Kiểu của Kiyoshi là
vậy. Tôi mặc kệ và tiếp tục. “Giữa trưa ngày 25 tháng Hai, Tokiko rời
nhà Umezawa đi thăm mẹ. Cô ấy trở lại vào khoảng 9 giờ sáng hôm sau,
ngày 26. Hôm đó, ngoài vụ đảo chính quân sự còn có một trận tuyết rơi
lớn kỷ lục trong vòng ba mươi năm ở Tokyo. Sau khi về đến nhà, Tokiko
chuẩn bị bữa sáng cho cha mình. Ông Heikichi luôn ăn bất cứ thứ gì
Tokiko làm bởi vì ông ấy tin tưởng cô và trên hết, Tokiko là con gái
ruột của ông.”
“Tokiko mang bữa sáng tới xưởng vẽ lúc 10 giờ kém mấy phút. Cô ấy gõ cửa nhưng không thấy ai trả lời. Đi về phía hông
xưởng vẽ và nhìn qua cửa sổ, Tokiko thấy cha mình nằm trên sàn trong một vũng máu.”
“Tokiko vô cùng kinh hãi, chạy một mạch trở lại nhà
chính và gọi những người phụ nữ khác tới giúp phá cửa xưởng vẽ đang bị
khóa trái. Heikichi chết do bị một vật cứng đập vào gáy, có thể là một
cái chảo rán. Phía pháp y kết luận rằng nguyên nhân cái chết là do giập
não, máu trào ra từ mũi và miệng nạn nhân. Không bị mất cắp thứ gì vì
tiền bạc và đồ quý giá còn nguyên trên bàn làm việc. Cuốn sổ tay có bản
ghi chép kì quặc được tìm thấy trong ngăn kéo.”
“Mười một bức
tranh mà Heikichi gọi là tác phẩm để đời vẫn dựng ở bức tường phía bắc.
Không có dấu hiện nào chứng tỏ chúng bị hủy hoại. Bức tranh thứ 12 còn
đang dở dang trên giá vẽ. Khi những cô con gái phá cửa vào xưởng, lò
sưởi bằng than vẫn đang đượm cháy. Thời điểm đó thể loại truyện trinh
thám đã phổ biến, vì vậy mà họ biết cách giữ nguyên không làm xáo trộn
hiện trường vụ án. Chỉ một lát sau thì cảnh sát đến.”
“Như tôi đã nói, đêm hôm trước Tokyo hứng chịu trận tuyết lớn nhất trong vòng ba mươi năm. Bây giờ hãy nhìn vào sơ đồ thứ hai.”
“Những bước chân trên
tuyết kéo dài từ cổng nhà đến xưởng vẽ. Đó là dấu giày của một người đàn ông và một phụ nữ - hay ít nhất là một đôi giày nam và một đôi giày nữ. Cho dù giới tính của họ là gì thì có vẻ như hai người đó không rời
xưởng vẽ cùng nhau, và chắc chắn cũng không đi cạnh nhau vì dấu chân của họ giẫm lên nhau.”
“Đúng, có vẻ như một người đi trước và một
người đi sau. Dấu giày nam cho thấy người này đi từ xưởng vẽ ra ngoài
tới mạn phía nam, dừng bước và đi đi lại lại phía dưới cửa sổ cạnh bồn
rửa, trong khi dấu giày của người phụ nữ lại đi thẳng từ cửa xưởng vẽ ra cổng nhà. Nếu cả hai người đó rời xưởng vẽ cùng một lúc thì người đàn
ông đi ra sau người phụ nữ vì dấu chân nam giẫm đè lên dấu chân nữ. Qua
khỏi cổng nhà là đường phố có lát gạch. Dấu chân của hai người cũng chấm dứt tại đây.”
“Ừm.”
“Khoảng thời gian tuyết rơi chính
là điểm mấu chốt. Ở Meguro, tuyết bắt đầu rơi lúc 2 giờ chiều ngày 25
tháng Hai. Hiếm khi có tuyết ở Tokyo và hệ thống dự báo thời tiết hồi ấy chưa hiện đại như ngày nay nên không thể biết được lượng tuyết tích tụ
là bao nhiêu. Tuyết vẫn tiếp tục rơi đến 11 giờ rưỡi đêm, tổng cộng thời gian tuyết rơi chín tiếng rưỡi. 8 giờ rưỡi sáng hôm sau, tuyết lại rơi
nhẹ khoảng mười lăm phút nữa.”
“Anh có thể thấy là đợt tuyết rơi lần hai chỉ như một lớp bụi mỏng phủ lên những dấu giày. Vì vậy, hai
người đó chắc chắn phải vào xưởng vẽ ít nhất là ba mươi phút trước khi
tuyết ngừng rơi lúc 11 giờ rưỡi; người nữ và người nam nối tiếp nhau rời khỏi xưởng vẽ trong khoảng thời gian từ 11 giờ 30 phút đêm đến 8 giờ 30 phút sáng hôm sau. Lý do tôi nói họ vào xưởng vẽ ba mươi phút trước khi tuyết ngừng rơi là bởi vì dấu chân của họ bị tuyết phủ lên nhưng không
bị che phủ hoàn toàn.”
“Ừm.”
“Chắc chắn phải có ba người ở trong xưởng vẽ vào buổi tối hôm đó: người để lại dấu giày nam, người
để lại dấu giày nữ và Heikichi Umezawa. Nhiều khả năng người nam ra sau
không phải là thủ phạm, nhưng nếu đúng là người nam là hung thủ ra tay
sát hại Heikichi thì người phụ nữ kia phải biết hắn ta là ai. Hoặc nếu
như người phụ nữ giết chết Heikichi thì người nam chắc chắn biết thị -
tuy nhiên điều này không thể xảy ra vì người nam rời khỏi xưởng vẽ sau
người phụ nữ. Nhưng cũng có thể giả định rằng người nam không nhìn thấy
người phụ nữ giết Heikichi, hắn không ở lại trong xưởng vẽ sau khi xảy
ra vụ việc và cũng không đi đi lại lại dưới ô cửa sổ phía nam xưởng vẽ.”
“Nhưng nếu cả hai là đồng phạm thì vẫn còn một chi tiết khó hiểu là thuốc ngủ
được tìm thấy trong dạ dày của Heikichi. Liều thuốc ít không thể gây tử
vong, cho nên chỉ đơn giản để an thần. Có nghĩa là sau khi uống thuốc,
nạn nhân mới bị giết. Nhưng liệu có phải Heikichi uống thuốc trong lúc
đang tiếp hai vị khách? Không chắc nữa, nhỉ?
“Vậy liệu có thể là người nam gây án sau khi người phụ nữ rời đi không? Khả năng đó cũng
không chắc lắm vì Heikichi vốn không thích ở cạnh đàn ông. Ông ta không
hề thân thiết với cánh mày râu và chỉ cảm thấy an toàn khi ở bên phụ nữ. Nếu như ông ta uống thuốc khi có mặt ai đó thì người đó phải là phụ nữ. Tình huống này không thể xảy ra vì người nữ đã rời đi trước đó. Bất cứ
giả định nào cũng khó giải thích được ý nghĩa của những viên thuốc ngủ.”
“Tóm lại giả thiết sau có vẻ hợp lý nhất: người để lại dấu giày nam chính là hung thủ và người đã để lại dấu giày phụ nữ chính là người đã chứng
kiến án mạng. Kiyoshi, anh nghĩ ai là người để lại dấu giày phụ nữ?”
“Người mẫu của ông ấy.”
“Chính xác, tuyệt! Cô ta rất có thể là người mẫu và đã chứng kiến toàn bộ vụ
án mạng. Cảnh sát đã tiến hành thông báo trên các phương tiện thông tin
đại chúng mời người mẫu hôm đó tới trình diện, hợp tác và đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối về danh tính. Tuy nhiên cô ấy không xuất hiện. Không ai
biết người mẫu đó là ai, thậm chí cho tới tận bây giờ, đã bốn mươi năm
kể từ khi án mạng xảy ra.”
“Nhưng nếu một người mẫu ở trong
xưởng vẽ của Heikichi lúc 11 giờ rưỡi đêm thì lại có thêm bí ẩn khác: lẽ nào một người mẫu lại làm việc khuya như vậy? Nếu đúng thì chắc hẳn cô
ấy phải rất thân thiết với Heikichi, nếu không thì chẳng có người phụ nữ nào làm việc muộn như thế. Ở thời điểm đó, phụ nữ hiếm khi phải làm
việc kiếm tiền ngay cả những công việc ban ngày. Tất nhiên, có thể cô ấy phải đợi cho tuyết tạnh mới có thể về được vì không hề có cái ô nào
trong xưởng vẽ cả. Nhưng nếu muốn thì Heikichi có thể đi tới nhà chính
để lấy cái ô.”
“Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ về sự hiện diện
của cô người mẫu. Cảnh sát không thể tìm được tung tích của cô ta và họ
cho rằng dấu giày nữ chỉ là một thủ đoạn đánh lạc hướng. Nhưng chắc chắn sự thật không thể chối cãi là người để lại dấu giày nữ đã đi từ xưởng
vẽ ra phố chứ không theo đường khác dựa trên tình trạng tuyết bị xáo
trộn và dấu chân chỉ đi theo một hướng. Giả thiết về việc một người xỏ
tay vào giày và bò bằng bốn chiếc giày cũng được đặt ra. Tuy nhiên giả
thiết đã bị bác bỏ bởi trọng lượng phân bố không đều giữa tay và chân
trong quá trình bò sẽ làm lộ mánh khóe đó ngay.”
“Mà này, nói về những dấu giày như vậy là đủ rồi, đó không phải điều thú vị nhất trong
vụ giết Heikichi. Đúng như ông ta mô tả, khung sắt ở cửa sổ và cửa trời
đã được lắp đặt xong. Heikichi là người thận trọng. Những song sắt đó
không phải là thứ vớ vẩn. Vì mục đích an ninh, những song sắt này được
thiết kế để chỉ có thể tháo ra từ bên trong. Vì vậy, chỉ có một cách duy nhất để hung thủ vào xưởng vẽ là đến và đi qua cửa chính. Khác với cửa
trượt của Nhật, ở đây là kiểu cửa cánh đơn theo phong cách phương Tây,
mở ra phía ngoài và có một cái then sắt để đảm bảo an toàn ở bên trong.
Chắc chắn Heikichi đã cho làm cửa theo phong cách của khách sạn vùng
nông thôn nước Pháp. Để khóa cửa, anh phải kéo then cửa sắt vào một cái
lỗ trên khung cửa. Then cửa sắt này có một cái vấu nhỏ phải xoay xuống
dưới đè lên một chỗ nhô ra trên cửa. Chỗ nhô ra này có một cái khoen, và đây chính là chỗ để móc ổ khóa.”
Kiyoshi đột nhiên mở to mắt, ngồi phắt dậy trên trường kỷ. “Thật á?” Cậu ấy hỏi.
“Phải. Và Heikichi bị giết sau cánh cửa khóa trái!”