Tính tình ông nội không được tốt cho lắm, nhất là với ba ông rất rắn, từ lúc Tú Anh bắt đầu nhớ chuyện, cô đã chẳng mấy khi thấy ông cười, song ông thương cô lắm, đối xử với mẹ cũng rất tốt, vì lo ba không quan tâm đến gia đình nên rất hay sắm đồ cho hai mẹ con sau lưng ba.
Cô còn nhớ hồi bé cô lục lọi đồ ông thì mò được một cặp khuy măng séc hồng ngọc, hồi đó cô còn chẳng biết cái món đó gọi là gì nữa, cứ tưởng là khuyên tai mà đeo mãi không đeo nổi, thế là bèn cầm đi chơi với bạn, sau đó chơi hăng quá chẳng biết quẳng đi đâu mất, không dám về bảo ông mà khóc nhè chạy đi tìm ba mẹ trước.
Mẹ đánh cô một trận, bảo là đó là đồ rất quý, không phải của nhà Mạnh đâu, rồi mắng cô sau này không được lục lọi hòm đồ của ông nội nữa. Về sau cô mới biết ông tìm hơn nửa tháng trời ở nhà mà chẳng tìm được, cuối cùng đành phải bỏ cuộc.
Một thời gian dài cô không dám ghé nữa, vẫn là ông nội thấy cô không qua chơi nên mới cầm mấy quả hải đường qua cho cô ăn, lại còn mua cả váy với giày mới cho cô, bảo là Tú Anh lớn rồi, là thiếu nữ rồi, phải ăn mặc cho ra dáng.
Cô như con thỏ con cặp mắt hoe đỏ nhào vào lòng ông nội, ông xoa đầu cô, bảo, “Ngắm thử xem thích không, không thích thì đi mua cái khác.”
Cô lập tức nín khóc phá lên cười, đến cả mẹ thấy cũng phải cười cô.
Cô túm vạt áo ông, ăn quả hải đường ông mang qua rồi dung dăng dung dẻ về nhà ông.
Tú Anh cũng thích hải đường lắm, nhất là cái cây hải đường của ông nội, vào mùa xuân hoa hải đường đua nở tựa chốn bồng lai. Ông nội cắt được cả một giỏ hoa hải đường, không quản nhọc nhằn mang đến nghĩa trang. Cô đòi đi theo mà ông không cho, lần nào ông cũng đi đến tít muộn mới về. Đến khi về thì tâm trí lơ lửng ở đâu, người cứ ngây ngẩn, chẳng biết đang nghĩ gì nữa.
Hồi đó cô đọc một quyển truyện thiếu nhi bác cả tặng, trong đó có một truyện tên là Người vợ Vui vẻ, đọc một nửa thì cô thấy người vợ vui vẻ này chẳng vui vẻ tẹo nào, cô ngẩng đầu lên nhìn ông nội, cảm thấy ông cũng chẳng vui vẻ tẹo nào.
Hai kiểu không vui vẻ ấy đều khiến người ta phải xót xa, cô thấy mình như con chim én nhỏ, lòng đã nát tan.
Người tới lần này là một cụ bà tên là Dương Thu Tâm, cô nghe nói thuở xuân thì bà là một minh tinh lừng lẫy Thượng Hải, không khỏi lấy làm kinh ngạc, không ngờ ông nội còn quen được người như vậy nữa.
Ai dè vừa biết người từ Đài Loan tới là bà ấy, nghe cả những chuyện bà từng trải qua thì ông lại nhăn mặt lại, nom chẳng hề hứng khởi.
Tú Anh đi tiếp khách Đài Loan cùng ông, vốn đã thay ra quần áo mới, thế mà ông nội nhìn thấy lại nổi cơn trái tính, gõ gậy đánh cộc cái xuống đất bảo là không được thay, mặc quần áo bình thường vào!
Tú Anh chỉ còn nước đi thay, chẳng hiểu ông nội ý sao.
Rồi sau đó vừa thấy mặt cụ bà nọ, cô đã không khỏi ngỡ ngàng, có thể thấy hồi trẻ bà đích xác là một đại mỹ nhân, người bà đầy sức sống, bận một bộ sườn xám đắt tiền, chân đi giày cao gót, trang điểm thanh nhã, nhìn chẳng mảy may giống người sáu mươi bảy mươi tuổi.
Gặp bà, ông nội vừa không vui cũng vừa không hề khách sáo, “Tam gia bảo tôi cô đi làm du kích, anh ấy không biết cô sống chết ra sao nên tối ngày lo lắng cho cô mãi, hóa ra cô lại chạy sang Đài Loan cơ đấy.”
Bà Dương bị ngay câu đầu tiên của ông chặn họng, mãi lâu sau bà mới nở được một nụ cười gượng gạo. Hồi xưa bà bị quân ngụy bắt nên đã phản bội đầu hàng, sau khi Nhật Bản thua, bà lại gặp một người trong quân thống, trước giải phóng thì sang Đài Loan. Nói tới cùng thì những chuyện xưa ấy cũng chẳng vẻ vang gì cho cam.
Bà dè dặt hỏi, “Mấy năm nay anh khổ lắm ư?”
Ông nội ngoan cố, “Khổ tôi tôi chịu, phúc cô cô hưởng, chẳng liên quan gì đến nhau.”
Bà Dương không nén được cơn giận rành rành trên mặt, bà cười khẩy, “Ông chủ Mạnh ạ, tôi biết là anh chẳng ham gì gặp tôi, nhưng lần này tôi tới còn vì một lí do khác. Tôi được anh Hãn Văn dặn đến thăm Ngọc Thanh, anh biết rồi đấy, anh ấy không qua nổi…”
Nét mặt ông nội như đau mà cũng như mừng, ông tựa gốc đại thụ khô héo, chỉ cần một cơn cuồng phong ập tới là sẽ ngã quỵ.
Ông thì thào, “Được rồi, tôi sẽ dẫn cô đi.”
Hôm ấy sau khi từ Lư Loan về thì tiện đường tạt qua nghĩa trang liệt sĩ, thoạt tiên không ai hiểu ông định làm gì, sau đó lúc xe đỗ lại bên lề đường, bà Dương đương trông ra ngoài cửa sổ bỗng trắng bệch cả mặt, hoảng hốt nhìn ông, giọng run run, “Có phải Vĩnh Kinh, Vĩnh Kinh cũng đi rồi không?”
Ông đáp, “Ngọc Thanh có một tâm nguyện cả đời, anh ấy muốn dẫn cô đến mộ Triệu Vĩnh Kinh để dâng một nén hương. Triệu Vĩnh Kinh mất từ lâu rồi, cậu ấy bị Trì Ly Sơn chụp tội phản bội, bị xử bắn ngay mấy hôm sau.”
Bà Dương bắt đầu thở dốc, sống chết phản bác, “Anh nói dối! Ngọc Thanh đã bảo tôi là anh ấy đi Diên An rồi!”
Ai nấy trong xe đều im thin thít, ánh mắt né tránh, chỉ có mình ông nội nhìn bà, bình thản hỏi, “Cậu ta được chôn ở đây, cô có muốn đi thăm cậu ta không?”
Bà Dương bất thình lình rít lên đánh ông, “Mạnh Thanh, sao anh ác thế, tôi thừa biết anh ghét tôi, nhưng đã bao nhiêu năm rồi hả, Vĩnh Kinh làm gì sai mà anh lại nguyền rủa anh ấy chết!” Mọi người cuống cuồng kéo hai người ra, có người nháy mắt với ông nội ý bảo ông tránh đi.
Ánh mắt ông vẫn quật cường không suy suyển, ông xuống xe, chống gậy đi thẳng không quay đầu lại, Tú Anh vội vàng xuống xe theo ông, túm chặt lấy áo ông vì sợ đi lạc. Hai ông cháu đi mãi mới đến bến xe buýt, cả quãng đường cô chẳng dám ho he một lời nào với ông nội, cô cảm thấy hình như ông đang khóc, ý nghĩ ấy khiến cô bé sợ như thể trời đã sập.
Về sau không thấy bà Dương quay lại nữa. Mong ước nho nhỏ được làm ông nội vui lòng của cô lại rơi vào hư không.