản chân họ.

Diệp lão phụ họa :

- Lão phu sẽ chế tạo thêm vài chục cây hỏa đồng và huấn luyện bọn gia nhân sử dụng.