Tiểu Tường Vi

Chương 67




Sau mấy lần hóa trị, tóc Kiều Vi mỏng và dễ rụng hơn trước, tóc cũng từ màu đen chuyển sang màu nâu nhạt như vào thuốc nhuộm.

Thật ra Hoắc Hào Chi chưa từng hầu hạ ai như vậy, anh sợ làm Kiều Vi đau, càng sợ làm tóc cô rụng, cho nên làm việc nhẹ nhàng như nâng niu món đồ bằng sứ.

Hơi nóng luồn qua tóc thổi tới vành tay, tiếng máy kêu đều đều, Kiều Vi cúi đầu, mơ màng thiếp đi.

Anh lặng lẽ cất những sợi tóc quấn quanh tay vào túi áo.

Vào đêm xuân, ánh trăng nhu hòa như màn sương mờ ảo, cành mộc lan dưới lầu cuối cùng cũng ra nụ, bầu không khí yên tĩnh dịu dàng.

...

Sang năm, viện bảo tàng vẫn gọi điện tới, lời nói chân thành tha thiết. Kiều Vi nghĩ tới nghĩ lui, quyết định cho họ mượn bản thảo mở triển lãm, dù gì mấy thứ đó cứ cất trong rương của cô cũng lãng phí.

Bệnh viện bắt đầu xen kẽ xạ trị trong thời gian hóa trị, đợt trị liệu này vừa kết thúc, mấy ngày liền Kiều Vi rất mệt mỏi, đi đường vô cùng khó khăn, Hoắc Hào Chi vốn định đi thay một chuyến nhưng lại không có cách nào lay chuyển được cô, cuối cùng chỉ đành lái xe đưa cô về chung cư của mình.

Trong cuộc trò chuyện đầu tiên, thái độ của đối phương khiến Kiều Vi không khỏi nghi ngờ. Ngay cả cô cũng không biết tung tích của ba mình nhưng lại có người biết.

Dù có phải bản thân nghĩ nhiều hay không, cô vẫn cảm thấy mình nên hỏi thử.

Trước giờ tới chỗ hẹn với đối phương, Kiều Vi sửa soạn lại đồ đạc.

Cô cúi đầu, lông mi rũ xuống, mái tóc mềm mại xõa sau vai, gương mặt tái nhợt, cánh môi cũng không một giọt máu y hệt món đồ sứ dễ vỡ, thậm chí không dám nhìn cô, sợ làm cô tan vỡ.

Di chứng hóa trị khiến Kiều Vi rất buồn ngủ, cô hận giây tiếp theo không thể trực tiếp nằm bò lên bàn ngủ một giấc, nhưng đồ còn chưa sắp xếp xong, cô vẫn cố gắng mở to mắt, có điều hành động thì càng ngày càng chậm.

Thấy cô nghiêm túc, Hoắc Hào Chi vừa thấy chua xót vừa khó chịu.

Kiều Vi lưu giữ tất cả món đồ ba mình để lại, chờ ông trở về, nhưng cô lại không biết kỳ vọng này cả đời đều không thể thực hiện.

Người từ viện bảo tàng tới, đeo găng tay trắng, niêm phong từng món đồ Kiều Vi cho mượn.

Trong đó có một nhân viên phụ trách việc kiểm kê, vừa vỗ về nhạc phổ vừa nghiêm túc kiến nghị: "Cô Kiều, mấy thứ này rất quý giá, mực nước cũng phai rồi, sau này cô nên cất trong môi trường chân không..."

Kiều Vi giật mình, gật đầu đồng ý.

Trong số những văn kiện này, ngoại trừ nhạc phổ của chính ba Kiều Vi sáng tác thì có một quyển rất dày, là nhạc phổ ông mượn của người khác cho con gái tập luyện, từng bài đều hợp với từng giai đoạn trong đời cô.

Kiều Vi chơi đàn từ bé đến mười mấy tuổi, bìa nhạc phổ màu lam đã cũ sờn, dù bảo quản tốt đến đâu thì các góc cũng không khỏi bị mài mòn.

Ở góc bìa là một hàng chữ thanh mảnh sắc nét: Tặng Vi Vi, ba mong con tập luyện chăm chỉ.

Từng câu từng chữ thể hiện kỳ vọng của một người ba dành cho con gái.

Thật ra Kiều Vi sớm đã không cần cuốn nhạc phổ này, bởi vì từng khúc nhạc trong đó, mỗi một câu phê bình đã khắc sâu trong ký ức của cô mười mấy năm.

Nhìn nét chữ đã nhạt màu, Kiều Vi giao cuốn nhạc phổ, sống mũi đột nhiên cay cay, hai mắt không mở ra được.

Nhiều năm như vậy, Kiều Vi cứ tưởng bản thân đã quen với việc che giấu cảm xúc thật trước mặt người khác.

Cô thậm chí không biết bây giờ chính mình tại sao lại không thể kiềm chế như vậy, cô chỉ biết trái tim như bị ai đó bóp chặt, rất đau.

Sợ rơi nước mắt trước mặt người khác, cô vội chạy vào toilet, mở vòi nước, lòng bàn tay che đôi mắt lại, nước mắt từ khe hở ngón tay tràn ra.

Thậm chí Kiều Vi còn không dám khóc ra tiếng, cô sợ mình không khống chế được, khóc hết ra tất cả tủi thân mấy năm nay phải chịu.

Mãi đến khi có người từ phía sau ôm lấy, Hoắc Hào Chi vùi đầu vào vai cô, dỗ dành: "Đừng khóc, Vi Vi... Em mà khóc anh sẽ buồn lắm."

Cô thở hổn hển, Hoắc Hào Chi chỉ biết nhẹ nhàng vỗ lưng cô.

Mãi đến khi tiếng khụt khịt dừng lại, cô mới buông tay.

Trong gương, hai mắt Kiều Vi ửng đỏ, nước mắt trên gò má còn chưa khô, Hoắc Hào Chi dùng ngón cái lau cho Kiều Vi, nghiêng đầu hôn lên tai cô.

"Người ta đang đợi bên ngoài, chúng ta ra ngoài được không?"

"Hào Chi." Cô khàn giọng hỏi.

"Anh đây."

"Em bỗng cảm thấy... Có lẽ ba em đã không còn nữa rồi."

Trước khi đi ba để lại tất cả những gì quý giá nhất cho cô, dì Quý muốn nói lại thôi, còn cả các dấu vết để lại... Trước đây Kiều Vi cũng từng có phỏng đoán nhưng cô không dám nghĩ, vẫn luôn tự lừa gạt mình.

Mãi đến hôm nay, cô đột nhiên suy nghĩ cẩn thận.

Trên thế giới này còn lý do gì có thể khiến một người ba vô cùng yêu thương con gái bỏ đi không có tin tức lâu như vậy?

Trái tim Hoắc Hào Chi thắt chặt, anh biết gạt cô không phải cách, nhưng anh càng không dám nói. Với tình trạng sức khỏe của Kiều Vi, chỉ một trận cảm thôi cũng đủ giết chết cô.

Mãi đến lúc tiễn nhân viên của viện bảo tàng đến cửa thang máy, anh vẫn do dự, mấy lần muốn nói lại thôi.

Bữa trưa ăn vào thì ít, nôn ra thì nhiều, không phải Kiều Vi không cố gắng, chỉ là cô không thể khống chế phản ứng cơ thể.

Lần này Kiều Vi đóng cửa toilet lại, không chịu để Hoắc Hào Chi theo vào, mãi đến khi nôn ra hết, rửa mặt đánh răng, sửa sang lại tất cả, cô mới ra ngoài.

Cô uống chút nước ấm, ngồi ngoài ban công, thở dốc, nhắm mắt lại hưởng thụ ánh chiều tà cuối ngày.

Hoắc Hào Chi quyết định mạo hiểm một lần.

Ba thật sự đã thành tâm bệnh của cô.

Trong y khoa, vết thương nhiễm trùng nếu chỉ bôi thuốc sẽ càng tăng tốc độ thối rữa, chỉ khi thoát sạch mũ mới nhổ tận gốc được.

Ba của Kiều Vi dành ba tháng cuối đời ở một khách sạn nhỏ cách thành phố G rất xa. Trước khi đi, ông được chẩn đoán là mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, điều trị không còn kết quả.

Trong ấn tượng của con gái, hình tượng của ông phải cao lớn, uy nghiêm, không gì không làm được.

Ông không muốn để lại cho Kiều Vi những ký ức ở bệnh viện không thấy ánh nắng, đau khổ đến tuyệt vọng, mỗi lần nhớ đế ba chỉ có dáng vẻ ông thở thoi thóp nằm trên giường bệnh.

Người nhạc sĩ tài ba này đã chọn ra đi trong lặng lẽ.

Không có tang lễ, không có bia mộ, tro cốt của ông được đồng nghiệp rải xuống biển ở thành phố G, mãi mãi dõi theo đứa con gái.

...

Ngay câu đầu tiên của anh, Kiều Vi lập tức ngồi thẳng dậy, mở to mắt, đợi Hoắc Hào Chi nói xong rồi lại ngẩn ngơ nhắm mắt lại.

"Đáng lẽ em nên biết từ sớm." Giọng cô rất nhỏ, cúi đầu che giấu cảm xúc.

Hoắc Hào Chi thấp thỏm sốt ruột nắm tay cô, tuyên tệ: "Có anh đây, Vi Vi. Anh ở đây."

Kiều Vi cũng nắm tay anh, lần này cô không khóc. Ánh chiều tà cuối cùng cũng buông xuống, cô dứt khoát kéo màn lại, đỡ tường đứng lên, mỉm cười.

"Em đói rồi, chúng ta đi ăn đi."

...

Quay lại bệnh viện, Kiều Vi nhận được bức thư ba cô để lại do dì Quý giữ, bức thư đã ố vàng.

"Ba con nói phải đợi con lớn thêm một chút mới cho con xem, nhưng dì không đành lòng. Bây giờ biết con bị bệnh, dì không muốn đau buồn nữa..."

...

Mãi đến khi màn đêm buông xuống, khách tới thăm đều đi rồi, Kiều Vi mới cẩn thận xé bì thư, mở tờ giấy ra xem.

Vi Vi của ba.

Lúc bắt đầu viết bức thư này, con đang tập Bản giao hưởng định mệnh với ban nhạc của trường. Bài của Beethoven con chơi chưa ổn lắm, chương đầu tiên không đủ mạnh mẽ, chất trữ tình của chương hai không đủ xoa dịu lòng người... Có điều ba biết con là cô bé thông minh, những điều này đến khi trưởng thành, con chắc chắn sẽ biểu đạt được.

Thời điểm rời khỏi thành phố G, ba đã mang theo bộ đồ tặng cho con ngày giáng sinh đầu tiên. Bộ đồ nhỏ nhắn, chỉ lớn hơn bàn tay ba một chút thôi.

Thời gian trôi qua nhanh thật, mười lăm tuổi, con đã cao đến vai ba, nhưng ba vẫn không thể quên được khoảnh khắc bế con từ tay cô y tá, lòng tràn ngập sự biết ơn xúc động.

...

Vi Vi, khi đọc bức thư này, con đã trưởng thành, đủ để bình tĩnh đối mặt với sống chết.

Vi Vi của ba, hy vọng con là cô bé may mắn, nếu không, cũng mong con sẽ học được cách kiên cường trong bất hạnh.

Bức thư chỉ có ba tờ giấy ngắn ngủi, chữ viết chỉnh tề, không có sai sót, hẳn là đã viết không chỉ một lần.

Kiều Vi lật đi lật lại bức thư, đọc từng chữ, mãi đến lúc ôm nó thiếp đi.

...

Hôm sau, Kiều Vi dậy rất sớm, mặc quần áo dày ra ngoài tập thể dục, lúc về, cô còn mang theo bữa sáng cho Hoắc Hào Chi mới tới bệnh viện.

Bà chủ tiệm hoành thánh run tay cho nhiều ớt, cố tình Hoắc Hào Chi là người đế đô sợ cay, ăn đến đầu đầy mồ hôi hột.

Kiều Vi nhìn mà bật cười, gần đây cô cười không còn dè dặt nữa, hàm răng trắng đều tăm tắp khiến người ta phải hoa cả mắt.

Chẳng ai dám cười Hoắc Hào Chi như vậy, Kiều Vi tinh nghịch như thế, anh lại không bực, vùi đầu tiếp tục ăn.

Giả vờ không biết anh vừa nhờ y tá thay cái gối ướt đẫm Kiều Vi ngủ đêm qua.

...

Tốc độ của ông Tần rất mau lẹ, Kiều Vi mới quay lại bệnh viện đã thường xuyên nhìn thấy các bản tin nói ông "xuống núi", muốn cải tạo khu phố cổ của thành phố G.

Nơi đó mang theo ký ức của một thế hệ, tin tức vừa được đưa lên, rất nhiều người mới nhớ lại đường Thượng Lâm đã đi vào quên lãng. Thuận theo ý dân, người đưa ra quyết sách bắt buộc phải cân nhắc, theo đó, kế hoạch của mẹ Kiều xem như hoàn toàn đổ sông đổ bể.

Bà ấy nghĩ ngay đến Kiều Vi, uống hai ly nước lớn, khi gọi điện thoại vẫn chưa nguôi giận.

"Đúng là mẹ đã xem thường con rồi, sao con cứ muốn đối đầu với mẹ ruột của mình hả?"

"Mẹ biết con không đối đầu với mẹ mà." Kiều Vi vỗ trán, cô không muốn cãi nhau, nhưng cô cũng không biết nên nói gì với bà ấy, "Con chỉ muốn cố gắng giúp ông ngoại có những ngày cuối đời hạnh phúc, nếu hiểu như vậy có thể làm mẹ thấy thoải mái hơn, thế thì mẹ cứ nghĩ vậy đi."

"Con đang ở đâu? Bây giờ mẹ tới tìm con!"

Kiều Vi nhìn phòng bệnh: "Có gì mẹ cứ nói trong điện thoại đi."

Mẹ Kiều đứng bật dậy: "Con bây giờ không muốn gặp mẹ luôn đúng không! Hoàn Hải đang lao đao, mẹ không yêu cầu con hiểu mẹ, chỉ cần đừng gây thêm rắc rối được không hả? Ông ngoại con chỉ ở viện dưỡng lão ăn ngon uống tốt, nhưng ba của Tịch Việt phải ngồi tù đây!"

Mẹ Kiều không nói suông, có thể khiến bà ấy lo lắng như thế thì Hoàn Hải gặp nguy hiểm là sự thật.

Kiều Vi im lặng.

"Con có biết Tịch Việt thích con không, nó đối xử với con có tốt hay không con chắc chắn biết rõ hơn mẹ. Ba nó vừa mới nói một khi mình vào tù, Tịch Việt phải kết hôn với con gái nhà họ Lâm, hợp tác với nhà họ Lâm vực lại Hoàn Hải. Con nhẫn tâm à?"