Thi Niệm kết hôn với Quan Minh vào năm cô tròn ba mươi tuổi, đương nhiên đó không phải một việc ngẫu nhiên, Quan Minh không thông báo cho bất kỳ ai biết tin. Sau khi đón Thi Niệm xuất viện, anh đã biến cô trở thành vợ hợp pháp của mình.
Chỉ khi đang trên đường về, anh mới gọi điện cho hai cụ để báo họ biết tin này.
Hôm qua, mấy dì giúp việc đã tổng vệ sinh một lượt từ trong ra ngoài. Mới sáng tinh mơ, bà Quan đã bận bịu sắp xếp phòng cho Thi Niệm, để ý từ việc lớn như độ dày của giường đệm xem có phù hợp chưa, cho tới chuyện nhỏ là dép đi trong nhà có chống trượt hay không. Ở cái tuổi này, lâu nay bà không còn đứng bếp nấu ăn nữa, nhưng bởi con dâu nhỏ lần đầu đến nhà nên bà vẫn đích thân xuống bếp đeo tạp dề, tất bật làm vài món ngon.
Ông Quan vốn đang chơi chim trong sân, nghe thấy bà Quan nói chuyện điện thoại bèn bước vào nhà hỏi: “Chằng phải xuất viện từ sáng sớm à? Sao còn chưa tới thế?”
Bà Quan cúp điện thoại, không thể giấu vẻ vui mừng: “Hai đứa nó đi đăng ký kết hôn, cuối cùng thằng ba con của ông cũng có vợ rồi.”
Ông Quan chống ba toong, không nhìn ra chút cảm xúc nào. Bà Quan không biết liệu việc thằng ba tiền trảm hậu tấu như vậy có làm ông già nhà mình cảm thấy khó chịu hay không. Đúng lúc bà chuẩn bị quay người vào phòng bếp, đột nhiên nghe thấy ông Quan khẽ nói một câu: “Lấy bức tranh con bé gửi tặng tôi lần trước ra rồi treo lên đi.”
Dứt lời, ông lại đi ra sân, bà Quan ngoái đầu, mỉm cười nhìn theo bóng lưng ông rồi khẽ lắc đầu.
Đây là lần đầu tiên Thi Niệm đến chỗ ở của cha mẹ Quan Minh. Đó là một biệt thự ngoại thành nằm cách nhà cũ trong thành Tây không xa lắm, không lớn bằng nhà cũ nhưng thừa rộng rãi cho hai cụ sống, sân trước trồng đủ thể loại hoa cỏ, mùa này trăm hoa đua nở, mang lại cảm giác an nhàn như chốn thế ngoại đào nguyên.
Cô không ngờ anh trai và chị dâu của Quan Minh sẽ dẫn theo đám trẻ con tới, cũng như việc vợ chồng chị gái anh đều đang ở nhà cha mẹ anh để đợi họ về trở về. Khi vừa đến nhà, cháu nhỏ của Quan Minh chạy lại ngay, bi bô gọi: “Chú ơi.”
Sau đó nhóc lập tức quấn chặt anh, đòi Quan Minh đi chơi kiếm với mình, nhìn bộ dạng ấy là biết anh từng chơi với cu cậu không dưới một lần. Cháu gái anh nay đã trở thành cô bé mười mấy tuổi rồi, không còn leo lên người Quan Minh nữa, song cô bé vẫn rất thân với anh, mỉm cười gọi anh. Quan Minh vừa nói chuyện với cháu gái vừa che cho Thi Niệm ở sau lưng mình, xách cổ đứa cháu cù nhây dính như keo, nói với nó: “Trong bụng thím đang có em trai cháu hoặc em gái của cháu đấy, nghiêm chỉnh một tí đi, nếu cháu va vào thím, chú sẽ tét mông cháu.”
Cậu nhóc nghe vậy bèn ngoan ngoãn hẳn, nép sau tay áo Quan Minh, hé đôi mắt to tròn đen láy nhìn chằm chặp vào bụng Thi Niệm với vẻ tò mò.
Các thành viên trong nhà đều có việc làm ăn riêng, bình thường rất bận rộn, cả năm không có mấy lần được tụ họp thế này. Thi Niệm phát hiện khi ở trước mặt gia đình mình, Quan Minh sẽ luôn cởi bỏ khí chất khiến người ta khó lòng nắm bắt ấy, cả con người anh cũng trở nên dịu dàng hơn rất nhiều.
Lúc ăn cơm, cả nhà đặc biệt quan tâm đến Thi Niệm. Chị gái Quan Minh mang cho cô rất nhiều đồ dùng khi mang thai, chất đầy hai thùng lớn rồi đưa qua đây, chị dâu của anh thì xáp lại chia sẻ cho cô những kinh nghiệm mang bầu và nuôi dạy con của mình.
Tuy ông Quan không không nói câu nào với Thi Niệm nhưng vẫn ngồi ăn chung bữa cơm một cách hoà hợp.
Thi Niệm chỉ cần ngẩng đầu lên là có thể nhìn thấy bức vẽ “Gia hoà vạn sự hưng” được treo trên tường. Bà Quan dõi theo ánh mắt cô, nói: “Cha con mới gọi người treo lên đấy, mấy hôm trước ông ấy còn cầm kính lúp ngắm cả buổi, khen phong cách của con có cấu tứ rất sống động, còn trẻ mà đã có phong thái của một bậc thầy rồi.”
Bức họa này ẩn giấu tâm tư mà cô muốn bày tỏ với ông Quan, cô mong ông Quan có thể gạt bỏ khúc mắc trong lòng, hy vọng sự xuất hiện của cô sẽ không làm ảnh hưởng đến sự hoà hợp trong nhà. Cô gửi gắm nguyện vọng tốt đẹp này vào trong bức vẽ, truyền đạt tâm tư suy nghĩ của mình đến ba Quan Minh. Ông Quan chỉ nhìn là hiểu, vì vậy ông vừa lướt qua đã khép lại ngay. Thi Niệm biết ông vẫn chưa muốn chấp nhận thân phận của mình, nhưng trước khi lên đường vào ngày hôm đó, cô đã hứa với Quan Minh rằng sẽ không để ở trong lòng, thế nên dù ông Quan có tỏ ra lạnh nhạt với cô trước mặt rất nhiều người thì cô vẫn kiên cường mỉm cười, không làm Quan Minh khó xử.
Song cô không ngờ rằng khi trở về ngày hôm nay, bức hoạ này đã được treo lên, lại còn ở một vị trí rất bắt mắt. Thi Niệm quay sang nhìn ông Quan với vẻ xúc động, sau khi cân nhắc hồi lâu, cô mới thận trọng lên tiếng nói một câu: “Cảm ơn cha.”
Cả bàn cơm đột nhiên trở nên yên lặng, tất cả mọi người đều hiểu sức nặng của ba chữ kia. Rất khó để một ông cụ hơn tám mươi tuổi có thể từ bỏ tư tưởng thâm căn cố đế mà ông đã tuân theo cả đời, nhưng cuối cùng ông Quan cũng đã chịu nhún nhường và dành cho Thi Niệm một bậc thang trong bữa cơm gia đình này.
Ông Quan thôi làm bộ nghiêm khắc, đáp lại bằng một câu tương đối ôn hoà: “Ăn nhiều một chút, nghe nói con đang bị thiếu máu, không biết thường ngày thằng ba chăm sóc con kiểu gì.”
Lời này giống như đang bóng gió ám chỉ Quan Minh đối xử tệ với cô vậy. Tuy câu nói nghe như thể trách tội Quan Minh nhưng anh không khó chịu chút nào, trái lại còn nở nụ cười, cầm bát của Thi Niệm, múc thêm canh nóng cho cô rồi nói: “Nghe cha nói chưa? Ăn nhiều một chút, kẻo tội của anh nặng lắm đấy.”
Bà Quan bảo Thi Niệm hãy ở lại đây, để ông bà có thể chăm sóc cô, họ không yên tâm khi để cô ở một mình trong căn nhà lớn của Quan Minh.
Đúng là dạo gần đây Quan Minh cần phải giải quyết rất nhiều việc tồn đọng. Sau khi bàn bạc, tạm thời để Thi Niệm ở lại đây với hai cụ, anh có thể yên tâm hơn mỗi khi ra ngoài.
Thi Niệm nghe theo sự sắp xếp của mọi người. Bà Quan bảo Thi Niệm nếu thấy thiếu gì thì cứ nói với bà, bà sẽ cho người tới thu xếp.
Kỳ thực Thi Niệm không thiếu gì, hơn nữa cơ thể cô bây giờ cũng không tiện ra ngoài, đồ đạc trong nhà đã được bà Quan chuẩn bị rất chu đáo, chị gái và chị dâu Quan Minh mang tới rất nhiều đồ, cô thực sự không thấy thiếu gì cả. Được nhiều người quan tâm như vậy là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao với bản thân cô.
Cô là một cô gái dễ thỏa mãn, có lẽ là vì quanh năm phải phiêu bạt bên ngoài một mình, nếu có người đối xử chân thành với cô, cô sẽ ghi tạc trong lòng, báo đáp gấp bội.
Vậy nên trong một tháng ở lại nhà ba mẹ Quan Minh, mỗi khi rảnh rỗi, cô sẽ thiết kế quần áo cho bà Quan, đồng thời còn tự tay may một cái áo ghi lê để bà khoác thêm vào những lúc sáng sớm và tối muộn của tiết đầu xuân.
Bà Quan chăm lo cho nếp sinh hoạt của cô rất tỉ mỉ, ngày nào cũng đích thân kiểm tra thuốc bổ, bảo người ta mang lên cho cô đúng giờ, nóng lạnh hay đói, dường như bà để ý toàn bộ mọi thứ. Rốt cuộc Thi Niệm đã biết tại sao Quan Minh lại chu đáo cẩn thận như vậy, ấy là vì anh có một người mẹ khéo hiểu lòng người.
Thỉnh thoảng cô cũng viết chữ cùng ông Quan, nói chuyện phiếm cả ngày. Cô và ông Quan có thể trao đổi về tình hình quốc tế, sách lược kinh doanh, cũng như tán gẫu thưởng thức tranh chữ, thưởng trà, tìm hiểu trà đạo. Hiếm có cô nương nào trầm tính như cô, bản lĩnh lại rất vững vàng. Dần dà, ông Quan cũng cảm nhận được lý do con trai mình chung tình với cô gái này, ở cạnh cô là một việc khiến người ta cảm thấy cực kỳ thư thái.
Mặc dù có rất nhiều chuyện ông Quan không nói ra thành lời, nhưng hành động nhỏ của ông cũng đủ để Thi Niệm cảm thấy thái độ của đối phương với mình đang từ từ thay đổi.
Có lần Quan Minh đi công tác, đúng nửa đêm, cô đột nhiên cảm thấy cực kì khó chịu và nôn dữ dội đúng nửa đêm, vì sợ quấy rầy đến hai cụ, cô nằm bò trong phòng tắm, cố nén khóc, lúc sau, bà Quan và dì giúp việc đi vào mới đỡ cô về giường.
Đến hôm sau cô mới biết là do ông Quan nghe thấy động tĩnh, sốt ruột nên quanh quẩn ngoài cửa một hồi, chạy qua chạy lại đến mức đánh động người trong nhà, tới nửa đêm mà ông Quan vẫn chưa dám ngủ, bật dậy nghe ngóng tình hình bên ngoài.
Thi Niệm có thể cảm nhận được sự quan tâm và để ý này, mặc dù ông Quan chưa bao giờ nói gì.
Khi em bé được ba tháng, cô và Quan Minh cử hành hôn lễ, lễ cưới vô cùng long trọng. Cho dù đây là lần kết hôn thứ hai của cô nhưng bên thành Tây cũng không dám hạ thấp bất cứ tiêu chuẩn nào, trái lại, toàn bộ quy cách đều được chiếu theo mức cao nhất.
Song vì tình trạng cơ thể cô tương đối đặc biệt nên toàn bộ quá trình chuẩn bị đám cưới về cơ bản đều do người nhà họ Quan lo liệu. Tuy họ có trưng cầu ý kiến của Thi Niệm nhưng thực ra cô cũng không đề xuất điều gì. Quan gia đã mời đội ngũ nổi tiếng để thiết kế và sắp xếp quá trình tổ chức hôn lễ, đương nhiên đủ đẹp đẽ và chỉn chu rồi.
Duy chỉ có áo cưới và lễ phục là do Thi Niệm đích thân thiết kế, đó là bản thảo thiết kế mà cô vẽ lúc du học ở New York. Khi ấy cô và Quan Minh chưa về bên nhau, cũng không còn nhiều hi vọng về cuộc sống hôn nhân sau này, chỉ là lúc thiết kế tác phẩm, cô vô thức vẽ theo thân hình và dáng vẻ của Quan Minh. Không ngờ sau bao nhiêu năm, cô lại thực sự kết hôn với người đàn ông trong mộng của mình.
Bản phác thảo thiết kế được giao cho nhà may, Đỗ Hoán và mọi người tăng ca làm việc để kịp may ra tác phẩm. Chiếc váy cưới nhẹ nhàng thướt tha, mỗi một chi tiết đều tiệp với bộ tây trang, khiến cả hai cùng giúp nhau toả sáng. Hôm ấy, cô đẹp đến mức không gì sánh được, đứng bên cạnh một Quan Minh điềm đạm và phóng khoáng, ai nấy đều khen họ rất xứng đôi.
Khá nhiều bạn bè lâu năm và đối tác làm ăn lẫn bạn học cũ của Quan Minh nhộn nhịp tới góp mặt, chúc mừng anh cuối cùng cũng lấy vợ trước năm bốn mươi tuổi. Tin tức anh kết hôn gây xôn xao không nhỏ, đương nhiên cô dâu cũng được quan tâm chú ý. Tuy đã biết thân phận của Thi Niệm nhưng ai cũng muốn được tận mắt nhìn thấy cô gái khiến Quan Minh hồi tâm chuyển ý thành gia lập thất rốt cuộc là thần thánh phương nào?
Tuy nhiên, Quan Minh đã bảo vệ cô rất tốt, Thi Niệm không phải vất vả trong hôn lễ, Quan Minh cũng không để cô lộ diện mỗi khi phải tiếp đãi mọi người. Cho dù đám anh em có ầm ĩ đến đâu thì anh cũng dùng lời chặn họng, lấy rượu chắn rượu. Người ngoài cười đùa nói anh giấu vợ yêu quá kỹ, nhưng anh vẫn che chở cô một cách không e dè, đường đường chính chính.
Sau khi hôn lễ kết thúc, Quan Minh đón Thi Niệm rời khỏi nhà cha mẹ anh. Cơn nghén của Thi Niệm càng lúc càng nghiêm trọng, đã tới mức ngửi thấy một tí mùi dầu mỡ là buồn nôn, vì vậy người cô gầy hẳn đi.
Quan Minh muốn thay đổi môi trường sống cho cô nên dứt khoát đưa Thi Niệm tới Thành phố Ninh dưỡng thai. Nơi ấy có căn nhà hướng mặt ra phía hồ, xung quanh rất yên tĩnh, không khí trong lành, có thể khiến cơ thể cô thấy thoải mái hơn.
Nhịp sống ở thành phố nhỏ rất chậm rãi, thỉnh thoảng Thi Niệm lại muốn ra ngoài hóng mát một chút. Trên đường không có đông người và xe lưu thông, hiển nhiên chẳng phải hít khói xe hay đợi hết tắc đường, đội ngũ cán bộ cấp cao của Bách Phu Trưởng cũng ở đó, Quan Minh nghĩ chuyển đến Thành phố Ninh có thể khiến Thi Niệm ổn định hơn chút.
Khi rời đi, họ đưa cả Địa Chủ theo, chỉ sợ chuyến này phải tốn mất hơn nửa năm, Thi Niệm không muốn bỏ nó ở lại một mình.
Hiện tại Địa Chủ cũng có tuổi rồi, tuổi càng lớn thì dạ dày càng yếu, hấp thu không tốt, ăn khá ít, đôi khi cần bổ sung thêm ít men vi sinh và thuốc. Nửa năm trước, dì giúp việc chuyên chăm sóc Địa Chủ nhắc Quan Minh rằng nó đã bắt đầu bị thoái hóa thính giác, vì vậy hầu hết những lần họ gọi nó thì nó cũng chẳng để ý đến ai, chỉ lặng lẽ uể oải nằm ở một góc nào đó, cứ như vậy mấy giờ liền.
Song từ sau khi tới thành phố Ninh, Địa Chủ bất ngờ trở nên hoạt bát hơn hẳn, thi thoảng còn có thể nghịch đồ chơi của mèo với dì giúp việc hay Quan Minh,… Nhưng kỳ lạ là mỗi lần Thi Niệm trêu nó thì nó chẳng thèm để ý tới mà chỉ thường xuyên cuộn mình nằm ở gần đó, lẳng lặng nhìn cô.
Thi Niệm trải qua thời kỳ mang thai rất vất vả, cứ sáng sớm hay tối đến lại gặp hiện tượng nôn nghén nghiêm trọng. Hiện giờ cô thường xuyên bị buồn nôn, thi thoảng còn không ăn được gì, chỉ toàn nôn khan. Dáng vẻ rưng rưng nước mắt của cô nhiều lần làm cổ họng Quan Minh thắt lại bao lần vì quá đau lòng. Cơ thể của người đang khó chịu trở nên yếu ớt lạ thường, có đôi lúc Quan Minh phải ôm cô vào lòng như đang dỗ dành môt đưa trẻ thì mới có thể trấn an tâm trạng của cô.
Để giúp cô ăn được chút gì, Quan Minh đã dốc cạn tâm tư. Ngay cả dì giúp việc cũng thẳng thắn khen anh là người đàn ông kiên nhẫn nhất mà bà từng gặp, sự nhẫn nại và dịu dàng ấy đều dành hết cho bà xã của anh.
Cứ cách một thời gian là bà Quan lại mang tới cho cô các loại đồ bổ quý giá. Bà đã nhiều tuổi, bôn ba đi lại không dễ dàng gì, Thi Niệm bảo bà đừng vất vả như vậy, nhưng bà Quan không yên tâm về cô. Tình trạng của cô luôn làm bà nhớ tới lúc bà mang thai Quan Minh, cũng từng dạo qua quỷ môn quan một vòng, vì vậy cứ nhìn cô là bà lại thấy thương vô cùng, vả lại bà còn lo lắng rằng con dâu không có mẹ ruột ở bên, sợ cô không có lấy một người để trò chuyện bầu bạn khi mệt mỏi khó chịu.
Khi mới tới Thành phố Ninh, Thi Niệm ở nhà cả ngày chẳng chịu đi đâu, ngày nào cũng uể oải mệt mỏi, chỉ thích ngủ. Quan Minh rất lo cho tình trạng sức khoẻ của cô, cứ có thời gian rảnh là anh lại đưa Thi Niệm đi dạo quanh nhà. Được hít thở không khí trong lành và đi lại nên trạng thái tinh thần của cô khá lên trông thấy.
Có lần, hai người rẽ vào một con đường không xa nhà lắm, đó là một lối nhỏ không hề có xe cộ, họ sống ở nơi này lâu như vậy mà chưa bao giờ đi qua nó, cũng bởi một sự vô tình nên mới đi dạo đến đây. Hai bên đường là những bụi cây rụng lá mà Thi Niệm chưa từng thấy, chúng mang lại cho người ta cảm giác đây là một con đường tịch mịch và quanh co.
Thấy bước chân cô dừng lại, Quan Minh dứt khoát nói: “Đi một chút đi.”
Anh dắt cô đi trên lối nhỏ này, Thi Niệm nhìn bụi cây nở những bông hoa trắng nhỏ ở hai bên đường, phiến lá tròn như từng đốm lửa đỏ, cô hỏi: “Anh biết đây là cây gì không?”
Quan Minh giải thích: “Lục Đạo Mộc, trong sách cổ ghi lại rằng ở Sơn Tây Ngũ đài sơn của Văn Thù Bồ Tát có mọc rất nhiều bụi cây này. Nhà Phật chú trọng lục đạo luân hồi nên loài cây này được gọi là Lục Đạo Mộc, có nơi gọi là Lục Độ Mộc, chính là để chỉ nó.”
Thi Niệm cười bảo: “Anh nghĩ trên đời này có luân hồi không?”
Quan Minh chỉ xuống tảng đá dưới chân, đỡ cô đi lách qua, trả lời: “Anh là người thuộc chủ nghĩa duy vật.”
Thi Niệm ló đầu nhìn, thấy đằng trước có cái bảng chỉ dẫn, bên trên viết “Nhà cổ Lý thị”, cô hơi ngạc nhiên, hỏi: “Trong lối nhỏ này có cảnh đẹp gì sao?”
Quan Minh bảo cô: “Đi xem một chút nhé.”