Tiểu Quả Phụ Đạp Gió Rẽ Sóng

Chương 72: Ngoại truyện 16




Hai người đi dọc theo bảng chỉ dẫn đến tận lối vào “Nhà cổ Lý thị”. Có một gian bán vé nhỏ, phải mua vé mới được vào tham quan, một người là hai mươi tệ. Dù sao cũng đã tới đây rồi, Quan Minh dứt khoát mua luôn hai vé rồi đưa Thi Niệm vào đi dạo một vòng.

Cứ ngỡ nơi này sẽ không lớn lắm, nhưng khi đi qua cửa và bước vào mới phát hiện ở bên trong là một tiền sảnh theo lối kiến trúc cổ, chiếm diện tích không hề nhỏ. Theo như lời giới thiệu thì Nhà cổ Lý thị được xây dựng vào thời Quang Tự, là một đại gia tộc vô cùng danh giá trong vùng và cũng là một hộ thương nhân giàu có nhất nhì một phương lúc bấy giờ. Dù bị mua đi bán lại nhiều lần nhưng ngôi nhà này vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Sau năm 09, chính quyền địa phương đã bỏ vốn trùng tu và mở cửa với bên ngoài, trở thành dáng vẻ hôm nay.

Hướng dẫn viên kể cho hai người nghe về quá khứ của Lý thị, họ chính là gia tộc nắm giữ số cửa hàng đổi tiền, hiệu cầm đồ, ngân hàng tư nhân và cửa hàng lương thực nhiều nhất ở vùng này.

Chỉ từ đại sảnh, sảnh chờ, lầu dành riêng cho người giúp việc ở là có thể nhìn ra sự sung túc của Lý thị lúc bấy giờ. Toà nhà chính có cấu trúc bao tròn, chọn áp dụng phương thức đặt bố cục độc đáo “Tứ thuỷ quy đường” của người dân Giang Nam, trên bảng giới thiệu viết rằng nó đã phản ánh quan niệm về gia đình “Tề tựu một nhà” của Lý thị. Điều này cho thấy gia tộc Lý thị cực kỳ coi trọng sự hòa thuận trong gia đình, nhà đông người ắt sẽ thịnh vượng.

Song hướng dẫn viên cũng nói thêm rằng người khởi xướng việc dựng nên tòa nhà này vào thời Quang Tự chính là chủ nhân của Lý gia khi đó, phu nhân của ông là thiên kim tiểu thư của một viên quan thương nghiệp ở Giang Nam. Lúc mới xuất giá đến phương Bắc, bà không thể thích ứng với mọi mặt đời sống, thường xuyên nhớ nhà, suốt ngày rửa mặt bằng nước mắt. Vị gia chủ này bèn xây cho phu nhân một dinh thự phỏng theo lối bố cục “Tứ thuỷ quy đường” của Giang Nam.

Nhưng điều mà Thi Niệm và Quan Minh không ngờ tới chính là những gì hướng dẫn viên sẽ nói cho họ biết. Căn cứ vào sự nghiên cứu của người đời sau, vị phu nhân quê Giang Nam kia đã qua đời trước khi ngôi nhà được hoàn thành. Thậm chí bà còn về nhà chồng chưa đầy một năm, cũng chưa để lại con cháu nào cho Lý gia. Trên gia phả Lý thị chỉ ghi lại tên bà, ngoài ra không có bất cứ thông tin nào xoay quanh bà. Vì vậy, trên thực tế vị phu nhân Giang Nam ấy lẽ ra sẽ là nguồn gốc của ngôi nhà này, nhưng bởi không có thêm tư liệu để chứng thực tính chính xác của lời đồn nên nó không được xuất hiện trong bảng giới thiệu.

Qua lời kể của hướng dẫn viên, trạch viện vốn mang phong cách đời nhà Thanh bỗng bị bao trùm bởi một tầng cảm xúc tiếc nuối man mác. Đi ra đằng sau là hậu hoa viên, hướng dẫn viên không đi theo họ, để họ tự mình đi dạo một chút trong vườn hoa.

Hoa hồng trong vườn nở rộ đón xuân, không khí tràn ngập mùi hương thơm ngọt ngào, ở giữa là một cái ao xanh biếc như ngọc bích, cá chép đỏ thong dong bơi lượn tới lui, gió xuân thổi hiu hiu. Vào thời khắc này, những cảm xúc buồn chán muộn phiền tích tụ trong lòng Thi Niệm nhiều ngày qua bỗng dưng tan biến không ít.

Quan Minh lo cô đi nhiều bị mệt, bèn dắt cô ngồi xuống nghỉ ở băng ghế nằm cạnh ao, rót nước từ bình giữ nhiệt cho cô. Thi Niệm vừa nhấp nước ấm vừa thưởng hoa, ngắm cá, khá là nhàn nhã.

Ngôi nhà nằm ẩn mình trong ngõ sâu, nếu không có bảng chỉ đường thì du khách bình thường chắc sẽ rất khó tìm tới đây, vì vậy họ đi dạo hồi lâu vẫn chưa gặp ai. Cơ ngơi rất lớn, nhưng cũng rất tĩnh mịch, Thi Niệm tựa vào vai Quan Minh, nói với anh: “Tiếc là vị phu nhân kia không đợi được đến lúc nơi đây hoàn thành, bằng không tâm trạng cũng sẽ khá hơn nhiều, nói không chừng không ra đi đâu, anh nói đúng không?”

Quan Minh cúi đầu nhìn thấy có một cây hoa dại nhỏ màu tím trồi lên khỏi khe đá nứt dưới chân mình, trông khá xinh xắn, anh khom lưng ngắt hoa lên, đáp: “Khó nói lắm, thể chất của các tiểu thư khuê phòng thời xưa cũng yếu ớt lắm. Trình độ y học khi đó có hạn, lại còn đột ngột chuyển từ phương Nam lên sinh sống ở phương Bắc. Nếu không thích nghi với thổ nhưỡng khí hậu thì có thể bị ốm sốt, tái phát bệnh tật, quả thực rất dễ mất mạng.”

Thi Niệm hít hà hương hoa: “Nhưng nơi này thoải mái thật đấy, em cảm thấy hít thở dễ dàng hơn nhiều, nếu có thể ở lại đây thì tốt quá.”

Quan Minh bện ngọn cỏ thành vòng tròn, anh từng thấy Thi Niệm đan tết vài thứ, cô làm rất khéo léo, nhưng anh không bắt chước được, anh cười bảo: “Nơi này được coi là bảo tàng dân gian rồi, có lẽ không ở được đâu, nhưng nếu em thích thì anh có thể tìm một miếng đất để xây một ngôi nhà gần tương tự cho em.”

Thi Niệm lập tức bật thẳng người che miệng anh lại, cười đùa: “Bỏ đi, anh không nói thì em quên mất đấy, quê em cũng ở Giang Nam, nghĩ vậy lại thấy đáng sợ lắm.”

Quan Minh cực kì phối hợp nắm lấy tay cô: “Xí xóa lời vừa nãy nhé, coi như anh chưa nói gì.”

Sau đó anh đưa thứ mình đang thắt từ cỏ dại có hoa tím cho cô: “Hình như anh bện sai rồi nhỉ?”

Thi Niệm nhận lấy, hỏi: “Anh muốn bện gì?”

Quan Minh chăm chú nhìn cô, đáp: “Bện một chiếc khuyên tai, đeo lên vành tai em.”

Nghe vậy, ngón tay Thu Niệm múa như làm ảo thuật, Quan Minh chưa kịp hiểu gì thì cô đã thắt xong một vòng tròn nhỏ, bông hoa nhỏ vừa khéo nằm ở phía trên. Cô đưa nó cho Quan Minh, anh bật dậy, cúi người cài lên tai cô, bóng dáng anh bao trọn người cô, cô ngước lên nở nụ cười dịu dàng với anh. Sau khi đeo xong, ánh mắt Quan Minh dán lên gương mặt e ấp của cô, vươn người nhẹ nhàng đặt chiếc hôn lên môi bạn đời.

Sân sau tịch mịch, hoa phất phơ trong gió, cá khoan khoái bơi lượn, chim thỏa thích hót ca, bên ao có hai người ôm hôn nhau cho đến khi nhịp thở của đôi bên trở nên hỗn loạn. Thi Niệm khẽ đẩy Quan Minh ra một chút, anh đành lùi lại hai bước, cô cười trong bất lực, bảo: “Chán thật đấy.”

Anh đề nghị qua bên kia tản bộ, Thi Niệm bèn từ từ đứng lên. Quan Minh chìa tay cho cô, cô nắm tay anh một cách vững vàng.

Đi thêm một đoạn nữa, có một con hẻm dài, không biết dẫn đến đâu. Vì tò mò nên hai người lại bước lên những viên gạch xám này, trên mặt gạch đã bị phủ một lớp rêu, Quan Minh sợ đất trơn nên vòng tay qua eo Thi Niệm, ôm cô vào lòng.

Những bức tường gạch cao ngất khiến người ta cảm nhận được bề dày lịch sử nặng nề, song không ngờ qua con hẻm này còn có một biệt viện, dường như nằm tách biệt hẳn với nơi vừa nãy. Ngoài cổng có một ông bác mặc áo bán vé, vé bên đây có giá mười tệ một người, Quan Minh hỏi ông trong đó có gì?

Ông bác cười ha hả đáp: “Đằng sau là bảo mã lâu, vào xem một chút đi.”

Ông bổ sung thêm: “Trong ấy có thể cầu duyên nữa đó, hai cô cậu là người nơi khác à? Rất nhiều thanh niên ở chỗ bọn tôi tới đây để cầu duyên, mua vé vào cửa sẽ được tặng lụa đỏ, treo ở bên trong linh lắm đấy.”

Vốn là một nơi có thể không thăm thú, nhưng vừa nghe nói đến chuyện cầu duyên thì Quan Minh lại trả tiền, muốn dẫn Thi Niệm vào xem thử.

Chỗ này không lớn lắm, dạo quanh một vòng chỉ mất chừng mười phút đồng hồ, chủ yếu là ngắm bảo mã lâu hai tầng mái đơn hình chữ Hồi (回), có lối kiến trúc mang đậm hơi hướm mạnh mẽ điển hình của phương Bắc. Nghe nói chủ nhân nơi này vốn kinh doanh hàng bạc, vậy nên ở cửa ra vào có một tiệm bạc nhỏ do tư nhân mở, trong đó có bán một vài món xinh xắn như vòng tay, dây chuyền bằng bạc.

Ở giữa sân có một pho tượng nữ nhân cổ đại, nàng có hai hàng lông mày cong cong như lá liễu, đôi mắt chất chứa ẩn tình, mong manh như nước, xung quanh nàng là một vòng bảo vệ bằng đá, dưới phần đất nằm trong vòng đá có mọc rất nhiều hoa nhỏ màu tím, giống hệt loài hoa mà Quan Minh vừa tình cờ đeo lên tai Thi Niệm lúc nãy. Trên lan can cũng treo đầy những dải lụa đỏ họ vừa nhận được, trên mỗi dải lụa còn có chữ viết.

Quan Minh và Thi Niệm quan sát kĩ hơn một chút, phát hiện tất cả mọi người đều viết lên những nguyện vọng tốt đẹp, còn có người vẽ những hình nhỏ xinh. Trên bàn có sẵn bút, Thi Niệm và Quan Minh tiến lại, tự viết lên dải lụa của mình.

Viết xong, Thi Niệm cười hỏi Quan Minh: “Anh viết gì thế?”

Quan Minh hỏi ngược lại: “Em thì sao?”

Vậy nên cô đề nghị: “Chúng ta trao đổi đi, anh buộc hộ em, em buộc cho anh.”

Quan Minh chìa dải lụa đỏ anh đang cầm trên tay cho cô, điều bất ngờ là hai người không hề bàn bạc với nhau nhưng lại cùng viết bốn chữ “Kiếp này có người” thật to.

Khoảnh khắc ngước lên, cây khô đón mùa xuân, gió ấm thổi tứ phía, hai người vừa nhìn nhau mỉm cười, vừa treo dải lụa đỏ của đối phương.

Treo xong, họ lại dạo bước vào tiệm bạc, nghe bảo trong ấy có thợ bạc có thể chế tạo trang sức bạc ngay tại chỗ. Thi Niệm nổi hứng thú, muốn đánh cho cục cưng một đôi vòng tay bạc, đương nhiên là Quan Minh cũng theo sau. Anh chạy tới nói với ông chủ rằng vợ mình đang mang thai, không tiện đứng lâu, hỏi xem ông chủ có thể lấy cho cô một chiếc ghế dựa mềm để côvừa ngồi sưởi nắng ngoài cửa vừa xem thợ bạc đánh vòng tay.

Quan Minh đứng ở một bên xem đôi chút, sau đó lại đưa mắt nhìn từ một góc khác ra giữa sân, ánh mắt anh dừng lại bên cạnh pho tượng đá hình người, phát hiện nơi đó khắc tám chữ lớn là: “Sinh khánh đồng âm, cầm đam hảo hợp”

Anh đứng ngắm pho tượng của nữ tử cổ đại nọ, mày liễu môi son, chỉ là dường như vẻ mặt ấy thoáng nét bi thương, trên bảng giới thiệu ở trước nàng viết rằng: “Vân Hi, sinh năm 562 sau công nguyên…” Phần giới thiệu không chi tiết lắm, có vẻ là truyền thuyết dân gian, song ở dưới còn có thêm hàng chữ nhỏ: “Muội muội của Dạ Sênh”.

Cơn gió nhẹ thổi qua mặt Quan Minh hàng mi dày của anh khẽ rung rinh, chẳng có dấu hiệu báo trước, mắt anh lại lần nữa dán lên chữ “Sênh” kia.

Sau một lúc lâu quan sát, Quan Minh trở lại phía cổng lớn, hỏi ông bác đeo bao tay nọ: “Xin hỏi một chút, người được tạc tượng ở bên trong là ai vậy?”

Ông bác quay người trả lời: “Nghe đồn cô nương này là người Bắc Tề.”

Quan Minh dựa người vào cửa, nghe ông kể về cô gái tên Vân Hi này. Năm Cao Dương soán vị thành công thì cũng là năm nàng được sinh ra tại thành Nghiệp Nam, phụ thân nàng là thuộc hạ của một vị tướng lĩnh Đông Ngụy. Cả gia tộc nàng bị diệt, chỉ còn mỗi mình nàng được lén đưa tới nhà họ hàng xa là Dạ gia khi vẫn còn quấn tã lót và đổi tên thành Dạ Hi.

Họ Dạ vốn là thương nhân giàu có, vậy nên ngay từ bé Vân Hi đã được sống trong cảnh sung túc. Sau khi trưởng thành, Vân Hi càng ngày càng xinh đẹp đến động lòng người, người tới cửa cầu thân ngày một đông. Nhưng nàng đã bí mật thề ước với biểu ca Dạ Sênh rồi, hai người lớn lên bên nhau từ bé, là thanh mai trúc mã. Dạ Sênh lớn hơn Vân Hi một chút, từ nhỏ đã cực kỳ thương yêu muội muội này.

Song người ngoài đều cho rằng Vân Hi là Dạ Hi, muội muội ruột của Dạ Sênh, vì vậy nàng chỉ có thể chôn giấu tình cảm này vào đáy lòng.

Năm Vân Hi mười sáu tuổi, Dạ Sênh tiếp quản chuyện làm ăn của Dạ gia, mỗi lần chuyển hàng là phải đi mất mấy tháng. Sau khi Dạ Sênh rời đi, người nhà họ Dạ hợp tác với bên thành Nghiệp Bắc, gả Vân Hi sang đó. Bên kia cũng đã sớm nghe nói con gái nhỏ nhà họ Dạ ở thành Nam đẹp nức lòng, nên thèm muốn Vân Hi xinh đẹp từ rất lâu. Sau khi Dạ gia đồng ý gả Vân Hi, gia đình thành Bắc nọ cho nhà họ Dạ rất nhiều món hời. Ở một góc độ nào đó cũng đã cải thiện được đời sống của dân chúng vùng trấn Nam lúc ấy.

Lập gia đình xong xuôi, Vân Hi mới nghe tin Dạ Sênh xảy ra chuyện trên đường áp tải hàng, sống chết không rõ. Nàng quá nóng ruột nên ngã bệnh, vừa đổ bệnh là mãi không thể khá lên. Thấy nàng mới được gả đến đã ốm liệt giường triền miên, nhà chồng không khỏi cho là xui xẻo, cộng thêm việc trong nhà đông thê thiếp, cuộc sống của nàng ngày một khó khăn hơn.

Năm thứ hai Vân Hi đi lấy chồng, Dạ Sênh trốn thoát và trở về thành Nghiệp Nam. anh bị mất một chân khi cố gắng thoát khỏi cửa tử, về đến nhà mới hay tin Vân Hi đã được gả cho người ta vào hai năm trước rồi.

Sau đó, anh lấy thân phận ca ca để đi tới thành Bắc thăm nàng một chuyến. Đây là cơ hội cuối cùng cho hai người gặp nhau trong đời, nhưng Dạ Sênh không thể hội ngộ Vân Hi.

Lúc ấy Vân Hi đã có thai, biết Dạ Sênh còn sống là nàng mãn nguyện rồi, rốt cuộc cũng không muốn Dạ Sênh thấy nàng mang thai con của người khác.

Dạ Sênh chờ cả ngày ở nhà chồng Vân Hi, không tài nào chấp nhận được việc người muội muội mà mình yêu thương từ nhỏ lại trở thành một người thiếp không danh phận của kẻ khác, lại còn bị nhà chồng khinh thường, sắp xếp cho nàng ở nơi lạnh lẽo nhất. Dạ Sênh rất muốn lật cái nhà này lên, cuối cùng sợ Vân Hi phải chịu khổ ở đây nên đành nhịn.

Ba tháng sau khi Dạ Sênh rời đi, Vân Hi chết vì khó sinh, cả người lớn lẫn đứa bé đều không giữ được.

Dân gian đồn rằng trước khi Vân Hi lâm bồn thì người hầu bồi giá duy nhất cùng đến từ Dạ gia cùng nàng đã phạm lỗi, suýt bị đánh chết. Ngay đêm đó, Vân Hi lén đưa nàng ta trốn ra ngoài, cứu đối phương một mạng. Trước lúc chia tay, Vân Hi đưa cho người nọ một phong thư, dặn dò nếu nàng ta về nhà họ Dạ mà có gặp ca ca nàng thì hãy đưa thư này cho anh.

Đáng tiếc là người hầu kia trốn đông trốn tây không biết đường, mãi mấy tháng sau mới về tới thành Nam, lúc này Vân Hi đã rời xa nhân thế lâu rồi.

Không ai biết nội dung trong lá thư Vân Hi viết là gì, nhưng sau khi nhận được bức thư, Dạ Sênh đã dẫn người chạy tới nhà chồng Vân Hi, đưa nàng về thẳng thành Nghiệp Nam và tổ chức lễ chôn cất lòng trọng.

Cả đời này Dạ Sênh không để lại hậu nhân. Đến tuổi trung niên, ông dùng hết gia sản để tạo phúc cho dân địa phương, chỉ chừa một căn nhà nhỏ làm nơi đặt linh vị cho muội muội. Nghe nói ngôi nhà ấy được trang trí rất đẹp đẽ, vô cùng xa hoa, trong viện có chân dung của Vân Hi và đủ các loại hoa mà nàng yêu thích lúc sinh thời. Ngày nào Dạ Sênh cũng ngồi trước chân dung của Vân Hi mấy cảnh giờ liền.

Năm Đại Tượng thứ hai của Bắc Chu, Dương Kiên công chiếm thành Nghiệp Nam và phóng hỏa thiêu rụi tòa thành này, Dạ Sênh cũng chết trong biến cố ấy, chẳng ai có thể nhìn thấy cảnh tượng trong gian nhà đó nữa.

Khá nhiều người được Dạ Sênh tạo phúc đã chạy trốn xuống phía nam, có người bảo rằng người hầu mà Vân Hi cứu sống ôm nỗi ân hận suốt cuộc đời vì không thể mang thư về kịp cho Dạ Sênh. Vì vậy nàng ta đã hợp táng cho hai người kia trên đường xuống phương Nam và thề nếu có kiếp sau nhất định sẽ trả ơn.

Về sau, câu chuyện bị thương và đẹp đẽ này vẫn tồn tại và được lưu truyền trong dân gian cho tới ngày này, không thể xác nhân tính thật giả của nó. Sau này, một bức tượng đã được dựng nên ở nơi đây, người ta nói rằng Vân Hi có dáng vẻ của một người mai mối, có thể dẫn dắt nhân duyên.

Ông bác nói cho Quan Minh biết rằng tám chữ lớn “Sinh khánh đồng âm, cầm đam hảo hợp” kia là do người đời sau đề lên, đám tử hoa địa đinh và nhị nguyệt lam xung quanh tượng của Vân Hi cũng được trồng theo lời đồn đại.

Quan Minh ngước mắt về phía Thi Niệm, nhìn thấy cô vẫn đang ngồi trên ghế mềm nghe ông bác kể chuyện xưa, gương mặt dịu dàng vô cùng chăm chú, chiếc áo khoác vải tuýt trên người và bông hoa tím nhỏ bên thái dương cô trông cực kì hài hòa, làm cô có vẻ xuất trần hơn cả những bông tuyết. Sự khó chịu của việc mang thai không khiến cô trở nên chật vật, cô vẫn sửa soạn cho mình thật tươm tất xinh đẹp trong phần lớn thời gian này.

Thấy anh nhìn mình, Thi Niệm mỉm cười đáp lại, sau đó tiếp tục xem thợ bạc đánh chiếc vòng tay nhỏ.

Quan Minh tán gẫu với ông cụ một hồi rồi trở lại đằng trước pho tượng, Thi Niệm xách cái túi đựng vòng tay bạc tiến lại bên Quan Minh, nói với anh: “Xong rồi, về không?”

Hai đầu lông mày của Quan Minh mờ mịt mây mù, bỗng mở miệng hỏi: “Em nghĩ Vân Hi đã viết gì trong phong thư nàng nhờ người hầu giao cho Dạ Sênh?”

Thi Niệm ngẩng đầu nhìn lên pho tượng kia, suy tư một chốc, trả lời: “Nàng ấy sinh ra ở thành Nghiệp Nam, cũng trưởng thành ở đây, sau khi được gả đến thành Nghiệp Bắc sống không sung sướng gì, chắc là nhớ nhà lắm. Chẳng phải ông bác kể rằng sau khi nhận thư thì ca ca nàng đã tức tốc đón hài cốt của nàng về nhà ư? Thế nên em đoán chắc hẳn trong thư viết: “Đưa ta trở về thành Nghiệp Nam.”

Cô xoay người đi ra ngoài, Quan Minh quay đầu nhìn bóng lưng Thi Niệm với vẻ hoài nghi, trong một khoảnh khắc, anh cảm thấy tóc gáy mình hơi dựng lên, một cảm giác chấn động khó nói nên lời len lỏi vào tay chân anh, hào quang từ trời cao rọi xuống người Thi Niệm, bóng hình màu trắng càng lúc càng mờ ảo. Gió thổi qua gốc cổ thụ bên cạnh, âm thanh sột soạt tựa như dấu hiệu của thời gian đang trôi qua, gợn lên từng làn sóng lăn tăn trong lòng Quan Minh.

Thi Niệm vừa đi vừa lẩm bẩm: “Trong tên của ca ca nàng cũng có một chữ “Sênh”? Ngẫm như vậy thì chữ này hơi “hung” một chút, có lẽ đại sư do mẹ anh mời nói có căn cứ đấy, thà tin tưởng còn hơn không tin, sau này em phải gọi tên anh nhiều hơn, để anh bớt “hung” đi, anh bảo phải không nào, anh Sênh?”

Cô dừng bước, ngoái lại, thấy Quan Minh vẫn đứng yên một chỗ, cô nghiêng đầu cười hỏi: “Sao lại có biểu cảm này? Không về à?”

Quan Minh lặng lẽ đi theo, nắm tay cô thật chặt.

Từ sau khi trở về vào ngày hôm ấy, Quan Minh tự nhốt mình trong thư phòng. Thi Niệm không biết vì sao anh lại đột nhiên trở nên im lặng ít nói, thường xuyên nhìn cô chằm chặp rồi ngẩn người, có vẻ suy sụp trông thấy.

Quan Minh nghe nói sau khi em bé được năm tháng thì phản ứng nôn nghén sẽ dần biến mất, nhưng với Thi Niệm chẳng những không mất đi mà còn ngày càng nghiêm trọng, anh không thể nào che giấu nổi nỗi lo lắng trong lòng mình nữa.

Thì Niệm cũng cảm thấy dạo này Quan Minh có phần khác thường, nhưng hỏi anh thì anh chẳng nói gì. Anh không tài nào nói cho Thi Niệm biết cô đã nói những gì với anh trong lâu đài cổ ở Washington, khi cô đang vật vã mê man bởi cơn sốt cao. Bản thân anh cũng không giải thích được, thậm chí anh còn tự nghi ngờ đêm ấy mình đã nghe nhầm. Vậy nên anh mở điện thoại lần mò tìm tòi ghi chép từ tận mấy tháng trước.

Anh được tiếp nhận nền giáo dục chủ nghĩa duy vật ngay từ khi còn nhỏ, cho dù có một bà mẹ tin thần tín phật thì anh cũng chưa từng nảy sinh hứng thú với mấy thứ tâm linh này, song một chuyến đi dạo tình cờ lại phá vỡ nhận thức ba mươi mấy năm sống trên đời của anh.

Anh rất khó có thể quy kết tất cả mọi thứ chỉ là trùng hợp, tựa như bị một sợi dây thừng kéo đi trong bóng tối, khiến anh bồn chồn cả ngày. Rất nhiều đêm anh mơ tới vị đại sư mà anh không hề có ấn tượng kia, ông nói với anh “Chữ Sênh mang tính hung, số mệnh định là tương khắc.”

Mỗi khi tỉnh giấc, anh lại ôm Thi Niệm thật chặt, bị gặm nhấm bởi một cảm giác sợ hãi khó tả.

Cho đến khi chứng ốm nghén của Thi Niệm một lần nữa làm ảnh hưởng tới chuyện ăn uống của cô, lại làm cô phải nhập viện, Quan Minh đỏ mắt ngồi trước giường bệnh nắm tay cô, cuối cùng cũng nói ra khúc mắc quanh quẩn trong lòng mình, bàn bạc chuyện bỏ con đi.

Nghe xong, Thi Niệm rơi nước mắt như mưa, cô không thể tin những lời này được thốt ra từ miệng Quan Minh. Đây là lần bất đồng nghiêm trọng đầu tiên kể từ khi họ sống bên nhau trong một thời gian rất dài, Thi Niệm đau khổ, khóc đến nửa đêm. Quan Minh yêu thương cô, nói với cô rằng dù không có con thì hai người vẫn sẽ sống tốt, cùng lắm sau này đi nhận con nuôi, anh không muốn để cô mạo hiểm như vậy.

Nhưng lần này dù anh có dụ dỗ kiểu gì đi nữa thì Thi Niệm cũng không nghe lọt tai. Họ không còn trẻ nữa, nếu lấy con ra thì chẳng biết cơ thể cô có thể có thai lại được không. Quan Minh rất yêu trẻ con, nếu cô không thể tự sinh ra con của hai người thì cả đời này cô sẽ phải sống trong tiếc nuối.

Từ trước tới nay cô vẫn luôn nghe lời Quan Minh, đây là lần đầu tiên cô kịch liệt phản đối anh, cô ôm cơn giận mà giằng co với anh mấy ngày nay.

Thậm chí cô còn nói thẳng với Quan Minh là dù có mạo hiểm tính mạng cũng phải sinh con ra bằng được, không thương lượng gì hết. Nếu Quan Minh không cho cô sinh con thì cô sẽ đưa đứa trẻ về New York, không trở lại nữa.

Một khi tâm trạng cô không tốt thì sức khỏe cũng xấu đi, Quan Minh chưa từng thấy cô tỏ thái độ cứng rắn như vậy, từ đó không còn nhắc lại việc này, tránh chọc tức cô, nhưng mấy tháng sau khi lâm bồn vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất của anh.

Kể từ khi rời bệnh viện về nhà, Quan Minh bỗng thoái thác rất nhiều công việc cần thiết. Sau đó những việc như hút thuốc, đánh bài, đi xã giao, thậm chí là ra ngoài cứ miễn được thì miễn. Khương Côn và Thương Hải qua thăm hai vợ chồng này, họ chợt phát hiện không biết thời gian gần đây Quan Minh trải qua những gì, có vẻ hơi suy nhược tinh thần, thỉnh thoảng đang tán gẫu với họ ở lầu dưới lại chạy lên xem Thi Niệm, cưng chiều cô như một đứa trẻ, khiến hai người lấy làm lạ.

Hầu như toàn bộ thời gian mang thai không suôn sẻ với họ cho lắm. Trong mấy tháng đầu của thai kỳ, chứng thiếu máu vẫn đeo bám Thi Niệm, sau đó kiểm tra ra đứa bé bị dây rốn quấn cổ hai vòng rưỡi, đã tám tháng rồi mà ngôi thai vẫn lệch. Thi Niệm bắt đầu mất ngủ thường xuyên, Quan Minh cũng rất lo âu, để xoa dịu tâm trạng của cô, anh hay trò chuyện cùng cô cho đến đêm muộn.

Thậm chí anh còn chuyển phòng ngủ của cô từ lầu trên xuống lầu dưới. Nhưng kỳ lạ nhất chính là Địa Chủ luôn yên lặng dè chừng Thi Niệm dạo gần đây bỗng trở nên hết sức quấn cô, ngay cả lúc đi ngủ cũng muốn chạm vào cô. Thi Niệm đi đâu nó theo đó, không rời nửa bước. Có đôi lần cô muốn ra sân đi dạo, nó cũng ngồi lù lù trên chân cô như một cục thịt, cô chỉ có thể đi đường vòng, sau mấy lần bước qua, cô phát hiện những chỗ Địa Chủ chặn cô lại đều có những cục đá to nhỏ không đều nhau, hình như nó đang cố ý cản trở vì sợ cô dẫm lên chúng vậy. Sau nhiều lần như thế, Thi Niệm cũng lờ mờ cảm thấy chuyện này là lạ.

Cô nhắc đến việc này trước mặt Quan Minh, dù sao Quan Minh đã sống chung cùng Địa Chủ mười mấy năm trời, nên không ngạc nhiên lắm. Anh bảo Địa Chủ sống rất lâu rồi, ngoại trừ chuyện không nói được thì nó biết rất nhiều điều, động vật cũng có linh tính nữa.

Vì nghe tiếng gừ gừ của Địa Chủ nên gần đây chứng mất ngủ của Thi Niệm được cải thiện trông thấy. Khi Thi Niệm mang bầu được tám tháng rưỡi, chẳng biết có phải vì đứa nhỏ trong bụng ngày càng khỏe mạnh và ương ngạnh hay không mà mọi triệu chứng khó chịu trong thai kỳ đều dần biến mất. Cô bắt đầu có tinh thần hơn, ngay cả sức ăn cũng tăng lên. Cô may cho bé con rất nhiều quần áo sơ sinh, giày nhỏ, Quan Minh cũng có thể cảm nhận được sự thay đổi tích cực của cô.

Vậy nên nghe theo lời đề nghị của bác sĩ, ngày nào cô cũng bớt thời gian ra ngoài đi dạo, đôi lúc còn đi bộ tới Bách Phu Trưởng. Quan Minh cũng dành phần lớn thời giờ để ở bên cô, nếu có chuyện gấp thì anh sẽ nhờ dì bảo mẫu đi theo.

Chỉ là mỗi khi cô sắp sửa ra cửa là Địa Chủ lại quấn bên chân cô kêu ầm ĩ, cô gắng ra ngoài cùng cô, nhưng nó đều bị ngăn ở sau cổng.

Một buổi tối, sau khi ăn cơm xong, cô và dì bảo mẫu ra ngoài đi dạo, Địa Chủ cũng bám theo cô như bình thường, rầm rì quấn kè kè bên chân cô, Thi Niệm vẫn dặn dò nó giống mọi khi: “Đợi ở nhà nhé, chị đi một lát rồi về ngay thôi.”

Đột nhiên, khi dì bảo mẫu đóng cổng, Địa Chủ bỗng trèo lên cây lựu bên cạnh, cứ lần theo cây lựu, leo qua tường bao rồi nhảy ra ngoài. Trước giờ Địa Chủ luôn rất ngoan ngoãn, cho dù thả ra sân cũng không đi linh tinh, phần lớn thời gian đều cực lười, thậm chí chẳng buồn bò lên cầu thang. Thi Niệm đứng ven đường nhìn thấy mà sợ hết hồn, gọi to tên Địa Chủ.

Nhưng đúng lúc này, Địa Chủ lại nhảy xuống từ tường rào, lao thẳng vào người Thi Niệm, bộ lông dài dựng đứng cả lên, trông như một chú sư tử con hung hãn. Thi Niệm hốt hoảng kêu lên một tiếng rồi lùi về sau, ngã nhào xuống đất. “Rầm”, có thứ gì đó bị đánh bay ngay trước mắt cô, dì bảo mẫu hét lên đầy kinh hãi, mùi máu tươi xộc vào mũi Thi Niệm. Cô đau đến mức ôm bụng, trong đầu toàn là ánh mắt cuối cùng đầy kiên quyết mà Địa Chủ nhìn về cô, xuyên vào đáy lòng cô. Những ánh chiều tà cuối cùng được mặt trời nhuốm thành sắc đỏ như máu tươi.

Thi Niệm lại được đưa vào bệnh viện, lúc ra khỏi phòng sinh, cô yếu ớt nhìn về phía Quan Minh, câu đầu tiên mà cô hỏi chính là: “Địa Chủ đâu?”

Quan Minh lắc đầu với cô. Vào lúc nguy cấp, Địa Chủ lấy thân mình để ép Thi Niệm lùi lại, sau khi bị chiếc mô tô chạy quá tốc độ tạt văng người, nó đã vĩnh viễn rời xa bọn họ.

Có người nói rằng đổi trọn vẹn ba kiếp mới được một đời bầu bạn, không biết họ đã dành mấy đời để bình an kiếp này đây.

Ngày 18/9, phía Trung Quốc quyết định áp thuế đối với số hàng hóa trị giá sáu mươi tỷ đô của Mỹ. Cùng ngày đó, Thi Niệm sinh ra một bé trai, mẹ tròn con vuông.

Quan Minh hoàn tất việc thu mua tập đoàn Phi La, dẫn dắt cộng sự tiến hành chuyển đổi sang mô hình ngành mới, bách phu trưởng cũng có thể dời đi, bắt đầu điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu, phát triển mạnh mẽ hợp tác đa phương, trở thành người dẫnđường trong thế cuộc mới.

Chiến tranh thương mại tiếp tục từng ngày, tình hình quốc tế vẫn đang biến hóa khôn lường. Họ là một trong vô số doanh nhân đang không ngừng thách thức các chiến lược thị trường mới nổi để bắt kịp bước chân của thời đại. Họ cũng là một trong những người đang phấn đấu cho sự thịnh vượng của đất nước và con người trên vùng đất này. Lịch sử vẫn đang tiếp diễn, nhưng không ai biết đâu sẽ là sân nhà của cuộc chiến mang tầm quốc tế tiếp theo.

Nhưng chỉ cần lòng yêu nước yêu nhà còn tồn tại thì xương sống của dân tộc sẽ không bao giờ sụp đổ.

–Hoàn–