[Tiểu Lâu Truyền Thuyết] Quyển 3 - Bích Huyết Hán Khanh

Quyển 3 - Chương 65: Có yêu cầu gì




Đoàn người Phó Hán Khanh một đường hướng đến thành Lâm Xuyên. Đi ba bốn ngày, mới ra khỏi nơi hoang man đạo phỉ hoành hành kia. Đoàn người họ, mỗi kẻ cưỡi một con ngựa cao to, sau ngựa còn cột một đống cường đạo, lại cũng thập phần gai mắt. Hơn nữa rất tự nhiên bị đạo phỉ vùng này cho là địch nhân mà cừu thị.

Dọc đường cũng từng gặp phải vài đám phỉ loại gây hấn, thậm chí sau đó mấy bang cường lương liên hợp gây chuyện, nhưng bằng bổn sự của những kẻ này, đương nhiên không làm gì được họ. Dưới sự căn dặn của Phó Hán Khanh rằng chớ có giết người, đám đệ tử Lăng Tiêu đả thương mà đánh tan chúng. Tất cả chiến sự, đều có những đệ tử tinh anh ưu tú này ra tay xử lý thỏa đáng.

Địch Nhất và Địch Cửu trên cơ bản không có cơ hội nào để ra tay.

Mà sau bao nhiêu chiến dịch, đám cường đạo bị họ dùng dây thừng xâu chuỗi cột sau ngựa quất roi đuổi đi càng ngày càng nhiều.

Chờ thanh thế của họ vừa lớn thì không chỉ cường đạo, cả hành thương cũng chú ý. Giữa đường lại gặp hai ba tốp hành thương đụng cường đạo còn may mắn sống sót đến nhờ cậy thỉnh cầu che chở đồng hành.

Phó Hán Khanh không dám thản nhiên đáp ứng như lần trước nữa, mà kéo Địch Nhất, để y tự mình vặn hỏi quan sát. Xác định không có khả nghi, lại tiếp nhận.

Địch Nhất cười hỏi y, đã bị người lừa gạt một lần như vậy, xơi thiệt như thế rồi, còn dám cứu người.

Phó Hán Khanh nói hết sức đương nhiên: “Lần trước ta bị lừa, chỉ là ta khá ngốc, hiểu biết ít, không có gì là không thể nhìn người. Nhưng nếu bị lừa một lần rồi không tin tất cả những người gặp nạn nữa, ngoảnh mặt làm ngơ với mỗi một lời cầu cứu, đó chính là nhát gan, yếu đuối, thiếu dũng khí, là rất đáng xấu hổ.”

Y nói nghiêm túc như vậy, mà Địch Nhất nghe rồi cũng chỉ nở nụ cười nhàn nhạt.

Nếu bị lừa gạt thương tổn một lần, với người ta còn có thể có nhiệt thành và tin tưởng, vậy sau mười lần trăm lần thì sao? Còn ai có thể một lần nữa nói ra những lời lý đương nhiên như Phó Hán Khanh. Chí ít trong cuộc sống địa ngục hai mươi năm này, y và Địch Cửu đều đã sớm quên mất tín nhiệm là gì.

Song Phó Hán Khanh ánh mắt quá thanh triệt, tầm mắt quá thản nhiên, Địch Nhất nhìn lâu rồi, trong lòng bỗng hơi bi thương. Hoặc giả không phải mọi người đều như thế, có thể Phó Hán Khanh vô luận trải qua chuyện gì, vô luận gặp phải điều gì cũng sẽ không thay đổi chăng.

Nhưng đây e rằng không phải bởi vì khoan dung trời sinh, mà chỉ là lạnh lùng trời sinh.

Y cứ như thế, trong lòng suy nghĩ lung tung một cách kỳ quái, vẻ mặt lại thập phần bình tĩnh tiếp nhận ý kiến của Phó Hán Khanh.

Cho dù cách làm như vậy, tuyệt đối không hợp với quan niệm của đám người Tu La giáo trên dưới nhiều năm hình thành, nhưng Địch Nhất không phản đối, Địch Cửu vẫn như gần như xa mà ở tít đằng trước, chẳng quay đầu, chẳng đến gần, chẳng bày tỏ ý kiến với bất cứ chuyện gì, mà các đệ tử khác đương nhiên chỉ theo mệnh lệnh, không dám có ý kiến ý nghĩ gì khác.

Cứ như thế, đạo phỉ bắt sống cùng hành thương cứu hộ trên đường càng ngày càng nhiều, đợi khi đến thành Lâm Xuyên thì đã có thanh thế hùng dũng.

Phân đàn Tề quốc của Tu La giáo chính tại một trang viên lớn ngoài ngoại ô thành Lâm Xuyên.

Chuyện rằng trang viên Trác gia, tại thành Lâm Xuyên cũng là một nơi rất có tiếng. Lão gia của Trác gia kia từng đậu tiến sĩ, lại bỏ qua một nhiệm Tri huyện, vốn có thể thăng chức, chẳng ngờ trời cao không phù hộ, trong nhà phụ mẫu trước sau qua đời. Trác lão gia chỉ đành hồi hương chịu tang, qua qua lại lại, vậy mà chịu đủ năm năm, đợi khi muốn quay đầu làm quan, ghế trống này không phải nói có là có.

Trác lão gia cũng không để bụng, tự mua một trang viên trăm khoảnh ở ngoài thành, lại mở mấy phân xưởng cực có lời ở bản địa, việc làm ăn cũng đều phát đạt.

Ở thành Lâm Xuyên, Trác lão gia cũng là đại nhân vật có máu mặt, vừa phú vừa quý, dù là Huyện thái gia gặp cũng phải nể mặt một phen.

Đại sự trong thành Lâm Xuyên, đại đa có phần của Trác lão gia, nào là tế bần phù nhược, nào là xây cầu rải đường, phàm là quan phủ có chỗ khó xử, trong số khách quý mời đến giúp đỡ, chắc chắn không thể thiếu Trác lão gia.

Sáng sớm hôm nay, Trác lão gia đã dẫn theo một tốp thủ hạ khôn khéo giỏi giang nhất trong trang viên đi xa trăm dặm, nghênh đón mấy vị thân bằng cố cựu phương xa, không ngờ còn đón được thêm một đoàn hành thương gặp nạn cùng một đám đạo phỉ bị trói.

Trác lão gia tự sai thủ hạ đưa cả những người này đến quan phủ. Huyện nha trên dưới vừa thấy, lại tra hỏi một chút, không ai không đại kinh đại hỉ.

Chiến tích và công lao của Huyện thái gia tất nhiên phải vì việc này mà thêm một bút đậm màu, khắp nha trên dưới, về sau sợ đều phải được thơm lây.

Việc này vừa truyền ra, bách tính trên phố không ai không lấy làm kỳ, đều nói Trác lão gia là người tài ba, bằng hữu giao du đều là người xuất chúng, bao nhiêu là cường đồ hãn phỉ như vậy, bị họ dùng dây thừng trói hết lên quan phủ, thật là khiến người coi làm chuyện lạ.

Bên này người đã đưa vào huyện nha, không bao lâu thiếp của quan viên các nơi trong thành nhao nhao đưa vào Trác phủ, lúc này mới miễn miễn cưỡng cưỡng, thoái thác lời mời các phương.

Đoàn người này càng là thần bí, càng là không chịu gặp người, truyền thuyết liên quan đến họ trong dân gian được bách tính dần dần truyền đến càng lúc càng kỳ diệu vô cùng, dù là quan phủ cũng không khỏi có rất nhiều suy đoán kỳ lạ.

Cho đến nửa tháng sau, triều đình bỗng nhiên ban lệnh dụ. Quan phủ nâng đỡ Tu La giáo, mà Trác Vân Bằng cũng công khai với thiên hạ thân phận đệ tử Tu La giáo. Cũng đem đại sự ngày đó oanh động cả huyện thành, cuối cùng kinh động tỉnh thành, phong thanh truyền thẳng đến kinh thành quy là Tu La giáo hiến lễ hiệu trung cho triều đình. Thế nhân lúc này mới bừng tỉnh đại ngộ.

Đương nhiên đây là chuyện về sau, không cần nhiều lời.

Ngày đó Trác Vân Bằng nghênh đón đoàn người Phó Hán Khanh, trong trang liền mở thịnh yến, rượu ngon món ngon, khinh ca mạn vũ để nghênh quý nhân.

Phó Hán Khanh địa vị tối tôn, được mời vào ghế trên.

Địch Cửu dọc đường vẫn cách rất xa Phó Hán Khanh, bởi vì thân phận đứng ngay sau Phó Hán Khanh, chỗ ngồi tự nhiên ngay cạnh y.

Các đệ tử khác đều ẩm yến ở chiếu bên, Trác Vân Bằng ngồi dưới tiếp.

Địch Nhất thân là ảnh vệ tất nhiên không ngồi, vừa được đón vào sơn trang, y liền tự nhiên biến mất, chắc trừ Địch Cửu nắm rõ cách làm việc của ảnh vệ, những người khác cho dù biết rõ y ẩn trong chỗ tối, cũng tuyệt đối không tìm ra hành tung.

Trước bình mỹ tửu, trước mắt ca vũ, ca có thể say người, mỹ nhân mất hồn, mà Phó Hán Khanh lại chỉ ngồi trên bàn tiệc ngẩn người. Ngẫu nhiên vài lần ánh mắt quét qua người Địch Cửu, ấp úng định nói gì đó, nhíu mày suy nghĩ hồi lâu, lại chẳng biết có thể nói gì?

Đến bây giờ, y vẫn chưa làm rõ được, mình và Địch Cửu rốt cuộc còn là tình nhân hay không. Ước định tình nhân của họ, rốt cuộc là tiếp tục, hay là hủy bỏ?

Đại khái không phải đâu. Y hơi ngốc nghếch mà nghĩ như vậy, nếu là tình nhân, phải ngồi cùng một chỗ, dựa sát vào nhau, uống chung một chén, ăn cùng một đôi đũa.

Y mơ mơ hồ hồ nghĩ đến bộ dáng của những bá chủ đế vương kiếp trước đó khi ôm ấp mỹ cơ giai thị uống rượu xem ca.

Mà hiện tại… Địch Cửu vĩnh viễn trong điều kiện không gian cho phép, cách y xa nhất có thể, nếu không cần thiết thì tuyệt không nhìn y một thoáng.

Một trường yến hội hoan nghênh, Địch Cửu có thể thân trong chỗ, chuyện trò vui vẻ, Địch Cửu có thể mỉm cười uống rượu xem ca múa, Địch Cửu có thể cùng Trác Vân Bằng ứng đáp trôi chảy, thân thiết trò chuyện. Song từ đầu chí cuối, cả khóe mắt cũng không hướng sang Phó Hán Khanh chếch bên này một thoáng, cho dù chỗ ngồi của hai người gần như thế.

Cũng chính bởi vì hai người ngồi quá gần, cho nên Phó Hán Khanh mới biết, Thiên vương trong mắt người khác thân thiết thong dong, khôi hài tao nhã kia, kỳ thật toàn thân trên dưới đang lặng lẽ tản ra lãnh ý.

Hàn ý lạnh băng, cự người ngoài ngàn dặm như vậy, cùng nụ cười trên mặt y, vẻ bình hòa trong đáy mắt y, đồng thời xuất hiện.

Sau yến hội, Phó Hán Khanh muốn về phòng ngủ, mà Địch Cửu thì phải lập tức kiểm tra sổ sách danh sách của phân đàn.

Trác Vân Bằng bảo phó đàn chủ dẫn Địch Cửu đến thư phòng, bản thân thì tự mình đưa Phó Hán Khanh về phòng.

Phó Hán Khanh dọc đường ngốc nghếch, hai mắt trống rỗng, cả bản thân y cũng không biết mình đang nghĩ gì, chỉ máy móc theo Trác Vân Bằng đi về trước.

Bên tai nghe Trác Vân Bằng nhỏ giọng hỏi: “Giáo chủ đối với an bài của thuộc hạ có vừa lòng?”

Phó Hán Khanh cũng chẳng biết mình đã nghe thấy gì, chỉ trả lời theo bản năng: “Vừa lòng.”

Trác Vân Bằng đi đến trước cửa phòng, tự mình đưa tay mở cửa, ở trước cửa khom lưng: “Không biết giáo chủ còn yêu cầu gì?”

Phó Hán Khanh vẫn không biết lời mình nghe thấy có ý gì, chỉ thuận miệng đáp: “Ta muốn một tình nhân.”

Trác Vân Bằng ngẩn ra, ngạc nhiên ngẩng đầu, Phó Hán Khanh lại đã như du hồn bước vào phòng, thuận tay đóng cửa.

Trác Vân Bằng đứng ngẩn người trước cửa một lúc, bên môi chợt lộ ra chút tươi cười đắc ý, quay người rời đi.

Phó Hán Khanh vào phòng, ngồi lên giường, một tay chống cằm, tiếp tục ngẩn người. Vừa ngẩn người vừa thì thào tự nói: “Ta muốn một tình nhân, ta nói thật, ta không có gạt người, ta không muốn tổn thương người. Ta rốt cuộc đã làm sai chỗ nào?”

Không ai trả lời.

Biết đâu ở một chỗ bí ẩn, có một người biết chuyện, nghe thấy một câu có lẽ là tự hỏi, có lẽ là hỏi người này, lại vừa không muốn, cũng vô lực trả lời.

Đã làm sai gì?

Có rất nhiều chuyện, vốn không phải người ngoài có thể dạy có thể giảng có thể nói rõ.

Phó Hán Khanh ngẩn ra cả buổi, đầu óc chẳng nghĩ thông điều gì, chỉ cảm thấy vừa mệt vừa mỏi vừa uể oải cực kỳ, vừa thèm ngủ mà lại còn không ngủ được, y phẫn nộ ngửa mặt lên trời hét to một tiếng, hai tay giang ra, ngã thẳng xuống giường.