Đỗ Hâm hơi bực mình, bật cười: “Ông chủ Mạnh, Phượng Bình cô nương cũng lên tiếng rồi mà, anh mời thiếu gia nhà tôi uống miếng nước đi chứ.”
Phượng Bình cũng nói: “Lòng anh lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm tam gia, tam gia đến thăm anh, sao anh lại đuổi người ta đi chứ?”
Mạnh Thanh đứng đó, vô cùng lúng túng, mất tự nhiên nói: “Tam gia là người nhiều chính sự, em đừng quấy.”
Hàn Cửu thấy vậy bèn bảo: “Tam gia, không thì hôm khác ngài lại đến đi, lát đội tuần tra đến, thấy ông chủ Mạnh với ngài, chỉ sợ lại lằng nhằng ra.”
Phó Ngọc Thanh đành xuống thềm, cười cáo từ: “Vậy thì hôm khác tôi lại đến làm phiền vậy.”
Hàn Cửu muốn đi cùng anh, Phó Ngọc Thanh cũng không thể sai hắn, bèn bảo: “Anh Hàn, làm phiền anh đưa tôi về đường Phúc Hi nhé.” Hàn Cửu biết anh đến nhà Phó Cảnh Viên nên hỏi: “Tam gia, thế bao giờ ngài định về ở thế?”
Phó Ngọc Thanh đáp: “Một thời gian nữa.” Anh mới từ Tây Bắc về, ngã một trận bệnh, cơ thể còn yếu nên cũng phải chăm dưỡng cho tốt, huống chi ở đường Phúc Hi, người nhà đều ở chung một chỗ, chung quy lại vẫn náo nhiệt hơn.
Kết quả giữa đường bệnh đau dạ dày lại tái phát, chịu đựng suốt đến nhà, mồ hôi đã đầm đìa, rơi nhiều đến mức dọa sợ cả Hàn Cửu.
Phó Ngọc Thanh thấy hắn lo, bèn trấn an: “Anh Hàn, anh tuyệt đối đừng kể chuyện này cho ông chủ Mạnh đấy nhé,” thoáng dừng lại, cảm thấy nói thế xấu quá nên lại giải thích: “Anh ta vừa mới về, chuyện phiền lòng đã nhiều quá rồi. Bệnh của tôi dưỡng một chút là khỏi ngay thôi, đừng nói cho anh ta biết.”
Hàn Cửu không đồng tình: “Tam gia, ngài không biết thôi, ngài giấu tôi chuyện đi Tây Bắc, còn Vương Xuân thì lừa tôi, tôi tưởng ngài về bên Phúc Hi thật. Kết quả ông chủ Mạnh biết được, đã dạy dỗ tôi một trận đấy.”
Phó Ngọc Thanh rất ngại: “Là tôi dặn Vương Xuân. Dù gì đường xá xa xôi, lại còn là chuyện công, làm sao mang theo hộ vệ được.”
Hàn Cửu cũng cười: “Tam gia chính là quá quan tâm đến người khác, điều này dĩ nhiên tôi hiểu mà.” Trước khi xuống xe, Phó Ngọc Thanh lại đặc biệt dặn hắn: “Kiểu gì cũng đừng nói cho ông chủ Mạnh đấy nhé.”
Hàn Cửu gật đầu liên tục: “Tam gia, tôi hiểu rồi.”
Phó Ngọc Thanh ở đường Phúc Hi chủ yếu là để dưỡng bệnh, nhưng Ngọc Đình lại rất vui. Tuy Phó Ngọc Thanh không thường có mặt ở biệt thứ Phó, cậu lại rất thích anh ba có nụ cười híp mắt này, kể chuyện rất thú vị, lại còn biết chơi, hơn đứt anh cả lúc nào cũng lầm lầm lì lì. Cuối cùng cũng được anh ba ở lại đây lâu, gần như ngày nào cậu cũng phải quấn riết lấy Phó Ngọc Thanh, mặc dù Phó Ngọc Thanh bệnh, không thể dẫn cậu ra ngoài chơi, cậu vẫn cảm thấy có hy vọng.
Nhà mời bác sĩ có tiếng cho Phó Ngọc Thanh, mỗi ngày anh không dưỡng bệnh thì giải sầu, mời Hàn Cửu đến dạy anh đánh một chút quyền để rèn luyện thân thể, để dưỡng sinh, cả báo cũng đọc ít hẳn đi. Lúc Phó Ngọc Hoa đọc báo buổi sáng còn đặc biệt cầm bút đánh dấu từng câu cho anh, anh cũng chỉ đọc những câu được đánh dấu.
Vì bệnh dạ dày của anh nặng nên cả Phó Cảnh Viên cũng quan tâm đến chế độ ăn của anh, ngày hôm sau nhà bếp nấu gì cho anh, đều phải thông qua trước với Phó Cảnh Viên.
Song việc của công ty rốt cuộc vẫn không bỏ bê được. Mỗi ngày Tú Sơn đều mang người ở công ty tới, chuyện gì quan trọng đều bảo anh quyết định, có lúc thấy quấy rầy quá, bèn trao đổi với Phó Cảnh Hoa, rồi cũng dần dần ra chủ ý.
Vì chuyến đi Tây Bắc này, Phó Ngọc Thanh có xúc động sâu sắc trong lòng. Lúc ở Tây An anh đã đánh mấy bức điện báo về, Tô Phụng Xương bảo anh viết nhiều hơn, còn nói: “Cậu cứ yên tâm viết là được, viết xong đưa tôi xem.” Anh vẫn còn nhớ, nhưng sau khi về Thượng Hải lại nhiều việc quá, anh chỉ đơn giản nhờ Hà Ưng Mẫn mang thư và cổ phiếu xưởng dệt hồi trước mua đi bán, được bao nhiêu đem quyên góp hết.
Giờ mới dứt khoát cầm bút lên, từ từ viết ra tất thảy những gì đã nghe và chứng kiến.
Phó Ngọc Thanh thấy, Tây Bắc tai hoang, một nửa là thiên tai, một nửa là nhân họa. Quân đội lớn lớn nhỏ nhỏ giống như những con đỉa hút máu chi chít chằng chịt, chiếm cứ khắp Tây Bắc. Đi một chuyến, quả thực khiến cho người ta phải thống hận những quân phiệt này.
Túc Châu bất ngờ tạo phản, cũng là vì binh lính không được lĩnh binh lương nên mới ra đại loạn. Nhưng quân đội vì quân lương mà liều mạng vơ vét cũng khiến người ta căm phẫn.
Anh mới về Thượng Hải chưa được bao lâu, đã nghe nói chính phủ Nam Kinh phát lệnh chinh phạt Phùng Ngọc Tường (*), Phùng Ngọc Tường lại bị thuộc hạ cũ phản bội, thành ra khốn đốn từ trong ra ngoài, bị đánh điện đuổi về vườn, giờ đang ở nước ngoài.
Phó Ngọc Thanh nhớ tới chuyện Lục gia, bất giác lại cảm khái sâu sắc, rồi nhớ tới lời Triệu Vĩnh Kinh gọi Tưởng Giới Thạch “Chẳng qua chỉ là tay quân phiệt”, chỉ thở dài.