Tokyo Hoàng Đạo Án

Chương 32




Khi xe điện dừng tại ga cuối, người soát vé nhảy ra khỏi ghế ngồi. Ngạc nhiên trước sự vận động nhanh nhẹn như vậy, tôi nhìn theo qua cửa sổ, quan sát hoạt động của ông ấy. Bất chấp tuổi tác và vóc dáng nhỏ thó của mình, người soát vé vẫn nhảy vọt lên tóm lấy sợi dây mắc vào cần truyền điện giống như một con ếch nhảy lên một cành liễu. Sau khi cái cần bị kéo xuống, người soát vé chạy bên cạnh chiếc xe khi nó xoay trên bàn quay đầu. Chuyển cần truyền điện sang hướng ngược lại, người soát vé chạy trở lại chiếc ghế ngồi của mình. Ông ta ra hiệu cho tài xế tiếp tục, chiếc xe điện lại từ từ chạy ngược lên, giống như con bò vừa thức dậy sau một giấc ngủ ngắn.

Động tác nhanh nhẹn của người soát vé khiến tôi ngạc nhiên. Dường như không ai ở Meiji-Mura tỏ ra vội vã cả và có vẻ thời gian biểu không tồn tại ở nơi này, nhưng cho dù vậy thì ông ấy cũng tỏ ra thích thú với việc vận hành mọi thứ suôn sẻ. Tôi tin chắc gia đình ông sẽ rất lo lắng nếu họ nhìn thấy công việc của một người soát vé phụ xe điện nhọc nhằn thế nào. Sự năng nổ hoạt bát cho thấy ông không hề bị đau lưng hay mất ngủ - nhưng nếu ông bị đột quỵ trong khi đang nhảy thì sao nhỉ? Chà, như vậy âu cũng là số phận mà thôi. Thực tế cho thấy người đàn ông đó sẽ hạnh phúc khi được chết cùng với sợi dây xe điện trong tay hơn là bình yên trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Tôi nhớ những gì Shusai Yoshida đã nói về việc ghen tị với bạn của mình đang làm việc ở công viên này. Tôi có thể hiểu được tại sao ông ấy lại cảm thấy như vậy.

Rời ga xe điện, tôi đi qua đường tàu hỏa Shimbashi và Nhà máy kính Shinagawa. Cuối cùng, đến Bưu điện Uki-Yamada. Tôi đã sẵn sàng gặp Azoth!

Tôi chậm rãi bước lên bậc đá và vào bên trong. Sàn gỗ ở đây được phủ một lớp dầu. Tôi cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Ánh nắng tràn vào qua những ô cửa sổ trên cao. Những hạt bụi lơ lửng trong không trung. Tôi là người duy nhất ở đây.

Phòng triển lãm được bài trí theo trật tự niên đại, bắt đầu với hình tượng một người chạy bộ để truyền tin và phát thư tín. Kế đến là chiếc hòm thư đầu tiên được hệ thống bưu chính Nhật Bản sử dụng. Sau đó là một vài thiết kế khác nhau và kết thúc là một hòm thư màu đỏ rất quen thuộc có dáng một cây cột. Rồi đến hình ảnh bưu tá trong các kiểu đồng phục khác nhau.

Tôi bắt đầu cảm thấy bực bội. “Cô ta đâu nhỉ?” Tôi tự nói với mình khá to. Tôi xoay sang một bên và ở đó, trong một góc tối, là một ma-nơ-canh nữ mặc bộ kimono màu đỏ với mái tóc đen cắt ngang trán. Ngươi có đúng là cô ta không?

Tôi rụt rè tiến đến gần ma-nơ-canh, ngập ngừng như một đứa trẻ. Cô ta đứng thẳng, đôi mắt to đen vô hồn đăm đăm nhìn tôi. Lớp bụi trên tóc và vai của ma-nơ-canh chính là minh chứng rõ rệt cho lịch sử bốn mươi năm của cô ta.

Ngươi là ai? Ngươi muốn nói gì với ta nào?

Trong buổi chiều bình yên, đối diện với thứ bí ẩn này, tôi cảm thấy thật đơn độc, rồi đột nhiên sợ hãi. Tôi bắt đầu rùng mình và vòng tay ôm quanh mình. Tôi tựa lưng vào hàng rào bảo vệ để nhìn cho rõ hơn: đôi chân tôi muốn khụy xuống.

Nếu cô ta cử động thì sao nhỉ?

Tôi đứng sững tại chỗ - cách xa gần hai mét - đăm đăm nhìn cô ta. Ma-nơ-canh có những nếp nhăn quanh mắt. Đôi mắt bằng thủy tinh, đôi tay trông đúng là nhân tạo.

Đợi đã… những nếp nhăn trên mặt cô ta? Mình phải nhìn gần hơn nữa…

Tôi nhìn quanh chẳng thấy ai cả. Nhưng khi tôi vừa định bước qua rào chắn, cửa bưu điện bất ngờ mở và lao công bước vào, cầm theo một cây chổi và một cái xẻng và nó phát ra tiếng kêu lanh lảnh khi chạm xuống sàn.

Mất hết cả nhuệ khí, tôi hối hả rời khỏi tòa nhà bưu điện…

Cảm thấy đói ngấu, tôi mua mấy cái bánh bao cùng hộp sữa và ngồi xuống một chiếc ghế băng. Từ đây, tôi có thể quan sát rõ lối vào chính của Khách sạn Hoàng gia Tokyo nổi tiếng. Trước mặt tôi là hồ nước với một cây cầu hai nhịp. Vài con thiên nga đang lướt trên mặt nước. Quá là đẹp và yên bình vô cùng. Không thấy bóng dáng của con người. Một vệt khói bốc lên phía trên những rặng cây, rồi đầu máy hơi nước xuất hiện từ trong rừng, kéo theo ba toa xe hối hả lăn bánh lên cây cầu sắt.

Trong lúc trệu trạo nhai bánh, tôi bắt đầu băn khoăn tự vấn bản thân, tâm trạng hoàn toàn bối rối. Làm sao Tamio Yasukawa lại có thể nghĩ rằng ma-nơ-canh đó là Azoth được chứ? Không thể nào. Không, không phải ma-nơ-canh đó. Yasukawa mất trí rồi chăng? Hay có ai đó đã đánh tráo vật thật?

Tôi quay trở lại để quan sát thêm nhưng thật tiếc, trong nhà bưu điện có vài vị khách. Tôi đăm đăm ngắm nhìn ma-nơ-canh và sau đó đi tìm Hachiro Umeda.

Khi tôi quay lại thì viên cảnh sát có bộ ria ghi đông đang quét khoảng sân rộng trước đồn. “Tạm biệt ông,” một nhóm thiếu nữ vui vẻ cúi người chào khi ra về. Viên cảnh sát cũng cúi người đáp lại.

Tôi bước lại gần ông. “Cháu xin lỗi, hình như bác là Hachiro Umeda phải không ạ?” Tôi hỏi.

“Vâng, chính là tôi đây,” ông cởi mở đáp lại.

“Cháu tên là Ishioka tới từ Tokyo. Bác Shusai Yoshida có nhắc đến tên bác với cháu. Bác ấy giới thiệu cháu đến gặp bác.”

Vẻ tò mò hiện rõ trên mặt ông Umeda. Sau khi tôi giải thích mọi chuyện - lúc này tôi đã có rất nhiều thực tiễn - ông ấy đặt cây chổi xuống, mời tôi vào trong và đưa cho tôi một cái ghế.

“Để xem nào… Tamio Yasukawa… Ồ, ồ, tôi nhớ ông ta rồi. Một tay nát rượu. Ông ta chết rồi phải không? Tội nghiệp thật, lão già đó sẽ được tận hưởng cuộc đời tươi đẹp hơn nếu như chuyển đến đây. Không khí trong lành, thức ăn ngon... Mọi thứ đều tuyệt vời đối với lão ta nếu như ở đây cho phép uống rượu!” Ông ngừng lại, mỉm cười và nói tiếp, “Trong bộ đồng phục này, trông tôi cũng bảnh đấy chứ nhỉ? Đây đúng là giấc mơ của tôi đấy. Để có cơ hội mặc một bộ đồng phục với cây kiếm như thế này, tôi sẵn lòng làm bất kỳ chuyện gì - thậm chí tham gia diễu hành hoặc đứng làm mẫu chụp bích chương. Cho nên khi nhận công việc ở đây, tôi rất phấn khởi. Tôi có vài lựa chọn như soát vé trên tàu hỏa, lái xe điện hay bất kỳ việc gì, nhưng ngay tức khắc tôi chọn công việc của một cảnh sát!”

Umeda vui vẻ và thân thiện, nhưng lại khiến tôi thất vọng. Từ tất cả biểu hiện, nhiều khả năng là người đàn ông trung niên vui vẻ này chẳng thể nào là tác giả kế hoạch phức tạp của Umezawa và thực hiện những vụ sát nhân kinh khủng. Thêm nữa, trông ông ấy chỉ mới ngoài ngũ tuần, trẻ hơn rất nhiều so với Umezawa nếu như ông ta còn sống. Dĩ nhiên, chắc chắn nhờ lối sống lành mạnh mà ông có được sự trẻ trung như vậy.

Tôi hỏi xem liệu ông ấy đã từng nghe nói đến Heikichi Umezawa chưa.

“Heikichi Umezawa hả? À, chuyện đó rất thú vị. Ông Yasukawa từng có lần say khướt và gọi tôi là Heikichi Umezawa. Tôi bảo ông ta tôi không phải là Umezawa, nhưng ông ta cứ cúi gập người và nói với tôi như thể tôi chính là người đó vậy. Có lẽ tôi giống ông ấy chăng? Nhưng Umezawa là một tội phạm, cho nên tôi không thích lắm. Giờ tôi trong giống Tướng Nogi hay Hoàng đế Minh Trị, chuyện rất khác đấy. Chuyện đó làm cho tôi rất hạnh phúc!” Ông ấy cười to.

“Cháu xin lỗi, nhưng cháu có thể hỏi bác đã sống ở đâu vào năm 1936 không? Thời gian cũng quá lâu, gần bốn mươi năm rồi, nhưng…”

“Năm 1936 à? Hừm… tôi mới 20 tuổi… Hồi ấy là trước chiến tranh, cho nên tôi sống ở Takamatsu trên đảo Shikoku. Tôi làm ở một cửa hàng rượu.”

“Bác sinh ra ở Takamatsu ạ?”

“Phải rồi.”

“Nhưng bác lại nói tiếng vùng Osaka?”