Tình Đầu Nguyện Giấu Vào Tim

Chương 4




Đêm ấy, thần sắc của Từ Đại Yên vẫn điềm tĩnh như không. Khi đó ta còn chưa quen biết họ, chỉ nghĩ rằng họ cũng như những cặp phu thê quyền quý khác, luôn giữ sự khách khí bề ngoài. Nàng xuất thân khuê các, thấy phu quân nạp một nha hoàn làm thiếp, có lẽ cũng chẳng tiện nổi giận giữa đêm, nên mới ôn hòa như vậy: “Ngươi là Phúc Nguyên phải không? Vương công tử vốn nổi tiếng hung tàn với kẻ dưới, nay ngươi được đại nhân nhà ta cứu giúp, ta tất nhiên cũng sẽ đối xử tốt với ngươi.”

Ta quỳ xuống dập đầu tạ lễ, ra dáng một kẻ trung thành: “Đại nhân và phu nhân đã cứu mạng Phúc Nguyên, ta nguyện làm trâu làm ngựa để báo đáp.”

Ta không ngờ Từ Đại Yên lại đưa tay ra từ trong chăn ấm, nhẹ nhàng nắm lấy khuỷu tay ta trong đêm thu lành lạnh, định đỡ ta đứng dậy.

“Phúc Nguyên, ngươi là con người, sao lại phải ví mình như trâu ngựa?”

Ta kinh ngạc ngước lên nhìn, lần đầu ngắm kỹ dung nhan của Từ Đại Yên. Đuôi mắt nàng có một nốt ruồi nhỏ, dù lúc ấy chẳng tô vẽ gì mà vẫn xinh đẹp lay động lòng người.

Chưa từng có ai nói với ta những lời như vậy, huống hồ nàng lại là chủ nhân. Những người trước kia chỉ dạy ta nên làm thế nào để trở thành một người hầu tốt. Đang bệnh, tay nàng rất nhanh trở lạnh, ta liền nắm lấy tay nàng để sưởi ấm.

Trên mặt Từ Đại Yên thoáng hiện nét vui vẻ. “Nha đầu, tay ngươi thật ấm, như một lò sưởi nhỏ vậy.”

Những lời thân thiết ấy khiến ta cũng thả lỏng phần nào. Khi đó ta chưa nhận ra, suốt dọc đường ta cứ dõi mắt theo Tiết Khắc Kỷ, nhưng trong lúc trò chuyện với Từ Đại Yên, ánh mắt ta lại chỉ lưu lại trên khuôn mặt thanh tú của nàng.

Nàng bảo: “Quy củ ở nhà họ Vương trước đó, ngươi nên quên hết đi. Phúc Nguyên, sau này ở phủ này, chỉ cần làm việc của một nha đầu. Ăn no mặc ấm, không cần lo trước sợ sau, nếu có gì khó khăn thì cứ đến tìm ta hoặc đại nhân.”

Nghe xong câu ấy, tất nhiên ta không dám hoàn toàn tin tưởng. Lòng người khó lường, hơn nữa khế ước bán thân của ta đã chuyển vào tay họ, ta sao dám tự coi mình cao quý. Vương Văn Phụ từng có một thiếp thất được yêu chiều vô cùng, chỉ vì kiêu ngạo mà lỡ lời đùa cợt rằng trông hắn say như khỉ trong rừng, hắn liền đuổi nàng ta ra khỏi phủ, bán vào chốn phong trần.

Thiếp thất ấy vốn là con gái của một nông dân lương thiện, chẳng phải giàu có gì nhưng ít ra cũng đoan chính. Chỉ vì Vương Văn Phụ ham mê sắc đẹp của nàng mà ép phụ thân nàng bán nàng vào phủ, mới dẫn đến cảnh ngộ bi thảm sau này.

Ta chưa bao giờ thấy nàng ta có lỗi, nhưng nếu không muốn rơi vào kết cục thê thảm ấy, ta chỉ còn cách cẩn thận mà rút kinh nghiệm. Dưới quyền uy, con người tự chia thành kẻ cao người thấp, kẻ thấp hèn đành phải nhẫn nhịn.

Hôm sau, ta bị sai đến viện của mẫu thân Tiết Khắc Kỷ. Đó là một lão phu nhân ăn chay niệm Phật, gương mặt hiền từ phúc hậu như Tiết Khắc Kỷ. Nhưng bà đối với ta luôn có phần đề phòng. Phàm việc gì liên quan đến Tiết Khắc Kỷ, từ việc đưa đồ đến truyền lời, bà đều không để ta làm. Nếu Tiết Khắc Kỷ đến hỏi thăm, bà cũng sai ta lui xuống viện sau làm việc.

Bà cố ý không để ta xuất hiện trước mặt hắn. Ta hiểu rõ bà đang đề phòng điều gì. Khi trò chuyện với các nha hoàn trong phủ, ta biết được Từ Đại Yên xuất thân từ phủ Lễ Bộ Thượng thư, từng làm đồng học của Công chúa Húc Hoa. Khi nàng gả cho Tiết Khắc Kỷ, hắn còn chưa là Binh bộ Thị lang, cuộc hôn nhân này đối với nàng mà nói là một sự “hạ mình” mà gả cho hắn.

Lúc ấy ta lập tức hiểu ra. Tiết Khắc Kỷ không nạp thiếp, chỉ có một thê tử, hết mực nhường nhịn, vốn là vì cân nhắc đến thân thế của Từ Đại Yên. Hẳn hắn còn phải nhờ nàng hỗ trợ trong sự nghiệp, nên lão phu nhân cũng thận trọng theo, sợ rằng có điều gì gây mâu thuẫn giữa hai người. Chẳng hạn như ta, một nha hoàn có ý nghĩ sâu xa.

Vốn dĩ, ta cũng chưa bao giờ muốn tiến thân. Huống hồ, từ thân phận nha hoàn thành thiếp, nào có phải là tiến thân gì. Ta vẫn bị giam trong viện này, vẫn phải đặt lợi ích của đại nhân và phu nhân lên trên hết. Ta vẫn là “Ngọc Thai Bàn,” chỉ có điều không phải quỳ như trước nữa.

Cho đến khi ta xin phép Từ Đại Yên cho mình trở về viện tạp dịch của Chiêu Vũ Hiệu úy để thăm phụ mẫu, rồi biết được cái chec thảm thương của Tố Thủy. Thi thể nàng dễ nhận biết vô cùng, lớp đất nông che đậy đã bị gió mưa cuốn đi, dù m.á.u thịt bầm dập nhưng ta vẫn nhận ra chiếc áo lụa xanh nàng mặc.

Ta báo quan, nha sai hỏi sao ta chắc chắn đó là Tố Thủy. Ta đương nhiên nhận ra nàng, bởi chiếc áo đó là chính tay ta may cho nàng. Họa tiết hoa lê trên áo cũng là chính tay ta thêu lên.