Trăng Sáng Chiếu Lầu Tây

Quyển 7 - Chương 10




Nước suối lạnh buốt thấu xương từ miệng mũi tràn vào, hơi thở tắc nghẹn, lồng ngực đau đớn như lửa đốt.

Lâu Dự chìm dưới nước, đến tận lúc sắp ngạt thở mà chết mới từ dòng suối lạnh buốt thấu xương trèo lên.

Mưa đã tạnh, chàng ngồi trên mặt cỏ lầy lội, toàn thân ướt đẫm, để cho gió lạnh thổi vào người. Dường như chỉ có rét lạnh như vậy mới có thể khiến chàng cảm thấy gần gũi các anh em đã vĩnh viễn ở lại trong gió tuyết núi Lộc.

Và cả cô ấy, Loan Loan, người phụ nữ mình chân thành yêu thương, là chỗ dựa và nguồn ấm áp của mình. Loan Loan và Lâu Dự là dai hây leo trên cùng một thân cây. Loan Loan đã chết, chàng phải đi tiếp con đường dài đằng đẵng này như thế nào?

Lâu Dự ôm đầu, từ trong lồng ngực phát ra một tiếng khóc thảm không rõ ý nghĩa.

Không nói một lời, không hề nhúc nhích, chàng cứ thế ngồi trọn một đêm trong gió lạnh, đến tận khi chân trời chuyển sang màu trắng nhờ nhờ mới đứng dậy, bước chân bồng bềnh như giẫm trên bông, lên ngựa về phủ.

Tin tức thế tử Lăng Nam vương hành hung thuộc hạ, đuổi cổ trung lang tướng nhanh chóng truyền vào trong cung. Thái tử nhân cơ hội này dâng tấu vạch tội, nói thế tử Lăng Nam vương thân là phó thống soái đại quân phạt Sóc, vậy mà lâm trận rời đại quân, không nghe lệnh đều động, thô bạo ngang ngược, kẻ dưới khó có thể phục tùng, vân vân.

Những chuyện này xếp chồng lên nhau, cuối cùng động chạm đến thần kinh mẫn cảm nhất của Vũ Định đế.

Mấy ngày sau, ân chỉ khao thưởng thăng chức sau đại thắng được ban xuống.

Vũ Định đế lần này rất là hào phóng, một đạo ân chỉ tươi mát như cam lộ vẩy khắp toàn quân. Thái tử thì không cần phải nói, ban tặng cực nhiều, hắn vốn chính là dưới một người trên vạn người, lần này lại được ngự ban ngựa trắng cương tím cưỡi thẳng vào cung, vinh quang vời vợi, nở mày nở mặt.

Các tướng lĩnh lập công còn lại đều có đề bạt phong thưởng, ngay cả người nhà của năm ngàn tướng sĩ tử trận bao gồm Sa Loan đều nhận được trợ cấp không kém.

Nhưng trong danh sách rất dài lại không có tên thế tử Lăng Nam vương Lâu Dự.

Đạo ý chỉ này như một tiếng sấm rền, lặng lẽ đánh vào trong lòng tất cả mọi người. Bề ngoài mọi người vẫn như thường, hỏi han chúc mừng không hề sơ sót, nhưng trong lòng lại bắt đầu tính toán.

Thế tử Lăng Nam vương mấy năm nay luyện binh tác chiến tại Lương Châu, mạnh mẽ biến Hắc Vân kị thành một đội quân bền chắc như thép, nước hắt không lọt, hạt cát không vào.

Sức chiến đấu của Hắc Vân thiết kị có thể nói là như sói như hổ, nhưng toàn quân trên dưới chỉ nghe lệnh Lâu Dự, chỉ biết có thế tử Lăng Nam vương, không biết có hoàng thượng và thái tử.

Một thanh kiếm sắc như vậy bị nắm vững vàng trong tay người khác, Vũ Định đế làm sao có thể ngủ yên?

Tinh hoa quá lộ, công cao át chủ, lần này vừa đánh hạ sông Tháp Mẫu vừa được miễn thuế bảo vệ biên cương, có thể nói là đại thắng, nhưng ngày đại thắng trở về cũng là lúc thế tử Lăng Nam vương bị tước quyền.

Đây cũng là chuyện trong dự liệu của mọi người, nhưng không ngờ lần này Vũ Định đế lại hạ thủ tàn nhẫn như thế, quả thực không để lại một chút dư địa nào.

Chưa được vài ngày sau, hoàng thượng hạ chỉ: "Thế tử Lăng Nam vương Lâu Dự cậy công kiêu ngạo, ngang tàng vô lễ, lâm chiến rời trận, không tuân quân lệnh, lại thêm ngang ngược thô bạo, vô cớ mạo phạm đông cung, ẩu đả thuộc hạ, theo luật Đại Lương lẽ ra nên phạt nặng. Nhưng xét đến công lớn đánh hạ Yên Cát, công tội bù trừ, miễn chức thống soái Hắc Vân kị, cắt bổng lộc thế tử ba năm, đóng cửa hối lỗi, làm gương cho kẻ khác".

Thánh chỉ hạ xuống dẫn tới vô số lời bàn ra tán vào.

Người người đều suy tính trong lòng, thầm nghĩ thiên uy khó dò. Thế tử Lăng Nam vương tuổi trẻ quyền cao, chiến công hiển hách, lại được hoàng thượng sủng ái, có thể nói là tiền đồ thênh thang, không ngờ chỉ sau một ngày đã bị đánh rơi xuống mặt đất.

Trong thiên hạ có nơi nào không phải đất của vua, một binh một lính trong thiên hạ cũng đều là của hoàng đế. Việc làm này của Vũ Định đế là giết gà dọa khỉ, vừa là lời nhắc nhở vừa là sự cảnh cáo đối với quần thần. Hoàng quyền là cao nhất, không được bày mưu ma chước quỷ ý đồ này nọ, nếu không diệt ngươi phát một.

Trong triều phong vân cuồn cuộn, phủ Lăng Nam vương ở trung tâm nước xoáy lại là một cảnh tượng khác hẳn. Gia nô hầu gái bận rộn lo âu, chỉ vì thế tử điện hạ sau một đêm trở thành người không quan không chức lại uống say.

Lâu Dự không cởi giầy tất, nằm nghiêng trên giường, người toàn mùi rượu, bất tỉnh nhân sự.

"Tước binh quyền cũng tốt, ta đỡ phải ngày ngày lo âu thấp thỏm, ngày ngày cầu thần khấn phật cho hai cha con". Trần Kiếm Ý lau nước mắt, vừa khóc vừa nói: "Nhưng Dự nhi cứ thế này thì phải làm sao?"

Hôm đó Lâu Dự toàn thân lạnh buốt từ đại doanh Vương gia trang về, sắc mặt tái nhợt đáng sợ, môi không có màu máu, ngay cả móng tay cũng biến thành màu xanh, không khác gì một xác chết biết đi, Trần Kiếm Ý sợ đến hoa dung thất sắc, trong lòng đau xót.

Sau khi về phủ, Lâu Dự không để ý đến ai, nằm xuống ngủ luôn, không ăn không uống ngủ liền hai ngày, mãi mới tỉnh dậy lại không gọi cơm chỉ uống rượu, cả ngày lấy rượu thay cơm, rượu say không tỉnh.

Trần Kiếm Ý thật sự không có biện pháp nào, khóc sưng cả hai mắt, nắm tay áo Lăng Nam vương lau nước mắt: "Vương gia, vương gia nghĩ cách đi! Dự nhi cứ thế này thì thân thể làm sao chịu được?"

Lăng Nam vương ôm vợ vào lòng, vỗ vỗ vai tỏ ý an ủi, chăm chú nhìn con trai ngủ say như chết trên giường.

Đứa con trai này chưa hề khiến ông thất vọng, là sự kiêu ngạo cả đời của ông, nhưng dù sao cũng vẫn còn quá trẻ.

Phía sau hào quang của vị chiến thần trong quân, Lâu Dự kì thực chỉ là một thanh niên mới đầy hai mươi. Dưới khuôn mặt kiên nghị quyết đoán và thân hình như đúc bằng thép, chàng cũng là một người biết đau lòng.

Đau vì mất anh em chiến hữu, nỗi đau thấu tim này người không phải lãnh binh tác chiến sẽ hoàn toàn không thể nào hiểu được.

Lăng Nam vương nhớ lại chính mình năm đó, lại nhìn đứa con trai say đến bất tỉnh nhân sự trước mắt, thở dài một tiếng. Thôi kê đi, năm đó mình còn không bằng được nó.

"Các ngươi đều lui ra". Lăng Nam vương phất tay đuổi các gia nô nha hoàn, lại nhẹ nhàng gạt mấy sợi tóc mai lộn xộn cho vợ, ôn tồn nói: "Nàng cũng đi nghỉ một lát đi, ta muốn nói với Dự nhi mấy câu".

Trần Kiếm Ý biết bây giờ cũng chỉ có vương gia mới có thể khuyên được con trai, lau nước mắt gật đầu, lưu luyến không rời xoay người đi, ra đến cửa lại quay lại dặn dò: "Vương gia, phải khuyên nó ăn cơm".

Lăng Nam vương gật đầu, nói: "Vương phi yên tâm".

Trần Kiếm Ý đi ra ngoài, đi một bước quay đầu lại ba lần.

Đến lúc mọi người đã đi ra hết, Lăng Nam vương bắt tay sau lưng đứng bên giường, mặc kệ Lâu Dự có nghe thấy hay không, trầm giọng nói: "Dự nhi, mấy năm nay con tác chiến ở Lương Châu đã quá may mắn, không gặp phải trở ngại gì lớn, không có chiến dịch nào lớn, cũng chưa thật sự cảm nhận được sự đau khổ sinh li tử biệt. Nhưng thuận buồm xuôi gió không ai bằng được cũng có ích lợi gì, khi gặp hoàn cảnh không may vẫn chỉ một đòn là tan vỡ".

Lâu Dự nằm trên giường, lông mi khẽ rung, lại vẫn mê man bất tỉnh.

Lăng Nam vương thở dài một tiếng, ngồi xuống bên giường, cúi xuống nói: "Tống thúc thúc của con tuẫn quốc, cha còn đau xót hơn con mười lần, nhưng đau xót thì có ích lợi gì? Nước mắt là thứ vô dụng nhất, chỉ làm cho kẻ thù của con càng thêm vui sướng".

Lăng Nam vương đắp chăn cho Lâu Dự, nói tiếp: "Một tướng thành danh, vạn người thành xương khô. Dự nhi, cha chỉ cho phép con mềm yếu nhu nhược một lần này. Con phải nhớ trên đời hoàn toàn không có chuyện đồng cảm, gai không đâm vào người kẻ khác, bọn chúng sẽ vĩnh viễn không biết đau ra sao. 

Tiếp theo con phải lấy tất cả những chiếc gai đâm vào trong lòng con ra, đâm lại vào trái tim những kẻ đó".