Lòng anh nặng trĩu, suy nghĩ giây lát, rồi dứt khoát lấy giấy ra viết một lá thư.
Đây là một lá thư không có mở đầu, anh vốn chẳng định viết cho ai xem. Song nếu không viết ra, e là trong lòng anh sẽ không thể nhẹ nhõm.
Bởi vậy, qua thời gian, những lá thư không gửi của anh dần dày lên.
Hẳn là biết sẽ không có ai đọc những lá thư này, nên trong thư cái gì anh cũng viết.
Anh ra ngoài nói chuyện với La Nhữ Thành, lúc quay về lại nghĩ đến công ty bánh kẹo hồi xưa muốn làm. Vì được chuyến đi Tế Nam khích lệ, cho nên mới bàn bạc với La Nhữ Thành đổi sang làm nhà máy cơ khí, thời bình có thể chế tạo trang thiết bị để bán, thời chiến có thể chế tạo vũ khí, La Nhữ Thành vô cùng tán thành, hai người rất ăn ý.
Giờ nghĩ lại, trong lòng lại có chút tiếc nuối, mới viết vào trong thư, cũng chẳng biết Đình Ngọc và bé em thích ăn gì nhỉ? Nếu hồi đó mà làm công ty bánh kẹo thì chắc chắn khỏi phải lo về cái này rồi. Tuy ở trung tâm thương mại không có nhiều kiểu dáng, nhưng cũng có thể làm theo kiểu dáng mà mấy đứa nói, có khi lại được trẻ con yêu thích cũng nên?
Lại một lần bệnh dạ dày phát tác, anh bèn viết vào thư, dạo này thân thể không được tốt, những lúc đau ốm lại không khỏi nghĩ đến lúc về già, em đã từng nói với tôi, liệu em có còn nhớ hay chăng? Tôi lại vẫn nhớ đấy. Chờ tôi già rồi, sẽ hỏi lại em nhé.
Lại một lần nữa, ngân hàng Công thương tổ chức tiệc rượu, Hà Ưng Mẫn mời anh đi cùng, gặp hoàng hậu ca vũ Từ Ngọc Lan, mọi người trò chuyện rất vui vẻ.
Anh về viết ngay vào thư: Tôi nhớ hồi đó đi xem giải thi toàn quốc ở Nam Kinh, đáng tiếc lại quên mất không nhờ ai chụp cho bức ảnh, không thì có cái để lưu lại, cũng là kỷ niệm rất đẹp, bây giờ em bận quá, còn đánh quyền không? Tôi nghĩ em vẫn thường xuyên đánh quyền. Mặc dù tôi không chứng kiến, nhưng cũng đoán thế.
Những lời như thế, từng đoạn từng đoạn chẳng liên quan gì tới nhau, nhưng anh đã viết ra là không thể thu hồi lại nữa.
Anh còn đặc biệt tìm một cái hộp gỗ đỏ thật dày, cất hết những lá thư vào trong đó, khóa cẩn thận lại.
Năm đó chiến sự liên miên, trong nước ngoài nước chẳng có được một chốc bình yên. Sang tháng Mười, bởi vì sự kiện đường Đông Trung (*), Liên Xô cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, nước Nga tuyên chiến, cả vùng Đông Bắc biến thành một chiến trường. Mãi đến cuối năm hai bên mới ký kết hiệp định đình chiến, phe Trung Quốc cam kết khôi phục lại hiện trạng tuyến đường sắt, phe Liên Xô lần lượt rút lui, chiến hỏa mới coi như lắng xuống. Mỗi ngày đọc báo, Phó Ngọc Thanh vừa lo lắng chiến sự, lại vừa lo cho Lục Thiếu Du, chẳng biết có cách gì để liên lạc với cô, trong lòng rất sốt ruột.
Đến cuối năm, nhà máy cao su của Phó Ngọc Hoa đi vào hoạt động, Lưu Tử Dân chuyên tâm vào nhà máy mới, hiếm khi đến công ty mậu dịch.
Phó Ngọc Thanh qua tay một người bạn, lại mua hai tàu thủy nhỏ từ một công ty vận chuyển Mỹ ở Thượng Hải, cả ngày bận rộn công ty vận tải và công ty mậu dịch, quả thực phân thân chẳng nổi.
Đầu năm, La Nhữ Thành bàn bạc muốn làm nhà máy gia công cơ khí với anh, hai người đều thấy có tiềm năng, nhưng sau đó anh lại bận nhiều việc, đều là một mình La Nhữ Thành làm.
Lúc Phó Ngọc Thanh ăn cơm với La Nhữ Thành, cũng từng nửa đùa nửa thật bảo mình không biết gì về cơ khí cả, vẫn còn chưa góp vui được, nếu La Nhữ Thành không ngại, vậy thì anh cứ im im góp vốn làm cổ đông là được rồi.
La Nhữ Thành nghe anh nói thế thì lại không hề khách sáo, cũng đưa tay quản tiền thay anh. Đến lúc nhà máy khai trương, mới mời anh đến đi tham quan cùng.
Sang mùa xuân tiếp, Phượng Bình vì bệnh tình quá nặng, vừa sang năm mới đã qua đời.
Lúc đó Phó Ngọc Thanh quả thực quá bận rộn, đến lúc hay tin thì đã qua đầu bảy* mất rồi.
(*Bảy ngày sau khi chết.)