Trăm Năm Cô Đơn

Chương 3




Đứa con trai của Pila Tecnêra được mang về nhà ông bà nó sau hai tuần cất tiếng chào đời. Ucsula miễn cưỡng thừa nhận nó, bởi lại một lần nữa bà phải nhượng bộ tính gàn của chồng mình, người kiên trì giữ ý nghĩ rằng không thể để cho con cháu ông cù bơ cù bất trong cuộc đời, nhưng bà đã đặt điều kiện là không bao giờ cho đứa trẻ biết rõ gốc gác của nó. Mặc dù đứa trẻ mang tên Hôsê Accađiô, nhưng ông bà quyết định để tránh nhằm lẫn sẽ chỉ gọi chọc lỏn là Accađiô. Vào thời ấy ngoài làng có nhiều hoạt động xã hội và trong nhà có lắm công nhiều việc, cho nên việc chăm sóc trẻ lui xuống hàng thử yếu. Những đứa trẻ được giao phó cho Visitaxiôn, một cô thôn nữ người Anhđiêng, vì phải chạy trốn bệnh dịch mất ngủ từ vài năm nay đang hoành hành ở bộ tộc mình đã đến làng này cùng với em trai. Cả hai chị em đều hiền lành, ngoan nết và chịu thương chịu khó, vì vậy bà Ucsula đã tin cậy giao cho họ giúp mình công việc trong nhà. Bởi thế mà Accađiô và Amaranta đã nói tiếng của người thổ dân trước khi biết nói tiếng Tây Ban Nha, tập húp nước súp thịt thằn lằn và ăn trứng nhện mà Ucsula không hay biết, bởi vì bà đang mải công việc kinh doanh kẹo nặn hình con giống, một nghề nhiều triển vọng. Macônđô đã thay đổi hẳn. Những người cùng đến với Ucsula đã biết cách khai thác đất đai màu mỡ và vị trí địa lý nhiều ưu thế của Macônđô so với vùng đầm lầy, do đó chẳng bao lâu cái làng xác xơ nhanh chóng trở thành một làng nhộn nhịp có các cửa hiệu và xưởng thủ công và một phố buôn bán thường xuyên ở nơi những người A-rập đi giày păngtup và tai đeo khuyên đầu tiên đến đây để đổi những chuỗi hạt pha lê giả ngọc lấy những con vẹt đuôi dài. Hôsê Accađiô Buênđya không có lấy một lúc nghỉ ngơi.

Hào hứng trước một thực tế mà lúc này đối với ông còn huyền ảo hơn cả cái thế giới bao la trong trí tưởng tượng của mình, ông mất luôn hứng thú với công việc ở phòng thí nghiệm giả kim, bỏ mặc cái chất kim loại đã được nung đi nấu lại trong nhiều tháng liền để trở lại con người năng nổ như trước đây từng quyết định vạch những con đường và xây cất các ngôi nhà sao cho không một ai được hưởng nhiều thuận lợi hơn những người khác. Ông có uy tín cao đối với những người mới tới làng, đến mức những người này muốn đào móng xây nhà hoặc muốn rào vườn đều phải đến xin ý kiến ông trước, và ông được mọi người bầu là người đầu tiên quyết định chia lại đất đai của làng. Khi những người digan làm trò ảo thuật trở lại, lần này quầy hàng di động của họ đã trở thành một cửa hàng khổng lồ có các trò chơi may rủi, thì bọn họ đã được đón tiếp nồng nhiệt vì người ta nghĩ rằng Hôsê Accađiô sẽ cùng trở về. Nhưng Hôsê Accađiô đã không trở về, và bọn người digan này cũng không mang theo người- rắn, mà theo như Ucsula nghĩ thì cái gã người-rắn ấy sẽ là kẻ duy nhất có thể cho bà biết được sự thực về con mình, thế là bà đã không cho phép những người digan dừng lại mở cửa hàng và trong tương lai cũng sẽ không được đặt chân lên đất làng này bởi vì bọn họ đã bị lên án là những sứ giả của trò dâm dục và đồi bại. Nhưng Hôsê Accađiô Buênđya lại tỏ ra rất sáng suốt trong ý nghĩ rằng bộ tộc của Menkyađêt, cái bộ tộc bằng những hiểu biết lâu đời và những phát minh kỳ diệu từng đóng góp rất nhiều vào sự trưởng thành của làng Macônđô, lúc nào cũng được mở rộng cửa đón tiếp. Nhưng bộ tộc Menkyađêt, theo như lời những kẻ giang hồ, đã bị xoá khỏi lặt đất này bởi tội dám cả gan vượt qua những giới hạn hiểu biết mà Thượng đế đã phán quyết cho con người.

Thoát khỏi sự dằn vặt của những ham muốn huyễn hoặc, ít ra là trong thời gian này, Hôsê Accađiô Buênđya đã ổn định được nếp sống của làng trong kỷ cương và lao động, và cho phép thả những chú chim từ thời thành lập làng đã làm vui nhộn bầu không khí với tiếng hót của chúng, thay vào đó ông cho lắp dông hồ nhạc ở các nhà. Đó là những chiếc đồng hồ quý giá làm bằng gỗ được bào nhẵn mà những người Arập đổi cho dân làng để lấy những chú vẹt đuôi dài, và Hôsê Accađiô Buênđya đã điều khiển cho không cùng chạy một cách chính xác đến mức cứ nửa giờ một, dân làng vui vẻ hẳn lên trong tiếng nhạc hoà đồng dường như phát ra từ một chiếc đồng hồ duy nhất. Hôsê Accađiô Buênđya là người trong những năm ấy quyết định trồng những cây hạnh đào thay cho những cây keo dọc khắp các con đường và ông cung chính là người phát hiện ra nhưng không bao giờ tiết lộ các biện pháp khiến chúng trường tốn. Rất nhiều năm sau này, khi làng Macônđô trở thành một trại tập trung gồm những ngôi nhà tường gỗ mái lợp tôn, thì trên những con đường cổ kính vẫn còn những cây hạnh đào già cỗi phủ đầy bụi đường mặc dù lúc ấy không một ai biết người nào đã trồng chúng. Trong lúc cha lo sắp đặt công việc chung của làng và mẹ lo làm những chiếc kẹo hình con gà và con em cắm trên những chiếc que được mang ra chợ bán một ngày hai lần để tăng thu nhập gia đình, thì Aurêlianô say đắm ở lỳ trong phòng thí nghiệm bỏ không để nghiên cứu nghề mỹ nghệ vàng bạc. Cậu làm chỉ đơn thuần vì hứng thú riêng. Trong một thời gian ngắn Aurêlianô lớn ngồng lên, đến mức đã không mặc vừa quần áo cũ của anh trai và phải mặc quần áo của cha, nhưng Visitaxiôn lại phải chít nách áo và may hẹp ống quần lại vì cậu vẫn chưa có được thân hình vâm váp của cha và anh mình. Tuổi thanh niên đã lấy đi mất của Aurêlianô giọng nói ngọt ngào và đã khiến cho cậu trở nên lầm lỳ ít nói và cô đơn, nhưng trái lại nó cũng trả cho cậu sức biểu cảm mãnh liệt vốn có từ thuở lọt lòng mẹ trong đôi mắt. Aurêlianô tập trung quá sức vào những việc thực nghiệm kim hoàn đến mức hầu như không ra khỏi phòng thí nghiệm để đi ăn cơm. Lo lắng trước sự tập trung trí tuệ đến cao độ của con trai, Hôsê Accađiô Buênđya liền đưa cho cậu chìa khoá cửa và một ít tiền, vì ông nghĩ rằng có thể con trai mình thiếu gái ở bên cạnh. Nhưng Aurêlianô dùng khoản tiền đó mua axit clohydrich để tạo ra dung dịch axit clohydrich rồi cậu làm cho những chiếc chìa khoá bóng lộn nhờ một lớp vàng mạ bên ngoài. Những tính nết khác thường ấy của Aurêlianô cũng phù hoạ với Accađiô và Amaranta mà lúc này tuy đã thay răng nhưng đi đâu cũng bám lấy gấu quần những người Anhđiêng và rất ương bướng không chịu bỏ thổ ngữ để nói tiếng Tây Ban Nha. "Mình chẳng còn phải kêu ca gì nữa nhé", Ucsula nói với chồng mình: "Con cái thừa kế tính điên khùng của cha mẹ chúng". Trong lúc bà than vãn về số phận hẩm hiu của mình mà lòng tự thấy rằng những sự trái thói trái tính của các con trai mình quả thật cũng đáng kinh sợ như cái đuôi con lợn, thì Aurêlianô mơ màng nhìn bà:

- Có người sẽ đến nhà mình đấy! - cậu bảo mẹ.

Vì lâu nay cậu vẫn thường nói về những điềm báo, nên Ucsula, với thứ lý lẽ thông thường của mình, định làm cậu cụt hứng. Người đến nhà là chuyện bình thường. Hàng chục người lạ mặt vãng lai qua làng Macônđô mà chẳng khiến ai ngạc nhiên cũng chẳng thông báo điều gì bí mật. Tuy nhiên, bất chấp những lý lẽ thông thường ấy, Aurêlianô vẫn khẳng định điều mình tiên đoán:

- Con không biết là ai? - cậu nói, - nhưng người đến đây hiện đang trên đường đi.

Quả nhiên, Rêbêca đã đến vào một ngày chủ nhật. Cô bé chưa đến tuổi mười một. Cô bé đã phải vất vả đi từ Manaurê đến đây cùng với những người buôn da là những người có nhiệm vụ giao lại cô bé và bức thư tại nhà Hôsê Accađiô Buênđya, nhưng cũng chính những người này không thể giải thích rõ ràng ai là người đã nhờ cậy họ. Tất cả hành trang của cô bé gồm một cái hòm nhỏ đựng quắn áo, một chiếc ghế xích đu gỗ và một bao tải gai trong đó đựng hài cất của bố mẹ nó, những thứ vẫn thường kêu lộc cộc, lộc cộc, lộc cộc khi va chạm vào nhau. Bức thư gửi cho Hôsê Accađiô Buênđya được viết bằng những từ ngữ âu yếm thổ lộ tình cảm của người dù xa cách lâu ngày vẫn yêu thương ông và bởi một tình cảm rất thân ái, người đó tự thấy mình phải nhờ vả gia đình ông trông nom cô bé mồ côi không nơi nương tựa này và kể rằng cô bé là một người họ hàng tất gần với Ucsula và do đó cũng là chỗ thân tình của Hôsê Accađiô Buênđya tuy có xa hơn chút ít, bởi vì cô bé là con gái của một người bạn không thể nào quên được tên là Nicanô Udôa và người vợ cao quý của ông ta tên là Rêbêca Môntiên. Đó và những người đang được Thượng đế che chở trên thiên đường của Người, và hài cất của họ đã được thu lại để gia đình ông mai táng dưới phần mộ những con chiên của chúa Crixtô.

Những tên tuổi được dẫn ra cúng như chữ ký trong lá thư đều hoàn toàn rõ ràng, nhưng cả Hôsê Accađiô Buênđya lẫn Ucsula đều nhớ rằng mình không có ai thân quen có những tên ấy, kể cả tên người gửi thư và ở làng Manaurê xa xưa ấy càng không thể có ai mang những tên ấy. Qua cô bé họ cũng không thể tìm dược những tin tức đầy đủ hơn. Kể từ lúc đến, cô bé ngồi trên ghế xích đu, mút tay và với đôi mắt to sợ sệt quan sát tất cả mọi người, không hề tỏ vẻ rằng mình có hiếu hay không hiểu những điều người ta hỏi. Cô bé mặc quần áo vải điagônan dệt sọc đen đã sờn rách và đôi ủng màu vécni đã thủng, tóc vén qua mang tai buộc bằng những chiếc nơ đen. Cô bé còn mặc một chiếc áo choàng thêu không tay bị mồ hôi làm phai bạc đi, và trên cổ tay phải đeo một chiếc răng thú dữ cắm trên đế đồng, nó tựa như một chiếc bùa hộ mạng. Nước da cô bé xanh tái, cái bụng tròn vo và căng phồng giống như mặt trống, tất cả đều chứng tỏ cô bé rất bệnh hoạn và đói ăn lâu ngày. Nhưng khi được người ta cho ăn thì cô bé ngồi yên, đặt bát thức ăn trên đùi mà không hề nếm thử. Mọi người cứ đinh ninh rằng cô bé bị bệnh câm điếc cho tới khi những người Anhđiêng dùng thổ ngữ hỏi cô bé có muốn uống nước không thì đôi mắt cô bé chơm chớp làm ra vẻ hiểu họ và gật đầu xin nước.

Không còn cách nào khác là gia đình buộc phải nhận nuôi cô bé. Mọi người quyết định gọi cô bé là Rêbêca cho hợp với tên mẹ vì Aurêlianô đã đủ kiên nhẫn ngồi trước mặt nó đọc hết các tên thánh nhưng cậu không nhìn thấy một phản ứng nào, dù rất nhỏ, trên gương mặt cô bé. Trong thời gian ấy, ở làng Macônđô chưa có nghĩa địa, vì cho đến lúc này vẫn chưa có ai chết và thế là gia đình buộc phải cất giữ chiếc bao tải đựng hài cất cho tới khi nào có địa điểm xứng đáng để mai táng. Trong thời gian khá lâu chúng vương vãi khắp nơi, bị bắt gặp ở những nơi ít ngờ nhất thường kèm với tiếng kêu quang quác của chú gà hay bới. Phải mất một thời gian dài, Rêbêca mới làm quen với cuộc sống ở nhà này. Cô bé ngồi trên ghế xích đu, mút tay chùn chụt ở trong xó nhà vắng vẻ nhất. Chỉ có tiếng nhạc phát ra từ đồng hồ là cái duy nhất khiến cô bé chú ý. Cứ nữa giờ một, với đôi mắt thảng thốt, cô đón nghe như thể đang chờ đợi âm nhạc ấy ở một nơi tráng gió nào đó. Trong vài ngày liền, gia đình không làm sao mời cô ăn cơm được. Không một ai hiểu nổi làm sao cô bé không chết đói, cho đến khi những người Anhđiêng, những người biết tất cả vì họ nhẹ nhàng chạy đi chạy lại khắp nhà, đã phát hiện ra rằng Rêbêca không thích ăn cơm mà trái lại chỉ thích ăn đất ẩm ngoài sân và đất vách do cô ta dùng ngón tay cậy ra từ các bức tường. Rõ ràng là cha mẹ cô hoặc bất kì người nào nuôi dưỡng cô bé từng quở mắng nó vì cái tật xấu ấy bởi thế cô bé đã ăn vụng với ý thức rõ ràng đó là một tội lỗi. Cô bé cứ lén lấy những mảng đất vách giấu đi để ăn khi không có ai nhìn thấy. Từ đó trở đi người ta càng để ý cô bé kỹ hơn. Người ta đổ mật bò cái xuống nền sân và tẩm nước ớt cay lên các bức tường, đinh ninh tin rằng bằng những phương pháp này có thể trì được cái tật xấu nguy kịch. Nhưng cô gái lại tinh khôn và khéo léo tìm cách giấu đất để ăn, do đó buộc Ucsula phải sử dụng các biện pháp hữu hiệu hơn nữa. Bà lấy nước cam hoà lẫn với bột đại hoàng cho vào một cái mếu rồi phơi sương thâu đêm và sáng hôm sau vào lúc ăn sáng, bà cho cô bé uống một cốc nước ấy. Dù cho không ai bảo với bà rằng cái thứ này là một phương thuốc đặc hiệu dùng để trị bệnh ăn đất, bà nghĩ rằng bất kỳ thứ nước đắng nào vào bụng lúc dạ dầy đói meo có tác dụng đến buồng gan. Mặc dù mắc bệnh còi xương, Rêbêca rất dữ tợn và rất khỏe đến mức phải vật ngửa cô bé như vật ngửa con bê để cho uống thuốc và hầu như người ta không thể ghìm được chân nó giãy đạp và không thể bưng miệng nó lại để khỏi buột ra những âm thanh khó hiểu kèm với những cú cào cấu và nhổ nước bọt mà theo như những người Anhđiêng thì đó là những lời tục tằn nhất có thể nhận ra trong ngôn ngữ thổ dân. Khi biết điều đó, Ucsula phải dùng đến cả đòn roi trong lúc cho cô bé uống thuốc. Sẽ chẳng bao giờ xác định được bột đại hoàng hay nhũng chiếc roi da, hoặc cả hai thứ cùng phối hợp là cái phương thuốc đưa đến hiệu nghiệm, nhưng thực tế cho thấy rằng trong ít tuần, Rêbêca đã bắt đầu có những dấu hiệu chứng tỏ cô bé đang khỏi bệnh. Rêbêca tham gia các trò chơi của Accađiô và Amaranta là những đứa trẻ đón nhận cô như đón nhận một người chị cả, và cô ăn rất ngon miệng bởi biết sử dụng thành thạo các đồ dùng ăn uống. Cô bé cũng nhanh chóng chứng tỏ rằng mình nói tiếng Tây Ban Nha cũng lưu loát như nói tiếng của những người Anhđiêng, rằng cô có khả năng thích hợp với công việc chân tay. Cô bé hát theo nhạc van do đồng hồ phát ra với lời ca rất hay do chính cô ứng khẩu. Chẳng bao lâu cô được nhận là một thành viên nữa của gia đình. Ucsula yêu mến cô hơn cả chính các con mình và cô bé gọi Amaranta và Accađiô là các em, gọi Aurêlianô là chú, gọi Hôsê Accađiô Buênđya là ông.

Vậy là cuối cùng cô bé rất xứng đáng mang tên Rêbêca Buênđya, một cái tên duy nhất của cô và cô kiêu hãnh mang nó trong suốt cuộc đời mình cho đến hơi thở cuối cùng.

Có một đêm, ấy là vào thời kỳ Rêbêca chữa khỏi tật ăn đất và được đưa vào ngủ cùng phòng với những đứa trẻ khác, cô gái Anhđiêng vẫn thường ngủ chung phòng với chúng bỗng nhiên thức giấc và nghe thấy có tiếng động khác thường. Cô gái thảng thốt ngồi dậy cứ nghĩ rằng có con vật nào đó đã chui vào phòng và lúc ấy cô ta nhìn thấy Rêbêca ngồi trên ghế xích đu đang mút ngón tay với đôi mắt sáng như mắt mèo trong đêm đen.

Hoảng hốt trước căn bệnh nguy hiểm, lo lắng cho nỗi bất hạnh của số phận mình, Visitaxiôn nhận ra trong đôi mắt ấy những triệu chứng của một thứ bệnh mà sự đe dọa của nó đã buộc họ, cô và em trai cô, mãi mãi phải vĩnh biệt cái vương quốc lâu đời, nơi họ từng là công chúa và hoàng tử. Đó là bệnh dịch mất ngủ.

Cataurê, em trai của Visitaxiôn, đêm ấy đã bỏ trốn khỏi nhà. Bà chị anh ở lại bởi vì trái tim định mệnh của chị đã chỉ cho chị biết rằng thứ bệnh nguy hiểm chết người ấy sẽ bằng mọi cách theo riết chị đến tận cùng trời cuối đất. Không một ai hiểu được nỗi lo lắng của Visitaxiôn. "Nếu chúng ta không ngủ được thì càng tốt", Hôsê Accađiô Buênđya vui vẻ nói, "như thế cuộc sống sẽ càng có ích đối với chúng ta hơn". Nhưng cô gái Anhđiêng đã giải thích cho họ rằng điều đáng sợ nhất của bệnh mất ngủ không phải là khả năng không thể ngủ được, bởi vì cơ thể ta không cảm thấy mệt mỏi, mà là vì nếu không chạy chữa kịp thời, nhất định sẽ dẫn tới bệnh còn nguy kịch hơn, đó là bệnh mất trí nhớ. Nghĩa là khi bệnh nhân đã quen với trạng thái mất ngủ thì những ký ức tuổi thơ sẽ bị xoá khỏi trí thớ của anh ta, sau đó đến tên và ý nghĩa của các sự vật, rồi cuối cùng đến lượt bản thể của con người và hơn nữa ngay cả ý thức về chính bản thân mình, đều bị xoá khỏi trí nhớ của anh ta để rồi tất cả đều chìm đắm trong trạng thái đần độn chưa từng có trong quá khứ. Hôsê Accađiô Buênđya cảm thấy chết cười được, đã nhận xét rằng cô gái đang nói về một trong những thứ bệnh do thói mê tín của những người Anhđiêng phía ra. Song, Ucsula, để đề phòng, đã cẩn thận cách ly Rêbêca khỏi đám trẻ. Mấy tuần sau đó khi nỗi lo lắng của Visitaxiôn lắng dịu xuống thì Hôsê Accađiô Buênđya trải qua một đêm trằn trọc trên giường không tài nào ngủ được. Ucsula, lúc ấy cũng đã thức giấc, hỏi ông làm sao vậy và ông đã trả lời bà: "Lại một lần nữa tôi nghĩ đến Pruđênxiô Aghila, bà ạ". Cả hai vợ chồng đều không ngủ lấy một phút nhưng ngày hôm sau họ đều thấy khoẻ mạnh đến mức quên luôn cái đêm mất ngủ. Vào giờ ăn cơm trưa, Aurêlianô thảng thốt kể rằng cậu vẫn thấy khoẻ mạnh mặc dù đêm qua thức suốt để mạ vàng chiếc cặp tóc, một tặng phẩm cậu nghĩ sẽ tặng mẹ nhân ngày sinh của bà. Không một ai trong gia đình tỏ ra lo lắng cho mãi tới ngày thứ ba, vào giờ đi ngủ họ vẫn không cảm thấy buồn ngủ, và chỉ đến lúc ấy mọi người mới vỡ nhẽ rằng đã hơn năm mươi giờ liền họ không hề chợp mắt.

- Bọn trẻ con cũng tỉnh như sáo, - cô gái Anhđiêng nói với niềm tin chắc vào định mệnh không sao tránh khỏi. - Một khi bệnh dịch lây đến thì chẳng một ai thoát được cả.

Quả nhiên bệnh mất ngủ đã lan tràn tới đây. Ucsula nhờ học mẹ mình mà biết được một số cây có tác dụng chữa lành bệnh, đã vò lá cây phụ tử lấy nước cho tất cả mọi người uống nhưng không công hiệu, không một ai ngủ được mà trái lại cả ngày hom đó mọi người đều mơ trong khi thức. Trong trạng thái tỉnh táo mà mơ màng ấy, không những người ta chỉ nhìn thấy những bóng hình trong chính giấc mơ của mình mà còn nhìn thấy cả những bóng hình trong giấc mơ của người khác. Cứ như thể nhà này đông nghịt khách khứa. Ngồi trên chiếc ghế xích đu đặt ở trong xó bếp, Rêbêca mơ thấy một người đàn ông rất giống nó, mặc bộ đồ lanh trắng, nơi cổ gài một chiếc cúc vàng, mang đến cho nó một cành hoa hồng. Một người phụ nữ có đôi bàn tay nuột nà đi bên ông đã ngắt một bông hồng, rồi cài lên mái tóc cô bé. Ucsula hiểu rằng đó là cha mẹ của Rêbêca, nhưng dẫu rằng đã cố sức để nhận mặt bà vẫn phải thừa nhận rằng chưa bao giờ nhìn thấy họ. Trong khi đó, do một sơ suất đáng tiếc mà Hôsê Accađiô Buênđya sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho mình: những chiếc kẹo nặn hình con giống sản xuất trong nhà này vẫn tiếp tục được mang ra chợ bán. Trẻ con và người lớn thích thú mút những chiếc kẹo hình con gà béo màu xanh đã nhiễm bệnh mất ngủ, những con cá màu hồng đã nhiễm bệnh mất ngủ, những chú ngựa con màu vàng đã nhiễm bệnh mất ngủ, do đó buổi bình minh ngày thứ hai đã bắt gặp cả làng đang thức. Đầu tiên không một ai hốt hoảng. Trái lại, tất cả đều vui sướng vì không ngủ được, bởi lúc đó có rất nhiều việc cần phải làm đến mức hầu như họ không có đủ thời gian. Họ làm lụng quá nhiều do đó lập tức chẳng còn gì để làm và vào lúc ba giờ sáng tất cả đều khoanh tay ngồi đếm từng nốt nhạc van vang lên từ những chiếc đồng hồ. Những người muốn ngủ, không vì họ cảm thấy mệt mỏi mà chỉ vì nhớ giấc ngủ thường ngày thôi, đã phải vận dụng hết các phương thức cần thiết để gọi giấc ngủ đến với mình, nhưng thảy đều vô hiệu. Họ tụ tập lại để chuyện phiếm không hề ngừng nghỉ, để lặp đi lặp lại chỉ một câu chuyện gây cười trong hàng giờ và hàng giờ liền, để làm cho mọi người tức phát điên lên với câu chuyện về con gà Capôn vốn là một trò chơi không bao giờ kết thúc, trong đó người kể chuyện hỏi các vị muốn tôi kể chuyện con gà Capôn không và khi người nghe trả lời rằng. có thì người kể chuyện nói rằng ông ta không yêu cầu bảo rằng có mà rằng các vị muốn tôi kể chuyện con gà Capôn không và khi người nghe trả lời rằng không thì người kể chuyện nói ông ta không yêu cầu trả lời rằng không mà rằng các vị có muốn tôi kể chuyện con gà Capôn chăng và khi người nghe im lặng thì ông ta nói ông ta không yêu cầu im đặng mà rằng có phải các vị muốn tôi kể chuyện con gà Capôn và không một ai có thể bỏ đi được bởi người kể chuyện sẽ nói rằng ông ta không yêu cầu bỏ đi mà rằng phải chăng các vị muốn tôi kể chuyện con gà Capôn, rồi cứ như thế lặp đi lặp lại trong eái vòng luẩn quẩn kéo suốt những đêm dài.

Khi Hôsê Accađiô Buênđya nhận ra bệnh dịch đã lây lan khắp làng, ông liền họp các chủ hộ lại để giải thích về bệnh mất ngủ theo đúng như hiểu biết của mình. Các chủ hộ đều thống nhất sử dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn tai ương này khỏi tràn lan sang các cư dân khác ở vùng đầm lầy. Thế là người ta tháo khỏi cổ dê những quả chuông nhỏ mà những người Arập mang đến đây đổi lấy những chú vẹt đuôi dài rồi để chúng ở ngay cổng làng chuẩn bị cho những ai không thèm để ý tới những lời khuyên, những lời van xin tha thiết của người gác cổng mà cứ một mực xin vào thăm làng Macônđô. Tất cả những người lạ mặt đi lại trên các nẻo đường Macônđô trong thời gian ấy đều phải rung chuông để báo cho những người bệnh biết họ là người khoẻ mạnh. Trong thời gian ở lại đây, bọn họ không được ăn uống bất cứ thứ gì vì không còn nghi ngờ gì nữa dịch bệnh lây lan qua đường miệng, và hơn nữa đồ ăn thức uống đều đã nhiễm bệnh mất ngủ. Bằng hình thức này bệnh dịch đã bị thu hẹp lại trong phạm vi của làng. Biện pháp kiên quyết ấy chính là biện pháp dùng trong thời kỳ kiểm dịch, và nó được duy trì cho đến ngày tình trạng mất ngủ được xem như là một hiện tượng bình thường và cuộc sống được tổ chức sao cho công việc làm ăn lấy lại nhịp điệu vốn có của nó và không một ai phải bận tâm tới việc đi ngủ, coi đó như một thói quen vô tích sự.

Aurêlianô là người đầu tiên tìm ra biện pháp chống lại bệnh giảm trí nhớ. Ngẫu nhiên mà cậu tìm ra thôi. Vì là người mất ngủ lâu ngày nhất trong làng, cậu đã học tập để có được trình độ tinh xảo trong nghề kim hoàn. Có một hôm cậu đang tìm chiếc đe nhỏ để dát mỏng kim loại và bỗng nhiên cậu quên nó.

Cha cậu bảo cậu nó gọi là tas. Aurêlianô liền lấy giấy viết chữ tas rồi đem tờ giấy ấy dán lên bệ đe. Như vậy cậu tin rằng trong tương lai mình sẽ không quên tên nó nữa. Cậu cũng không ngờ rằng việc quên tên này là biểu hiện đầu tiên của bệnh đãng trí mà chỉ cho rằng chẳng qua đó là vì cái dụng cụ ấy có tên rất khó nhớ. Nhưng sau đó mấy hôm, cậu phát hiện ra rằng bản thân mình không thể nhớ nổi tên các dụng cụ trong phòng thí nghiệm. Thế là cậu viết tên chúng lên từng đồ vật một, do đó chỉ cần đọc tên là đã có thể nhận biết được chúng rồi. Khi cha cậu đem nỗi lo lắng về việc ông quên hết những kỷ niệm sâu sắc từ thời ấu thơ kể cho cậu nghe thì Aurêlianô đã giải thích phương pháp của mình cho cha hiểu, và Hôsê Accađiô Buênđya liền áp dụng phương pháp này cho mọi người trong nhà, sau đó cho tất cả dân làng. Lấy cành bài hương đã chấm mực, ông viết lên từng vật thể tên của nó: bàn, ghế, đồng hồ, cửa, tường, giường chảo rán. Rồi ông ra vườn viết lên từng con vật và từng cây một: bò cái, dê đực, lợn đực, gà mái, sắn, khoai sọ, chuối mắm. Do tìm hiểu những khả năng vô hạn của bệnh đãng trí, dần dần ông nhận thấy rằng có thể đến một ngày nào đó qua con chữ người ta sẽ nhận ra các sự vật nhưng sẽ không nhớ được công dụng của chúng trong đời sống. Vậy là cần phải viết cho rõ ràng hơn. Tấm bảng viết treo trên cổ con bò cái là một bằng chứng tiêu biểu cho hình thức dân chúng Macônđô đã sử dụng để chống lại bệnh đãng trí. Đây là con bò cái, tất cả các buổi sáng cần phải vắt sữa và đối với sữa cần phải đun sôi lên để pha với cà phê và làm cà phê sữa. Như vậy dân làng cứ sống trong một thực tại trơn chuồi chuội không thể khắc vào trí nhớ, được nhận bắt thoáng qua bởi những từ ghi trên giấy nhưng nó sẽ biến đi khi người ta quên mất ý nghĩa của các từ.

Ngay ở cổng vào làng Macônđô, một tấm biển được dựng lên viết: Macônđô và trên con đường trung tâm của làng cũng dựng lên một tấm biển còn to hơn nữa đề "Thượng đế tồn tại". Để ghi nhớ các đồ vật cũng như các loại tình cảm của con người, trong các nhà cũng có treo các bảng đề tên từng đồ vật và từng loại tình cảm một. Nhưng hệ thống nhớ ấy đòi hỏi quá nhiều sự quan sát và quá nhiều sự nỗ lực của bộ óc đến mức rất nhiều người đã phải đầu hàng trước niềm vui của một thế giới tưởng tượng, được chính họ bịa ra mà đối với họ nó là một thế giới để an ủi hơn là một thế giới để hành động. Pila Tecnêra là người đóng góp nhiều công sức hơn vào việc phổ biến trò phỉnh phờ này khi thị cảm nhận được cách đọc quá khứ trong những lá bài cũng như trước đây qua chúng thị đọc tương lai. Bằng thủ thuật này những người mất ngủ bắt đầu sống trong một thế giới được xây dựng bởi những hình ảnh mơ hồ không xác tín trong những lá bài, là nơi ông bố nhớ lại hầu như mình là một người đàn ông rám nắng vừa đến đây vào đầu tháng tư và bà mẹ nhớ lại mình gần như một người đàn bà trẻ tóc đen tuyền, còn đeo nhãn vàng trên bàn tay trái, và là nơi một ngày sinh nhích gắn lại dường như mới vừa hôm thứ ba còn văng vẳng tiếng chim chiền chiện hót trên cây nguyệt quế. Bị thất bại trước những thủ thuật có tính chất an ủi ấy, Hôsê Accađiô Buênđya đã quyết chí làm một cái máy nhớ ông từng ao ước để nhớ những phát minh kì diệu của những người digan. Vào tất cả các buổi sáng cái máy ấy phải có khả năng duyệt lại toàn bộ những hiểu biết thu được trong cuộc sống kể từ đầu cho đến cuối. Ông tưởng tượng nó giống như một cuốn từ điển tự quay tròn mà một người ngồi ở trục, nhờ một chiếc tay quay, có thể khiến cho những tri thức về đời sống sẽ lần lượt hiện ra ngay trước mắt họ chỉ trong ít giờ đồng hồ. Ông đã viết được một vạn bốn nghìn cái phích. Cũng chính lúc ấy trên đường từ đầm lầy vào làng, xuất hiện một cụ già quái dị tay cầm một quả chuông nhỏ rung lên những âm thanh buồn buồn của kẻ ngái ngủ, vai vác một va li căng phồng có đai thừng chằng buộc cẩn thận, đẩy một chiếc xe nhỏ phủ kín những mụn vải thâm. Cụ đi thẳng đến nhà Hôsê Accađiô Buênđya.

Khi mở cửa cho cụ, Visitaxiôn không nhận ra cụ và cô nghĩ rằng cụ già đến đây định bán thứ gì mà không biết rằng không thể bán được bất cử thứ gì ở cái làng đang ghìm trong bệnh đãng trí khủng khiếp vô phương cứu chữa này. Đó là một cụ già cao tuổi lắm. Mặc dù tiếng nói của cụ thều thào đứt quãng, bàn tay cụ run lẩy bẩy như không thừa nhận sự tồn tại của các vật thể nhưng rõ ràng cụ là người đến từ miền đất người ta vẫn có thể ngủ được và nhớ được. Hôsê Accađiô Buênđya bắt gặp cụ ngồi trong phòng khách; tay quạt chiếc mũ rách đã vá lại, mắt đang mải đọc những tờ giấy viết chữ dán trên các bức tường. Ông cung kính chào cụ để khỏi thất lễ vì sợ rằng đó là một người quen lâu ngày không gặp lại và hiện giờ ông chưa nhận ra. Nhưng vị khách đã nhận ra ông không thành tâm. Cụ cảm thấy mình bị chủ nhà quên nhưng đó không phải là sự lãng quên do vô tâm mà là một sự lãng quên quái ác và vô phương cứu chữa do không thể tập trung trí nhớ được, một sự lãng quên cụ từng biết rất rõ bởi vì đó chính là sự lãng quên của cái chết.

Cụ mở chiếc va li chật ních những thứ không thiếu được, rồi cụ lấy ra một chiếc túi dựng các chai lọ. Cụ cho Hôsê Accađiô Buênđya uống tuột thứ nước có mùi dễ chịu và lập tức trong trí nhớ của ông bừng sáng. Mắt ông nhoà đi vì lệ trước khi ông kịp nhìn ra mình đang ở trong căn phòng bừa bãi những đồ vật bị viết tên, trước khi ông kíp cảm thấy hổ thẹn vì những điều ngu ngốc được viết trên tường với tất cả lòng thành kính và hơn thế nữa, trước khi ông nhận ra người mới đến trong ánh sáng tươi hững của niềm vai. Người đó là Menkyađêt.

Trong lúc Macônđô mở hội ăn mừng trì nhớ bình phục thì Hôsê Accađiô Buênđya và Menkyađêt đánh bóng tình bạn cũ của họ lâu nay bị thời gian phủ bụi. Người digan quyết định ở lại làng này. Đúng là cụ ở trong cõi chết và đã chạy trốn về đây vì không chịu nổi nỗi cô đơn. Bị bộ tộc mình ruồng bỏ, bị tướt mất năng lực siêu phàm, tất cả những thứ đó như một sự trừng phạt đối với lòng trung thành của cụ trước cuộc đời, cụ đã quyết chí chạy trốn đến đây, một xó xỉnh của thế giới mà thẩn chết chưa phát hiện ra và cụ hiến thân cho nghề chụp ảnh đaghe(1). Hôsê Accađiô Buênđya chưa bao giờ nghe nói về phát minh này. Nhưng khi ông nhìn thấy chính mình và gia đình mình với giây lút đời đời hiện hình trên một tấm kim loại óng ánh, thì ông đứng thẩn người ra. Vẫn còn lại một bức ảnh trên tấm kim loại đã hoen rỉ thuộc thời kỳ ấy cho thấy Hôsê Accađiô Buênđya xuất hiện với mái tóc xoăn điểm sương, một chiếc cúc đồng đóng kín cổ cồn áo sơmi, và với vẻ nghiêm trang đầy sợ sệt khiến cho Ucsula cười ngặt nghẽo mà miêu tả ông như "một tướng quân đang hãi hùng". Quả nhiên là Hôsê Accađiô Buênđya đang hoảng hốt trong buổi sáng tháng chạp khi người ta chụp ảnh, bởi vi lúc ấy ông nghĩ rằng dân chúng sẽ mất dần đi theo giây phút hình ông hiện trên tấm kim loại. Bởi một sự đảo lộn kì dị của thói quen, Ucsula là người dã khiến ông nẩy sinh ý nghĩ ấy cũng như bà là người quên đi những mặc cảm khó chịu trước đây, đã đồng ý để cho Menkyađêt ở lại trong nhà mình mặc dù chẳng bao giờ cho phép ông chụp ảnh bà bởi (theo đúng như lời bà) bà không muốn cử tồn tại như thế để giễu các cháu mình.

Buổi sáng ấy bà mặc đẹp đến thăm đám trẻ, thoa phấn cho chúng rồi cho mỗi đứa uống một thìa cháo tuỷ để chúng có thể đứng yên không nhúc nhích trong hai phút đồng hồ trước máy chụp ảnh của Menkyađêt. Trong bức ảnh đaghe chụp toàn gia đình đã mất từ lâu, Aurêlianô mặc đồ dạ đen đứng giữa) Amaranta và Rêbêca. Cậu mang vẻ buồn buồn và đôi mắt nhìn sắc sảo mà nhiều năm sau này khi đứng trước đội hành hình chúng vẫn nguyên vẹn, những lúc đó cậu vẫn chưa có được dự cảm về số phận mình. Cậu đã là một thợ kim hoàn lành nghề được cả vùng ngưỡng mộ. Trong xưởng thủ công được đặt cùng với phòng thí nghiệm ồn ĩ của Menkyađêt, dường như cậu đã chạy trốn vào một thời đại khác để làm việc đến mức không còn nghe thấy tiếng cậu thở; trong khi đó cha cậu và Menkyađêt lớn tiếng tranh luận với nhau về những lời tiên tri của Nôstrađam.

Những lời ấy vang lên giữa những tiếng va chạm của bình và cốc đựng các dung dịch, và nỗi bất hạnh của axit đổ và muôi bạc bị rơi vãi từng lúc từng lúc do những cú động cùi tay và trượt chân gây nên. Sự toàn tâm toàn sức hiến dâng cho công việc, cái quan niệm đúng đắn hướng dẫn mọi hứng thú của cậu, dã cho phép cậu trong một thời gian ngắn thu được khoản tiền lớn hơn khoản tiền của Ucsula thu được nhờ những chiếc kẹo nặn hình con giống rất ngon lành, nhưng cả bàn dân thiên hạ ai ai cũng lấy làm lạ rằng tuy cậu đã là một người đàn ông thực thụ thế mà vẫn chưa biết đến đàn bà. Thực tình cậu vẫn chưa hề cùng ai.

Mấy tháng sau đó, cụ Phranxixcô - Con Người, một khách giang hồ gần hai trăm tuổi vẫn thường qua lại Macônđô để phổ biến các bài hát do chính cụ đặt ra, đã trở lại làng. Trong các bài hát này, cụ Phranxixcô - Con Người kể lại tường tận những điều xảy ra ở các đàng trong hành trình của mình, kể từ làng Manaurê đến các hang cùng ngõ hẻm thuộc vùng đầm lầy, vậy là nếu ai muốn nhắn gửi điều gì hoặc muốn loan báo một sự kiện nào đó thì cứ việc trả cụ hai xu để cụ đưa nó vào chương trình của mình. Nhờ vậy mà một đêm nọ Ucsula nghe các bài hát của cụ với hy vọng chúng sẽ nói về Hôsê Accađiô, đã biết tin mẹ mình quá cố một cách ngẫu nhiên thôi. Cụ được gọi là Phranxixcô - Con Người là vì trong một cuộc thi hát đối đáp cụ đã đánh bại con quỉ, vả lại cũng không một ai biết tên thật của cụ. Trong lúc dịch mất ngủ hoành hành ở làng Macônđô, cụ lặng lẽ biến mất và bây giờ không một lời báo trước cụ lại có mặt ở đây trong cửa hàng của bác Catarinô. Cả làng đều kéo đến nghe cụ để xem có gì mới xảy ra trên thế giới này. Trong dịp này, cùng đến với cụ còn có một người đàn bà béo mập ngồi trên ghế xích đu được bốn phu Anhđiêng khiêng và được một cô gái da lai vẻ cô đơn cầm ô che nắng cho. Đêm ấy Aurêlianô đến cửa hàng bác Catarinô. Cậu thấy cụ Phranxixcô - Con Người, như một con kỳ nhông hoá đá, ngồi giữa đám người tò mò đang nghe cụ kể tích... Với giọng hát thều thào được cây đàn phong cầm cũ kỹ đệm, cây đàn này cụ được ngài Oante Rahch(2) tặng cho ở đảo Goadana. Cụ hát để kể lể các tin tức, trong khi đó đôi bàn chân to, thô, nứt nẻ bởi phải cuốc bộ qua các mỏ diêm sinh, cùng giậm liên hồi để đánh nhịp. Mụ Tú bà ngồi trên ghế xích đu, tay phe phẩy quạt ở trước cửa phía cuối phòng nơi có một số người đàn ông vào ra. Với bông hồng nỉ giắt trên mang tai, bác Catarinô bán những cốc nước Goarapô(3) - gần từng người một đặt tay mình lên người họ vào đúng cái chỗ không nên. Đêm về khuya, nóng bức không thể chịu được. Aurêlianô ngồi nghe tin tức cho đến hết chương trình mà vẫn không thấy điều gì bổ ích đối với gia đình mình. Đang lúc cậu sửa soạn để về nhà thì mụ Tú bà chỉ tay ra hiệu, bảo cậu:

- Cậu cũng vào đi, - mụ nói, - chỉ tốn kém có hai hào thôi!

Aurêlianô bỏ đồng hai hào vào cái đĩa mụ kẹp nơi bẹn rồi bước vào phòng mà không biết để làm gì. Cô bé da lai đang trần truồng nằm trên giường với đôi vú hệt như vú chó. Đêm ấy trước lúc Aurêlianô vào đã có sáu mươi ba người đàn ông qua phòng này rồi. Không khí trong phòng, vì đã có quá nhiều người qua lại và bị ngào trong mồ hôi và hơi thở, bắt đầu đông đặc lại nhuyễn thành bùn. Cô bé lột chiếc ga trải giường ướt sũng và nhờ Aurêlianô cầm hộ một đầu. Nó nặng chình chịch. Hai người vặn hai đầu vắt tấm vải trải giường cho đến khi kiệt nước. Hai người lật nghiêng chiếc giường, mồ hôi dòng dòng chảy về phía nghiêng để rơi xuống sàn nhà. Aurêlianô khao khát mong mỏi công việc này sẽ không bao giờ kết thúc. Về mặt lý thuyết cậu đã biết nghệ thuật làm tình, nhưng vì gối đã mỏi nên không thể đứng thẳng được, và mặc dù da mình đã nổi gai gà và nóng hầm hập cậu vẫn không thể kìm được những cú trung tiện đang đòi hỏi mau chóng được thoát ra ngoài. Khi sửa sang xong giường đệm, cô bé lệnh cho cậu cởi quần áo, thì cậu ngờ nghệch giải thích: "Người ta bảo tôi vào. Người ta bảo tôi hãy bỏ hai hào vào đĩa đựng tiền và không được chậm trễ". Cô gái hiểu được nỗi lo lắng của cậu. "Nếu như anh bỏ thêm hai hào nữa ở cửa ra, anh có thể ở lại thêm ít phút nữa", cô dịu dàng nói.

Aurêlianô cởi quần áo, vẻ khổ sở vì xấu hổ, không tài nào rũ bỏ được ý nghĩ cho rằng cái thân xác lõa lồ của mình sẽ không địch nổi cái thân xác cường tráng của ông anh mình. Mặc cho cô gái cố gắng khêu gợi, cậu vẫn cảm thấy đơn độc, đơn độc đến khủng khiếp. "Tôi sẽ bỏ thêm hai hào nữa" với giọng chán nản cậu nói thế. Cô bé lặng lẽ cám ơn cậu. Lưng cô bé đỏ lừng lựng. Da cô bọc lấy xương để lộ từng cái xương sườn một và hơi thở của cô gấp gáp rối loạn đầy vẻ mệt mỏi. Hai năm trước đây, ở một làng xa tít mù, cô bé ngủ quên không tắt ngọn đèn nến và khi choàng tỉnh dậy cô đã ở ngay cạnh lửa cháy. Cái ngôi nhà nơi cô sống với bà nội, vốn là người nuôi cô từ tấm bé, đã biến thành tro tàn. Từ đó trở đi, người bà mang cô bé đi hết làng này sang làng khác, bắt cô phải ngủ với đàn ông với giá hai hào một lần để có một số vốn ngõ hầu bù lại toàn bộ giá trì ngôi nhà bị cháy. Theo những tính toán của cô gái, thì cô còn thiếu hơn mười năm mà đêm nào cũng phải hiến thân cho đủ số bảy mươi thằng đàn ông, bởi vì ngoài số tiền phải trả cho bà nội, cô còn phải kiếm đủ tiền để trang trải cho việc đi lại, cho việc ăn uống của hai bà cháu, và tiền công cho những người Anhđiêng khiêng chiếc ghế xích đu. Khi mụ Tú bà gõ cửa lần thứ hai, Aurêlianô ra khỏi phòng mà vẫn chưa kịp hành sự, đau đớn đến muốn khóc lên được. Đêm ấy, cậu không ngủ, chỉ nghĩ đến cô gái trong tình cảm vừa yêu vừa thương hại. Cậu cảm thấy vừa yêu thương lại vừa muốn che chở cô gái. Đó là thứ tình cảm da diết không thể dừng được. Vào lúc trời rạng sáng, người mệt rã rời vì mất ngủ và vì sốt, cậu quyết định một quyết định lành mạnh, sẽ cưới cô gái để giải phóng cô khỏi sự cai quản của người bà và để cùng cô hưởng trọn những đêm hoan lạc mà cô vẫn thường phải chia sẻ cho bảy mươi thằng đàn ông. Nhưng, vào lúc mười giờ sáng, khi cậu đến cửa hàng bác Catarinô thì cô gái đã đi khỏi làng.

Thời gian xoa dịu dần ý định ngây thơ của Aurêlianô nhưng nó lại khắc sâu thêm mặc cảm về sự thất bại của mình. Cậu trốn vào công việc. Cậu quyết chí ở vậy một đời để chôn vùi ý nghĩ hổ thẹn tự cho mình là đồ vô tích sự. Trong khi đó Menkyađêt đã làm xong công việc ghi lên các tấm phim của mình tất cả những gì có thể ghi hình ở làng Macônđô và cụ đã bỏ mặc buồng tối cho những say mê của Hôsê Accađiô Buênđya, người đã quyết định sử dụng nó để giành lấy một thí nghiệm khoa học về sự tồn tại của Thượng đế. Bằng một quá trình phức tạp trình bày những bức ảnh chụp được ở những địa điểm khác nhau trong nhà, ông tin chắc rằng sớm hay muộn sẽ có một tấm ảnh Thượng đế, nếu quả thật Thượng đế tồn tại, rồi cùng một lúc sẽ kết liễu tất cả những phỏng đoán về sự hiện hữu của Người. Menkyađêt ngày một nghiên cứu sâu những lời thuyết giảng của Nôstrađam. Cụ làm việc cho đến chiều tối, phát ngột trong chiếc áo nỉ khoác ngoài đã bạc màu, với đôi bàn tay chim sẻ nhỏ xíu của mình mà những chiếc nhẫn đeo trên các ngón tay đã mất vẻ sáng bóng của các thời trước đây, cụ vẽ nguệch ngoạc lên những tờ giấy. Có một đêm cụ tưởng rằng mình đã bắt gặp được một lời tiên tri về tương lai của làng Macônđô. Nó có thể sẽ là một thành phố sáng rực rỡ, với những toà nhà pha lê đồ sộ, là nơi sẽ không còn một dấu tích nào của dòng dõi nhà Buênđya. "Đó là một sự nhầm lẫn", Hôsê Accađiô Buênđya nổi giận nói. "Đó không phải là những tòa nhà pha lê, mà là những tòa nhà làm bằng nước đá, như chính tôi đã thấy trong mộng, và cho dù hàng bao nhiêu thế kỷ sau, luôn luôn và lúc nào cũng vẫn có một Buênđya". Trong ngôi nhà quái gở ấy, Ucsula là người cố gắng duy trì không khí bình thường nhờ việc khuếch trương nghề buôn bán những chiếc kẹo nặn hình con giống, với một lò nướng bánh trong một đêm đã sản xuất ra hàng sọt, hàng sọt bánh mì, và hàng lô những chiếc bánh puđinh, bánh trửng, bánh bích qui mà chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ chúng đã tản mác đi khắp các nẻo đường mòn thuộc miền đầm lầy. Dù tới tuổi được quyền nghỉ ngơi, nhưng bà lại hoạt bát hơn. Quá bận rộn trong các công việc sinh nhiều lợi ấy, đến mức trong một buổi chiều nọ khi cô gái Anhđiêng giúp bà ngào mật vào bột, bà đã nhìn ra sân và bắt gặp hai thiếu nữ lạ, xinh đẹp đang ngồi thêu bên khung thêu dưới ánh hoàng hôn. Đó là Rêbêca và Amaranta. Họ vừa đoạn tang bà ngoại, một cái tang được họ kiên trì để trở trong ba năm ròng và giờ đây bộ quần áo màu sặc sỡ dường như đã đặt họ vào một vị trí mới trong cuộc đời.

Hoàn toàn trái với những gì có thể chờ đợi cô trong tương lai, Rêbêca là cô gái đẹp nhất. Cô có nước da trắng như ngó cần, đôi mắt to và sâu thẳm, đôi bàn tay khéo léo dường như đang dệt những sợi chỉ vô hình trên một bức thảm thêu. Amaranta, cô gái bé hơn, tuy có kém phần duyên dáng tí chút, nhưng lại có vẻ cao nhã tự nhiên, một sự thanh thản nội tâm của bà ngoại đã quá cố. Bên cạnh hai cô gái là Accađiô. Mặc dù đã có được sức vóc của cha mình, Accađiô vẫn là một chú nhóc con. Cậu quyết định học nghề kim hoàn dưới sự hướng dẫn của Aurêlianô, người ngoài việc dạy nghề còn dạy chú bé học đọc và viết. Ngay lập tức Ucsula nhận ra rằng nhà bà rồi sẽ chật chội, rằng con cái của bà đã đến tuổi dựng vợ gả chồng và sẽ có con, do thiêu chỗ ở chúng sẽ buộc phải ly tán. Vậy là bà móc số tiền dành dụm được trong nhiều năm làm ăn vất vả, giao kèo hợp đồng với các khách hàng của mình, và khởi công mở rộng ngôi nhà.

Bà quyết định sẽ xây hai phòng khách trong đó có một phòng đầy đủ tiện nghi và thoáng mát hơn để dùng vào công việc hàng ngày, một phòng ăn đủ rộng kê chiếc bàn ăn to với mười hai chỗ ngồi để gia đình và khách khứa cùng ăn một thể, chín phòng ngủ đều mở cửa sổ thông ra sân và một hành lang dài có bao lơn đặt các chậu cây dương xỉ và chậu cây thu hải đường, bên ngoài là một vườn hồng che ánh nắng gay gắt buổi ban trưa. Bà cũng quyết định phá nhà bếp cũ để xây dựng hai lò bánh; phế kho ngô cũ nơi Pila Tecnêra đã xem hậu vận cho Hôsê Accađiô qua những lá bài để xây một nhà kho lớn gấp hai lần đủ dự trữ lương ăn cho rất nhiều năm. Bà quyết định dựng một nhà tắm nam và một nhà tắm nữ và ở cuối sân, một tàu ngựa lớn, một chuồng gà thưng lưới thép, một chuồng vắt sữa bò, và một chuồng chim mở rộng cửa đón những chú chim không đường kiếm ăn có thể tuỳ thích đến ở. Được hàng chục thợ mộc và thợ nề theo sau, như thể bà nhiễm phải cơn sốt vàng của chồng mình, Ucsula sắp xếp vị trí cho ánh sáng và đường thông gió, phân chia các khoảng không mà vẫn không quên các ranh giới của chúng. Ngôi nhà khởi thuỷ của các bậc sáng nghiệp bỗng chật ních cưa đục và vật liệu xây dựng, và những người công nhân mệt mỏi vã mồ hôi đang yêu cầu tất cả những người khác đừng làm đảo lộn các đồ vật mà không hay biết rằng chính họ mới là những người đang làm đảo lộn hết thảy. Bọn họ phát điên lên vì chiếc tải đựng xương người với tiếng kêu lộc cộc, lộc cộc lộc cộc cứ theo riết họ đi khắp nơi. Trong quang cảnh khó chịu cứ phải thở hít mùi vôi nồng nặc và mùi nhựa đường, không một ai hiểu được vì sao từ trong lòng đất lại nổi lên một ngôi nhà không chỉ lớn chưa từng thấy trong làng, mà còn là ngôi nhà hiếu khách và mát mẻ chưa từng có trong khắp vùng đầm lầy này. Hôsê Accađiô Buênđya những tưởng sẽ làm cho Thượng đế chí tôn phải giật mình trước khung cảnh nhiều thay đổi to lớn ấy, lại là người hiểu được điều đó ít nhất. Khi ngôi nhà sắp sửa hoàn thành thì Ucsula đã lôi ông ra khỏi thế giới mơ mộng để báo cho ông hay rằng đã có lệnh buộc bức tường mặt tiền của mọi nhà đều phải quét vôi xanh chứ không được quét vôi trắng như dân làng vốn ưa thích. Bà chìa cho ông xem mảnh giấy ghi cái mệnh lệnh chính thức ấy. Hôsê Accađiô Buênđya, vẫn chưa hiểu điều bà vợ mình nói, đang cố đọc chữ ký:

- Người này là ai vậy? - Ông hỏi.

- Quan thanh tra đấy, - Ucsula buồn bã trả lời. - Người ta đồn ằng ông ấy là một nhà chức trách mới do chính phủ phái tới.

Đông Apôlina Môscôtê, Quan thanh tra, đã lặng lẽ đến làng Macônđô. Ngài xuống xe và ở trong khách sạn Giacôp do một trong những người Arập đầu tiên đến đây đổi đồ vật lấy vẹt đuôi dài dựng nên. Ngày hôm sau ngài thuê luôn một phòng mở cửa ra đường chỉ cách nhà của Buênđya hai ô phố. Ngài bày biện một chiếc bàn và một chiếc ghế mua của Giacôp, treo tấm quốc huy do ngài mang theo lên tường và trên cửa một chiếc biển đề: Quan thanh tra. Công việc đầu tiên của ngài là ra lệnh cho các nhà trong làng phải quét vôi xanh để mừng ngày độc lập. Hôsê Accađiô Buênđya, tay cầm bản sao tờ lệnh, bắt gặp ngài ngủ trưa trên chiếc võng mắc trong một căn phòng bày biện và trang trí sơ sài. "Ngài là người đã viết tờ giấy này?", ông hỏi. Đông Apôlina Môscôtê, một người đàn ông chín chắn, vẻ hút nhát, mặt đỏ nhừ, đã trả lời rằng đúng thế. "Nhân danh cái gì mà ông viết nào?" , Hôsê Accađiô Buênđya lại hỏi tiếp.

Đông Apôlina Môscôtê tìm một tờ giấy cất trong ngăn kéo bàn chìa cho ông xem: "Tôi vừa được phong chức Quan thanh tra của làng này". Hôsê Accađiô Buênđya không thèm nhìn tờ sắc phong, nói:

- Ở làng này, chúng tôi không ra lệnh bằng giấy tờ - ông nói với vẻ bình thản, - và để ngài biết luôn một thể, chúng tôi không cần bất kỳ một Quan thanh tra nào, bởi vì ở đây chẳng có gì để mà phải thanh tra cả.

Trước thái độ cứng rắn của đông Apôlina Môscôtê, người không lúc nào to tiếng, Hôsê Accađiô Buênđya kể lại tường tận câu chuyện họ đã xây dựng làng như thế nào, chia ruộng đất như thế nào, rồi mở đường như thế nào, mở mang các nghề cần cho đời sống và sinh lợi như thế nào, không hề làm phiền lòng chính phủ và cũng chưa một ai đã làm phiền dân làng này.

"Chúng tôi sống rất hiền lành đến mức làng chúng tôi chưa hề có người chết vì bệnh tật hay vì tuổi già", ông nói: "Ngài thấy đấy làng chúng tôi vẫn chưa có nghĩa địa mà!". Ông không hề đau khổ vì chính phủ đã không giúp đỡ dân làng. Trái lại, ông lấy làm vui lòng nhận thấy cho đến lúc này chính phủ vẫn để cho dân làng tiếp tục sống như vậy, bởi vì bọn họ không tốn công hoài sức lập làng để cho kẻ khác đến lên mặt dạy họ phải làm thế này thế nọ. Đông Apôlina Môscôtê mặc chiếc áo khoác vải chéo go, màu trắng như màu quần, không lúc nào để mất cử chỉ bình tĩnh của mình.

- Vậy là nếu như ngài muốn ở lại đây, như những cư dân bình thường khác, ngài sẽ được đón tiếp nồng hậu, - Hôsê Accađiô Buênđya kết thúc, - bằng không, nếu như ngài đến để gây rối buộc dân làng phải quét vôi xanh lên tường nhà thì ngài có thể thu xếp hành lý và cút về nơi ngài khởi hành. Bởi vì, nhà tôi phải trắng như một con bồ câu.

Đông Apôlina Môscôtê tái người đi. Ngài giật lùi một bước, nghiến răng lại với vẻ sượng sùng, nói:

- Tôi báo cho ông biết rằng tôi có vũ khí.

Hôsê Accađiô Buênđya không biết tự lúc nào cái sức trai tráng bẻ gẫy sừng trâu đã dồn lên hết đôi tay mình. Túm lấy ve áo bông Apôlina Môscôtê, ông xách ngài lên ngang tầm mắt mình, nói:

- Cái này thì ta làm, - Ông nói, - bởi vì ta muốn xách sống nó và để khỏi phải ân hận suốt đời vì phải xách một xác chết.

Cứ thế xách ngài đi giữa đường cái cho đến khi tay mỏi để tuột mất ve áo, ông mới đặt ngài đứng xuống. Lúc đó Quan thanh tra đã ở trên con đường ngoài đầm lắy. Một tuần sau, ngài trở lại mang theo sáu người lính chân đất, ăn mặc rách rưới, tất cả đều mang súng hỏa mai, và một chiếc xe bò chở vợ cùng bảy cô con gái của ngài. Sau đó hai xe bò chở giường ghế bàn tủ, rương hòm và các dụng cụ nấu bếp cũng đến theo. Ngài để gia đình trọ tại khách sạn Giacốp trong khi tìm mua một ngôi nhà và tiếp tục mở lại công sở có lính gác bên ngoài.

Các bậc sáng nghiệp của làng Macônđô sẵn sàng tống khứ bọn người xâm lược đi. Cùng với các con trai lớn của mình họ đã kéo đến để tiếp sức cho quyết tâm của Hôsê Accađiô Buênđya.

Nhưng ông phản đối bởi vì theo như lời ông giải thích thì đông Apôhna Môscôtê đã trở lại đây cùng với vợ và các con gái ngài và đã là đàn ông thì không nên làm sượng mặt kẻ khác trước mặt gia quyến họ. Vậy là ông quyết định sẽ giải quyết công việc theo những thể thức êm đẹp hơn.

Aurêlianô đi cùng ông. Lúc này cậu đã để bộ ria đen vểnh lên ở hai bên mép và đã có giọng nói sang sảng mà sau này chúng là những đặc điểm khiến cậu nổi bật lên trong chiến tranh. Không mang theo vũ khí cũng không tuân lệnh bọn lính gác, cha con họ bước thẳng vào công sở của Quan thanh tra.

Đông Apôlina Môscôtê vẫn điềm tĩnh. Ngài giới thiệu với họ hai cô con gái ngẫu nhiên có mặt tại đó. Amparô, mười sáu tuổi, nước da rám nắng như nước da mẹ cô, và Rêmêđiôt xấp xỉ chín tuổi, một cô bé kháu khỉnh với nước da trắng ngà và đôi mắt xanh. Cả hai đều duyên dáng và có nền nếp. Cũng chớp nhoáng như cha con họ bước vào, trước khi được cha giới thiệu, các cô đã mang ghế cho khách ngồi. Song cả hai cha con đều đứng.

- Tốt lắm? - Hôsê Accađiô Buênđya nói. - Ngài sẽ ở lại đây, nhưng không phải vì ngài đã có bọn lính canh mang súng hỏa mai ấy mà vì lòng kính trọng của dân làng đối với bà nhà và cấc cô gái đây.

Đông Apôlina Môscôtê hoang mang, nhưng Hôsê Accađiô Buênđya không cho ngài có thời gian để đối đáp: "Chúng tôi chỉ yêu cầu ngài hai điều thôi", ông nói: "Trước tiên hãy để cho mỗi người được theo sở thích mình mà quét vôi nhà. Thứ hai là hãy để cho những người lính đi khỏi làng ngay lập tức. Chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh cho ngài". Quan thanh tra xòe rộng bàn tay phải, giơ lên:

- Lời hứa danh dự chứ?

- Lời nói của kẻ thù đấy, - Hôsê Accađiô Buênđya nói. Nhưng với giọng cay đắng ông nói rõ:

- Bởi tôi muốn nói rõ để ngài biết: Ngài và tôi sẽ tiếp tục là kẻ thù của nhau.

Ngay buổi chiều ấy, bọn lính đã phải bán xới đi. Mấy ngày sau, Hôsê Accađiô Buênđya đã tìm cho gia đình Quan thanh tra một ngôi nhà. Tất cả đều sống thanh thản trong hoà bình, trừ Aurêlianô. Hình ảnh Rêmêđiôt, cô gái út của Quan thanh tra, mà cứ theo tuổi tác để xét thì cô bé chỉ đáng tuổi con cậu, đã đọng lại trong tâm khảm làm nhức nhối thân xác cậu. Đó là một cảm giác có tính chất cơ học giống như một viên sỏi lẫn trong giày làm nhói đau chân mỗi khi đi.

Chú thích:

(1) Đaghe (Jacques Daguerre, 1787-1851) nhà vật lý người Pháp đã phát mình ra thấu kính và buồng tối. Có công hoàn thiện nghề chụp ảnh. Bởi thế người ta lấy tên ông để đặt cho nghề chụp ảnh (Dnguerretypie).

(2) Sir Walter Raleigb (1552-1618), nhà hàng hải và chính khách người Anh, được Nữ hoàng Isabel Đệ Nhất ủng hộ, đã chinh phục Guayasca năm 1616.

(3) Một thứ nước uống làm từ nước mía và men rượu.