Tiểu Noãn Đông

Quyển 1 - Chương 1-2




Edit: Yunchan

Vào giờ Dần, trăng sáng vằng vặc làm ánh sao lu mờ.

Lúc cô tỉnh lại thì trời còn chưa sáng và vẫn còn rét mướt. Trong không khí lãng đãng mùi đậu, cô bò ra khỏi tấm chăn ấm, co ro xuống giường trong trời đông giá rét, xỏ vớ vào rồi đi qua cái rèm cửa ngăn cách gian phòng, dáng cô chưa cao lắm nên rèm cửa còn chẳng chạm được tới đầu cô.

Sau rèm cửa là một người đàn ông cao ráo chít khăn trùm đầu đang đứng ở trước cái nồi lớn, tay ông cầm cái thìa to đùng cố sức khuấy đều nồi nước đang sôi lục bục. Lúc ông thấy cô thì gật đầu rồi chỉ vào chiếc bánh màn thầu trên bàn.

Cô ngồi vào cạnh bàn, cầm lấy chiếc bánh màn thầu ấm ấp cho vào miệng, ăn chung với sữa đậu nành còn đang bốc khói.

Bánh màn thầu mang theo vị ngọt dìu dịu và thoang thoảng mùi lúa mạch, cô từ từ nhấm nháp bữa sáng của mình, thỉnh thoảng chấm ít nước tương và nếm thêm vị ngọt ngào của sữa đậu nành.

Nước tương mà cha cô ủ tuy không mặn mòi nhưng vị rất thơm, còn ngon hơn nhiều với đồ bán ngoài hàng nữa.

Cô vừa nhai bánh màn thầu vừa nhìn cha đổ chỗ sữa đậu nành vừa nấu xong vào cái thùng gỗ mắc vải thưa, hơi nước bốc lên gần như ngập đầy cả phòng, miếng vải thưa lọc chỗ sữa đậu nành đục ngầu thành dòng sữa trắng tinh mịn màng như lụa, rồi cha nhấc cái túi vải thưa lên vắt nhẹ, khiến chất lỏng còn dư bên trong chảy hết ra ngoài.

Trong túi vải bốc hơi nghi ngút còn thừa lại bã đậu. Ăn xong bữa rồi cô bèn mở cửa tiệm ra ngoài, cầm cây sào tre chống cửa sổ rồi trở lại phòng. Cha giao bã đậu cho cô, cô lấy bã đậu nhào chung với nước tương và bột mì đã được cha nhào mịn, sau đó bốc một nắm bột nho nhỏ lên để bắt đầu công việc hôm nay.

Cô còn nhỏ nên chưa thể làm việc gì quá nặng, nhưng mấy thứ như chuẩn bị đồ dùng lặt vặt thì cô vẫn làm được. Cô quấn dọc theo trán một cái khăn trùm đầu giống như cha, mang đũa bày lên mấy chiếc bàn thấp bên ngoài, rồi lấy nệm mây kê lần lượt cạnh bàn, sau đó bê chén sành đựng sữa đậu nành ra ngoài cửa, và cũng không quên chỉnh lại củi lửa trong bếp lò dưới nồi đậu nành.

Sữa đậu nành làm từ đậu phụ là sữa sống nên không thể uống ngay mà phải nấu lại lần nữa mới uống được, sữa mà cha và cô uống đều là sữa đậu nành chín còn thừa hôm trước, chỗ sữa đó không thể bán cho khách vì cha luôn giữ vững lập trường phải bán đồ làm trong ngày, cho nên ngày nào tới giờ sửu cha cũng dậy sớm làm việc quần quật.

Chờ cho mẻ đậu nành đun sôi bùng bục rồi cô mới rút củi ra để nó không bị quá lửa, xong đâu đấy cô bèn chạy ra sân sau bê đống ván gỗ đặt đậu hủ đã được rửa sạch từ hôm qua lên nhà xếp chồng một bên, rồi vớt từng lớp đậu trắng ngần lên tấm ván, cuối cùng mang nó dựng bên cửa sổ.

Trời lúc này đã hửng sáng, cơn gió thổi qua hiu hiu, cô ngẩng đầu nhìn những hộ liền kề đã bắt đầu có dấu hiệu sinh hoạt.

Cô múc một nồi đậu nành nhỏ, dùng giỏ trúc đựng mấy miếng đậu hủ mà cha vừa làm xong chạy luồn qua cửa sau để sang nhà đại nương nuôi gà, cô còn chưa gõ cửa thì đại nương đã mở cửa, mỉm cười chào hỏi cô.

Cô toét miệng cười rồi đưa đậu nành và mấy miếng đậu bì cho đại nương, đại nương né sang bên chỉ ra đằng sau nói vài câu, cô gật đầu biết đại nương không rảnh, bèn cầm cái giỏ trúc rỗng chạy vào sân sau tìm trứng gà.

Sân nhà đại nương không nhỏ nhưng gà mái chỉ làm ổ vài chỗ, mấy năm trước lúc cô mới bắt đầu tới đây nhặt trứng thì luôn luôn bị con gà mái hung dữ mổ cho thương tích đầy tay, dí chạy vòng quanh sân, nhưng giờ thì cô đã có bí quyết rồi, chẳng mấy chốc cô đã xách một rổ đầy trứng gà còn hơi ấm về nhà.

Chỉ mất một lát mà trời đã sáng bửng, cô ở sân sau múc nước rửa từng quả trứng một, sau khi chắc mẩm quả nào cũng sạch bóng thì mới ôm giỏ trúc trở lại sân trước.

Cha đã bắt đầu dọn chỗ đậu hủ làm xong lên ván gỗ, cô bèn vòng ra ngoài cửa treo lá cờ tiệm lên cửa sổ, gió sớm thổi bay lá cờ làm lộ ra vài chữ thật to in trên nó.

Cô nhìn mấy chữ to sống động kia mà chẳng hiểu nổi nó viết gì, nhưng đây là lá cờ mà mẹ cô thêu bằng từng đường kim mũi chỉ, nên mỗi khi cô treo lá cờ đã cũ kỹ phai màu này lên thì tâm trạng luôn rất vui, cảm giác như mẹ cũng đang ở đây với cô và cha vậy.

Cô treo cờ tiệm xong thì nhóm lửa lò ở ngoài cửa, đặt nồi lớn lên lò múc nước xong thì cha đã ôm lồng màn thầu đầy ắp ra khỏi nhà.

Chỉ chốc lát sau lồng hấp bắt đầu bốc hơi, cô cũng không quên canh chừng củi lửa dưới nồi đậu nành bên cửa sổ để giữ nó luôn ấm áp.

Thường thì vào giờ này trên đường đã lác đác vài ba người qua lại, một khách quen đã tới chỉ vào lồng hấp bên kia, cô lắc đầu ý bảo nó chưa chín, vẫn chưa ăn được.

Cô cười chỉ qua trứng gà, người khách quen gật đầu rồi trỏ vào đậu nành, cô gật đầu tỏ vẻ đã hiểu, người khách quen bèn chọn một chiếc bàn thấp rồi ngồi xếp bằng xuống. Cô nhấc cái ấm dầu nhỏ đổ một ít vào cái vỉ sắt nóng, đánh đều trứng gà trong bát, sau đó xoay người cán phẳng cục bột mì nắn chung với bã đậu sáng nay, nhanh chóng thả lên mặt trứng gà trên vỉ sắt, rồi dùng xẻng trở mặt.

Chỉ qua hai lần lật cô đã rán trứng xong và bày nó lên đĩa, bưng lên chung với bát đậu nành.

Vị khách này vừa ăn thì vị khách khác đã tới, cô cần mẫn bán điểm tâm sáng luôn tay, múc sữa đậu nành, rán bánh trứng, đợi bánh màn thầu hấp chín rồi cô cũng bán luôn cả nó. Khách khứa tới lui nườm nượp cũng không quên tiện đường mua ít đậu bì và đậu hủ.

Cha làm xong sữa đậu nành rồi thì cũng tiếp tay bán sữa và rán bánh, còn cô thì tất bật lượn quanh giữa những chiếc bàn thấp ngoài cửa hàng như con thoi, để dọn dẹp thìa và bát đũa.

Người ở đây rất thích tay nghề của cha, hầu hết khách tới ăn đều sẽ quay lại lần nữa, bởi thế nên tính từ lúc cô treo tấm cờ tiệm lên thì cha và cô sẽ phải làm quần quật tới buổi trưa mới được nghỉ xả hơi.

Cho dù ngày nào hai người cũng bận rộn tới mức eo đau chân mỏi, nhưng cô thích được giúp một tay, cô thích bán điểm tâm và đậu hủ với cha vì ở đây cô có ích, hơn nữa những người lớn sẽ khen cô, cô nhận ra họ thích mình nên luôn cười tủm tỉm chạy tới chạy lui.

Tuy cô không thông minh nhưng cô có ích, cô biết mà.

Trời xanh thẳm gió trong lành.

Sau khi ăn xong bữa trưa thì cô tháo cờ tiệm xuống, cha dọn rửa nồi và lồng hấp, cô thì bê đống ván gỗ xếp đậu hủ ra sân sau rửa. Buổi chiều không bận tối mắt tối mũi như ban sáng, nên nhân lúc trời trong cha bèn vào trong núi chở nước, cô tiện thể mang quần áo bẩn của hai người ra bờ sông giặt. Nước dùng trong nhà đều là nước suối do cha chở riêng từ trên núi xuống, làn nước trong leo lẻo dùng làm đậu hủ thì cực ngon, nên không thể dùng phí phạm được.

Cha thả cô ở bờ sông rồi dặn giặt đồ xong phải về nhà ngay, cô gật đầu tỏ ý mình biết rồi, cha xoa xoa đầu cô rồi lái xe đi mất.

Cô tới gần bờ sông xắn tay áo lên, kéo làn váy cột chắc vào chân, cởi giày ra, xong hết mới ôm cái giỏ trúc đi vào lòng sông.

Nước sông vào thu lạnh như băng, cô chạm thử mấy lần mới có thể miễn cưỡng giẫm vào nước, song vì quá lạnh nên cô giặt quần áo chưa bao lâu thì hai tay hai chân đã đỏ ửng cả lên. Y phục của cô vốn nhỏ nhắn nên chỉ giặt loáng cái là xong, nhưng y phục của cha ngâm vào nước thì nặng hơn nhiều lắm. Cô học theo cách của các đại nương đập gậy gỗ vào chúng. Cô nhớ rõ lần đầu tiên cô tới đây giặt quần áo là hai năm trước, khi đó cô mới tám tuổi, vì giặt không đúng cách nên trượt chân té vào nước mấy lần liền. Nhưng một hai lần sau cô đã khôn lên, biết phải đứng trên tảng đá trơn ở giữa sông thế nào mới không bị té sấp, biết phải dùng lực bao nhiêu là vừa đủ.

Bốn mùa trong năm cô thích nhất là giặt quần áo vào mùa hè, vì lúc ấy thời tiết mát mẻ nhất, còn trời đông sẽ làm cô buốt tới nỗi răng run lập cập, đông lạnh tới chân tơ kẽ tóc.

Vất vả lắm mới giặt xong tất cả y phục, cô vắt khô hết quần áo và đồ đùng hằng ngày rồi bỏ lại trong giỏ trúc.

Thật ra lúc đầu cô cũng tới đây giặc quần áo vào giấc trưa như các đại nương vùng này, sau đó vì bận phụ cha nên mới đổi sang buổi chiều. Vả lại tiết trời sau giờ ngọ sẽ ấm hơn và người cũng thưa hơn, cũng không phải chạm mặt quá nhiều cô nương.

Chẳng phải cô không thích chơi chung với các nha đầu cùng tuổi, mà đơn giản là cô thích ở một mình. Thật ra cũng có lúc cô cố kết bạn với những người khác, nhưng lúc nào cũng vậy, cô sẽ bị bỏ lại, cô biết những cô nương đó không cố ý, nhưng chuyện cứ xảy ra tự nhiên như nó phải vậy.

Khi cô không biết làm sao nói chuyện với họ thì bị lạnh nhạt là bình thường thôi.

Ai cũng có quá nhiều chuyện phải lo, thời gian để gặp mặt nhau tán chuyện chỉ vào nửa canh giờ giặt quần áo ngắn ngủi, vậy thì còn ai rảnh rang để ý tới cô nữa chứ.

Ban đầu cô cũng cảm thấy buồn, nhưng lâu thì cũng quen dần.

Tới đây buổi sáng, nếu gặp người ta thì đối phương ngượng mà cô cũng ngượng, chi bằng tránh giờ đó ra để chiều hẵn quay lại. Mọi người được thoải mái, bản thân cô cũng dễ chịu hơn, không cần chú ý mãi chuyện mọi người đang nói gì.

Giặt y phục xong, cô ngồi trên tảng đã lau khô tay chân rồi xỏ vớ vào.

Gió thổi lá rụng bay vượt qua cô, rồi rơi vào mặt sông.

Con sông này sẽ chảy xuôi xuống một cái ao thật to thật bự ở lân cận, lần trước cha đưa cô tới thành Lạc Châu vòng qua cái ao đó một ngày một đêm mà còn chưa hết một vòng nữa.

Lúc đó cô đã định hỏi cha là cái ao này bao lớn, nhưng nào giờ cha không phải người nói nhiều, sau khi mẹ bị bệnh mất đi thì cha càng kiệm lời hơn. Rồi một hôm cô cũng hỏi cha vấn đề này, nhưng cha chưa kịp trả lời rõ thì đã tới cổng thành rồi, sau đó thì cô cũng quên bẵng mất chuyện hỏi lại.

Một cơn gió nữa lại nổi lên làm nhánh cây trên đầu rơi lả tả đôi ba chiếc lá rụng, gió đợt này mạnh hơn thổi phăng lá rụng tới ven sông. Nhìn ánh mặt trời lấp lánh trên sông cô nghĩ nhân lúc trời còn nắng nên chạy về nhà phơi khô y phục thôi. Nếu có thể cô cũng muốn lôi tấm chăn dày đắp mùa đông ra phơi nắng luôn thể, cô nhớ trước đây mẹ cứ nói suốt là cha thích trong chăn có vị nắng, cô biết cha thích thật.

Cô tháo làn váy buộc ở chân ra rồi ôm cái rổ đầy ụ quần áo, bước nhẹ tênh đi lên con đường về nhà. Chỗ này cách nhà không xa lắm nhưng cũng phải mất nửa canh giờ đi đường, lúc đi qua một lối rẽ cô chần chừ một lát, bước chân cũng chậm lại trong vô thức.

Con đường lớn có thể dẫn thẳng về nhà, còn đường nhỏ thì phải vòng qua núi.

Đi băng qua đường lớn tất nhiên là nhanh hơn, nhưng đằng trước có một nhà nông nuôi chó, cô không thích con vật đó, chúng lúc nào cũng đột ngột lao tới cô sủa nhắng lên mà chẳng bao giờ báo trước. Cô cũng không hiểu mình đã chọc phá gì mà chúng nổi giận nữa, năm ngoái cô từng bị một con chó to hung dữ đuổi chạy té khói, cậu bé nuôi chó thấy cô bị dí chạy đã chẳng thèm ngăn nó lại mà còn đứng bên cười nữa, bạn bè cậu ta cũng y như vậy. Từ đó trở đi đối với con chó nào cô cũng tránh được thì tránh, trốn được thì trốn biến luôn.

Con chó của nhà đằng trước tuy bình thường khá tốt, nhưng nó rất to, khó mà nói trước lúc nào thì nó sẽ lồng lên rồi đuổi theo cô…

Nghĩ tới khả năng này cô quyết định ngay là đi con đường nhỏ tốt hơn, mặc dù phải mất thời gian đi vòng lên nhưng cảnh vật trên con đường nhỏ đó rất đẹp, rậm rì những bóng cây già, vả lại đêm qua trời đổ mưa, nói không chừng sẽ có nấm để hái, hoặc tìm ít trái cây về làm món ăn cũng hay lắm mà.

Nghĩ tới điều này tâm trạng cô lập tức khá hơn, bước chân cũng rảo nhanh hơn, chốc chốc lại cúi đầu ngó xem dưới gốc cây ven đường có loại nấm nào ăn được không.

Vạt nắng lọt qua kẽ lá um tùm rọi xuống rừng rậm, khiến đâu đâu cũng ngát hương thu.

Cô thích cách bốn mùa luân chuyển, vì mỗi mùa luôn có những thức ngon. Cô lúi húi nhặt vài hạt dẻ lăn lốc trên đất, cô cẩn thận lục lọi trong những bụi cây xanh biếc. Rồi bỗng nhiên, lúc cô đang chìm ngập trong đống lá rụng thì ngó thấy một chiếc giày.

Trên mặt giày dính đất và lá cây, nó nằm trơ trọi giữa đống lá rụng, nếu cô không cúi đầu tìm trái cây và nấm thì bảo đảm sẽ không thấy nó.

Nói thật thì cô rất muốn giả bộ như không phát hiện ra nó, nhưng cô nhận ra chiếc giày mới đó, cô cũng nhận ra cái cung nhỏ óng ánh rơi cách đó không xa.

Có một thoáng cô nghĩ chắc là hắn đã chán ngấy cây cung nhỏ này rồi nên mới tiện tay vứt nó đi, suýt nữa thì cô đã thò tay ra nhặt, nhưng trên cây cung có khắc tên.

Cô kịp thời nghĩ lại rồi hớt hải rụt tay về, cô không thể gây rắc rối, biết đâu hắn bỏ nó nhưng cũng không thích người khác cầm đồ của mình thì sao.

Thật lòng cô không thể trêu vào tên kia được, ba năm trôi qua tiểu bá vương đã càng thêm ngang ngược bằng trời. Cô thường thấy hắn gọi bạn dẫn bè cưỡi ngựa đi qua, để lại phía sau một đống hỗn độn bị quẹt ngã trên đất. Bọn họ cưỡi ngựa rất chi dở tệ, nhưng chẳng ai dám nói gì những tên công tử nhà giàu này hết, họ chỉ tức suông thôi.

Cô thấy tốt nhất là mình đừng nên nhặt đồ bừa bãi, ngẩng đầu hít vào một hơi thật sâu, cô quyết định tha cho cây cung nhỏ đó, dợm hai bước vờ như không thấy nó, rồi ngừng lại.

Máu.

Cô ngửi thấy mùi máu.

Cô thật tình hy vọng là khứu giác mình đừng tốt đến thế, nhưng mùi đó rất nồng, lẫn giữa mùi lá mục và bùn ẩm, giữa mùi rêu và gỗ cây.

Thế là cô tò mò xoay người, ngoái đầu nhìn lại.

~ Hết chương 1 ~