“An Nhiên, ông bị bệnh tim, ông biết không?”
Câu hỏi của Tiểu Lý khiến tôi ngơ ra. Tôi nghĩ ngợi nửa ngày, cuối cùng gật đầu: “Giờ thì biết rồi.”
Chuyện này không có gì khó hiểu cả. Tôi có một người mẹ bị bệnh tim bẩm sinh. Chuyện khó hiểu là bao năm qua tôi không hề nhận ra mình mắc bệnh này, trước đây cũng chưa phát bệnh bao giờ. Tôi biết lúc cảm xúc quá kích động mình sẽ đổ mồ hôi và không thở được, nhưng chưa bao giờ liên tưởng đến bệnh tim.
Bác sĩ bảo tôi là: theo như lần kiểm tra này và tình trạng chưa từng phát bệnh của tôi thì kiểu bệnh di truyền này không nghiêm trọng lắm, dặn tôi chú ý nghỉ ngơi, không được để cảm xúc dao động kịch liệt, duy trì tâm trạng tốt.
Những lời dặn dò này tôi đã thuộc lòng từ lâu. Trước đây mỗi lần đi bệnh viện với mẹ, tôi đều nghe thấy những lời tương tự. Chỉ không ngờ lần này người được dặn lại là mình.
Tôi nhận ra mình đón nhận chuyện này một cách đặc biệt bình tĩnh. Tất nhiên, tôi cũng không biết còn chuyện gì mà mình không thể đón nhận nữa. Huống hồ chi bác sĩ còn bảo không nghiêm trọng lắm. Hôm sau xuất viện, chú khăng khăng đòi đón tôi về nhà chú, tôi thà chết không chịu. Chú hết cách, đành lái xe về căn trọ mới thuê của tôi.
Giữa đường có người gọi điện cho chú, trông có vẻ là việc gấp. Chú đưa tôi đến dưới lầu rồi lái xe đi luôn.
Tôi ngồi rất lâu trên băng ghế trong khu vườn nhân tạo. Thả mắt nhìn ra vẫn thấy được chút không khí còn sót lại sau Tết. Câu đối trước cửa, giấy cắt hoa trên ô cửa sổ, thậm chí sau đuôi mấy chiếc xe hơi đang đậu bên đường vẫn dán câu “Một đường bình an”… Tết qua rồi. Lúc đó, mẹ còn đang ở bệnh viện Bắc Kinh. Lúc đó, tôi bận bịu cả ngày. Đêm ba mươi, pháo hoa thủ đô đã ở với tôi cả đêm. Lúc đó, hắn đứng ngay bên cạnh.
Tôi có chút ngẩn ngơ. Thế giới này trông chân thật như vậy, cuộc chia ly cách đây không lâu hẳn chỉ là một giấc mơ nhỉ?
Sau đó, tôi chạy lên lầu, mở cửa xông vào phòng ngủ với tốc độ nhanh nhất. Trong giây phút đó, tim tôi nhanh chóng rơi xuống, rơi xuống vô hạn…
Tất cả mọi thứ thuộc về Mộ Vũ đều không còn nữa. Căn nhà sạch sẽ như chỉ có mỗi mình tôi từng tồn tại.
Tôi mở hết tủ và ngăn kéo ra. Kết quả lục lọi là ngay cả một chiếc vớ, một tờ giấy cũng không có. Tôi lại chạy vào phòng của Dương Hiểu Phi, chỉ tìm thấy mấy cuốn tạp chí và nửa túi hạt dưa.
Hôm qua còn ăn chung với nhau mà?
Tôi lấy điện thoại ra gọi vào số của Mộ Vũ. Tắt máy. Lại gọi vào số của Dương Hiểu phi. Cũng tắt máy. Trong phút chốc, tôi cực kỳ hoảng sợ. Cơn ác mộng tối qua vẫn chưa tỉnh, tôi vẫn đang trong cơn ác mộng cùng đường bí lối.
Nằm ngửa mặt trên giường, tôi nhắm mắt lại. Có một mùi nhàn nhạt bay từ trên ga trải giường vào trong mũi. Tôi cố gắng nhận dạng, chỉ mong tìm thấy chút hương vị mát rượi nhưng hơi đắng đó.
Rất nhiều ngày sau, cuối cùng tôi cũng không phải uống một viên thuốc an thần trước khi về nhà nữa. Rất nhiều ngày sau nữa, sau khi tôi dùng hết mọi phương thức mà tôi có thể nghĩ ra được, như email, qq, điện thoại, tin nhắn, mà vẫn không thể tìm thấy Mộ Vũ, cuối cùng tôi cũng thừa nhận mình đã đánh mất hắn rồi. Hắn vì tôi mất đi nhiều thứ như vậy, cuối cũng, vẫn bị tôi đánh mất.
Nhận thức này gần như phá hủy tất cả điểm tựa của tôi. Tôi cảm thấy mình như một quả bóng bay có thể bay mất bất cứ lúc nào. Điều duy nhất níu tôi lại chính là người mẹ đang nằm trên giường bệnh.
Sau khi đi làm lại ở cơ quan, tôi vẫn ở quầy trước. Giám đốc Vương được chuyển lên chức Phó Giám đốc quản lý các chi nhánh trong thành phố S, thăng thêm một bậc. Còn vị trí phó quản lý được trao cho một người đồng nghiệp khác của tôi. Ba tháng không đi làm, chẳng lẽ vị trí đó còn chừa lại cho mình chắc? Điều nhân đạo là cơ quan đã xử lý ba tháng không đi làm của tôi như một ca nghỉ phép không lương vì lý do cá nhân, vẫn phát cho tôi mức trợ cấp thấp nhất mà lẽ ra mỗi tháng phải có, thậm chí tiền thưởng cuối năm cũng phát bổ sung đúng sáu mươi phần trăm cho tôi. Tôi không biết chú hay Tiểu Lý đã đấu tranh cho tôi những thứ này. Tôi không biết những đồng nghiệp khác nhìn và bàn tán về tôi như thế nào. Tôi hoàn toàn không có tâm tư đó. Nhìn xấp tiền dày cộm, phản ứng của tôi rất kỳ lạ. Tôi đã nôn, cuối cùng nôn đến nỗi trong miệng toàn là vị đắng của nước gan.
Ngô Việt cứ khăng khăng đòi dọn qua sống chung với tôi. Nó nói nó ở một mình chán lắm, dù gì nhà tôi cũng rộng, lại có thể tiết kiệm được một nửa tiền nhà nữa. Tôi biết nó có ý tốt. Hôm đó, nó đến tìm tôi thì nhận ra tôi đang ngồi trên sàn xem cuốn sổ nợ của tôi. Tôi bảo nó chúng tôi chia tay rồi, còn kể lại tình hình lúc đó. Nó nghe mà trợn mắt há mồm. Nửa ngày sau, nó mới kéo tôi từ dưới đất lên, nói: “Mai tao dọn qua ngay.”
Về sau, nó nói với tôi là bộ dạng của tôi lúc đó làm nó sợ suýt chết. Sắc mặt trắng bệch, trên trán toàn là mồ hôi, cơ thể lạnh như băng. Lúc nói chuyện, đến biểu cảm cũng không có. Động tác ngón tay lật sổ trông như cương thi. Chẳng khác gì gặp ma lúc ban ngày ban mặt.
Tôi cười, không nói gì… Thực ra nó không việc gì phải làm thế. Tôi biết trạng thái của tôi không tốt, rất không tốt. Nhưng tôi sẽ không xảy ra mệnh hệ gì đâu, tôi mà bị gì thì ai nuôi mẹ tôi. Tôi chỉ chưa hoàn hồn được thôi. Có lẽ nó không hiểu cảm giác kỳ lạ đó: bị bẻ đôi nhưng lại không cảm thấy đau.
Ngô Việt nói: An Nhiên, mày muốn khóc thì cứ khóc đi, tao sẽ không cười mày đâu.
Tôi lắc đầu. Tôi cảm thấy mình không có tư cách để khóc.
Tiểu Lý vẫn rất chăm lo cho tôi, thỉnh thoảng còn kéo tôi đi ăn bên ngoài, chỉ ăn cơm và tám chuyện cơ quan thôi. Ở trước mặt tôi, nó hay có một chút chột dạ. Có lẽ vì nó nghĩ tôi sẽ trút giận chuyện của Mộ Vũ lên người nó. Thực ra nó không biết, tôi hoàn toàn không có ý đó. Chuyện đã đến nước này rồi, tôi chẳng trách ai cả, chỉ trách mình. Nó kể cho tôi nghe ân oán của ba mẹ nó. Tại sao họ lại li hôn? Tại sao nó lại theo họ mẹ?… Thi thoảng tôi cũng đáp lại nó mấy câu: “Cành vàng lá ngọc như bà chạy đến chỗ xó xỉnh của bọn này làm gì? Chẳng phải cuộc sống uống trà đọc báo ở trụ sở chính hợp với bà hơn à? Chê trên đó hắc ám?”
Nó im lặng một lúc, gật đầu, sau đó lại cười khổ, nói: “An Nhiên, ông đúng là loại người “mình không thoải mái thì không để người khác thoải mái”.”
Tại sao nó lại ở chỗ xó xỉnh này? Nó không nói thì tôi cũng làm như không biết. Dù sao thì đối với tôi mà nói, bất kỳ lý do gì cũng không có sự khác biệt. Tuy nó nói tôi khiến nó không thoải mái, nhưng vẫn không ngừng hẹn tôi đi ăn.
Lần đó đi ăn mì ở quán mì, nói một hồi thì nó nhắc đến người đã thay tôi trở thành Phó Quản lý Bộ phận Quản lý Kế toán. Nó bảo chắc chắn y là người đã gây ra vụ mấy tấm ảnh, sau đó ríu rít đưa ra một đống suy luận. Tôi vừa nhai mì vừa thừ người. Chuyện đó đối với tôi mà nói đã không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi hoàn toàn không lắng nghe. Bỗng dưng tôi nhìn thấy một bóng người rất quen qua lớp kính, cả người rung lên. Hắn…vẫn đang ở thành phố này ư? Tôi buông đũa xuống, mặc kệ tiếng hô hoán của Tiểu Lý, nhanh chóng xông ra khỏi quán mì. Trên vỉa hè nườm nượp người qua kẻ lại, tôi chạy như điên đến chỗ người đó. Sau khi đuổi kịp, tôi túm ngay tay hắn lại. Người đó quay đầu lại nhưng là một khuôn mặt xa lạ. Tôi bị mắng vài câu đồ khùng. Chờ người đó đi mất, tôi vẫn đứng như trời trồng.
Một chuyện tương đối tốt là dù mẹ nằm viện hay xuất viện về nhà dưỡng bệnh thì gần như lần nào được nghỉ tôi cũng về nhà. Tôi phải về, tôi phải nhìn thấy mẹ tôi, sờ vào người bà, tôi phải cảm nhận được ý nghĩa tồn tại của mình. Bằng không, sớm muộn gì sự trống trải trong lòng cũng sẽ tra tấn tôi đến chết, tôi sẽ lơ lửng như một quả bóng bay cho đến khi nổ tung. Mẹ bắt đầu hỏi tôi sao Mộ Vũ không về cùng. Tôi bèn bảo hắn bận. Về sau, mẹ cứ hỏi mãi, tôi hết cách, đành bảo Mộ Vũ không làm việc ở thành phố L nữa, hắn đi theo đội thi công đến thành phố khác rồi. Cũng không phải nói dối gì, có lẽ hắn đã thực sự sang một thành phố khác. Sau khi chia tay, tôi chưa từng gặp lại hắn ở thành phố L nữa. Mẹ nhìn tôi cả buổi trời mới nói: “Áo len của nó, mẹ còn một bên tay áo nữa là đan xong rồi…”
Tôi nói: Được, khi nào mẹ đan xong, con gửi cho nó.
Đôi khi tôi đặc biệt hận. Mộ Vũ, sao cậu thật thà thế? Bảo không liên lạc là không liên lạc, như tự dưng biến mất. Một chút thời gian hòa hoãn cũng không cho tôi, một chút manh mối cũng không cho tôi. Mỗi ngày tôi phải cầm mảnh ngọc đậu giác cậu tặng trong tay mới có thể ngủ được. Khi thức dậy, cảm giác đầu tiên của tôi là cơn đau lạnh buốt như có lưỡi dao cứa vào tim. Ngô Việt đã mấy lần gọi tôi dậy từ cơn ác mộng, lặng lẽ cùng tôi chờ trời sáng.
Mỗi ngày, tôi đều kiểm tra dòng tiền trong thẻ của Mộ Vũ, tuy chẳng có gì thay đổi. Về sau, tôi để lại số điện thoại của mình ở mục thông báo qua tin nhắn đã được kích hoạt trong thẻ hắn. Hễ tiền trong thẻ hắn có bất kì thay đổi gì thì tôi đều biết. Cái này rất tiện. Tôi có bản sao chứng minh nhân dân của hắn, có mật khẩu tài khoản của hắn, tôi có thể thực hiện mọi giao dịch liên quan. Thực ra tôi chỉ cần một chút manh mối gì đó để phỏng đoán hắn đang làm gì là được. Tôi cảm thấy những câu chuyện cũ ngọt ngào được ghi chép trong sổ nợ đang càng ngày càng thiếu chân thật. Tôi muốn xác định hắn từng tồn tại và vẫn đang tiếp tục tồn tại. Đáng tiếc, trong suốt một năm, tôi chỉ nhận được bốn mẩu tin nhắn và đều là phần lợi tức được tự động chuyển vào tài khoản trong dịp tổng kết cuối quý.
Tôi đã sống cuộc sống ngập trong sương mù không lối thoát đó cả năm trời. Nhớ lại thì điều duy nhất rõ nét chính là sự tuyệt vọng đặc quánh và sự trống trải hãi hùng. Cuộc sống bình thường, đối với tôi mà nói, đã trở thành một gánh nặng cần phải dùng hết tâm sức để ứng phó. Tôi bị đẩy về phía trước, không dừng lại được, cũng không có điểm dừng. Tôi tưởng sẽ tiếp tục như vậy mãi.
Sau đó nhận ra không phải thế, vết thương có to đến đâu cũng sẽ có ngày lành. Hôm đó tôi thức dậy, cuốn sổ nợ vẫn được tôi ôm vào lòng, nhưng tôi kinh ngạc nhận ra mình không còn cảm nhận được cơn đau lòng thường sẽ phát tác vào những lúc này nữa, chỉ thấy hơi mệt.
Lúc đó, tôi nghĩ thời gian quả là một liều thuốc tốt. Ngay cả mất đi Mộ Vũ, tôi cũng có thể từ từ lành lại. Sau đó, tôi cảm thấy tốt lên một cách rất rõ rệt. Dần dà, tôi đã có thể ăn một ngày ba bữa như người bình thường. Ngô Việt luôn cẩn thận dè dặt, cũng bắt đầu dám đùa với tôi. Đồng nghiệp thi thoảng cũng rủ đi ca này nọ. Về nhà, tôi thậm chí có thể nói vài câu dí dỏm với mẹ. Tôi cảm thấy có lẽ mình sắp bình phục rồi. Tôi nghĩ mình sắp khỏi rồi.
Một hôm trực ca trưa, chị Tào mang cơm trưa từ bên ngoài về cho tôi ăn. Tôi đón lấy vừa nhìn một cái đã trả về. Chị Tào thắc mắc: “Sao thế, An Nhiên? Chẳng phải em thích ăn bánh nướng kẹp thịt lừa lắm à?”
Tôi nói: “Em không ăn mè.”
Chị Tào nói: “Cái rắm, trước đây em ăn bánh nướng toàn lựa lớp mè bên ngoài ra ăn.”
Tôi thắc mắc: “Bao giờ?”
Chị Tào nhìn tôi, sắc mặt bỗng dưng tái nhợt, lo lắng hỏi: “An Nhiên, em không bị bệnh chứ?”
Tôi vừa cười vừa chửi lại: “Chị mới bệnh ấy!”
Lúc đổi mùa, tôi thường thích dạo các cửa hàng quần áo, mua vài bộ đồ hợp mùa. Hôm đó, Ngô Việt đi với tôi. Nó hơi béo, thấy tôi mặc đại cái gì cũng vừa thì cực kỳ ghen tị với tôi. Tôi vừa lựa vừa cười nó: “Mày đi mua đồ với tao chẳng phải là tự rước nhục vào người à?”
Tôi lựa xong một chiếc áo sơ mi và cầm đi thanh toán. Trước quầy thu ngân, Ngô Việt đưa tay cản tôi lại: “An Nhiên, áo sơ mi kiểu này, hôm trước mày vừa mua một cái rồi.”
“Hả? Đâu có giống?”
“Giống, gần như y xì đúc.” -Ngô Việt khẳng định nói: “Và chẳng khác gì cái mày đang mặc trên người? Đều là vải bông caro…”
“Thì tao thích phong cách này nhất. Mày không biết phải không? Đây là phong cách Luân Đôn.” -Tôi lấy thẻ ra, đưa cho nhân viên thu ngân.
“Phong cách Luân Đôn cái gì, giống em dâu…” -Ngô Việt lầu bầu được nửa câu thì bỗng dưng im miệng, trừng mắt nhìn tôi, kéo chặt tay tôi, sốt ruột hỏi: “An Nhiên…mày không sao chứ?”
“Không sao cả!” -Mình cũng không thể bị gì thêm nữa. Tôi nghĩ.
Tiểu Lý chôm trà Bửu Lỷ trong nhà, nghe bảo là đắt xắt ra miếng, bủn xỉn chia cho tôi một túi nhỏ. Đúng là tôi chưa uống qua trà Bửu Lỷ nào ngon như vậy. Nếm kỹ lại thì thấy hình như thiếu thứ gì, nghĩ ngợi cả buổi cuối cùng cũng nhớ ra, tìm chị Tào xin một nhúm đường đỏ bỏ vào trong trà. Tiểu Lý nhìn thấy thì nổi giận: “An Nhiên, ông làm vậy là phí của biết không? Ai uống trà lại thêm đường đỏ. Bộ ông ở cữ hả ông?”
Tôi đáp lại theo bản năng: “Không phải thế này tốt cho dạ dày à?”
“Dạ dày ông có vấn đề gì? Có bệnh thì uống thuốc dạ dày. Chỗ tui có này.” -Tiểu lý nói rồi thực sự mở ngăn kéo, lấy một hộp thuốc ra.
Nhìn hộp thuốc mà thoáng ngẩn ngơ, tôi chỉ biết từng có hương trà bửu lỷ ngọt ngào ấm áp tương tự khiến tôi say mê không ngớt. Lúc đó hương trà còn mang theo dư vị của hạnh phúc bình yên.
…
Cuối cùng cũng có một ngày, Ngô Việt ném cuốn sách trên tay tôi xuống đất, ra sức lắc vai tôi, gọi tôi với đôi mắt đỏ hoe: “An Nhiên, mày tỉnh lại đi? Tỉnh lại đi có được không?”
“Sao thế? Ngô Việt mày nổi điên cái gì?” -Tôi bất mãn ngẩng đầu lên. Ánh nước trong mắt nó khiến tôi khựng lại.
“Tao điên? Sao tao điên bằng mày được? Khi không mày xem sách về bản vẽ kiến trúc làm gì? Mỗi lần xem là xem cả đêm. Mày xem có hiểu không?”
Tôi kéo tay nó ra, xuống giường nhặt sách lên: “Hiểu hay không thì liên quan gì?”
Ngô Việt ngồi xổm xuống, như sợ làm tôi sợ, nói bằng âm lượng rất nhỏ: “Mày là An Nhiên, mày có nhớ không? Mày là An Nhiên. Cái người thích mặc áo sơ mi caro xanh trắng, ăn cơm không thích nói chuyện, và xem bản vẽ kiến trúc không phải là mày…”
“Thế là ai?” -Tôi nhìn Ngô Việt và cảm nhận được cơn đau đang thức tỉnh dưới mỗi tấc da, cơ thể bắt đầu vỡ vụn.
Ngô Việt nhìn tôi chằm chằm, cả buổi không nói gì. Nó bỗng dưng che mắt lại, kéo áo tôi, van xin: “Đừng như thế, An Nhiên, mày đừng như thế.”
Tôi muốn nói gì đó, nhưng lại không nói ra được. Cơn lạnh thấu xương bao vây lấy tôi. Tôi chỉ có thể run rẩy cầm lọ thuốc trên bàn lên, đổ thuốc ra, bỏ vào miệng.
“Tao biết, Ngô Việt, tao không sao.” -Tôi an ủi người đang ngồi dưới sàn: “Tao không bị tâm thần. Tao biết rất rõ cái cái người không ăn đậu xanh, không biết dùng phím tắt trên bàn phím, không bắt taxi, không phải là tao; cái người uống trà thêm đường, xào bún phải cắt ra từng đoạn, áo sơ mi giặt xong còn phải tự ủi, không phải là tao… Tao biết hết… Nhưng mà Ngô Việt, tao thực sự không chịu được nữa…”
Một năm hơn, không một chút tin tức.
Dù là một chút tin tức để tôi biết cậu vẫn còn sống cũng được! Cứ thế bặt vô âm tín, mọi mẩu tin gửi ra đều như đá chìm đáy biển, điện thoại luôn luôn tắt máy, qq luôn luôn xám xịt…
Khi nỗi nhớ quá nặng nề đè xuống khiến tôi không thở được nữa, tôi hay nghĩ hay là quên đi, chỉ quên một lúc thôi. Sau đó, dần dần tôi đã quen với việc dùng đủ mọi chuyện khác để đè nén những nỗi nhớ vừa mới thành hình. Sau đó, tôi nhận ra mình thực sự không nhớ nhung gì nữa. Nhưng không nhớ nhung, mình lại càng trở nên trống trải hơn. Tôi vô thức đặt ra giả thiết hắn vẫn chưa rời đi, hắn ở ngay bên cạnh mình, chuyện này hắn sẽ làm thế nào, chuyện kia hắn sẽ làm thế nào, thậm chí bất giác gộp mình với hắn lại. Những thói quen biểu cảm đó không biết là của mình hay của hắn. Nhưng cuối cùng tôi vẫn là tôi, tôi không bị tâm thần phân liệt, tôi chỉ là tôi. Trong những lúc đêm tối vắng người, tôi đều vô cùng tỉnh táo, chịu đựng nỗi cô đơn ăn mòn xương cốt, vẽ lại dáng vẻ của hắn trong hư không. Khuôn mặt không ai sánh bằng, vô cùng dịu dàng…
“Ngô Việt, mày không hiểu đâu, mày không biết tao nhớ nó nhiều như thế nào đâu… Mỗi giờ mỗi phút…”
Ngô Việt vuốt mặt, bò từ dưới đất dậy ngồi bên cạnh tôi. Nó nghĩ ngợi cả buổi trời, mới nói: “Mày đi tìm nó đi! Tao thấy cứ tiếp tục thế này, mày sẽ điên thật đó…”
“Chưa được, bây giờ vẫn chưa được.” -Tôi lắc đầu. Đi tìm hắn, bắt đầu từ ngày chia tay đầu tiên, tôi đã nghĩ như vậy rồi. Thế nhưng, tôi đi tìm hắn thì mẹ tôi phải làm sao?
Chỉ có một cách là tôi tìm được cách kiếm tiền khác, kiếm đủ tiền để nuôi sống bà ấy.
Trong một năm qua, hầu như tiền của tôi đều tiêu hết vào tiền thuốc men của mẹ, bây giờ trong tay vừa mới dư dả đôi chút.
Tôi hỏi Ngô Việt có hạng mục gì có thể đầu tư không hay cùng kinh doanh gì đó cũng được. Tôi không muốn ở lại đây nữa. Tôi muốn rời khỏi chỗ này bằng chính sức mình.
Ngô việt gãi đầu: “Hạng mục đầu tư thì tao phải hỏi cho mày đã. Kinh doanh thì càng phải bàn cho kỹ. Từ bây giờ trở đi, mày phải phấn chấn lên, đừng có hành xử thất thường nữa, an phận làm việc của mày, có tin tức gì tao sẽ thông báo cho mày ngay lập tức.”
Tôi gật đầu đồng ý.
Mộ Vũ từng nói tôi sống tốt thì hắn sẽ mãi yêu tôi. Câu nói này đã tiếp sức cho tôi, khiến tôi không dám không kiên cường.
Chỉ là an phận chưa được bao lâu, tôi lại gây ra chuyện.