Trẫm tìm một Hoàng tử 8 tuổi về từ Lãnh cung, việc này không khác gì dội một quả bom xuống mặt đất, chẳng những hậu cung long trời lở đất, mà trên triều cũng ầm ĩ.
Trẫm có con trai, hơn nữa đứa bé đã lớn, thân thể khoẻ mạnh, nếu còn lập Lũng Tây vương làm hoàng trữ thì có vẻ danh không chính ngôn không thuận.
Mấy đại thần xếp hàng bắt kèo Hoàng thúc, liên mồm khen ngợi ảnh giờ đang rất xấu hổ.
Những người này không cam lòng, lén lút chạy tới thử Hoàng tử, phát hiện tuy thằng bé lớn lên trong Dịch Đình Lãnh cung, nhưng nhờ được Chử Quý phi dạy dỗ nên đã hiểu biết chữ nghĩa từ sớm. Hơn nữa nó còn thông minh lanh lợi, chỉ cần đọc thầm hai ba lần là nhớ nằm lòng bài văn mới, IQ quả rất không giống con đẻ của trẫm.
Không chỉ mình trẫm cảm thấy như vậy.
Cho nên có kẻ nghi ngờ thân phận của thằng bé cũng là điều không tránh khỏi.
Khởi Cư Xá Nhân kiểm tra sổ sách, phát hiện quả thật tám năm trước trẫm từng lâm hạnh Chu thị sau một bữa tiệc tối cúng tế vào Tết Trung Nguyên, trùng khớp với ngày sinh của Hoàng tử.
(Khởi Cư Xá Nhân: một chức quan thời cổ đại, thuộc nội sử, chuyên ghi lại lời nói việc làm của hoàng đế và chuyện quốc gia đại sự)
Từ lúc mang bầu đến khi sinh con, Chu Thị luôn có Chử Quý phi ở cạnh chăm sóc.
Tuy đã bị giáng thành tần đày vào Lãnh cung, nhưng dù gì Chử Quý phi cũng từng là quý phi, người có địa vị cao nhất trong các phi tần ở hậu cung.
Chị ta làm nhân chứng thì đương nhiên đáng tin rồi.
Tết Trung Nguyên chính là 15 tháng 7, gọi dân dã là Ngày cúng Cô hồn.
Trong ngày này, người xưa cũng cúng bái tổ tông, có rất nhiều cấm kỵ.
Trẫm nhìn một đám đại thần ra vẻ đạo mạo đứng trên triều nghiêm túc thảo luận và kiểm chứng tính chân thật của việc đêm cúng Cô Hồn năm 15 tuổi trẫm đi vệ sinh, nhất thời hứng khởi kéo cung nữ quét dọn nhà xí vào làm một nháy, còn thêm Khởi Cư Xá Nhân đứng cạnh hóng hớt ghi chép chuyện này.
Lòng trẫm lại chỉ hướng về tĩnh.
Tóm lại cuối cùng mọi người đi đến thống nhất là, đứa bé này thực sự là con trai ruột của trẫm.
Trẫm vui mừng đưa Hoàng tử về, sốt sắng muốn lập nó làm Thái Tử.
Trẫm ngẫm ngợi, Hoàng tử thông minh nhường này, hiển nhiên càng đáng tin cậy hơn trẫm.
Cứ để nó học hành tử tế mấy năm, bao giờ thằng bé lớn hơn một chút, trẫm sẽ truyền ngôi vua cho nó.
Trẫm thoải mái sung sướng làm Thái thượng hoàng.
Sau đó có thể chơi đùa thỏa thuê tùy thích!
Tuy rằng lúc làm vua phần lớn thời gian trẫm cũng chơi đùa thỏa thuê tùy thích.
Nhưng cái này có ý nghĩa khác hẳn.
Khi tại vị, những lúc chơi bời trẫm vẫn thấy hơi chột dạ và áp lực, nhưng nghỉ hưu rồi là nghiễm nhiên được xõa mà!
Thái thượng hoàng cũng không nhất thiết phải ru rú trong thâm cung, biết đâu còn được ra ngoài du sơn ngoạn thủy ngắm non sông gấm vóc nữa kìa!
Lòng trẫm tràn trề mong mỏi, trẫm ảo tưởng về cuộc sống hạnh phúc sau khi nghỉ hưu.
Tể tướng ngắt chuỗi tưởng tượng miên man của trẫm, hỏi: “Không biết bệ hạ tính để phi tử nào nuôi dạy Hoàng tử?”
Tuy rằng sự xuất hiện của Hoàng tử tạm thời đàn áp đà đi lên của Hoàng thúc, nhưng cũng dẫn đến cuộc tranh đoạt mới.
Các triều thần đều đã nhận ra trẫm chỉ thiếu điều viết dòng “Rốt cuộc có thể quẳng gánh lo vui sống” lên mặt mình.
Một ông vua như trẫm chắc chắn chẳng mấy bền lâu, trong tương lai gần, thiên hạ sẽ là của Hoàng tử.
Hoàng tử không hề có căn cơ trong triều.
Cho nên bây giờ chắc chắn là thời cơ tốt để chọn phe ôm đùi! Chậm chạp để người khác chiếm trước là không ôm được nữa đâu!
Cả đống người tranh nhau làm thầy dạy học cho Hoàng tử. Sau khi mấy môn chủ chốt là Ngữ Văn, Lịch Sử, Chính Trị bị Tể tướng chiếm trọn, họ chuyển qua tranh nhau dạy Hoàng tử mấy môn phụ như Toán Học, Đạo Đức, Thể Dục, Âm Nhạc.
Chẳng những trên triều tranh nhau vỡ đầu chảy máu, mà hậu cung cũng không nhàn rỗi.
Đứa trẻ có mẹ như hòn ngọc báu, đương nhiên mẹ ruột là tốt nhất rồi.
(Đứa trẻ có mẹ như hòn ngọc báu: Lời bài hát: Chỉ có mẹ là tốt nhất trên đời. Link Engsub: Link.)
Trẫm nói ý tưởng của mình cho Tể tướng nghe.
Tể tướng nhíu mày: “Mẹ đẻ của Hoàng tử xuất thân ti tiện, còn chẳng có lấy một danh phận, chỉ sợ khó có thể đảm đương trọng trách này.”
Xuất thân ti tiện thì đã sao, chẳng phải chỉ là dân thường thôi ư?
Trẫm không hẹp hòi, kỳ thị giai cấp như đám người cổ đại các anh đâu.
Danh phận thì càng dễ, trẫm có thể phong Chu thị làm Hoàng Hậu luôn, dù sao sau này cũng chẳng có cô nào sinh được con trai cho trẫm nữa.
Hoàng Hậu tự nuôi dạy Thái Tử do mình dứt ruột đẻ ra, vậy là khỏi tranh cãi chứ gì?
Tể tướng nhìn trẫm, nở nụ cười khó tả.
Vẻ mặt kia tựa như đang nói: “Bệ hạ, cưng ngây thơ chân chất ghê, khác hẳn những kẻ khốn nạn lẳng lơ đê tiện lòng đầy toan tính ngoài kia.”
Tể tướng nói: “Hoàng Hậu là mẫu nghi thiên hạ, không phải ai cũng ngồi bừa vào vị trí này được. Thứ cho thần quá lời, bệ hạ cảm thấy nếu bây giờ người đột ngột nhường ngai vàng cho phường buôn bán tầm thường hời hợt, kẻ đó có thể ngồi vững chỗ, làm tốt việc ư?”
Tể tướng ra đòn thốn gớm.
Trẫm đau khớp gối quá.
Trẫm chính là một người qua đường hóng hớt đột nhiên bị kéo lên làm vua đây.
Trẫm làm vua đến độ mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần.
Trẫm đổi góc nhìn suy nghĩ lại, cho Chu thị làm Hoàng Hậu, chắc có lẽ cô ta cũng không hold nổi.
Tể tướng lại nói: “Thần nghe nói Tiền Đức phi, Chu Thục Phi và Ngô Chiêu nghi đều đã đề đạt với Thái Hậu xin được nuôi Hoàng tử, Thái Hậu thì lại có ý định tự nuôi Hoàng tử.”
Trẫm nghĩ ngợi một lát, cảm thấy đau đầu.
Chuyện rối tinh rối mù nhiều bên đấu đá này cứ giao cho Tể tướng nhọc lòng vẫn hơn.
Vì thế trẫm ném trả vấn đề cho anh ta: “Tể tướng thấy sao về việc này?”
Tể tướng nói: “Đức phi, Thục phi, Chiêu nghi đều là người nhà của bệ hạ, thần không rõ phẩm hạnh của họ, không dám dị nghị quá lời. Nhưng thần cho rằng, mẹ nuôi của Hoàng tử, đầu tiên phải là tấm gương tốt dạy dỗ Hoàng tử, không thể có tì vết trong đức hạnh; sau đấy phải có uy tín và địa vị tương đương với Hoàng tử, mới có thể khiến người ta tin phục; hơn nữa cần đủ năng lực và tài trí để che chở Hoàng tử, chống đỡ những đòn tấn công trong tối ngoài sáng.”
Lời này khiến trẫm nheo mắt lại, đánh hơi được mùi cung đấu lâu lắm mới gặp.
Trẫm nhìn Tể tướng bằng ánh mắt ngây thơ chân chất.
Tể tướng khe khẽ thở dài: “Vết xe đổ của Văn Mỹ nhân hẵng còn đấy, bệ hạ đã vội quên rồi sao?”
Một bộ phim cung đấu thường đi kèm tình tiết sảy thai, cái này trẫm xem nhiều lắm rồi.
Nhưng muốn hại chết một Hoàng tử 8 tuổi, thì cảnh giới phải cao hơn một bậc.
Hơn nữa đây còn là đứa con trai duy nhất của trẫm.
Vả lại các phi tử đều hiểu rõ, sau này có lẽ trẫm không sinh được người con nào khác.
Bằng không họ cũng chẳng tranh cướp nhau làm mẹ nuôi của thằng bé làm gì.
Đã vậy còn muốn giết hại Hoàng tử, tính đá văng đàn ông để tự lên làm Nữ hoàng hay gì?
Nếu có một phi tử với phong cách mới lạ gió tanh mưa máu gặp thần giết thần như vầy thì thích ghê, trẫm còn có tí chờ mong…
Không không không, trẫm cũng không chờ mong gió tanh mưa máu.
Trẫm chỉ hy vọng mưa thuận gió hoà quốc thái dân an thế giới hoà bình chẳng xảy ra chuyện xấu gì cả.
Tể tướng cười nhạo nói: “Bệ hạ vẫn còn cả tin quá.”
Ý thằng chả là IQ của trẫm chỉ ở dạng ngu ngơ ngây dại.
Tể tướng không nề phiền hà, phân tích cho trẫm nghe: “Ba tháng trước Thái Hậu nghe nói long thể bệ hạ có vấn đề, nên đã triệu Lũng Tây vương về để liệu chuyện sau này. Nhưng sau đấy khám được Văn Mỹ nhân có thai, Thái y đánh tiếng từ sớm rất có thể là con trai. Về lý mà nói, bệ hạ đã có người nối dõi thì Lũng Tây vương không nhất thiết phải về cung nữa, ít nhất phải đợi con rồng sinh ra là nam hay nữ rồi mới tính. Nhưng dọc đường y chẳng trễ nải chút nào, vẫn về kinh thành đúng thời hạn, lập tức hành động tranh chức vị hoàng trữ, như thể hoàn toàn không có chuyện Văn Mỹ nhân mang long thai vậy. Bệ hạ suy nghĩ cẩn thận lại đi, chẳng lẽ người không cảm thấy có gì sâu xa trong ấy sao?”
Càng nghĩ càng thấy ớn.
So với khả năng các phi tần tranh sủng đấu đá hậu cung hại Văn Mỹ nhân sảy thai, Lũng Tây vương quả thực có nhiều lý do hại trẫm tuyệt hậu hơn.
Nhưng chuyện một người có lý do để làm gì đó không có nghĩa chắc chắn việc đấy là do anh ta làm.
Làm gì cũng phải kết luận bằng sự thật, có chứng cứ, không thể chỉ dựa vào chủ quan ước đoán, nghi người trộm rìu*.
Người xưa quả là không có tinh thần ứng xử theo pháp trị.
Trẫm nói: “Trẫm cảm thấy Hoàng thúc không phải là người như vậy.”
Tể tướng hỏi lại: “Bệ hạ không gặp Lũng Tây vương hơn mười năm, người dựa vào đâu mà kết luận như vậy?”
—— Dựa vào mặt.
Hình như trẫm cũng không có tư cách cười nhạo người xưa không có tinh thần pháp trị.
Nhưng trẫm vẫn cảm thấy Hoàng thúc không giống kẻ lén lút hạ độc làm hại phi tử của trẫm sảy thai để tranh giành ngôi vua.
Mà là mang binh vào chém chết trẫm luôn, phong cách này thì chính xác hơn nè.
Trẫm mường tượng đến cảnh Hoàng thúc thúc ngựa giơ roi xông lên điện vàng, đạp trẫm bằng vó ngựa sau đấy lấy đao băm vằm trẫm, cảm thấy khí phách ngầu lòi dễ sợ.
Trẫm quả thực đang đu idol bằng cả tính mạng.
Tể tướng còn đang chờ trẫm quyết định giao Hoàng tử cho ai nuôi nấng.
Trẫm bèn đối chiếu theo yêu cầu về mẹ nuôi của Hoàng tử dựa vào những gì anh ta nói ban nãy, phân tích: “Tiền Đức phi liên tục gây thị phi, đức hạnh có tì vết, không thể nhận chức này; Chu Thục Phi tính tình yếu mềm nhu nhược, cũng không phải sự lựa chọn tốt; địa vị của Ngô Chiêu nghi không bằng hai người trước, khó lòng khiến kẻ khác tin phục. Về phần Thái Hậu…”
Trẫm không đánh giá về Thái Hậu, chỉ lắc lắc đầu.
Có lẽ vì trẫm rất hiếm khi nói chuyện logic trật tự rõ ràng như thế, nên Tể tướng vô cùng mừng vui ngỡ ngàng: “Bệ hạ anh minh! Chúng ta vẫn chưa biết Thái Hậu sẽ ngả về bên nào giữa Lũng Tây vương và Hoàng tử. Dù nghiêng về phía Hoàng tử, nhưng tình ngay lý gian, khó tránh được việc Lũng Tây vương thuận thế thừa cơ.”
À, thật ra trẫm chỉ nghe rất nhiều người bảo ném cháu cho bà chăm thì không tốt lắm mà thôi.
Tể tướng lại nói: “Bệ hạ có tính toán trong lòng, chắc hẳn đã chọn được người thích hợp.”
Trẫm ngẫm ngợi: “Chi bằng đón Chử Quý phi về từ Lãnh cung, khôi phục chức phi, để nàng ấy chăm sóc Hoàng tử đi.”
Ánh mắt Tể tướng nhìn trẫm càng mừng rỡ hơn: “Chử Quý phi cùng vào cung cùng thời Hoàng Hậu, nền móng thâm hậu, người người tôn sùng. Mấy năm nay Hoàng tử luôn được ngài ấy dạy dỗ, ngài ấy người thầy giỏi, tình cảm giữa Quý phi và Hoàng tử cũng sâu nặng. Ở Lãnh cung mà có thể giấu được mẹ con Hoàng tử suốt 8 năm, mưu trí sách lược ắt hơn hẳn người thường. Quý phi lại có xuất thân là con quan văn, gia tộc điêu tàn, tương lai cũng sẽ không có mối nguy ngoại thích làm loạn. Bệ hạ mưu tính sâu xa suy nghĩ chu toàn, thần hổ thẹn không bằng! Bệ hạ thánh minh!”
À, thật ra trẫm chỉ cảm thấy trước kia mình khốn nạn có lỗi với Chử Quý phi quá, muốn đền bù cho chị ta một chút mà thôi.
Bất cẩn một tí mà đã thành anh minh thần võ.
Tác giả có lời muốn nói:
Về vấn đề đi cầu tiêu còn uỵch nhau này thì:
“Vũ Đế dậy thay áo quần, Tử Phu hầu trong phòng thay đồ, được lâm hạnh.” (trích Hán Thư ngoại thích truyện. Nói về Hán Vũ Đế và hoàng hậu Vệ Tử Phu. Link tìm hiểu.)
Cho nên đừng có tưởng tượng là ấy ấy nhau ngay trên bồn cầu!
Cũng chưa chắc đã là trong nhà xí mà!
Trẫm không bệnh hoạn đến mức ấy đâu!
Để trẫm yên lặng chút đê.
[HẾT CHƯƠNG 11]
*Nghi người trộm rìu: Đã nghi ai là thấy người đó khả nghi dù không có bằng chứng. Dựa theo truyện ngụ ngôn sau:
Có một người bị mất cây rìu, bèn nghi ngờ đứa con của người hàng xóm ăn cắp. Do đó, anh ta thường xuyên theo dõi cậu thanh niên ấy, thấy nó đi trên đường giống y như người ăn cắp cái rìu của mình, nghĩ thầm:
– Bước đi mà không phát ra âm thanh nào cả, xem ra là tay điêu luyện.
Rồi một hôm ông ta nghe cậu thanh niên nói chuyện với người khác, liền nghĩ:
– Nói mà phát ra âm thanh the thé, dường như sợ người khác nghe thấy, thật là gian xảo.
Ông ta cảm thấy dáng đi của cậu thanh niên giống tên trộm, âm thành tiếng nói giống tên trộm, tóm lại, toàn thân từ trên xuống dưới, nhất cử nhất động, không có chỗ nào không giống kẻ trộm.
Sau này, ông ta tìm thấy cây rìu bị mất, thì ra là khi chặt củi trên núi, do không cẩn thận làm rìu rơi xuống khe núi.
Ngày hôm sau, ông ta lại nhìn thấy cậu con trai người hàng xóm, liền cảm thấy dáng đi của anh không khác gì người thường, lời nói cũng bình thường, chẳng giống một tên ăn trộm tí nào cả.