Tọa Hoài Bất Loạn

Chương 317




Thời điểm trận oanh tạc diễn ra, Diệp Lệ Văn cùng bạn thân đang trên đường đến cô nhi viện thời chiến thì tự dưng có báo động. Nhìn thấy quả bóng đỏ rơi xuống, tài xế lên cơn hoảng loạn, nhất thời không nổ máy xe được nên đành phải bỏ xe chạy lấy người. Lúc đó Diệp Lệ Văn đã mang thai tám tháng, người nặng nề nên không chạy kịp, bị nổ chết giữa đường.

Khi trận oanh tạc qua đi, Phó Ngọc Hoa dẫn người đi gom xác, nhìn thấy xác Diệp Lệ Văn bị nổ thành hai mảnh, không chịu nổi đòn đả kích ấy nên đã ngất xỉu tại chỗ.

Cả người nhà Phó lẫn nhà Diệp đều giấu anh chuyện này, Phó Ngọc Hoa chỉ bảo anh hãy dưỡng bệnh nghỉ ngơi tử tế ở Hồng Kông, vấn đề nhà cửa với nhà máy chưa cần quan tâm vội. Anh ở Hồng Kông nên chẳng hay biết chi, phải đến lúc bạn ở Trùng Khánh gửi thư bàn chuyện thu mua vật tư chiến tranh đang thiếu với anh, vô tình cho anh biết thì sự mới vỡ lở.

Lúc anh dưỡng bệnh ở Hồng Kông, bầu không khí ở nơi đây đã trở nên cực kỳ căng thẳng, nhất là trong cộng đồng dân tị nạn. Tình hình quốc tế càng cam go, càng nhiều người tính đến chuyện chạy về trong nước, vé tàu trở thành hàng hiếm, giá tiền cũng đắt cắt cổ. Song dân tị nạn bình dân thì mua sao nổi vé tàu? Bọn họ lang thang nơi đầu đường xó chợ, đến no bụng cũng đã là cả một vấn đề, những mong có một bát cháo loãng con để sống qua ngày mà thôi. Sau khi Quảng Châu thất thủ năm đó, Hồng Kông lập tức mở hội cứu tế dân tị nạn, qua bạn bè giới thiệu, anh mới gia nhập hội cứu tế, có điều vì lý do sức khỏe mà cái chức ấy chẳng khác gì làm cảnh.

Bác sĩ đã cảnh cáo anh về cơ thể của anh, sau rốt anh vẫn không thể quay về Thượng Hải. Đến khi chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, quân Nhật quay luôn nòng súng sang cả Hồng Kông, tiếng bom nổ văng vẳng từ nơi xa, máy bay địch lởn vởn trên đỉnh đầu thả bom một cách vô thưởng vô phạt. Ai đi trên đường mà không tránh kịp là coi như sẽ bị nổ thành một bãi bầy nhầy.

Sau khi hay tin, Phó Ngọc Thanh đưa ra quyết định. Sau mấy năm ở Hồng Kông, anh đã lĩnh hội được thái độ thỏa hiệp của chính phủ Anh với Nhật. Anh e chính phủ Anh ở Hồng Kông sẽ không đánh mà đầu hàng, bỏ rơi Hồng Kông, nên quyết định rời đi luôn.

Anh mang theo một số những vật tư cần thiết lên tàu, còn những gì không kịp di dời thì cho người thiêu hủy hết. Đầu tiên anh đến Quảng Tây, sau đó mới đến Trùng Khánh đoàn tụ với gia đình. Bạn bè quen của anh có mấy người cũng rời đi, đến Quế Lâm an toàn, cũng có một số người chạy không kịp. Chính phủ Anh ở Hồng Kông có chống sự, song không ngăn nổi lực lượng của quân Nhật, chỉ qua mấy ngày Hồng Kông đã thất thủ.

Cùng lúc ấy, quân Nhật tấn công tô giới ở Thượng Hải. Cát Lập Mang đến từ Anh, là kiều dân của nước địch, lại còn từng xuất vốn tài trợ làm báo tiến bộ nên bị quân Nhật hiểu lầm là có khuynh hướng phản Nhật, thế là bị tống vào nhà tù ở vùng ngoại ô. Lúc tin này truyền đến tai anh cũng đã là gần một năm sau.

Sau khi Hồng Kông thất thủ, anh vượt bao truân chuyên đến Trùng Khánh mới biết rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra ở nhà.

Đến cùng vẫn không thể giấu Phó Cảnh Viên chuyện của Diệp Lệ Văn, bệnh trúng gió của ông phát tác, chữa chạy không kịp nên đã qua đời. Nhà máy của Phó Ngọc Hoa chuyển lên phía Tây, ban đầu bị thiệt hại nặng nề, sau khi đến Trùng Khánh thì cùng thống nhất xây dựng lại ở trong núi với các nhà máy lân cận của anh, chủ yếu sản xuất quân nhu. Song do thường xuyên bị oanh tạc, cộng thêm cả cái chết của vợ và cha, Phó Ngọc Hoa thật ra không hay về Trùng Khánh lắm.

Lần này anh về nên Phó Ngọc Hoa mới quay về Trùng Khánh, người một nhà cuối cùng cũng đoàn tụ.

Thời buổi chiến tranh, Trùng Khánh hay bị mất điện, trong nhà chỉ thắp nến. Phó Ngọc Thanh nhìn ngọn nến chập chờn mà không nhịn được đùa rằng, cuối cùng thì anh cả cũng học được cái kiểu cách lãng mạn rồi, cả nhà nghe thế cùng phì cười.

Trùng Khánh lúc chiến tranh còn hay bị dội bom, người ở vùng chiến trường tràn ồ ạt vào Trùng Khánh, nền kinh tế căng thẳng, nhu yếu phẩm thiếu thốn, cho thuê nhà đã khó, mưu sinh lại càng khó tợn. Cảnh ngộ của nhà Phó so với hồi còn ở Thượng Hải có thể đơn giản hình dung bằng bốn chữ tuột dốc ngàn trượng. Có điều so với người khác, bọn họ đã là may mắn lắm rồi.

Diệp Lệ Văn để lại hai cô con gái nhỏ, nhà thuê người giúp việc đến chăm nom. Đình Ngọc vẫn đang đi học, nay thằng bé đã là một cậu bé sáng sủa khôi ngô, càng lúc trông càng đặc sệt anh. Phó Ngọc Hoa thương Đình Ngọc vô cùng, lúc viết thư hay kể anh với Đình Ngọc giống nhau lắm, còn khen Đình Ngọc thông minh hiểu chuyện, thậm chí còn giỏi hơn cả anh hồi còn bé. Thế rồi lại không kìm được gợi chuyện hồi anh còn bé ra, thành thử thư viết lúc nào cũng rất dài.

Vốn Phó Ngọc Thanh không tin, phải đến nay khi đã tận mắt chứng kiến thì anh mới biết là anh cả không hề nói quá. Anh nhìn Đình Ngọc mà không khỏi nhớ về đứa bé con năm xưa lôi con ngựa gỗ bám nhằng nhẵng sau lưng mình, nhớ tới cái người đang ở Thượng Hải, cõi lòng không dằn được từng cơn đau xót khắc khoải. Chỉ là nỗi lòng ấy chẳng thể thốt một câu ngoài miệng, cũng chẳng có một ai để giãi bày.

Đình Ngọc khá lạnh nhạt với anh, không hề gọi anh là cha, gặp anh cũng chỉ lễ nghĩa khách sáo, coi anh như người ngoài. Phó Ngọc Hoa khuyên anh chớ nóng vội, cứ từ từ chậm rãi, anh chỉ biết cười trừ bảo vâng.