Toái Ngọc Đầu Châu

Chương 1: Tên này không được thuận mắt cho lắm




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Toái ngọc đầu châu

Tác giả: Bắc Nam

Chương 1: Tên này không được thuận mắt cho lắm

Khi Đinh Hán Bạch du học về thì vào đúng mùa hè, nhoáng cái đã một năm trôi qua.

Đường xá vào hè vắng người lại qua, hơi nóng và tiếng huyên náo đan xen, khiến người ta tâm phiền ý loạn. Được cái Cục Di sản văn hóa vẫn mát mẻ lắm, tòa nhà cũ màu tro lạnh ẩn mình dưới tán phong đằng tốt tươi, phần mặt tường gần như không thể nhìn tới, chỉ có thể bắt gặp từng hàng cửa sổ chia ô.

Máy điều hòa được bật từ sáng đến chiều, các đồng nghiệp nữ và đồng nghiệp lớn tuổi đều không chịu được gió lạnh, chỉ có mỗi một chàng trai tầm tuổi đôi mươi ngồi đối diện với đầu gió.

"Tiểu Đinh à, nghe nói cháu muốn đi công tác ở Phúc Kiến hả?" Tổ trưởng Thạch bỗng hỏi, "Nộp đơn xin chủ nhiệm Trương chưa?"

Tổ trưởng Thạch đã sắp về hưu, có tuổi nghề già nhất, hơn nữa rất có thể là do không có lòng cầu tiến, nếu không sẽ chẳng chỉ làm cái chức tổ trưởng với độ tuổi này đâu. Câu hỏi này của ông không phải vì tò mò, chỉ là muốn giết thời gian mười phút trước khi tan tầm mà thôi.

"Hôm kia đã nộp rồi ạ, đến giờ chủ nhiệm vẫn chưa đọc, chắc bị cận thị không chừng."

Người trả lời là Đinh Hán Bạch, một thanh niên mới tròn hai mươi, đi làm ở Cục Di sản văn hóa cũng được non nửa năm nay, thích đi muộn, nhưng chưa về sớm bao giờ. Kiếm chẳng bao nhiêu chứ tiêu pha thì nhiều, đệm lót ghế bằng gấm thêu chìm, ống đựng bút phải có vân trứng cá đều tăm tắp, tư thế quen thuộc là gập chân dài, thu liễm mặt mày, nghĩ xem tan làm đi giải khuây ở đâu.

Tổ trưởng Thạch biết Đinh Hán Bạch và chủ nhiệm Trương không được hợp nhau lắm, bèn nói: "Phúc Kiến xa như thế, không đi được thì thôi."

Đinh Hán Bạch vuốt cằm nhận lời an ủi, không tỏ ý kiến nữa. Hắn muốn đi, không phải do yêu thương công việc gì cả, mà là Phúc Kiến có một hiện vật nổi trên biển, hắn cảm thấy rất hứng thú, chỉ đơn thuần là muốn thỏa mãn lòng riêng mà thôi.

Thời gian tan tầm vừa điểm, Đinh Hán Bạch xách túi chạy lấy người, cưỡi chiếc xe đạp sườn ngang cỡ lớn, không nóng vội cũng chẳng hoảng loạn, chầm chậm thong thả về nhà. Mùa hè ngày dài, ngày nào về đến nhà cũng chưa tới giờ cơm, còn phải nghe mẹ càm ràm suốt, chi bằng giết thời gian trên phố xá tấp nập còn hơn.

Đạp được nửa đường thì hắn bẻ tay lái, rẽ vào đại lộ Nghênh Xuân rồi tăng tốc, làn gió thổi áo sơ mi bay phấp phới, khi lái qua một tiệm cơm lâu đời trong thành phố mới thắng xe lại. Đinh Hán Bạch xuống xe mua một suất cánh gà chiên bơ, treo lên tay lái, lúc rời đi thì chậm rãi ngoái đầu nhìn thoáng qua "Ngọc Tiêu Ký" đối diện.

Cửa hiệu chạm khắc ngọc lâu đời nổi danh nhất thành phố, ngày nào trước cửa cũng có thể giăng lưới bắt chim, mà không chỉ có một cửa hàng thôi đâu, tổng cộng có những ba cái.

Đinh Hán Bạch hít mùi cánh gà đạp xe về nhà, khi đạp đến phố Sát Nhi thì bắt gặp một bóng dáng. Bóng dáng ấy thanh lệ và yểu điệu, mái tóc dài phủ xương hồ điệp, vai ngang chân thẳng, chiếc váy dài màu trắng điểm thêm chút mát mẻ cho ngày hè chói chang này.

Đinh Hán Bạch dồn sức nhấn chuông xe, xông thẳng đến phía sau người ta như đòi mạng, í ới gọi: "Con gái nhà ai mà bắt mắt vậy ta?"

Đối phương quay đầu lại, giả vờ đánh hắn: "Suốt ngày xấc xược, dì mách mẹ cháu đó."

"Ố ồ, thì ra là dì nhỏ đấy à." Thú vui lớn nhất trong đời của Đinh Hán Bạch đó là ghẹo người bên nhà ngoại của mẹ hắn, ví dụ như người con gái mà ông bà ngoại đã luống tuổi rồi còn sinh ra này đây – dì nhỏ chỉ hơn hắn có ba tuổi đã được nhà bọn họ nhận nuôi chăm sóc cho, giống như chị gái hắn vậy.

Khương Thải Vi nhấc chân rảo bước qua thềm cổng lớn, xách túi đồ giúp hắn, đoạn hỏi: "Lại la cà đi mua đồ ăn, buôn bán trong cửa hàng sao rồi?"

Đinh Hán Bạch dắt xe đạp vào viện: "Thì vẫn vậy, cháu chỉ liếc qua một cái thôi."

Nhà họ Đinh bọn họ có tay nghề cổ truyền, chạm ngọc khắc đá, là kĩ thuật độc nhất vô nhị trong thành phố. Ngọc Tiêu Ký đã mở được mấy đời, vào thời kỳ đặc thù(*) đã từng đóng cửa, qua bao lần phát triển còn giữ lại ba cửa hàng, năm đó tổ tiên định ra quy củ, dựa vào tay nghề để ăn cổ phần, nói toẹt ra là ai cừ khôi người đó làm lão đại, nguyên do là để tay nghề chỉ có thể tiến mà không thụt lùi.

(*Thời kỳ đặc thù - 特殊时期 – Theo như mình tra được thì hình như có liên quan đến thời kỳ nạn đói hoành hành ở Trung Quốc trong 3 năm từ 1958-1961.)

Hiện nay, người giỏi giang nhất là bố của Đinh Hán Bạch – Đinh Duyên Thọ, chú hắn Đinh Hậu Khang thì yếu hơn một chút.

Đinh Hán Bạch là con trai trưởng và cháu đích tôn, thuở còn chưa học được cách đi cách đứng đã nằm trên đầu gối bố cầm dao, thiên phú tăng lên cùng với chiều cao của hắn, chiều cao đã dừng, nhưng vẫn cao ngất ngưởng không gù lưng, thiên phú đạt đến đỉnh, cũng hoàn toàn quên sạch hai chữ "Khiêm tốn" viết như thế nào. Hơn nữa, Đinh Hán Bạch chọn ra nước ngoài du học vào cái tuổi ngông nghênh không trị được nhất, kết quả kiến thức không học bao nhiêu, chứ tiền thì phí hết một khoản to sù sụ.

Hắn cởi cúc áo sơ mi bước vào nhà, trong phòng toàn là chứng cứ cho cái tội tiêu xài phung phí của hắn, đĩa sứ men trắng đựng kẹo Bát Bảo, lư hương bát quái song long nhĩ điểm nước hoa, trên tủ đầu giường còn có một cặp tranh vẽ người khung lụa đồng mạ vàng.

(*Lư hương này thuộc dạng lư hương có hai tai hình rồng, nắp hình bát quái.)

Thay đồ xong đi rửa mặt, Đinh Hán Bạch ra phòng khách chính ở tiền viện để ăn cơm, tổ tiên nhà bọn họ cực kỳ xa hoa, đại trạch đại viện, phòng nào cũng bày hàng đống đồ trang trí đá quý linh đinh lang đang, Viên đại đầu quăng chơi chơi, hũ đựng dầu muối tương dấm đều là Tử Liêu khắc rồng chạm phượng.

(*Tử Liêu là một loại đá cuội được hình thành tự nhiên ở giữa sông có hình dạng ngọc, bên ngoài có lớp màng hạt. Qua quá trình phong hóa trường kỳ của thiên nhiên mà tách ra thành các mảnh lớn và nhỏ khác nhau, lăn xuống từ sườn núi, qua một cơn mưa chảy vào giữa sông. Đợi đến khi thu đến sông cạn, miếng đá cuội nhặt được ở lòng sông được xưng là Tử Liêu.

*Viên đại đầu: là một loại tiền được lưu hành chủ yếu vào thời Dân quốc.)

Hiện giờ người ta toàn sống trong chung cư hoặc biệt thự, nhưng người nhà họ Đinh vẫn quần cư như trước, ở trong ba tòa viện. Bố mẹ Đinh Hán Bạch và dì nhỏ ở tiền viện, cả nhà chú hắn ở Đông viện, viện nhỏ ở phương khác là nơi Đinh Hán Bạch ở. Hơn nữa người nhà họ Đinh rất biết cách giày vò, nóng máu lên thì đập tường, bình tĩnh rồi thì xây cổng vòm, trồng cây trồng hoa, chỉ hận không thể rường cột chạm trổ.

Nhưng đáy lòng Đinh Hán Bạch chẳng để tâm, viện có to hơn đẹp hơn thì cũng không được như mấy đời trước, càng xây đi xây lại càng mất mặt, giống như không thể đối mặt với xu hướng hiện tại, ý đồ dựng xây thành vẻ huy hoàng khi xưa, nhưng thật ra đều là lừa mình dối người.

Hắn muốn thay đổi, đồng thời còn thừa hiểu rằng đi làm ở Cục Di sản văn hóa là vô dụng.

Đèn phòng khách sáng trưng, trên bàn tròn lớn đã bày bốn món lạnh ba món nóng, ấy vậy mà phòng bếp vẫn đang tiếp tục làm. Đinh Hậu Khang ngồi uống rượu đế, mỗi ngày một chén nhỏ, dạo này trời nóng nên chỉ uống nửa chén.

Đinh Hán Bạch ung dung bước đến cửa bếp, hít hà mũi, đoạn hỏi: "Mẹ à, cánh gà chiên bơ của con đâu?"

"Hấp lại rồi thì phải, dì không để ý." Khương Thải Vi cười hả hê mở nắp nồi ra, gắp sáu cái cánh gà đã nhão nhoẹt ra ngoài, "Kiếm được tí tiền lương này còn chưa đủ ăn một bữa ngon, nhà hàng quốc tế, Truy Phượng Lâu ấy, chứ cơm Tây Peter gì đó, toàn lấy đắt thôi."

(*Ý chỉ Peter"s Tex-Mex Grill, một nhà hàng tại Bắc Kinh.)

Đinh Hán Bạch nhận lấy, phiền cái sự càm ràm của đôi chị em này muốn chết, sau khi hắn tròn mười tám thì ước muốn vào sinh nhật hàng năm đều giống nhau, đó là hi vọng Khương Thải Vi sẽ gả đi sớm.

Một bàn cơm tối đã bày biện xong xuôi, người hai nhà bắt đầu ăn. Ba người nhà Đinh Hậu Khang, hai đứa con trai Đinh Nhĩ Hòa và Đinh Khả Dũ đều là anh em họ của Đinh Hán Bạch. Đinh Hán Bạch là con một, thường hay chọc tức Đinh Duyên Thọ ngủ không yên giấc.

"Đúng rồi, bác cả đã định đi sáu ngày cơ mà?"

Ghế chủ trống không, Đinh Duyên Thọ đi Dương Châu phúng viếng người bạn tốt đã quá cố Kỷ Phương Hứa, nhưng dù có túc trực bên linh cữu ba ngày thì cũng nên về rồi chứ. Đinh Hán Bạch gặm cánh gà cười khì, đoạn đáp: "Chắc chắn thầy Kỷ đã an táng xong xuôi rồi, không chừng bố anh đang bắt đầu du ngoạn ở Dương Châu cũng nên."

Khương Sấu Liễu dùng mắt đe dọa hắn: "Du cái gì mà ngoạn, tang sự xong rồi thì phải an ủi người nhà đã, xem xem nhà Phương Hứa có việc gì cần thu xếp giúp không."

Đinh Hán Bạch bèn nói: "Có thể có việc gì cơ chứ, người ta sống ở Dương Châu không có họ hàng anh em bạn bè gì à? Chưa kể, với cái tuổi của thầy Kỷ mà không có con cái hay sao, vậy cũng phải có đồ đệ chứ, đồ đệ làm ăn kiểu gì thế không biết? Lúc còn sống thì học nghệ hầu hạ, chết rồi thì săn sóc người thân, trừ phi là loại đồ đệ vô lương tâm."

Khương Sấu Liễu không nói lại được hắn, bèn xới cơm đầy ụ để lấp cái miệng hắn lại.

Buổi tối hơi mát mẻ hơn chút ít, Đinh Hán Bạch quét tước trong phòng cơ khí, đó giờ hắn toàn bỏ bê việc nhà, ghế đổ thì lách mà đi, tuyệt nhiên chẳng hề nhấc ngón tay quý giá lấy một cái. Nhưng phòng cơ khí là một ngoại lệ, xưa nay hắn không cho ai động vào, đích thân lau dọn, bình thường toàn khóa cửa sổ, giấu chìa khóa đi.

Lúc nào Khương Thải Vi cũng trêu, nói trong đó cất vật liệu ngon nghẻ mười mấy vạn, Đinh Khả Dũ từng tò mò lẻn vào một lần, chỉ muốn nhìn cho thỏa mắt mà thôi, kết quả là bị Đinh Hán Bạch đạp một cú vào trong ao đằng trước tường bình phong, ngay "sổ cửu hàn thiên" nên ốm gần một tháng trời.

(*Sổ cửu hàn thiên là quãng thời gian kéo dài chín chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài chín ngày rét.)

Đêm trăng ngày hè, ánh trăng trong viện nhu hòa và sáng tỏ, Đinh Hán Bạch mướt rượt mồ hôi đi ra khỏi phòng cơ khí, tay trái cầm đĩa gỗ trắc, bên trong đựng mấy quả vải ướp lạnh. Hắn tắm xong ngồi xuống ghế mây, dựa theo ánh trăng và đèn nhỏ bắt đầu khắc. Một con dao nhỏ bé nhất, chạy dọc theo đường vân củ cải(*) tinh mịn, đã hạ dao xuống là không quay đầu lại, đây là một công việc không chấp nhận bất cứ một sai sót nào dù chỉ bé bằng que tăm.

(*Vân củ cải là đường vân có hình dạng như xơ củ cải khi được nấu chín, là kết cấu đặc biệt của ngọc Hòa Điền – một loại ngọc nổi tiếng ở vùng Tân Cương.)

Đinh Hán Bạch khắc một bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng bàn tay, còn chưa chi tiết hóa thì đã buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài ngắm trăng, hơi tự giễu mà nghĩ rằng: Gấp làm gì, thể nào khắc xong cũng chưa chắc đã bán cơ mà.

Thế là dứt khoát về phòng ngủ.

Bình thường Cục Di sản văn hóa không có việc gì cho lắm, Đinh Hán Bạch đi làm sớm, vừa kịp đi đón tiếp phó viện trưởng viện bảo tàng thành phố, bàn về tình tình chuẩn bị một số hiện vật triển lãm mới nhất, nhân thể xác định thời gian Cục Di sản văn hóa xuống kiểm tra.

Đợi lãnh đạo viện bảo tàng vừa đi thì Trương Dần đến, Đinh Hán Bạch bật dậy một cách xởi lởi ngay: "Chủ nhiệm Trương à, chất liệu cái áo sơ mi này của anh không tệ đâu."

Trương Dần cười gượng: "Cả tuần này tôi toàn mặc cái áo này mà."

Đinh Hán Bạch không giữ lời hay quá một câu: "Dù gì anh cũng là người ngồi văn phòng mà, sao lại xuề xòa thế."

Hắn theo gót đối phương vào văn phòng chủ nhiệm. Trương Dần ngồi xuống, hắn cũng ngồi phía đối diện bàn làm việc, tỏ rõ là có lời muốn nói, có việc muốn nhờ. Trương Dần đẩy tách trà ra phía trước, tư thế cũng rất ung dung. Gã tính rồi, thằng nhóc trẻ tuổi nhất cả cái văn phòng này là Đinh Hán Bạch vẫn chưa châm trà cho gã bao giờ đâu.

Đinh Hán Bạch có tiền và dễ cáu kỉnh, nào có cái năng lực xu nịnh người khác, ánh nhìn chuyển từ đáy tách đến miệng tách, chậc chậc cảm thán: "Hàng trên kệ trung tâm thương mại, tệ lắm. Anh đến cửa hàng nhà chúng tôi mà chọn một cái, tôi đưa cho."

(*Từ gốc ở đây là 百货大楼 – theo baidu là department store. Tại Việt Nam, mình chưa có từ riêng để gọi và phân biệt với trung tâm thương mại, dù vẫn khác nhau về cách thức hoạt động và hình thức quản lý.)

Trương Dần tức quá chừng, đã không châm trà thì thôi, còn gai mắt đồ của mình nữa. Gã dựa vào lưng ghế rồi banh mặt, đoạn hỏi: "Cậu có chuyện gì?"

Đinh Hán Bạch giơ tập tài liệu đặt góc bàn lên, rút tờ giấy dưới cùng ra: "Hôm thứ hai tôi nộp đơn xin đi công tác rồi, hôm nay đã là thứ sáu."

"Thứ sáu thì sao?" Trương Dần không nhận, hai khuỷu tay chống lên tay vịn, mười ngón tay đan vào nhau, "Không duyệt, tôi đưa lão Thạch đi."

Đinh Hán Bạch cầm tờ đơn kia: "Tổ trưởng Thạch đã ngoài năm mươi, anh bắt một ông già phải đi một chuyến à? Với cả, lần này đi là để xem mấy cái hiện vật đó, tôi hiểu cái này, giúp ích nhất."

Một bên khóe miệng Trương Dần nhếch lên: "Hiểu hay không chỉ bằng cậu nói thì không tính, cậu bớt vờ vịt trước mặt tôi đi, dù có phí công phí sức đến đâu(*) thì nhà cậu cũng chỉ là một tiệm khắc đá thôi, vậy mà còn thật sự xem mình là người trong giới nữa cơ."

(*你少在我跟前装一把,翻过大天去,你家也就是个刻石头的,真把自己当圈里人了 – Câu gốc là đây. Cụm này 翻过大天去 là mình khó hiểu nhất nên đã inbox hỏi một chị người Trung thì chị bảo nó khá là trừu tượng, nhưng khi xét với ngữ cảnh câu thì mang nghĩa: Dù nhà cậu có phí công lớn chừng nào đi chăng nữa/Dù nhà cậu có lợi hại đến đâu thì cũng chỉ là một tiệm khắc đá mà thôi. Tuy nhiên, nếu ai có cách hiểu khác thì mình cũng xin được lắng nghe.)

Lúc này, các đồng nghiệp khác đã lục tục đến, đều không khỏi liếc một cái vào văn phòng, người có lòng thì lo Đinh Hán Bạch sẽ chuốc họa vào người, kẻ thờ ơ thì chỉ muốn hóng hớt. Đinh Hán Bạch không phụ lòng mong đợi của mọi người, thỏa mãn cả hai tâm trạng của quần chúng vây xem, ung dung trả lời: "Có tính không thì tôi đã nói rồi đấy, tôi hiểu hay không, chí ít cũng hiểu hơn chủ nhiệm là anh. Nhà chúng tôi cũng không cần phí sức đến mức đó, dù chỉ còn lại mỗi một cửa hàng, Ngọc Tiêu Ký vẫn xuất sắc trong cái giới này."

"Khắc đá ư? Một viên đá Đinh Hán Bạch tôi khắc xấu tệ anh cũng không mua nổi đâu." Đinh Hán Bạch dựa người vào lưng ghế, thảnh thơi như lúc ngồi ghế mây trong viện, "Mà anh buồn cười nhỉ, chẳng nhẽ làm chủ nhiệm của Cục Di sản văn hóa nên tự xem mình là chuyên gia luôn đấy à, bước khỏi văn phòng này rồi thì ai cóc thèm quan tâm đến anh nữa."

Đinh Hán Bạch nói vài câu chọc điên Trương Dần, dáng vẻ khiêm tốn nhún nhường ban sáng đã mất tăm gần như không còn từ lâu. Hắn đây chuyện khác còn dễ nói được, chỉ duy không chấp nhận người ta xúc phạm đến địa vị tay nghề của nhà họ Đinh. Người có học thức vừa sâu cay vừa cao ngạo, kẻ có bản lĩnh cao như hắn không chỉ ngạo mạn, mà còn rất ngông nữa kìa.

Trương Dần ôm cục tức, ngại thân phận của mình nên không tiện phát cáu. Gã đã chướng mắt Đinh Hán Bạch từ lâu, hơn nửa năm nay đã cà khịa không ít lần, nhưng đây vẫn là lần đầu tiên đấu nhau công khai như vậy.

Đinh Hán Bạch biết tỏng trong lòng, một cái lọ đựng bút của hắn bằng tiền lương ba năm của Trương Dần, cục trưởng gặp hắn sẽ hỏi thăm xem Ngọc Tiêu Ký có đồ mới nào không, thực ra vốn cũng chẳng có gì, nhưng Trương Dần vừa nhỏ nhen vừa hám tiền, tất sẽ có gì đó.

Quan trọng nhất là, Trương Dần và hắn đều cảm thấy hứng thú với đồ cổ, mà giới đồ cổ không thiếu người có tầm nhìn, kẻ kiến thức nừa vời sẽ kinh thường ma mới, người thạo nghề thì càng không ai phục ai.

Chửi cho đã tức xong, Đinh Hán Bạch thong dong đứng dậy, lúc đến cửa thì dừng lại: "Xin đi công tác thì không duyệt, vậy xin nghỉ có duyệt không?"

Trương Dần chẳng muốn thấy hắn nữa: "Mau cút xéo đi cho tôi!"

Đinh Hán Bạch rời đi, giờ mà về nhà chắc đét là sẽ bị Khương Sấu Liễu cằn nhằn, bèn thẳng thừng cưỡi xe đến chợ vật liệu. Chợ vật liệu đã bắt đầu tấp nập hơn từ thứ năm, đa số đến chọn hàng, chọn kỹ lựa khéo, nhưng đều là người mua cả.

Trước mỗi một quầy hàng đá quý đều có người mua mặc cả, Đinh Hán Bạch không mang nhiều tiền đến thế, dạo một vòng xong thì vào một tiệm đồ gỗ. Hắn muốn chọn một tấm gỗ Tử Đàn, chủ tiệm thấy hắn vừa trẻ vừa ăn mặc sạch sẽ, không giống người đến nghịch hàng, bèn không để ý đến hắn nữa.

"Ông chủ, đây là gỗ Tử Đàn phải không?" Một chị gái đứng trước quầy hỏi.

Ông chủ đáp: "Tử Đàn đỏ lá nhỏ hàng thật giá thật đó, cô nhìn đường vân này mà xem, tôi lấy bản mẫu có kim tuyến nhé, để cô nhìn được sao vàng luôn."

(*Gỗ Tử Đàn có sao sáng là loại có giá trị nhất trong tất cả các loại gỗ Tử Đàn. Các đốm li ti như những ngôi sao kết tinh trên gỗ. Sau khi đánh bóng, gỗ sẽ tỏa sáng như lụa trong ánh sáng mặt trời, trong khi màu sắc của nó vẫn màu thanh lịch là màu đỏ đậm đỏ sẫm. Sợi kim tuyến vàng trên hạt gỗ tiểu diệp Tử Đàn là biểu tượng sự thịnh vượng tài lộc, kim xa chi vàng được ví như mao mạch hút linh khí trời đất giúp điều tiết khí an thần giúp tâm tĩnh lặng hơn.)

Chị gái hiểu chút chút: "Bây giờ rất nhiều Tử Đàn đỏ lá nhỏ là giả hết cả, lòng cháu không chắc lắm."

"Bản tiệm đây đảm bảo là thật, còn thật hơn cả Ngọc Tiêu Ký nữa." Ông chủ lật bản mẫu, "Này cô gái, cháu chọn vật liệu làm hạt châu hay gì? Bây giờ đang thịnh hành lấy Tử Đàn đỏ lá nhỏ để làm hạt làm vòng đó."

Chị gái tức khắc quên béng mất chuyện thật giả luôn: "Cháu muốn cầm đến Ngọc Tiêu Ký để làm hạt châu thôi, thành phẩm đắt quá, cháu tự mua nguyên liệu thì rẻ hơn chút."

Đinh Hán Bạch vốn định yên tĩnh tự ngắm đồ, nào ngờ đối phương cứ chọc vào dây thần kinh của hắn, hắn bèn dựa vào quầy, đút túi nghe một cách quang minh chính đại. Ông chủ nói: "Thì dĩ nhiên rồi, vật liệu ở chỗ tôi đây tốt hơn cả Ngọc Tiêu Ký nữa đó, nói thật nhé, mấy cái đồ đắt đỏ ở Ngọc Tiêu Ký ấy, ai biết là thật hay giả đâu."

Đinh Hán Bạch hờ hững xen vào một câu: "Còn tốt hơn cái kiểu dùng gỗ Huyết Đàn giả thành Tử Đàn Đỏ lá nhỏ để lũng loạn thị trường như ông đó."

(*Gỗ Huyết Đàn hay còn được gọi là gỗ Tử Đàn màu máu gà, là một loại gỗ có màu như tên, sau khi chặt thì bị ô-xi hóa biến thành màu đỏ sậm rất giống Tử Đàn Đỏ lá nhỏ. Vì chi phí thấp hơn Tử Đàn Đỏ lá nhỏ nên thường được dùng để làm giả Tử Đàn Đỏ lá nhỏ.)

Hắn nói với chị gái: "Mã não ở Ngọc Tiêu Ký chính là mã não, Tử Đàn chính là Tử Đàn, chị đi khắp một vòng quanh Thái Bình Dương để giám định cũng chẳng sai đi đâu được, với cả tuy đắt đỏ, nhưng nhìn giá thị trường mà xem, chắc chắn vòng Tử Đàn sẽ có giá cao ngất ngưởng, trái lại chị còn mua hời nữa chứ."

Đinh Hán Bạch dứt lời thì đi luôn, mất hút trước khi ông chủ kịp nổi đóa.

Thật ra Ngọc Tiêu Ký đúng là giỏi thật, nếu không những kẻ đó đã chẳng dìm để nâng bi mình lên, nhưng tại sao lại từ ai ai cũng tâng bốc biến thành ai nấy đều gièm pha vậy? Suy cho cùng vẫn là do buôn bán không được phát đạt, số cửa hàng dần bớt, danh tiếng tích góp từng tí một gần trăm năm, chỉ tốn mất một năm rưỡi để suy sút.

Nhưng điều khiến Đinh Hán Bạch không phục chính là, Ngọc Tiêu Ký sa sút không phải vì sản phẩm kém, mà là bởi những năm gần đây cái giới này đã phát triển nhanh chóng, người vào giới nhiều hơn, vật liệu không đủ phẩm chất để đặt lên quầy hàng cũng nhiều thêm, mà phàm là nhiều tất sẽ có hàng nhái, song Ngọc Tiêu Ký không chịu giảm tiêu chuẩn hàng hóa, thành thử uyên thâm quá chỉ ít người mới hiểu được.

Hắn không hào hứng gì nữa, chọn một tấm gỗ nguyên liệu rồi dẹp đường hồi phủ.

Đó giờ cuối tuần rất náo nhiệt, mấy anh em đều có mặt, em họ nhà cậu của Đinh Hán Bạch là Khương Đình Ân cũng đến, toàn là mấy thằng nhóc mười bảy mười tám tuổi, thích chạy theo xu thế và chơi thứ mới mẻ, nhưng nghe thấy hôm nay Đinh Duyên Thọ xuống máy bay, đành phải nhịn ở nhà vờ cặm cụi học hành.

Đinh Hán Bạch ngồi trước bàn học khắc chữ, từng tầng giấy Tuyên Thành được đặt dưới miếng gỗ đã cắt, hắn dùng bút lông để viết chữ, sau đó toan xuống dao. Ba anh em vây quanh ở hai bên, che hết ánh sáng, hắn bực dọc ngẩng đầu lên: "Bây xem khỉ trong vườn thú đấy à?"

Đinh Nhĩ Hòa cùng tuổi với hắn, giục giã: "Đừng kì kèo nữa, khỉ xem anh được chưa?"

Đinh Hán Bạch xuống dao, góc cổ tay không đổi, ngón tay vận lực chuyển lực, ngang gập phẩy mác một cách lưu loát, chấm là chấm, móc là móc, nét chữ sâu và nặng, tốc độ vững vàng, khắc xong ba chữ thì trực tiếp thổi vụn gỗ, bay hết vào mặt ba người kia.

(*Ngang, gập, phẩy, mác, chấm, móc là các nét cơ bản trong tiếng Trung.)

Khương Đình Ân mất hứng than: "Anh cả à, anh cứ làm lẹ thế bọn em không học được đâu."

Đinh Hán Bạch thoáng nhìn dưa hấu trên bàn nhỏ: "Cậu vào bếp bưng một đĩa đá lạnh ra đây, anh muốn ướp đá miếng dưa này."

Khương Đình Ân chạy ra ngoài, Đinh Khả Dũ cầm gỗ lên một cách tỉ mỉ: ""Ngũ Vân", anh cả à, nguyên danh này của anh như trò đùa ấy, không ngờ anh còn lưu luyến nó cơ."

(*Nguyên danh: Tên ban đầu.)

Ngón tay Đinh Hán Bạch đang kẹp dao, không đợi đá nữa, bèn đứng dậy bưng dưa hấu mà đi, ra khỏi phòng rồi thì ngồi ngay hành lang để ăn, ăn dưa xong thì khắc mây lên vỏ dưa. Hắn vốn tên là Đinh Ngũ Vân, sinh ngày mồng năm tháng năm, chữ Vân ngụ ý là cát tường như ý, nhưng từ khi thiên phú điêu khắc của hắn được bộc lộ, bố hắn đã đổi cho hắn cái tên "Hán Bạch" này, vẫn cứ gọi vậy suốt, mãi đến khi lên cấp hai làm hồ sơ mới sửa lại hoàn toàn.

Dù là đồ cổ hay điêu khắc, ngọc vẫn là thứ đắt hàng nhất và cao cấp nhất. Đinh Duyên Thọ khiêm tốn suốt cả đời người, nay bao kiêu căng trút xuống hết người đứa con trai này của ông.

Đinh Khả Dũ và Đinh Nhĩ Hòa ra khỏi phòng, Đinh Nhĩ Hòa cố tình nói: "Hán Bạch à, đang đợi anh dạy bọn em khắc chữ ấy, nhanh lên đi."

Đinh Hán Bạch ăn dưa xong nên tâm trạng không tệ, ném dao hùa theo: "Cái tên chó má gì thế này!"

Mấy sư huynh đệ đều bị Đinh Duyên Thọ đặt lại tên hết cả, nhưng chỉ nói suông thế thôi, nói phát là quên, chỉ có Đinh Hán Bạch là chính thức nhất. Thực ra Đinh Hán Bạch cũng đã chấp nhận rồi, điều không thoải mái duy nhất là ngọc rất dễ vỡ.

(* Hán Bạch Ngọc hay còn được hiểu là đá Hán Bạch Ngọc, đá cẩm thạch trắng.)

Cười cợt mấy câu, Khương Đình Ân tìm mấy viên đá lạnh cuối cùng cũng đã chạy về, nhưng tay không nói: "Sư phụ về rồi! Còn mang một người về nữa!"

Tham gia tang sự đã đủ không vui vẻ gì rồi, còn mang một người về nữa? Mang gì cơ? Đinh Hán Bạch chửi một câu, Khương Đình Ân ấm ức đứng bên cạnh chậu trúc Phú Quý: "Thật đó, đang ở ngay tiền thính ấy!"

Đinh Hán Bạch sải đôi chân dài bước xuống bậc thềm, chạy ra khỏi tiểu viện để đến tiền viện xem. Phòng khách chính mở cửa, tấm thảm dày trông có vẻ oi ức vào mùa hè, nhưng đồ trang trí bạch ngọc mới đổi lại tản ra sự mát mẻ.

Đinh Duyên Thọ đang trò chuyện với Khương Sấu Liễu, không chú ý thằng con trai đang chạy vào. Đinh Hán Bạch cũng không gọi ông, vừa liếc mắt đã bắt gặp một cậu bé đang đứng ngay giữa phòng khách.

Cậu nhóc ấy cũng đang quan sát hắn, ánh nhìn sợ sệt.

Đinh Hán Bạch đau đầu, sao mang về một người thật rồi? Người trong nhà họ Đinh đã quá đông đúc rồi, bố hắn còn xách một người về từ Dương Châu nữa, tên Nam Man vào viện phương Bắc, không hợp nhau tí nào.

(*Nam Man: nghĩa là "người man rợ phương Nam" - là từ miệt thị trong lịch sử Trung Quốc để chỉ các bộ lạc nổi dậy phía Tây Nam của Trung Quốc.)

Hắn bước đến trước mặt người ta, hỏi: "Cậu là?"

Cuối cùng Đinh Duyên Thọ cũng ngẩng đầu lên: "Đây là đồ đệ của thầy Kỷ, sau này sẽ đến sống ở nhà chúng ta, cái tính cục cằn ngang ngược đều thu hết lại cho bố, đừng để bố bắt gặp mày đang bắt nạt người ta đó."

Đinh Hán Bạch mặt không đổi sắc: "Cậu tên gì?"

Cậu nhóc khiến hắn nhìn không rời mắt: "Kỷ Thận Ngữ, Thận Ngữ trong cẩn ngôn thận ngữ."

Đang yên đang lành lại có người ngoài đến, nhận làm đồ đệ hay con trai đây? Mấy anh em đều tự suy đoán, nhưng không dám lộ vẻ không hài lòng trước mặt Đinh Duyên Thọ. Đinh Hán Bạch hiểu cách gây sự nhất, nói toẹt ra là tên người ta khó nghe, rồi sau đó lại hỏi: "Bố, bố nhận nó làm đồ đệ à?"

Đinh Duyên Thọ gật đầu: "Đúng vậy, sau này Thận Ngữ sẽ xếp thứ năm, là sư đệ của mấy đứa."

Kỷ Thận Ngữ lưỡng lự không biết nên gọi một tiếng "Sư ca" hay không.

Nào ngờ Đinh Hán Bạch nhìn cậu: "Tiểu Kỷ này, làm đồ đệ đều đặt cái tên khác, vừa đầu anh đã thấy hai má trắng trẻo sáng loáng đó của cậu, thế cứ gọi là... Kỷ Trân Châu nhé?"

(*Trân Châu còn có nghĩa là ngọc trai.)

Kỷ Thận Ngữ vừa mất ân sư, lại mới nhận sư phụ mới, cậu đứng trong căn phòng xa lạ, đối mặt với một đám người xa lạ, không phân biệt được rõ người ta đang vui hay đang ghét.

Ánh nắng hắt lên người, nụ cười của Đinh Hán Bạch ánh vào mắt, cậu gật đầu, đành nhận lời.

Tác giả: Thành viên trong gia đình khá là nhiều, nên sắp xếp giúp mọi người này – Duyên Thọ Sấu Liễu sinh ra Hán Bạch, chăm sóc cho Thải Vi nhận nuôi Thận Ngữ; chú hai Hậu Khang không góa vợ, Nhĩ Hòa và Khả Dũ ở với bố; nghỉ học Đình Ân sẽ thường đến chơi, hai người trên là em họ bên nội, còn cậu ta là em họ bên ngoại; chủ nhiệm Trương Dần nhỏ nhen, Phương Hứa sống trong lời văn. (Ngoài ra, câu chuyện này chắc là tầm ba mươi năm trước, không tiên tiến như bây giờ, những chuyện khác sẽ nói rõ sau. Chúc mọi người có một buổi tối vui vẻ.)

Editor: Sau khi đọc hàng loạt chú thích trong truyện lẫn các ảnh dưới đây, chắc mọi người cũng biết là một chương làm mất thời gian thế nào rồi nhờ. Cơ mà Dú vẫn sẽ cố gắng update, có thể không được cố định và nhanh nhưng vẫn mong là sẽ được mọi người ủng hộ uhu

*Chú thích:

1. Cửa sổ chia ô:



2. Vân trứng cá - Là các đường vân hình trứng cá kiểu như này:



3. Xe đạp sườn ngang:



4. Lư hương bát quái song long nhĩ:



5. Tử Liêu:



6. Tường bình phong:



7. Vân củ cải - Là cái vòng tròn to trong hình:



8. Cặp tranh vẽ người khung lụa đồng mạ vàng (Không giống hoàn toàn đâu, nhưng chắc đủ để mọi người mường tượng á, vì Dú không tải được mấy tấm vẽ người có khung về, đuôi file không đúng, không mở được.)



9. Vòng Tử Đàn đỏ lá nhỏ:



Vòng Tử Đàn sao vàng:



10. Gỗ Huyết Đàn:



Vòng làm từ gỗ Huyết Đàn (trên) và Tử Đàn đỏ lá nhỏ (dưới)