Tống Y

Chương 329: Khí suyễn chi chứng




Tiền Bất Thu cung kính hồi đáp: “Hồi bẩm sư phụ, bệnh nhân đây cảm thấy sau lưng rét lạnh. Lão hủ dự chẩn cũng biện chứng là ẩm lưu tâm hạ. Tế tư Cảnh đại phu dùng phương cũng không có gì là sai biệt lắm, vì sao y dược không phát huy hiệu quả, lão phu thực không sáng tỏ, thỉnh sư phụ chỉ điểm.”

Cái gì là ẩm lưu tâm hạ? Phải xuất phát từ cơ sở lý thuyết của trung y. Trung y cho rằng, tỳ vị đồng chủ trong hệ tiêu hóa, cơ thể con người hoạt động cần có các vật chất và khí huyết hòa quyện với nhau để tiêu hóa. Tỳ vị chính là làm nhiệm vụ này. Công năng vận động của tỳ lúc bình thường gọi là tỳ khí kiện vận, tỳ chính là trụ cột chuyển hóa các vật chất tinh vi trong cơ thể, hấp thu thủy dịch trong đó, sinh ra tân dịch, cũng được chuyển vận đến toàn thân. Một khi tỳ mất khả năng kiện vận, dương khí trong ruột suy yếu, công năng vận hóa thủy dịch trở nên thất thường, sẽ làm cho thủy dịch trong cơ thể đình trệ, sinh ra ‘đàm ẩm, thủy thũng (bệnh phù)’. Khi bệnh biến chuyển, chính là tỳ hư sinh thấp, tỳ sinh sinh đờm. Nguyên nhân là như vậy.

Tiền Bất Thu cùng Cảnh đại phu biện chứng chính là “ẩm lưu tâm hạ” cũng chính là trong tâm có lưu ẩm khí. Lưu ẩm ở đây chính là bởi vì tỳ vị dương hư, tỳ mất khả năng kiện vận khiến cho tân dịch ngưng trệ không lưu chuyển được. Loại tân dịch này ngưng trệ trong cơ thể tạo thành một dòng lưu dịch tại hạ tâm, giống như một khối băng đông lạnh trong cơ thể vậy.

Trung y cho rằng. Trái tim của con người sinh ra nhiệt gọi là ôn thấp nhiệt chi khí, loại khí này lưu thông từ trái tim tới du huyệt phía sau lưng. Nhưng bởi vì tân dịch ngưng trệ, khí âm hàn ảnh hưởng tới khả năng sinh nhiệt của trái tim, ức chế dương khí ở tim, không truyền ra du huyệt được. Bởi vậy, dưới tình huống ẩm lưu tâm hạ, con người sẽ cảm thấy du huyệt chỗ gần trái tim phát lạnh.

Ngược lại, khi một vùng hậu tâm lớn cỡ bàn tay (phía sau lưng) của bệnh nhân phát lạnh, thì có thể suy luận rằng tỳ đã mất khả năng kiện vận, tân dịch ngưng trệ trong lòng. Cũng chính là biểu hiện của chứng ẩm lưu tâm hạ. Mà Tiền Bất Thu và Cảnh đại phu hai người chủ trương dùng “Đáp quế thuật cam thang” có tác dụng ôn dương hóa ẩm, tăng cường khả năng kiện vận của tỳ, chủ trị tỳ dương không đủ khiến tân dịch ngưng trệ. Đây chính là phương pháp cơ bản để trị liệu chứng ẩm lưu tâm hạ.

Đỗ Văn Hạo sau khi nghe xong, lắc đầu nói: “Các người chỉ chú ý tới ẩm lưu tâm hạ, biện chứng cần phải toàn diện, không chỉ nhìn thấy một phương diện đơn thuần như vậy, điều này sẽ khiến biện chứng trở nên lệch lạc. Bệnh nhân này bị chứng hen suyễn khi tuổi còn nhỏ, vùng cảm giác lạnh ở gần vai, không chỉ là chứng ẩm lưu tâm hạ, còn có cả dấu hiệu của thận không nạp khí, không hoạt động bình thường, các người không chú ý tới vấn đề này sao? Đáp quế thuật cam thang mặc dù có khả năng ôn dương hóa ẩm, nhưng lại không thể bổ thận nạp khí. Chính vì lẽ đó, khi dùng thang thuốc này, vấn đề khí lưu tại tâm có thể được khôi phục tạm thời nhưng vì thận khí chưa được nạp nên người bệnh thở hổn hển như vậy, bệnh trạng căn bản không tiến triển gì.”

Khí nói thận không nạp khí, Đỗ Văn Hạo có ý đề cập đến khía cạnh thú vị về công năng của thận.

Theo lý luận của Trung y, công năng của thận không hoàn toàn giống như giải phẫu học của Tây y lý giải. Công năng của thận trong Trung y có một bộ phận quy về hệ hô hấp. Trung y cho rằng, phế (phổi) thuộc kim, thận thuộc thủy, kim thủy tương sinh. Phế chủ về hô hấp, thận chủ nạp khí. Phế hút không khí vào chuyển tới thận, mà thận lại có tác dụng phong tàng (giữ khí/gió trong đó), đem phế khí hút vào giữ tại lại thận. Luồng khí này được lưu giữ khi đạt đủ lượng sẽ cùng trao đổi với trọc khí sinh ra trong cơ thể.

Một khi thận khí suy giảm, khả năng nhiếp nạp không tốt, việc nạp khí, trao đổi khí không được thực hiện đúng. Người bệnh sẽ có biểu hiện bên ngoài là khi hô hấp thì hít vào nhiều mà thở ra ít. Khi hoạt động, chỉ cần hơi hoạt động nặng một chút sẽ phải thở hổn hển không thôi. Nói cách khác, bệnh trạng loại này cuối cùng đều quy về thận khí không đủ, nhiếp nạp vô lực, có thể gọi là “thận không nạp khí” mà nên.

Bởi vì Cảnh đại phu và Tiền Bất Thu sử dụng Đáp quế thuật cam thang không có chức năng bổ thận nạp khí, bệnh tình của cô nương này căn bản không trị liệu tới mức được. Hiển nhiên xuất hiện tình trạng thở hổn hển như vậy.

Đỗ Văn Hạo nói tiếp: “Trừ hai nguyên nhân ở trên gia, người bệnh khí suyễn lâu năm, phế khí thượng nghịch, chứa nhiều đàm thủy nhất định theo nghịch khí đi lên, mà phổi trong ngực khi này lại trống trải, rất dễ trở thành nơi lưu tụ của đàm ẩm, để lâu chúng sẽ xâm nhập vào sâu trong phổi. Cố gắng ho khan cũng không ra được, chỉ có không ngừng thở mà thôi. Đây cũng chính là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng thở gấp không ngừng.”

Đỗ Văn Hạo nói lời này, chúng y nghe xong đều liên tiếp gật đầu, không ngớt vuốt vuốt chòm râu than thở. Tiền Bất Thu và Cảnh đại phu cả hai người đều bừng tỉnh đại ngộ, trên mặt lộ ra nét thẹn thùng.

Cảnh đại phu khom người thở dài nói: “Ngự y đại nhân quả nhiên cao minh, chính xác đây là chứng thở hổn hển, đã có hàn ẩm ngưng trệ, thận không nạp khí, đàm ẩm lưu trong phế. Rõ ràng có nhiều nguyên nhân, kẻ hèn đối với nguyên nhân gây bệnh không nhận thức rõ ràng, hiển nhiên biện chứng không chính xác. Thật đáng xấu hổ!”

Tiền Bất Thu cũng xấu hổ nói: “Lúc đầu khi còn ở tại Đổng Đạt huyện, sư phụ từng có dạy, chứng bệnh thở hổn hển (khí suyễn) này ngoài tại phế còn có nguyên nhân tại thận. Khi đó đệ tử từng cho là không đúng, sau đó chứng kiến sư phụ chữa khỏi chứng bệnh của người kia sau bao nhiêu năm khí suyễn, đệ tử mới minh bạch đạo lý này. Nhưng lại không có vận dụng sự giác ngộ đó, lần này gặp phải chứng bệnh tương tự, cũng không biết biến báo vận dụng linh hoạt, thật vô cùng hổ thẹn!”

Mặc dù so với Đỗ Văn Hạo, kinh nghiệm khám chữa bệnh thực tế của Tiền Bất Thu phong phú hơn nhiều nhưng Đỗ Văn Hạo lại hơn Tiền Bất Thu cả một ngàn năm tích lũy kinh nghiệm của cả một hệ thống Trung y. Nói về tri thức phong phú và nhãn giới, hiển nhiên Tiền Bất Thu không thể so sánh được.

Đỗ Văn Hạo cười ha hả nói: “Ha ha, các người cũng không nên tự trách mình, làm được như vậy là tốt lắm rồi. Bây giờ các người nói một chút cho ta nghe, khuyết điểm này phải trị thế nào?”

Tiền Bất Thu lễ phép nói: “Thứ nhất cần chấn thủy phủ để thận nạp khí, thứ hai cần chấn dương khí, tiêu tan hàn ẩm, thứ ba phải làm cho phế không bị trống rỗng. Bất quá, đệ tử ngu độn, thật không nghĩ ra dùng thuốc như thế nào để có thể đồng thời chữa trị ba chứng đó. Xin sư phụ chỉ điểm.”

Thực ra ai cũng hiểu, như Đỗ Văn Hạo vừa giải thích về biện chứng của chứng bệnh khí suyễn này, để trị khỏi cần phải giải quyết được ba vấn đề đồng thời của thận, của phế (phổi) và chấn dương khí tại tâm (chỗ làm cho du huyệt bị lạnh). Nếu để chữa trị từng chứng một, chúng y ở đây ai cũng có thể làm được, thế nhưng để tìm ra một phương thuốc chữa trị đồng thời cả ba chứng mà không gây ảnh hưởng tới các triệu chứng khác thì thật sự họ chưa thể nghĩ ra được.

Đỗ Văn Hạo mỉm cười nói: “Dương hòa thang!”

Chúng y vừa nghe lời này, trên mặt ai nấy đều lộ vẻ kinh hãi. Tạ đại phu tiến lên chắp tay nói: “Ngự y đại nhân lúc trước giảng giải về nguyên nhân bệnh. Tất cả chúng ta đều tâm phục khẩu phụ. Tuy nhiên, nếu để chữa trị mà dùng Dương hòa thang thì có vẻ không ổn. Cái này chủ trị thiếp cốt thư, thoát thư đẳng âm hàn chứng, nếu dùng chữa trị chứng khí suyễn này… Ha ha, lão hủ thật sự không rõ thâm ý trong đó, xin ngự y đại nhân chỉ điểm.”

Đỗ Văn Hạo nói: “Hẳn các vị ở đây đều đồng ý rằng phương thuốc không bao giờ chỉ nhằm chữa trị một chứng bệnh. Chỉ cần có thể chữa bệnh, có phương thuốc thuận là đối chứng, mặc kệ phương thuốc này lúc trước dùng trị liệu bệnh gì, hợp là đều có thể dùng.”

Chúng y liên tiếp gật đầu, Tiền Bất Thu cũng vuốt vuốt chòm râu mỉm cười nói: “Sư phụ từng nói qua, phương thuốc là cái chết, con người là cái sống, nếu như chúng ta không thể tùy theo chứng bệnh mà dùng phương, coi như là kinh phương (ý là cứ theo kinh nghiệm, lúc trước chữa được thì giờ cũng chữa được) sẽ trị không hết bệnh, thậm chí ngược lại còn khiến bệnh tình ác hóa.

Đỗ Văn Hạo cười, đây là lúc đầu hai người tại Đổng Đạt huyện đấu y thuật, lúc đó Đỗ Văn Hạo cũng không lấy tư cách thầy trò gì, nhưng nghĩ không ra lão lại ghi tạc trong tâm như vậy. Thật ra ngay từ đầu, khi ở tại Đổng Đạt huyện, Đỗ Văn Hạo đã nhận thấy Tiền Bất Thu là người ân oán phân minh, là một đại phu nhân đức hơn người, chỉ là lão hơn cứng nhắc, nhiều khi quá máy móc khiến cho việc trị bệnh không được linh hoạt. Chính vì vậy, Đỗ Văn Hạo đã chỉ dẫn nhiều lần, đặc biệt là khi chữa trị cho Cửu hoàng tử. Nhờ vậy mà y thuật của Tiền Bất Thu có thể nói là đã sang một đẳng cấp mới.

Đỗ Văn Hạo gật đầu nói: “Đúng vậy, với Dương Hòa thang (các bác xem giới thiệu bên dưới nhé, thang thuốc này gồm có Thục địa, Lộc giác giao, Bạch giới tử, Bào khương – hay còn gọi là can khương – chính là gừng khô, Cam thảo, Nhục quế, Ma hoàng), Thục địa hoàng có tác dụng chủ yếu là bổ âm huyết. Nhưng là, thục địa hoàng này còn có một công hiệu rất trọng yếu, đó là bổ thận âm, điền tinh ích tủy, đối phó với chứng thận không nạp khí rất tốt. Lộc giác giao bổ thận trợ dương, cường tráng gân cốt, hợp dụng với thục địa hoàng dưỡng huyết trợ dương. Trong đó thục địa hoàng phải nhiều, ít nhất phải có tám tiền.”

Đỗ Văn Hạo giải thích phương thuốc, chúng y nghe cũng liền chợt hiểu, liên thanh đồng ý.

Đỗ Văn Hạo lại nói tiếp: “Với chứng lưu ẩm tâm hạ, Đáp quế thuật cam thang chỉ có thể làm cho dương khí tại tâm tạm thời khôi phục, hàn ngưng thì không thể tiêu trừ. Đối với hàn ngưng thấp trệ, phải có ôn thông chi dược mới có thể hóa giải mà can khương (gừng khô), nhục quế trong Dương Hòa khang lại chính là ôn nhiệt chi phẩm. Can khương có thể ôn trung tán hàn, ôn phế hóa ẩm, có khả năng phá âm thông dương. Bởi vì hàn tại doanh huyết mà nhục quế không chỉ có thể trị hư dương thượng phù mà còn có thể nhập doanh ôn thông huyết mạch, vừa lúc đối phó với chứng lưu ẩm tâm hạ cùng đàm ẩm tàng phế nhị chứng. Ma hoàng có khả năng tân ôn đạt vệ, khai thông kinh lạc, dẫn dương khí, khai hàn kết. Bạch giới tử hỗ trợ chứng hàn đàm thấp trệ, có thể tác động thông tới da. Hai vị dược này phối hợp với nhau vừa có thể khiến huyết khí tuyên thông, lại thêm thục địa, lộc giao bổ nhi bất trệ. Cam thảo có tác dụng giải độc điều dược. Chư vị, phương thuốc này không phải chính là rất phù hợp với chứng khí suyễn này sao?”

Tạ đại phu là người đầu tiên cảm kích kêu lớn “hay”, chúng y còn lại cũng liên thanh khen ngợi, sợ hãi bái phục không thôi.

Cảnh đại phu nghe được lời của Đỗ Văn Hạo thì lại càng như say như dại, lắc đầu ảo não than thở: “Hay lắm! Thật sự là hay lắm! Có thể đem một danh phương chủ trị âm chứng để chữa trị cho chứng khí suyễn! Hay! Nếu không phải là người có am hiểu sâu về y thuật, ai có thể nghĩ ra đây? Bội phục, bội phục.”

Đỗ Văn Hạo cười: “Ta đây nói vậy dù sao cũng chỉ là lý luận suông, rốt cuộc là phải xem có hữu dụng hay không, cái này thì phải dùng mới biết được.”

Cảnh đại phu nói: “Nhất định sẽ hữu dụng, nếu phương thuốc này dùng mà không chữa được, vậy chỉ có thần tiên mới có biện pháp khác mà thôi.”

Tạ đại phu cũng vui vẻ cười ha ha nói: “Đúng vậy. Mà như vậy chúng ta cũng không học y nữa, đổi sang học quỷ thần chi thuật đi thôi, ha ha.”

Chúng y cũng ngửa mặt lên trời cười vang.

Lập tức Cảnh đại phu đề bút viết đơn thuốc. Sau khi đưa cho Đỗ Văn Hạo xem qua xác nhận, liền đưa cho cha mẹ của cô nương kia theo đó đi lấy thuốc.

Hai vợ chồng trung niên đó không hiểu mấy người Đỗ Văn Hạo đang nói gì nhưng vừa rồi chứng kiến các đại phu biện chứng với nhau, thấy mọi người đều đồng ý với biện giải của Đỗ Văn Hạo. Con mắt thường dân của họ cũng nhận thấy rằng sự tôn sùng của các đại phu với Đỗ Văn Hạo không chỉ vì hắn có địa vị cao, mà còn bởi y thuật của hắn rất cao minh. Chính vì vậy, hai người họ cảm thấy bệnh của con gái mình có hy vọng chữa khỏi. Cả hai rất vui mừng, không ngừng nói lời cám ơn.

Sau khi dùng thuốc một lúc quả nhiên hơi thở của cô nương đó đã bớt khò khè. Sau khi dùng hết ba thang, không chỉ hơi thở khò khè đã hết mà còn có thể bước xuống đất vận động. Lúc này cô nương đó chỉ còn cảm thấy đầu óc choáng váng, đổ mồ hôi.

Khi cô nương này tới để khám lại, Đỗ Văn Hạo căn cứ theo triệu chứng gia giảm, bỏ vị Ma Hoàng, tăng thêm tam tiền Ngũ Vị Tử. Sau khi uống hết mười thang nữa thì bệnh không tái phát nữa. Nhưng đó là chuyện của mấy ngày hôm sau.

Tiếp theo Đỗ Văn Hạo xem bệnh cho một người mắc bệnh lâu ngày chữa không khỏi. Điều trùng hợp là người này cũng mắc bệnh suyễn thế nhưng so với trường hợp trước thì nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Người bệnh này cũng là một nữ nhân. Một lão thái thái đã hơn sáu mươi tuổi, bà ta nằm nghiêng trên giường, không ngừng thở khò khè. Nhi tử của bà ta đứng một bên, sắc mặt lo lắng nhìn Đỗ Văn Hạo.

Đỗ Văn Hạo ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường rồi hỏi: "Lão nhân gia, bà bị bệnh suyễn à?"

"Đúng vậy!" Lão phụ gật đầu, hơi thở của bà ta giống như một cái ống bễ, thi thoảng lại còn cố ho khan: "Bệnh này của lão, khụ khụ, đã ba mươi năm rồi. Mấy năm gần đây càng ngày ho khan, khụ khụ, hô hấp vô cùng khó khăn, hơi thở càng nặng. Khụ, khụ, nhất là những ngày gần đây ngày càng khó chịu, khụ khụ".

Đỗ Văn Hạo liếc nhìn trung niên nhân bên cạnh rồi hỏi lão phụ: "Lão nhân gia, đây có phải con trai của bà không? Nếu nói chuyện như vậy, bà sẽ rất mệt mỏi, hay là để con trai bà nói thay, có gì không đúng bà bổ sung sau, bà nghĩ thế nào?"

Lão phụ cảm kích gật đầu, nhưng vẫn không ngớt ho khù khụ. Nam nhân kia đỡ mẫu thân, vuốt vuốt lưng bà, quay sang nói với Đỗ Văn Hạo: “Ngự y đại nhân, mẫu thân của tại hạ bị như thế này đã lâu lắm rồi, thời gian gần đây bệnh có triệu chứng nặng hơn, kính mong đại nhân chữa giúp.”

Đỗ Văn Hạo gật đầu: “Trước hết hãy trả lời câu hỏi của ta đã! Mẫu thân của ngươi ho khan có đờm không? Đờm như thế nào?"

"Có đờm, đờm màu trắng, giống như bọt biển". Nam nhân trả lời một cách khá dứt khoát, xem ra là người cũng hiểu biết đôi chút về y.

"Khi ho có dễ ra đờm không?" Đỗ Văn Hạo lại hỏi tiếp.

"Ừm" Trung niên nhân do dự một lát, hình như ông ta không để ý tới điều này, ông ta trả lời một cách tuỳ tiện: "Đại khái cũng dễ ra đờm".

Lão phụ lập tức cuống quýt lắc đầu nói: "Khi ho không dễ khạc ra đờm khụ khụ. Khi khạc được một ít đờm ra ngoài thì ngực cảm thấy rất thoải mái, hơi thở cũng đỡ hơn nhiều, khụ khụ, còn không thì rất khó chịu".

"Còn có triệu chứng gì khác nữa không?" Đỗ Văn Hạo gật đầu.

Trung niên nhân nói: "Ừm, mẫu thân của ta thường xuyên nói là bị đau đầu, có khi còn rất đau đớn, lại thường xuyên đổ mồ hôi, sợ gió, tinh thần hoảng hốt, khó thở".

"Những lúc như vậy người có nóng lên không?"

"Không nóng". Nam nhân trả lời.

Đỗ Văn Hạo lại hỏi về ăn uống, giấc ngủ, rồi hắn lại hỏi về tiền sử bệnh xem có phát hiện ra điều gì quan trọng không sau đó tới xem lưỡi, chẩn mạch. Hắn phát hiện ra lưỡi người bệnh màu tối mà đầy, đài lưỡi mỏng, bạch, mạch phù hoạt*.

Đỗ Văn Hạo lại hỏi ai là đại phu của người bệnh này. Một người dáng mập mạp tiến lại thi lễ nói: "Ngự y đại nhân, bỉ nhân là đại phu của người bệnh này, bỉ nhân họ Lý. Bệnh của lão phụ này là hen suyễn. Bỉ nhân chẩn đoán là chứng ngoại tà phạm phế, nhập vào trong hoá nhiệt, sinh ra đàm nhiệt, khiến phế khí không thông đến nỗi không ngừng ho, thở khò khè.”

Ngoại tà phạm phế (phổi), kể cả phong hàn, phong nhiệt, táo tà đều không cùng loại với nhau là vì do khác nhau về nguyên nhân, triệu chứng. Tất cả bề ngoài đều là ngoại tà, chức năng công dương suy giảm hay là do nguyên nhân ngoại tà phạm phế làm cho phế khí không thông suốt mà vẻ bề ngoài của ngoại tà giống hệt với biểu hiện bên ngoài của phong hàn. Khi mới mắc không trị hết, xâm nhập khắp nơi trong cơ thể trở thành nội chứng. Ngoại tà công nhiệt tức là cái gọi "Nhập lý hoá nhiệt".

Trong lý luận của Trung y. Phế ngoại trừ công năng hô hấp trong giải phẫu học còn là chủ hành thuỷ, thông qua phế khí vận chuyển đi các nơi. Tỳ khí vận chuyển nước và tinh chất tới phổi rồi vận chuyển tới các cơ quan, lên ngũ quan của mặt cũng như ra da lông, hình thành mồ hôi xuất ra ngoài. Về phương diện khác thông qua phế khí vận chuyển xuống dưới, vận chuyển xuống tạng phủ bên dưới, cuối cùng hình thành nước tiểu, bài tiết ra ngoài.

Một khi ngoại tà nhập phế, khiến cho công năng hành thuỷ của phế khí thất thường. Làm cho nước từ tỳ vận chuyển tới phế không thể phân tán như bình thường mà đọng lại ở phế và trở thành đàm ẩm thuỷ thấp. Đàm ẩm thuỷ tụ lại ở phế thì gây ra tắc khí vận hành từ đó sinh ra suyễn.

Nếu như ngoại tà là táo tà thì sẽ gây tổn thương nước bọt, làm cho lượng đờm ít mà lại sền sệt đến nỗi rất khó nhổ ra.

Lý đại phu nói tiếp: "Bỉ nhân dùng Ma Hạnh Thạch Cam thang để trị liệu chứng bệnh, trong đó Ma Hoàng, Hạnh Nhân ba tiền, Tô Tử, Tang Bạch Bì, Địa Long năm tiền, Hoàng Trà, Đương Quy, Bạch Thược, Cam Thảo ba tiền, thạch cao, Ngư tinh thảo đều mười tiền".

“Sau khi uống thuốc thì ho và thở lại càng tăng thêm, tiếng khò khè càng nhiều thêm. Bỉ nhân đã nghĩ mình chẩn bệnh không sai nhưng không biết tại sao đơn thuốc không có hiệu quả, ngược lại bệnh càng nặng thêm vì vậy mới đựac biệt mang tới đây thỉnh giáo Ngự y đại nhân".

Sau khi nghe Lý đại phu nói xong, nụ cười của Đỗ Văn Hạo trở nên gượng gạo. Hắn cúi đầu suy nghĩ một lát rồi mới ngẩng đầu nhìn Tiền Bất Thu.

Tiền Bất Thu vội vàng khom người nói: "Đệ tử chẩn đoán cũng như Lý đại phu, đệ tử đã xem kỹ cách ông ấy dùng thuốc, không có gì không ổn nhưng không biết tại sao lại không có hiệu quả".

Đỗ Văn Hạo cau mày, hắn trầm ngâm một lát rồi nói với lão phụ: "Ta sẽ bắt mạch lại lần nữa cho ngươi".

Sau khi cầm tay lão phụ Đỗ Văn Hạo nhắm mắt, ngưng thần bắt mạch. Vẫn là mạch tế, sát như trước. Một hồi lâu sau hắn mới chậm rãi bỏ tay ra, im lặng hồi lâu không nói gì.

Các đại phu nhìn Đỗ Văn Hạo với con mắt chờ mong, mong chờ hắn chỉ điểm cho họ thoát khỏi đám mây mù trước mắt nhưng Đỗ Văn Hạo lại như một lão tăng ngồi thiền, hai mắt khép hờ, không nhúc nhích, không biết là hắn đang nghĩ gì.

Anh Tử không hiểu là bọn họ đang thảo luận bệnh án. Nàng chỉ quan tâm tới tình trạng của Đỗ Văn Hạo. Nàng thấy sắc mặt hắn đã vô cùng mệt mỏi thì rất lo lắng, cúi đầu thì thào vào tai hắn: "Thiếu gia, hãy tạm nghỉ một lát đi nha. Hãy để mấy người Tiền Thái y làm thay một lát. Hãy nghỉ một lát rồi hãy xem lại, muộn một chút cũng không sao".

Hai mắt Đỗ Văn Hạo đột nhiên sáng bừng lên khi hắn nghe Anh Tử nói vậy. Hắn không tự chủ được quay đầu cầm lấy bàn tay trắng nõn của nàng khẽ hôn một cái (cái này là hôn vào tay đó, không phải vào môi đâu). Âm thanh của nụ hôn vang lên khá rõ mọi người trong phòng đều nghe thấy. Anh Tử thì xấu hổ chỉ muốn tìm một cái lỗ nào đó để chui vào nhưng trong lòng nàng lại vô cùng ngọt ngào.

Các đại phu nghe thấy vậy thì vô cùng ngạc nhiên, thế nhưng chưa đợi trong lòng mọi người kịp đưa ra những suy nghĩ lệch lạc thì Đỗ Văn Hạo cười ha hả nói: "Anh Tử của ta rất thông minh. Các ngươi nói xem trên thế gian này còn có cô nương nào thông minh hơn Anh Tử của ta không? Nhất định là không có. Ha ha ha".

Các đại phu đưa mắt nhìn nhau, không biết Ngự y đại nhân muốn nói gì.

Đỗ Văn Hạo nhìn trung niên nhân, con của lão phụ hỏi: "Thuốc Lý đại phu kê lúc trước có còn ở nhà không?"

"Vẫn còn. Sau khi dùng bệnh tăng lên nên không dùng nữa". Lúc này thì đến lượt trung niên nhân tròn mắt ngạc nhiên.

Đỗ Văn Hạo nghe vậy thì như đã đoán trước được câu trả lời: "Hay lắm, vậy hãy lập tức mang tới đây cho ta xem".

Nam nhân trung niên nọ vội vàng trả lời rồi đi vội ra cửa kêu người nhà ở bên ngoài mau chóng quay về nhà cầm thuốc lão thái thái không dùng nữa tới cho Ngự y đại nhân xem. Mấy người nhà bên ngoài vội vàng quay về nhà lấy.

Các đại phu vẫn không hiểu gì. Tạ đại phu chắp tay hỏi: "Ngự y đại nhân, chẳng lẽ thuốc có vấn đề gì sao?"

Đỗ Văn Hạo gật đầu nói: "Nói thật ta cũng chẩn đoán và dùng thuốc như Lý đại phu cùng ái đồ của mình. Ta cũng không biết tại sao dùng thuốc lại không có hiệu nghiệm. Lúc nãy ta bắt mạch lần nữa rồi cẩn thận suy sét hồi lâu vẫn không phát hiện ra có điều gì sai lầm. Vừa rồi tứ chẩn cũng không lộ ra bất kỳ sai lầm nào vậy vì sao không hiệu quả ta thật sự cũng không rõ. Câu nói lúc nãy của tiểu nha đầu đã thức tỉnh ta. Ta bỗng phát hiện có một nguyên nhân của vấn đề này, rất có thể đó chính là nguyên nhân".

Anh Tử vừa xấu hổ vừa thẹn thùng, nàng khẽ nói: "Thiếu gia, nô tỳ có gì nói đó, người lôi người ta làm chọc cười cho người khác".

"Lần này thì đúng vậy!" Đỗ Văn Hạo cười ha hả nói: "Ngươi bảo ta hãy để cho mấy người Bất Thu thay ta một lát ta chợt nghĩ ra liệu có phải phương thuốc đó đã bị người ta thay đổi hoặc dùng dược liệu giả, hay dược liệu kém phẩm chất nên khi dùng dược mới không có hiệu quả".

Lúc này tất cả mọi người trong phòng mới hiểu ra. Gương mặt già nua của Lý đại phu đỏ lên. Ông ta chần chừ giây lát rồi tiến lên ôm quyền nói: "Ngự y đại nhân, lão phụ này do tiểu nhân chẩn bệnh ở dược đường của mình, dùng dược liệu của dược đường tiểu nhân. Tiểu nhân lấy tính mạng của mình đảm bảo dược đường của tiểu nhân tuyệt đối không bao giờ làm chuyện thất đức dùng dược liệu giả hay kém chất lượng. Tất cả dược liệu đều là hàng thượng phẩm".

Đỗ Văn Hạo cười nói: "Điểm này bản quan tuyệt đối tin tưởng. Chúng ta cứ hãy chờ xem. Nên nhớ rằng vấn đề của dược liệu tuyệt đối không chỉ là do dược liệu giả hay kém chất lượng".

Thái độ của Ngự y đại nhân đã rõ ràng, Lý đại phu cũng không biết nói gì nữa, ông ta chỉ còn cách lặng lẽ chờ.

Từ nãy tới giờ Diêm Diệu Thủ vẫn phe phẩy cái quạt đứng nghe ở phía sau, hắn có điều nghi vấn, trong khi đó Đỗ Văn Hạo vẫn đang nhắm mắt dưỡng thần. Các đại phu khác thì không nói câu nào, chỉ im lặng chờ đợi người đưa thuốc tới nên cảm thấy hơi bực mình. Hắn muốn nhân cơ hội này làm rõ mối băn khoăn trong lòng liên tiến lên trước, khom người, ôm quyền nói: "Sư tổ, đồ tôn có chỗ không hiểu với căn bệnh này, không biết sư tổ có thể chỉ bảo cho đồ tôn thoát khỏi đám mây mù đó không?"

Đỗ Văn Hạo vẫn không mở mắt ra, uể oải nói: "Cứ nói".

"Dạ, sư tổ, Ma Hạnh Thạch Cam thang dùng thêm vị Ma Hoàng, có tính chất tháo dạ mạnh. Lão phụ này tuổi đã cao, thân thể suy nhược, bị hen suyễn hơn ba mươi năm. Phế khí nhất định đã hư, chỉ sợ không chịu được vị dược này. Tại sao lại không bỏ Ma Hoàng đi thay vị dược khác?"

Đỗ Văn Hạo hé mắt nhìn vẻ kỳ quái một chút rồi hắn lại nhắm mắt lại, chậm rãi nói: "Ừ, vậy ngươi nói xem vì sao Ma Hạnh Thạch Cam thang lại phối hợp với loại dược liệu Ma Hoàng đó?"