Tình Chị Duyên Em

Chương 39: Ngoại truyện 3




Ngày mười sáu tháng ấy cả nhà tôi theo cậu Bảo lên huyện nhậm chức. Dù cậu chỉ là quan tri huyện nhưng dinh phủ cũng rất lớn. Tôi với cậu và thầy bu cậu ở dinh lớn. Con Mít, vú Bảy và đám người hầu ở dinh nhỏ. Thực ra ban đầu cậu định để gia nô ở dưới nhà với cậu Thành, nhưng sợ lên đây không tìm được người trung thành nên cậu mang đi phân nửa, để lại dưới đó phân nửa. Căn buồng của tôi và cậu vừa to, vừa rộng, nhà ông Lý trước đã rộng, ở đây lại càng mênh mông. Trên giường trải toàn gấm hoa, đến cái rèm cửa cũng là vải lụa. Chao ôi, xa xỉ quá tự dưng tôi lại hơi không quen. Bà cả thì vui đến mức cười suốt, đến tối hôm ấy mọi người làm bữa tiệc nho nhỏ ở ngay chính giữa sân. Tất thảy mọi người đều ngồi vào, không phân biệt chủ tớ vui vẻ cười nói.

Đêm khi tiệc đã tàn, trăng đã lên tôi với cậu Bảo không vội về buồng mà bắc ghế ra hiên ngắm trăng. Trăng hôm nay vừa sáng vừa tròn, ánh trăng rọi xuống dưới từng kẽ lá. Cậu Bảo đưa bàn tay nắm lấy tay tôi khẽ nói:

– Từ nay lên đây rồi, em lại phải thay tôi quản lý mọi chuyện. Lại vất vả cho em rồi. Bu cũng nói giờ bu không còn sức cùng em lo liệu việc trong nhà, em thì đang có chửa mệt mỏi…

Tôi nghe cậu Bảo nói tự dưng hơi chột dạ. Sao mà cậu lại nói với tôi mấy lời này nhỉ? Hay cậu định nạp thiếp? Tôi nhìn cậu liếm liếm môi đáp:

– Không sao đâu, em lo được mà, mình em lo được tất.

– Mình em làm sao lo nổi? Hay là…

– Hay là… hay là… hay là sao?

– Tôi lấy thêm người để em bớt vất vả nhé.

Mới nghe đến vậy, một cảm giác hụt hẫng đã trào lên trong lòng. Trước kia tôi từng nói với cậu cậu muốn nạp thêm bao nhiêu thiếp, thậm chí nạp ai làm chính thất cũng được. Có điều giờ nghe câu này phát ra từ miệng cậu tôi lại thấy mất mát vô cùng. Tôi cố gượng cười đáp lại:

– Cậu muốn lấy thêm người cũng được. Nhưng mà thử hỏi ý kiến bu xem.

– Bu đồng ý rồi.

Đồng ý? Chẳng phải trước bu không muốn cậu Bảo nạp lẽ sao mà giờ lại đồng ý? Ừ mà cũng đúng thôi, cậu dù sao cũng là quan tri huyện, có ông quan nào chỉ có một vợ đâu chứ. Chỉ là… tôi đã từng nghĩ, đã từng tin cậu cả đời này chỉ yêu tôi, lấy một mình tôi, tự dưng giờ nghe cậu nói tôi thấy tim mình nhói lên. Tôi nhìn dinh phủ rộng rãi, còn bên kia mấy dinh trống, cậu có nạp thêm chục vợ cũng chẳng chết ai. Chỉ có mình tôi chết trong lòng thôi. Sao mà tự dưng tôi thấy chua xót thế này chứ, sống mũi cũng cay xè, mắt cũng ầng ậc như muốn trào ra.

– Sao thế? Sao em lại im lặng không nói gì?

– À… ờ… ờ thì cậu muốn lấy ai thì lấy, em không phản đối

– Nhưng em phải chọn cùng tôi chứ.

Lại còn chọn cùng nữa, cậu có biết tôi đang buồn thế nào không? Ừ thì tôi biết bản thân ích kỷ, nhưng tôi chỉ muốn cậu là của riêng tôi thôi. Nhưng lúc này tôi thực sự bất lực, niềm tin trong lòng cũng vỡ vụn. Tôi từng tin tưởng những lời nói của cậu, tin tưởng rằng bà cả không muốn cậu đi vào vết xe đổ của ông Lý. Vậy mà… tôi nhầm rồi.

– Dung, em sao vậy? Sao em khóc?

Cậu Bảo nhìn tôi, hoá ra nước mắt tôi lúc này cũng rơi lã chã, cậu đưa bàn tay nắm lấy tay tôi hốt hoảng hỏi:

– Em… em sao thế? Có chuyện gì vậy?

– Không… không có gì đâu cậu.

– Không có gì sao em lại khóc? Tôi làm gì sai à?

– Cậu không sai, là em sai, em ích kỷ.

– Nhưng mà là chuyện gì? Em nói rõ ra được không?

Tôi lắc đầu không đáp, chỉ lặng yên đưa tay quệt mấy giọt nước mắt. Cậu dường như không chịu nổi nữa, hai hàng lông mày chau lại nói:

– Em nói đi chứ, tôi làm gì em sao? Em… đừng khóc mà, tôi thật sự sợ lắm.

– Thì… thì do em ích kỷ thôi. Trước cậu nói bu bảo không muốn cho cậu nạp thêm vợ, cậu cũng nói với em chỉ yêu em, không muốn lấy thêm ai nữa giờ lên đến huyện cậu với bu lại thay đổi. Em bị bất ngờ, em chưa kịp tiếp nhận chuyện này.

Nói rồi tôi đứng dậy thế nhưng chưa kịp đi đã bị cậu kéo vào lòng. Cậu đưa môi chạm lên môi tôi cười lớn đáp:

– À… ra thế.

– Ra thế là sao? Cậu buông em ra đi, em mệt rồi, em muốn về ngủ.

– Em ghen à?

– Em không có ghen, em chỉ bị đau ở trong lòng thôi.

– Dung. Ý tôi là lấy người làm thêm về để phụ giúp em công việc chứ không phải nạp thêm lẽ. Nhưng mà tự dưng em lại khiến tôi muốn nạp lẽ. Em vất vả thế này hay tôi nạp lẽ thật nhỉ, thêm vợ để san sẻ việc cùng em.

Lúc này tôi không kìm được nữa nghẹn ngào đáp:

– Ờ thì cậu thích nạp lẽ nạp cả gì kệ cậu. Em không quan tâm được chưa, em làm gì có tư cách ngăn cấm cậu chớ.

Cậu Bảo lại cười, lắc đầu nói:

– Tôi làm gì dám lấy thêm vợ, tôi có mình em là đủ rồi. Lấy thêm cho đau đầu như thầy hả?

– Là sao? Là cậu có nạp thiếp hay không?

– Không, sao em ngốc thế. Tôi đã nói trên kia tôi lấy người làm về thôi mà. Nếu em không cần thêm người làm thì thôi, tôi cũng không lấy nữa

– Thật… thật không cậu?

– Thật mà. Tôi đã hứa với em không nạp lẽ rồi mà, ban hôn của vua tôi còn từ chối nạp thêm lẽ để làm gì.

– Cậu hứa thật nha.

– Thật, với tôi mà lấy thêm vợ bu cho tôi tan xác chứ đùa à?

Nghe đến đây tự dưng tôi bật cười khanh khách. Lắm khi tự dưng thấy mình ngốc thật chứ chẳng đùa. Tôi bật cười, ôm chặt lấy cậu, sao tôi lại nghi ngờ cậu, suýt nghi ngờ luôn cả bu chồng. Ánh trăng chiếu rọi lên gương mặt cậu, tôi khẽ xoa bụng, hi vọng đứa con trong bụng tôi giống cậu. Gái mà giống cậu sẽ xinh, trai giống cậu sẽ đẹp lắm đây. Tôi chẳng biết nói thế nào nữa, chỉ cười rồi ôm lấy cậu. Cậu cũng không nói gì một lúc sau bế thẳng tôi vào giường. Đêm ấy tôi ngủ ngon lắm, ngủ say trong vòng tay của cậu.

Những ngày tiếp theo khi đến huyện, tôi cũng làm quen được với cuộc sống ở đây. Cậu Bảo dạo này thường xuyên bận rộn, phần vì bận công vụ, phần vì điều tra vụ của thầy Năm Đồ. Tôi tuy bụng mang dạ chửa nhưng sức khoẻ vẫn tốt, toàn bộ chuyện trong nhà đều mình tôi quán xuyến. Tháng Chạp năm ấy, khi cậu Bảo vắng nhà thì đột nhiên bu chồng tôi đau bụng chuyển dạ. Cũng may tôi đã tính ngày trước nên đã mời bà đẻ về từ hôm qua hôm kia.

Lúc bu sinh trời bên ngoài rất lạnh, tôi sai người nấu cả mấy nồi nước lớn chỉ chờ cần là mang lên. Thầy Lý đứng trên hiên, đi đi lại lại. Khi vừa nghe có tiếng khóc oe oe thì cũng có tiếng bước chân của cậu Bảo chạy về. Bà đẻ bê đứa bé trong buồng ra cười lớn nói:

– Là một bé gái, trộm vía xinh đẹp quá.

Thầy Lý mới nghe đến đây đã cười tươi ôm lấy nó, tiếng khóc của nó rất lớn, vang cả một khoảng trời. Cậu Bảo cũng đứng bên cạnh ngắm nghía, tôi ngó đầu nhìn, con bé này nhìn nét giống bà cả y hệt. Cái mũi cao và đôi mắt đen láy không lệch đi đâu chút nào. Thầy Lý vừa bế vừa nựng, cậu Bảo thì bấu bấu tay tôi nói:

– Vừa được làm anh, mấy nữa lại lên chức làm cha rồi. Hai cô cháu sau này làm bạn với nhau được luôn ý nhờ

Tôi nghe xong tự dưng cứ thấy ngọt ngọt. Cậu Bảo vào thăm bà cả một lúc rồi bước ra nói:

– Báo với em một tin vui.

– Tin gì vậy cậu?

– Vụ án thầy Năm Đồ tôi đã làm sáng tỏ. Vua đang cho người lên núi mời thầy ấy trở lại.

Hai tin vui đến cùng một lúc, suốt mấy tháng nay cậu Bảo đã thức ngày thức đêm để minh oan cho thầy Năm Đồ cuối cùng cũng có kết quả. Sở dĩ vụ án này phải phá lâu vì có liên quan đến một vị quan trong triều, lại đã quá lâu giờ lật lại tốn rất nhiều thời gian. Ơn giời, cuối cùng cũng đã xong. Tôi biết mà, người tốt nhất định trời sẽ không phụ. Thầy Năm Đồ giỏi giang như vậy, chắc chắn sẽ là một vị lương y có tiếng. Cậu Bảo khẽ cười, trên má lộ rõ lúm đồng tiền sâu hoắm.

Bà cả đẻ được gần một tháng thì Tết. Từ ngày có đứa con gái bà vui hẳn, ông Lý cũng vui. Tự dưng tôi lại thấy hai ông bà giống như được hồi xuân lại. Có một đứa nhò trong nhà như sợi dây kết nối của cả gia đình. Ông đặt tên cho nó là Phạm Kiều Lan, cái tên mới nghe đã thấy mĩ miều.

Tết năm ấy cậu Bảo đánh thư mời cậu Thành lên phủ ăn Tết. Bà cả lâu ngày không gặp cậu Thành nói chuyện như bu con ruột thịt. Đêm giao thừa năm ấy tất cả mọi người lại quây quần bên bếp lửa hồng. Bà cả lại ngồi phát phong bao cho mọi người. Tôi khẽ đưa tay lên bụng, mấy tháng nữa thôi tôi cũng sinh hạ. Cậu Bảo ngồi bên cạnh nắm lấy tay tôi, ký ức giống như những dải sóng trào hiện lên rõ ràng trong đầu. Dưới ánh sáng của những bông pháo hoa tôi lại nhớ lại những ngày mới về nhà. Tôi nhìn cậu bật cười, cả tôi và cậu đều trải qua rất nhiều khó khăn vất vả, đến hiện tại vẫn cùng nắm tay nhau. Tất cả những chuyện đã qua tôi không bao giờ quên.

Mùng hai Tết cậu Thành vẫn chưa về và ở phủ lại có thêm một vị khách mới là cái Chi. Cái Chi lúc này bụng cũng lùm xùm, nó có chửa trước tôi cả một tháng. Khi vừa nhìn thấy tôi nó cúi đầu nói:

– Chị…

Từ chị phát ra từ miệng nó đầy ngượng ngùng, tôi bật cười gật đầu nói:

– Vào đi em, chồng em có qua đây không?

– Có ạ, đang đứng ngoài nói chuyện với anh Thành và anh Bảo.

Tôi thấy vậy thì nói:

– Thế em vào nhà đi cho đỡ lạnh, bu vẫn còn giữ phong bao lì xì dành tặng em đây.

Nó gật đầu bước vào trong, sau khi hành lễ với bà cả thì khẽ nói:

– Con cảm ơn bu… cảm ơn bu đã giúp đỡ vợ chồng con lúc khó khăn.

– Bu nào có giúp được gì, là chị Dung đấy. Mấy tháng nay bu chửa đẻ nên cũng không có làm gì được, tiền đó cũng là tiền tích cóp của chị Dung gởi cho hai đứa.

Cái Chi nhìn tôi rồi đáp:

– Dạ… dạ vâng.

– Thế tình hình nhà xã trưởng sao rồi?

– Anh Bảo cũng đánh tiếng với quan trên nên cũng không làm khó nữa, chỉ là chắc thầy con không được làm xã trưởng nữa.

– Thôi không sao, không làm xã trưởng thì thôi.

Tôi nhìn cái Chi chợt thấy tội tội, dạo này nó có chửa nhưng chắc lo nghĩ nhiều nên xanh xao lắm. Chẳng là xã trưởng dính dáng đến vụ thuế má nên bị điều tra rồi tịch thu tài sản, cậu Bảo dạo này vẫn đang điều tra xem có phải có ai giở trò không vì xã trưởng xưa nay liêm khiết có tiếng. Tôi cúi đầu khẽ nói:

– Bu, nhà mình còn đồng tôm giờ để trống. Hay là để cho bên nhà cái Chi mượn tôm ấy làm ăn.

– Ừ đấy, thế mà bu không nghĩ ra. Giờ để trống cũng phí, Chi, con bàn với chồng rồi qua đó nuôi tôm. Sang năm thi Hương còn có kinh phí mà nộp. Còn việc của xã trưởng để anh Bảo điều tra xem thế nào đã.

Cái Chi mới nghe nói vậy đã rơm rớm nước mắt. Nó nhận bao lì xì của bà cả cất vào túi rồi đi xuống bếp cùng tôi. Vừa xuống đến nơi đã lí nhí nói:

– Chị… em xin lỗi chị.

– Sao mà xin lỗi chứ, nói liên thiên đấy.

– Xin lỗi vì trước kia hiểu lầm chị. Đến giờ gặp khó khăn mới biết được lòng người.

– Hấp, là người một nhà cả em đừng nói linh tinh vậy chứ. Chị không giúp thì anh Bảo, anh Thành cũng không để em phải khổ đâu. Mấy tháng nữa đẻ rồi, đừng nghĩ ngợi gì nữa để đứa bé cũng được vui vẻ theo mẹ. Hiểu chưa?

– Vâng… em hiểu rồi.

– Ừ, bu đan cho mấy cái áo đấy, đợi qua rằm bu gởi qua cho.

Cái Chi gật đầu, đưa tay quệt ngang mắt. Bên ngoài tuy xuân nhưng lại có nắng ấm ửng hồng.

Tháng tư năm ấy cái Chi sinh một đứa con trai, cũng là lúc cậu Bảo tìm ra kẻ chơi xấu xã trưởng. Nhà xã trưởng có luôn hai niềm vui lớn. Đến tháng năm thì tôi cũng sinh. Trước ngày sinh ba ngày trời bão rất lớn, cậu Bảo làm quan tri huyện phải đi trông đê. Đến ngày hôm sau do mưa to gió lớn đê vỡ mất một đoạn, nước tràn cả ra đến bên ngoài. Cả ngày hôm ấy bụng tôi bắt đầu hơi đau râm ran, thế nhưng cậu Bảo vẫn chưa về. Đêm ấy cậu cũng không về, tôi chống tay lên lưng đi lại nhìn ra ngoài, trời mưa gió rít qua từng kẽ lá. Bà cả cứ vừa bế Lan vừa đi đi lại lại bên buồng tôi vẻ mặt đầy lo lắng nói khẽ:

– Sao giờ này vợ sắp đẻ nó vẫn chưa về.

Tôi tuy tủi thân, nhưng đê vỡ quan trên tỉnh, trên kinh thành còn xuống, cậu là quan tri huyện không đi sao được? Bà đỡ tôi cũng mời về mấy hôm nay rồi, an nguy của dân phải coi trọng lên đầu. Tôi nhìn bà cả đáp lại:

– Bu. Có bà đẻ đây rồi bu cứ yên tâm.

– Không phải bu sợ mấy cái đấy, bu chỉ sợ con buồn. Phụ nữ lúc này cần chồng nhất mà.

– Không sao đâu bu, từ sáng đê vỡ, giờ cậu ấy cũng đang phải đắp đê mà. Sau này đứa bé này ra đời, con sẽ tự hào nói về thầy nó bu ạ.

Bà cả nghe vậy thì bật cười:

– Bu biết con cũng buồn lắm chứ, nhưng phải công nhận bu khâm phục con. So với con, bu không suy nghĩ tích cực lạc quan được như vậy. Thực lòng… bu thương con quá đi mất.

– Đấy, không có chồng ở nhà nhưng có bu, có cô Lan, có thầy, rồi vú Bảy, con Mít đầy mà bu. Mai thầy bu con chắc cũng lên với chị Hạnh nữa.

Bà cả gật đầu không đáp, suốt đêm ấy cả tôi và bà đều không ngủ được, đến sáng hôm sau trời bỗng tạnh mưa, gió cũng ngừng thổi, trên bầu trời không còn mây đen u ám mà là một màu xanh thăm thẳm. Đến trưa tôi bắt đầu đau bụng đẻ. Khi vừa được đưa lên giường thì bên ngoài có tiếng thầy bu tôi với chị Hạnh oang oang. Tôi nằm trên giường nhìn ra, tự dưng nước mắt cũng chảy dọc thái dương. Thầy bu tôi còn xách cả mấy con gà mang theo. Tôi bặm chặt môi, bà đẻ đứng bên dưới khẽ nói:

– Để tôi kiểm tra thử xem nào.

Bu tôi ngồi một bên, bu chồng một bên, cánh cửa buồng cũng khép lại. Tôi dù biết cậu Bảo có lẽ sẽ không về kịp vậy mà vẫn cố ngóng trông. Miệng nói cứng nhưng trong lòng tôi muốn được cậu ở bên lúc này đến nhường nào. Ở dưới có tiếng bà đẻ khẽ nói:

– Phu nhân, rặn đi,

Tôi nghiến răng, lấy hết sức để rặn, tiếng bà đẻ lại cất lên:

– Mạnh chút nữa nào, cố gắng lên.

Tôi lại lần nữa nghe theo, đã từng nghe rằng đau đẻ là nỗi đau thể xác lớn nhất và khi trải nghiệm mới thấy thực tế nó đau đến như chết đi sống lại. Mồ hôi tôi lúc này cũng túa ra như mưa, bà đẻ lại nói:

– Phu nhân, cố lên nào, rặn đều đi.

Thế nhưng dù tôi đã rất cố gắng, từng nhịp từng nhịp đứa bé vẫn không chịu ra. Cả người tôi lúc này đã mệt lử, đột nhiên cánh cửa buồng mở toang, cậu Bảo lao vào nói:

– Dung… em… em sinh chưa?

Vừa nhìn thấy cậu bà đẻ khẽ đáp:

– Thưa quan, phu nhân vẫn chưa sinh. Nhưng mời quan ra ngoài, ở đây chỗ đẻ của phụ nữ bẩn thỉu…

Còn chưa nói hết câu cậu Bảo đã lao về phía tôi hơi quát lên:

– Bẩn thỉu cái gì chứ, là vợ là con ta chứ là ai mà bẩn thỉu. Hoàng hậu lúc sinh hoàng thượng còn vào được, ta chỉ là một mệnh quan nhỏ bé, kiêng cữ làm gì?

Bà đẻ nghe vậy không nói nữa mà nhìn tôi giục rặn tiếp. Tôi được cậu Bảo nắm chặt tay, nỗi xúc động trào lên, lúc này tôi như lấy được lại tinh thần bám lên tay cậu rặn từng nhịp. Đến nhịp thứ năm đột nhiên tôi nghe tiếng trẻ khóc oe oe. Bà đỡ bế nó lên tươi cười nói:

– Chúc mừng quan, là một bé trai còn có một vết ruồi son trên lưng. Ắn hẳn sau này sẽ làm lên công to việc lớn đây.

Tôi mới nghe đến vậy thì cũng lịm đi. Đến khi tỉnh dậy đã thấy cậu Bảo bên cạnh.

– Cậu… con đâu rồi?

– Bà ngoại bế rồi. Em… em có mệt không?

Tôi lúc này mới để ý chân tay cậu bị xước rất nhiều, trên cổ còn mấy vết gai cào, cánh tay thì chảy máu, tuy cậu đã thay bộ quần áo mới, cũng tắm rồi nhưng vết xước vẫn thấy rất rõ. Tự dưng tôi xót xa quá, sáng nay còn nghe đê mới đắp được phân nửa, có lẽ cậu đã cố gắng làm sớm để về với tôi. Tôi định lên tiếng đáp lại thì bu tôi đã mang thằng bé con vào. Nó ngoan như con cún con, nằm bú sữa chùn chụt. Cậu Bảo ngồi bên cạnh vừa ngắm nó vừa nói:

– Giống hệt tôi nhỉ.

– Con cậu chả giống cậu thì giống ai.

Cậu bật cười, vuốt vuốt mái tóc tôi khẽ nói:

– Cảm ơn em. Từ lúc lấy tôi tới tận bây giờ em lúc nào cũng phải chịu thiệt thòi.

– Thiệt thòi gì đâu, làm vợ quan đầy người mong chả được ý chớ. Cậu đừng nói liên thiên nữa, xem con này, nó đang hờn dỗi đấy.

Cậu nghe tôi nói vậy thì cũng không nói thêm gì nữa, ngồi lặng lẽ ngắm thằng bé con. Bên ngoài trời nắng ấm lắm… bão đã tan đi rồi, chỉ còn những tia nắng rạng rỡ chiếu rọi xuống dưới.

Cậu Bảo nhìn ra bên ngoài khẽ nói:

– Đặt tên con là Vũ Phong nhé.

Vũ là mưa, Phong là gió, ừ thì nó đẻ cũng dịp mưa gió thôi thì tên hay tôi cũng đồng ý luôn.

Năm tháng sau khi Phong đã cứng cáp, một buổi sáng tôi bế nó ra phơi nắng cùng Lan thì có tiếng bước chân của cậu Bảo. Hôm qua cậu bảo hôm nay có việc còn tưởng chiều mới về ai dè về sớm như vậy. Vừa nhìn thấy tôi với bà cả cậu đã nói:

– Có điểm thi Hương rồi. Thành nhà mình đứng hai bu ạ, còn thằng Tý nhà vợ thì đứng thứ năm, Phúc nhà chị Hạnh đứng thứ nhất, cao điểm nhất…

Tôi nghe xong run run, suýt thì gào lên. Thằng Tý đỗ thi Hương rồi, cả cậu Phúc, cậu Thành nữa. Bà cả cũng vui mừng khôn xiết nhưng vẫn hỏi lại:

– Chồng con Chi thì sao?

– Chồng nó cũng đỗ, đứng thứ mười lăm. Giờ sắp tới lại về nhà ôn để mấy nữa thi Hội.

Tôi quay sang bà cả khẽ nói:

– Bu… cho con về nhà một hôm nhé.

Bà cả bật cười đáp:

– Bu cũng về, bảo với thầy bu con ăn mừng chung với thằng Thành luôn.

Tôi gật đầu, cười không thèm giữ ý. Thằng Phong cũng toe toét cái miệng để lộ cả lúm đồng tiền bên má. Bé con còn chưa hiểu chuyện thấy người lớn cười cũng cười theo. Lắm chuyện quá mà. Tôi lén nhìn bà cả tự dưng lại nhớ đến câu nói:

“ Cây xanh thì lá cũng xanh,

Cha mẹ hiền lành để đức cho con”

Phải rồi… Phong… bu không dám chắc sẽ không phạm sai lầm trong đời, nhưng bu sẽ cố gắng tu tâm tích đức cho con. Đám hoa mười giờ khẽ rung rinh trước gió. Tôi ôm Phong vào buồng, hạnh phúc đến tột cùng.