Tôi Có Lý Do Để Nghi Ngờ Mèo Nhà Mình Là Bạn Trai Cũ

Chương 11: Phiên ngoại




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.



"Anh rất thích, rất thích ca khúc em sáng tác và rất thích... em."

toi-co-ly-do-de-nghi-ngo-meo-nha-minh-la-ban-trai-cu-11-0

Edit: Đào siu nhìu xiềng

Beta: Chuối

-Dải phân cách cảnh báo về dòng thời gian, dưới đây là kiếp sau–

Từ nhỏ tôi đã không ưa cái thằng ở đối diện nhà mình rồi.

Nguyên nhân rất rõ ràng, anh ta chính là con nhà người ta trong truyền thuyết.

Cái thằng nhà đối diện cứ đúng 6 giờ mỗi ngày sẽ dậy để đọc diễn cảm và học thuộc lòng cả bài văn, đã thế còn có thể viết dấu trích dẫn tên sách《 》bên phải cân xứng y hệt bên trái.

"Con xem mà học tập người ta kìa." Mẹ tôi hâm mộ ngắm nghía gương mặt ngoan ngoãn của thằng đó qua ô cửa sổ nhà mình bằng ánh mắt cực kỳ hâm mộ: "Hôm qua lúc chơi mạt chược, mẹ thằng bé nói nó đã tự học đến hàm số rồi, buổi tối bảo nó đi ngủ nó cũng không chịu. Con nhìn lại mình xem, suốt ngày chỉ biết ôm guitar lầm rà lầm rầm."

Mẹ tôi đau lòng thả cửa chớp xuống: "Mẹ vừa lơ là cái đã bị người ta ăn mất 5000."

Tôi nghi thằng oắt đó cố tình đứng trước sân nhà tôi để chọc tức tôi, nom cái vẻ đắc ý của nó kìa.

"Người ta lớp 5, con mới có lớp 3, mẹ nhìn cái đứa cạnh nhà mình kia kìa, lớp 2 rồi mà còn không biết ghép vần!" Tôi thấy bẽ mặt chết đi được, gân cổ lên cố lý luận với mẹ.

Bố tôi đang đứng ở huyền quan thay giày. "Người giỏi không so, lại đi so với người kém hơn, bố thấy cái nhà này sớm muộn gì cũng lụn bại trong tay mày." Ông đóng cửa rồi đi ra ngoài, chỉ để lại đúng một câu nhẹ bẫng... Mới sáng bảnh mắt, chả hiểu chuyện quái gì đang xảy ra nữa, tôi tức giận bỏ miếng bánh mì nướng trong tay xuống, gân cổ gào lên, mẹ bèn cuộn tờ báo toan bước tới dạy dỗ tôi.

Tôi nghĩ phải tiến hành một vài biện pháp thôi.

Tôi bảo mẹ trồng vài cái cây, càng to càng tốt, đến hè sẽ râm mát lắm cho xem.

Tốt nhất là trồng cây đa ấy, sau này cháu trai của mẹ có thể trèo lên cây đu dây nữa.

Mẹ nghe vậy thì phì cười, bảo mày mới tí tuổi đầu mà đã nghĩ xa thế.

Cuối cùng cây đa tôi hằng mong ước không được trồng – giống cây này khi trưởng thành có thể sẽ xốc cả móng nhà bạn lên. Mẹ tôi thích hoa hơn nên trồng giống hoa hồng leo tường vy, đợi đến tầm giữa hè tháng 7, bóng dáng cái thằng ở nhà đối diện kiểu gì cũng bị bức tường đỏ xanh đan xen che mất, chỉ còn thấy mờ mờ chẳng rõ ràng.

Tôi thở phào đầy thỏa mãn, ấy nhưng mỗi ngày vẫn quen nhìn ra ngoài cửa sổ, xem xem bao giờ cây tường vy mới che hết cái thằng phiền phức đó.

Vào dịp Giáng Sinh, dì tôi ở New Zealand gửi cho gia đình tôi hộp thịt bò to bự qua một công ty xuất nhập khẩu. Thịt bò hữu cơ nuôi thả nên thịt rất săn chắc, hương vị tươi non vô cùng. Ngoài làm beefsteak, mẹ tôi còn làm rất nhiều món đa dạng khác nhau, nào là bò viên, sủi cảo nhân thịt bò, rồi cả thịt bò xiên. Nhưng dù có ngon đến mấy thì ăn mãi một loại thịt cũng ngán lắm chứ, sau một tuần, tôi kiên quyết đẩy cái đĩa đựng thịt màu đỏ trước mặt ra xa, cao giọng tuyên bố từ nay về sau mình sẽ không bao giờ ăn thịt bò nữa. Mẹ tôi khoanh tay, rầu rĩ nhìn đám thịt chất đống trong tủ lạnh.

Người mẹ thông minh tuyệt vời của tôi quyết định mời bạn bè trên chiếu bạc của bà đến để chung tay giải quyết đống thịt này, đã vậy còn không ngừng nhắc họ phải dẫn cả người nhà mình theo.

Vì thế nên chiều thứ sáu tan học về đến nhà, tôi trông thấy ba bàn mạt chược vây kín người trong phòng khách tầng một, tiếng mạt chược va vào nhau lạch cạch hòa cùng âm thanh kêu ù bài văng vẳng bên tai. Tôi chết lặng nhấc chân đi vào và phát hiện trong phòng ăn kê hai cái bàn dài, vài đôi tay đeo nhẫn phỉ thúy, đeo vòng ngọc di chuyển thoăn thoắt, náo nhiệt vô cùng. Cái thằng ở nhà đối diện hôm nay mặc áo gile len màu đen có logo của trường, dịch cái ghế tới bên cửa sổ và lặng lẽ ngồi đọc sách, dường như không nghe thấy âm thanh huyên náo bên tai.

Đồng phục của chúng tôi có hai bộ, một bộ màu đen, một bộ màu xám. Thỉnh thoảng buổi sáng nếu tôi dậy trước 30 phút để đi học, lúc đứng trước cửa nhà sẽ gặp anh ta đang được mẹ chỉnh quần áo cho, phong thái hệt như cậu chủ nhỏ. Áo gile len có thể phối với nhiều màu áo sơmi khác nhau, nhưng vì da đối phương trắng nên nhìn tới nhìn lui, tôi vẫn thấy anh ta mặc sơ mi trắng với áo gile xám nhạt là hợp nhất.

"Đi học mà ngu đi đấy hả, trông thấy người không biết chào hỏi à?" Mẹ tôi xoa tay, đi ngang qua sau lưng tôi: "Nhìn kia kìa, đứa bé này đúng là chăm chỉ."

"Ôi, nào có đâu, mò mẫm tìm hiểu qua qua thôi. Lên lớp 10 rồi, việc học cũng nặng hơn nhiều." Mẹ đối phương ngồi gần đó vừa chia bài vừa đáp, nét mặt lộ rõ vẻ tự hào.

Mẹ nhìn thoáng qua tôi rồi nhìn anh ta: "Hồi bé hai đứa thân nhau lắm cơ mà? Cậu đuổi theo tớ rồi tớ đuổi theo cậu, sao lớn lên gặp nhau lại không nói câu nào thế?"

Thì bị so sánh suốt nên phiền chứ sao.

Tôi lượn qua sau lưng anh ta, đối phương không ngờ tôi sẽ đến gần nên không kịp phản ứng, quyển manga kẹp trong sách hướng dẫn bị tôi thấy không sót một góc nào. Tôi vô cùng ngạc nhiên, tặc lưỡi, không ngờ nha không ngờ nha, cậu trai nhà đối diện nhìn bề ngoài cứ tưởng là học sinh hiếu học chăm ngoan, hóa ra sau lưng cũng to gan dám làm trò này trước mặt nhiều người lớn vậy. Anh ta vội vàng úp sách xuống đầu gối mình, vành tai đỏ ửng, xấu hổ cúi đầu không dám nói câu nào.

"Yên tâm đi, tôi không nói chuyện này ra đâu." Tôi thì thầm với anh ta, sau đó vừa đi vừa ngâm nga, tâm trạng vui sướng lâng lâng.

Sau khi tiệc thịt bò kết thúc, các bà mẹ cùng nhau thưởng thức rượu vang đỏ, chưa một ai muốn về nhà cả. Nhiều người trong phòng khiến không khí hơi ngột ngạt khó chịu, tôi lập tức kéo anh ta lên nóc nhà hít thở. Hai đứa bám lấy cái thang rồi trèo lên, cẩn thận từng li từng tí ngồi trên mái, gió đêm hơi lạnh khiến tôi phải kéo chặt áo khoác mình lại.

"Sau này anh muốn vẽ manga à?"

"Muốn chứ."

"Vậy sao lại không đi học thế?"

"Mọi người trong nhà sẽ không cho đâu, họ muốn tôi sau này tiếp nhận sản nghiệp của gia đình."

"Bệnh viện tư nhân nhà anh đúng không, thực ra học y cũng ổn áp mà."

"Được chăm sóc cho người bệnh tuy tốt nhưng tôi không thích mùi của bệnh viện." Anh chàng thở dài, cúi thấp đầu nói: "Ngửi vào, cảm giác rất khó chịu, xót xa."

Rồi anh ngẩng đầu nhìn tôi: "Cậu thì sao?"

"Ý của bố tôi với bố anh na ná nhau, nhưng đừng hòng bắt tôi đi học kinh tế, chẳng thú vị tí nào, còn lâu tôi mới học cái ngành đó nhé. Anh nghe tên nhóm U2 bao giờ chưa, đó là một ban nhạc, được ra album, được đi lưu diễn, vân vân, thật tuyệt biết bao! Tôi cũng muốn tương lai mình được như vậy."

"Xem ra đấu tranh với gia đình là điều khó tránh khỏi rồi." Trong mắt đối phương ngập tràn niềm vui, chớp chớp mắt với tôi.

Cái thằng ở nhà đối diện được gọi là con nhà người ta cũng không ngoa, bởi vì xét về mặt nào anh ta cũng ưu tú hết, không chỉ có thành tích học tập xuất sắc và tư tưởng giác ngộ tốt, mà còn sở hữu bề ngoài tuấn tú, lúc cười... trông càng tuấn tú hơn.

Tôi cảm thấy đối phương đã cho tôi thấy rõ sự hoàn mỹ của anh ta rồi.

"Anh có cái nhìn thấu đáo đấy." Tôi lắc lư đầu: "Công ty đâu nhất thiết phải do tôi thừa kế, anh họ của tôi cũng làm được mà."

"Nhưng cha mẹ nào mà chẳng muốn truyền lại cho con cái mình."

Tôi đứng dậy phủi bụi ở đít quần: "Không nói chuyện này nữa, chắc các mẹ uống xong rồi đấy, xuống nhà nhé?" Tôi đưa tay ra, kéo anh dậy.

"Tôi muốn nghe cậu đánh đàn guitar." Anh bỗng nhiên mở lời.

Tôi im lặng chốc lát.

"Để lần sau đi, khi nào có cơ hội."

...

Anh chàng ở nhà đối diện ấy thế mà nói trúng phóc, chuyện tôi khăng khăng đòi đi học âm nhạc làm cả nhà cãi vã ầm ĩ lộn tùng phèo suốt ba tháng trời, cuối cùng kết thúc bằng việc bố ném cho tôi xấp tiền mỏng kèm theo câu "Để xem nó làm được trò trống gì". Còn mẹ thì gạt nước mắt, lặng lẽ lên phòng đóng cửa lại. Tôi chán nản kéo vali đi, trước khi vào học kỳ hai năm lớp 11 lại gặp anh chàng ở nhà đối diện trên con phố toàn gió rét. Anh kéo tôi lên xe, chỗ ngồi phía sau chất đầy một đống sách Y.

"Cuối cùng thì anh vẫn học Y." Tôi ngồi ở ghế phó lái ôm cây đàn guitar quý báu của mình, tiếc nuối nhìn mô hình Slam Dunk Q treo trên kính chiếu hậu.

"Anh không kiên quyết được như cậu."

"Nhưng cũng không bị tống cổ ra ngoài." Tôi mỉm cười.

"Lên Đại học anh sẽ được tự do hơn, có thể dùng thời gian rảnh rỗi sau khi học xong để vẽ vời." Anh ngừng lại: "Còn cậu bây giờ phải lấy việc học làm việc quan trọng hàng đầu."

Cái tên này lớn hơn tôi có vài tuổi mà nói chuyện y như người lớn dặn dò con nhỏ vậy.

"Em hiểu điều ấy mà, em hỏi này, anh học y thì đào đâu ra thời gian rảnh?"

"Chắc chắn sẽ có chứ." Đối phương cười bất đắc dĩ.

Anh ngồi trên xe gọi điện, sắp xếp cho tôi ở trong căn hộ không dùng tới của một người bạn, chóp mũi tôi đỏ bừng vì lạnh, bám lấy cửa xe nhìn vào: "Anh đừng nói với bố mẹ em là em ở đây đấy nhé."

"Không đâu, nhưng điều kiện tiên quyết là kết quả học tập của cậu không được tụt xuống." Anh đưa tay xoa xoa đầu tôi, tiết trời mùa đông lạnh giá, ấy thế nhưng tay anh lại ấm áp vô cùng. Mãi đến lúc anh lái xe đi rồi, độ ấm và xúc cảm tê tê dại dại ấy dường như vẫn còn lưu lại.

Sau này rốt cuộc tôi cũng được đứng trên sân khấu với bao con mắt nhìn chăm chú, ngọn đèn ấm áp chiếu rọi lên người, tia sáng màu vàng rực rỡ chói mắt hơn tôi tưởng, làm tôi bỗng ngẩn ngơ. Chẳng rõ tại sao, lúc ấy tôi chợt nhớ tới nhiệt độ nóng ấm vào đêm mùa đông khi được anh xoa đầu.

Tôi phóng khoáng vẫy tay, gảy tiếng đầu tiên của cây đàn guitar điện, tất cả mọi người bên dưới lập tức kêu gào cổ vũ.

...

Từ lúc trở thành minh tinh, năm chữ "sinh hoạt có quy luật" lập tức vẫy tay chào tạm biệt với tôi. Đầu năm mãi mới có một ngày nghỉ, tôi đeo khẩu trang, đội mũ kín mít, trang bị đầy đủ rồi mới dám xuất hiện trước cổng bệnh viện của anh.

"Sao thế?" Anh mặc áo blouse trắng, nhíu mày nhìn tôi. Chà, tôi đã nói là màu sáng rất hợp với anh mà.

"Phòng làm việc của anh nằm trên tầng cao nhất, đâu cần phải đeo khẩu trang nhỉ?"

Tôi kéo khẩu trang xuống, thảm thương ôm bụng: "Chỗ này đau."

"Đã nói với cậu bao nhiều lần rồi, bận mấy thì bận cũng không được nhịn đói, toàn như nước đổ đầu vịt." Anh vừa quở tôi vừa đưa cho tôi một tờ đơn để đi kiểm tra.

"Em biết làm sao được, trước mặt người khác thì vẻ vang tỏa sáng, nào ai biết thực ra mệt như chó."

"Cậu sinh ra để thuộc về sân khấu, nhưng đừng vì công việc mà mang sức khỏe ra đùa." Anh nghiêm mặt nói.

Phòng làm việc của anh rất sạch sẽ và rộng rãi, ánh mặt trời buổi chiều hắt vào qua ô cửa sổ, tăng thêm phần ấm áp.

"Được được được, em sẽ chú ý, em mà bị bệnh thì các bé fan sẽ hò hét trên weibo cho xem."

"Tính cậu dễ hút fan thật đấy." Anh nói bằng giọng đanh thép, nghe chả giống khen ngợi tí nào. Ngay sau đó, anh mở điện thoại để trên bàn, vào xem weibo của tôi rồi đọc bình luận: "Fan của cậu nhiều phết nhỉ, [Trời ơi, cưa cưa đẹp quằn quại mlem mlem quá, cả nốt ruồi lệ kia nữa chứ, aaaa, đây là thần tiên là bảo bối gì vậy!].

[Aaaaa, giá trị nhan sắc của cưa cưa hôm nay bùng nổ quá, aaa, mị không thở nổi mất.]

[Các chị em à tui không hề điêu với mấy người đâu, hôm qua cưa cưa lên giường...]."

"Dừng dừng dừng, xấu hổ lắm!" Bình luận càng ngày càng bậy bạ, giọng điệu kì cục của anh làm tôi giật bắn hãi hùng, vội xông tới che màn hình điện thoại. Anh nhướng mày nhìn tôi, trong mắt hình như có nét trêu chọc và cả... không vừa lòng?

Chúng tôi sát lại gần nhau, tôi ngửi được cả mùi xà phòng thanh mát trên người anh, quyện với mùi cồn iod thoang thoảng. Anh quay đầu đi, chỉ chừa lại cho tôi cần cổ thon dài đầy thờ ơ.

Tôi úp điện thoại của anh xuống rồi về chỗ ngồi: "Em không thèm nổi bằng mặt đâu, em nổi bằng thực lực đấy nhé, lần sau anh đến xem concert của em là biết."

"Nhưng cậu chưa bao giờ ngỏ lời mời anh."

"Em nhớ là có mà, hình như lúc đó anh bảo mình có cuộc phẫu thuật... Thôi được rồi, em sẽ lấy vé xem buổi diễn vào tháng 5 cho anh."

"Được."

Đợt tết Nguyên Đán tôi về nhà một chuyến, mối quan hệ bế tắc với bố mẹ đã tốt đẹp trở lại từ năm ngoái. Bước ngoặt cho sự thay đổi ấy là vào một ngày nào đó, bố tôi lén lút đến thăm nhóm của tôi, ai ngờ bị chị đại diện bắt gặp, cho rằng ông là Sasaeng fan có ý định quấy rối, đã thế lúc ấy tiếng chuông điện thoại của ông còn vang lên ca khúc chủ đề của tôi.

Thằng nhóc cạnh nhà tôi – lớp 2 chưa biết ghép vần, đến tận bây giờ chưa phát âm chuẩn năm nguyên âm – lái con xe McLaren màu lam đi ngang qua, trên ghế phó lái có một cô gái tóc xinh đẹp để tóc xoăn sóng lọn to. Lần trước tôi trông thấy con xe vẫn còn là màu đỏ.

Tôi vừa vào cửa đã nghe thấy tiếng báo ù bài náo nhiệt, mẹ tôi một tay xoa mạt chược, tay còn lại cầm cây tăm xiên dưa lưới ăn ngon lành.

"Con trai à, công ty của con có quản chuyện yêu đương không, nếu không quản thì tuổi này của con cũng kiếm bạn gái được rồi đấy." Mẹ quay qua nói với tôi.

"Quản đấy mẹ, không cho kiếm bạn gái đâu." Đột nhiên tôi muốn chơi xấu chọc bà: "Ngay cả bạn trai cũng không cho."

Tiếng mạt chược va vào nhau lập tức im bặt, mấy hàng xóm đang ngồi đấy đều kinh ngạc mở to mắt nhìn.

Mẹ tôi há hốc miệng định nói gì đó, nhưng nghĩ ngợi đôi chút lại thôi, bà khép môi nuốt nước bọt vài lần, đoạn quay người về tiếp tục xoa bài: "Tùy con, dù sao mẹ cũng chẳng quản nổi con nữa. Thằng con giả điên giả khùng ấy mà, xin lỗi mọi người nhé... Nào nào nào mau nhìn bài đi... Bính!"

Tôi nở nụ cười thân thiện, đưa tay vuốt ngược tóc ra sau, vừa đi lên tầng vừa huýt sáo bài hát mình sáng tác.

Buổi Concert tháng 5 diễn ra thành công rực rỡ, bảng đèn dưới sân khấu nối liền thành biển sao lấp lánh, tiếng nhạc heavy metal hòa cùng tiếng thét chói tai xuyên thủng chín tầng mây. Tôi đưa cho anh chàng nhà đối diện chiếc vé có vị trí chính giữa ngay sát sân khấu, vô số cái đầu lắc lư phía dưới khiến tôi không biết đâu là anh, nhưng tôi tin chắc rằng anh đã đến. Concert kéo dài gần bốn tiếng, ngọn đèn nóng rực như thiêu đốt, tôi vừa nhảy vừa đàn, cả người đã đầm đìa mồ hôi từ lâu nhưng không hề thấy mệt, mà cực kỳ sảng khoái.

Cuối buổi concert, tất cả đèn điện tắt ngúm, chỉ để lại duy nhất chùm sáng nho nhỏ chính giữa sân khấu. Tôi nâng tay ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi nhận lấy cây đàn guitar acoustic đã gắn bó với mình bao năm qua, ngồi trên ghế chân cao, hắng giọng.

"Từ rất lâu trước kia, có một người bạn từng nói muốn nghe tôi đàn guitar."

"Tôi rất muốn đàn cho anh nghe, nhưng lúc ấy tôi đàn chưa được tốt lắm, hát cũng rất tệ, chắc chắn không thể lọt vào mắt một người xuất sắc nhường ấy. Vậy nên tôi đã nói với anh rằng để lần sau có cơ hội sẽ đàn."

"Rốt cuộc bây giờ tôi cũng được đứng ở đây để bù đắp cho anh một bài, em hy vọng anh sẽ thích."

Tôi nhắm mắt lại, đưa tay gảy dây đàn.

...

Sau khi buổi concert kết thúc, tôi đi về phía phòng nghỉ, trên đường suýt thì bị hoa tươi và quà tặng đè bẹp.

Tôi dùng cùi chỏ mở cửa phòng đầy khó nhọc, bên trong không bật đèn, tôi ớ lên, đoạn đặt quà xuống định mò mẫm công tắc. Một bóng đen bất chợt xuất hiện, dịu dàng đè tôi lên cửa, vội vàng hôn môi tôi.

Tôi ngửi thấy mùi cồn iod thoang thoảng như có như không trong không khí.

...

Tôi vòng tay qua cổ anh, từ từ nhắm hai mắt, để mặc anh mút mát mơn trớn cánh môi tôi.

Sau nụ hôn dài, anh dè dặt thở hổn hển và nâng mặt tôi lên, cầm lòng không đặng hôn chụt cái nữa.

"Anh rất thích."

"Hả? Cái gì?"

"Anh rất thích, rất thích ca khúc em sáng tác và rất thích... em."

"Hồi đó em phải đàn cho anh nghe mới phải... Em không biết anh hâm mộ em đến nhường nào đâu."

Tôi vùi mặt vào lồng ngực anh cất tiếng cười: "Bác sĩ ơi, anh đừng có nói nữa, chân em đang đau lắm."

Anh vòng tay qua eo nhấc bổng tôi lên, sải bước đến sofa đặt tôi xuống: "Anh có mang cháo cho em, để trong bình giữ nhiệt đấy."

Tôi xoa xoa nắn nắn mặt anh: "Con nhà người ta đúng là chu đáo quá."

"Anh không phải là con nhà người ta." Anh sửa lời tôi: "Mà là của nhà em đấy chứ."

Tôi đang ăn như hổ đói thì người đại diện bước vào, bầu không khí bất chợt trở nên kì quặc, cô cảm giác hình như mình không nên xuất hiện ở đây thì phải, bèn quay người rời đi.

"Nghỉ ngơi mấy hôm," Anh đề nghị: "Rồi anh dẫn em đi Nhật xem lễ hội pháo hoa."

Hoa cỏ nơi sườn núi Osaka đua nhau khoe sắc thắm, giọt sương đêm nghịch ngợm làm ướt đôi guốc geta của tôi. Tôi xòe tay ra, luồn vào trong bụi cỏ bên đường, hương cỏ xanh tươi non quanh quẩn trên bàn tay. Anh ăn taiyaki, một bên quai hàm phồng lên nom có chút đáng yêu. Người người đi thành tốp năm tốp ba trên sườn núi tìm chỗ ngắm pháo hoa, ai ai cũng ngẩng đầu lên chờ mong nhìn trời đêm vô tận. Anh ăn xong bánh rồi quay sang, cái miệng đầy mùi đậu đỏ thơm ngọt lập tức hôn chóc lên môi tôi, tôi giữ lấy cổ tay, ý nhắc anh rằng lễ hội pháo hoa sắp bắt đầu rồi đấy.

Nhưng anh chẳng thèm đoái hoài, đè tôi lên thảm cỏ xanh mướt, cúi đầu hôn xuống.

Pháo hoa có đuôi kéo dài bung nở trên trời không, nổ thành đóa hoa ánh sáng ngập tràn màu sắc trên đầu chúng tôi.

Người Nhật xung quanh nhỏ giọng hoan hô, vỗ tay khen ngợi, anh quyến luyến rời môi đi, nhẹ nhàng hôn lên khóe mắt tôi.

Dường như từ bé đến giờ, tôi chưa từng thấy nhiều pháo hoa đến vậy, tôi nín thở, ngạc nhiên nhìn pháo khoa không ngừng nở rộ giữa không trung. Người Nhật đều thích đổ tiền vào mấy thứ lãng mạn như này, màu sắc và tiết tấu xuất hiện của pháo hoa đều được họ sắp xếp rất tỉ mỉ, vẽ ra khung cảnh lung linh xinh đẹp.

Tôi ngẩn người nhìn thoáng chốc, đến khi hoàn hồn thì thấy anh đang nhìn tôi không chớp mắt. Đóa hoa ánh sáng đua nhau nở rộ, chiếu sáng gương mặt anh, trái tim tôi bỗng rung động, rướn người tới gần thì thầm với anh.

"Lát nữa về còn một lễ hội bắn pháo hoa nữa... mà em muốn xem với anh."

Trong minshuku [1] lúc rạng sáng, con mèo cam của chủ nhà chạy tọt vào trong phòng của chúng tôi từ ngưỡng cửa sổ. Tôi nằm sấp trên vai anh thở dốc, anh nghiêng đầu hôn lên khóe mắt tôi từng cái từng cái một không dứt.

[1] Minshuku: Là nhà nghỉ theo phong cách truyền thống của Nhật do các gia đình làm chủ. Họ sẽ dành một phần nhà mình để cho thuê.

"Em nghĩ anh có thể thử vẽ rồi đăng thành nhiều kỳ xem sao. Hôm trước em thấy mấy bức tranh ở laptop của anh nhìn rất đẹp, chắc chắn sẽ có nhiều người thích lắm." Tôi xúi anh.

Anh lại chẳng nói lời nào, chuyển qua hôn lên ấn đường tôi.

Tôi vẫn không nản lòng thoái chí: "Coi như là vẽ cho em xem đi."

"Được, em muốn xem gì?"

"Có thể vẽ câu chuyện về một chú mèo chẳng hạn." Tôi chỉ chỉ con mèo cam mập ú của chủ nhà: "Dễ thương ghê."

"Được, hay là mình cũng nuôi một con?"

"Em thích mèo trắng, giống như anh vậy."

"Anh giống mèo ư? Anh thì lại thích màu đen hơn, có lần em quay MV đã mặc áo khoác màu ấy."

Hơi thở của tôi chợt ngừng lại, nếu như tôi nhớ không nhầm thì cảnh quay đầu tiên của tôi là ở một quán bar dưới lòng đất tại thành phố F, lúc đó đúng là mặc áo khoác màu đen in hình đầu hổ. Chuyện này có khi đa số fan của tôi cũng không biết, mà lúc đó không ghi hình hay ghi âm gì cả, xem ra chỉ có một khả năng duy nhất.

"Lúc ấy anh cũng có mặt ư?"

"Rất nhiều lần anh đều có mặt."

"Cái tên cuồng theo dõi này."

Anh lại nhào tới hôn tôi.

"Người ta nói nốt ruồi mọc ở đây là giọt nước mắt nhỏ xuống vì người yêu kiếp trước." Đầu lưỡi anh ướt át nóng bỏng liếm nhẹ nốt ruồi nơi khóe mắt tôi, không ngờ giọng điệu anh sặc mùi ghen tuông.

Tôi nheo mắt lại, khiến nốt ruồi lệ nho nhỏ ấy cũng hơi chuyển động theo, nhìn gương mặt đẹp như ngọc của anh một lượt từ trên xuống dưới hòng tìm kiếm. Tiếc rằng ngoại trừ việc rút ra được kết luận người này quá đẹp trai thì tôi chẳng tìm thấy cái nốt màu đen nào cả.

Tôi không cam lòng, cúi người mò mẫm tìm kiếm trên người đối phương, anh kéo chăn đắp lên nửa người tôi.

...

"Há! Tìm được rồi!" Tôi cầm tay trái của anh lắc lư. "Giải thích nghe xem?"

Phía trong ngón áp út của anh có một điểm đen tròn rất nhỏ.

"Hửm? Đấy có khi là dấu vết để lại của chiếc nhẫn mà người yêu kiếp trước đeo cho anh đấy."

"Em không cho phép!"

"Hửm?"

"Em mặc kệ, tóm lại em không cho phép!"

"Được được, không cho phép thì không phải thế..."

Tôi vùi mặt vào trong chăn mềm, giọng nói ồm ồm: "Nhẫn."

"Em muốn nhẫn, em muốn nhẫn, em muốn nhẫn..."

"Được."

Anh dễ dàng kéo tôi ra khỏi chăn, tôi thấy ánh sáng dịu dàng ngậm trong mắt anh.

Anh siết chặt ngón tay tôi, nghiêng người hôn lên cánh môi khép mở, chặn lọ dấm chua sắp sửa đổ ra của tôi.

"Mình xem bắn pháo hoa tiếp em nhé."

——-Toàn văn hoàn——

Tác giả có lời muốn nói: Tự ăn dấm chua của chính mình...

Đào siu nhìu xiềng: Hết thật rùi..