Trăng Sáng Chiếu Lầu Tây

Quyển 6 - Chương 2




Hai bên tranh cãi không ngừng, Vũ Định đế vẫn trầm ngâm không nói.

Thái tử thấy Lâu Dự cứng rắn như thế, nhất thời không xuống thang được, khẩu khí cũng dần dần cứng rắn lên: "Một mối nhân duyên đã có thể xóa đi một cơn binh loạn, sao lại không làm? Hai nước kết thành thông gia, láng giềng hữu nghị, chính là giai thoại, cũng là truyền thống. Hơn nữa công chúa Trường Lạc cũng không phải công chúa đầu tiên bị gả đi xa để hòa thân trong lịch sử Đại Lương, trước đây còn có công chúa Vĩnh Thái, công chú Ngụy Trường, công chúa An Ninh..."

"Câm miệng!" Vũ Định đế đột nhiên trợn trừng mắt, phẫn nộ quát.

Thái tử đột nhiên kinh hãi, lúc này mới phát hiện mình thuận miệng lỡ lời nhắc tới người không nên nhắc tới, động chạm đến vẩy ngược của phụ hoàng, phạm vào điều cấm kị. Trong lòng vừa hối hận vừa tức giận, thái tử oán hận trợn mắt nhìn Lâu Dự một cái, không cam lòng ngậm miệng lại.

"Giai thoại? Giai thoại đẹp đến mức phải khom lưng khuỵu gối để kéo dài hơi tàn? Hi sinh công chúa để tạm thời yên gối?" Lâu Dự nói từng chữ lạnh buốt, mày kiếm xếch ngược: "Bỏ thân phận công chúa đi, Trường Lạc chẳng qua chỉ là một cô bé trói gà không chặt, là em gái của chúng ta. Bất chấp em gái sống chết thế nào, gả sang nước khác để hòa thân giữ thái bình thì hay lắm sao? Ngay cả em gái mình cũng không bảo vệ nổi, những người đàn ông chúng ta đâu còn có mặt mũi đứng ở đây bàn luận việc quân việc nước?"

Ngay cả em gái mình cũng không bảo vệ nổi!!!

Một câu có vẻ như vô tình của Lâu Dự lại như búa tạ ngàn cân nện vào trái tim Vũ Định đế. Bóng dáng xinh đẹp đã đào sâu chôn chặt nhiều năm lại thoáng hiện lên dưới đáy lòng, như một vết thương đóng vảy không thể tự lành lại bị xé rách ra, để lộ máu thịt đỏ tươi bên dưới.

"Anh ba, anh ba, anh mau đến xem đi, hoa dâm bụt nở đẹp quá". Tiếng nói như oanh hót vẫn vẳng bên tai.

An Ninh, năm đó là anh ba bất đắc dĩ, chắc hẳn đến khi chết em cũng không chịu tha thứ cho anh.

Lăng Nam vương sắc mặt phức tạp, đứng ra vái thật sâu, giọng nói trầm nặng, từng chữ rõ ràng: "Thần đệ xin chiến".

Đáy mắt Vũ Định đế thoáng hiện lên một nét xót xa, quay sang nhìn về phía thừa tướng Ngụy Minh: "Ngụy tướng quốc thấy thế nào?"

Ngụy Minh tuổi ngoài bốn mươi, mặt trắng râu dài, khuôn mặt an hòa, tính tình chính trực, có tài trị quốc, được Vũ Định đế rất coi trọng.

Nghe thấy hoàng thượng chất vấn, Ngụy Minh chỉ trả lời mơ hồ: "Sông Lạc có lũ, lưu vực vô số nạn dân. Miền bắc tuyết lớn, súc vật của mục dân chết cóng không biết bao nhiêu. Tất cả đều cần cấp bạc cứu trợ gấp, quốc khố đột nhiên căng thẳng. Nếu lại phải giao nộp "phí bảo vệ biên cương" cho nước Sóc nặng như những năm trước thì sợ rằng khó có thể chịu được".

Lời nói vừa dứt, Vũ Định đế không còn do dự nữa.

***

"Choang!" Thái tử nghĩ tới đây, chén trà trong tay nghiêng đi, trà nóng tràn ra tay bỏng đỏ. Các hoạn quan cung nữ cả kinh, sắc mặt trắng bệch, tới tấp quỳ xuống đất thỉnh tội.

Thái tử bực bội phất tay sai người mang trà nóng đi, cũng không bôi thuốc mà chỉ nghiến răng nghiến lợi: "Lâu Dự... Lâu Dự nhà ngươi giỏi lắm..."

Hôm đó bị phụ hoàng quở mắng giữa triều đình trước mặt bá quan là một nhẽ. Hắn tốt xấu cũng là thái tử, là người kế vị, Lâu Dự lại ác miệng lạnh lòng, không cho hắn một chút thể diện nào, bất kể hắn lôi kéo mượn sức thế nào đều không hề có bất cứ tác dụng gì, hỏi làm sao không kiêng dè căm hận cho được?

Phụ hoàng luôn luôn thương yêu lục đệ hơn các anh em khác, lại coi trọng Lâu Dự như thế. Phủ Lăng Nam vương và phủ Trấn Quốc công giao hảo... Nghĩ đến những chi tiết vụn vặt này, thái tử không thể ngồi được nữa.

Ánh mắt Lộc thân vương trở nên cay độc, ngửa tay gõ gõ mặt bàn: "Thái tử ca ca, nuôi hổ gây họa như kiếm sắc để dưới gối, không trừ không thể yên tâm".

Thái tử đột nhiên ngẩng đầu lên, lộ vẻ điên cuồng như hổ tìm cách phá chuồng: "Ngươi nói đúng. Lập tức sai người đi tìm thượng thư bộ Binh Tào Kỳ đến đây".

***

Vũ Định đế đã quyết ý xuất binh khai chiến, để ai lãnh binh liền trở thành vấn đề mọi người đều thấp thỏm đợi chờ.

Trong triều đình như giương cung bạt kiếm, bão táp âm thầm.

Hắc Vân kị vốn hàng năm giằng co với quân Sóc, từng đánh vô số trận, biết địch lại biết ta, không thể nghi ngờ chính là chủ lực đầu tiên tác chiến với quân Sóc. Là thống soái Hắc Vân kị, Lâu Dự lãnh binh thoạt nhìn là chuyện tự nhiên như nước chảy thành sông.

Nhưng trong lòng Lăng Nam vương biết rõ ràng, việc này không hề đơn giản như vậy.

Quả nhiên trước hết có học sĩ nội các dâng sớ, cuộc chiến này quan hệ đến quốc vận, dốc sức cả nước chống cự nước Sóc, không thể xem thường. Thế tử Lăng Nam vương mặc dù thần dũng thiện chiến nhưng còn quá trẻ tuổi, sợ rằng khó có thể khiến quân đội tin phục, vì vậy tiến cử đại tướng quân Trần Thiền hoặc đại tướng quân Tào Giác lão luyện thành thục, dày dạn kinh nghiệm hơn làm soái sẽ thích hợp hơn.

Sau đó lại có tấu chương của thượng thư bộ Binh Tào Kỳ dâng lên, dài đủ một ngàn chữ. Hắc Vân kị dù dũng mãnh nhưng chỉ có trăm ngàn, không đủ chống lại quân Sóc, cần điều thêm tướng lĩnh từ khác quân khác và phối hợp với quân châu phủ địa phương, điều binh hiệp lực mới có thể có cơ thắng.

Những lí do đưa ra xem như hoàn toàn kín kẽ, nhưng người sáng mắt chỉ nhìn là thấy ngay. Hiển nhiên có người rất sợ Hắc Vân kị lớn mạnh nhanh chóng trong chiến tranh, bề ngoài nói điều phối quân lực để bổ sung, thực tế là cài thêm gai góc vào trong Hắc Vân kị, làm suy yếu quyền lĩnh quân của Lâu Dự.

Đồng thời cũng có các tướng lĩnh giao hảo với phủ Lăng Nam vương dâng sớ bênh vực Lâu Dự nắm quyền thống soái.

Vũ Định đế chậm chạp không hạ ý chỉ, đế tâm như biển, khó mà thăm dò.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, phủ Lăng Nam vương lại cực kì yên tĩnh. Lăng Nam vương và thế tử đều đóng cửa không ra, đã không dâng tấu thỉnh cầu ấn soái, cũng không trả lời các đề xuất hợp tác tăng cường quân bị, chỉ triệu tập thuộc hạ Hắc Vân kị trong thành Thượng Kinh đến bài binh bố trận trong phủ, luyện trước đánh sau.

Bất luận Lâu Dự có đảm nhiệm chủ soái hay không, Hắc Vân kị vẫn chắc chắn là tiên phong chủ lực đánh nước Sóc, vì vậy cách làm không cầu danh lợi, lo nghĩ sâu xa này của phủ Lăng Nam vương lập tức dẫn tới triều thần khen ngợi. Ngay cả Ngụy tướng quốc luôn luôn không nghiêng không lệch, thanh liêm chính trực cũng mở miệng khen được một câu trên triều đình.

Lại qua mấy ngày, Vũ Định đế cuối cùng hạ chỉ, lệnh Kì Môn quân của Trần Thiền điều động trăm ngàn người, Vũ Lâm vệ và Long Hổ vệ đóng tại biên giới phía bắc điều động trăm ngàn người, lại hợp trăm ngàn quan quân châu phủ mười lăm châu Tây Lương trực thuộc quận Xạ Lỗ và Kí Châu, Vân Châu tạo thành Vệ Thú doanh, cộng thêm Hắc Vân kị, tổng cộng bốn trăm ngàn đại quân. Thái tử Lâu Mẫn làm thống soái, thế tử Lăng Nam vương Lâu Dự làm phó soái kiêm đại tướng quân tiên phong, Trấn Viễn tướng quân Công Tôn Minh làm hậu tướng quân, hữu thị lang bộ Binh Vương Ký phụ trách lương thảo hậu cần, lãnh binh phạt Sóc.

Ý chỉ này khiến nhiều người bất ngờ, lại có ý vị sâu xa.

Mấy quân chủ lực đều rút ra đúng một trăm ngàn người, bất kể thế lực nào cũng không nói được gì. Mà ấn soái cầm quân không cho phủ Lăng Nam vương, cũng không cho Trần Thiền và Tào Giác, càng không giao cho các tướng quân Trấn Phủ, Hoài Viễn thuộc bộ Binh mà giao cho thái tử chưa hề có kinh nghiệm cầm quân đánh trận.

Thái tử thân chinh, thân phận địa vị đè chết người, vừa có thể loại bỏ điều ong tiếng ve, lại có thể phòng ngừa binh quyền vuột mất, Hắc Vân kị lớn mạnh.

Nhưng thái tử chưa bao giờ đánh trận, việc điều quân, cố thủ, chỉnh đốn, chỉ huy chắc chắn không thể nào như ý. Vì thế thế tử Lăng Nam vương thiện chiến làm phó thống soái là chuyện nước chảy thành sông.

Còn lại mấy chủ tướng, Công Tôn Minh là thuộc hạ cũ của Tào Giác, Vương Ký là chiến hữu của Lăng Nam vương, có thể nói là thăng bằng tuyệt đối.

Ngoài ra Vũ Định đế còn hạ chỉ xáo trộn quân chủng biên chế tướng lĩnh các quân, điều động ra, phân đến đại quân phạt Sóc. Hắc Vân kị cũng phân làm mấy cánh sắp xếp trong đại quân. Như vậy sức mạnh của Hắc Vân kị liền bị chia cắt ra, như thịt nát vương vào cành lớn cành nhỏ trong đại quân phạt Sóc. Thứ nhất có thể tăng cường sức mạnh tác chiến chỉnh thể, thứ hai cũng có thể đề phòng Hắc Vân thiết kị có lòng tạo phản.

Năm Vũ Định thứ sáu, biên giới Lương Sóc khói lửa ngợp trời, đại chiến có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.