Tiên Hạc Thần Kim

Chương 53: Tầm kỳ thư, Lam Hải Bình thụ khốn hoa trận




Nhờ Quy Nguyên mật tập quyến rũ, tạo sức lực bền bỉ cho họ. Họ lặn lội trong núi sâu rừng thẳm, cực khổ tìm kiếm cả nửa năm, mới đến được Tam Phong Phi Lộc, là nơi cất giấu Quy Nguyên mật tập.

Lam Hải Bình biết được câu chuyện của hai người như vậy, cười thầm tự nghĩ :

- “Ta những tưởng đâu trên đời này chỉ một mình ta si mê võ công, nào ngờ còn nhiều kẻ khác cũng ham mê như ta vậy...”

Tự nhiên lòng ông lại quay sang ý nghĩ khác :

- “Ta tuy có Tạng Chánh đồ chỉ dẫn, nhưng đã gia công nghiên cứu cả tháng nay vẫn chưa tìm ra nơi cất giấu Quy Nguyên mật tập. Tại sao ta lại không liên hiệp với hai người này đồng tâm tìm kiếm”.

Lam Hải Bình từ lâu sống nơi triều đình, đâu biết đến những điều gian dối, nham nhiểm của giang hồ. Sau khi tỏ bày ý định, lão liền đem Tạng Chánh đồ ra nghiên cứu với hai người kia.

Nguyên hai người này là hai tên nổi tiếng trong giới lục lâm thảo khấu. Một người tên là Chu Kỳ, một người là Khương Toàn, cả hai họp lại xưng là Kim Linh nhị hổ.

Họ đã tung hoành ở Giang Nam mười mấy năm, án chất cao như núi, cướp của giết người không biết bao nhiêu mà kể.

Quan quân thuộc sáu tỉnh ở Giang Nam đã chịu rất nhiều khổ cực để lùng bắt Kim Linh nhị hổ. Nhưng vì hành tung của hai người này rất kín đáo, võ công lại rất cao, nên không ai có thể bắt chúng được.

Có một lần quan quân ở sáu tỉnh Giang Nam hợp lại cùng với các Tiêu Sư ở các tiêu cục theo đuổi ráo riết, rồi qua một trận đấu quyết liệt, Kim Linh nhị hổ đều bị thương, nhưng chúng phá được vòng vây tẩu thoát.

Kim Linh nhị hổ sau lần bị vây đó, tự nhiên sinh lòng ham chuộng võ học, quyết chí rèn luyện võ công, để xưng hùng xưng bá giang hồ, ngự trị võ lâm và trả thù cái nhục bị vây khốn suýt bỏ mạng.

Kế đó họ nghe truyền qua về Quy Nguyên mật tập nên cùng nhau vào núi, lùng kiếm cực khổ đã nửa năm, nhưng vẫn chưa ra manh mối nào cả. Đang lúc chán nản, định bỏ xuống núi không tìm nửa, thì lại gặp được Lam Hải Bình, người nắm chìa khóa dẫn họ đến nơi giấu Quy Nguyên mật tập.

Chu Kỳ, Khương Toàn thấy bức Tạng Chánh đồ hung tâm lại nổi lên, chúng nháy mắt ra ám hiệu cho nhau, rồi gật đầu cười.

Phải biết, Kim Linh nhị hổ mười mấy năm nay ở bên nhau, tâm tình rất hòa hợp, một cái gật đầu một cái nháy mắt đều hàm chứa một ý nghĩ. Nhưng vì Lam Hải Bình không để ý nên không biết đến.

Ba người đều hợp lực nghiên cứu những ghi chú trên Tạng Chánh đồ. Sau cùng họ tìm ra cái hang đá cất giấu Quy Nguyên mật tập.

Kim Linh nhị hổ thấy hang đá đó sâu thăm thẳm, chẳng nhìn thấy đáy đâu cả, khí lạnh bốc lên đến khiếp người nên chúng khuyên Lam Hải Bình xuống trước để quan sát địa thế ra sao.

Chúng giả cách sốt sắng, kiếm nhiều dây mây nối liền lại thành một đường dây dài, thòng xuống đáy hang.

Lam Hải Bình lòng chỉ nghĩ đến Quy Nguyên mật tập, đâu có để ý đến giả tâm của Kim Linh nhị hổ cố ý sát hại. Ông ta liền nắm dây leo xuống hang.

Kim Linh nhị hổ từ từ thòng đầu dây xuống hơn hai trăm mấy trượng, mới thấy dây mây nhẹ đi. Chu Kỳ cười ha hả, nói :

- Thằng khờ này dễ gạt hết sức! Hang đá này sâu đến hai trăm mấy trượng, tất có nhiều độc xà ác thú. Để hắn xuống trước dọn dẹp cho sạch đường rồi chúng ta xuống sau cũng chẳng muộn.

Khương Toàn cười, nói :

- Theo tôi nghĩ, chúng ta không phải nhọc công mạo hiểm vào trong hang này làm gì. Cứ ở ngoài đợi hắn lấy được Quy Nguyên mật tập xong rồi lập kế gạt hắn, cho hắn một đao. Như vậy chúng ta đã khỏi phải chịu nguy hiểm, mà còn tránh được những rắc rối sau này.

Hai người tính toán trông có vẻ đắc ý lắm. Chúng cứ yên tâm ngồi đợi trên miệng hang.

Nhưng Lam Hải Bình chẳng khác nào một viên đá chìm xuống nước. Kim Linh nhị hổ chờ đợi đã hai ngày đêm, vẫn không thấy Lam Hải Bình trở lên.

Sáng ngày thứ ba, Chu Kỳ chờ không nổi nữa, bàn với Khương Toàn :

- Không thể chờ mãi được! Chúng ta phải xuống đó xem thử. Nếu hắn lấy được Quy Nguyên mật tập rồi không chịu lên, có phải chúng ta bị gạt sao.

Khương Toàn lắc đầu, nói :

- Trong hang đá đâu có gì để ăn uống. Theo tôi nghĩ có lẽ hắn bị ngộ độc chết trong hang rồi.

Chu Kỳ cau mày nói :

- Dù sao chúng ta cũng phải xuống đó, chứ chẳng lẽ biết được nơi cất Quy Nguyên mật tập rồi lại về tay không sao?

Khương Toàn nói :

- Chắc gì dưới đó có Quy Nguyên mật tập. Hơn nữa biết bao nhiêu nguy hiểm đang chờ đợi kẻ nào xuống hang này.

Chu Kỳ cười nhạt, bảo :

- Nói như thế là huynh không muốn lấy mật tập nữa phải không?

Khương Toàn vội nói :

- Không phải tôi có ý đó! Nhưng phải tính xem có nên mạo hiểm không đã chứ!

Chu Kỳ nổi giận, nói gắt :

- Không tính toán gì nữa cả! Tôi đoán chắc là nó tìm được Quy Nguyên mật tập rồi ở luôn dưới đó rồi.

Nhị Hổ bàn tán một lúc, nhưng nguy hiểm không làm cho họ bỏ ý định ham muốn Quy Nguyên mật tập. Chu Kỳ liền xuống hang trước.

Hắn đi được một ngày một đêm mà chẳng thấy tin tức gì cả.

Sau cùng, Khương Toàn cũng chẳng nhịn được. Hắn liền lấy sợi dây mây cột vào một gốc thông định nắm dây leo xuống, nhưng hắn lại do dự thầm nghĩ :

- “Cái hang sâu này dù có khinh công giỏi thế mấy cũng không thể nhảy lên được. Nếu có con vật nào cắn đứt sợi dây mây này, thì chắc là mình phải chết đói trong hang”.

Nhưng hắn lại có một ý nghĩ khác :

- “Chắc hai đứa nó lấy được Quy Nguyên mật tập rồi theo một đường hang khác mà tẩu thoát. Chứ nếu có việc gì nguy hiểm thì Chu Kỳ đã kêu cứu rồi! Hơn nữa, một thân võ công của hắn dễ gì để cho rắn độc mãnh thú làm cho bị thương được”.

Đáng lẽ Khương Toàn bỏ cái ý mạo hiểm xuống hang, nhưng vì nghĩ như vậy nên hắn liền nắm dây mây leo xuống.

Nước khe chảy vào trong hang, đập vào đá, bắn tung thành hàng ngàn vạn giọt nước nhỏ rơi xuống lòng hang đá. Gió lạnh như cắt vào da.

Khương Toàn một mặt vận khí chống lạnh, một mặt quan sát địa thế trong hang đá.

Càng xuống sâu, lòng hang càng thêm nhỏ. Đến dưới đáy chỉ còn rộng độ hai trượng.

Về phía Đông, có một cái cửa đá vừa một người đi vào, nửa khép nửa mở. Vào khỏi cửa thì có con đường quanh co chật hẹp, chỉ vừa một người đi qua. Trong con đường khí lạnh bốc ra ngùn ngụt, và tối om.

Khương Toàn rút thanh đao đeo trên lưng thủ thế, dè dặt tiến vào.

Đi được một đoạn, con đường hẹp từ từ sáng lên. Hai bên vách đá có gắn những viên ngọc tỏa sáng chói mắt.

Qua hai khúc quanh, cuối con đường đó, cảnh vật sáng tỏ như thường.

Trên khoảng đất rộng chừng một mẫu, trồng đầy các cây hoa đủ màu.

Lam Hải Bình và Chu Kỳ đi qua đi lại giữa đám hoa, nhưng vẫn lẫn quẫn trong vòng một trượng.

Có điều kỳ lạ là hai người chỉ cách nhau có một cây hoa, đi ngang mặt nhau, nhưng hình như họ chẳng trông thấy nhau vậy.

Khương Toàn tuy không biết về thuật Ngũ Hành Kỳ Môn nhưng y nhìn vườn hoa này cũng biết ngay đó là một kỳ môn trận pháp.

Thấy hai người kia vẫn qua lại trong vườn hoa nhưng không có cách nào thoát ra được.

Khương Toàn sợ hãi, chẳng dám bước vào trong trận.

Đang lúc khó nghĩ, Khương Toàn chợt nghe một luồng gió từ sau lưng đánh đến. Hắn chẳng suy nghĩ gì cả, xoay mình lại chém một đao.

Đao vừa chém ra, thì hắn mới hay đó là một con bạch hạc rất lớn bay vù vù sau lưng hắn. Con bạch hạc vì không có ý đả thương người nên trông nó rất hiền lành.

Nhưng bị chém trúng một đao, con bạch hạc nổi tức, ré lên một tiếng rất thê thảm, móng vuốt sắt như kiếm liền xòe ra, đồng thời cánh mặt nó phóng ra, đánh rơi thanh đao trong tay Khương Toàn.

Khương Toàn kinh hãi, vội tung mình ra sau. Trong lúc nguy cấp, hắn quên mất cái trận hoa ở phía sau. Đến khi giật mình cảnh giác thì hắn đã rơi vào trong trận rồi. Khương Toàn cảm thấy mắt lòa đi, lạc mất cả phương hướng, đồng thời chẳng thấy Chu Kỳ và Lam Hải Bình đâu nữa.

Hoa trận này là một trận pháp rất kỳ tuyệt trong võ lâm, nếu không biết cách hóa giải thì chỉ đành bỏ mạng trong đó thôi.

Nguyên Thiên Cơ chân nhân và Tam Âm thần ni sau khi đã đổi thù thành bạn, họp soạn Quy Nguyên mật tập để trong hang đá này, vì sợ người ngoài đến phá rối, nên cả hai mới dùng phương pháp ngũ hành lập thành trận hoa. Thế trận biến ảo khôn lường, nếu kẻ nào rơi vào trong trận thì chẳng khác lọt vào giữa sương khói mịt mù, tai điếc, mắt mờ, trí óc trở thành vô dụng.

Lam Hải Bình, Chu Kỳ và Khương Toàn đều lần lượt rơi vào trong trận. Đáng lẽ không ai tránh được cái chết, nhưng vì Lam Hải Bình đem theo nhiều đồ ăn, nên khi chưa dùng hết lương thực thì Nhị Hổ đã đói quá chịu không nổi nằm lăn ra chết.

Tuy vậy, lương thực dù nhiều đến đâu cũng phải hết. Quá bảy ngày túi lương thực của ông ta không còn một chút. Lúc này Lam Hải Bình không nghĩ đến cách thoát ra khỏi trận nữa. Ông ngồi xuống đất, nhắm mắt lại nghỉ ngơi.

Trong tuyệt vọng, lòng người trở nên bình tĩnh. Nếp sống của Lam Hải Bình từ trước đến nay rất đơn thuần. Tuy ngày đêm sống trong cảnh vinh hoa phú quý, nhưng tâm trí ông luôn luôn nghĩ về võ nghệ. Đối với hoàng cung ba ngàn gái đẹp, ông chẳng bao giờ ngó đến.

Cả đến Thúy Điệp tài sắc song toàn lại hết lòng thương yêu ông, thế mà ông cũng chẳng lưu tâm.

Khổ thay hoa trận này lại ác độc lạ lùng. Điều nguy hiểm nhất là nó làm cho người lâm trận bị lúng túng không biết đường ra, rồi nó huyễn hoặc tâm trí con người trở thành mơ mộng, tưởng nhớ đến những chuyện đâu đâu, không ăn nhập gì đến hoàn cảnh hiện tại.

Nhưng đó không phải do hoa trận kia có phép thuật gì, mà do phép ngũ hành biến ảo, cùng với các sắc hoa màu lá đưa tâm trí con người vào những điều mơ màng trong quá khứ.

Khi lập ra hoa trận, hai vị kỳ nhân tuyệt học võ lâm đã nghiên cứu về tâm lý con người rất nhiều. Bất cứ người nào đã rơi vào trong trận, luôn luôn nghĩ đến phương pháp thoát thân. Tâm trí vận dụng quá nhiều, qua một thời gian liên tiếp khá lâu, từ từ suy yếu, thêm vào đó những màu hoa sắc lá ám ảnh làm rối loạn tinh thần chẳng nghĩ được việc gì cho đúng cả.

Lam Hải Bình đã nửa tháng nay lẩn quẩn trong trận hoa, quyết tâm thoát ra cho được.

Ông tưởng đâu mình đã đi hàng ngàn dặm rồi nhưng sự thật ông chỉ lẩn thẩn trong vòng một trượng thôi.

Lúc này, ông ngồi im, nhắm mắt không nghĩ đến việc thoát thân nữa, tự nhiên đầu óc ông tỉnh táo, ông sực nhớ đến cái Tạng Chánh đồ liền thò tay vào mình lấy ra xem.

Khi ông mở mắt, thấy hoa lá rất sặc sỡ, những điều ám ảnh trong tâm trí tự nhiên biến mất, ông thầm nghĩ :

- “Trận hoa này chỉ rộng độ một trượng mấy, tại sao ta chạy cả ngàn dặm mà chưa ra khỏi?”

Nghĩ như vậy ông liền tung mình nhảy lên, bước đi vài bước, thì tự nhiên trước mặt một màu đen tối dày đặc bao trùm tất cả, các cây hoa đều biến đâu mất, người ông như bị lọt vào một hang tối âm u, chẳng biết phương hướng nào nữa.

Lam Hải Bình đã đói lắm rồi, chẳng dám phí sức nữa. Ông chỉ cần bước về phía trước mặt một bước, thì tự nhiên phải đi luôn cho đến khi kiệt sức mới dừng lại được.

Qua mười mấy ngày kinh nghiệm, Lam Hải Bình còn nhớ chỉ bước tới một bước, tức thì ở ngoài xa độ một trượng hiện ra một khúc quanh, qua khỏi khúc quanh đó thì gặp một khúc quanh nữa, cứ như thế liên miên bất tận, chẳng biết là bao nhiêu mà nhớ cho hết.

Lam Hải Bình lại định thần ngồi xuống chỗ cũ nhưng ý nghĩ muốn thoát ra khỏi trận chưa tắt, ông vẫn cảm thấy đầu óc mơ màng dường như mình đang ngồi trong một khu rừng rộng lớn, âm u...

Ông nhắm mắt, vận khí Đan điền, thầm nghĩ :

- “Hoa trận ác hại như thế này, nếu trên Tạng Chánh đồ không chỉ dẫn phương pháp hóa giải, thì dẫu có lấy được Tạng Chánh đồ cũng không ai có thể vượt qua nổi nơi này để lấy Quy Nguyên mật tập. Như vậy thì Thiên Cơ chân nhân và Tam Âm thần ni phí công tạo ra Tạng Chánh đồ làm gì? Bất kể trên đó có chỉ đường ra khỏi trận này hay không, ta cũng phải lấy ra xem qua đã”.

Lam Hải Bình liền lấy Tạng Chánh đồ trải ra trước mặt. Rồi chú ý nhìn xem. Nhưng vì trong đầu óc ông vẫn còn nặng ý nghĩ thoát thân ra khỏi trận, nên trước mắt chỉ thấy một màu đen dày đặc, không nhìn thấy được chữ ghi trên bản đồ.

Ông ta lo sợ quá, than dài một tiếng :

- Thế thì đời ta phải bỏ xương trong trận hoa này rồi.

Lam Hải Bình chán nản quá, nằm xuống gát tay lên bụng, thoạt ngón tay đụng nhằm một vật tròn trơn trơn.

Ông ta giật mình một cái, ngồi bật dậy, thò tay vào người lấy ra một hạt châu to bằng hột nhãn.

Ông để hạt minh châu lên lòng bàn tay, tự nhiên mắt sáng lên. Hạt minh châu tỏa ra hào quang sáng rực chung quanh ông.

Hạt minh châu này là một vật rất quý trong hoàng cung, gọi là dạ minh châu. Cả ngàn năm cũng khó tìm cho ra một hạt. Viên ngọc này dùng để chưng bày trong thư phòng của Minh Hiến Tôn Hoàng đế.

Sỡ dĩ Lam Hải Bình có được viên ngọc quý này là vì có một đêm vua Hiến Tôn đang ở trong thu phòng đọc sách, thoạt nghe một luồng gió thổi tạt vào Hoàng đế, ngỡ thái giám đem thức ăn khuya vào, nên chẳng cần ngẩng đầu lên, nạt lớn :

- Sao lại đường đột như thế?

Nhưng lời nói của Hiếu Tôn chưa dứt, thoạt nghe bên mình có một tiếng cười ngạo nghễ. Chớp mắt, trên bàn trước mặt Hiếu Tôn đã có một thanh đao cắm phập vào đó, chuôi dao còn rung rinh trông thật khủng khiếp.

Minh Hiếu Tôn quay lại nhìn.

Ánh mắt của Hiếu Tôn chạm vào người y phục màu đen, mặt bao vải đen, chỉ chừa hai con mắt lộ vẻ hung tợn. Hiếu Tôn kinh hãi, chỉ há hốc mồm ngồi nhìn, chẳng dám mở miệng kêu lên một tiếng.

Người bị mặt kia sau khi lấy hạt dạ minh châu liền xoay mình chạy lại bên tường, bứt xuống mấy bức họa Tăng Tư Thiên Hoàng Đồ.

Minh Hiếu Tôn tuy là Thiên Tử, nhưng nhìn con dao găm cắm ngập trên bàn thì chẳng dám mở miệng kêu la, tay cầm bút, ngồi sững trên ghế.

Đang lúc người bịt mặt kia lấy bức Tăng Tư Thiên Hoàng Đồ xuống, thoạt nghe có tiếng tung hô :

- Thiên Tử vạn tuế!

Rồi một bóng người nhảy xổ vào thư phòng.

Thì ra đó là Lam Hải Bình, quan hầu cận của Hiếu Tôn Hoàng đế truy kích quân gian.

Lam Hải Bình thấy có một người lạ mặt đang lấy bức Tăng Tư Thiên Hoàng Đồ, lập tức vung đao chém tới.

Một trận ác chiến xảy ra trong thư phòng giữa nguời áo đen và Lam Hải Bình.

Lam Hải Bình ngại vua kinh sợ, nên mới ra tay đã đem toàn những tuyệt học, áp đảo người kia, khiến cho hắn phải lui vào một góc phòng.

Người áo đen quyết hạ Lam Hải Bình để thoát thân, hơn nữa hắn ngại đấu lâu e binh lính của nhà vua đến kịp thì khó bề thoát thân, nên hắn đánh những đòn rất ác độc, dũng mãnh lạ thường.

Nhưng hắn làm sao cự lại Lam Hải Bình, kẻ từ nhỏ đến lớn đã dày công luyện võ nghệ.

Sau hai mươi hiệp ác chiến, người áo đen bị Lam Hải Bình điểm trúng huyệt đạo, nằm yên một chỗ.

Minh Hiếu Tôn thấy Lam Hải Bình hạ được gian tặc, lòng rất mừng liền đem viên dạ minh châu tặng cho ông.

Sau này vì Lam Hải Bình được Tạng Chánh đồ nên lẳng lặng rời bỏ hoàng cung, đi tìm Quy Nguyên mật tập.

Trước khi đi Lam Hải Bình đã biết thời gian đi tìm Quy Nguyên mật tập rất lâu, nên dem theo hạt dạ minh châu phòng khi thiếu tiền, bán đi làm lộ phí. Không ngờ bây giờ hữu dụng như vậy.

Ánh sáng của dạ minh châu chiếu xuống, soi rõ cảnh vật trên Tạng Chánh đồ.

Lam Hải Bình nhìn lên Tạng Chánh đồ thấy ba chữ lớn đã phai màu, phía dưới có viết bốn câu thơ :

Vạn công qui nguyên bí Nhất kiếm thần châu hàn Thương tùng soi minh nguyệt Thạch thượng lưu thanh tuyền Dưới bốn câu thơ lại vẽ mấy ngọn núi chạy dọc theo một sơn cốc. Trong sơn cốc đường đá quanh co khúc khuỷu. Đến cuối sơn cốc lại có nhiều cây thông cao, hình dáng như cây dù vậy. Ánh trăng chiếu qua khe lá, cả vùng đất như được rải đầy những cánh hoa vàng nhạt.

Dưới gốc một cây thông có một khe nước lượn quanh, chảy thẳng vào hang đá. Khe nước không lớn lắm, dưới ánh trăng trông như một dải lụa uốn khúc, len lỏi vào các khe đá, bắn tung lên những hạt nước nhỏ như sương mù.

Ba ngọn núi phía dưới lại dùng một lối vẻ khác màu đen lợt, rất khó nhìn ra.

Có lẽ khi Thiên Cơ chân nhân và Tam Âm thần ni tạo ra Tạng Chánh đồ có ý sợ người ta dễ dàng tìm ra Quy Nguyên mật tập nên không chịu vẻ rõ ràng mặt trái của ba ngọn núi ấy.

Lam Hải Bình quan sát lại lần nữa, cũng chẳng thấy ghi chú gì về cách giải trận cây hoa. Ông buồn bã, xếp Tạng Chánh đồ lại thì thoạt thấy ba ngọn núi cao, hai trước một sau, xếp thành chữ phẩm, một dòng thác suốt từ ngọn chính giữa đổ xuống.

Thì ra Tạng Chánh đồ này là một bản đồ bí mật đọc được hai lần.

Phía ngoài vẽ tổng quát nơi cất Quy Nguyên mật tập, bên trong chỉ vẽ riêng hang núi cất mật tập.

Lam Hải Bình giật mình đánh thót một cái, rồi quan sát ba ngọn núi chỗ con suối đổ xuống. Giòng suối đổ vào một tảng đá lớn, bắn tung ra một đám bọt nước, Lam Hải Bình nhìn mãi, vẫn không hiểu ý nghĩa gì.

Hy vọng ra khỏi trận hoa đã tiêu mất trong lòng, Lam Hải Bình ngồì im chẳng suy nghĩ gì nữa.

Thấy chẳng việc gì làm cho đỡ buồn, Lam Hải Bình mới đếm mấy giọt nước bắn ra để giết thì giờ nhàn rỗi.

Đếm lần đầu, Lam Hải Bình thấy chẳng có gì lạ, đợi đến khi đếm xong lần thứ ba ông mới thấy được tất cả những ý hàm chứa trong các giọt nước đó.

Thì ra các giọt nước bắn tung tóe kia, tất cả có chín ngàn chín trăm tám mươi mốt giọt, chia ra từng chín hàng. Tuy cách khoảng không đều nhau, nhưng mỗi một giọt nước hình dáng giống nhau và cùng một cỡ. Hàng ngũ tuy tréo qua tréo lại, nhưng không lộn xộn rất dễ nhìn ra.

Lam Hải Bình chẳng biết gì về trận ngũ hành, nhưng trong khi tuyệt vọng ông lại nảy sinh ra một ý nghĩ lạ lùng.

Ông liền đứng dậy, tay mặt nắm hạt Dạ minh châu, tay trái cầm Tạng Chánh đồ dựa theo dường lối của các giọt nước đang bay, bước sang trái năm bước, rồi quay sang bên phải bước bốn bước. Lại theo bản đồ, quay mình nửa vòng, bước chín bước nữa...

Đáng lẽ còn phải chiếu theo phương hướng quay mình năm lần, mỗi lần quay bốn mươi lăm độ. Đó chính là phương pháp hóa giải hoa trận. Nhưng vì Lam Hải Bình không biết về ngũ hành kỳ môn, phương vị lấy không đúng, nên phí nhiều thì giờ mà vẫn chưa ra khỏi trận.

Lam Hải Bình thất bại, nhưng vẫn không chịu bỏ qua.

Một lần chưa ra được, Lam Hải Bình liền thực hành một lần nữa, loay hoay độ một giờ thì ông thấy có một đám cỏ xanh trước mặt.

Lam Hải Bình nhìn lại thì thấy mình đẵ thoát được khỏi trận hoa rồi.

Ông ta nhìn vào trận cây, nhẩm đếm thì thấy tất cả chín ngàn chín trăm tám mươi mốt cây, so với số giọt nước thì vừa đúng.

Lam Hải Bình thấy thật khó tin được những cây hoa đó đã làm cho ông lúng túng cả nửa tháng. Nhưng sự thật hiển nhiên trước mắt làm cho ông lắc đầu cười thầm, tự nhủ :

- “May mà ta không bỏ mạng trong vườn hoa quái gở ấy!”

Thoạt nhiên ánh mắt Lam Hải Bình chạm vào Chu Kỳ và Khương Toàn nằm im trong trận cây hoa, ông giật mình kêu lớn :

- Chu huynh, Khương huynh, hai vị cũng xuống hang đá này sao?

Lam Hải Bình kêu to mấy tiếng nữa, nhưng Chu Kỳ và Khương Toàn đã chết từ mấy ngày rồi làm sao nghe được tiếng gọi của ông?

Ông định vào cứu hai người bạn đồng hành, nhưng nghĩ lại cảnh khốn khổ bị giam hãm trong trận mà lạnh mình. Ông chỉ thở dài một tiếng rồi quay mình đi thẳng.

Đi qua một đám cỏ rộng, đường đi thâu hẹp dần. Cuối con đường hẹp trên thềm đá trắng có hai cánh cửa cũng bằng đá.

Lam Hải Bình vận động lực đẩy mạnh một cái, cửa đá liền mở ra.

Trong cửa đá là một ngôi thạch thất rộng bằng ba căn phòng, hai bên thạch thất đều có đặt một phiến đá xanh. Trên hai phiến đá đó có một ni cô và một đạo nhân ngồi xoay mặt vào nhau.

Cả thạch thất đượm một mùi hương thơm huyền ảo.

Ngay giữa thạch thất có đặt một cái bàn bằng đá xanh, trên bàn có để một cái hộp bằng ngọc dài độ năm tấc.

Trước bàn là một cái lư bằng đá, trong lư toàn là tro hương màu trắng. Mùi hương lan khắp phòng là do tro hương này phát ra.

Lam Hải Bình nghĩ chắc một ni cô và một đạo nhân kia nhất định là hóa thân của Tam Âm thần ni và Thiên Cơ chân nhân. Nghĩ thế nên ông tỏ vẻ kính trọng, cúi mình xuống lạy ba lạy.

Lạy xong, Lam Hải Bình ngẩng đầu nhìn lên, thấy ni cô và đạo nhân vẫn nhắm mắt, chấp tay ngồi im trên hai phiến đá.

Lam Hải Bình thắc mắc tự nghĩ :

- “Hai vị tuyệt đại cao thủ võ lâm này đã thất tịch hàng mấy trăm năm rồi, tại sao thân thể vẫn như người sống, không hư chút nào? Không lẽ hai vị kỳ nhân này đều đã luyện thành kim cương bất diệt sao?”

Nghĩ đi nghĩ lại ông ta vẫn chẳng hiểu thêm được gì cả, bèn từ từ bước lại bên bàn đá.

Chỉ thấy trên nắm hộp ngọc có khắc tám chữ :

Mật tập trọng bảo, trân tích mạc tồn Lam Hải Bình là người ham mê võ nghệ đến độ điên cuồng, trong trí óc ông luôn luôn nghĩ đến việc làm sao luyện được tuyệt thế võ công, nhưng ông không thích tranh bá giang hồ, chỉ muốn nghiên cứu cho được cái kỳ bí của võ nghệ mà thôi.

Nay thấy được Quy Nguyên mật tập là điều Lam Hải Bình hằng mơ uớc, ông mừng rỡ vô cùng, vội đưa tay mở hộp ngọc ra.

Trong hộp có ba cuốn sách, ngoài ra còn có một viên linh đơn. Dưới linh đơn có một miếng giấy trắng, ghi mấy chữ :

Nhập thạch hữu duyên, đặc tặng linh đơn Lam Hải Bình đã mấy ngày không ăn, bụng đói như cào, vội lấy viên linh đơn nưốt ngay vào bụng.

Viên linh đơn này vừa vào khỏi cổ, Lam Hải Bình đã cảm thấy có một luồng hương thơm xông thẳng vào Đan điền. Một lát sau biến thành một luồng hơi nóng chạy khắp thân thể. Ông ta không những cảm thấy hết đói, mà tinh thần lại còn phấn khởi vô cùng.

Ông ta đưa tay vào hộp ngọc lấy miếng giấy trắng ra, bên dưới hiện ra bốn chữ : Quy Nguyên mật tập Quy Nguyên mật tập tất cả ba cuốn : thượng, trung và hạ.

Cuốn thượng nói về võ học, mở đầu gồm các môn Thủ pháp, nội ngoại công tu luyện, với Huyền Tông thổ nạp là phương pháp pháp môn trung thiện ngôi, đều ghi chú rõ ràng. Cả thiên hạ nội công hay, dở của các môn pháp, tốc thành, hoãn tấn, gồm cả mấy mươi chương, phân ra ba mươi sáu bài.

Cuốn trung ghi chép về quyền, chưởng, binh khí, chữa thương, điểm huyệt, giải huyệt, cầm nã. Các thứ thủ pháp, không có môn nào là không kỳ tuyệt. Mỗi một chiêu thế đều có ghi chú phương pháp hóa giải.

Lam Hải Bình mới xem qua có mấy tờ đã rúng động toàn thân...

Bây giờ ông mới thấy võ học của ông chẳng thấm vào đâu cả, so với các võ công ghi trong Quy Nguyên mật tập này.

Lam Hải Bình lật cuốn thứ ba thì thấy các điều ghi chú trong cuốn hạ này không liên quan gì đến hai cuốn trước. Toàn bài đều ghi một thứ nội công khẩu quyết. Mỗi chữ đều bác đại uyên thâm, mỗi câu đều chứa đựng huyền cơ hiểm hóc. Từ đầu đến cuối không ghi thêm một loại võ công nào nữa.

Chữ ghi ở mấy trang chót viết rất tháu, rõ ràng là người ghi chú đã cạn hơi sức, không thể viết hẳn hòi được...

Lam Hải Bình đọc qua ba cuốn sách. Quyển thượng và trung ghi về nội, ngoại công, quyền chưởng, binh khí, ám khí, thủ pháp tuy có nhiều chỗ không hiểu, nhưng Lam Hải Bình còn có thể biết đó là những tuyệt học. Riêng về cuốn thứ ba, ghi về nội công khẩu quyết, thì Lam Hải Bình hoàn toàn không hiểu gì cả, cảm thấy có nhiều chỗ ghi rất kỳ quái, không phải nói về huyệt đạo của thân người, cũng không có chỉ dẫn cách vận hành khí huyết.

Lam Hải Bình đọc qua một lần thấy chưa hiểu, nhưng khi đọc lần thứ hai lại cảm thấy lộn xộn, không biết ra sao mà nói được.

Thật ra các điều ghi chú trong cuốn hạ của Quy Nguyên mật tập này là những võ công kỳ tuyệt nhất. Trong đó gồm có Huyền Môn Nhất Nguyên Khí Công và Phật môn Ban Nhược thiền công. Nếu luyện được hai môn đó thì có thể đến độ xuất thần nhập hóa.

Phật môn Ban Nhược thiền công và Huyền Môn Nhất Nguyên Khí Công là để dưỡng sinh, luyện khí, chống được mọi bệnh tật, làm cho con người có thể cải lão hoàn đồng và dùng chân khí trong người hạ địch thủ một cách dễ dàng.

Nguyên Thiên Cơ chân nhân và Tam Âm thần ni hợp chép Quy Nguyên mật tập chỉ nghĩ hai cuốn thượng và hạ thôi. Nhưng sau vì Tam Âm thần ni luyện được Huyền Môn Nhất Nguyên Khí Công và Phật môn Ban Nhược thiền công nên hợp hai cuốn ấy thành một, đặt tên là Đại Ban Nhược huyền công ghi thêm thành cuốn mật tập thứ ba.

Ngày cuốn hạ hoàn thành thì tâm trí của hai người kiệt quệ, không còn đủ sức chống lại nội thương ác hóa trong người.

Lúc ấy Thiên Cơ chân nhân và Tam Âm thần ni biết ngày chết chẳng còn bao xa, tuy Huyền Môn Nhất Nguyên Khí Công và Phật môn Ban Nhược thiền công hợp lại có thể trị được nội thương, nhưng vì hai người đã hợp soạn Quy Nguyên mật tập hao tổn tinh thần quá nhiều, lại vì thời gian kéo dài quá lâu, bây giờ có biết cách chữa cũng không còn kịp nữa.

May nhờ hai người đã chuẩn bị đầy đủ các đồ vật trong phòng rồi. Thiên Cơ chân nhân dùng một hơi nguyên khí cuối cùng đóng cửa thạch thất lại. Tam Âm thần ni cất Quy Nguyên mật tập vào hộp ngọc, rồi đốt cỏ trong lư đá lên, và để lại một viên linh đơn. Xong đâu đấy mỗi người ngồi lên một phiến đá xanh. Một lúc sau khói trắng bốc lên từ lư đá, cả thạch thất đượm hương thơm huyền ảo đưa hồn hai vị võ học tôn sư vào cõi hư vô.

Nguyên cỏ thơm trong lư đá là một vật rất quý trong thiên hạ, có thể giữ cho xác người chết khỏi mục nát. Thứ cỏ này rất khó kiếm, nhưng vì lúc sinh thời Thiên Cơ chân nhân có một lần dạo chơi hải ngoại, vào trong hoang đảo tìm thấy được loại cỏ này. Thiên Cơ chân nhân là người bác học làu thông kim cổ, khi thấy cỏ thơm ấy, biết ngay đó là một thứ kỳ vật ngàn năm khó gặp, liền đem về núi để phòng khi chết bảo tồn thân xác.

Vì vậy nên hai người thất tịch từ mấy trăm năm mà thân xác vẫn nguyên vẹn như người sống.

Lại nói khi Lam Hải Bình đọc qua cuốn Quy Nguyên mật tập trừ cuốn hạ, Đại Ban Nhược huyền công là không hiểu, còn hai cuốn thượng, trung ghi chép về nội công, quyền kiếm, không có môn nào không phải là tuyệt học, thì mừng rỡ đến chảy nước mắt.

Ở mấy chương sau của cuốn thượng Quy Nguyên mật tập có ghi Phản Ngũ Hành Trận Pháp, cách xuất nhập giảng giải rất rõ ràng nên Lam Hải Bình xem qua hai lần là biết được cách giải trận hoa ngay.

Lam Hải Bình ở trong thạch thất mấy ngày, nhưng nhờ dùng được linh đơn của Tam Âm thần ni để lại nên không thấy mệt mỏi.

Hôm nay, Lam Hải Bình tự nhiên cảm thấy đói, tính ra thì đã vào trong hang này hơn hai mươi ngày rồi. Ông ngẩng đầu nhìn lên, thấy tay áo của Thiên Cơ chân nhân tự nhiên lay động, ông giật mình nghĩ thầm :

- “Thạch thất này là chốn an thân của hai vị võ học tôn sư, ta làm sao ở lâu trong này được”.

Lam Hải Bình lập tức ra khỏi thạch thất, xoay người đóng cửa đá lại. Lúc này Lam Hải Bình đã biết được biến ảo của hoa trận nên vào ra rất dễ dàng. Ông liền bước đến xác Chu Kỳ và Khương Toàn, thì xác hai nguời này đã nát rũ.

Lòng thấy cảm động, Lam Hải Bình thầm nói :

- “Nếu ta không được cái may trong Tạng Chánh đồ thì cũng khó thoát được trận hoa. Có lẽ bây giờ ta cũng như hai cái xác này mà thôi”.

Lam Hải Bình định dời xác Chu Kỳ và Khương Toàn ra ngoài trận, tìm một chỗ đất chôn cất, nhưng thấy bất tiện vì xác hai người hiện giờ chỉ còn là hai thây ma rửa nát, quá sức thối tha.

Lam Hải Bình liền bỏ mặc hai cái xác nằm đó, một mình ra khỏi trận. Thấy sợi dây mây vẫn còn, ông lập tức trèo lên khỏi hang.

Sau khi ra khỏi hang đá, Lam Hải Bình lại tìm vào trú nơi Bạch Vân Hiệp để nghiên cứu võ học trong cuốn thượng Quy Nguyên mật tập.

Bạch Vân Hiệp là một cái động đá rất rộng, bên trong chia ra làm năm phòng nhỏ, có một nơi dùng làm lò luyện linh đơn của Thiên Cơ chân nhân trước kia. Vì được nơi trú ẩn thuận tiện, Lam Hải Bình không còn lo lắng gì nữa, ngày đêm say mê nghiên cứu võ học.

Thời gian qua được mười năm.

Võ công của Lam Hải Bình tiến bộ rất nhiều. Không chỉ quyền, chưởng, binh khí thiên hạ khó người địch lại, mà cả những môn về Huyền Môn Nhất Nguyên Khí Công, ông cũng luyện được đôi phần khả quan.

Những võ công ghi trong Quy Nguyên mật tập vốn là thiên hạ võ học tinh hoa. Lam Hải Bình tuy đã khổ học mười năm, tiến bộ rất nhiều, nhưng cũng chỉ mới thâu thập được ba, bốn phần mười trong hai cuốn thượng và trung mà thôi.

Lam Hải Bình đột nhiên có ý nghĩ làm một cuốn Quy Nguyên mật tập giả để vào trong hộp ngọc, rồi đem Tạng Chánh đồ để nơi núi chỗ ngày xưa Thiên Cơ chân nhân đã cùng Tam Âm thần ni tỉ võ.

Sở dĩ ông làm như vậy là vì ông nghĩ rằng cuốn võ lâm kỳ thư này đã mấy trăm năm nay, không biết bao nhiêu võ lâm cao thủ vì nó mà bỏ mạng. Nếu như có người tìm ra Tạng Chánh đồ lần đến hang đá cất Quy Nguyên mật tập mà chỉ tìm thấy một cuốn sách bậy bạ thì họ sẽ thất vọng và không còn nuôi hy vọng chiếm đoạt kỳ thư nữa. Như thế chẳng tránh cho các cao thủ này khỏi vì Quy Nguyên mật tập mà đánh nhau gây xáo trộn trong giang hồ sao?

Sáng kiến của Lam Hải Bình kể cũng khá. Ông ta cố tạo ra một bộ Quy Nguyên mật tập giả để lừa thiên hạ. Nhưng tính ông ta quen khôi hài, sách vở đọc rất ít, nên khi cầm bút lên chẳng biết viết cái gì vào. Nghĩ một lúc thấy đau đầu, nên ông ta luôn tay vẽ đại vào nào là chim, tôm, cá, thú vật đủ cả. Nhưng vì ông vẽ không giỏi nên hình chỉ hơi giống thôi. Sau đó ông lại còn thêm vào đó mấy câu rất là hài hước nữa.

Sau khi Lam Hải Bình đem Quy Nguyên mật tập giả vào hang đá, thoạt thấy một con hạc trắng rất lớn đứng chận trước cửa thạch thất nơi an thân của Tạng Chánh đồ và Tam Âm thần ni.

Lam Hải Bình thấy con hạc trắng ngăn cản trước cửa đá, cũng chẳng nghĩ xem tại sao trong hang đá thăm thẳm này lại có sinh vật, liền quơ tay chụp con bạch hạc.

Không ngờ con bạch hạc tung đôi cánh nhanh như chớp bay vút lên. Chẳng những con hạc đã tránh được thế chụp của Lam Hải Bình mà còn dùng cánh quật trở lại, sức lực rất mạnh, làm tiếng gió kêu vù vù vang động cả hang đá.

Lam Hải Bình sững sờ, nhảy lui ra sau, hai tay chụp lia lịa liên tiếp năm lần.

Nhưng con hạc trắng rất lạnh lẹ, và hình như nó biết võ công. Nó tránh được cả năm thế bắt của Lam Hải Bình.

Thấy thế, Lam Hải Bình càng hứng thú, thét lên một tiếng, tung mình lên nhắm cổ con hạc chụp một cái.

Con hạc trắng liền hạ xuống thấp. Sau khi lách khỏi thế công của Lam Hải Bình, cánh mặt liền tung ra một đòn, nhắm lưng Lam Hải Bình đánh tới.

Cứ thế, người và hạc quây quần bên trận hoa. Đấu một lúc lâu, Lam Hải Bình thay đổi mười mấy kiểu bắt mà vẫn không làm sao chụp được con hạc kia.

Đấu thêm mấy hiệp nữa, Lam Hải Bình vẫn luôn chụp nhằm không khí. Ông tức giận thầm nghĩ :

- “Mười năm trước ta đã hạ được kẻ trộm vào hoàng cung rất dễ dàng. Bây giờ thêm mười năm luyện tập võ học của Quy Nguyên mật tập mà tại sao ta bắt không được con bạch hạc?”

Vừa đấu Lam Hải Bình vừa nghĩ đến các thế cầm nã ghi trong Quy Nguyên mật tập.

Ông nghĩ đến một thế bắt rất kỳ tuyệt, nhưng vì lo đối phó với những thế công chớp nhoáng của con bạch hạc, cho nên ông phân tâm không thể nhớ kỹ được.

Sốt ruột quá, nhưng càng gấp ông ta càng không nhớ ra bí quyết của thế bắt.

Người và hạc đấu thêm một trận, Lam Hải Bình thoạt nhiên ngồi xuống, ngầm vận chân lực, tay trái tung ra một chưởng. Chưởng phong vang ù ù khiến con hạc phải bay ra ngoài mấy trượng. Lợi dụng dịp ấy, tay mặt Lam Hải Bình lấy ra cuốn Quy Nguyên mật tập.

Suốt mười mấy năm nay, ngày đêm ông ta chuyên tâm đọc hai cuốn thượng và trung nên các thế võ ghi ở trang nào ông ta đều nhớ cả. Vì vậy khi lật ra ông đã tìm được ngay bài ghi về thủ pháp bắt chụp, trong đó có ghi một chiêu rất kỳ tuyệt là Giáng Long Phục Phụng.

Lam Hải Bình xem qua các yếu quyết, rồi cất kỳ thư vào mình, mắt chăm chú nhìn con hạc trắng, thầm vận chân khí chờ đợi.

Con bạch hạc thoát được chưởng thế của Lam Hải Bình, liền cất cánh phản công.

Lần này, Lam Hải Bình không dùng chưởng lực truy cản mà chỉ lách người qua một bên, tay trái tung ra một chiêu La Hán Phi Chữ đánh trước đầu bạch hạc cách chừng ba thước.

Thế công này rất đúng lúc, tay vừa tung ra, con bạc hạc liền tung ngay vào.

Con bạc hạc nhìn như biết thế công này rất nguy hiểm, ré lên một tiếng, hai cánh trầm xuống, cổ đưa dài ra, bay thẳng lên.

Lam Hải Bình rất mừng, thâu tay trái lại, nhảy thẳng về phía con hạc, tay mặt quơ ra bắt ngay hai đùi con bạch hạc.

Với thế võ ấy, bạch hạc đành chịu phép, không tránh né nổi nữa. Lam Hải Bình liền kéo mạnh xuống, tay trái nhanh như chớp lướt qua lưng con hạc trắng, nắm ngang cổ con hạc.

Lão thích chí cười ha hả, hai tay vận lực kéo mạnh xuống. Cổ và đùi con hạc đã bị kềm tỏa, nó chỉ dùng hai cánh để cự địch. Tiếp đó Lam Hải Bình lại kéo mạnh xuống một lần nữa, bụng hạc đã sát đất, hai cánh nó đập lên đập xuống, làm cho đá sỏi bay tung loạn ra.

Lam Hải Bình chờ khi bạch hạc đuối sức, mới buông tay, nhảy ra xa.