Tọa Hoài Bất Loạn

Chương 353: Vĩ thanh (Thượng)




Tú Anh vẫn còn nhớ cái năm mình tốt nghiệp trường Y, hình như là tầm cuối tháng Tám, mẹ bảo cô đi cùng ông nội gặp người từ Đài Loan tới.

Cô lấy làm lạ, “Người nhà mình ạ?” Cô chỉ biết mấy năm trước bác cả của mình mới từ Mỹ về rồi ở lại Bắc Kinh làm nghiên cứu học thuật thôi, chứ chưa từng nghe nhà mình còn có ai ở Đài Loan.

Mẹ lắc đầu, “Ông con không có người thân ở Đài Loan, đại khái là bạn cũ.” Cô rất tò mò, tiếc là ba về quê kiểm tra công việc rồi chứ không thì còn hỏi thêm được.

Tú Anh là một cô gái không cả nghĩ, cô thay một bộ đồ váy áo tươm tất rồi dung dẻ lên đường.

Thật ra năm kia cũng có người tới, một cụ già họ Phó bay từ Mỹ tới để thăm ông. Lần đó cô cũng đi theo, đến cả bác cả cũng chạy từ Bắc Kinh tới, trước tiên ăn một bữa cơm ngoài hàng xong mới cùng nhau về.

Chắc là người cụ già nọ không khỏe lắm nên cả chuyến toàn ngồi xe lăn, phải có người đi theo đẩy hộ. Song vừa mở miệng cụ đã gọi ông chủ Mạnh, ông nội mới vội vàng khoát tay, “Ông Phó, xin đừng chọc tôi!”

Thế là mọi người phá ra cười.

Cụ Phó hỏi ông, “Ông Mạnh, Ngọc Thanh có để lại thư gì cho tôi không?”

Ông tần ngần mất một lúc mới đáp, “Tôi có một lá thư, chắc là có nhắc tới, nhưng mà đọc xong ông phải trả lại cho tôi đấy nhé.”

Ai nấy đều ngẩn ra, cuối cùng cụ Phó mới run run đeo kính lên đọc thư ngay trước mặt ông, xong trả lại cho ông, nhẹ bảo, “Đây là thư chú ấy viết cho ông, ông chớ nên để tôi đọc, nói tôi nghe là được rồi!”

Ông ừ tiếng mà chẳng giải thích gì thêm nữa, chỉ cẩn thận cất thư đi.

Chiều, ông nội và cụ Phó cùng bác cả cùng nhau đến nghĩa trang công cộng Phụng Hiền. Tú Anh biết người được chôn ở đây là ai, chính là ba ruột của bác cả, cũng chính là em ruột của cụ Phó.

Mẹ từng bật mí cho cô, bác cả của cô thật ra là con nhà Phó nhưng bế đến nhà Mạnh nuôi từ bé nên mới mang họ Mạnh. Ban đầu chôn ở nghĩa trang Lư Loan, sau đó đất nghĩa trang bị trưng dụng nên mới dời mộ đến Phụng Hiền.

Hồi nhỏ ông nội hay đến đây thăm mộ, về sau đi đứng bất tiện nên mỗi tháng chỉ đến được một lần, gia đình không yên tâm nên mới bảo cô đi cùng.

Mấy năm trước kế hoạch hóa, cái nhà cũ ở ngõ được trả lại cho ông, kể từ đó ông chuyển về đó sống một mình. Ba mẹ khuyên can ông hết nước hết cái rằng ở đó bất tiện mà ông vẫn cố chấp không chịu chuyển đi.

Tú Anh hay đến thăm ông nội, ông sống giản dị vô cùng, sáng sớm bốn năm giờ đã dậy đánh quyền, sau đó ăn sáng, lúc không đi cung thiếu nhi dạy học thì sẽ ở nhà chăm cây hải đường. Tại vì hồi xưa chuyển qua nhiều nhà nên lắm cây đã bị nhổ, chỉ còn mỗi gốc hải đường già là vẫn còn giữ đến tận bây giờ.

Bà nội mất trước giải phóng, chôn ở quê Đông Đài, tuy ba rất bận song vài năm lại đưa cả nhà về quê thăm mộ một lần. Về sau ông nội cưới bà Lục, ba không đến dự, chỉ có mẹ với cô đi. Nhưng rồi bà Lục cũng mất sớm, lúc chôn vẫn là cô đi cùng ông, trông ông nội không đau buồn mấy, ông chỉ vào ngôi mộ bia trống bên cạnh bà Lục mà bảo, “Bao giờ qua đời ông sẽ chôn ở đó.”

Hẳn là lúc ông nói thế cô còn bé tí nên cô cũng chẳng thấy gì, chỉ hỏi lại ông, “Thế lúc con qua đời con có chôn ở đây không ạ?”

Ông lắc đầu, “Sau này con đi lấy chồng, con sẽ chôn chung với chồng con.”

Bia mộ của bà Lục cũng lạ lắm, nghe đâu bà là vợ của ông Phó, về sau bà bị lên án trong Cách mạng Văn hóa[1], ông nội mới đứng ra bảo vệ bà, đó cũng là cái lúc chân ông bị người ta đánh gãy. Sau này Cách mạng Văn hóa kết thúc, bà được sửa lại án, cả hai hay qua lại với nhau, đến lúc cô lên cấp Ba thì bà Lục ngã bệnh, hai người bất thình lình thông báo muốn kết hôn trong sự ngạc nhiên của mọi người.

Ba phản đối cật lực, chuyện này làm ba tức giận kinh khủng, ba bảo mẹ rằng, “Em tưởng anh không biết ông ấy nghĩ gì à? Ông ấy không muốn chôn chung với mẹ đấy!” Khổ nỗi tính ông nội cũng ngang chẳng thua ai, đã quyết là không đời nào có chuyện chịu suy suyển, hai người cãi nhau ỏm tỏi, kết quả tình cha con rạn nứt từ đấy.

Nhưng trên bia mộ bà nội lại không nhắc tới ông Phó mà cũng không nhắc tới ông nội. Ảnh của bà được chụp chẳng mấy lâu trước khi qua đời, người bà vừa nhỏ vừa gầy xọp vì bệnh, nhưng cặp mắt nhìn ống kính lại đang cười díp lại. Mặt sau bia tóm lược cuộc đời bà, nghe ông bảo là trước khi đi bà nội đã tự tay viết, cả đoạn rất qua loa, chỉ có lúc nhắc đến một người tên là Ôn Trì Lương, bà viết đây là người bạn tốt cả đời của bà đã hy sinh trong chiến tranh giải phóng mới thấy toát ra một chút thương tiếc.

Ngôi mộ bia trống bên cạnh chôn ông Phó. Trên bia khắc một tấm chân dung nửa người đen trắng, là hình của Phó Ngọc Thanh hồi còn trẻ mặc Âu phục, hơi nghiêng người, nụ cười mỉm cùng ánh mắt ông nhìn người ta như biết nói. Từ nhỏ Tú Anh đã thấy bức ảnh đó đẹp rồi, dầu đã bao nhiêu năm trôi qua mà lần nào thấy, con tim vẫn không nén được chút chộn rộn.

Đằng sau bia mộ ông Phó trống không. Lần cụ Phó tới cũng hỏi ông nội, “Trong thư chú ấy viết muốn khắc gì lên bia vậy, sao ông không khắc lên cho chú ấy?”

Ông im lặng cúi đầu, bầu không khí trở nên lúng túng. Bác cả mới đứng ra nói lảng sang chuyện ở Mỹ, xua tan bầu gượng gạo giúp mọi người.

Trên đường về, bác cả đang ngồi đằng sau họ nhẹ nhàng hỏi ông, “Ba này, chẳng phải ông ấy để lại một lá thư cho ba sao, ba chưa đọc ạ?”

Ông chẳng nói gì, bác cả thở dài, không hỏi nữa.