[Tiểu Lâu Truyền Thuyết] Quyển 4 - Phong Trung Kính Tiết

Chương 14:  kết giao




Phong Kính Tiết bị Phúc bá kéo đến nha môn bái tạ, người ta một câu bận công sự liền bỏ mặc y trong phòng. Trái cũng chờ không đến, phải cũng chờ không tới, Phong Kính Tiết y là kẻ chịu an tâm chờ người sao? Vẻ không kiên nhẫn trên mặt kia, tất nhiên là không hề che giấu mà biểu lộ ra cả.

Phúc bá sợ y đứng dậy phất áo bỏ đi, vội lấy ra vài đồng, đưa cho tên đầy tớ duy nhất hầu hạ trong phòng, nhờ gã đi coi đại nhân còn bận bao lâu.

Thế nhưng sự kiên nhẫn của Phong Kính Tiết lại như đã cáo kết, cuối cùng nói một câu “Nếu y bận quá, chúng ta lần sau lại đến là được” rồi đứng dậy chực đi.

Phúc bá lòng biết lần này y mà đi được thì sẽ không có lần sau nữa, vội vàng chạy tới bám chặt không buông, trong lòng vẫn còn vui mừng, may mà trong phòng này không có người khác, bằng không lôi lôi kéo kéo thế này, thật để người ta trông thấy lại cười chê.

Ông ta nào biết được, có một hài tử lớn xác thích đùa dai đang trốn ở hậu đường, trong lòng bưng một đĩa hạt dưa to, vừa cắn vừa lén coi náo nhiệt.

Ông ta không biết, Phong Kính Tiết lại rõ hết. Y luyện võ từ nhỏ, tai mắt linh mẫn, tự nhiên là hơn xa người khác. Không ngừng nghe thấy hậu đường có tiếng hô hấp, ngay cả tiếng cắn hạt dưa cũng nghe rõ mồn một.

Trong lòng y chán nản, nhưng lại không tiện nói ra tại đây, chỉ muốn chạy sớm, ngặt nỗi Phúc bá giữ chặt không buông, trong lúc dây dưa, y nghe thấy tiếng người tại hậu đường kia lặng lẽ bỏ trốn. Không bao lâu sau lại nghe ngoài sảnh có tiếng chân bước nhanh đến.

Y đoán là Lư Đông Ly đã đến, trong lòng đang tức giận, bèn cố ý nói ra một phen.

Lời này người ngoài nghe xong, có lẽ sẽ cho là y to gan lớn mật, hoặc cho là y kiến thức phi phàm, nhưng với y mà nói, chẳng qua nói cho hả giận thôi. Vì sợ Phúc bá càm ràm, y không tiện chửi rủa, đành phải cố ý nói ra một đống đạo lý sai mà như đúng.

Y biết tại thời đại này, cho dù là quan viên thanh liêm chính trực nhất, trong xương cốt vẫn có một loại kiêu ngạo cao hơn bách tính bình thường. Gọi là phụ mẫu một phương, gọi là thay thiên tử chăn dắt vạn dân, cho dù là thanh quan cũng vẫn đặt mình trên vị trí của người chăn dê, nhìn xuống muôn dân.

Họ có thể chấp nhận bách tính chửi mắng là tham quan, có thể cho phép bách tính than vãn triều chính hủ bại, có thể mặc cho bách tính phẫn hận thế gian không có thanh quan, nhưng họ rất khó chịu được bách tính xem quan viên và đầu bếp thợ may là cùng một loại người, xem làm quan như mọi loại nghề đơn giản bình thường, xem hành vi chăn giữ một phương của họ thành phận sự bình thường nhất.

Sự kiêu ngạo, sự coi thường đối với bách tính trong xương cốt những nho sinh sĩ phu đó, khiến họ nghe những lời như thế, tất nhiên sẽ phẫn nộ.

Phong Kính Tiết cố tình nói ra những lời này, chẳng qua là vì chọc giận cái tên ban ngày đã thả y ra kia, xem thử đại thanh quan này tức giận sẽ là dáng vẻ gì.

Nhưng lời này thật sự chọc giận được một người đến mức phải đỏ mặt xông vào, tiếc là nam hài lớn xác kia còn chưa kịp nói tiếng nào, ngoài phòng đã có người cao giọng nói cười, thong thả mà vào.

Bởi vì chờ đã rất lâu, ánh nến trong phòng đã mờ, Phong Kính Tiết ngước mắt, thấy người nọ một thân thanh y, thanh đạm thong dong từ chỗ trăng sao rực rỡ rợp trời kia đi tới, khuôn mặt trẻ tuổi thần kỳ, ý cười thư lãng thần kỳ, còn có ánh mắt ôn hòa bình thản thần kỳ kia, y bất giác ngẩn ra, người nọ đã ở trước mặt vái chào: “Tiên sinh đợi lâu.”

Lư Đông Ly vừa bước vào cửa phòng, liền trông thấy Phong Kính Tiết.

Ước chừng đã chờ một canh giờ, trong phòng bóng nến đã mờ, thế mà bạch y chói mắt kia, giữa một vùng ảm đạm này lại đoạt mắt người. Những thiếu niên công tử đương thời, nhiều người thích bạch y, nhưng rất ít kẻ có thể mặc được một thân bạch y kiểu dáng giản khiết tiêu sái tự tại như vậy, phảng phất giữa thiên địa chỉ có y mới xứng với màu trắng cao khiết này.

Cả phòng ánh sáng ảm đạm, nhưng người nọ mặt mày thư lãng, tự nhiên lộ ra một cỗ tự tại thong dong, bừng lên trong đáy mắt.

Lư Đông Ly bất giác vái thật dài, không như Huyện lệnh đối đãi dân chúng, mà chỉ là sự kính trọng chân thành phát ra từ nội tâm đối với người trí thức, khẩn thiết nói: “Tiên sinh đợi lâu.”

Phong Kính Tiết đối diện giống như sửng sốt một chút, mới theo bản năng trả một lễ.

Lư Đông Ly không tự xưng theo lối quan viên, chỉ nói: “Đông Ly bận công vụ, chậm trễ tiên sinh, tiên sinh mời ngồi, cho phép ta tạ lỗi.”

Cũng đã nói đến như thế, Phong Kính Tiết lúc này đại khái đoán ra một hồi chờ đợi này, chỉ sợ vị thanh thiên đại lão gia này không hề biết, trái lại có liên quan tới hài tử lớn xác kia. Nghĩ lại hành vi vừa rồi, cảm thấy hẹp hòi quá mức, đang định nói vài câu khách khí, không ngờ nam hài lớn xác kia chạy lên chỗ khách ngồi, dời ghế từ trên xuống dưới vài bước, lại đưa tay, ngoài cười trong không cười nói: “Phong công tử, mời ngồi.”

Hành động này khiến Phúc bá hoảng sợ trước tiên, trong lòng liền kêu hỏng bét.

Vốn ghế cho chủ và khách là trái phải đối nhau, vừa ứng với địa vị ngang nhau, mà bị Lư Đông Giác kéo đi như vậy, ghế cho khách liền bị kéo xuống dưới.

Kỳ thật cách làm này của Lư Đông Giác, lấy lễ phép mà nói, ngược lại cũng chẳng có gì là sai.

Người của thời đại này, trọng tôn ti trật tự nhất, tân khách tương đối đặc biệt được coi trọng.

Quan nhỏ trước mặt quan lớn, nhất định phải ngồi dưới, người vai vế thấp trước mặt vai vế cao, nhất định phải ngồi ở bên.

Bách tính bình thường trước mặt quan viên, căn bản cả ngồi cũng không dám, mà với việc Phong Kính Tiết từng chịu ân nghĩa của Lư Đông Ly, đừng nói là ngồi, cho dù quỳ xuống đập đầu mẻ trời cũng là đương nhiên.

Trong lễ pháp quy củ nghiêm ngặt này, nếu người thượng vị không câu nệ lễ phép, người ta nói y hạ mình cầu hiền, nếu người hạ vị không để ý lễ phép, người bên ngoài sẽ nói y không biết lễ phép, không hiểu chuyện.

Lư Đông Giác chẳng qua muốn dùng động tác hoàn toàn hợp với lễ phép quy tắc này, nhắc nhở Phong Kính Tiết, y là một thương nhân, thân phận của bách tính bình thường so với Huyện lệnh một phương là Lư Đông Ly xuất thân khoa cử phải thấp kém ti tiện hơn rất nhiều.

Nhưng Phúc bá đi theo Phong Kính Tiết nhiều năm trong lòng tự nhiên hiểu rõ, vị chủ tử này nhà mình, trước giờ chưa từng là loại người hiểu lễ hiểu chuyện đó.

Lúc y nguyện ý, đạo lý vĩ đại cũng có thể nói ra cả đống, nhưng thực chất bên trong y chưa bao giờ là một người nói lý. Ngược lại, y tùy hứng làm bậy tới cực điểm, cố tình y có thể dùng vô số đạo lý, giải thích cho sự tùy hứng của mình. Y càn quấy lợi dụng ý, người ngoài còn bị y lừa cho đầu óc rối mù, bội phục y đại nghĩa lẫm liệt.

Phong ba trong tử lao lần này, y đã ném vô số vàng bạc, gặp vô số trục trặc, suy cho cùng chẳng qua là vì không chịu bị Lưu Minh uy hiếp, chẳng qua sự tùy hứng trong xương cốt phát tác, tình nguyện phí số bạc gấp chục lần, công phu gấp trăm lần, cũng không chịu dùng phương thức đơn giản để giải quyết vấn đề mà thôi.

Một người thế này, ngươi dám làm nhục y ngay trước mặt, thật không liệu được là y sẽ làm ra chuyện gì.

Chớp mắt này, Phúc bá sắc mặt trắng bệch mà Lư Đông Ly thì nhướng mày, đang định trách mắng Lư Đông Giác, lại nghe bên tai có tiếng cười dài, Phong Kính Tiết vẻ mặt tươi cười, đáy mắt lại rõ ràng có ngạo ý không thể xóa đi: “Lư đại nhân, thế gian chỉ có Phong Kính Tiết tử tội, lại không có Phong Kính Tiết ngồi bên.”

Phúc bá thở phào, mặt trời mọc hướng tây rồi, công tử lúc nào thì dễ nói chuyện như vậy, lại không hề phát tác, chẳng qua tỏ chút thái độ.

Ông ta cảm thấy Phong Kính Tiết đã rất khách khí, mà Lư Đông Giác lại cảm thấy bực mình, âm thầm nghiến răng nghiến lợi, khá lắm cuồng sinh, đúng là một kẻ cuồng đến không vừa.

Một câu đầy ngông nghênh này, Lư Đông Ly nghe thấy thoạt tiên ngẩn ra, sau đó cười cười, y không xin lỗi, cũng không quát Lư Đông Giác đặt ghế lại chỗ cũ, chỉ tiến lên một bước, chìa tay ra, lại là dáng vẻ không tránh né, cầm tay Phong Kính Tiết.

Phong Kính Tiết lại sửng sốt, mới thấy Lư Đông Ly ý cười thong dong: “Tối nay trăng thanh gió mát, tiên sinh là người tao nhã, có nguyện cùng Đông Ly nắm tay dạo chơi, sướng luận thiên hạ, để giãi bày suy nghĩ trong lòng.”

Phong Kính Tiết nhìn y một cái thâm sâu, bất giác cũng cười, huyện quan này đúng là một nhân vật thú vị hiếm thấy.

Y cũng không nhiều lời chối từ, liền theo Lư Đông Ly đồng hành mà ra.

Chỉ còn lại Phúc bá và Lư Đông Giác cùng đứng ngẩn người trong phòng.

Phúc bá nhìn ra ngoài, mắt cũng hơi đăm đăm, vị Huyện thái gia này thật là một người tốt, không hề kiêu căng chút nào, tình huống xấu hổ như vậy mà cách giải vây của ngài lại tự nhiên như thế. Bất quá, công tử hôm nay cũng thật là rất dễ nói chuyện, cậu ta bình thường tuy là khách khứa đầy nhà, bằng hữu đếm không hết, nhưng chẳng qua là cùng nói cười uống rượu, ngoại trừ thị nữ nha đầu mỹ lệ bên cạnh, rất ít thân cận với người như vậy. Xem ra sự tùy hứng của công tử cũng chỉ là bên ngoài, trong lòng tất nhiên vẫn rất cảm kích ân nghĩa của Lư đại nhân.

Lão bộc dạt dào vui mừng gật đầu liên tục.

Mà tiểu công tử của Lư gia, đã tức giận đến mức âm thầm nghiến răng.

Phong Kính Tiết là người nào, bất quá là một chủ đất nông thôn, cùng lắm là một chủ đất nông thôn nhiều tiền, ngoại hình rất tuấn tú thôi, cần được đại biểu ca khách khí như vậy, dung nhượng nhiều vậy sao?

Trong lòng thật muốn nhảy dựng lên, xông đến chỉ mũi tên chủ đất kia mà mắng vài câu, lại nghĩ tới đại biểu ca vừa rồi trước khi ra đã hung tợn trừng mắt cảnh cáo, đành phải nén giận đứng trong phòng trừng mắt.

Một già một trẻ, hai loại tâm tình hoàn toàn bất đồng, đứng trong phòng, nhìn ra bên ngoài.

Bên ngoài dưới trăng sao rực rỡ khắp trời, hai người một thanh sam một bạch bào, thanh sam tiêu sái, bạch bào phiêu dật cùng đi dưới trăng như vậy, lại đẹp đến mức có thể bước thẳng vào tranh.

Cũng không biết họ đang nói những gì, chỉ có từng cơn gió đêm ôn nhu, đem tiếng cười trong sáng lúc liền lúc đứt kia, truyền vào tai.

Rất lâu rất lâu sau này, khi chuyện của Phong Kính Tiết và Lư Đông Ly được người phổ làm truyền kỳ, trong sử sách đời sau, dân gian thoại bản, mọi người đều tán dương họ là tri kỷ chi giao, về một đêm này, có rất nhiều suy đoán và tán dương.

Có người nói họ một đêm này, thi từ xướng hợp, hai bên đều kính nể đối phương tài năng kinh thế có người nói họ một đêm này cùng bàn thiên hạ đại thế, cùng thương lượng đạo hưng quốc, hai bên đều bái phục kiến giải lòng dạ của đối phương, có người nói, sau một đêm này họ tâm tính tương đầu, chí hướng hòa hợp, ước hẹn vì thiên hạ thương sinh rơi đầu đổ máu, liền kết làm sinh tử chi giao, trọn đời không bỏ.

Song lúc này, vào cái đêm có gió đêm ôn nhu, trăng sao mỹ lệ ấy, Phong Kính Tiết tới cửa bái tạ, là bị lão bộc ép, không cam tâm không tình nguyện, Lư Đông Ly ra mặt tiếp đãi, là bởi vì trò đùa của tiểu biểu đệ, cũng là không cam tâm không tình nguyện.

Giai thoại họ lần đầu gặp gỡ cùng đi dưới ánh trăng, bất quá là biện pháp do Lư Đông Ly cảm thấy tình cảnh khó xử, cho dù chuyển ghế trở lại cũng không dễ coi, bèn lâm thời nghĩ ra.

Đêm hôm đó, họ kỳ thật chỉ là câu được câu chăng nói rất nhiều chuyện phiếm.

Bất quá, hai bên đều là người thông minh, nghe chuyện phiếm mà hiểu người, đều biết đối phương là người có tài hoa có kiến thức có bản lĩnh, nhưng cũng hiểu rõ, chí hướng, lý tưởng, cách xử sự của đối phương khác xa mười vạn tám ngàn dặm!

Mà sau đêm hôm đó, Lư Đông Ly và Phong Kính Tiết rất lâu, rất lâu không gặp lại.

Hai bên đều rất bận, Lư Đông Ly bận xử lý tất cả công sự tồn đọng hơn nửa năm trong thời gian Lưu Minh tại nhiệm, sau những vụ án tồn, trong tay còn có rất nhiều công sự phải làm, bận xong chuyện cơ bản nhất trong chức trách, còn rất nhiều chuyện có thể làm hoặc không, nhưng làm rồi đối với bách tính mà nói thì luôn có lợi ích cần phải làm.

Lư Đông Ly bận rộn công sự, Phong Kính Tiết đương nhiên cũng bận, y bận ăn uống chơi bời, mà còn bận đến chết đi được.

Từ sau khi y được thả, tất cả bằng hữu nhao nhao đến chúc, người làm tá điền dưới sản nghiệp của y, người người đến phủ chúc, dù là những kẻ vô công nghèo túng trong huyện, muốn kiếm tiền thưởng cũng đến chúc mừng.

Ngoài Phong phủ, ngựa xe như nước, nối liền không dứt. Trong Phong phủ, yến hội nước chảy, nước chảy yến hội, đúng là không có kết thúc.

Phong Kính Tiết bận uống mỹ tửu, ăn thức ngon, thưởng thức giai nhân ca múa, hưởng sự ôn nhu của hồng tụ, lúc nhàn rỗi thì cùng bạn bè ăn uống hát ca, làm thơ vẽ tranh, lại nghe đám khách khứa rảnh rỗi người người khen ngợi, tán tụng văn thơ tranh vẽ của y cao như trời.

Hoặc lại cùng hai ba bằng hữu kết giao, dẫn theo hơn chục kẻ hầu, mấy chục tòng bộc, hùng hùng dũng dũng du sơn ngoạn thủy, mặc sức hưởng lạc.

Nhân sinh của y lắm vẻ nhiều màu, hưởng thụ tột cùng. Về phần Lư Đông Ly Lư đại lão gia đã cứu y khỏi nhà giam, đang ngược xuôi bôn tẩu vì bách tính toàn huyện kia, lại mau chóng bị y ném ra sau đầu.