Tiếu Ngạo Trung Hoa

Chương 19: Duyên Sơn Sơn Thượng Phùng Long Giác - Nhân Hữu Từ Tâm Mệnh Đắc Trường




Xế chiều ngày mùng hai tháng mười một, bọn Nam Cung Giao đến chân núi Duyên Sơn.

Từ bìa rừng, một gã áo đen tuổi tứ tuần bước ra, chặn ngay đường cao giọng quát:

- Dừng lại! Tại hạ có việc quan trọng muốn bái kiến Nam Cung công tử!

Trịnh Tháo ghì cương xe song mã, cau mày hỏi:

- Túc hạ muốn gì?

Hán tử nọ nhất định bước đến thì Trịnh Mãng nạt:

- Đứng yên tại chỗ! Không được đến gần xe!

Hán tử cười nhạt:

- Tại hạ không mang theo vũ khí mà các hạ cũng sợ sao?

Trịnh Mãng quắt mắt:

- Đừng nhiều lời, có gì cứ nói lớn lên, chủ nhân ta ở trong xe sẽ nghe thấy!

Lúc này, bảy lão họ Mộc của Huyết Phủ hội đã lên đến, nhảy xuống vây chặt lão Hắc y.

Gã nhăn mặt, tháo tay nải lụa đen trên vai, quăng cho Mộc Đông Sơ và nói:

- Lão hãy đưa cho Nam Cung Giao xem!

Họ Mộc cẩn thận mở ra, chỉ thấy vài bộ võ phục, một sợi nhuyễn tiên cuộn tròn và một phong thư dán kính, yên tâm ném cho Trịnh Tháo.

Gã xà ích bất đắc dĩ này đưa qua ô cửa sổ thùng xe sau lưng mình.

Nam Cung Giao tái mặt nhận ra cây roi thân thiết và y phục của Mộc Kính Thanh.

Chàng xé vội phong thư ra đọc:

“Nam Cung tiểu tử!

Lão phu may mắn bắt được một con cáo nhỏ tên gọi Mộc Kính Thanh, hiện đang giam giữ ở gần đây! Nếu ngươi muốn cứu gã thì cứ đi theo đệ tử của lão phu, không được đem theo bất cứ người nào nữa!

Để ngươi không trách lão phu ỷ già hiếp trẻ, chỉ cần ngươi qua nổi hai trăm chiêu là lão phu sẽ tha cho cả hai! Lão phu xin đem danh dự tổ tiên họ Khương ra đảm bảo lời hứa này!

Long Giác Thần Quân Khương Quang Bật cẩn bút!”

Đọc xong, nét mặt Nam Cung Giao đanh lại, song ánh mắt lại tràn ngập nỗi ưu tư. Dù biết đây là một cái bẫy chết người, song chàng vẫn phải đi vào tìm cách cứu cho được họ Mộc.

Chẳng phải vì lời thề đồng sinh, đồng tử mà bởi chàng yêu thương gã như chính bản thân mình! Chàng không để Kính Thanh phải chịu cảnh tra khảo dã man và chết dưới bàn tay tàn độc của lão ác ma họ Khương!

Thần Nữ sợ hãi hỏi:

- Chẳng hay trong thư viết gì mà sắc diện tướng công đáng sợ như vậy?

Nam Cung Giao nghiến răng đáp:

- Long Giác Thần Quân đã bắt được Mộc Kính Thanh! Lão đòi ta đi một mình đến gặp!

Chàng đau lòng không nói thêm được nữa, trao thư cho Thần Nữ xem.

Vân Mi đọc nhanh, hốt hoảng nói:

- Đây là bút tích của nữ nhân, dù đã cố ngụy tạo những nét phóng khoáng, cứng cáp của đàn ông, nhưng không qua mắt được một người sành thư pháp như tiện thiếp! Điều này chứng tỏ lão ta chẳng hề thực lòng!

Nam Cung Giao thở dài:

- Long Giác Thần Quân đâu dại gì để lại tang chứng! Dù biết lão giả trá nhưng ta vẫn phải đi! Nàng hãy về Từ Châu trước, đừng lo lắng cho ta!

Nếu không cứu được Kính Thanh, ta cũng cố bảo toàn tính mạng để sau này trả thù cho gã! Ta đã hứa với mẫu thân, quyết chẳng sai lời!

Nghe giọng kiên quyết, Thần Nữ sa lệ gật đầu:

- Mong tướng công bảo trọng! Chàng có mệnh hệ gì thì bọn thiếp chết mất!

Nam Cung Giao hôn lên vầng trán thanh khiết của ái thê để từ giã, rồi lấy kiếm và ít vật thiết thân, mở cửa xe bước xuống!

Chàng mang theo cả tay nải của Kính Thanh!

Nam Cung Giao nghiêm giọng nói với phe nhà:

- Long Giác Thần Quân đã bắt được nghĩa đệ của tại hạ là Mộc Kính Thanh! Lão đòi tại hạ phải một mình đến gặp! Vậy chư vị hãy cấp tốc rời khỏi chốn này, về thẳng Từ Châu, tại hạ sẽ đi về sau!

Chàng không nhắc gì đến Thần Nữ Tiền Vân Mi, hi vọng đối phương không biết mà làm hại đến nàng!

Anh em họ Trịnh và bảy lão họ Mộc đều là kẻ lão luyện giang hồ, hành sự quyết đoán, liệu việc rất nhanh. Họ nhất tề gật đầu, đánh xe, phóng ngựa đi ngay.

Cẩn Nhục Đầu Đà lén nháy mắt với Nam Cung Giao, hẹn sẽ quay lại.

Hán tử áo đen dõi mắt nhìn theo, đề phòng bất trắc. Chờ đoàn người ngựa kia đi khá xa, gã bất ngờ lao vút vào rừng.

Nam Cung Giao vội bám theo.

Gã sát thủ Vô Thanh cốc luồn lách, đổi hướng liên tục như để đánh lạc hướng những ai muốn đuổi theo!

Thu về, lá rụng nhiều, trải dầy lên mặt đất, vỡ vụn dưới chân người. Song, việc tìm dấu vết trên thảm lá khô bội phần khó hơn trên đất.

Thỉnh thoảng, gã Hắc y bất ngờ ngoái lại để xem Nam Cung Giao có tìm cách đánh dấu đường đi hay không? Và gã lạnh lùng cảnh cáo:

- Các hạ đừng bao giờ nghĩ đến việc vẽ đường cho thủ hạ đuổi theo, hoặc bắt ta mà tra khảo! Hãy nhìn lên ngọn cây sẽ thấy người của Vô Thanh cốc có mặt ở khắp nơi!

Nam Cung Giao mỉa mai:

- Thế mà nãy giờ ta cứ lấy làm lạ tự hỏi rằng chẳng lẽ trên đời lại có loài khỉ lông mầu xanh lục!

Hán tử áo đen giận tím mặt, nhưng không dám phát tác, sợ làm hỏng sứ mạng dẫn con ruồi vào cạm bẫy.

Đối với một cao thủ có hạng như Nam Cung Giao, trừ phi rơi vào tuyệt địa mới không đào thoát nổi. Khi chàng đã quyết chí bỏ chạy thì đến Long Giác Thần Quân cũng khó mà bắt được! Cho nên, trước khi dụ chàng vào địa thế hiểm nghèo, dù bị chửi cha mắng mẹ, gã Hắc y cũng phải nhịn nhục.

Sau gần nửa canh giờ băng rừng lội suối, gã ta đưa Nam Cung Giao đến chân núi Duyên Sơn. Gã giao chàng cho một lão già áo xanh, tuổi độ sáu mươi, mặt đầy sẹo trông rất dữ tợn. Và gã lăn ra nằm ngửa trên bãi cỏ mà thở hổn hển!

Cuộc chạy đua đã rút kiệt sức lực của gã!

Đây cũng là một phần trong kế hoạch của Long Giác Thần Quân. Lão muốn chàng phải mệt mỏi rã rời khi đối diện với mình, và chẳng còn sức mà đào tẩu!

Nhưng Khương Quang Bật không biết rằng Nam Cung Giao đã trở thành đệ tử của Thiền Sơn trưởng lão, và được truyền thụ pho Tâm pháp nội công vô thượng của Phật môn là Liên Hoa thần công!

Không phải ngẫu nhiên mà Thiếu Lâm tự luôn là Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm. Tuyệt học của Đạt Ma tổ sư uyên ảo, huyền diệu hơn hẳn các phái trong thiên hạ.

Liên Hoa tâm pháp được ngài Đạt Ma sáng tạo ra vào những năm cuối đời. Trước lúc nhập Niết Bàn, Thiền sư chép lại khẩu quyết đồ hình, và dặn dò rằng:

- Tâm pháp này gần với phép Thiền Định hơn cả, chỉ dành cho những người có căn cơ thượng phẩm, tâm địa trong sáng như gương! Kẻ nào gân cốt tầm thường lòng dạ nhiều vọng niệm thì chớ luyện mà mang họa. Do vậy, đa số đệ tử Thiếu Lâm tự đều luyện Vô Tướng thần công, khi có được ba bốn chục năm tu vi mới dám chuyển qua nghiên cứu Liên Hoa tâm pháp, song chẳng phải ai cũng thành công.

Ví dụ như Quản sự Tăng Bạch Giác. Tuy lão là sư đệ của Chưởng môn, vai vế rất cao, song lại bó tay trước pho nội công này!

Bạch Giác thông minh tuyệt thế, cơ trí hơn người, đầu óc đầy ắp kiến thức, sở đắc mà không buông, thuộc dạng thanh văn, duyên giác, chẳng thể nào giác ngộ nổi chân lý cao siêu của Phật Như Lai, cũng như Liên Hoa tâm pháp.

Tất cả những pho nội công khác đều theo nguyên tắc dẫn khí qua hai mạch Nhâm Đốc, tụ lại ở Khí Hải.

Người hành công phải chăm chú giữ cho luồng chân nguyên đi đúng đường, sai là bỏ mạng!

Tâm pháp Liên Hoa lại khác hẳn!

Hành giả phải đưa chân khí qua đủ mười bốn hành kinh, theo một thứ tự rất phức tạp. Thời gian cho mỗi vòng chu thiên dài gấp năm lần bình thường!

Hiệu quả thu hoạch chỉ thế thôi, nhưng khả năng tái tạo chân nguyên rất nhanh chóng!

Khó khăn đến thế thì tại sao Nam Cung Giao lại vượt qua được?

Điều này xuất phát từ huệ căn của chàng! Phật tánh cũng như lòng nhân, kẻ nhiều, người ít, chẳng đồng đều.

Tóm lại, giờ đây sức lực của Nam Cung Giao bền bỉ hơn xưa rất nhiều. Tựa như giếng khơi có nguồn trong lòng đất nên vơi lại đầy ngay!

Lão già mặt sẹo thấy chàng vẫn ung dung, tươi tỉnh sau một cuộc hành trình cấp bách và vất vả, lòng rất khâm phục.

Chàng lại còn vui vẻ vòng tay chào hỏi:

- Lão bá chờ tai hạ đã lâu chưa? Lỗi là do vị huynh đài kia cứ chạy vòng vèo nên mới lâu như vậy!

Lão nhân mặt sẹo kinh ngạc, không ngờ đối phương vẫn còn cười được và thủ lễ trong hoàn cảnh này!

Chẳng ai có thể gắt gỏng với một người như thế, lão gượng cười đáp:

- Lão phu cũng mới xuống đến! Mời công tử thượng sơn, Thần quân đang đợi!

Lão quay lưng phi thân lên sườn núi thoai thoải, dẫn đường cho khách.

Sơn đạo đã mọc dầy cỏ dại, chẳng còn rõ lối, chứng tỏ từ lâu không ai sử dụng.

Núi Duyên Sơn chỉ cao độ năm chục trượng và không dốc lắm.

Lên đến nơi, Nam Cung Giao nhận ra đỉnh núi khá bằng phẳng mọc lác đác vài chục cây cổ thụ.

Dưới bóng mát của tàn cây cao nhất có căn thảo xá khá lớn, cỏ lợp mái còn xanh, bởi mới dựng được vài ngày!

Nam Cung Giao dừng chân ngay mép bình đài vận công nói lớn:

- Mời Khương Thần quân đưa Kính Thanh ra cửa cho tại hạ biết y còn sống! Nếu y đã chết thì chẳng cần thương lượng nữa, tại hạ sẽ bỏ đi ngay!

Lão nhân mặt sẹo bước thẳng vào thảo xá chắc là để cảnh báo Khương Quang Bật về tài khinh công và luồng chân khí thâm hậu, dồi dào của chàng!

Lát sau, một lão già áo đỏ viền vàng, thêu con Kim Long rất sống động, chậm rãi bước ra.

Giai khối u ở góc trán là danh thiếp của họ Khương. Chẳng cần phải mở miệng xưng danh tánh.

Lão ta cũng có đôi mắt Tứ Bạch như con trai mình, nhưng mũi lân, miệng rộng, râu rồng, trông rất oai phong. Đôi tai lão lớn, thùng châu rất dầy, hèn gì sống đến tám mươi, dù bị cả thiên hạ oán hận, nguyền rủa!

Nam Cung Giao không có thời gian quan sát kỹ, lão mặt sẹo đã cùng năm lão áo xanh nữa khiêng Kính Thanh ra.

Gọi là khiêng vì gã bị nhốt trong một cũi gỗ rất chắc chắn, chỉ có thể ngồi chứ không thể nằm hay đứng được!

Nam Cung Giao đau lòng gọi vang:

- Mộc hiền đệ!

Long Giác Thần Quân giơ tay ra hiệu, và lão mặt sẹo thò tay qua song củi nhét vào miệng Kính Thanh một viên thuốc nhỏ màu trắng.

Thì ra gã đang mê man vì thuốc mê!

Kính Thanh tỉnh lại, ngơ ngác nhìn quanh, nhận ra bóng dáng quen thuộc của Nam Cung Giao, mừng rỡ hô hoán:

- Có phải đại ca đấy không?

Nam Cung Giao hỏi ngay:

- Ta đây! Công lực ngươi thế nào?

Kính Thanh rầu rĩ đáp:

- Tiểu đệ bị bắt hồi sáng sớm, chưa được ăn gì nên đói đến bủn rủn tay chân!

Gã chợt thức ngộ ra rằng Nam Cung Giao vì mình mà đến đậy nộp mạng!

Gã bật khóc, thét lên:

- Đại ca mau chạy đi, đừng bận tâm đến tiểu đệ nữa!

Nam Cung Giao bình thản quay sang nói với Long Giác Thần Quân:

- Tại hạ suốt đời làm gì cũng chắc ăn, chẳng hề chịu thiệt thòi! Nếu chết mà không cứu được nghĩa đệ thì thà bỏ mạng, về Nam Kinh huy động mười vạn quân Hồ Nam, mang cả đại pháo đến Ngũ Lĩnh Nguyên trả thù!

Tôn giá muốn lấy mạng tại hạ thì phải thả Kính Thanh ra trước!

Long Giác Thần Quân nhếch mép cười ngạo nghễ:

- Khẩu khí ngông cuồng kia chỉ là để che giấu sự sợ hãi mà thôi! Bổn Thần quân đã viết lời trọng thệ, lẽ nào lại nuốt lời?

Nam Cung Giao cười mũi:

- Đấy là nét chữ của đàn bà, hoặc một kẻ bán nam bán nữ, chẳng thể lừa được Giao này. Lão sợ phong thư ấy trở thành bằng chứng. cho tội giết ta nên nhờ một ả nào đó viết giùm.

Khương Quang Bật ngượng ngùng:

- Không ngờ tiễu tử ngươi, cũng là Đại Hành Gia trong nghề Thư pháp!

Thôi được! Lão phu đồng ý phóng thích gã họ Mộc trước! Nhưng ngươi phải thề độc, rằng sẽ tận tình tiếp lão phu hai trăm chiêu!

Nam Cung Giao gật gù:

- Tốt lắm! Song lão cũng phải thề rằng không đánh quá hai trăm chiêu, như đã viết trong thư!

Hai người lần lượt thề thốt, đem thanh danh giòng họ ra bảo chứng!

Mộc Kính Thanh được thả khỏi cũi loạng choạng chạy đến, ôm Nam Cung Giao khóc vùi!

Chàng vỗ lưng gã thì thầm:

- Bọn Trịnh Tháo đang tiến vào! Ngươi mau xuống núi, hợp lực cùng họ đốt rừng, nhớ chọn hướng sao cho khói bay lên đây, có thế ta mới thoát được!

Xong việc phải đi Từ Châu ngay. Các ngươi ở lại chỉ tổ vướng chân ta mà thôi!

Chàng nhét vào miệng gã hai viên Tái Sanh đan rồi nói với họ Khương:

- Phiền Thần quân cho người đưa Kính Thanh xuống. Khi nào nghe y cất tiếng hú an toàn, hai ta sẽ giao đấu.

Khương Quang Bật gật đầu, bảo lão mặt sẹo:

- Tào Mật! Ngươi hãy cõng tiểu tử họ Mộc hạ sơn! Hãy nhanh chân lên!

Họ Tào vòng tay nhận lệnh, bước về phía anh em Nam Cung Giao.

Kính Thanh lắc đầu:

- Ta còn đi được, lão xuống trước đi!

Gã quay lại dặn dò nghĩa huynh:

- Đại ca phải cẩn trọng đấy! Tiểu đệ quyết không sống thiếu đại ca đâu!

Nam Cung Giao cảm động cười ha hả:

- Hai trăm chiêu nào có đáng gì! Ngươi cứ yên tâm!

Chàng đưa bọc hành lý cho gã, nheo mắt nói:

- Hãy tìm chỗ mà tắm gội, thay y phục! Ngươi hôi hám quá khiến nãy giờ ta phải nín thở!

Kính Thanh vừa thẹn vừa giận:

- Đại ca mà chui vào cái cũi chó ấy thì còn hôi gấp mươi lần tiểu đệ!

Gã vùng vằng theo Tào Mật hạ sơn.

Lúc này, bọn thủ hạ Vô Thanh cốc đã rút cả về, vây chặt một đoạn chân núi Duyên Sơn. Họ đông đến gần trăm, lực lượng rất mạnh!

Cánh rừng này chỉ sâu độ trăm trượng, nếu đi thẳng thì chỉ mất chừng hai khắc, chứ không lâu như lúc Nam Cung Giao được dẫn vào.

Chàng thản nhiên quay về Tây ngắm cảnh tà dương tím lịm của mùa thu, khoan khoái vì gió thu lồng lộng. May thay, núi Duyên Sơn lại nằm ở mé Đông đường quan đạo.

Thời thơ ấu, Nam Cung Giao thường vào rừng Lam Sơn, trên đảo Hải Nam, luyện võ, nhận mặt được khá nhiều chủng loại thảo mộc.

Lúc đi xuyên cánh rừng này, chàng đã thấy san sát những loài cây cho dầu. Chúng sẽ cháy khá nhanh, tỏa khói mù mịt, chưa kể đến thảm lá thu này!

Trong hoàn cảnh ấy, lợi thế sẽ thuộc về Nam Cung Giao. Chàng rất giỏi thủy tính, thời gian bế khí dài gấp bốn lần người khác, kể cả Khương lão quỷ! Cộng với thân pháp Hư Ảnh Thần Bộ, chàng sẽ qua khỏi hai trăm chiêu rất dễ dàng!

Nghe tiếng hú thánh thót của Kính Thanh vọng lên. Chàng nghiêm giọng nói với họ Khương:

- Đã đến lúc so tài, nhưng nếu bọn thủ hạ của lão mà đặt chân lên bình đài đỉnh núi này thì tại hạ sẽ bỏ cuộc đào tẩu ngay.

Thần quân cười khẩy:

- Lão phu thừa sức giết ngươi, đâu cần đến bọn chúng.

Lão bảo các đệ tử:

- Các ngươi ra đứng ngay rìa đỉnh núi, không cho bất cứ ai lên.

Nam Cung Giao hài lòng, chậm rãi bước về phía đối phương.

Nãy giờ, hai người đứng cách xa nhau đến chín mười trượng!

Thần quân cao giọng ra lệnh:

- Tương Thuật. Ngươi hãy bước lại gần đây làm trọng tài, đếm theo số chiêu do lão phu đánh ra!

Họ Tương trao kiếm cho đồng đảng vội vã chạy đến, đứng cách trận địa hai trượng.

Long Giác Thần Quân rút kiếm, mắt sáng rực ý niệm giết chóc, ngay từ đầu đã hạ sát thủ. Thân hình lão bay vút đến, kiếm quang phớt hồng vì ánh tà dương.

Khương Quang Bật có hơn bẩy mươi năm công lực, khi dồn đủ hai thành chân khí thì đòn ra như lôi giáp, nát đá tan vàng.

Nhưng đối thủ của lão khó mà biết được vì Vô Thanh kiếm pháp lặng lẽ, âm hiểm, chẳng hề ồn ào, lộ liễu.

Nam Cung Giao cũng lướt đến đón chiêu, mũi kiếm vẽ nên hàng ngàn bóng ảnh mờ mờ. Có vẻ như chàng đang thi triển chiêu Lạc Điểu Nam Phi, quyết cùng kẻ thù đổi mạng.

Long Giác Thần Quân khấp khởi mừng, tự tin chỉ một chiêu này là phân thắng bại!

Nào ngờ, khi song phương vừa giáp mặt, vũ khí chưa kịp va chạm thì Nam Cung Giao đột ngột xê dịch sang mé tả tựa vì sao đổi ngôi, thoát khỏi chiêu kiếm nặng như núi đổ của họ Khương!

Thần quân mất mục tiêu, theo đà bay thêm hơn trượng mới gượng lại được và quay lại đón đường kiếm của Nam Cung Giao.

Lão chột dạ trước bộ pháp khoáng cổ tuyệt kim của đối thủ, cắn răng thi triển tuyệt học Vô Thanh Kiếm pháp chống đỡ những loạt đòn liên tiếp.

Nam Cung Giao dùng phép khoái kiếm ra đòn như chớp giật, chiêu nọ nối chiêu kia, liên miên bất tuyệt.

Chàng bám sát Thần quân không rời. Cố tận dụng ưu thế chiều dài của Lạc Điểu Thần kiếm mà chiếm thượng phong.

Nhưng hỡi ơi! Vô Thanh kiếm pháp quỷ dị khôn lường, kiếm kình âm nhu mềm mại như tơ nhện, lần lần níu chặt đường kiếm của chàng!

Sau bốn mươi mấy chiêu, Long Giác Thần Quân đã dành lại ưu thế, liên tiếp đẩy lùi đối thủ.

Nam Cung Giao phải thi triển đến mức chót của Hư Ảnh Thần Bộ mới thoát được những thức kiếm ác độc của Thần quân.

Chàng biết khói lửa sắp bốc lên vừa đánh vừa lùi về mép núi hướng Đông, chuẩn bị đào tẩu.

Lão trọng tài cũng đi theo!

Long Giác Thần Quân nhếch mép cười bí ẩn, ung dung dồn gã tiểu tử kia vào tuyệt địa.

Nam Cung Giao đã toại nguyện là đến được nơi mình muốn, song lại kinh hoàng vì sườn Đông núi Duyên Sơn dốc đứng, hợp với đỉnh bên cạnh thành một lòng chảo sâu hun hút và mờ mịt sương núi!

Long Giác Thần Quân phá lên cười:

- Huyệt mộ của ngươi đấy! Giờ thì đừng hòng đào tẩu nữa!

Nam Cung Giao ngao ngán hỏi:

- Thế lão có còn nghĩ giới hạn hai trăm chiêu nữa không?

Thần quân dõng dạc đáp:

- Tại sao lão phu lại nuốt lời? Còn đến hơn trăm chiêu nữa, chẳng lẽ Khương mỗ không giết được ngươi?

Dứt lời, lão lao vào tấn công quyết liệt, dồn đối phương xuống vực thẳm.

Đúng lúc này, khu rừng dưới chân núi bốc cháy một đoạn độ hai chục trượng. Gió Tây đưa lửa lan nhanh và thổi khói về hướng đỉnh núi Duyên Sơn.

Bọn thủ hạ Võ Thanh Cốc sợ hãi chạy cả lên núi, ôm ngực ho sặc sụa.

Chúng ùa đến, vây quanh trận địa, nhìn Nam Cung Giao bằng ánh mắt căm thù.

Khương Quang Bật giận giữ quát vang:

- Ngươi bảo thủ hạ đốt rừng thì lão phu có quyền hủy lời thề!

Nam Cung Giao không ngờ mình chỉ tính sai một nước cờ mà phải chết oan. Chàng tưởng sườn Đông cũng thoai thoải như sườn Tây nên dự định mượn khói mù mà thoát thân bằng lối ấy.

Giờ đây, vòng vây đã khép kín và dầy đặc, chàng chỉ còn cách liều mạng với Thần quân. Có đả thương được lão, chàng mới mong rảnh tay phá vây chạy xuống lối sườn Tây!

Khói đã mịt mờ đỉnh Duyên Sơn, song phương phải căng mắt mới thấy đường mà so kiếm.

Nam Cung Giao đã sớm hít đầy một phổi dưỡng khí, dồn toàn lực vào chiêu Vô Thủy Vô Minh.

Trong giờ phút hiểm nghèo này, chàng chỉ còn biết trông cậy vào chiêu tuyệt kiếm của Phật môn!

Chàng không đủ công lực để tạo nên cảnh Thiên Hôn Địa Ám, trời đất tối tăm, nhưng may thay, hiện giờ khói đen đang mù mịt đấu trường, Do vậy, Long Giác Thần Quân kinh hoàng vì bị nhốt gọn trong màn kiếm ảnh mờ mờ, u ám, cứ như lạc vào cõi âm ty, mà chẳng thấy đối phương đâu.

Lão vội múa tít đường kiếm bảo vệ châu thân rất nghiêm mật, đề khí bốc lên cao.

Với công lực hùng hậu, Khương lão quỷ đã phá được màn kiếm ảnh hắc ám trên đầu, nhưng đùi trái trúng một kiếm đau thấu trời.

Từ trên độ cao hai trượng, lão điên cuồng bủa lưỡi kiếm xuống đầu gã tiểu tử khốn kiếp kia.

Nam Cung Giao mỉm cười thụ mệnh, lộn người ra phía sau, rơi thẳng xuống triền núi mờ sương!

Long Giác Thần Quân hạ thân xuống đất ngửa cổ cười đắc thắng, ra lệnh rút quân.

Lúc trưa, lão đã xem xét rất kỹ địa hình sườn Đông biết rằng nó gần như dựng đứng và chẳng có cây cối gì. Với độ cao cả trăm trượng, trừ phi biết bay thì Nam Cung Giao mới thoát chết được.

Lòng chảo này thụt sâu hẳn xuống, thấp hơn chân núi ít nhất cũng vài chục trượng nữa, ngay lúc chính Ngọ mà ánh thái dương cũng không soi rõ được đáy vực!

Song Long Giác Thần Quân không biết một điều là thanh Lạc Điểu kiếm bền chắc khác thường, dù bị uốn cong đến tận chuôi cũng không hề gãy. Và Nam Cung Giao lại có đôi cánh tay rất mạnh mẽ.

Chàng đã cố tình nhảy xuống sát sườn núi hai tay nắm chặt chuôi kiếm, cắm phập vào vách đất.

Thanh kiếm bị sức nặng của Nam Cung Giao rút tuột khỏi lớp đất mềm, song đà rơi cũng chậm lại.

Nam Cung Giao liên tục thọc kiếm thêm mấy lần nữa, dừng lại rồi rơi xuống tiếp.

Lưỡi kiếm Lạc Điểu cong oằn khi rời lớp đất, nên thân hình Nam Cung Giao luôn nằm sát sườn vực chứ không đến nỗi văng ra xa!

Cuộc đấu tranh sinh tồn, tưởng chừng như tuyệt vọng này, cuối cùng cũng có kết quả, rốt cuộc, Nam Cung Giao rơi xuống đáy vực sâu, khi dừng lại vài sát na ở độ cao tám chín trượng.

Lần này, chàng chẳng còn chỗ bám víu và vách vực đột nhiên lõm vào ở ngoài tầm tay.

Và với tư thế bật ngửa, Nam Cung Giao gieo mình xuống đáy vực đầy lá mục.

Dường như đầu chàng đã chạm phải một vật cứng nào đó, nên lập tức hôn mê bất tỉnh.

Trưa hôm sau, Nam Cung Giao mới hồi tỉnh, chói mắt bởi vầng dương chính Ngọ.

Chàng mỉm cười với ánh nắng vì biết mình vẫn còn sống!

Không vội ngồi dậy, Nam Cung Giao vận công, lưu chuyển chân khí, kiểm tra kinh mạch. Tất cả hoàn toàn thông suốt, chỉ hơi bải hoải và đau nhức ở đầu và lưng!

Chàng phấn khởi ngồi dậy, đưa tay sờ cục u to tướng ở hậu chẩn, ngoái lại nhìn nhánh gỗ to bằng bắp vế, đang nằm lẫn với lá khô. May thay, nó không phải là một tảng đá, và đã mục rỗng nên dập nát thay cho cái sọ của chàng!

Nghe bụng sôi lên vì đói, chàng nuốt liền một viên Tái Sanh đan, được bào chế bằng thuốc quí như Sâm, Nhung, Hà thủ ô... nên năng lượng khá nhiều.

Nam Cung Giao nhặt trường kiếm, đi rảo vòng quanh đáy vực, trước tiên là tìm nước uống. Chu vi nơi này chỉ độ gần dặm, vách dựng ngược, chỗ thấp nhất cũng cao đến ba chục trượng.

Chàng là người lạc quan nên tự an ủi:

- Sức lực như ta lẽ nào lại chịu thua bức vách cheo leo kia? Cứ nghỉ ngơi cho lại sức rồi tính sau!

Nam Cung Giao vác ngược kiếm trên vai, miệng hát nghêu ngao cho đỡ tịch mịch, thẳng thắn bước về hướng Đông, nơi mà miệng vực không cao, để xem địa thế.

Mặt nước lấp loáng như sương khiến chàng mừng rỡ rảo bước. Thì ra dưới chân vách có một chiếc ao khá lớn, chứa đầy nước trong veo! Cạnh ao cỏ mọc xanh biếc và có cả một tảng đá bằng phẳng, trông tựa chiếc giường!

Nam Cung Giao khoan khoái ngồi xuống bờ ao, vốc nước uống và rửa mặt. Chàng tỉnh táo ra, định thần nhìn sâu xuống đáy ao, cố tìm bóng dáng của loài cá.

Chàng đói rã ruột nên ăn cả cá sống. Đối với dân ngư phủ, việc này rất thường tình khi lênh đênh giữa biển khơi đầy sóng gió.

Lạ thay, dưới ao chàng hề có một sinh vật nào, dù là một con nòng nọc!

Nam Cung Giao sợ hãi thử kiểm tra cơ thể, song không thấy hiện tượng trúng độc. Chàng thở phào, xách kiếm đi loanh quanh khắp nơi, dùng mũi kiếm bới lá mục, may ra có được con gì chăng!

Sau nửa canh giờ, chàng uể oải trở lại, nằm dài trên thạch bàn, nhìn lên vòm trời xanh mà lẩm bẩm:

- Chắc hẳn nơi đây phải có một con vật rất háu ăn, mà chính nó đã xơi tái tất cả chuột bọ, rắn rít, ếch nhái, cá tôm chẳng chừa cho ta một thứ gì cả! Không ăn thì lấy sức đâu mà trèo lên!

Chàng quất thêm một viên Tái Sanh đan, ngồi cầm cự với cái đói.

Trong trạng thái tĩnh lặng, cơ thể chàng sẽ tiêu hao với rất ít năng lượng.

Tám viên linh đan chỉ giúp chàng cầm cự được bốn ngày.

Sang đến trưa ngày thứ năm, chàng nhảy xuống ao tắm gội sạch sẽ, rồi trở lại Thạch bàn ngồi kiết già.

Ngay cả nỗi thống khổ vì tuyệt vọng cũng đã qua đi. Nam Cung Giao thanh thản đi vào cõi chết.

Chàng sẽ tọa công cho đến lúc cơ thể mỏi mòn và tim ngừng đập vì thiếu dưỡng chất. Trong lúc khốn cùng này mới biết ai là kẻ có huệ căn nơi hang sâu!

Nam Cung Giao chìm dần vào vô thức, chân khí tự lưu chuyển ngoài sự kiểm soát của ý thức.

Đây chính là yếu quyết cao siêu nhất, khó khăn nhất của Liên Hoa tâm pháp, là cái ngưỡng mà những kẻ căn cơ thấp kém không vượt qua được. Phải là người vô sở đắc, phá được cả cái không chấp, mới qua được cảnh giới này!

Nhưng chưa kịp vong ngã hoàn toàn thì Nam Cung Giao chợt phát hiện ra rằng có một vật mềm lại chạm vào tay mình. Chàng hé mắt nhìn thử thì thấy một con chồn nhỏ xíu dài độ gang tay, lông đen tuyền, dầu có vằn trắng, đang tò mò hít ngửi.

Đang sắp chết đói, Nam Cung Giao chụp ngay cổ con vật đáng thương, khiến nó rít lên chói tai! Và lập tức dưới thạch bàn có những tiếng rít hốt hoảng lo âu của mẹ nó vang lên.

Một con chồn đen khá lớn cuống cuồng chồm lên nép tảng đá, phát ra những âm thanh bi ai, thê thiết.

Chồn mẹ nhìn Nam Cung Giao với ánh mắt sợ hãi, và dường như cầu khẩn vai.

Nam Cung Giao động lòng trắc ẩn, tự nhủ:

- Dẫu ta có ăn thịt con chồn nhỏ bé này cũng chỉ sống thêm được một vài ngày, chứ không đủ sức vượt vách núi. Vậy hà tất làm cho chồn mẹ phải đau khổ vì mất con!

Phải là kẻ đại nhân, đại dụng, đại huệ mới thắng nội bản năng sinh tồn, giữ được lòng từ bi.

Thường thì người đời chẳng bao giờ chịu chết sớm dù chỉ một khắc. Họ sẽ níu kéo mãi mạng sống trong tâm trạng hãi hùng, tuyệt vọng!

Nam Cung Giao mỉm cười, nói với chồn mẹ:

- Té ra chính ngươi đã chén sạch mọi thứ, khiến ta phải chết đói. Nhưng dẫu sao thì ta chỉ là khách, còn ngươi mới là chủ nơi này!

Chàng nhẹ nhàng thả chú chồn con ra, cho nó chạy về phía mẹ.

Ả chồn cái ngoạm ngay lấy đứa con nghịch ngợm, phóng đi thật nhanh về hướng Bắc.

Thì ra hang của nó ở phía ấy, thế mà Nam Cung Giao chẳng thể tìm thấy!

Chàng bâng khuâng nhìn theo, nhớ đến mẹ hiền. Bà sẽ đau xé ruột gan khi biết con trai minh mãi mãi chẳng trở về!

Nam Cung Giao thở dài, cố trút sạch muộn phiền, giữ lòng hư tĩnh mà tọa công!

Song chỉ lát sau, chàng lại nghe có tiếng lá khô sột soạt, ngày càng gần hơn. Chàng mở mắt ra nhìn, phát hiện con chồn mẹ đang tha đến một vật dài ngoằng, to độ cổ chân, có mầu đỏ rực như lửa.

Khi nó đến trước thạch bàn chàng mới biết đấy là một con rắn rất lớn, nặng không dưới tám cân.

Số thực phẩm bổ dưỡng này đủ để giúp chàng hồi phục hoàn toàn.

Nam Cung Giao vui mừng khôn xiết, cười khà khà nói:

- Không ngờ ngươi thông minh đến mức hiểu được lời nói của ta! Xin đa tạ!

Con chồn mẹ nhả chiếc đầu hình tam giáp đáng sợ của độc xà ra, rít lên những tiếng khó hiểu rồi chạy về hang!

Nam Cung Giác vội rời tảng đá, xách kiếm và rắn ra bờ ao. Thân rắn còn ấm, chứng tỏ nó mới bị chồn mẹ bắt không lâu! Chàng là con nhà thầy thuốc, biết máu rắn độc rất bổ, liền chặt chót đuôi, kê miệng hút ngon lành.

Sau đó, chàng chặt phăng đầu rắn, cạo vẩy, rửa thật sạch, món rắn nướng này chàng đã từng ăn nhiều lần với cha, nên động tác rất thuần thục.

Gỗ mục, cành khô chẳng thiếu, chàng bỏ thêm vô đống than còn lại đêm qua, thổi bùng lên, chờ lửa được mới nướng.

Từng khúc thịt dài hơn gang, xỏ vào trường kiếm, tỏa mùi khét lẹt trên ngọn lửa, song với chàng thì thơm phưng phức.

Tuy nướng hết cả con, nhưng Nam Cung Giao chỉ ăn từng ít một. Kẻ bị đói lâu ngày, nếu tham ăn sẽ chết!

Chàng nhai kỹ đến nỗi thịt rắn trong miệng nhuyễn như cháo rồi mới nuốt. Có thế thì cái dạ dày lép kẹp yếu đuối kia mới tiêu hóa nổi!

Nam Cung Giao nghỉ ngơi một canh giờ mới ăn thêm. Cứ rỉ rả như thế, đến chiều hôm sau là hết thịt.

Rắn càng độc càng bổ, mà con quái xà này lại thuộc hàng vua độc vì có lớp da đỏ rực, hiếm có trên đời. Do vậy sức lực của Nam Cung Giao hồi phục rất nhanh.

Tối hôm ấy, theo thói quen, chàng ngồi điều tức, cho chân khí sung mãn để sáng mai vượt núi.

Đến nửa đêm, chàng đang định xả công thì nghe đan điền nóng rực, và một luồng chân nguyên hùng mạnh bùng lên, như muốn phá vỡ huyệt Khí Hải.

Nam Cung Giao vội tiếp tục hành công, dùng tâm pháp Liên Hoa đưa luồng khí lạ kia lưu chuyển khắp bốn kinh mạch!

Cứ sau mỗi vòng chu thiên, áp lực lại giảm đi vì bị dung hòa vào cơ thể Nam Cung Giao, đến trưa hôm sau thì viên mãn.

Chàng mở mắt, đứng lên rú vang, biểu lộ nỗi vui mừng vì có thêm khoảng hai mươi năm nội lực!

Nam Cung Giao chạy về phía vách Bắc, để từ giã mẹ con nhà chồn.

Chúng đã quen với chàng nên thản nhiên đùa giỡn trước hang, chẳng thèm ẩn mặt nữa!

Hang của chúng nằm khuất sau một bụi cây, nên mới đầu Nam Cung Giao không nhìn thấy. Nhận ra chàng, chúng dương mắt nhìn chăm chú và cảnh giác, nhưng không bỏ chạy vào hang.

Nam Cung Giao ngồi xuống, vui vẻ nói:

- Cảm tạ Hồ nương đã tặng cho ta rắn quí. Xin cáo biệt! À! Mà sao không thấy Hồ lão huynh nhà ta đâu cả nhỉ?

Chàng đoán rằng hang chồn này thông với bên ngoài nên chúng mới có mặt ở đây!

Nhưng một gã có thân hình vạn vỡ như chàng sẽ khó mà chui lọt cái hang nhỏ bé kia!

Chồn cái rít lên và bất ngờ chạy vào hang, bỏ con ở lại bên ngoài.

Lát sau nó tha ra một chiếc hộp đồng nhỏ, dài độ hơn gang rộng chỉ nửa gang, dẹp độ ba lóng tay.

Ả ta thả xuống đất, ngoài tầm tay của Nam Cung Giao rồi dẫn con vào hang!

Nam Cung Giao tò mò cầm lên xem, nhận ra có hoa văn mờ mờ trên nắp đã bị lớp gỉ xanh che phủ.

Chàng dùng kiếm cạo sạch lớp nhựa cây gắn quanh mép nắp, rồi cậy ra!

Trong hộp chỉ có quyển sách khá dầy, bẩy mảnh mặt nạ da người rất tinh xảo và một thanh chủy thủ đen thui!

Nam Cung Giao mở quyển sách ra xem trước vì ngoài bìa có bốn chữ rất hấp dẫn: Trường Hồng kiếm kinh.

Tim chàng đập mạnh vì biết đây là tuyệt học thượng thừa của Trường Hồng kiếm khách Thẩm Tư Nhân!

Chàng không hiểu vì sao họ Thẩm tung hoành và chết ở Tây Hạ mà sở học lại lọt vào đến tận đây?

Nhưng trong hộp không hề có di thư, chàng đành xếp mối nghi ngờ, đọc những trang bên trong!

Mở đầu kiếm kinh là một đoạn văn luận về kiếm đạo, ý tứ xâu xa, siêu việt chàng chẳng dễ hiểu ngay được.

Phần còn lại là khẩu quyết và đồ hình của ba mươi sáu chiêu Trường Hồng kiếm pháp, xếp theo thứ tự khó dần.

Nam Cung Giao giật mình vì nhận ra những nét tương tự giữa hai pho Trường Hồng và Lạc Điểu kiếm pháp.

Tuy nhiên, sở học của họ Thẩm toàn mỹ, ưu việt hơn hẳn!

Chàng đoán rằng hai pho kiếm này có cùng xuất xứ, nhưng không rõ nguồn gốc ở Giao Châu hay Trung Hoa.

Có lẽ nên thiên về giả thuyết rằng Trường Hồng kiếm pháp theo chân đoàn quân Đông Hán mà truyền sang An Nam, lọt vào tay tổ phụ họ Đặng!

Do không có nguyên bản kiếm phổ nên chiêu thức nhiều sai sót! Tuy nhiên, trong Trường Hồng kiếm kinh lại không có yếu quyết Phiên Dực Tung Phi!

Nam Cung Giao chẳng hơi đâu mà nghĩ mãi cho mệt óc, chàng bỏ kiếm kinh vào hộp, mang thử một chiếc mặt nạ, chạy trở về ao nước xem đẹp xấu thế nào!

Có vài chỗ chưa dán sát da mặt, được chàng sửa sang lại.

Nam Cung Giao phá lên cười khi thấy mình biến thành một hán tử tam tuần, mặt rám nắng, đầy vẻ cương nghị, oai phong và cực kỳ anh tuấn!

Nam Cung Giao cao hứng, nghĩ đến chuyện dùng mặt giả để bỡn cợt người thân. Chỉ cần sơn đỏ lưỡi kiếm, thay vỏ, là có thể tự xưng mình là truyền nhân của Trường Hồng kiếm khách.

Chàng đắc ý cười vang, xem xét mũi chủy thủ. Loại vũ khí cực ngắn này còn được gọi là Hạc Chủy, vì nó nhọn hoắt như mỏ hạc, dài đúng gang tay, kể cả chui.

Lưỡi của chủy thủ dầy, có sống chạy dọc đến tận mũi nên rất khó gãy.

Nam Cung Giao hài lòng vì có thêm dụng cụ hữu ích để leo núi. Chàng cởi giầy, treo lên vai, rồi bắt đầu vượt bức vách cao ba chục trượng.

Mũi chủy thủ cắm vào vách núi dễ dàng, chứng tỏ nó cực kỳ sắc bén.

Nam Cung Giao bám vào những chỗ lồi lõm, nứt nẻ, tiến lên như một chú thằn lằn núi to đùng!

Sau hơn một canh giờ mò mẫm, tươm máu đến mười đầu ngón chân và ngón tay, chàng đã lên đến cánh rừng trên miệng vực, thuộc đỉnh thứ hai của núi Duyên Sơn.

Và sẩm tối cùng ngày, chàng đã có mặt trong tiểu trấn cạnh đường quan đạo đi Từ Châu.

May mà lúc chia tay Thần Nữ, chàng đã cẩn thận lấy theo túi bạc, nên giờ đây mới thoát cảnh ăn mày, ăn chực!

Hôm ấy mới là mùng bẩy tháng mười một, còn mười ngày nữa mới đến ngày phó ước với Khương Thư Hàn.

Nhưng sáng hôm sau, Nam Cung Giao đã lên đường sau khi mua y phục mới và ngựa tốt.

Chàng mang mặt nạ và cẩn thận dồn cho lưng gù lên, vì thế trông khác hẳn.

Nam Cung Giao thúc ngựa phi nước đại, nhưng ghé quán trọ khi chiều chưa buông để có thời gian nghiên cứu quyển Trường Hồng kiếm kinh.

Ngoài việc hiếu võ, đây còn là bổn phận của đứa cháu ngoại giòng họ Đặng. Chàng phải bổ khuyết pho Lạc Điểu kiếm pháp để sau này đem về cho quê mẹ!

Thân mẫu chàng sẽ rất vui vì việc này, cũng như khi nghe con trai kể lại kết quả chuyến đi Bắc Kinh, và lời hứa hữu nghị của Minh Anh Tông.

Người nữ tướng An Nam tuy sống ly hương nhưng lòng lúc nào cũng canh cánh hướng về quê cũ! Và vì lời hứa với Nam Cung Bột mà chẳng bao giờ nhắc đến việc thăm lại cố hương. Những gì Nam Cung Giao làm cho quê mẹ đã an ủi bà rất nhiều.

Do có sự tương đồng nên Nam Cung Giao học pho Trường Hồng kiếm pháp rất dễ dàng, bản lãnh tăng tiến vượt bậc. Nếu không, chàng phải mất vài năm để luyện thành ba mươi sáu chiêu kiếm bác tạp tinh kỳ này!