Trái Tim Em Thuộc Về Đất

Chương 1




Những đám mây nhỏ nhoi vô định vội vã trôi trên bầu trời bao la yên ả - không biết đi về đâu, mong manh, nhẹ bẫng – và bị xẻ ra thành muôn mảnh trước nanh vuốt của những ngọn núi để rồi kết thúc cuộc phiêu lưu ngắn ngủi mà chẳng lưu lại chút dấu vết nào của cuộc đời yểu mệnh ngoài vài giọt nước mắt.

Lạnh giá bao trùm khắp Callow – một cụm bu lô bạc và thông rụng lá đứng trơ trơ trên đỉnh đồi. Những chổi búp mới nhú tựa như màn sương tím biếc buông trên những ngọn cây, và một sắc tím nhạt hơn giăng mắc trên khoảng không giữa những thân cây màu trắng bạc và những thân cây màu nâu.

Ở đây chỉ có sự dữ dội của tuổi trẻ, chứ không có bóng dáng những thành tựu của nó – chỉ có đầu chồi nhọn hoắt thẳng tưng, giống như lưỡi mác, mà không có phiến lá, đài hoa.

Bởi vì cho đến lúc này, mùa xuân không bay, không ca hát, mà di chuyển giống như một con chim chưa đủ lông đủ cánh, ngập ngừng nhảy lò cò qua các bụi cây. Thảm chàm núi mơn mởn phủ trên khoảng đất trống mới chỉ trổ hoa nhợt nhạt, và những chiếc lá kim ngân vẫn còn là những lưỡi lửa xanh. Giữa những thân cây thông, bên dưới các bụi kim ngân và mâm xôi, có một bóng hình màu hung đang đứng trong im lặng, mang nét đĩnh đạc điềm tĩnh của những sinh vật miền rừng, toát lên vẻ đẹp của đôi mắt, đôi chân, sự rực rỡ của bộ lông mà một khi đã được khoác lên mình, hiếm người phụ nữ nào có thể không cảm thấy ngượng ngùng e lệ. Với đôi mắt tinh nhanh và thân hình uyển chuyển, nó đứng một lúc dưới ánh mặt trời rạng rỡ - một con cáo một tuổi, có cái đầu tròn và đôi chân phủ lớp lông mượt như nhung. Rồi nó chạy biến vào bóng râm. Một tiếng huýt sáo lảnh lót vang lên trong rừng, và con cáo lao vút về phía ấy.

“Mày đã ở đâu thế hả? Chắc đi lang thang rồi bị lạc chứ gì!” giọng một cô gái vang lên, mắng yêu con cáo. “Nếu mày mà bị lạc thì tao cũng thế; về nhà thôi nào. Mặt trời sắp lặn rồi, và bữa tối nay có xương cho mày đấy!”

Nói xong cô gái vội chạy đi, con cáo theo sát gót, lao xuống đồi trong ánh chiều lạnh lẽo cho tới khi về đến căn nhà nhỏ của gia đình Woodus.

Hazel Woodus, chủ nhân của con cáo, từ khi sinh ra tới giờ chỉ quanh quẩn ở Callow. Mẹ của nàng, một gipsy người xứ Wale, đã hạ sinh nàng tại đó trong sự nổi loạn cay đắng, căm ghét hôn nhân, căm ghét cuộc sống bất biến và ghét ông chồng, Abel Woodus, như con mèo hoang ghét cũi. Bà là người thích sống đời du mục, sinh ra để trải nghiệm niềm vui và nỗi buồn của người nghệ sĩ, vậy nhưng tinh thần bà không thể tìm thấy sự giải tỏa cảm xúc; bởi vì nó đã câm lặng. Chim hồng tước thích bay, chim hoét thích ca hát; nhưng bà không được bay cũng chẳng được ca hát. Chim hoét dù mất lưỡi thì vẫn cứ là chim hoét, và trong trái tim nó vẫn luôn tuôn trào dòng suối âm nhạc. Chim hồng tước bị nhốt trong lồng có thể ngồi ủ rũ, nhưng tâm hồn nó biết rõ cảm giác bay lên liệng xuống trong một buổi sáng tháng Năm dài vô tận.

Tất cả những điều bà cảm thấy mà không thể nói ra, tất cả sự ngọt ngào được nén giữ, lòng căm thù u ám, niềm hoài nhớ bâng khuâng đối với cuộc sống hoang dã không gò bó – tất cả mọi điều mà những phụ nữ khác hẳn đều gửi gắm trong lời cầu nguyện, bà đều dồn cả vào Hazel. Toàn bộ sức mạnh từ trái tim bướng bỉnh của bà được truyền hết sang trái tim đang đập những nhịp nhẹ nhàng của đứa con gái bé bỏng. Cứ như thể bà đã sốt sắng quăng cuộc sống vốn không được bà quý trọng vào tay con mình vậy.

Khi Hazel mười bốn tuổi, bà qua đời, để lại cho cô con gái báu vật của bà – một cuốn sách còn đang ở dạng bản thảo vừa cũ kỹ, vừa nhem nhuốc, nhiều chỗ không tài nào đọc nổi, gồm những câu thần chú, bùa phép và các tri thức khác của dân gipsy.

Yêu cầu duy nhất của bà là được chôn dưới những tán thông vàng ở Callow chứ không phải trong nghĩa địa nhà thờ. Abel Woodus làm theo ý nguyện của vợ, để rồi bị gần như toàn thể cộng đồng ngờ vực vì đã không chôn bà ở nghĩa địa của giáo xứ. Nhưng lão chẳng bận tâm. Lão vẫn còn có cây đàn hạc, và chừng nào còn cây đàn đó thì lão chẳng cần ai làm bầu bạn hết. Chính niềm say mê âm nhạc đã ngăn cản lão hiểu vợ mình, và trong những ngày đầu của cuộc sống chồng vợ, bà luôn ghen tị đến phát điên phát cuồng với cây đàn dáng cao mạ vàng được để trong cái bao nỉ bạc phếch dựng ở góc phòng khách. Thế rồi từ chỗ ghen tị bà chuyển sang yêu mến nó, ao ước mình có thể vắt được những giọt nhạc từ các sợi dây đàn ai oán của nó. Có lẽ bà chẳng bao giờ hiểu tường tận ngay cả các nguyên lý âm nhạc cơ bản, nhưng trong những đêm mưa khi Abel vắng nhà, bà thường ngồi lướt những ngón tay gầy lên sợi dây đàn với niềm say đắm tuyệt vọng của tình yêu đau khổ. Tuy nhiên bà không thể nào chịu đựng nổi việc nghe Abel chơi đàn. Giống như những người đàn bà không có con chứa chất trong lòng tình yêu và sự khát khao không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy một người mẹ bế đứa con của cô ta, Maray Woodus, với tài năng bị phong kín, với sự bất lực trong biểu hiện, không thể chịu đựng nổi khi nghe người khác bày tỏ lòng mình một cách dễ dàng. Bởi vì Abel làm chủ nghệ thuật của lão; lão có những khoảng bí ẩn trong tâm hồn, đó chính là cốt lõi của nghệ thuật và bản chất của nó. Lão có những ngón tay mềm mại và có sự say mê đầy hứng khởi giúp mang lại thành công.

Lão gặp Maray tại lễ hội truyền thống Eisteddfod được tổ chức từ hồi xa xưa lắm rồi, trên một ngọn đồi cách Callow năm dặm có tên là Núi Nhỏ Của Chúa, trên đỉnh đồi có một nhà thờ. Bà đã lắng nghe, đã khẽ đung đưa theo tiếng nhạc, đã nhỏ lệ trước những âm thanh dâng trào và ai oán của cây đàn hạc ấy, và khi lão giành được giải thưởng cho tiết mục biểu diễn với cây đàn hạc và đặt nó vào lòng bà, bà đã đồng ý làm đám cưới với lão tại nhà thờ vào cuối tuần lễ hội. Đó là chuyện của mười chín năm trước, và giờ đây bà đã bay xa giống như những chiếc lá và những cánh chim của bao mùa hè đã qua; nhưng Núi Nhỏ Của Chúa vẫn đứng sừng sững ở phía Đông; gió vẫn nhảy gần như theo chiều thẳng đứng từ nhà thờ xuống những cây thông non của Callow; không có gì thay đổi; chỉ có một sinh vật trẻ hơn, lo âu hơn và háo hức hơn đã hiện diện trong bối cảnh sống động và dữ dội ấy.

Hazel có đôi mắt giống hệt mắt mẹ nàng, đôi mắt kỳ lạ màu nâu vàng như hai hồ nước, và trong hai con ngươi vừa to vừa trong trẻo của nàng có những đốm nhỏ li ti màu hung. Với vẻ chân thật nhút nhát, cặp mắt ấy trông giống như mắt cáo con. Tóc của nàng, đậm màu hơn tóc người cha, cũng có màu hung và giống như lông cáo, còn điệu bộ của nàng cũng duyên dáng và lấm lét như điệu bộ của một con thú hoang.

Nàng đứng trên con đường nhỏ chạy phía trên cao, náu mình bên dưới là ngôi nhà với lớp mái nằm ngang tầm chân hàng rào, và ngắm mặt trời lặn. Ánh sáng đỏ từ phía Tây nhuộm màu chiếc váy cũ sờn rách của nàng, nhuộm màu khuôn mặt thanh thanh và đôi mắt nàng cho tới khi cả người nàng trông như thể tắm trong máu. Con cáo nhỏ, vẻ mặt bâng khuâng còn tâm trí tập trung vào bữa tối sắp tới, ngoan ngoãn dõi mắt theo hướng nhìn đăm đăm của cô chủ, và cũng xúc động y hệt trước vẻ đẹp mãnh liệt của buổi hoàng hôn. Họ đứng đó, đối diện với những khoảng màu đỏ thẫm phía trên dãy đồi xa lạ, hai sinh linh bé nhỏ có tri giác đương đầu với định mệnh bằng sự kiên cường cảm động; giữa buổi chiều lạnh giá trên ngọn đồi lẻ loi này, họ mang dáng vẻ của hai sinh vật bị số phận bắt phải chịu kiếp đau khổ, gần như toát lên nỗi thống khổ.

Những đám mây nhỏ đang trôi về phía Tây lần lượt nhuộm mình bằng sắc màu chủ đạo hiện thời, rồi biến mất, chìm trong biển máu.

Khi Hazel rảo bước trên con đường mòn, từ phía ngôi nhà bỗng vọng ra tiếng đàn hạc nho nhỏ, và khi nàng về đến cửa, tiếng đàn hạc đã chuyển sang giai điệu của bài “Cây tần bì”. Ngôi nhà rất thấp, chỉ có một tầng, và được lợp bằng tôn múi màu đỏ. Ba ô cửa sổ nhỏ lắp khung màu xanh da trời treo rèm vải cotton đỏ thẫm. Ngôi nhà ấy dường như không đủ chỗ cho ngay cả Hazel bé nhỏ. Nó chỉ rộng hơn cái chuồng lợn một chút, và nếu không có vệt khói bay lên từ cái ống khói thấp lè tè thì chẳng có ai nghĩ đó là một ngôi nhà có người ở.

Hazel cho Cáo Nhỏ ăn tối rồi cho nó đi ngủ trong cái chậu cũ. Sau đó nàng ôm một ôm củi đi vào trong nhà. Nàng ném cả ôm củi vào lò sưởi.

“Con lạnh,” nàng nói; “tạnh mưa rồi, và đêm nay sẽ có sương giá đấy.”

Abel lơ đãng ngẩng đầu lên, miệng khẽ ngâm nga một giai điệu mà lão định chơi tiếp.

“Con đã lên đồi Callow, và hái được một bông hoa anh thảo,” Hazel tiếp tục nói, đã quen với cung cách của cha nên nàng chẳng hề nản chí. “Và con thấy một cây mận gai, trắng như một tiểu thư.”

Lúc này Abel đang chơi bản “Ap Jenkyn”.

Hazel đi loanh quanh tìm thức ăn bởi nàng cũng đang đói cồn cào như Cáo Nhỏ, và nàng luôn miệng líu lo, giọng du dương lanh lảnh, trong khi bày mấy chiếc cốc sứt và ổ bánh mì bơ lên chiếc bàn không có khăn phủ. Ấm nước không sôi, vì vậy nàng ném một ít mỡ lợn xông khói vào lửa, và lưỡi lửa bùng lên, liếm cả vào râu của Abel. Lão giơ một tay lên che râu, tiếp tục chơi đàn bằng tay kia.

Hazel bật cười khanh khách.

“Trông buồn cười thật,” nàng nói.

Nàng luôn nói với giọng như thể cha con nàng bằng vai phải lứa với nhau; họ đã quen với cung cách đó; họ đối với nhau hoàn toàn dửng dưng. Ở nàng không có cái đạo làm con, và ở cha nàng chẳng có cái đạo làm cha. Họ cũng chẳng bao giờ biểu lộ dù chỉ là chút ít tình cảm yêu mến dành cho nhau.

Cha nàng bắt đầu chơi bài “Một ngày đi săn vui vẻ”.

“Ối! Đừng chơi cái bài kinh khủng đó nữa!” Hazel nói, bỗng nhiên nổi giận đùng đùng. “Này! Nếu cha cứ tiếp tục chơi, con sẽ không ở nhà nữa đâu đấy.”

“Hử?” Abel hỏi với vẻ lơ đễnh.

“Hãy chơi bài gì khác đi!” Hazel nói. “Không phải cái bài đó, con không thích nó.”

“Mày là đứa con gái kỳ cục, ’Azel ạ,” Abel nói, xem chừng đã thoát ra khỏi trạng thái lơ đễnh. “Nhưng, thôi được, tao sẽ chơi bài ‘Tại sao con người lại như vậy?’; bài đó vui đấy.”

“Cha không thể thôi sờ mó vào nhạc và đi ăn tối được sao?” Hazel hỏi. Cây đàn hạc luôn được gọi là “nhạc”, giống như chiếc đàn acmonica của Abel thường được gọi là “nhạc nhỏ”.

Nàng cúi xuống tảng thịt lợn hun khói để cắt lấy một miếng cho bữa tối, và váy của nàng, chiếc váy đã rách tả tơi, bỗng tuột từ trên vai xuống tận thắt lưng.

“Nếu mày không khâu chiếc váy đó lại, thì chỉ một tuần nữa thôi là mày sẽ trần như nhộng,” Abel nói bằng giọng lạnh nhạt.

“Con phải mua một chiếc váy mới,” Hazel nói. “Con không biết khâu vá. Ngày mai con sẽ vào thị trấn.”

“Vậy là mày sẽ ở nhà bác gái mày qua đêm ư?”

“Phải.”

“Vậy thì tao sẽ không tìm kiếm cái bản mặt mày cho đến khi tao thấy bóng dáng mày. Mày nhớ mua cho tao một cái khung để vòng hoa. Lão Samson ở Yeath sắp ngoẻo rồi; nhà họ muốn đặt một vòng hoa.”

Hazel ngồi nghĩ tới chiếc váy mới. Chưa bao giờ nàng có váy mới trừ phi cái cũ tuột khỏi lưng nàng, và khi đó nàng thường chỉ mua lại một chiếc váy cũ, bởi vì một hai silinh chỉ đủ mua vải thôi, nhưng lại đủ để mua một chiếc váy cũ.

“Cáo Nhỏ muốn con mua một chiếc váy nhung xanh,” Hazel nói. Nàng luôn biểu lộ những mong muốn mãnh liệt của mình theo cách đó, mà nàng thì cũng chỉ có vài mong muốn mà thôi. Đó là sự phản kháng vô thức của nàng trước sự cô đơn của cuộc đời nàng. Nàng nhúng cây mận gai vào nước và ngắm sắc trắng tinh khiết của nó với vẻ thích thú; nhưng lúc đó nàng vẫn chưa nhận ra rằng chính bản thân nàng cũng ngọt ngào và tinh khiết như hoa mận gai. Những ý nghĩ như vậy chỉ nảy ra khi nàng có ý niệm về tình dục. Còn ngay lúc này nàng vô dục tình như một chiếc lá. Cha con nàng ngồi bên lò sưởi cho tới khi ngọn lửa trong lò tắt lụi; rồi họ đi ngủ, chẳng buồn chúc nhau ngủ ngon.

Nửa đêm Cáo Nhỏ tỉnh giấc. Ánh trăng tràn vào cửa cũi, chiếu lấp lánh trong mắt nó. Trăng làm nó sợ - mặt trăng to như một chiếc đèn lồng được cầm bởi một bàn tay vô hình, giơ ra một cách có mục đích trước ngôi nhà nhỏ xíu của một sinh vật bé nhỏ không có khả năng tự vệ. Cáo Nhỏ cất tiếng sủa dữ dội. Hazel choàng dậy ngay tắp lự như một bà mẹ nghe thấy tiếng khóc của đứa con thơ. Nàng chân trần chạy ra ngoài trời đêm sáng trăng vằng vặc.

“Mày bị làm sao thế?” nàng thầm thì. “Mày đau ở đâu, Cáo Nhỏ?”

Gió thổi xuyên qua Callow, và Callow rên rỉ. Một tiếng rên rỉ khác vọng tới từ phía đồng cỏ, và những bóng đen theo những đám mây di chuyển tới đó.

“Có thể chúng đang ở ngoài kia,” Hazel lẩm bẩm. “Có thể đêm nay bóng đen tụ tập và Cáo Nhỏ đánh hơi thấy mùi của đàn chó ma.” Nàng đưa mắt nhìn quanh đầy lo lắng. “Tao có thể nhìn thấy cái gì đó đang chạy trong bóng tối phía trên đồng cỏ ở đằng kia; chúng đang hoành hành, chắc vậy.”

Nàng vội đưa Cáo Nhỏ vào trong nhà và cài then cửa lại.

“Đó!” nàng nói. “Giờ mày hãy vào góc kia, nằm yên nhé, và đàn chó ma sẽ không làm gì được mày đâu.”

Người ta nói rằng đàn chó ma, bầy chó săn của một tay điền chủ độc ác, kẻ mà thân xác ghê tởm đã từ lâu được sử dụng cho những mục đích ngọt ngào hơn bất kỳ mục đích nào khác lúc sinh thời – biến thành bông cúc tươi rói và cây phiền lộ hăng hái – sục sạo khắp vùng trong những đêm tối tăm dông bão. Đàn chó ma ấy đi qua ngôi nhà nào thì ngôi nhà ấy gặp họa, ai nghe thấy tiếng thét gào của chúng thì người ấy phải lìa đời.

Ấy là truyền thuyết nói thế, và Hazel hoàn toàn tin vào điều đó. Khi nhìn thấy Cáo Nhỏ nằm thoi thóp trên khu đất hoang ở bên ngoài nhà nàng, nàng tin chắc rằng chính đàn chó ma đó đã cướp mất mẹ của Cáo Nhỏ. Nàng liên hệ chuyện đó với cái chết của mẹ nàng. Chó ma tượng trưng cho tất cả những gì nàng căm ghét, tất cả những gì không trẻ trung, không tự do và không hạnh phúc. Nàng thấy mình chẳng khác gì Cáo Nhỏ và tất cả những con vật bị săn đuổi, bị giăng bẫy, bị giết hại khác.

Đêm, bóng tối, gió táp, mùa đông – tất cả những thứ đó đều thù địch; hễ chúng xuất hiện là y như rằng bầy chó ma kéo đến, lén lút và không biết mệt nhọc, lần theo từng dấu vết của những sinh linh không có khả năng tự vệ. Ánh mặt trời, không khí thoáng đãng, những đám mây tươi sáng và lòng tốt – tất cả những thứ này là thiên đường ẩn náu. Đó là điểm cốt lõi trong tín ngưỡng của nàng, tín ngưỡng duy nhất mà nàng có, tín ngưỡng ẩn sâu trong trái tim nàng, chưa bao giờ biểu lộ ngay cả với chính bản thân nàng. Nhưng khi nàng chạy vào màn đêm để an ủi Cáo Nhỏ, nàng hành động theo đức tin của mình giống như một số người; khi nàng hái những bông hoa và nằm dưới ánh mặt trời chính là lúc nàng sống trong bầu không khí huyền bí sống động như bầu không khí của những vị thánh; khi nàng co rúm người lại trước sự tàn bạo chính là lúc nàng giày xéo cái ác dưới gót chân mình, có lẽ còn quyết liệt hơn cả những vị thần vĩ đại đã hủy hoại lẫn nhau trong sự nhiệt tình dành cho Đấng Sáng tạo.